Đường tới chốn không lời

Truyện Châu Diên

Hai người theo vết chân nhau đi ngược lên quả núi đá vôi có những hỏm đất tơi xốp mọc đủ loại cây, cả cây rừng chưa bị chặt phá hết xen lẫn cây ăn quả mới trồng đang chờ ra quả, đúng là một vùng sơn địa đang khai thác. Hai người một già một trẻ đang say sưa giữa câu chuyện nửa tục nửa thanh. Có gì đâu, quan hệ giữa hai người là về công việc bài vở báo chí viết lách, nhưng ngoài ra họ còn có quan hệ nơi bể bơi. Cô gái đã vặn hỏi ông già, “Khi đi bơi với chúng cháu, có khi nào bác có những ý nghĩ vớ vẩn không?”. Bác già đang vịn vào một nhánh cây mềm oặt để leo lên một bậc dốc, vừa ngập ngừng tìm lời diễn đạt một ý tưởng sao cho thanh và thoát. Cô gái quay lại, tay như chìa ra đón người bạn già lên theo, giọng khuyến khích:

-Bác yên tâm đi, bác chưa biết rõ trích ngang của lũ chúng cháu đâu, thế hệ tuổi mười bốn phẩy hai đấy ạ…(*)

-Là tuổi gì vậy?

Cô gái ngoẹo cổ cười:

-Hoá ra bác chưa đọc báo cáo khảo sát mới nhất của Uỷ ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em…

Vào đúng lúc ấy, ngước mắt lên lại thấy một chuyện hoàn toàn chẳng thanh chẳng tục. Một cái vệt màu vàng như chiếc áo cà sa được ai đó từ trời cao ném xuống giữa miền xanh lá. Cô gái giải thích cho bác gìà:

-Một cái am đấy, bác ạ.

-Có người ở không?

-Có chứ, có một ông già trạc tuổi bác.

-Sư à?

-Không sư mới lạ!

-Ở một mình à?

-Vâng, một mình, bác có dám một thân một mình lên ở đó cho đến khi nhắm mắt xuôi tay không?

-Không!

Bác già đáp gọn lỏn. Cô gái buông một nhận xét:

-Thảo nào! Lúc nãy dưới đò cháu thấy bác ngắm cô lái đò hơi bị kỹ.

Bác già chẳng hề tỏ ra một chút gì lúng túng, bác nói với cô gái:

-Quan sát các các cô lái đò đều thấy họ có một điểm giống nhau, cháu có biết đó là gì không?

-Xinh…

-Không phải. Xinh với người này, nhưng lại không xinh với người nọ. Không có cái xinh chung cho tất cả mọi người.

-Có duyên…

-Cái duyên cũng vậy…

-Theo bác đó là nét đặc biệt gì?

-Các cô lái đò đều có một cái vẻ im lặng rất giống nhau. Dân đi đò trò chuyện tán tỉnh đến thế nào thì đáp lại họ các cô lái đò cũng chỉ im lặng.

Cô gái trẻ đồng hành lấy tay chỉ lên cái am nằm ngang lưng núi, nói như để tiếp nối vào chuyện về các cô lái đò:

-Trên am kia thì lại có một người cả đời trót nói quá nhiều, bây giờ về già lại tìm lên núi sống một mình để được nói ít.

-Nói ít hay không nói nữa?

-Nói ít, chứ ông này thì cháu biết, ông có thể nhịn ăn, nhưng không thể nhịn nói. Ngừng nói là ông ấy chết tươi!

-Sao cháu lại quen biết ông ta?

-Cháu làm báo, nên đã từng gặp ông khi ông còn đương chức. Rồi còn gặp ông quan liêu tốt bụng đó hai ba lần gì đó. Rồi chuyện buồn trong gia đình, nào có ai giàu ba họ, cũng chẳng ai khó ba đời. Có tiền là dễ, giữ tiền lại khó. Có hạnh phúc thì chẳng khó lắm, nhưng giữ gìn hạnh phúc thì khó ghê người.

-Và ông lên đây để tìm cái gì và nhịn cái gì?

-Bác sẽ gặp một người và bác sẽ đoán định lấy… Là nói, nếu bác cháu mình sẽ vào thăm cái am của ông ấy. Bác cháu mình leo lên đó nhé?

-Cũng hay đấy nhỉ! Gặp được hẳn một người nhịn nói!

***

Đoàn người tập trung ở cửa Bưu điện thành phố rồi xuất phát lúc sáu giờ sáng ngày chủ nhật. Sáng kiến là từ cô bạn gái vong niên của bác già. Họ gặp nhau bàn công việc bản thảo. Rồi cô gái nói, lúc đầu cứ như thể chuyện đẩu đầu đâu:

-Bác có biết không… Đi qua Hà Đông, rẽ trái, rồi đi vài bốn chục cây số, rẽ phải, sau đó đi thuyền qua một đầm sen đầy hoa đầy gió, rồi khi thoát ra hết đầm sen thì đến một vùng nước trống, những trái núi bên trên mặt nước thì màu xanh, bóng núi hắt bên dưới nước thì xanh đục, thế rồi leo lên bờ, trên đó có đủ gà nướng vịt nướng cá nướng và rất nhiều măng…

Bác già bắt lỗi:

-Đấy là vùng Thiền hay là vùng chuyên gà nướng vịt nướng cá nướng đấy?

-Thiền xong thì ăn đồ nướng, hoặc là vừa thiền vừa ăn…

-Đi thì đi.

-Để tối nay cháu “meo” rủ thêm các bạn cháu, lũ chúng nó cũng vui lắm.

-Cầu giời khấn Phật cho bác cùng vui với các cháu.

-Mà nếu lên đó, bác thấy muốn tách ra thì cháu sẽ dẫn bác đến một cái am, cháu biết ở đó có một nhân vật lạ lắm…

Và bây giờ, sau bữa ăn trưa với chân gà nướng và cá hấp chẳng có chút gì là chay tịnh, lũ bạn trẻ quây lại với nhau, mới đầu là xem bói bài Tây lấy quân Át quân Cơ mà tán tỉnh đủ chuyện, sau đó bốn đứa chia bài đánh “tiến lên”, anh nào thua ngoài khoản đi đêm một con Hai còn phải hát một câu trong một bài nào đó của nhạc Trịnh. Riêng hai người bạn vong niên thì coi thường lũ người đam mê bói toán và bài bạc, hai bác cháu rủ nhau leo núi.

Cứ leo chừng hơn chục thước, cô gái lại dừng chân giả vờ nghỉ nhưng thực bụng cốt để giữ sức cho ông bạn già.

Chính vì thế mà đến một chặng nghỉ khi đã gần leo tới toà am thì cô gái nói với bác già:

-Cháu nghe hình như có tiếng sáo.

-Thế hệ trẻ lãng mạn nhỉ. Đến chốn Thiên thai thì phải có tiếng sáo chứ!

-Không, đúng là có tiếng sáo…

-Bác không thấy gì…

-Bác cứ nghe kỹ mà xem.

-Bác chẳng nghe thấy gì cả. Tai bác bị ù vì theo cháu leo dốc rồi đây này.

-Không, rõ ràng là có tiếng sao… Ờ mà bây giờ lại hết rồi… Hết hẳn rồi… Có lẽ tai cháu cũng ù thật…

-Ôi chao, nếu ai ai cũng như cháu, cũng nghe được tiếng nhạc khi tai bị ù thì thế giới này đẹp đẽ biết bao!

-Vâng, nhưng đó sẽ là một nền âm nhạc giành riêng cho tai ù…

Hai bác cháu lại tiếp tục leo. Một chặng nghỉ chân. Rồi một chặng nghỉ chân nữa. Rồi một chặng nghỉ nữa trước khi còn chừng hai ba chục bậc nữa thì họ leo tới cái am mầu vàng nằm giữa rừng.

Đúng lúc ấy, tiếng nhạc lại nổi lên. Mà rõ ràng là tiếng sáo. Lại rõ ràng là có hẳn hai tiếng sáo đan vào nhau, vờn nhau, trò chuyện với nhau. Không phải thứ sáo trúc dân gian lâu đời. Nghe rõ đó là tiếng sáo đồng hiện đại và đắt tiền của Tây, giọng rất ngọt. Ông già ngồi hẳn xuống một phiến đá nhẵn.

-Bây giờ thì bác đã nghe rõ tiếng sáo của cháu.

Tiếng sáo của cháu! Ông bạn vong niên nói thế.Cô gái im lặng mở to mắt nhìn ông bạn già, tựa hồ như cô sợ nếu mình cất lời thì tiếng sáo kia sẽ giận dỗi và bỏ đi mất. Một lát sau ông bạn vong niên bảo cô gái:

-Công nhận tai cháu tinh. Đúng là tiếng sáo.

-Và những hai cây sáo.

-Cháu nghe được hai cây sáo?

-Hai cây sáo đang chơi một bản concerto, và đó là một chương concerto của Vivaldi, hoàn toàn là tiếng của hai con người đang trò chuyện, hai tâm hồn người đang đối đáp nhau, đang tâm tình trao đổi với nhau, bác có thấy thế không?

Hai người ngồi xuống đất. Họ tạm ngừng cuộc leo núi lên cái am. Họ ngồi đó lắng nghe cho tới khi tiếng sáo dứt hẳn. Đã hết bản nhạc.

***

Cô gái đứng lên, chìa tay cho bác già, khẽ kéo bác đứng lên. Hai người tiếp tục leo nốt những bậc đất đá lên am. Bây giờ họ thấy như đường ngắn hơn.

Khi hai người bước đến bậc thềm am thì đúng là ở đó có ba người đàn ông đang ngồi trên một chiếc chiếu. Hai người trẻ tuổi, mặc áo cổ tròn trắng với những hình vẽ trên ngực áo linh tinh đủ kiểu thường thấy bầy bán khắp nơi, tay mỗi người chống một cây sáo ở tư thế nghỉ. Nhìn họ thì biết đúng là hai người vừa mới hoà nhạc cùng nhau, và bây giờ hết bản nhạc, họ đang ngồi im, chẳng ai cất lời nói với ai. Người đàn ông thứ ba là một ông già trạc tuổi ông bạn già vừa mới cùng cô bạn gái trẻ bước vào am. Theo những lời kể trước đây của cô bạn gái trẻ, có thể đoán được ông già kia là chủ nhân của toà am, còn hai chàng trai thổi sáo kia là khách của ông.

Chủ nhân am rót nước cho hai chàng trai. Rồi ông rót thêm hai chén trà ướp sen lẳng lặng đưa cho hai vị khách một già một trẻ mới tới.

Bác già chợt nhớ đến lời cô gái giới thiệu về vùng đất có ông già cả đời có thể nhịn ăn chứ không thể nhịn nói.

Bây giờ thì ông đã gặp người đó nhưng ông lại đang nhịn nói.

Chưa hết, hôm nay bác đã gặp không chỉ một người ít nói là chủ nhân am. Còn gặp thêm hai người nữa, trẻ trung trai tráng, nhưng cũng hoàn toàn không nói. Họ chỉ nói với nhau bằng tiếng sáo. Nghỉ một lát, uống chén trà nhấp giọng, rồi họ lại nâng cây sáo lên, họ cũng chẳng dặn nhau sẽ cùng hoà tấu bài gì, nhưng giọng sáo của người nọ bắt theo giọng của người kia hoàn toàn không lệch một nửa cung.

Khi hai anh chàng trai trẻ ngồi hoà tấu sáo, chủ nhân am cũng ngồi xếp bằng lim dim mắt lắng nghe. Còn hai người bạn vong niên lên thăm am cũng rón rén ngồi phía sau họ và giữ im lặng.

Lần này họ chơi một liên khúc. Nét nhạc chủ quẩn quanh theo một giọng dân gian đã quen tai Người ơi người ở đừng về. Thế nhưng không hiểu sao tác giả đã giỏi biến tấu, khiến cho lần lượt từng chiếc sáo bốc lên làm chủ để cho người bạn kia chia tay bịn rịn, rồi lại tiếp đến người bạn kia bốc cao lên làm chủ, để người bạn kia thành khách bịn rịn chẳng chịu ra về. Không hề có một lời nào cất lên, nhưng cả năm người có mặt trên chiếu nhạc đều cảm nhận được những lời lẽ níu kéo và những ánh mắt níu kéo.

Khi bản nhạc ngừng, chủ nhân am khẽ mở mắt ra, rồi ông phá tan im lặng, nói với hai người khách mới tới, và cũng nói rất kiệm lời:

-Bạn cũ, mấy năm mới gặp lại nhau. Một người là cháu tôi.

Rồi chủ nhân lại quay sang người cháu và bạn của cháu mình, giới thiệu khách mới tới cho phải phép:

-Cô Thao, nhà báo.

Cô nhà báo trẻ tiếp lời, giới thiệu người bạn vong niên của mình, và cái chất trẻ trung của cô xui cô cố tình phá tan cái im lặng không cần có ở cái chốn đã quá xa lánh con người này:

-Đây là bác Điền, bảy mươi lăm tuổi, bạn thân của cháu.

Chủ nhân am tỏ ra chẳng có chút gì xúc động trước lời giới thiệu cố tình ngang ngược của cô nhà báo. Hai chàng trai thổi sáo thì chẳng quan tâm gì hết đến ông bạn già được cô nhà báo giới thiệu là “bạn thân của cháu”. Trong cả thế giới đầy những con người đang sống này, giờ đây họ chỉ còn nhận thấy một cô gái trẻ trung cùng một phe đảng với họ. Nhưng họ đón tiếp cô theo cách của mình. Họ vẫn không chịu nói gì. Họ chỉ lẳng lặng nâng sáo lên, và không ai bảo ai, họ cùng hoà tấu một bài nữa, như thể đó là để thay lời họ chào đón cô gái trẻ. Một bản nhạc được viết ra để làm tụng ca, bài Ave Maria, xưng tụng cái vầng trán thanh thản thánh thiện và trần tục của người đàn bà của muôn đời, xưng tụng cái thân thể hai ngàn năm rồi mà vẫn lẳn chắc lẫn trong âm thanh ân ái ân oán ân tình của con người.

Cô gái chủ động chìa tay bắt tay hai chàng trai khi họ dứt bản tụng ca. Một trong hai anh chàng hình như cố ý nắm chặt hơn và giữ lâu hơn bàn tay nhỏ nhắn của cô nhà báo. Nhưng chủ nhân của am đã lừ mắt. Mọi người đều nhận thấy ông già cô đơn trên am kia lừ mắt. Ông mới có thêm hai người tham gia với ông vào phe im lặng. Ông không muốn mất họ. Hoá ra, thực lòng thì hình như ông sợ ở một mình. Thực lòng thì hình như ông vẫn cần có người chung sống.

Cánh tay trần của cô chìa ra, làm rõ những con số và cái kim đồng hồ đang nhích dần. Hai người khách phải xuống núi thôi.

Chủ khách từ biệt nhau, cũng không lời như khi đôi bên gặp nhau hồi nãy. Có thể thấy rõ ánh mắt cô nhà báo và ánh mắt anh bạn mới gặp hình như có bám lấy nhau lâu hơn. Thật lạ kỳ. Chính con người lấy tiếng nói làm công cụ rồi cũng chính con người tìm cách xoá đi tiếng nói. Có một dây tơ đàn vô cùng bé nhỏ mà chỉ người trong cuộc mới nhận ra…

***

Đôi bạn vong niên lại mò mẫm đi trở xuống cái dốc hồi nãy đã dẫn họ leo tới chốn không lời. Hai người phải có mặt cùng cả đoàn vượt trở lại cái hồ sen, để quay trở về với chốn thị thành.

Trên toà am vẫn đang vẳng xuống tiếng sáo Người ơi người ở đừng về đã nghe hồi nãy, nhưng lần này là để cố ý tiễn chân một cô gái trẻ thuộc phe đảng của hai chàng trai thổi sáo.

Cũng lạ, con người hơn mọi con vật là ở chỗ có tiếng nói. Thế nhưng nền văn hoá càng cao, thì tiếng nói càng bớt giá. Nhưng làm cách gì hoàn toàn trốn tránh khỏi lời nói, thì đó vẫn là một điều bí ẩn.

Chợt khi đã gần hết dốc, cô gái bỗng sững lại. Cô thấy hoang mang vì trong cái lặng im cô vừa chợt ra một điều gì khác thường trong không gian. Mắt cô nhớn nhác khi cô nói với người bạn vong niên:

-Bác ơi…

-Sao cháu?

-Họ ngừng thổi sáo rồi!

Tiếng cô gái thảng thốt như báo tin một tai hoạ. Bấy giờ bác già mới để ý lắng nghe. Tiếng sáo đã ngừng lại thật. Hai người bạn vong niên đứng im nín thở chờ đợi tiếng sáo từ bên trên toà am vọng xuống tiễn đưa họ. Tiếng sáo đã ngừng lại ở giữa bài. Hai người bạn trai kia đã ngừng níu kéo người ở đừng về…

Cô gái nói:

-Cháu thấy nhớ hai anh bạn thổi sáo.

-Đã nhớ rồi?

-Nhớ và thương hại.

-Sao vậy?

-Họ cô đơn quá.

-Sao cháu biết?

-Nghề làm báo chỉ hơn đời ở cái mũi thính.

-Thế cháu ngửi thấy mùi gì ở cái am ấy?

-Cháu thấy hình như cái ông già ấy vừa mới bắt hai anh ngừng thổi sáo tiễn chân cháu… Hay thật đấy, trước đây ông ta thích mọi người phải lắm mồm như ông. Bây giờ dở chứng ông lại muốn mọi người ít lời.

-Sao cháu lại áp đặt một nhận định như thế?

Cô gái trẻ không đáp lại. Cô bắt đầu kiệm lời. Nhưng đó là cách cư xử khác hẳn với cái ông già trên toà am. Cô không giải thích. Và người bạn già cũng không đòi cô giải thích.

Biệt thự Thu Trang, 18/7/2005


(*)Tuổi sinh hoạt tình dục lần đầu của con gái theo một điều tra chính thức. (Tác giả chú thích)

Đường tới chốn không lời Đường tới chốn không lời Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:30 Rating: 5

Không có nhận xét nào: