Trên báo Văn Nghệ, có lần, tôi đã được đọc một truyện ngắn, trong đó kể
chuyện hai vị cán bộ về hưu, tranh nhau chức chủ tế, trong một dịp làng mở hội.
Còn đây trước mắt tôi, bài tạp văn Chiến
binh khi đã về già của Nguyễn Khải dựng lại cả một quá trình thay đổi:
Khoảng 1948, thị xã Hưng
Yên, theo trí nhớ của tác giả, bước vào kháng chiến chống Pháp bằng một cuộc từ bỏ lớn. Đó là từ bỏ mọi
thói mê tín vốn đã thâm căn cố đế:
"Bói
bụt ở chùa Chuông, bỏ.
"Xin thẻ ở đền Mẫu, cũng bỏ.
"Rước Niềm, rước Du của hội
Mẫu vào tháng ba ta cũng bỏ luôn.
"Hình như mọi người không ai bảo ai đều muốn
sống theo lề luật mới (...)".
Năm chục năm sau, có hiện tượng ngược
lại. Người ta đua nhau lễ bái. Và lạ nhất là mấy ông cán bộ cũ nhà mình cũng
tham gia vào việc tế lễ một cách hào hứng.
Một người trong số đó kể với tác giả:
"Ông nói ngày
nhỏ có người xem lá số của ông, bảo ông có số thờ. Một đời trong quân ngũ, có
lúc nào nghĩ tới cúng bái, đã tưởng lá số lấy sai; nào ngờ lúc về già, lại được
làm tôi tớ của Mẫu, cả ngày quanh quẩn nơi thờ tự của ngài, chả còn thiết gì
đến con cháu.
Có một sự ăn nhập tuyệt vời giữa ông ta với đám đông chung quanh.
"Các bà đi
lễ chắp tay đồng thanh nói: Lạy Mẫu mớ bái, Mẫu đã chọn làm ghế làm đệm của Mẫu
làm sao mà trốn được. Ông kia lại nói, tiếng bổng tiếng trầm, lời lẽ cứ trôi ra
tuồn tuột như một anh thầy cúng rất thạo nghề, rằng từ ngày được hầu hạ Mẫu, vợ
chồng ông rất khỏe mạnh, con cái đều ăn nên làm ra, tức là ngài đã xá u xá mê xá
nhầm xá lỗi cho ông vì ông đã biết quay đầu trở lại. Các bà tín nữ lại đồng
thanh kêu tiếp: Lạy Mẫu mớ bái, ngài giơ cao đánh khẽ".
Điều thú vị nhất là ở đoạn về sau, tác giả chợt phát hiện cái ông già hoan hỉ
được hầu hạ Mẫu ấy, gần năm chục năm trước, là một chiến sĩ: "dáng vóc cao lớn, đội mũ sắt, khoác xà cột
da, ngang lưng đeo một khẩu súng ngắn và hai trái lựu đạn", từng đã
đứng ra diễn thuyết về kháng chiến, và trong tâm trí tác giả, là "cái chân dung hào hùng và lãng mạn của một
chàng trai Việt Nam buớc vào chiến trận".
Theo Từ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê, chữ lại khi
đặt trước một từ khác, là để chỉ một quá trình đảo ngược:
Như lại bữa là ăn trả bữa;
lại
gạo là chỉ bánh đã nấu, mà trở lại khô
cứng, như khi chưa nấu;
hoặc lại giống là sự xuất hiện một vài yếu tố của tổ tiên xưa như người
có lông, người có đuôi...
Trường hợp mà Nguyễn Khải vừa miêu tả ở trên (cũng như nhiều chuyện tương tự đã
được nhắc tới đây đó trên mặt báo) đúng là một sự lại gạo ở cấp tinh vi hơn: lại gạo trong cách sống, trong niềm tin.
Người ta quay trở lại với những gì
từng lên án và xem là cổ hủ, lạc hậu. Hơn thế nữa, đó là một sự trở lại thành
tâm, tự nguyện, khiến cho con người trở lại kia thấy sung sướng đến nở lòng nở
ruột.
Cuối cùng, chỉ có cách kết luận:
trong khi tham gia vào cuộc vận động cách mạng hôm qua, những người ấy chưa có
sự nhận thức tự giác, chẳng qua hùa theo đám đông, thấy xung quanh làm thì cũng chạy theo.
Có nhận thức sâu sắc thì trong khi
hoạt động, đồng thời làm công việc tự cải tạo, làm thay đổi hẳn con người của
mình.
Còn như hùa theo mọi người thì không
trước thì sau, sẽ trở lại với cái lai do
bản mệnh.
Và bởi mấy ông cán bộ nói trong bài
tạp văn Chiến binh khi đã về già,
chẳng qua cũng là nông dân, cởi áo cán bộ ra là nhập ngay được với bà con làng
xóm, cho nên, vấn đề nhà văn Nguyễn Khải nêu lên ở đây cũng là vấn đề nhức nhối
của nông thôn ta hiện nay,
--sự trở lại của những tập quán mê tín dị đoan, mà có một thời chúng ta
tưởng đã tuyệt diệt
--
sự trở lại của nông thôn cũ trong lòng cái thực thể nông thôn mà ta cứ ngỡ là
mới.
Trong khi suy nghĩ về hiện tượng
này, và những hiện tượng lại gạo tương tự, có người chỉ đổ thừa cho những biến đổi xã hội thường được mệnh danh là kinh tế thị
trường.
Nhưng xem xét kỹ thì thấy cái gọi là kinh tế thị trường hiện nay cũng quá cũ kỹ như đời sống chúng ta nói chung.
Nó chưa đủ sức trở thành một yếu tố đầu tầu làm thay đổi đời sống một cách căn bản. Mà chỉ giúp cho cái nếp sống cũ có những biến thể sặc sỡ, giúp chúng ta yên tâm tự dối mình là mọi chuyện đang thay đổi , đang tiến hóa.
Đến đây, có thể có người sẽ lý sự:
- Sao anh nghiệt ngã thế? Cái chuyện
hôm qua tôi bỏ lễ bỏ bái là sai, giờ tôi có quyền sửa! Chính nhờ cách mạng rồi
tôi mới hiểu ra các giá trị văn hóa dân tộc, nên tôi tính chuyện trở lại, có gì
là lạ?
Một cách lập luận hiện rất phổ biến và nghe ra cũng có lý.
Chỉ
hiềm có phải là đúng như thế không, thì cần xem kỹ một chút.
Bên cạnh Chiến binh khi đã về già , trong thời gian này (những năm 1990s) Nguyễn Khải còn có một truyện ngắn mang tên Một
thời gió bụi , kể về một sự việc xảy
ra theo hướng hoàn toàn ngược lại.
Thiên truyện cho biết tại một làng
nọ, có một bọn cả gan đập phá một ngôi mộ cổ. Đó là mộ một bà thứ phi từ đời chúa
Trịnh. Mộ bị bật tung, cái xác chôn đã mấy trăm năm (song được chèn quanh bởi
những túi gạo rang và lụa là gấm vóc nên thân người con nguyên) nay bị lấy cắp
mất cái đầu, chắc để tìm vàng. Cảnh tượng thật thê thảm hết chỗ nói.
Đặt hai hiện tượng cạnh nhau.
Một bên mê mẩn với thần thánh và lao vào hầu hạ thần thánh.
Một bên làm chuyện bạo thiên nghịch địa báng
bổ tổ tiên.
Sao ở xã hội cùng lúc lại có hai
hiện tượng trái ngược nhau đến vậy?
Truy tìm nguồn gốc cả hai hiện tượng đó, Nguyễn Khải đã lật ra chung một nguyên nhân. Chẳng qua đó chỉ là hai mặt của một quá trình -
quá trình tính vụ lợi lên ngôi và trở thành nhân tố chủ đạo chi phối mọi hành
động của con người hậu chiến.
Hóa ra chẳng ai thực sự vô thần mà
cũng chẳng ai có được một lòng tin cho vô tư, cho sâu sắc. Cứ thấy lợi thì làm.
Có lợi, thì việc càn rỡ, việc xấu, xúc phạm tới mọi điều cao cả thiêng liêng
cũng chẳng từ. Rồi nếu nhắm thấy có lợi, thì sẵn sàng cầu cúng đền này miếu nọ,
và đứng ra lo việc cầu cúng, tức là tổ chức nên sự mê tín cho mọi người.
Ở cuối bài tạp văn Chiến binh khi đã về già, nhà văn không quên bỏ nhỏ một chi tiết:
Trong
khi cái con người từng cả đời trong quân ngũ nhưng lại có "số thờ"
kia, đang mải miết trò chuyện về sự linh ứng của Mẫu, thì bên chính điện bà
đồng đền ngồi nhăn nhó bực bội.
Hóa
ra có sự ăn chia nào đó không sòng phẳng giữa các bên có liên quan xung quanh
những đồng tiền công đức cúng vào đền.
Đấy,
lý do khiến cho người ta từ chỗ không tin đến chỗ đi thuyết minh về đức tin, thật
ra là ở chỗ ấy!
Câu chuyện Nguyễn Khải kể ở đây xảy ra ở Hưng Yên, nhưng cũng có thể xảy ra ở
Hải Dương, ở Bắc Ninh, ở nhiều tỉnh khác.
Sự vụ lợi, suy cho cùng đâu cũng có,
thời nào cũng có, và nếu như bảo rằng nó là động cơ sâu xa chi phối mọi hành động
của một số người thì cũng là lẽ thường tình.
Thử hình dung ra quá trình đảo ngược của những người lại gạo.
Những năm tháng hoạt động
cách mạng chưa hết dấu vết nơi họ, và trong thâm tâm, họ cũng có chút xấu hổ.
Thế nhưng sau khi thấy cả đời mình
thua thiệt và chả còn biết nương tựa vào đâu, họ không còn cách nào khác là lần
mò kiếm chút lợi lộc, dù có mang tiếng cũng đành chịu.
Và để tự biện hộ, họ phải khoác cho
hành động của mình những ý nghĩa lớn lao. Bởi vậy mới có những lời rao giảng
thật to, rằng mình làm thế tức là tôn trọng truyền thống ông cha, là trở về cội
nguồn, và tất nhiên là có ý nghĩa bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa dân tộc.
Đây chính là nét đặc trưng chỉ sự
mê tín thời nay mới có. Nó khiến cho thật giả khó lường. Và có những chuyện buồn
cười mọi người trông thấy nhỡn tiền lại thừa biết chúng được thúc đẩy bởi những động cơ không ra làm sao, mà
không dễ gì làm khác.
Đã in trong Nhân
nào quả ấy, 2003
Viết
thêm 27-1-2014
Sự
tha hóa của loại nhân vật cán bộ dày dạn kinh nghiệm đấu tranh cách mạng là một chủ đề liên tục được
bộc lộ trong các tác phẩm Nguyễn Khải từ những ngày kết thúc chiến tranh và
sang thời kỳ kinh tế thị trường.
Bài Chiến binh nay đã về già dẫn ra ở trên
chỉ nói về sự đổ vỡ niềm tin. Song nó gợi cho ta liên hệ tới hàng loạt sự giật lùi khác trong
cách sống của lớp người từng là cốt cán góp phần tạo nên mọi biến động lịch sử
mấy chục năm qua:
--Từ chỗ hào hứng tự tin đến chỗ bất lực sợ hãi trước
tương lai.
--Từ chỗ sống thanh cao và đầy lý tưởng nay chỉ lo
hưởng thụ vật chất.
-- Từ chỗ nhân danh vô sản phê phán bừa bãi địa chủ tư sản đến chỗ bò xuống học đòi bắt chước những thói xấu mà những người ưu tú trong giới thượng lưu đã từ bỏ.
-- Từ chỗ đặt mục đích đời mình là xả thân vì nghĩa
lớn, nay cậy có công trong chiến tranh, tự cho phép tha hồ khai thác tình trạng
lạc hậu của xã hội, cảnh cùng cực của dân đen, để kiếm chác.
...
Bởi lớp người như ông chiến binh nói ở đây là cốt cán của xã hội ta hôm nay và tư tưởng của họ vẫn đóng vai trò chi phối xã hội, nên có thể suy ra, mấy chục năm qua, xã hội ta cũng đang có sự quay đầu trở về thời tiền hiện đại.
Đây là điều tôi đã thử dự đoán qua một vài bài phiếm luận trước và đang suy nghĩ tiếp.
Nguyên nhân ở đâu?
Việc tiêu hủy sức lực và tinh thần ý chí của con người trong
chiến tranh có lỗi một phần.
Nhưng cái chính là ngay từ thuở ban đầu, cộng đồng chúng ta đã không nhận thức được mình là ai, mình sẽ làm được những gì. Những khẩu hiệu chính trị mà chúng ta mới nhập khẩu từ nước ngoài và đã có tác dụng lớn trong việc hướng dẫn hành động, thật ra, chưa bao giờ được ta tiêu hóa và từ đó đề ra cho mình một định hướng phát triển chính xác.
Kết
cục đang đến với chúng ta hôm nay là một cái gì tự nhiên. Chúng ta vốn là thế thì phải hiện ra như thế, thay đổi
như thế và chấp nhận những kết cục như
thế.
Hiện tượng “lại gạo” trong niềm tin trong cách sống
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
21:34
Rating:
Không có nhận xét nào: