TTCT - Chưa ai tính toán hết những hệ lụy diễn ra cùng làn sóng du học ồ ạt những năm qua, song có thể thấy một nguồn tài chính khổng lồ đã được Nhà nước và xã hội chi trả.
Phía sau những cá nhân thất bại trên con đường du học và một khoảng trống thông tin của Nhà nước về du học sinh liệu có là những vấn đề mới về chất lượng nguồn nhân lực?
Khác với phần lớn các khu vực trên thế giới, tháng 7 ở Úc đang là mùa đông và cũng là kỳ nghỉ dài trong năm của sinh viên nên rất đông sinh viên quốc tế đổ dồn về đây. Trượt tuyết là hoạt động giao lưu thường niên của du học sinh Việt Nam tại Trường đại học công nghệ Swinburne Melbourne, năm nay có 47 bạn đăng ký tham gia - Ảnh: Trọng Chính
Những phí tổn chưa được tính hết
Năm 2000, chỉ có khoảng 10.000 học sinh, sinh viên Việt Nam du học tự túc. Nay con số du học sinh đã vượt trên 100.000 người, trong đó 90% du học tự túc. Những câu chuyện du học thất bại vì muôn ngàn lý do không còn hiếm. Nhưng cũng chưa ai tính toán hết những hệ lụy đã diễn ra cùng quá trình “xuất khẩu” ồ ạt học sinh ra nước ngoài đó.
Lo chảy máu chất xám hay chờ đợi sự trở về cống hiến?
Vấn đề những người lao động giỏi nhất, được đào tạo bài bản nhất và có kỹ năng tốt nhất di cư ra nước ngoài gây thiệt hại cho những nước đang phát triển đã được đặt ra từ lâu. Trong giai đoạn 1990-2000, số người di cư có trình độ đại học trở lên từ các nước đang phát triển sang các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tăng gấp đôi, trong số này có rất nhiều người là du học sinh. Tốc độ này tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng người di cư chỉ có trình độ trung học và gây ra mối quan ngại về nạn “chảy máu chất xám” ở các nước nghèo.
Những du học sinh Việt Nam sang nước ngoài học bằng học bổng hoặc tự túc, sau đó lựa chọn ở lại luôn nước sở tại chính là đối tượng của mối lo ngại này. Những người lo lắng chỉ ra bốn tác động xấu của tình trạng du học sinh một đi không trở lại.
Thứ nhất, các du học sinh, những lao động được chờ đợi sẽ có kỹ năng rất tốt trong tương lai, tạo ra ngoại tác tích cực trên thị trường lao động, tức là họ không chỉ làm việc tốt mà còn có thể truyền đạt kinh nghiệm và kỹ năng cho đồng sự. Họ cũng là nguồn lao động rất cần thiết để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất cần thiết cho phát triển. Điều này càng có ý nghĩa nếu Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao hơn là thâm dụng lao động.
Thứ hai, những du học sinh có thể mang về cùng họ những đòi hỏi cao hơn về chuẩn mực quản lý nhà nước. Thứ ba, giáo dục ở Việt Nam được hỗ trợ lớn của khu vực công (chiếm 8,3% GDP trong năm 2005, cao hơn cả Mỹ chỉ 7,2%), những du học sinh, nhất là những người giỏi nhất, tập trung ở các trường chuyên lớp chọn, hầu hết hưởng lợi từ một nền giáo dục do Chính phủ tài trợ, nhưng sau đó không đóng góp trở lại khi bắt đầu làm việc nếu họ quyết định không về nước (đó là chưa kể những người đi du học tự túc có thể là một nguồn đáng kể trong việc làm tăng thêm thâm hụt cán cân vãng lai).
Cuối cùng, do việc có ít lao động kỹ năng cao, tiền lương trả cho các lao động kỹ năng cao trong nước sẽ cao hơn. Điều này có thể có hại cho tăng trưởng kinh tế của cả quốc gia vì chi phí cao hơn đồng nghĩa với tính cạnh tranh của các doanh nghiệp yếu hơn.
Anna Lee Saxenian, trong nghiên cứu “Từ chảy máu chất xám đến luân chuyển chất xám” năm 2005 chỉ ra rằng tính đến năm 2000, hơn một nửa kỹ sư ở Thung lũng Silicon - khu công nghệ cao số một Hoa Kỳ - sinh ở nước ngoài, trong đó có một phần tư đến từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Rất nhiều những người này sau đó trở về nước và lập nên những công ty của mình, làm tư vấn cho các quan chức chính phủ về công nghệ cao hoặc đi dạy ở các trường đại học trong nước. Vì vậy họ có thể góp phần quan trọng tạo nên những “Thung lũng Silicon mới” ở Bangalore (Ấn Độ) hay Thượng Hải (Trung Quốc).
Học sinh, sinh viên tìm thông tin du học tại Ngày hội du học Pháp - Đức - Ảnh: Như Hùng
Du học sinh Việt Nam qua những con số
Trong khi số lượng ngày càng tăng, từ 4.597 người lên 13.112 người sau sáu năm (2005-2010) chỉ tính riêng tại Mỹ, lại không ai nắm được chất lượng du học sinh Việt Nam ra sao bởi chưa có nghiên cứu nào đủ chi tiết.
Hiện hầu hết nghiên cứu về du học sinh ở nước ngoài là do nước sở tại tiến hành. Một nghiên cứu như vậy của Trung tâm Thương mại bang Maine, Hoa Kỳ tháng 9-2010 mang đến nhiều góc nhìn. “Sinh viên Việt Nam tràn ngập nước Mỹ trong niên khóa 2008-2009 - nghiên cứu viết - Tăng tới 46,2% so với niên khóa 2007-2009”.
Mặc dù học sinh Việt Nam chỉ chiếm 1,9% tổng số học sinh quốc tế tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã nhanh chóng tiến vào tốp 10 nước có nhiều du học sinh nhất Hoa Kỳ, qua mặt Thái Lan (8.531 du học sinh, đứng thứ 15 năm 2010) hay Indonesia (6.943 học sinh, thứ 18). Tỉ lệ tăng số du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn ở mức hai con số kể từ niên khóa 1998-1999.
Với hầu hết trường đại học ở Hoa Kỳ, Việt Nam là một thị trường mới nổi rất đáng chú ý. “Những đối thủ cạnh tranh chính trong việc thu hút du học sinh Việt Nam của Hoa Kỳ là Úc, Trung Quốc, Anh và Singapore” - nghiên cứu viết. Tại Úc, con số này là 23.000 sinh viên Việt Nam (năm 2010), chưa kể 10.000 người theo học các chương trình dạy nghề. Úc cũng là nhà cung cấp học bổng lớn nhất cho du học sinh Việt Nam.
Phần lớn du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ học ở bậc đại học, chiếm khoảng 72,1% tổng số du học sinh, 15,2% là cao học, 9,9% ở các cấp học khác và 2,8% học nghề. Thăm dò của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) năm 2010 còn chi tiết hơn, cho thấy dự định và mục tiêu của du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Các sinh viên liệt kê Hoa Kỳ là điểm đến số một và coi đó là một nơi học tập ưa thích hơn so với Anh, Singapore, Pháp, Úc và các nước khác.
Có một con số không biết nên vui hay buồn là gần 40% du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ học các ngành quản trị và kinh doanh, cao nhất trong tất cả các nước. Đây thường là nhóm ngành có tỉ lệ du học sinh theo học cao nhưng với Việt Nam, nó cao một cách bất thường.
Ba nước dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Hoa Kỳ có tỉ lệ trên chỉ là 24,3%, 15,3% và 17%, tương ứng với ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Vì thế tỉ lệ du học sinh Việt Nam theo học ngành kỹ thuật chỉ là 10,8% (so với 20,2% của Trung Quốc, gần 40% của Ấn Độ và 12,6% của Hàn Quốc). Tương tự, tỉ lệ du học sinh Việt Nam học những lĩnh vực cần thiết nhất của xã hội hiện giờ như khoa học cơ bản, công nghệ, khoa học xã hội hay nghệ thuật đều ở mức thấp so với các nước.
Tới 45% du học sinh Việt Nam được hỏi trong nghiên cứu của IIE trả lời rằng họ quan tâm tới quản trị kinh doanh, 14% quan tâm tới khoa học xã hội, trong khi số quan tâm đến khoa học ứng dụng không đáng kể. 90% du học sinh Việt Nam tin rằng tiếng Anh là kỹ năng quyết định để có việc làm, trong khi 76% tin rằng mảnh bằng Tây sẽ giúp họ có cơ hội tìm việc làm dễ dàng hơn.
Nghiên cứu cũng hỏi sinh viên về những trở ngại lớn nhất mà họ gặp phải. Không ngạc nhiên khi 84% trả lời tiền bạc là vấn đề khiến họ đau đầu nhất khi du học (đây cũng là trục trặc lớn nhất của các bậc phụ huynh, ở một nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1.000 USD). Sau chuyện tiền nong là thông tin chính xác (46%), xin thị thực du học (36%), rào cản ngôn ngữ (35%), khác biệt văn hóa (33%) và khoảng cách quá xa nhà (25%).
Không chỉ trong quá trình học hành, nhiều vấn đề cũng phát sinh khi họ đi xin việc dù chưa có nghiên cứu chi tiết nào về vấn đề này. Những sinh viên tốt nghiệp mà chúng tôi gặp liệt kê vấn đề bao gồm bằng cấp không tương thích với công việc (dễ hiểu là dù ở Hoa Kỳ hay Việt Nam, thị trường lao động không cần nhiều giám đốc điều hành các doanh nghiệp như vậy), trong khi khó tìm được việc làm như mong muốn ở nước sở tại, việc trở về nước của họ cũng khó khăn do quá trình hòa nhập với một môi trường nhiều khi khác hẳn.
Tốn bao nhiêu để có tấm bằng Tây?
Theo Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, trung bình các chi phí du học của một sinh viên như sau:
Khoản mục Chi phí
Học phí đại học tư (loại cao) 25.000 USD/năm (500 triệu đồng)
Học phí đại học tư (loại thấp) 15.000 USD/năm (300 triệu đồng)
Học phí đại học công lập (loại cao) 20.000 USD/năm (400 triệu đồng)
Học phí đại học công lập (loại thấp) 10.000 USD/năm (200 triệu đồng)
Sinh hoạt phí bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống, điện thoại, đi lại, sách vở…
Khoảng 1.000 USD/tháng, tương đương 10.000 USD/học kỳ (200 triệu đồng)
Như vậy tính tổng cộng cho bốn năm đại học, một tấm bằng cử nhân Hoa Kỳ sẽ tiêu tốn của một gia đình Việt Nam khoảng 2,4 tỉ đồng, nếu con em họ du học tự túc hoàn toàn.
HẢI MINH
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan...-dat-nuoc.html
Tiếp theo
Các bậc cha mẹ Việt Nam sẵn sàng đầu tắt mặt tối cho con du học. Nhưng có một thực tế mà nhiều phụ huynh ít biết: Ở các nước có nền giáo dục tốt, các trường công luôn khó vô vì xét điểm rất gắt gao, nên trường tư mới mọc ra như nấm.
Cấp trung học không thậm xưng bảng hiệu nhưng bậc đại học thì tự xưng “Institute” này, “viện” kia, tuyệt nhiên không gọi mình là “đại học” (university) hay cao đẳng (polytechnics). Nhiều trường còn thuê nhân viên hướng dẫn người Việt, phụ huynh qua hỏi thăm gặp tư vấn người Việt vừa dễ hiểu lại thêm phần tin tưởng. Thực hư các trường ra sao hạ hồi phân giải.
Trước khi cho con đi du học, các bậc cha mẹ cần trả lời được các câu hỏi: Con mình học hành mấy năm qua như thế nào? Có học “hết công suất” không hay chỉ “tài tử”, “tầm tầm”? Con mình có mê học hơn mê game không, có mê học hơn mê chơi không?...
Nếu các câu trả lời đều là “không” thì hãy thận trọng: một chuyến đi học nước ngoài, ngay cả ở nơi có nền giáo dục tốt, không hẳn sẽ giúp thay đổi bản chất một đứa trẻ, nhất là khi trẻ được sống “một mình một cõi”.
THIÊN DI
Nuôi con du học tự túc
Con trai đầu của tôi du học tự túc ở New Zealand bốn năm. Bạn bè, người quen có ý định cho con du học hỏi thăm tôi tốn kém thế nào. Tôi trả lời ngay: “Giống như mình lái chiếc Camry mới toanh sang New Zealand rồi bỏ lại đó!”.
Ngày con tốt nghiệp trung học, biết học lực con cũng chỉ giỏi… vừa vừa, có thi vào các trường đại học danh giá một chút trong nước cũng không chắc đậu, tôi và vợ bàn nhau lo liệu cho cháu du học. Học ở đâu bây giờ là một câu hỏi lớn. Xem tiền học một số trường ở Mỹ mà chóng mặt. Chúng tôi bạc mặt chạy hỏi các trung tâm du học, đơn vị tư vấn du học, hỏi người quen biết, lên mạng…
Giữa lúc ấy, chúng tôi đọc được một quảng cáo chiêu sinh du học ở New Zealand, điều kiện không quá ngặt: chỉ cần học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông loại khá, thêm bằng C tiếng Anh. Con trai chúng tôi đạt được cả hai tiêu chuẩn đó.
Mọi chuyện thật dễ dàng về thủ tục du học, vấn đề còn lại là học phí, chuyện ăn ở của cháu ở nước ngoài. Chúng tôi cân nhắc, bàn bạc rất lâu, cuối cùng gia đình và cháu quyết định chọn ngành hải dương học tại Đại học bách khoa Tauranga vì cháu yêu thích ngành này. Tauranga là một thành phố không quá “phù hoa đô hội” sẽ giúp cháu chuyên tâm học. Và quan trọng nữa là học phí của trường “vừa vặn” khả năng lo liệu của gia đình (ngày ấy học phí mỗi năm học hơn 6.000 USD, chi phí ăn ở khoảng 4.000 USD, rẻ hơn nhiều so với học tại Mỹ).
Những năm đầu tiên, chúng tôi khá vất vả để lo cho con, công việc cơ quan xong tối về nhận thêm việc làm ở nhà. May mắn là cháu học tập tốt, yêu thích ngành học… Nhìn ảnh cháu gửi về mặt mũi hớn hở tươi vui, bao nhiêu nhọc nhằn của chúng tôi tan biến. Năm học thứ ba, cháu cùng vài bạn bè người Việt tìm việc làm thêm ngoài giờ học để đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Cháu làm ở một lò bánh mì, đứng bếp chiên đồ ăn, tự lo được tiền tiêu vặt và quan trọng nhất là hiểu được giá trị đồng tiền tự mình làm ra.
Một dịp hè cháu về thăm nhà, nhìn đôi tay của con đầy vết bỏng vì dầu chiên, chúng tôi thật cảm động. Tốn nhiều tiền cho con du học, điều chúng tôi mừng nhất là khi về nước cháu tìm được ngay công việc thích hợp với ngành học. Thật may mắn vì chúng tôi đều chuẩn bị nghỉ hưu!
TRỌNG THANH (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Tôi buồn vì vẫn có nhiều sự học vô mục đích
Ở tuổi thất thập, thầy NGUYỄN ĐỨC HÒE - hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du - vẫn nói: “Tôi sẽ phải thay đổi tư duy”. Điều ông nói đến là câu chuyện phía sau một cơ đồ không mấy ai làm được: đưa trên 1.000 học sinh đi du học miễn phí.
Ông Nguyễn Đức Hòe - Ảnh: Khổng Loan
* Chúng tôi mới phỏng vấn nhiều học sinh muốn đi du học và nhận được trả lời “đi du học vì thích, vì đại học trong nước quá dở, vì cha mẹ có tiền cho đi”. Thầy nghĩ sao về chuyện này?
- Đó là một tâm thế du học hơi tùy tiện và cũng là mối khủng hoảng tinh thần của tôi những năm qua. Đây là một vấn đề giáo dục lớn của đất nước bây giờ. Tôi làm về du học hơn 40 năm, năm nào tuyển học trò đưa đi đều thấy sự xuống dốc: xuống dốc về trình độ khoa học, kiến thức chung, tinh thần và tư duy cũng xuống. Tôi cứ băn khoăn tìm cách sửa.
Mùa thu năm ngoái, một giáo sư Đại học Kinki vùng Osaka (Nhật Bản) sang VN tìm tôi. Vị giáo sư này được Bộ Giáo dục Nhật Bản ủy thác đi tìm hiểu tình hình sinh viên VN. Ông đã gặp sáu sinh viên và sau khi trò chuyện với họ, ông nói với tôi “như vậy thì không có kết quả”. Trong cuộc phỏng vấn, những em đã tốt nghiệp không trả lời được vì sao chọn ngành học đó.
Hỏi “tốt nghiệp xong em sẽ làm gì?”, câu trả lời chung là “kiếm một công ty trả lương cao”. Vị giáo sư ấy nói: “Tôi thấy sinh viên VN học rất xuất sắc nhưng đều là học hoàn toàn trong sách, lại không định hướng được cuộc đời mình, hiểu rất ít về xã hội, về con người. Những sinh viên ấy hỏi về nước Nhật cũng không rành, hỏi về VN cũng ú ớ. Họ về VN sẽ làm được gì đây?”.
Tôi nghĩ câu hỏi ấy là câu hỏi chung của đất nước ta. Bố mẹ sai lầm không định hướng cho con, Nhà nước không định hướng cho du học sinh, nhiều em đi học chỉ vì mảnh bằng rồi nghĩ mảnh bằng ấy sẽ giúp em cả đời, giống như cách đi thi để làm quan ngày xưa. Cách nghĩ sai lầm ấy làm hỏng các em.
Học là phải gắn liền với tư duy thực tiễn. Nhưng bây giờ bằng cấp và tiền bạc chi phối. Tôi đã nhiều năm đưa học trò đi du học mà không để ý điều này, chỉ thấy em nào học giỏi mà nhà nghèo là giúp các em đi du học. Giờ là lúc thay đổi tư duy, nếu không học trò của tôi “không dùng được” - như ông giáo sư Nhật Bản ấy nói - học xong không dùng được ở ngoài đời, không dùng được ở Nhật Bản, chẳng dùng được ở VN, chỉ cầm được mảnh bằng về, có khi còn huênh hoang khoe khoang.
Đây là vấn đề của VN và tôi cho rằng chính chúng ta phải giải quyết. Mình làm giáo dục, muốn sản phẩm của mình có thể thay đổi được xã hội, hữu ích cho xã hội thì phải thay đổi tư duy ở nhiều khâu. Thay đổi cách dạy, nội dung giáo dục, hướng giáo dục đã đành, quan trọng nhất là thay đổi con người, giúp học trò thay đổi.
* Theo thầy, căn nguyên trực tiếp của những lệch lạc trong chọn lựa đi du học ấy là từ đâu?
- Căn nguyên lớn nhất chính là một lề thói dùng người theo bằng cấp, tức quyền lợi đi theo bằng cấp. Bố mẹ khuyên con học lấy bằng, đương sự cũng nhìn thấy chỉ có một con đường: phải có bằng mới được tuyển dụng, bổ nhiệm. Xã hội giờ cũng trọng người có bằng, ai có chức danh, bằng cấp thì nhiều người nghe, không biết rằng giữa bằng cấp và cái thực biết là hai thứ khác nhau. Tâm lý vọng ngoại còn rất nặng.
Đất nước mình cần rất nhiều kỹ sư, chuyên viên để phát triển đất nước, chúng ta đâu cần nhiều tiến sĩ như vậy. Nhà nước đổ tiền vào đào tạo tiến sĩ, bổ nhiệm chuyên viên cũng vậy, ai có lắm bằng cấp thì dùng. Không thể trách nhân dân được vì họ thấy con đường ấy là duy nhất cho con em họ.
* Theo thầy, VN cần điều chỉnh vấn đề này ra sao?
- Sự hội nhập mang đến một lối làm giáo dục phi tổ quốc của nhiều quốc gia phương Tây, đào tạo những con người quốc tế, không thuộc dân tộc nào cả. Thanh niên tiếp nhận toàn những giới thiệu màu hồng khi du học, về lối sống sung sướng và tự do cá nhân.
Vấn đề của VN là phải làm cho thanh niên thấy được những vấn đề lớn của đất nước này: mối nguy về xâm phạm chủ quyền, nghèo đói, lạc hậu, vay nợ… Không thể chỉ dạy họ niềm tự hào về độc lập, ấm no, thịnh vượng. Phải nói thẳng cho thanh niên rằng “đất nước đang gặp nhiều khó khăn”, cần các em góp sức và thể hiện trách nhiệm.
Một cán bộ Bộ Nội vụ nói với tôi: “Tôi rất ngạc nhiên vì sinh viên của anh đều về, trong khi Nhà nước đưa đi 10 người thì 6-7 người ở lại nước ngoài”. Tôi nói với ông ấy: Hãy vạch cho các em thấy VN cần các em, VN chính là nơi các em thể hiện tốt nhất sở học của mình. Nhà nước phải tự tin nói với các sinh viên VN về điều này.
Tôi nghĩ cần giúp thanh niên định hướng cuộc đời mình: Học cái gì? Đạt được gì? Gánh vác những trách nhiệm gì? Thấy được sự tương quan giữa cá nhân họ với gia đình, với cộng đồng, với xã hội và đất nước của họ, điều chỉnh những kế hoạch đời họ để sống có ý nghĩa, sống có trách nhiệm. Nhà nước phải có một ngọn đuốc thắp lên để thanh niên trông vào đó đi theo.
Tháng 6 vừa rồi, tôi gặp lại ông giáo sư nọ. Ông ấy nói nhiều đại học Nhật Bản đã mở một môn học mới về tư duy. Tư duy lại về mục đích học tập, làm học trò có động lực học, hứng thú khi học tập và làm việc; giúp các em hiểu được học cái đó sẽ dùng nó ở đâu, tùy cơ ứng biến.
Học cao, học kỹ nhưng khi làm việc thì hoàn cảnh nào cũng làm việc được. Nếu tất cả sinh viên du học đều nhận thức sâu sắc được điều đó…, chúng ta tin rằng những lệch lạc hiện thời trong câu chuyện du học sẽ được khắc phục.
CẨM PHAN
Mấy chục năm đưa học sinh đi du học, tất cả học trò tôi đều thành đạt, nhưng là cá nhân các em thành đạt. Các em được đi ra nước ngoài, có bằng cấp, các công ty nước ngoài mời làm việc, kiến thức mở rộng… Người duy nhất thất bại là tôi. Vì mục đích tôi đề ra là đào tạo những con người biết nghĩ đến đất nước, dấn thân vào chỗ khó để thay đổi, sửa chữa, vun đắp.
Cụ Phan xưa đưa được 200 người đi, tôi đưa được hơn 1.000. Nhưng mục đích du học bây giờ lại trở thành cá nhân. Cho nên tôi nghĩ nếu tiếp tục cách làm như vậy thì hoàn toàn vô nghĩa. Tôi phải thay đổi tư duy mới hi vọng đạt được điều mình mong muốn. Nhìn rộng ra, chúng ta phải thay đổi tư duy, đất nước này cần thay đổi tư duy.
Mỗi sự đầu tư cho học tập đều là để khai thác được tinh thần, trí tuệ của người VN, bộ óc của người VN được dùng đúng sẽ giúp chúng ta làm chủ vận mệnh của mình.
Em cũng du học đây ạh. Em đi chẳng vì lý do nào kể trên. Lúc học năm nhất ĐH, em chán ngán những môn học đại cương như kiểu LS Đảng, Kinh tế chính trị, etc, trong số những giảng viên dạy học thì em lại ấn tượng với 1 thầy dạy tin học ứng dụng. Ông thầy của em là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, kiến thức phong phú, cách giảng dạy cũng lôi cuốn và hơn cả là tính thực tế trong mỗi bài học. Thế là sau thời gian trao đổi với thầy, em quyết định du học.
Lúc đầu gia đình cũng ngăn cản, ba mẹ chỉ có mình em là con gái, hai bên nội ngoại đều không đồng ý, nhưng tính em cứng đầu nên tự tìm hiểu và làm hồ sơ, sau đó ba mẹ nghĩ lại, thôi thì tương lai của em là do em chọn lựa, nên cũng ủng hộ. Thời gian đầu cũng tưởng bỏ cuộc, cơm không biết nấu, đi chợ không biết mua gì, mọi thứ rối tung hết. Vậy mà cũng đã 5 năm.
Em cũng có ý định học xong MBA thì về lại VN, nhưng thấy tình trạng những người đi trước, em lo không biết có tìm được việc làm đúng chuyên ngành hay không.
Chuyện "chảy máu chất xám" thì ko chỉ VN mà tất cả các nước đều thế. Ngay như những đứa bạn em dân Pháp, Ba Lan, Thái Lan, etc. khi học xong cũng muốn ở lại Mỹ tìm cơ hội hơn là quay về nước.
Nói chung, đi du học thì không chỉ học thêm về kiến thức chuyên môn, với cá nhân em thì cái em học được nhiều nhất ở đất nước này là kỹ năng sống và tác phong làm việc.
Ừm, du học mang lại cho các bạn trẻ nhiều thứ: critical thinking, have sex thoải mái hơn, cởi mở hơn trong các mối quan hệ, chăm chỉ học thì kiến thức cũng có nhiều, sống tự lập hơn. Bạn nào thích chơi bời thì cũng có chỗ chơi bời hết mình hơn, đỡ vướng mắt bố mẹ. Còn chưa biết có mang được gì về cho đất nước không và đất nước có đón nhận mấy cái các bạn mang về đó không. Tóm lại thì mình ủng hộ việc du học, nhưng mà trc khi cho con đi thì các bố mẹ rèn con cho kĩ đã nhé, đừng có nghĩ cho nó đi học thì nó sẽ thay đổi.
Mình không rành ở Mỹ thế nào, còn như ở Nhật này, nếu bạn muốn vào một trường Đại học danh tiếng như Tokyo, Waseda... thì cũng phải luyện thi đấy. Thi cử đầu vào có khi còn "ung thủ" hơn cả thi ở VN.
Hồi ở nhà mình cũng không hiểu sao ở VN giờ mọc ra lắm trường Đại học thế. Sang đây mới thấy ở Nhật số lượng trường Đại học còn nhiều hơn, mà nhiều trường trong số đấy cũng chả ai biết là cái gì.
Du học: Từ chuyện cá nhân đến chuyện đất nước
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
21:35
Rating:
Không có nhận xét nào: