Sự hình thành của một siêu cường

2011-07-29

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo Ngày 20090704

Những Kinh Nghiệm Tích Lũy của Hoa Kỳ...




Trong cơn "khủng hoảng" của Hoa Kỳ, một siêu cường sắp "vỡ nợ" khi kinh tế lại bị suy trầm lần nữa ("đụng đáy hai lần") và giữa những xoay trở vất vả của Việt Nam, xin tìm về một bài viết cũ, cách đây hai năm....



Nhân Lễ Độc Lập Hoa Kỳ 2009, chúng ta có thể vừa xem pháo bông vừa suy ngẫm về sự lớn mạnh của một đế quốc toàn cầu, một trường hợp chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại....

Từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1776 thì kể cả Barack Obama hiện nay, Hoa Kỳ đã có 43 người lên làm 44 đời Tổng thống (ông Grover Cleveland đã là Tổng thống thứ 22 rồi 24, trong các năm 1885-1889 và 1893-1897). Nhìn lại Việt Nam thì vào thời lập quốc đó của Mỹ, nước ta có nội chiến và hai nhà Trịnh Nguyễn đều lụn bại trước phong trào Tây Sơn. Rồi khi Cleveland lên làm Tổng thống năm 1885, nước ta đã mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp.

Ngày nay, Việt Nam vẫn là một xứ lạc hậu, không có dân chủ và cũng chẳng được độc lập, dưới sự lãnh đạo của một chế độ đạo tặc.

Vào thời độc lập, hơn hai triệu 400 ngàn dân tại 13 khu vực thuộc địa ban đầu của Mỹ ở vùng Đông Bắc đã tuyên bố độc lập với Đế quốc Anh. Sau khi có độc lập và bành trướng về hướng Tây để vươn tới Thái bình dương, Hoa Kỳ ngày nay có dân số là 330 triệu người với tổng sản lượng kinh tế giàu nhất thế giới và có mặt hoặc có thể can thiệp trên toàn thế giới. Nhìn gần hơn, nước Mỹ đã đoạt ngôi vị bá chủ của Đế quốc Anh từ đầu thế kỷ 20 và sau khi Liên bang Xô viết tan rã thì Mỹ đã thành đệ nhất siêu cường toàn cầu. Thực tế là một Đế chế Toàn cầu đã thay thế vai trò của Đế quốc Anh trong những thế kỷ trước.

Những yếu tố gì đã dẫn tới một sự trưởng thành lớn lao như vậy?


***


Nếu có phải trả lời thật ngắn gọn thì yếu tố quan trọng nhất là ký ức tập thể xuất phát từ lòng yêu nước chứ không phải yêu mình!

Dù có thể tranh đấu gay gắt để lên cầm quyền, các thế hệ lãnh đạo nối tiếp của Hoa Kỳ đều biết gạn lọc và bảo vệ thành quả của chính quyền đi trước chứ không đòi xoá bỏ tất cả để rồi mỗi thế hệ cứ phải đi lại từ đầu mà không còn kiến thức hay kinh nghiệm gì của chính quyền trước đó vì mọi việc đúng sai trước đó đều bị thủ tiêu hoặc xuyên tạc, là chuyện ta thường thấy tại Việt Nam từ thời Tây Sơn đến ngày nay.

Không, từ đời Hồ Quý Ly đến đời Hồ Chí Minh và con cháu ngày nay tại Ba Đình.

So với nhiều - có lẽ với tất cả các - quốc gia khác trên thế giới, Hoa Kỳ có một lãnh thổ lý tưởng để trở thành siêu cường. Xứ này được bảo vệ bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu và lại tiếp giáp với hai nước láng giềng rất yếu nên trước tiên không bị bài toán ngoại xâm mà nhiều xứ khác đã gặp trong lịch sử.

Hoa Kỳ có thể được coi như một hải đảo trong ý nghĩa đó... và là một hải đảo vĩ đại với diện tích lên tới gần 10 triệu cây số vuông.

Bên trong, xứ này có các con sông lớn, như Mississippi, Missouri, Ohio, Red và Tennessee, lại dễ thông thương với nhau chứ không hoàn toàn biệt lập như Hoàng hà với Dương tử của Tầu hay sông Hồng với Mêkong của Việt Nam. Vùng châu thổ của bốn con sông này có điều kiện địa dư và khí hậu thuận lợi cho canh tác và giao thông, mà tất cả lại nằm trong một khu vực rộng lớn được... mua lại từ Đế quốc Pháp với giá rất bèo! Khu vực gọi là Louisiana Purchase này trải rộng trên 14 tiểu bang, từ biên giới với Canada ở phía Bắc xuống tới Vịnh Mexico ở phía Nam và bao gồm cả hải cảng chiến lược là New Orleans.

Hoa Kỳ có "định mệnh siêu cường" kể từ vụ mua bán đó vào năm 1804, để trăm năm sau sẽ thay thế Đế quốc Anh.

Trên một lãnh thổ phì nhiêu và bát ngát như vậy, lớp di dân sau thời độc lập cứ việc Tây tiến. Họ là thế hệ tiên phong, họ đi trước rồi nhà nước đi sau: họ đẻ ra chính quyền, chứ không chờ "lịch vua ban", hay quy định của nhà nước về cách sinh hoạt trên vùng đất mới.

Trong suốt tiến trình phát triển ấy, ngần ấy thế hệ lãnh đạo đã nối tiếp nhau củng cố và phát triển tiềm năng siêu cường của quốc gia.

Khởi đầu là từ kinh nghiệm của "mẫu quốc" là Đế quốc Anh.

Thời ấy, nước Anh là một hải đảo và có trình độ kỹ thuật cao nhất trong lãnh vực then chốt nhất của các nước là chuyển vận trên hải dương (y như khoa học hàng không và không gian ngày nay). Nhờ vậy, Anh được bảo vệ và bành trướng ra ngoài, ra toàn cầu, trở thành một Đế quốc hải dương, khác với các nước kia là chỉ có thể là một đại cường lục địa - như Đức, Nga hay Trung Quốc.

Từ kinh nghiệm của Anh, bản năng sinh tồn và phát triển của Hoa Kỳ - của nhiều thế hệ lãnh đạo từ thời lập quốc - là phải có lãnh thổ thật sâu để chống lại các đợt tấn công từ ngoài biển Đông vào. Vì vậy, trung tâm sinh lực của quốc gia được chuyển dần vào trong lục địa theo đà Tây tiến. Hạm đội của siêu cường Anh khi đó có muốn giành lại thuộc địa cũ thì cũng không nổi.

Sau khi đã lùi - hay tiến - đủ sâu về hướng Tây, bản năng sinh tồn và phát triển của các thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ là phải có sức phòng vệ trên cả lục địa Bắc Mỹ.

Bản năng ấy mới khiến họ chụp lấy cơ hội mua đất của Pháp như vừa nói ở trên để có một lãnh thổ liền lạc vuông vức. Nhìn lại như vậy thì định mệnh siêu cường của Mỹ có một lần bị đe dọa là trong cuộc chiến với Mexico.

Nếu cuộc nổi dậy và ly khai của Texas trước sức mạnh quân sự của Tướng Santa Ana mà không thành, hoặc nếu Santa Ana chiếm được New Orleans để khóa đường ra biển của các tiểu bang Trung Tây, nước Mỹ đã không có cơ hội sát nhập Texas và bảo vệ cửa khẩu New Orleans cho các tiểu bang nội địa thông thương ra biển. Nghĩa là Hoa Kỳ đã bị một đại cường miền Nam dí dao vào bụng và chặn mất yếu hầu đi xuống Vịnh Mexico.

Bước ngoặt đó vào giữa thế kỷ 19, từ 1836 đến 1845, đã quyết định tư thế của nước Mỹ trên cả khu vực Bắc Mỹ.

Sau khi hoàn toàn làm chủ lục địa, Hoa Kỳ tiếp tục... Tây tiến trên Thái bình dương và với việc chiếm được Hawaii, nước Mỹ đã kiểm soát được biển Thái bình từ năm 1898, rồi trở thành đại cường... Á Châu. Tại hướng Đông, trên Đại tây dương, Hoa Kỳ đóng chốt được ngoài biển sau khi chiếm được Puerto Rico - và cả Cuba - từ tay Đế quốc Tây Ban Nha. Thế chiến II còn tạo cơ hội cho Mỹ.. tiếp thu một chuỗi căn cứ hải quân của Đế quốc Anh khi đó đã tàn lụi...

Vì vậy, trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ trở thành cường quốc hải dương, có mặt trên cả hai đại dương lớn nhất, và có mặt trên thế mạnh.

Mà chưa hết!

Sau Thế chiến II - cách đây có hai thế hệ và 12 đời tổng thống, từ Franklin D. Roosevelt tới George W. Bush - Hoa Kỳ còn tiến xa hơn nữa để kiểm soát các căn cử hải quân ngoài biển và liên kết với một chuỗi các quốc gia bán đảo hay hải đảo: từ Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Singapore tới Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tại Á Châu cho đến mẫu quốc và đối thủ ngày xưa là Anh quốc, rồi Na Uy, Đan Mạch tại Âu Châu. Nhờ sức mạnh hải quân và một chiến lược liên hoàn toàn cầu như vậy, Hoa Kỳ trở thành đệ nhất siêu cường hải dương.

Bất cứ một biến cố nào trên thế giới, như thiên tai, động đất, sóng thần hay hải tặc, đều thấy có sự quan sát và can thiệp rất nhanh của Mỹ, nếu chuyện ấy liên hệ đến quyền lợi của quốc gia hay động vào từ tâm của dân Mỹ! Trong lịch sử nhân loại, chưa một đế quốc nào lại có khả năng vươn xa như thể, và đi rất xa dưới con mắt theo dõi của hệ thống kiểm báo trên không gian.

Nếu nhìn lại từ thời độc lập thì ngần ấy thế hệ lãnh đạo có thể tranh cãi lung tung về chiến lược này nọ ở bên trong, chứ về đối ngoại, cả 44 đời tổng thống đều tiếp tục và bành trướng con đường củng cố và phát triển đó: làm chủ lục địa bên trong và triển khai sức mạnh ra ngoài. Eisenhower không khác Truman hay Roosevelt, Kennedy không khác Eisenhower, Nixon không khác Kennedy, và.... Obama không khác Bush!


***

Nhưng Hoa Kỳ còn biết... điểm huyệt thiên hạ!

Mục tiêu muôn thuở của Mỹ không chỉ có tính cách phòng thủ, dù là phòng thủ tích cực trong thế bành trướng. Siêu cường này còn quyết liệt hơn ở một thực tế ít ai nói ra mà dường như lãnh đạo nào cũng thực hiện sau khi nắm quyền. Đó là cố gắng tiết kiệm xương máu, vận dụng xứ khác để làm cho không quốc gia nào có thể kiểm soát được một lãnh thổ quá lớn hầu sau này thách đố vị trí siêu cường của Mỹ!

Nhân lễ độc lập của Mỹ, ta hãy nghiệm lại mà xem...

Trong cả hai cuộc Thế chiến, Hoa Kỳ rất ngần ngại tham chiến tại Âu Châu - và quả nhiên là bị tổn thất nặng trong Thế chiến II - nhưng sau đó đã xé đôi đối thủ là nước Đức. Qua thời Chiến tranh lạnh thì Mỹ be bờ ngăn chặn Liên bang Xô viết trở thành siêu cường độc bá, bằng một chuỗi liên kết với Tây Âu, thậm chí với cả Liên bang Nam Tư ngay trong khối Xô viết.

Bên kia Thái bình dương thì Mỹ ủng hộ Đài Loan chống Mao, và khắng khít hợp tác với đối thủ cũ là Nhật Bản. Khi Liên Xô quá mạnh thì Hoa Kỳ lại hy sinh cả Đài Loan - và Việt Nam! - để liên kết với Trung Quốc hầu bao vây và đánh gục Đế quốc Xô viết mà không mất một viên đạn.

Tại lục địa Nam Á, Hoa Kỳ cũng hợp tác với Pakistan để khống chế Ấn Độ và ngăn chặn liên minh giữa Ấn với Liên Xô. Khi Liên Xô sa lầy tại A Phú Hãn sau năm 1979, thì Hoa Kỳ của một tổng thống rất lý tưởng là Jimmy Carter lại ma quái yểm trợ các lực lượng Hồi giáo chống Hồng quân Nga. Cũng thế, Hoa Kỳ thời Tổng thống dễ thương là Ronald Reagan lại nhảy vào cuộc chiến tám năm giữa Iran với Iraq và ngầm yểm trợ kẻ thù cũ là Iran để làm suy yếu chế độ Saddam Hussein....

Và ngày nay, trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo thì tùy tình hình, nước Mỹ thời Bush 43 đã gõ trên cả hai phím Sunni và Shia, khi xúi bên này khi chặn bên kia.

Mục đích sau cùng vẫn là để không một hệ phái nào có thể lãnh đạo toàn khối Hồi giáo, "từ Maroc tới Malaysia", như Giáo chủ Rurollah Khomeini của hệ phái Shia tại Iran hay trùm khủng bố Osama bin Laden theo hệ phái Sunni đã mơ ước! Vì không nhìn vào cả chiều dài lịch sử, dư luận Mỹ cứ vội sốt ruột về chuyện Iraq và mạt sát ông Bush như kẻ ngang bướng dại dột. Ông ta dọn cỗ cho Obama như việc đôn quân và hợp tác với phe Sunni tại Iraq để rồi nay sẽ rút.

Nhưng "rút mà không ra" - như người viết đã nhiều lần đề cập tới từ mấy năm trước. Hoa Kỳ sẽ còn khống chế Iraq khá lâu - với binh lính không làm bia đỡ đạn trong thành phố mà trấn giữ các căn cứ ngoài sa mạc. Để canh chừng Iran theo hệ phái Shia và bảo vệ quyền lợi Mỹ trên toàn khu vực Trung Đông.

Cũng thế, khi Liên bang Nga trỗi dậy và đòi lại ảnh hưởng mà Liên Xô đã từng có thì Hoa Kỳ thời Obama sẽ lại tìm ra thế liên kết từ hướng Nam với Turkey lên tới hướng Bắc với Ba Lan và ba nước Cộng hoà Baltic. Nói theo chuyện Chiến quốc bên Tầu thời xưa thì đấy là thế "hợp tung" trên cái trục Nam Bắc để ngăn hặn "cường Tần" đời nay là Liên bang Nga của Putin.

Ngẫm như vậy, người kế nhiệm Obama sẽ có ngày nhìn vào Trung Quốc.... Có khi là ai đó đã nhìn rồi, mà họ nhìn được vì chuyện "ký ức" đã nói ở trên.


***


Nước Mỹ là siêu cường vì biết tích lũy kinh nghiệm.

Cho dù bất cứ ai lãnh đạo và muốn thi hành chánh sách thiên tả hay hữu khuynh về nội trị, bộ máy an ninh chiến lược của Mỹ vẫn vận hành bình thường, như một chiếc đồng hồ tự động. Và nước Mỹ lại còn có can đảm kỳ lạ là đòi công khai hóa mọi chuyện để người dân, truyền thông, và các học giả có quyền tham khảo và phê phán.

Nhờ sự vận hành thường trực của bộ máy về an ninh - trong các bộ, cơ quan nay trong quân đội - để theo dõi, dự đoán và thiết kế ra mọi loại kịch bản quốc tế, có khi chỉ để trong ổ kéo hay trong một lò trí tuệ, Hoa Kỳ có một kho ký ức rất dày. Mà ký ức đó lại có tính chất tích cực: khả dụng nếu lãnh đạo muốn.

Mọi chính quyền nối tiếp đều có một trách nhiệm thiêng liêng và pháp định, đó là "bàn giao".

Trong bàn giao, không hề có chuyện giấu diếm để phục kích hoặc gài bẫy chính quyền kế nhiệm hầu chứng tỏ sự sáng suốt của chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền Bush đã và phải trình bày hết những chuyện tuyệt mật liên quan đến an ninh và quyền lợi của Mỹ, với cả lời cảnh giác về những mối nguy hay điểm nóng cần quan tâm ngay từ giây phút cầm quyền đầu tiên của Chính quyền Obama. Không thể có chuyện quăng vỏ chuối trên thềm nhà cho người đi sau ngã vỡ mặt!

Các quốc gia khác, kể cả đại cường Xô viết hay cường quốc mới nổi như Trung Quốc lại không thể có thể thức bàn giao như vậy vì đặc tính độc tài và vì quyền lực quá lớn của mật vụ!

Từ thời độc lập của Hoa Kỳ, tinh thần bàn giao ấy qua 44 đời tổng thống cho phép chuyển giao kinh nghiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác để người sau khai triển chiến lược kế tiếp.

Ngoài tinh thần bàn giao trách nhiệm và kiến thức cứ tưởng như rất tầm thường mà vô cùng quan trọng, Hoa Kỳ không có hiện tượng... đốt sách và chôn học trò. Nghĩa là không thủ tiêu kiến thức của người đi trước. Đã vậy, luật lệ Hoa Kỳ còn quy định quyền đòi hỏi giải mật rất nhiều tài liệu hay thông tin của thế hệ đi trước. Mà tổng thống nào thì cũng gom các tài liệu riêng trong thời kỳ lãnh đạo của mình vào một viện bảo tàng hay một thư khố. Ai muốn tham khảo thì có thể tìm đến kho ký ức chung đó.

Một Tổng thống bị đàn hặc và phải từ chức như Richard Nixon mà sau này vẫn được kính trọng chính là nhờ kho ký ức đó: người ta hiểu ra tầm nhìn và học được rất nhiều kinh nghiệm của ông.

Nghĩa là quy luật "công khai hóa" mọi chuyện giúp người sau hiểu được vì sao và trong hoàn cảnh nào người đi trước lại sai lầm hoặc đã lấy quyết định như vậy.

Vụ tranh luận về màn "trấn nước tù nhân" là một điển hình nóng bỏng giúp Chính quyền Obama hiểu được bài toán của Chính quyền Bush và dù đồng ý hay không thì cũng biết vì sao ông Bush lại làm như vậy. Không chỉ chính quyền Obama mà người dân Mỹ cũng biết, nên có thể suy xét và phê bình cách hành xử của Bush trước đó, và của Obama sau này.

Không là một ngẫu nhiên nếu Hoa Kỳ trở thành siêu cường toàn cầu, khiến mặt trời không bao giờ lặn trên các chiến hạm của Mỹ. Lý do chính là sự thật không bao giờ tắt trong ký ức chung của các thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ. Họ đáng kính trọng ở tinh thần yêu nước hơn là yêu mình.


***


Trông người lại ngẫm đến ta... qua một chuyện giả định mà không có...

Năm 1975, sau khi chiến thắng miền Nam và chấm dứt mấy chục năm tương tàn, nếu lãnh đạo Hà Nội hành xử khác trong hoàn cảnh... chao ôi bi hài, gọi là độc lập, thì tình hình Việt Nam ngày nay đã khác. Sau khi tiếp thu mà chẳng cần bàn giao, nếu Hà Nội chú ý đến ký ức tập thể của miền Nam thì đã gặp gỡ những người có trách nhiệm trong Nam với tinh thần thực sự là dân tộc trên hết. Khi ấy, họ đã học được kinh nghiệm quản trị kinh tế và xã hội, lẫn kinh nghiệm giao tiếp với Hoa Kỳ, hay cả kinh nghiệm đối ngoại - với cả Trung Quốc.

Khi ấy, chưa chắc đã có cuộc chiến Hoa-Việt năm 1979 và chắc chắn là không có sự lụn bại ngày nay trước thế lực Bắc Kinh.

Hà Nội có tập trung những người ở trong phe chiến bại thật. Nhưng để "cải tạo" họ mà thực chất là để tự ca tụng! Lãnh đạo mê muội ấy đầy ải người dân trong Nam rồi tịch thu sách báo, giam cầm trí thức để rơi vào chân không... Họ thủ tiêu ký ức và bần thần - rồi nói phét - trước các vấn đề vượt quá khả năng hiểu biết và ứng xử. Họ gây ra khủng hoảng, đổ thêm xương máu của thanh niên cho chiến tranh và mất mấy thập niên học cách xoay trở với những bài toán mới.

Ngày nay, cách xoay trở mà trên dưới đều thuộc là ăn cắp. Và cách tồn tại mà lãnh đạo đang áp dụng là bán nước.

Đâm ra, Lễ Độc Lập của Mỹ cũng là dịp ta suy nghiệm về thực tế nô lệ của Việt Nam! Buồn nhiều hơn vui...


http://www.dainamax.org/2011/07/su-hinh-thanh-cua-mot-sieu-cuong.html

Sự hình thành của một siêu cường Sự hình thành của một siêu cường Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:11 Rating: 5

Không có nhận xét nào: