Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75


Một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 vừa được
tổ chức ở bên Mỹ. Tôi hơi thất vọng vì ba lẽ:





1/ các đồng nghiệp của
tôi ở hải ngoại vẫn bị cảm xúc chi phối quá nặng. Bây giờ mà các anh vẫn nhắc
nhở đến những đánh giá bất công của mấy ông X, Y. Z., những ý kiến cực đoan tồn
tại từ đã trên dưới ba chục năm trước. Vào thời điểm này trong nước có mấy ai còn nghĩ
như thế?




Theo sự nhìn nhận của tôi,
thì hiện nay nghiên cứu văn học trong nước đang ở thế bế tắc đến cùng cực. Nhiều việc cần làm mà không ai đủ sức làm. Với
cả nền văn học Hà Nội từ sau 1945 cũng không ai có được phát hiện gì mới.


Chính
là lúc này, một số bạn trẻ rất có năng lực ở Hà Nội có, ở Sài Gòn Huế có, đang âm thầm hướng tới những Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ
Khắc Khoan… để hy vọng qua kinh nghiệm của các nhà văn bậc thầy ấy, may ra hé lộ con đường đi tới của văn chương nước nhà. Sao các anh
không tính chuyện thảo luận cùng họ, cộng tác với họ?


Các anh than thở “Văn học miền Nam (VHMN) từ 54-75 là
một trong những nền văn học bất hạnh nhất trong lịch sử văn học Việt Nam” với
nghĩa nó bị cấm đoán, nó không được thu thập đầy đủ. Cái đó có, nhưng tình cảnh
đâu đến nỗi bi đát lắm, hiện nay nó đang được khôi phục dần dần.





Nếu muốn dùng chữ bất hạnh,
tôi nghĩ tới cả nền văn học dân tộc nói chung, bao gồm cả văn học miền Bắc. 


Nhưng hiểu theo nghĩa này, thì cứ gì văn học VN. Mà văn
học Trung Hoa lục địa cũng bất hạnh, văn học Nga xô viết cũng bất hạnh. 


Nay là
lúc chúng ta  cùng nên gạt những cảm xúc
bi lụy ấy đi.


 May mà những năm ấy, còn có văn học miền Nam!

 Nay là lúc chúng ta
phải nhìn về nó với niềm tự hào và gắng đi tìm ra những bài học của nó, để tiếp
tục làm văn học trong hoàn cảnh mới và giúp cho văn học trong nước cùng phát
triển.





2/ Xin phép nói một cảm
tưởng sau khi đọc các bài tham luận. Gạt đi mọi khách sáo,  tôi muốn được thẳng thắn mà nói rằng cách tôn
vinh VHMN của các anh rất nhiệt tình đấy, nhưng còn thiếu sức khai phá gợi mở.


 Theo tôi hiểu,
các phương pháp tiếp cận văn học trên thế giới hiện nay đủ mạnh để  phát huy hiệu quả cả với văn học các nước Đông Nam Á, các nước Ả Rập…(nói
chung là những nền văn học bên ngoài văn
học phương Tây). Lâu nay đọc các anh viết trên mạng,  các cuốn sách các anh mới  in, tôi 
biết rằng trong mấy chục năm qua, ở xứ người, các anh đã học hỏi được rất nhiều.


 Thế mà nhìn vào những nhận xét các anh nêu lên trong hội thảo này, tôi chưa thấy được cái mới đó -- các anh chưa mở ra được cái phương hướng mới đủ sức giúp bạn đọc hôm nay hiểu thêm về một nền văn học mà mọi người cùng yêu mến.







3/ Khi nói về văn học miền
Nam, lẽ tự nhiên người ta phải đả động đến văn học miền Bắc.


 Đã có lần, trong một
cuộc phỏng vấn của một đồng nghiệp, tôi nói rằng một trăm năm sau, khi nói tới
thế kỷ XX, người ta không bỏ được nền văn học miền Nam, cũng như không thể bỏ
được văn học miền Bắc.


 Dù phân lượng không đồng đều, song mỗi bên có đóng góp
riêng vào việc ghi lại đời sống tinh thần dân tộc, không bên nào thay thế được
bên nào. 


Đến hôm nay, tôi vẫn nghĩ thế, và tôi muốn các anh cùng chia sẻ. 


Làm
sao trong khi đề cao VHMN 54-75, các anh có thể sổ toẹt cái phần thành tựu
theo một cách riêng
 của văn học miền
Bắc trong thời gian đó.


 Tôi không nói tất cả, tôi chỉ nói rằng vượt lên trên một số đông tầm thường và xu thời, vẫn có những cây bút miền Bắc tin ở sứ mệnh cầm bút của mình.


 Ở những người này
có rất nhiều mâu thuẫn, cũng có lúc họ đã chùn tay, đã đầu hàng, nhưng rồi tiếp
sau đó, bên cạnh đó, lại vẫn giữ được cái phần lương tâm lương tri của một người viết văn chân chính. 


Nỗ lực đó của họ còn được ghi lại trong các trang sách. 


Đối lập và tuyệt đối
hóa những khác biệt văn học giữa hai miền chẳng những là bất cận nhân tình mà
còn là phản khoa học.


 Nó ngăn cản người ta đi dần tới một cách hiểu đúng đắn về
mỗi bên.


Chính
ra là trong sự phát triển của mình, văn học hai miền thời gian 1954-75 đã có sự
nhìn vào nhau, đối thoại ngấm ngầm với nhau.


Việc nghiên cứu trở lại cuộc đối thoại xảy ra trong những năm đó là một trong những  phương cách thiết yếu để đẩy tới cuộc đối thoại giữa văn học trong nước và văn học hải ngoại hôm nay.






Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75 Reviewed by Phạm Thu Hương on 09:31 Rating: 5

Không có nhận xét nào: