Rửa hờn của Nam Cao
(Tuyển tập Nam Cao bản của NXB Văn học in 1987, tr 424) viết về
cuộc hiềm khích kèn cựa giữa hai vị tai to mặt lớn làng nọ. Một bên là lý
Nhưng, một bên là khóa Mẫn.
Kẻ thứ nhất -- người xưa gọi là lý đương -- là một nhân vật đang có thực quyền.
Nhưng kẻ thứ hai cũng không phải chân trắng.
Gọi là
khóa Mẫn tức ông ta thuộc loại có học và sự học được cả cộng đồng làng xóm công
nhận. Làng xóm xưa cho phép loại người như ông ta len vào bộ máy cầm quyền và trở thành một thứ cường hào, những người này bằng
những cách khác nhau tác động tới sự vận hành của bộ máy .
Họ kiện
nhau đến vong gia bại sản.
Ban đầu cái cớ chỉ là chuyện nhà chức trách (tức
lý Nhưng) tống tiền ăn bẩn. Chuyện lan ra. Bàn dân thiên hạ đều khinh ghét.
Sau khi nghe ngóng tình hình thấy việc xấu của mình làng xóm đã hay
biết, Lý Nhưng liền cho rằng tất cả là từ khóa Mẫn. Hẳn là lão này không được
ăn thì đạp đổ!
Cứ thế người nọ ra đòn trị, người kia báo thù, cả hai ngày mỗi
lút sâu vào cảnh thân bại danh liệt.
Cường hào nói ở đây là kẻ có quyền chứ không phải chỉ là địa chủ tức kẻ có đất .
Từ thế kỷ
XV, Lê Thánh Tôn đã có chỉ dụ về quản lý làng xã, trong đó "cường hào thao túng, phong tục kiêu bạc, dân sinh đau khổ."
Sang thời Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đã có 107 lần chép về tệ nạn này . Trong một tờ sớ gửi vua Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ viết: "Cái hại quan lại là một hai phần mười, cái nạn cường hào đến tám chín phần mười "(Dẫn theo Bùi Xuân Đính, Cái nạn cường hào thời phong kiến )
Thời tiền chiến, trong khi Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố viết nhiều về quan hệ kinh tế giữa địa chủ và nông dân thì Nam Cao là người chú ý tới cả bộ máy quyền lực ở nông thôn, nó chi phối mọi hoạt động và làm biến dạng cả số phận lẫn mày mặt của con người.
Ngoài Chí Phèo, chủ đề cường hào còn được
tác giả Nam Cao đả động tới trong Nửa đêm, Đôi móng giò …
Riêng Rửa hờn nói ở đây đi vào khía cạnh
bọn cường hào thù nhau, hại nhau ra sao.
Rửa hờn lại còn là một bằng chứng về các vấn đề có liên quan tới thông tin ở làng xã xưa.
Vụ Lý
Nhưng bục ra từ một cái trần ngôn
--Trời ơi có thấu tình chăng
Một con mẹ đẻ mấy thằng ăn no
Ai về tôi gửi cái mo—
Lý Nhưng có thiếu thì cho mà
dùng
Lý Nhưng ơi hỡi Lý Nhưng
Tưởng là ông hóa ra thằng ăn dơ.
Trần ngôn
(trần ở đây có nghĩa là bộc lộ, bày tỏ) chẳng qua chỉ một thứ vè viết lên giấy dán ở cửa đình.
Nhưng chẳng phải bước đầu
nó đóng vai trò một thứ báo chí theo nghĩa hẹp nhất, một thứ sách trắng? Một mô
hình có từ thời làng xã, được tiếp nối khi văn hóa phương Tây tràn vào?
Xã hội lúc ấy đã hình thành một nhu cầu là phải có những thông tin về chính
mình.
Có điều
loại truyền thông tự phát này dù dưới dạng truyền khẩu hay đã viết ra đều ở tình trạng ấu trĩ. Nó giống như một khoảng trắng, ai muốn bôi bẩn thế nào cũng được.
Thiếu sót rõ nhất của những lời đồn thổi, là người ta không sao xác minh được
rõ ràng. Tự nhiên nó lại dễ trở thành công cụ để người ta hại nhau.
Sự phát
ngôn của số đông người trong các “ hương đảng tiểu triều đình “ vậy là
chưa trưởng thành đã tha hoá.
Nó sớm là đất để
bọn cường hào tha hồ thao túng.
Phải còn rất lâu, rồi một dư luận lành mạnh sáng suốt mới có thể
xuất hiện.
Không
phải ngẫu nhiên lại xảy ra tình hình ấy.
Xã hội nào thông tin vậy. Xã hội lúc đó quá trì trệ. Đã tồn tại dai
dẳng cả một cơ cấu bùng nhùng, cộng đồng thì vật vờ xiêu vẹo mà cá nhân cũng
chưa thành hình.
Người ta không có ý
niệm chắc chắn về sự cùng sống cùng tồn tại. Rất khó khăn là việc hình thành cho
được những chuẩn mực chung. Các quy phạm
xử thế quá tùy tiện, ai mạnh áp đặt thì cộng đồng phải theo. Con người chỉ lấy
việc chiều chuộng bản năng làm hứng thú.
Cả xã hội như chìm trong bóng tối. Trong
bóng tối người ta vừa thờ ơ lảng tránh nhau lại vừa dòm hành soi mói nhau, đồn
thổi về nhau, tung tin hại nhau, nghĩa là lợi dụng bóng tối đó mưu lợi riêng.
Một cách gián tiếp, mọi người thầm mong bóng tối kéo dài mãi.
Đây là một
thực tế nối tiếp trong lịch sử. Sách Tục
lệ cổ truyền làng xã VN kể rằng ở
hương ước nhiều làng có ghi rõ đàn ông cũng như đàn bà khi gặp viên quan sai
trên phái về hỏi, thì việc gì cũng phải bảo là không biết. Nếu máy mồm trả lời,
“bản xã phát hiện ra sẽ phạt nặng “.
Ấn tượng
chung như vậy là sự bưng bít. Một cái gì chỉ mới gần giống dư luận, mà đã bị
chặn từ trong trứng, tại sao ? Bởi người ta thừa biết người ta xấu, nên phải
chặn.
Có thể làm
cách nào để thay đổi việc này không ? Có cách nào để thông báo về những bất
công sai phạm? Người xưa đã định làm
thử, mà làm hẳn trên phạm vi rộng.
Sách Việt
sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng kể thời Trịnh Doanh chúa đã cho đặt một ống đồng ở cửa phủ
ai có việc gì oan khuất, hoặc thấy ai hư
hỏng -- nhất là quan lại tham nhũng --,
thì viết thành thư bỏ vào đó, cứ năm ngày một lần trình lên chúa.
Nhưng sau xem lại, người ta
ngớ ra -- phần lớn những lời kêu oan và tố cáo là không đúng, nên hình thức này bị
bỏ luôn. Tức là người dân đã tự phá bỏ cơ hội có một dư luận sáng suốt của
cộng đồng mình.
Thiên truyện của Nam Cao có một cái kết ngồ
ngộ. Cuối truyện, Lý Nhưng bại nên ức lắm, tìm bằng được mộ tổ nhà khóa Mẫn đái
vào một bãi thì mới yên lòng.
Đọc lên con người ngày nay không khỏi cười thầm. Nhưng những người biết nghĩ sẽ tự nhủ, thời chúng ta hôm nay có khác đi được là bao?!
Trong tình trạng dân trí và quan trí như thế thì cả cái làng
Vũ Đại nhỏ lẫn cái làng Vũ Đại to còn hy vọng gì vào việc thay đổi nữa.
Đã in Những chấn thương tâm lý hiện đại 2009.
Bản đưa lên mạng lần này có sử lại một vài chi tiết.
Truyền thông trong một xã hội tiểu nông
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
01:17
Rating:
Không có nhận xét nào: