http://www.dainamax.org/2011/07/sieu-cuong-va-ai-cuong-ieu.html
2011-07-26
2011-07-26
Nước Mỹ hết thời và Trung Quốc đắc thế?...
Hoa Kỳ mấp mé khủng hoảng, tuần này mà không có quyết định nâng cao định mức đi vay thì coi như... "vỡ nợ".
Hàng ngày báo chí nhắc nhở như vậy. Hàng tuần, các công ty lượng cấp trái phiếu như Moody's hay Standard & Poor's đều dọa đánh sụt giá trị trái phiếu - là khả năng trả nợ - của đệ nhất siêu cường thế giới, một siêu cường mắc nợ.
Nhìn qua bên kia đại dương - Đại tây dương – Liên hiệp Âu châu cũng chẳng khá hơn. Vụ khủng hoảng của đồng Euro che giấu một nan đề khác: định chế nào quyết định về chánh sách chung của một khối thống nhất về kinh tế mà bất nhất về rất nhiều vấn đề khác? Vụ Lybia là một ví dụ. Âu châu chỉ có thể tự an ủi, rằng "chưa tệ bằng Mỹ!"
Nhìn lại bên này đại dương – Thái bình dương – tình hình Nhật Bản còn bi đát hơn. Sau hai chục năm vay tiền dân để chữa trị kinh tế, quốc gia có dân số lão hóa nhất địa cầu đang chật vật cấp cứu một trận thiên tai lịch sử và ba hậu quả dính chùm, là động đất, sóng thần và sự sụp đổ của hệ thống năng lượng hạch tâm.
Chỉ còn Trung Quốc hiên ngang đứng đó, chạy lên, bơi ra, lao tới, và sẽ có ngày thay bậc đổi ngôi thành siêu cường ngang ngửa với Mỹ! Trong khi ấy, lãnh đạo Hoa Kỳ cãi nhau, dỗi lẫy, bỏ họp chạy ra phân bua với công chúng!
Nhìn từ bên ngoài, khi Trung Quốc đang lên thì Hoa Kỳ quả là hết thời....
***
Sự thật lại không đơn giản như vậy!
Trong lãnh vực truyền thông, ai cũng muốn nhấn mạnh đến loại tin nóng hổi với chữ "nhất", hay lời khai từ "lần đầu tiên". "Hoa Kỳ mắc nợ nhiều nhất xưa nay so với Tổng sản lượng GDP". "Lần đầu tiên mà cường quốc kinh tế này có thể bị vỡ nợ, nếu Quốc hội không nâng định mức đi vay", v.v... Các chính khách nhân đó lừa mị hoặc dọa dân để chỉ ra trách nhiệm ở đảng đối lập.
Sinh hoạt dân chủ bình thường là có tranh luận về từng giải pháp. Nhưng từ nội dung của vấn đề đến ấn tượng về giải pháp vẫn có khoảng cách của thủ thuật chính trị. Và cách tường thuật của truyền thông có thể gây ấn tượng sai lạc.
Sai lạc như khi loan tin "Tổng thống Obama đã triệu tập lãnh đạo Quốc hội vào Toà Bạch Cung lúc 11 giờ sáng...." Khẩn trương lắm rồi, như các viện sĩ Bắc Kinh có thể đang lý luận!
Thật ra, theo nguyên tắc "tam quyền phân lập" – ba chân vạc của nền dân chủ, gồm có Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp – thì Lập pháp có quyền ngang Hành pháp. Người cầm đầu Hành pháp chỉ có thể "mời" chứ không thể "triệu tập" lãnh đạo Lập pháp. Có phải là Bộ Chính trị đâu! Vả lại, dù Hoa Kỳ có theo "Tổng thống chế" chứ không phải "Đại nghị chế" như Âu châu hay Nhật, Hạ viện Hoa Kỳ vẫn có rất nhiều quyền hạn về ngân sách.
Đó là đặc tính của nước Mỹ mà nhiều chế độ độc tài chưa hiểu.
Ngoài ra, hệ thống luật lệ phức tạp của Mỹ cho phép bộ Ngân khố - bộ Tài chánh của xứ khác - gạn ra một số ngân khoản để lâm thời trang trải việc chi tiêu sau mùng hai Tháng Tám, cho đến khi Hành pháp và Lập pháp tìm ra giải pháp cho nạn bội chi quá lớn và vay mượn quá nhiều. Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner có thể báo động - với ngay tình hay gian ý - để thúc giục Quốc hội giải quyết hồ sơ ngân sách. Chứ việc Hoa Kỳ vỡ nợ - default - là bất khả. (Xin xem lại bài "Vụ 'OK Corral' về Kinh tế" trên cột báo này vào ngày 20110117).
Và ngày tàn của Đế quốc Mỹ hoặc sự giẫy chết của tư bản chủ nghĩa chỉ là chuyện bình luận cho vui. Như đã thấy từ hơn trăm năm qua!
***
Nhưng dù không thể vỡ nợ, Hoa Kỳ vẫn có thể... quịt nợ!
Đó là thành tích của một Tổng thống Cộng Hoà cực bảo thủ mà cũng có chánh sách kinh tế thiên tả nhất - lại một chữ nhất - kể từ Franklin Roosevelt hay từ Lyndon Johnson. Đó là Richard Nixon!
Nixon lập ra những cơ quan công quyền để điều tiết kinh tế xã hội không kém gì vị tiền nhiệm Dân Chủ là Lyndon Johnson. Vì khi ấy, dân Mỹ muốn như vậy! Là một anh hùng chống cộng, ông cũng dắt Trung Cộng ra thành Trung Quốc, một quốc gia bình thường!
Cuộc chiến Việt Nam – thừa hưởng từ Kennedy và Johnson - cùng nạn tăng chi của chương trình "Xã hội Đại đồng" – Great Society của Johnson - gây lạm phát gần 6%, khiến cho lần đầu tiên trong thế kỷ 20 - lại "lần đầu tiên" - cán cân ngoại thương và chi phó của Hoa Kỳ rơi vào số âm.
Vì vậy, năm 1970, hối đoái và vật giá là hai bài toán cho Nixon.
Từ thỏa ước Bretton Woods 1944, Hoa Kỳ giàng giá Mỹ kim vào vàng: nhà cái Mỹ cam kết với các con bạc toàn cầu là sẽ thanh toán đô la theo một tỷ giá nhất định so với vàng. Chữ "gold window" - quầy vàng - có nghĩa là ai có Mỹ kim đều có thể bước vào một quầy Mỹ đổi ra vàng theo hối suất 35 đô la ăn một "troy ounce" (31 gram).
Mọi người vui vẻ làm ăn. Âu Châu cùng Nhật tái thiết trên lưng Hoa Kỳ và dưới cái dù chiến lược của Mỹ, trở thành những cường quốc đang lên và chủ nợ của Mỹ....
Muốn giữ lời cam kết, Hoa Kỳ phải có lượng vàng dự trữ tương ứng với khối tiền tệ lưu hành bằng đô la. Nhưng vì tăng chi quá nhiều, dự trữ vàng của Mỹ từ 55% khối tiền tệ sụt xuống còn có 22%. Qua năm 1971, khối tiền tệ tăng thêm 10% và tiền bắt đầu chảy khỏi nước Mỹ, 22 tỷ trong sáu tháng đầu năm. Các con bạc khác, như Đức hay Thụy Sĩ, lặng lẽ ra khỏi hệ thống Bretton Woods. Mỹ kim xuống giá vì nhiều nước càng ào ạt đổi đô la ra vàng, và yêu cầu nhà cái tôn trọng lời cam kết của "quầy vàng".
Tối 15 Tháng Tám năm 1971 - trước khi các thị trường Á châu mở cửa - Nixon công bố hai quyết định: 1) Chấm dứt chế độ giao hoán tự do theo tỷ giá cố định – tức là đóng cửa quầy vàng – và 2) Thiết lập chế độ kiểm soát giá cả và lương bổng trong 90 ngày. Quyết định đơn phương, vì không tham khảo các định chế tài chánh quốc tế, được gọi là cú sốc của Nixon – "Nixon shocku" theo cách nói của người Nhật tái tê!
Nhà cái Hoa Kỳ vừa chặt neo bỏ chạy, và quịt nợ thế giới... Khi ấy, dân Mỹ vỗ tay ủng hộ! Qua năm sau, Nixon tái đắc cử vẻ vang.
Còn kế hoạch kiểm soát giá cả để giải trừ lạm phát thì thất bại thê thảm – như chính ban tham mưu kinh tế của ông muốn chứng minh - vì vật giá tiếp tục gia tăng. Hai năm sau thì lên tới mức hai số. Nhưng rồi chuyện ấy bị chìm vào chuyến Hoa du với bản Tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972, khiến Nixon là vĩ nhân thời đại. Rồi vụ Watergate khiến ông từ chức trong nhục nhã, rồi cuộc chiến Việt Nam kết thúc "trong danh dự", vân vân....
Nhìn lại chuyện 40 năm trước, Hoa Kỳ là siêu cường có khả năng đơn phương quyết định về nhiều hồ sơ quốc tế tùy theo tính toán về quyền lợi của mình.
Và sau khi Liên Xô tan rã hai chục năm trước thì siêu cường ấy trở thành độc bá! Mà vẫn tiếp tục vào ra không kể. Còn các lãnh tụ anh minh được thổi lên trời xanh cũng có thể là chính khách bị dân chúng quăng vào quên lãng, như chiếc dép rách!
***
Bây giờ, Hoa Kỳ nhìn Trung Quốc ra sao?
Nếu được nói thật thì lãnh đạo Mỹ coi xứ này như cường quốc đang lên. Dù có "màu sắc Trung Hoa" thì cũng chỉ là một cường quốc hạng nhì, chưa thể là siêu cường. Hoa Kỳ có suy yếu hơn xưa, nhưng chẳng hề thua bất cứ một xứ nào trên thế giới. Không gian có khác thời gian!
Lãnh đạo Mỹ không bao giờ trở lại Việt Nam hoặc dại dột thả quân vào Á châu. Một trận chiến Mỹ-Hoa trên lãnh thổ Trung Quốc là điều bất khả. Hải quân Trung Quốc cũng chỉ như đứa trẻ trong nôi, chưa thể thách đố sự hiện diện của siêu cường ngoài Đông hải - từ Đông hải của Trung Quốc ở miền Bắc đến Đông hải của Việt Nam tại Đông Nam Á. Chưa nói đến các vùng biển khác trên địa cầu....
Hoa Kỳ vẫn thích thú theo dõi sự lớn mạnh của Trung Quốc khi điều ấy có lợi cho mình, lâu lâu còn ra vẻ hốt hoảng. Như thật.
Vì Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng tới trời xanh mà tăng trưởng chỉ để tạo ra việc làm chứ không có lời thì chẳng đi tới đâu: uống thuốc bổ để đạp xe cho nhanh thì càng dễ hụt hơi mà gục. Nhật Bản năm xưa đã từng vượt qua Mỹ để thành chủ nợ của Hoa Kỳ và của thế giới. Sau đó thở dốc trong hai chục năm, mà chưa dậy nổi!
Vấn đề là Trung Quốc không thể đầu tư vào bên trong để tự mở mang thành quốc gia phú cường mà vẫn lệ thuộc vào sức mua của thiên hạ. Trong khi, với tất cả những bê bối trong chánh sách kinh tế, Hoa Kỳ vẫn là nơi tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, kể cả đầu tư của Trung Quốc, để phát triển xứ sở! Khi ba thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Âu-Mỹ-Nhật đều bị suy trầm như hiện nay, sức tiêu thụ của họ là chuyện sinh tử cho Bắc Kinh.
Trong khi ấy, lâu lâu Quốc hội Mỹ lại rung chuông rằng đồng Nguyên bị định giá quá thấp và phải được thả nổi. Có thả nổi thì đồng bạc mới thành phương tiện giao hoán đích thực của một cường quốc đích thực!
Trong khi ấy, lâu lâu Quốc hội Mỹ lại rung chuông rằng đồng Nguyên bị định giá quá thấp và phải được thả nổi. Có thả nổi thì đồng bạc mới thành phương tiện giao hoán đích thực của một cường quốc đích thực!
Bứt neo thả nổi là trôi vào bão tố - mà chết.
Hoa Kỳ vẫn la làng là vì kinh tế Mỹ suy trầm nên lại phải in bạc kích thích sản xuất - biện pháp "tăng mức lưu hoạt có định lượng" quantitative easing, QE lần một, rồi lần hai – và vì xã hội bất công nên phải tăng chi để cải tạo! Rồi lãnh đạo cãi nhau triền miên về định mức công trái, debt ceiling, với lời báo động là coi chừng vỡ nợ, được báo chí phóng ra toàn cầu như lời cáo phó!
***
Siêu cường Hoa Kỳ có biệt tài là toàn phơi ra sự xấu xa thất bại của mình và đuổi các lãnh tụ "không ai thay thế nổi" về viết hồi ký. Trung Quốc thì có biệt tài cường điệu, phô trương tiềm năng rồng cọp, từ tư tưởng Mao Trạch Đông đến lý luận Đặng Tiểu Bình, từ kho dự trữ ngoại tệ đến cái lưỡi bò thè ra Đông hải nay mai sẽ được hàng không mẫu hạm Thi Lang bảo vệ!
Sau ba chục năm bật lên, xứ này đang tìm bãi đáp an toàn mà chưa ra.
Còn Hoa Kỳ thì rên la bài ca khủng hoảng. Cứ như thời Richard Nixon!
Còn Hoa Kỳ thì rên la bài ca khủng hoảng. Cứ như thời Richard Nixon!
Siêu cường và đại cường điệu
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
00:43
Rating:
Không có nhận xét nào: