NATALIE PORTER BÌNH LUẬN TÁC PHẨM SAIGON’S EDGE: ON THE MARGIN OF HO CHI MINH CITY (SÀI GÒN VÙNG GIÁP RANH: NHỮNG CÂU CHUYỆN NGOÀI RÌA)

clip_image001

Qua một góc nhìn mới mẻ về trải nghiệm đô thị hóa của cư dân ở rìa thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Erik Harms khám phá những “giao lộ nhập nhằng” giữa sự hình thành của những không gian cụ thể và mang tính biểu tượng, với những quan niệm của người Việt Nam về không gian xã hội, về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị và về hai khái niệm “nội thành” và “ngoại thành.”

For the original English version of this article, click here.

Have you subscribed to diaCRITICS yet? Subscribe and win prizes! Read more details.

clip_image002

Cư dân vùng rìa thành phố Hồ Chí Minh, Erik Harms viết, như nằm trên một lưỡi dao. “Con dao hai lưỡi này đôi lúc cắt vào những thiết chế quyền lực, đôi lúc lại làm tổn thương chính người cầm nó.” Saigon’s Edge là một câu truyện đầy thuyết phục về quá trình phát triển và đô thị hóa diễn ra tại vùng rìa thành phố lớn nhất Việt Nam. Vận dụng triệt để dữ liệu từ các nghiên cứu dân tộc học, Harms mang lại một góc nhìn vào cách thức cư dân huyện Hóc Môn xoay xở, thương lượng địa vị của mình giữa những phạm trù xã hội tưởng chừng hoàn hảo, rạch ròi. Theo Harms, cư dân Hóc Môn không nằm hoàn toàn về một bên của làn ranh biểu tượng nội thành/ngoại thành hay nông thôn/thành thị. Thay vào đó, họ rơi vào vị trí nửa nạc nữa mỡ rất khó xử. Nhưng thay vì phủ định những cặp đối lập trừu tượng trên, Harms xem xét tính khả thi, hữu dụng của chúng trong việc hình dung và hệ thống đời sống xã hội Việt Nam đương đại. Đây chính là điểm nhấn của Saigon’s Edge, nó không phải là một tác phẩm theo chủ nghĩa hậu cấu trúc vốn chỉ nhằm lột trần và bác bỏ những cặp đối lập lý tưởng. Dù Harms đã minh họa rõ “điều gì sẽ xảy ra khi hiện tại và ảo mộng không đi đôi với nhau” (tr.26), trọng tâm của tác phẩm vẫn là xoay quanh việc tái lập các cặp đối lập nông thôn-thành thị, nội thành-ngoại thành qua những hoạt động, hành vi trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, tác phẩm mang lại cho những nhà nghiên cứu nhân chủng học, Đông Nam Á, Đô thị học, và cả những ai quan tâm đến xã hội Việt Nam một cái nhìn mới mẻ về trải nghiệm đô thị hóa của cư dân vùng rìa.

Cấu trúc của tác phẩm phản ánh lập luận mấu chốt của nó về những mối quan hệ giữa những phạm trù xã hội lý tưởng và thực tế cuộc sống hằng ngày tại Việt Nam. Phần Một giảng giải khái niệm “giằng xé”, một từ Harms dùng để miêu tả cách quá trình bị đẩy ra ngoài rìa đem đến một cảm giác đầy mâu thuẫn trong lòng người dân Hóc Môn. Một mặt, họ cảm thấy mình là một phần không thể thiếu. Mặt khác, họ cảm thấy mình bị bỏ quên trong những dự án phát triển hướng đến tương lai của Việt Nam. Chương 1 định vị Hóc Môn trong bối cảnh các dòng chảy tiền tệ, thương mại và nông nghiệp xuyên quốc gia. Harms cho thấy trong khi thành phố Hồ Chí Minh dần dần lột xác thành một thị trường toàn cầu mới, chính những đổi thay bên trong và xung quanh “tiền đồn kinh tế của Việt Nam” này đã biến những quận huyện ngoài rìa thành những không gian nông thôn thành thị lẫn lộn, chứa đầy cơ hội, khả năng chủ động cũng như rủi ro và sự mỏng manh. Tại chính vùng rìa này, cư dân Hóc Môn buộc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt.” Họ chấp nhận và tìm cách khai thác giai đoạn trung gian trong quá trình biến chuyển đô thị vui buồn lẫn lộn này. Trong một trong những đoạn lý luận thuyết phục nhất của tác phẩm, Harms vay mượn từ những nghiên cứu “mở đường” của Lương Văn Hy nhằm ủng hộ kết luận rằng mỗi cá nhân ở nội thành và ngoại thành đều thương lượng vị trí tay đôi của mình qua những cách thức mô phỏng chính những mối quan hệ họ hàng thân thích đầy mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam. Nếu dòng dõi của nhà chồng, tức bên nội, dựa vào dòng dõi của nhà vợ, tức bên ngoại, để có “cháu nối dõi”, thành phố Hồ Chí Minh cũng cần dựa vào những quận huyện ngoại thành để tiếp tục tồn tại. Cư dân Hóc Môn vừa “nuôi dưỡng” thành phố, vừa đồng thời không được coi là một phần của thành phố. Nhưng cũng như chính mâu thuẫn về mặt cấu trúc cho phép những thành viên trong gia đình uốn nắn những mối quan hệ với nhau, những mâu thuẫn này cũng tạo ra cơ hội luồng lái những cặp đối lập về mặt không gian. Harms đã xuất xắc vận dụng những chi tiết mang tính mô tả dân tộc học trong chương này để cho thấy cách người ta đã khéo léo trình diễn đặc tính “nông thôn” như thế nào. Mặc áo bà ba và đeo đòn gánh trong thành phố cho phép phụ nữ vừa lợi dụng những đặc tính văn hóa rập khuôn đề cao người dân nông thôn, vừa giữ khoảng cách với chính hình tượng lạc hậu đó.

Thật vậy, “chính sức mạnh và địa vị người ngoài cuộc đã cùng nhau tạo nên đặc trưng của vùng rìa.” Chương 2 mô tả không gian như một sản phẩm của những cuộc mặc cả, những thỏa thuận và những cuộc trao đổi trong xã hội. Có người sẽ thành công hơn kẻ khác trong quá trình thương lượng này, và Harms cho thấy rõ những trải nghiệm cuộc sống khác nhau của những người dân vùng rìa ở những vị trí quyền lực khác nhau. Dựa vào các lý luận của các lý thuyết gia như Mary Douglas và Victor Turner, Harms kết luận rằng vị trí chông chênh giữa lằn ranh nông thôn và thành thị của Hóc Môn làm nảy sinh cả quyền lực lẫn sự nguy hiểm. Việc tận dụng đặc điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng uốn nắn các phạm trù trên của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày. Bằng việc thuật lại hai trải nghiệm sống khác nhau của hai người bạn cùng trú tại Hóc Môn, Harms lập luận đầy thuyết phục rằng khả năng “đi xuyên” qua những không gian xã hội, tức khả năng đi từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài thành phố và rộng hơn là đi trong Việt Nam và ra ngoài Việt Nam, cung cấp cho các cá nhân những nguồn lực thiết yếu để gây ảnh hưởng. Nói đơn giản, tùy thuộc vào độ linh hoạt của một cá nhân, bản chất “con dao hai lưỡi” của Hóc Môn có thể đem lại sự lạc quan hay sự tuyệt vọng.

Phần Hai của tác phẩm tập trung bàn luận khía cạnh thời gian. Trong phần này, Harms giải thích một khái niệm đặc trưng của Việt Nam về thời gian đến từ sự kết hợp giữa tư thế hướng đến tương lai và sự hoài niệm quá khứ. Tác giả cho rằng “việc đặt câu hỏi Hóc Môn nằm ở đâu trong không gian cũng đồng nghĩa với việc đặt câu hỏi Hóc Môn nằm ở đâu trên trục thời gian” (tr. 90). Chương 3 xem xét cách thức những cuộc bàn cãi qua lại trong nước [hay diễn ngôn thông dụng, national discourses] về sự phát triển tuyến tính, luôn luôn tiến về phía trước, đã gán ghép những khung thời gian nhất định với những loại người và địa điểm nhất định. Tại Việt Nam, những mô tả trong văn hóa đại chúng cũng như trong giới hàn lâm về một thời kỳ “nông thôn” bất di dịch đã đặt những người dân sinh sống ở nông thôn vào một kỷ nguyên xuất hiện trước những khung thời gian trong xã hội tư bản đương thời. Sự liên hệ trên đã làm cho cư dân Hóc Môn cảm thấy mình luôn nằm ngoài rìa sự phát triển, luôn phải cố gắng bắt kịp hiện tại. Tuy nhiên, Harms cho thấy những người sinh sống ở “nông thôn” và những người “nông dân” lại có thể dễ dàng dịch chuyển qua lại giữa những thang thời gian khác nhau. Cư dân Hóc Môn là những chuyên gia “hai thời điểm”. Họ đồng thời tôn vinh quá khứ và tương lai, và vận dụng một cách có chiến lược những biểu tượng của nông thôn và thành thị để xây dựng hình ảnh huyện Hóc Môn như một tượng đài chói sáng của cả truyền thống lẫn hiện đại. Không những thế, Harms còn cho thấy lối suy nghĩ “hai thời điểm” này phản ánh cảm giác nửa chào mừng nửa e sợ trong xã hội Việt Nam trước làn sóng hiện đại hóa, như cách những mô típ lặp đi lặp lại trong văn hóa nghệ thuật dựng lên hình ảnh một đất nước đứng trước ngưỡng cửa sự phát triển và đồng thời hình dung nó như một cái nôi truyền thống bị đe dọa bởi sự phát triển.

__________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không?
Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.
Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.

__________________________________________________________

Chương 4 tìm hiểu những hệ lụy của việc đung đưa qua lại giữa các khoảng không gian và mốc thời gian. Dựa trên những nghiên cứu lý luận của Philip Taylor, Harms lập luận rằng những làn ranh chia rẽ về mặt xã hội quan trọng nhất ở Hóc Môn không nằm giữa những ai nghiêng về thang thời gian nông thôn và những ai nghiêng về thang thời gian thành thị. Đúng hơn, những ranh giới ấy lại chia rẽ những ai có khả năng uốn nắn tận dụng nhiều khung thời gian khác nhau với những ai bị chính những khung thời gian đó điều khiển. Harms mô tả những cư dân từ chối tuân theo nhịp độ của một ngày làm việc bình thường. Thay vào đó, họ vận dụng vị trí nằm rìa của mình để “đi ra đi vào” trong nền kinh tế làm công ăn lương. Khả năng linh động này cho phép họ tái tạo những mối quan hệ xã hội vốn hoàn toàn lệ thuộc vào những cách sử dụng thời gian khác nhau. Lại có những bộ phận dân cư khác ở ngoài rìa thành phố chọn tuân theo khung thời gian công nghiệp và tham gia vào các hoạt động sản xuất trong nhà máy nhằm sản sinh tư bản về cả mặt vật chất lẫn tinh thần bên ngoài nơi cư trú. Trong một đoạn thảo luận thú vị và tường tận đậm chất nhân chủng học, Harms cho thấy những phương thức sử dụng thời gian trên phụ thuộc vào mối quan hệ uyển chuyển của chính một cá nhân với chế độ phụ hệ tại gia. Quay lại bàn luận về quan hệ thân thích, Harms lập luận đầy thuyết phục rằng những cơ hội kinh tế tại vùng rìa cho phép một vài cá nhân tự thoát ra “từ bên trong” vòng kềm cặp của đơn vị sản xuất gia đình theo chế độ phụ hệ, và cho phép những số khác huy động những mối quan hệ họ hàng song phương “từ bên ngoài” để theo đuổi nghề nghiệp trong các lĩnh vực mới. Khả năng dịch chuyển giữa không gian “bên ngoài” hướng về tương lai và không gian “bên trong” hướng về truyền thống, theo Harms, chính là nhân tố cho phép mỗi cá nhân tác động lên cuộc sống xung quanh mình.

Phần Ba chứa đựng phần nghiên cứu dân tộc học đồ sộ nhất của tác phẩm. Trong đó, Harms cho người đọc trải nghiệm quá trình đô thị hóa diễn ra tại Hóc Môn qua chính con mắt, cảm nhận, và những hệ lụy mà người dân ở đây phải hứng chịu. Chính ở trong phần này mà những điểm đặc thù của cuộc sống vùng rìa được cảm nhận một cách sâu đậm nhất, bi kịch nhất. Chương 5 thuật lại chi tiết về tiến độ phát triển của đường cao tốc Xuyên Á nhằm đúc kết vai trò chủ chốt của đường xá trong việc sắp xếp hệ thống không gian xã hội tại Việt Nam. Nằm tại trọng tâm của giả thuyết này là việc hình dung những con đường trong tình trạng “đang hình thành”, và Harms cho thấy quá trình biến chuyển về mặt cơ sở hạ tầng cũng đồng thời giao cắt với những biến chuyển không ngừng trong cuộc sống. Mặc dù những nhà quy hoạch đô thị có thể hình dung dòng chảy giao thông như một đường thẳng chạy từ điểm A đến điểm B, nhưng sẽ luôn xuất hiện những đường thẳng khác, những hình thù xã hội khác trong cuộc sống làm cản trở kế hoạch của họ. Điểm mạnh của chương này nằm ở những mô tả tinh tế về cuộc vật lộn hằng ngày của mỗi người dân nhằm thích nghi với và tận dụng những dự án phát triển hạ tầng giao thông. Một lần nữa, tương tự như những địa điểm khác nằm trên vùng rìa, một vài người sẽ có khả năng lèo lái trên đường cao tốc tốt hơn người khác, và người đọc sẽ đụng độ một cảm giác bất an luôn đi đôi với cuộc đua về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đến cái đích hiện đại. Trong khi một vài người dân tác động lên những cung đường thông qua những hành vi và hoạt động kinh tế công khai, số khác lại bị tác động bởi những cung đường thông qua tai nạn giao thông và quá trình bị đẩy ra ngoài rìa về mặt không gian. Tại đây, đường xá trở thành một vùng trung gian, nơi chứa đựng cả sự mỹ miều cũng như sự dơ bẩn, sự quy tụ cũng như sự cô lập, cơ hội cũng như sự mỏng manh. “Sức mạnh của những tuyến đường, như bản thân huyện Hóc Môn, được bộc lộ qua cách người dân sử dụng chúng để vượt lên trên những giới hạn không gian và thời gian” (tr. 183).

Chương phân tích cuối đặt quá trình phát triển đô thị vào bối cảnh chính trị xung quanh. Harms giải thích cách chính quyền kết hợp sức mạnh ý thức hệ và thế mạnh vật chất trong tham vọng văn minh hóa toàn quốc của mình. Trong chương này Harms định vị quá trình phát triển đô thị đương thời trong một bối cảnh lịch sử nhất định mà trong đó, những chiến lược cai quản đã từ lâu có mối quan hệ mật thiến đến sự kiểm soát không gian, và những quận huyện ngoại thành vẫn thường là nơi chứa đầy mâu thuẫn và biến chuyển về mặt xã hội. Harms thuật lại “nghịch lý trong cuộc cách mạng nông thôn” ở Việt Nam vốn, tương tự như các mô hình về quan hệ thân thích hay không gian, phụ thuộc vào một tầng lớp nông dân nằm bên ngoài để thành công, nhưng cũng đồng thời loại bỏ chính tầng lớp đó ra khỏi vòng tròn kinh tế thành thị khép kín. Hình mẫu biến chuyển xã hội lý tưởng trên hoàn toàn phụ thuộc vào việc duy trì sự khác biệt, tức vào việc hạn chế tham vọng của tầng lớp nông dân và việc gìn giữ những tương tác quy củ giữa nông thôn và thành thị. Nhưng chính sự phân chia về mặt tư tưởng này lại không ăn nhập với thực tế cuộc sống mà trong đó, nền kinh tế và xã hội Việt Nam lại dựa trên sự mập mờ giữa nông thôn và thành thị. Vị trí “chân ngoài chân trong”, nửa văn minh thành thị, nửa nông thôn lạc hậu, đã biến những cư dân tại vùng rìa Sài Gòn thành những người ủng hộ đồng thời là những mối đe dọa đến một hình mẫu tiến bộ xã hội lý tưởng. Tùy thuộc vào cách họ tác động vào không gian và thời gian, cư dân huyện Hóc Môn hoặc có thể chắp cánh cho giấc mơ thành thị văn minh, hoặc có thể phản kháng bằng cách bám víu lấy một nông thôn lạc hậu. Tại đây, một lần nữa Harms lại chỉ ra bản chất “con dao hai lưỡi” về mặt xã hội tại vùng rìa và cho thấy nó có khả năng “sát thương” không chỉ những đối tượng nằm ngoài những dự án phát triển đô thị, mà cả những thiết chế quyền lực bao trùm lên mọi thứ.

Trong những lời đầu tiên, Harms đã nói rõ “mục tiêu chính của tác phẩm chỉ đơn thuần mang tính nghiên cứu dân tộc học” (tr. 3). Thật vậy, toàn bộ tác phẩm là một lát cắt tinh tế về cuộc sống sinh hoạt và lao động hằng ngày của cư dân Hóc Môn, giúp hé lộ ra những cá nhân đang bận rộn xác định phương hướng trong những chiều không gian và khung thời gian khác nhau nhằm theo đuổi những mục tiêu của mình. Ấy vậy mà trong chương cuối, Harms lại xác nhận rằng những mô tả của mình về những tác động của quá trình đô thị hóa không phải là tất cả. Thông qua việc nhấn mạnh yếu tố dân tộc học, Harms đưa ra một nhận định sâu sắc theo chủ nghĩa cấu trúc nhằm phê phán cách những mô típ về sự tiến bộ và phát triển được tuyên truyền trên toàn quốc và những định kiến về mặt văn hóa thu nhận nhưng lại đồng thời loại trừ một bộ phận dân cư ra khỏi những trục đường phát triển đô thị. Harms kiên quyết từ chối vạch ra những đối lập rõ rệt giữa đường lối nhà nước và hành động cá nhân, mà thay vào đó lại trung thành với những quan sát mang tính dân tộc học của mình để phác họa nên một bức tranh chân thật về cuộc sống vùng rìa. Mặc dù điểm mạnh của tác phầm nằm ở độ gần gũi của nó với thực tế Việt Nam, nó cũng phần nào phản ánh quá trình biến chuyển về mặt không gian diễn ra xuyên suốt Đông Nam Á và những khu vực khác. Nói rõ hơn, nó đưa ra một phân tích tinh tế về cách việc hình dung xã hội qua các cặp phạm trù đối lập, tuy chứa đựng nhiều điểm không nhất quán, vẫn tiếp tục định hình những quá trình phát triển đô thị phức tạp trên toàn cầu. Vì vậy, tác phẩm Saigon’s Edge là một tác phẩm thiết yếu không chỉ đối với các nhà nghiên cứu nhân chủng học Việt Nam, mà còn đối với bất kỳ độc giả nào quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và phát triển.

Người dịch: T.K.

Natalie Porter là giáo sư nhân chủng học (hàm Assistant Professor) hiện giảng dạy tại đại học New Hampshire. Bà cũng là một thành viên của Viện nghiên cứu Khoa học, Cải tiến và Xã hội thuộc đại học Oxford. Bà tập trung nghiên cứu cơ chế quyền lực trong các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, đặc biệt là cúm gia cầm.

clip_image004Erik Harms là một nhà nhân chủng học nghiêng về mảng xã hội-văn hóa vùng Đông Nam Á và Việt Nam. Những nghiên cứu mang tính mô tả dân tộc học về Việt Nam của ông tập trung vào những tác động về mặt xã hội và văn hóa tại vùng rìa Sài Gòn do quá trình đô thị hóa sinh ra. Tác phẩm, Saigon’s Edge: On the Margins of Ho Chi Minh City (Do đại học Minnesota xuất bản năm 2011), khám phá những “giao lộ nhập nhằng” giữa sự hình thành của những không gian cụ thể và mang tính biểu tượng, với những quan niệm của người Việt Nam về không gian xã hội, về mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị và về hai khái niệm “nội thành” và “ngoại thành.”

__________________________________________________________

Bạn có thích đọc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhận bài ở đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn.

Nguồn: http://diacritics.org/?p=26964

NATALIE PORTER BÌNH LUẬN TÁC PHẨM SAIGON’S EDGE: ON THE MARGIN OF HO CHI MINH CITY (SÀI GÒN VÙNG GIÁP RANH: NHỮNG CÂU CHUYỆN NGOÀI RÌA) NATALIE PORTER BÌNH LUẬN TÁC PHẨM SAIGON’S EDGE: ON THE MARGIN OF HO CHI MINH CITY (SÀI GÒN VÙNG GIÁP RANH: NHỮNG CÂU CHUYỆN NGOÀI RÌA) Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:55 Rating: 5

Không có nhận xét nào: