Blog BBC Vietnamese homepage Anh cho mở trường tự lập để cải tổ giáo dục

Nguyễn Giang | 2011-09-05

Tuần này tôi xin chia sẻ một chuyện ở Anh mà có liên quan đến mối quan tâm chung tại Việt Nam: chất lượng giáo dục.


Trường tự lập ở Anh có thể chơi bản nhạc riêng

Trường tự lập ở Anh nay có thể chơi bản nhạc riêng


Sau nhiều tháng bàn cãi vào dịp khai trường tháng 9 năm nay, nước Anh bắt đầu có một loạt trường tiểu học này do cha mẹ, các nhóm bạn hữu, các giáo hội chung sức lập ra và tự quyết định cách thuê, chọn thầy cô, chương trình học.

Họ cũng tự do hơn trong việc trả lương giáo viên, không bị trói buộc bởi các thỏa thuận nghiệp đoàn.

Tôi dùng chữ 'tự lập' để chuyển tải nghĩa 'tự do và tự lo' của loại trường này.

Nó nằm ngoài hệ thống trường phổ thông (comprehensive school) hay trường tôn giáo (faith school) vẫn theo chương trình nhà nước nhưng gắn liền với Anh giáo, Công giáo, Hồi giáo hoặc Do Thái giáo.

Đây cũng không phải trường tư thuần tuý thu tiền và dành cho con nhà giàu, người Anh và người nước ngoài, vì học phí cao.

Free school gần như 'công lập' ở Việt Nam nhưng tự do hơn về quản trị và theo tinh thần xây dựng xã hội của các công dân muốn cải thiện giáo dục.

Các trường này giáo dục tính cộng đồng và dựa vào sự hỗ trợ của các cộng đồng địa phương để tồn tại và phát triển như lời bà Penny Roberts, một trong số người sáng lập ra trường tự do đầu tiên ở Camden Town, Bắc London.

Bạn đọc ở Việt Nam có thể hỏi vì sao giáo dục Anh đã tốt thế còn phải cải tiến, cải lùi?

Thực ra, giáo dục tại Anh Quốc cũng có rất nhiều vấn đề, và đa số sinh viên Việt Nam sang chỉ học từ cấp dự bị đại học A-level trở lên nên đang hưởng phần 'bánh kem' của nền giáo dục có hàng trăm năm của Anh mà không phải bận tâm đến các cấp dưới.

Với cấp tiểu học và trung học, việc định hướng học nghề, học ngoại ngữ gắn liền với các câu hỏi lớn xã hội Anh đang đối mặt.

Ví dụ nếu tăng ngoại ngữ thì ưu tiên các tiếng châu Âu truyền thống như Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay các tiếng châu Á 'mới nổi' như Trung Quốc?

Việc xác định kinh tế Anh dựa trên dịch vụ, công nghệ hay cơ khí hóa cũng kéo theo định hướng từ cấp hai cho các em về hướng nhiều toán, lý, hóa, sinh hay là nhiều marketing, designing, giao tế và truyền thông.

Cuộc tranh luận ở Anh theo tôi có đầy tính thời sự cho Việt Nam hiện nay, cả về nguyên tắc và tính thực tiễn.

Thứ nhất, chính quyền Anh đồng ý rằng đã là một xã hội tự do thì công dân có quyền mở trường, lập trường và chọn trường, cũng như chọn cách giáo dục phù hợp cho con cái họ.

Tại Anh và Mỹ đã có truyền thống dạy tại nhà từ lâu là 'home schooling' mà giáo viên chính là chính bố mẹ hoặc thân nhân nhưng vẫn theo giáo trình quốc gia và tham gia thi cử bình thường.

Tuy thế, không phải gia cảnh nào cũng cho phép như vậy và dạy tại nhà chỉ dành cho một số nhỏ học sinh.

Bởi nếu mở rộng phạm vi thì lại thành trường 'tự lập' như nói trên và cần có luật để điều chỉnh.

Nay thì luật đó đã có dưới thời chính phủ của đảng Bảo Thủ nên số trường tự do đầu tiên đã được đăng ký.

Tuy mới có 24 trường trên tổng số 20 nghìn ở cả xứ Anh (England) nhưng trường tự lập đang tạo ra một diện mạo mới cho nền giáo dục.

Thứ nhì, việc mở trường tự lập tự quản có ý nghĩa phản đối lại nỗ lực cản trở cải tổ giáo dục của các công đoàn giáo viên.

Họ lập luận rằng các trường tự lập sẽ thu hút học sinh từ hệ thống trường công và gây ra chia rẽ trong xã hội.

Trên thực tế, sự công bằng trong giáo dục chỉ nên có ý 'bình đẳng đầu vào' tức là cơ hội ngang nhau, còn là cha mẹ ai cũng mong con mình đi học để vượt trội lên và hưởng nền giáo dục có chất lượng cao nhất.

Tâm lý 'bình quân chủ nghĩa' này như ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây chỉ kéo tụt giáo dục xuống.

Đã có nhà giáo gọi chuyện học sinh, sinh viên Việt Nam thuộc giới có của đua nhau ra nước ngoài du học là một hình thức 'di tản giáo dục'.

Nhưng những người không đi được vì thiếu có tiền bị bắt chẹt phải theo một giáo trình lạc hậu, thiếu tính khoa học, lãng phí thời gian và bị cưỡng ép phải học thêm - một hình thức ăn chặn bởi giáo viên.

Kể cả có học thêm hoặc tự học, các bạn trẻ Việt Nam vẫn bị bắt bí bởi nạn khoa cử, bằng cấp.

Các hội đoàn, các tôn giáo lại không có quyền mở trường dạy học.

Ở đây, giải pháp của Anh Quốc cho dạy và học tại nhà ở diện hẹp và lập trường mang tính cộng đồng chắc hẳn có thể áp dụng cho Việt Nam, ít là là trên lý thuyết.

Nhưng khi đề cập đến điểm này, câu trả lời dễ lại là 'đổ cho cơ chế'.

Anh Quốc đã thừa nhận lực cản đến từ nghiệp đoàn giáo viên nên chắc Việt Nam cũng cần công khai nói rằng chính các thầy cô giáo là một phần của vấn đề làm giáo dục trì trệ.

Xét cho cùng thì ở đâu cũng thế, nếu Nhà nước không lo được thì nên để cho dân lo nhưng cần có niềm tin rằng cha mẹ biết điều gì tốt nhất cho con cái họ, và tước bỏ vẻ đạo đức giả của không ít quan chức giáo dục rằng chỉ có họ mới biết điều gì là hay cho mấy thế hệ tương lai của người Việt Nam.

Chuyện trường tự lập ở Anh Quốc mới chỉ là bước đầu nhưng ít ra cũng cho thấy nhờ môi trường văn hóa, pháp luật cởi mở, người Anh đã thực sự cố gắng tìm cách gỡ nút cho một chủ đề gai góc.

Blog BBC Vietnamese homepage Anh cho mở trường tự lập để cải tổ giáo dục Blog BBC Vietnamese homepage Anh cho mở trường tự lập để cải tổ giáo dục Reviewed by Phạm Thu Hương on 18:28 Rating: 5

Không có nhận xét nào: