Bài báo này được viết
dựa trên những dữ kiện của đời sống dăm bảy năm trước. Song tôi vẫn muốn trình
ra với bạn đọc của năm 2015. Bởi những biến động mà chúng ta quan sát
thấy ở các lễ hội năm nay chẳng qua chỉ là đẩy nhanh hơn quá trình đã diễn ra
từ nhiều năm trước.
Vấn đề không chỉ ở tính
bạo lực đã bộc lộ quá rõ rệt.
Chúng ta đang có những
lễ hội xấu xí.
Mà lễ hội chỉ là mô hình
thu nhỏ của đời sống.
Ở số báo Người
đưa tin Unesco số ra tháng hai 1989, với tiêu đề Lễ hội nơi nơi, tôi
đọc được một nhận xét tổng quát : Từ đông sang Tây, gần như ở tất cả
các xã hội đã và vẫn đang còn hội hè đình đám. Tại sao? Bởi thế giới này hỗn
độn đến cùng nên nhất thiết cần trật tự, -- một lễ hội được coi như có lý do
tồn tại khi để lại trong con người tham gia cái dư vị có sức ám ảnh đó.
Thế còn ở ta, ở người Việt ta hôm nay, thì sao?
Báo Tuổi
trẻ 18-2-2011 chạy trên trang nhất cái tít: Thảm hại lễ hội.
Những chữ được dùng trong các phản hồi: vô văn hóa, cuồng tín, lố bịch,
nhảm nhí, mê muội.
Tại sao lại
có tình trạng như vậy?
Câu
trả lời chung nhất trong trường hợp này chỉ có thể là sự giống nhau giữa lễ hội và
đời sống .
Lễ
hội là một thứ mô hình đời sống thu nhỏ. Chúng ta đến với nó trong cái bối rối
của những người đang đứng trước một tương lai vô định.Trong lúc cuống cuồng
vượt lên để theo đuổi cái ảo ảnh phía trước, ta sẵn sàng chen chúc nhau giẫm
đạp lên nhau, lừa lọc nhau, miễn cảm giác là mình được sống.
Với những
đám đông hỗn độn, lễ hội là điển hình của tình trạng tự phát bản năng của đời
sống người Việt.
Lễ hội hôm
nay đang mất thiêng vì bao nhiêu phương diện khác nhau của đời sống đang bị hả
hơi và nhiều khi người ta phải tự dối lòng để khỏi kêu thật to khi, -- mỗi ngày một chút -- , âm thầm nhận ra sự mất mát lớn lao đó.
Tại sao, hết hội này đến hội khác, chúng ta đua
đả nhau để đi bằng được? Vì biết bao việc hàng ngày ta làm đâu có hiểu vì sao
mà làm, đúng ra là chỉ nhắm mắt đưa chân theo nhau, yên tâm làm vì có bao
nhiêu người đang làm như mình.
Tại sao đi hội cứ phải kèm theo mua bán ăn uống
hưởng thụ chơi bời hưởng lạc?
Trong
số báo Người đưa tin Unesco nói trên, một nhà nghiên cứu
văn hóa đã lý giải Lễ hội vừa hoan lạc vừa có tính chất
lễ nghi. Lễ hội hòa giải những điều trái ngược. Lễ hội liên kết những gì mà
dòng ngày tháng có xu hướng muốn tách rời— nghiêm trang và lêu lổng, tôn giáo
và phàm tục, tàn phá và phục hồi. Trong khi đi tìm cái thiêng liêng, nhiều khi
lễ hội chẳng khác gì một cuộc truy hoan phóng đãng.
Kinh
doanh và lễ hội. Tại sao trong lúc làm những công việc mà người ta tin là cao cả thiêng liêng, cái lòng ham muốn xoay xỏa kiếm chác cứ đồng hành cùng con người và len vào làm nên
một phần hồn cốt và cái vẻ hấp dẫn riêng của lễ hội?
Không khó
khăn gì để trả lời câu hỏi này cả.
Khi thói quen mua bán đã là một thứ khí hậu của đời sống con người trên mảnh đất muôn đời nghèo khổ là đồng bằng Bắc bộ này, thì chúng ta sẽ mang nó vào mọi khu vực của đời sống.
Lễ hội cũng phải vụ lợi. Tránh đâu cho thoát?
Cái sự buôn thần bán thánh ở đây chỉ là tiếp tục các vụ mua quan bán chức mua
bằng bán học vị ngoài đời. Đến các buổi tập thể dục buổi sáng ở các công
viên cũng có chợ nữa là ở đây. Một tờ báo đã khái quát nay là thời toàn dân vào
cầu cả nước đánh quả. Làm sao lễ hội có thể nằm ngoài cái xu hướng nói
chung đó?
Nhiều khi chúng ta sống bằng cách khai thác những lầm lạc mê muội của người
khác. Với một bộ phận cư dân các làng nghề, mỗi mùa lễ hội là một vụ làm ăn.
Nhiều địa phương sở dĩ tha thiết với việc xin được cấp trên công nhận di tích
địa phương mình vì có thể vất vả một hai tháng mà sống cả năm.
Người ta
giẫm đạp lên đồng tiền. Người ta nhét tiền vào bất cứ chỗ nào được cho là
thiêng liêng. Trong thái độ tự khinh rẻ thành quả lao động của mình, người ta
đang chứng tỏ rằng với tư cách là điểm tận cùng của phàm tục, cái tinh thần hư vô theo nghĩa xấu nhất đã bắt
đầu xuất hiện.
Những điệu múa đơn sơ và giống nhau. Những điệu nhạc pha tạp. Những chi tiết
trang trí lô lăng và cẩu thả, những ngôi chùa tối tăm, xấu xí … Lễ hội tố cáo
chúng ta có một cuộc sống nghèo nàn và để che giấu cái sự nghèo đó nhiều người
sẵn sàng nhắc đi nhắc lại đến ngàn lần không chán rằng chúng ta rất giầu có rất
hạnh phúc.
Tại sao chỗ nào cũng thấy kêu về những ban tổ chức chỉ có trình độ làng xã, -
chỉ lo săp xếp một cái bãi trông xe và quản mấy trật tự viên cũng không
xong -- lại nhất quyết dành lấy cái quyền long trọng là đối thoại với tổ
tiên với thần thánh ?
Có
gì lạ đâu, có bao nhiêu việc hàng ngày -- nhỏ thì như tổ chức giao thông an
toàn cấm hút thuốc lá, lớn lao hơn thì như kéo con người vào sự học hành tử tế,
sản xuất làm ăn hơn là buôn gian bán lận -- các vị tai to mặt lớn bằng mấy đâu
có làm nổi?
8000 là con số lễ hội diễn ra cùng lúc trên toàn
quốc. Tính trung bình mỗi ngày có 20 lễ hội. Người đưa ra con số ấy bắt đầu gợi
ý chúng một sự bùng nổ trên phạm vi số lượng giống như sự phát phì,
sự làm hàng giả tràn lan trong cái hoạt động tâm linh này.
Lại nhớ từ
xưa, mà nhất là thời chiến tranh liên miên như thuở Trịnh Nguyễn phân tranh
Đàng Trong Đàng Ngoài, rất nhiều đền chùa mọc lên đến mức sau khi lên ngôi,
Quang Trung đã có lệnh là phải soát xét lại để xóa bỏ các dâm từ.
Hoặc
ngay từ thời đánh xong quân Minh, Lê Lợi cũng cho kiểm tra lại các chùa nếu
chùa nào sư mô không đủ trình độ thì bắt phải hoàn tục.
Xô bồ
và hỗn loạn đã bành trướng đến mức là phải gạn lọc, nhiều người gặp nhau trong
ý nghĩ đó. Nhưng lễ hội làm sao có thể thực hiện cái việc mọi lĩnh vực khác bất
lực.
Đã
bắt đầu có ý kiến rằng phải hạn chế lễ hội.
Nhưng
mùa xuân sang năm tôi đoán là sẽ gặp lại tất cả không khí lễ hội của mùa xuân
này với những lời kêu ca phàn nàn những sự phiền trách và xấu hổ. Cuộc sống
đang trên cái mạch của nó, chưa thấy dấu hiệu gì là nó có thể khác. Nhận thức
của chúng ta chưa có chuyển biến. Ta luôn luôn tự hào chúng ta là văn hóa văn
minh. Ta đang vùi đầu vào việc sùng bái quá khứ. Thì làm sao lễ hội có thể
khác?
Đưa lại trên blog này ngày 26-2-11 dưới nhan đề
Lễ hội : mô hình thu nhỏ của đời sống.
Lễ hội thế nào thì xã hội thế ấy !
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
03:11
Rating:
Không có nhận xét nào: