Nhận
xét về sự hình thành lớp nhà thơ tiền
chiến, Hoài Thanh viết “mỗi nhà thơ Việt
hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp’. Đối với sự hình thành sáng
tác nhà thơ sau 1945, nói hẹp hơn là với lớp nhà thơ chống Mỹ, tình hình có
phần ngược lại. Ảnh hưởng, từ những cái
to lớn như văn hóa thơ, cho tới những
gợi ý sáng tác--- chỉ đến với họ từ nền thơ trong nước, từ các bậc đàn
anh; số có hiểu biết về thơ nước ngoài
đến mức như một nguồn mạch, một tác động trực tiếp gần như không có.
Có
điều nhìn lại nền thơ lúc ấy, người ta vẫn tìm thấy những dấu vết những tiếng
dội của thời đại nó hiện ra thành những mảng những khối những tên tuổi những
câu thơ giọng thơ mà người làm thơ tiếp nhận và có mặt trong suốt hành trình
của họ.
Một
thời gian dài, văn học chủ yếu lấy cảm hứng từ nguồn xô viết và nguồn Trung
quốc. Nhưng đó là ở tinh thần chung của văn học và xét về thể loại thì chủ yếu
đó là văn xuôi. Còn thơ? Có thể nói một cách chắc chắn là ở đây, không có một nền thơ nào có ảnh hưởng rõ
rệt. Tôi nhớ loáng thoáng:
--
các tập chung Tập thơ Liên xô, Về Diên An,
Những nhà thơ da đen, Thơ Tây Ban Nha
, và có cả một tập Thơ Indonesia nữa
-- các tập về từng tác giả riêng
thơ, S.Pétofi, R. Tagore, P. Neruda, Nazim Hikmet, L.Hughes …
Nếu chỉ căn cứ vào những cuốn sách,
thì chỉ có vậy.
May sao, bên cạnh sách, đời sống văn
học bao gồm từ những bài viết, bài giới thiệu, những bài thơ dịch in lẻ tẻ trên
các báo và tạp chí, số báo, cho đến câu chuyện hàng ngày, những suy nghĩ về thơ
mà người trong cuộc thường trao đổi với nhau. Ở đây người ta có thể nhận ra có
sự chênh lệch. Có những nhà thơ nước ngoài đã có sách in, nhưng tác động tới
đời sống chẳng là bao. Ngược lại, có những nhà thơ được dịch rất ít, nhưng
trong giới, ai cũng biết, cũng có ấn tượng như là mình có quen biết.
Được can dự vào cái đời sống thơ dịch mong manh trôi chảy
này những năm ấy, tôi muốn nói đến hai
tên tuổi hằn lên khá sâu trong ký ức khiến cho bản thân tôi, khi cùng với họa
sĩ Nguyễn Quân làm tập Mười nhà thơ lớn
của thế kỷ,(1982) phải lập tức ghi nhận, và đưa lên hàng đầu. Đó là hai nhà thơ Pháp L.
Sự có mặt của
Ngay từ hồi kháng chiến cùng với việc dịch K. Simonov ( Đợi anh về ), Tố Hữu đã dịch Hành
khúc của ông. Năm 1960, một tập Thơ
Aragon được in ra, khá sớm so với mọi nhà thơ khác mà tôi đã kể trên. Nhưng
chỉ vài năm sau thôi, sự tiếp nhận văn chương bị ảnh hưởng nặng về bao nhiêu
chuỵện thời sự lúc ấy đã hãm
lại.
Không chỉ là những câu thơ đưa tình
yêu lên một thứ tuyệt đối mang tính chiếm hữu. Mà còn tiếng nức nở của một
người thất vọng trước lý tưởng mình đã lựa chọn…Những yếu tố ấy đã ngăn cản
không cho nhà thơ đến với chúng tôi nữa.
Trong hoàn cảnh ấy, thì người đi cặp
với
là Eluard lại nổi lên như một cái gì mà người ta có thể chấp nhận ngay được.
Một lần nào đó, sau khi tiếp một
đại diện của Đảng Cộng sản Pháp lúc đó đến thăm Hà Nội, Tế Hanh kể với tôi là
ông ta cũng chỉ nói đại ý Đảng Pháp có hai nhà thơ, một chết rồi coi như còn
sống và một còn sống coi như đã chết.
Người thứ hai là
Eluard.
Tế Hanh khuyên tôi không nên hiểu
nhận xét quái ác này ở từng chữ một của nó, mà hãy chỉ nhớ rằng sau hết đây vẫn
là nhà thơ quan trọng của nước Pháp mà cũng là của thơ ca hiện đại. Họ khác
nhau và như đối trọng của nhau.
Về mối liên hệ của Eluard với các
bậc đàn anh trong thơ chống Mỹ ở VN lúc đó, tôi nhớ có mấy trường hợp :
Trong Ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên có một bài ghi lại cái nức nở của
một người muốn mang những tìm tòi hiện tại bổ sung cho quá khứ, sửa chữa quá
khứ:
Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình
Những vui buồn đời ký thác cho anh
Câu thơ đập như qủa tim còn trẻ
Mừng vui quá bỗng rưng rưng giọt
lệ
Như sáng mai xuân mà sương ướt đầu
cành
Tôi
viết cho ai cho cả mọi người
Nhưng rất gần cho những đứa em tôi
Ngày
đau khổ khép tay trong tủi cực
Nay
mở tay ra bến rộng sông dài
Cho
ai cũ thơ tôi làm ướt áo
Nay họ về sưởi dưới nắng thơ tôi
Bài thơ mang tên Nghĩ về thơ này đó có một dòng cạnh ghi
chú ngay bên cạnh đầu đề : Nhân đọc Eluard và Pòemes pour tous
(Thơ cho tất cả mọi người ).
Xuân Diệu không dịch
Eluard nhiều, nhưng trong số các bài thơ dịch của Xuân Diệu, bài Cái chết tình yêu cuộc sống là một trong
những bài hay nhất.
Tế Hanh thì cố nhiên là
người đã đóng góp nhiều nhất vào vào việc dịch và giới thiệu Eluard rồi. Có
một sự gần gũi tự nhiên giữa bậc thầy thơ Pháp và Tế Hanh,
gần hơn so với Xuân Diệu Chế Lan Viên. Có lẽ do
sự tự nhiên của thơ chăng?
Từ 1958, trên tạp chí Văn Nghệ, Tế Hanh đã có
bài viết về nhà thơ này mang tên Eluard
dòng thơ bất tuyệt.
Sau này trong tập Đẹp hơn nước mắt tuyển thơ kháng chiến
Pháp, Tế Hanh cho dịch của Eluard tới
bảy bài.
Trong thế hệ của tôi,
hai nhà thơ thông thạo thơ nước ngoài hơn cả là Bằng Việt và Hoàng Hưng cũng là
người đã có những bài thơ dịch Eluard đến mức hoàn thiện.
Cái gì đã khiến cho
Eluard đồng hành với cả một thời của các nhà thơ Việt Nam như vậy? Tôi tự hỏi
và tự trả lời cho mình thế này. Aragon quá dằn vặt quá phức tạp. B. Brecht qua
trí thức và đầy nghịch lý. P.Neruda ngổn ngang như thiên nhiên đồ sộ. Nazim
Hikmet dẫu sao cũng là một giọng điệu mới, ở nhà thơ Thổ này cũng như ở nhà thơ
Cu ba N. Guillen, có một thứ giản dị mà chúng tôi còn chưa quen, nên phục thì
phục thật, nhưng không tính chuyện có thể học theo để viết một cái gì của mình.
Chính trong cái nền
đó mà Eluard nổi lên. Một cái gì thuần khiết trong trẻo. Một tiếng nói trầm
tĩnh vì hình như những điều định nói là chuyện đương nhiên rồi không có gì phải
cao giọng, thơ lại khá hồn nhiên và như
là ô –tô – ma – tích, là tự động mà
tuôn chảy nữa, một bài thơ như Tự do
cứ như là tràn ra, viết liền một mạch là xong .
P.Neruda viết khi nghe
tin Eluard mất “Tôi tưởng như còn thấy
ông đang sống, luôn luôn ở bên cạnh tôi. Ánh sáng chói lọi như một thứ bắc cực
quang không bao giờ tắt trong đôi mắt ông. Ông liền xương liền thịt với nước
Pháp, mảnh đất ở đó những rễ và những
cành nguyệt quế kết lại làm nên một thiên nhiên sực nức thơm tho. Đá và nước
nâng bước ông đi. Dồn tụ cả vào ông ánh sáng ngàn năm -- những tổ chim, những
bông hoa và những bài ca trong suốt.
Vâng, trong suốt, đó chính là
chữ tôi tìm thấy. Thơ ông là đá thạch anh. Thơ ông là ngụm nước ngọt lịm
trong cái thoáng nước thấm vào cổ họng. “
Còn theo V. Nezval, “Eluard là người biết nói một cách giản dị
nhất trực tiếp nhất về một thứ chủ nghĩa
nhân đạo phức tạp “.
Vậy là Eluard đến với
chúng tôi cứ như là đã hẹn trước…
Dưới đây là hình ảnh con
người và thơ Eluard qua cái nhìn của nhà
văn Nga từng là một trong những cầu nối giữa văn hóa phương Tây, văn hóa Pháp
với văn hóa xô viết -- là I.Ehrenburg.
Những năm sáu mươi của thế
kỷ trước, ở Hà Nội, các nhà văn lớp trước
truyền tay nhau không chỉ một số tác phẩm văn học văn học xô viết dịch ra tiếng Pháp mà còn một số tác phẩm văn học Pháp do Nhà
xuất bản Ngoại văn Moskva tuyển lựa và cho in. Bài viết của Ehrenburg (nguyên văn tiếng
Nga) – là lời giới thiệu dành cho tập Thơ Eluard trong xê-ri sách nói trên.
Eluard
trong mắt Ehrenburg
Những người đã trải qua những năm chiến tranh ở
vị trí tiền tiêu hẳn biết những người lính đã bồi hồi như thế nào giữa hai loạt
đại bác, trong khoảnh khắc yên lặng xa vắng, trên đồng nội lảnh lót một vài tiếng
chim. Eluard phải sống và viết trong những khung cảnh rất ồn ào, người ta phải
nghe từ tiếng loa phóng thanh oang oang đến tiếng còi ầm ĩ, tiếng bom đưa dậy đất.
Lịch sử lên tiếng và hình như chỉ có máy điện tâm đồ mới phân biệt được nhịp đập
trái tim người. Eluard không tự tách mình khỏi thời đại, không chui vào một góc
kín. Nhà thơ tham gia kháng chiến, đấu tranh cho hoà bình, nhiều bài thơ của
ông dội thẳng vào những vấn đề mà mọi người phải làm quen. Nếu như thơ của
Eluard đã làm rung động và sẽ làm cho những người đương thời rung động thì
chính bởi đó là thứ thơ yên lặng, trong thơ không hề muốn nói to hơn thời đại,
trong thơ lúc nào cũng nghe thấy giọng nói của một con người.
Những bài thơ đầu tiên của Eluard được in trong những
năm nước Pháp vất vả trải qua cuộc chiến tranh mà nhiều người tưởng là cuộc
chiến tranh cuối cùng và bây giờ ta gọi là chiến tranh thế giới thứ nhất.
Năm 1918, ông viết Trường ca hoà bình. Đây là
mấy dòng: Tất cả những người phụ nữ hạnh phúc lại nhìn thấy người chồng. Họ
đã quay về như mặt trời, đầm ấm biết bao. Họ cười, họ nói thầm thì nói xin chào trước khi gặp gỡ niềm vui, ôm
ấp.
Và không lâu trước khi chết, năm 1951, ông viết:
Con người sinh ra để hiểu nhau, để yêu nhau, để có
những đứa trẻ gọi họ là cha. Họ có những đứa trẻ khi lạnh lẽo bước đi giữa thế
giới lại phát hiện ra lửa, ra con người.
Suy nghĩ về sự phát hiện ra lửa, từ cổ Hy Lạp đã lay
động tâm tưởng nhiều nhà thơ, lại sống dậy trong thơ Eluard. Ngay từ hồi còn ở
mặt trận ông đã viết: Trời xanh bỏ tôi rồi, tôi nhóm lửa.
Tôi đã dẫn thơ Eluard dịch ra văn xuôi. Tất nhiên có
mất mát đi nhiều tôi có lo. Nhưng cái làm tôi sợ hơn vì chắc là sẽ mất mát
nhiều hơn, là dịch ra văn vần.
Có những nhà
thơ ưa dịch có thể dịch ra ngôn ngữ khác không những tư tưởng hình tượng mà đôi
khi cả những thủ pháp biểu hiện. Có thể chuyển những dòng thơ của Maiakovski ra
bất cứ thứ ngôn ngữ nào.
Ngày sặc sỡ vụt qua
Năm tháng kéo xe bò chầm chậm.
Ở đây có cả hình tượng lẫn thủ pháp, những từ chỉ có
một nghĩa dứt khoát, ngắn gọn. Nhưng đây, những dòng của Puskin
Tôi nhớ lại những phút giây kỳ diệu
Khi trước tôi hiển hiện hình em
Như bóng dáng vụt qua phút chốc
Như bài ca vẻ đẹp êm đềm
Dịch ra tiếng khác, những câu thơ kỳ diệu này dễ trở
thành một thứ láu lỉnh tầm thường tệ hại.
Nhiều nhà thơ Nga từ Briussov đến Pasternak đã thử dịch
câu thơ của Verlaine: "Tim tôi khóc lên như cơn mưa đang qua trên thành
phố. Chẳng biết nó là thế nào cái nỗi buồn đó, nỗi buồn đang tràn ngập trái tim
tôi."
Sự tình là ở chỗ này: cái diệu kỳ của những vần thơ
vừa dẫn là ở sự kết hợp dễ dàng nhất của những từ bình thường và nó trở nên
không ra làm sao trong ngôn ngữ khác.
Trong bản dịch xuôi, người đọc có thể biết ý nghĩa
chính xác những dòng thơ Eluard đã viết và có thể tưởng tượng những câu thơ đó
trong nguyên văn vang lên một cách hồn nhiên nhất, trở thành thơ.
Đương nhiên ngay ở nguyên văn, đối với những người
không quen cảm thụ thơ, thơ của Eluard cũng có vẻ không có gì khác với văn
xuôi. Ông cố gắng để thơ mất đi cái vẻ ngoài thi vị của nó. Trong thơ ông không
có chỗ cho những quy tắc những vần những niêm luật. Nó chỉ cố kết trong nhịp
điệu và sự gắn bó kín đáo của ngôn từ.
Có những nhà thơ học được cách mô tả sự vật một cách
khéo léo cùng là nắm được những thủ pháp thơ ca khác nhau. Họ tìm mọi cách để
chuyển văn xuôi ra thơ. Eluard trong thơ khó khăn rất mực và đồng thời lại giản
đơn như trẻ nhỏ, khi trẻ nhỏ cởi mở tưởng đang tự thú với mình.
Có những nhà thơ hội hoạ, họ vận dụng sức mạnh của
những gì nhìn thấy, thơ họ loá lên những hình tượng. Thuộc loại này trong văn
học Pháp là Hugo, những người trong nhóm Parnasse, Baudelaire, Rimbaud, và
trong số những người đang sống là Aragon mà ta quen biết. Maiakovski cũng nổi
bật lên giữa những nhà thơ Nga với lối biểu hiện gần hội hoạ vậy.
Có những nhà thơ bản lĩnh tâm tình thuộc loại khác. Họ
chẳng bao giờ chỉ dẫn kêu gọi, họ chỉ kéo ta đi như âm nhạc. Thơ của họ không
tách rời khỏi sự quyến rũ mầu nhiệm của ngôn từ.
Sinh thời, Eluard rất yêu hội hoạ. Với người bạn gần
gũi nhất của ông là Picasso, ông rất gắn bó. Họ cùng nhau ra sách người dùng
lời người vẽ. Nhưng thơ Eluard lại ít chất hoạ. Hiếm lúc nào thấy ông đi vào
những hình tượng có tính chất tạo hình. Cách nói của ông luôn đơn giản, và hơn
thế nữa, hồn hậu. Kể ra là những ví dụ sau đây:
- Chúng ta đi bên nhau, cầm tay nhau. Ta tưởng như
khắp nơi là nhà của ta, dưới bóng cây dịu dàng, dưới bầu trời xanh, tất cả mái
tranh, giữa phố xá vắng vẻ vì mặt trời oi nóng, một người bộ hành lơ đãng nhìn
ta, giữa những người tốt bụng và những chàng ngốc. Tình yêu chả có gì bí mật
hết. Chúng ta được mọi người hiểu, mọi người mến yêu, bởi vì họ như những người
khách của ta vậy.
- Làm sao bây giờ, cửa đóng lại. Làm sao bây giờ,
chúng tôi bị giam bên trong. Làm sao bây giờ, đường phố bị bao vây. Làm sao bây
giờ, thành phố đầu hàng. Làm sao bây giờ, thành phố đói, chúng tôi chả còn vũ
khí. Làm sao bây giờ, bắt đầu đêm. Làm sao bây giờ, chúng tôi yêu nhau.
Eluard nắm rất vững ý nghĩ của ngôn từ. Trong bài thơ
về G. Péri ông viết: Có những tiếng giúp
cho ta sống, đó là những tiếng đơn giản: tiếng ấm và tiếng tin, tiếng sự
thật và tiếng tự do, tiếng trẻ con và tiếng người yêu, và một
số tên gọi hoa và cây. Từ dũng cảm và
từ phát hiện từ anh em và từ đồng chí, tên một số thành phố và làng mạc, tên một số phụ nữ và bè bạn. Và bây
giờ trong đó thêm vào từ Péri.
Eluard rất ghét
những từ hoa hoè hoa sói và mặc dầu viết về những đề tài có sức kích động lòng
người, ông vẫn chịu không thích được những từ kêu to quá đáng. Bài thơ Tự do
ông viết trong những năm kháng chiến được hàng triệu người Pháp quen thuộc. Ông
bảo: tôi viết tên tự do trên căn nhà đổ
của tôi, trên ngọn hải đăng sụt vỡ của tôi, trên bức tường những nỗi buồn của
tôi.
Những thang bậc trữ tình này rất gắt, ông lại phải làm
dịu bằng những câu bình thường đơn giản :
Trên con chó của tôi dịu dàng và dễ bảo, trên cái tai nghe ngóng thận trọng của
nó, trên cặp chân vụng về của nó, tôi viết tên em : tự do.
Ông hiểu biết thơ ca một cách sâu sắc không thể tưởng.
Ông đã soạn tuyển tập thơ Pháp, thơ Baudelaire, ông rất thích thơ Anh, thơ Tây
Ban Nha, ông có thể nói như một nhà thông thái, một học giả, nhưng tính chất
bác học, sự cách điệu, những từ ít dùng, giọng điệu kỳ cục... những cái đó
không được phép có mặt trong thơ ông.
Năm 1924, trong giới văn học Paris người ta nói rằng
nhà thơ Eluard thình lình mất tích. Quả thật trong một thời gian dài không ai
được tin tức về Eluard thật. Nội tâm khủng hoảng, ông đi du lịch qua Haiti,
Panama, đến Tân Tây Lan về Indonesia, Sri Lanca. Sẽ uổng công nếu tìm trong thơ
ông dấu hiệu bề ngoài của chuyến đi này. Từ phong cảnh bên đường tới những tên
gọi quái lạ không bao giờ thấy trong thơ ông. Ông vui vẻ cắt nghĩa rằng ông đi
không phải vì một say mê thơ ca nào cả.
Trong văn học Pháp, cũng như văn học Nga, chúng ta
biết có nhiều nhà thơ thích nói những chuyện không ai biết. Đó vừa là phương
tiện làm cho những câu thơ nhạt phèo sống lại, vừa là những vần thơ mới. Eluard
chỉ dùng những từ bình thường nhất, nhưng biết để nó vang lên một cách đặc biệt
và tìm thấy trong đó sức mạnh của thơ.
Tất nhiên thơ Eluard có khó đối với người đọc. Gây ra
khó khăn chính là ở sự đơn giản, đôi khi là quá chắt lọc trong một số bài
thơ... Sợ hãi thừa lời thừa chữ, Eluard đặc biệt vào cuối những năm hai mươi đi
đến một sự cô đọng đến nỗi một số dòng gần như là bí hiểm.
Giống như nhiều người đương thời ở Pháp đi theo con
đường của Apolinaire từ chối mọi dấu trong thơ, vì cho rằng nó làm hỏng nhịp
điệu do đó làm khô héo thơ, Eluard cũng làm thơ không có chấm phẩy, nhưng lại
nổi lên với cái chất trần trụi trong suốt rất hiếm có. Hình ảnh, nhiệt tình,
đương nhiên nhờ đó được lĩnh hội một cách dễ dàng hơn. Lermontov từng viết:
Có những cách nói
Tối tăm hay không rõ nói gì
Nhưng không thể không cảm động
Hay không chú ý tới chúng.
Thơ Eluard không thể nói không có ý nghĩa gì. Nhưng
đôi khi có thể dùng từ "tối tăm" và nếu không một chút cảm động thì
không thể tiếp nhận. Những nhà phê bình thích nói về sự phổ biến, trong những
năm hai mươi ba mươi đã gọi thơ Eluard là thơ của độ trăm người đang yêu nhau.
Điều đó có đúng bởi vì rằng, thơ Eluard lúc đó còn
chưa phổ biến rộng trong độc giả.
Đại chiến thế giới thứ hai bắt đầu, hàng ngàn người
Pháp chép lại những bài thơ của tác giả mà họ chưa quen. Với những vần thơ này,
những con tin đi ra pháp trường và những người du kích vào trận chiến đấu. Nhà
thơ của một trăm người đang yêu đã trở nên dễ hiểu và được mọi người hiểu.
Có thể cho rằng thơ Eluard thay đổi, rằng ông đã viết
theo một kiểu khác. Thường khi viết về những nhà thơ đi đến chủ nghĩa cộng sản,
người ta chú ý làm nổi bật ngày tháng rẽ ngoặt trong sáng tác của họ: trước
ngày tháng nào đó anh ta viết về tình yêu và viết rất khó hiểu. Từ ngày tháng
nào đó, anh ta thay đổi và bắt đầu viết cho mọi người theo tinh thần công dân.
Sự phân chia ấy có tính chất đơn giản và không sao áp
dụng được với Eluard. Trong sáng tác của ông không thể tìm thấy bước ngoặt.
Ngược lại có thể thấy một đường dây nối thẳng giữa những bài thơ đầu và những
bài thơ của ông viết trước khi chết.
Tất nhiên có những tư tưởng mới, những chủ đề mới và
những hy vọng mới do cuộc sống mang lại. Nhưng ngay trong thơ Eluard thời trẻ
đã có thể thấy tinh thần căm giận chiến tranh, căm giận phi nghĩa, căm giận
những gì đè nén con người. Còn chủ đề tình yêu thì đến cuối đời, mình ông đâu
có chịu từ bỏ.
Ông viết những bài thơ đầu tiên khi còn là một người
lính. Quyển sách đầu tiên của ông mang tên Trách nhiệm và sự trăn trở.
Ông viết : "Chiến tranh vào những
ngày mùa đông chẳng gì vất vả hơn". Ông giận dữ vì những kẻ đã để cho
người lính Finand Paulchen bị chết. Những chủ đề như thế có thể thấy trong thơ
ông một phần tư thế kỷ về sau. Trong tập thơ cuối cùng Phenix, ông viết
về người phụ nữ: "Em ra đi anh buồn
hết sức. Anh kêu Ôi, chỉ với em, anh
mới có thể kêu Ôi cuộc đời".
Những chủ đề mới không che lấp những chủ đề trước kia
và Eluard không bao giờ từ bỏ những cuốn sách đầu. Ông có những bài thơ đặc
biệt, những bài thơ luận chiến được viết vào năm 1949 - và tặng "những
người bạn thích yêu cầu cao của tôi" - ý ông muốn nói những ngưòi yêu thơ
ông mà lại không muốn công nhận những vần thơ chính trị của ông. Nếu tôi nói với anh rằng trên một chiếc cọc
màn giường tôi có bện một chiếc tổ chim và không bao giờ tôi nói ôi thì anh tin tôi và hiểu nỗi buồn của tôi.
Nhưng nếu tôi ca ngợi phố xá, ca ngợi cái khu tôi ở thì anh không tin tôi nữa.
Nhà thơ trách người bạn mình vô lý còn chính ông chẳng có gì thay đổi cả. Ông
tiếp tục nhớ đến những loài chim làm cho ông buồn trong những giấc mơ. Hai năm
sau trong tập Phenix những con chim này lại kêu "ôi".
Quá trình làm thơ của Eluard gây khó dễ cho những nhà
phê bình chỉ quen với những phạm trù rõ ràng: trong một thời gian dài Eluard là
người cổ động cho thơ siêu thực ở Pháp. Cuộc đấu tranh chống lại những hình
thức hàn lâm trong văn học và đạo đức tiểu thị dân bắt đầu từ nửa sau thế kỷ
mười chín. Đến thời Eluard bước vào văn học, mục đích mà Baudelaire, Rimbaud,
Apollinaire đặt ra vẫn chưa thực hiện hoàn toàn. Nhưng thời của những chủ nghĩa
khác nhau đã hết, siêu thực hình như là cố gắng cuối cùng muốn áp dụng vũ khí
của thế kỷ cũ để chống lại kẻ thù... Sau tấn thảm kịch Tây Ban Nha, Eluard
nhanh chóng hiểu rằng phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác và ông đã dũng cảm
tiến hành cho đến cuối đời.
Với ông, chủ nghĩa siêu thực đồng thời có nghĩa là sự
xác nhận vị trí của thơ ca trong đời sống, giúp cho sự đổi mới hiện thực, thay
xã hội tư sản bằng một xã hội khác xứng đáng với con người hơn. Trong việc chọn
lời, phối ý, sự tinh tế đầy chất thơ luôn luôn dắt dẫn ông y như những lô gích
nghiêm khắc. Do đó chủ nghĩa siêu thực đối với ông không phải là một ngôi sao
dẫn đường không phải là một sai lầm ngẫu nhiên, mà là một pha, một chặng đường phát triển.
Khi những thử thách ập đến, trong hàng
ngũ siêu thực phân hoá làm hai, một bên Aragon, Eluard bên kia là Breton. Năm
1936, Eluard viết:
"Đã đến lúc tất cả các nhà thơ phải tuyên bố ngay
từ đầu rằng họ đi sâu vào đời sống của mọi người, đi sâu vào đời sống xã hội.
Và điều này không làm ai ngạc nhiên cả".
Thơ Eluard luôn luôn gắn bó với xã hội mà nhà thơ
sống. Với tất cả sức lực có thể có, thơ Eluard vang lên như là biểu hiện của tư
tưởng và cảm giác của nhân dân Pháp trong những năm dưới ách chiếm đóng của bọn
phát xít cũng tức là những năm kháng chiến. Năm 1942, Thơ và sự thật ra
đời, nhanh chóng hàng triệu người lặp lại:
Tôi sinh ra để biết em, để gọi tên em, tự do.
Ông tham gia kháng chiến, tổ chức nhà in bí mật, làm
bất cứ việc gì được giao, đi khắp nước Pháp với truyền đơn trong túi và những
vần thơ sắp sửa bật dậy trong tim. Có một dạo để trốn tránh bọn Gestapo, ông
phải vào trú ở nhà thương điên gần St. Alban. Hai tháng trời sống giữa những
người bệnh tật bất hạnh trên một núi tuyết giữa bão tố và bốt thù, ông đã làm
việc đều đặn. Ở đó ông đã viết về cuộc sống đấu tranh, về hy vọng và hạnh phúc.
Chiến tranh kết thúc nhưng nhiều người vẫn sống trong
lo âu chưa hẳn có hoà bình. Eluard hiểu rằng một nhà thơ đồng thời là một chiến
sĩ cộng sản như ông không có quyền nghỉ ngơi. Ông lại tranh đấu cho hoà bình.
Có thể nhìn thấy ông trong nhiều cuộc hội nghị ở Pháp, ở Ý. Trong thời gian nội
chiến ở Hy Lạp, ông cùng với Ive Farge đi vào những khu vực quân giải phóng vừa
chiếm được. Cũng như Tây Ban Nha năm 1936, Hy Lạp năm 1949 lại xáo động trong
tấm lòng trong sạch, thiện cảm và ý chí ngoan cường của ông.
Nếu đặt thơ Eluard viết về đề tài chính trị cạnh thơ
trữ tình của ông, người ta không thấy có sự đứt quãng. Khi ông nói về các chiến
sĩ du kích, về những người tham gia bảo vệ hoà bình vẫn thấy sống dậy cái tinh
thần và những cảm giác nó thấm thía trong những bài thơ ông viết về nỗi buồn,
về tình yêu, về cái chết.
Cái gì đã báo hiệu con đường chính trị của Eluard?
Trước hết là nỗi khao khát không nguôi: chính nghĩa. Baudelaire đã viết rằng
thơ ca chân chính là sự phủ nhận những gì phi chính nghĩa. Baudelaire sống trong một thời tranh tối tranh sáng và
tất cả đời sống nhà thơ chứa đựng những mâu thuẫn sâu sắc. Đời Eluard không
tách khỏi thơ ông. Ông thật sự đau khổ vì những cái không chính nghĩa, không
những như một công dân, mà còn như một nhà thơ. Không kém gì chính nghĩa là tự
do mà ông yêu, giữa hai thứ đó không có gì mâu thuẫn mà lại ràng buộc lẫn nhau.
Hơn tất cả những người đương thời khác, với ông, có thể dùng câu của Puskin:
"trong cái thế kỷ khắc nghiệt của
tôi, tôi ca ngợi tự do".
Sự lương thiện không phải là một đặc tính bắt buộc của
thơ ca. Chúng ta biết có nhiều nhà thơ nổi tiếng tốt, dũng cảm, thông minh,
nhưng đã mất sự lương thiện một con người phải có. Eluard không những lương
thiện trong đời sống mà còn lương thiện trong thơ. Trong một bài thơ nói về
tình yêu, ông viết: Vì chúng ta yêu nhau,
chúng ta muốn giải phóng những người khác khỏi sự giá lạnh đơn độc, chúng ta
mong để tôi không chỉ nói tôi muốn mà còn nói anh muốn, chúng ta muốn, để ánh
sáng chan hoà với những người khác. Hạnh phúc của người khác với Eluard
không chỉ là một quan điểm triết học, một nguyên tắc đạo đức, một điểm trong
cương lĩnh chính trị, mà còn là một yêu cầu cá nhân có ý nghĩa sâu xa.
Tất cả những người đã gặp ông đều biết khó lòng tìm thấy
sự thống nhất giữa một nghệ sĩ và sáng tác của nghệ sĩ đó như sự thống nhất
giữa thơ và đời sống trong Eluard. Ông mang tất cả mình vào thơ, thơ đối với
ông luôn luôn là một thứ lý lịch cá nhân. Ông khiêm tốn đặc biệt, tránh xa mọi
thứ hư vinh. Dịu dàng, mau mắn, ông sống trong tình yêu của tất cả những người
mà ông đã gặp. Ông không phải là loại nhà thơ phù phiếm bay mãi trên mây trên
gió. Ông tham gia vào cuộc sống, nhìn thấy mọi chi tiết vặt vãnh của nó, nhưng
không bao giờ từ bỏ mơ ước lớn của mình.
Eluard mất ngày 18-11-1952. Không có gì quá khi nói
rằng nước Pháp và thơ ca thế giới cay đắng chịu đựng tổn thất này. Trong đám
tang Eluard có thể tìm thấy những người rất hiểu về thơ, những đại diện của
nước Pháp sáng tạo, và cả những người bình thường nhớ đến thơ Eluard trong
những năm chiến tranh như nơi gặp gỡ của tinh thần dũng cảm và nghệ thuật.
...Thơ Eluard là một bằng chứng sinh
động chứng tỏ thơ sống, yêu cầu, đau đớn, khỏi, và tự nâng mình lên.
Mấy bài thơ Eluard
Với lòng ham mê khó cưỡng, khi đọc các bản dịch Eluard ra tiếng Nga, chúng tôi đã làm cái việc tự nhiên là chuyển nó sang tiếng Việt cho mình dùng. Khi tính chuyện công bố các bài thơ ấy với bạn đọc, tôi hiểu rằng tôi đã đánh liều với dư luận. Nhưng các bạn hiểu cho, đây là những trang blog cá nhân. Tôi không dám lạm dụng tình yêu của các bạn với Eluard mà chèo kéo mời mọc. Tôi chỉ nghĩ, may ra, biết đâu, cũng có một vài bạn tò mò muốn biết, vậy là tôi đã mãn nguyện lắm.
Các bài không ghi rõ xuất sứ, và tôi hoàn toàn có ý thức rằng mình chưa đủ trình độ để có thể đạt tới sự chính xác cần thiết. Xin phép gọi đây là các bản phỏng dịch. Vì lòng yêu Eluard và sự lưu luyến đối với một thời thơ dịch mà bản thân có tham dự, xin được kính trình các bạn .
***
Tôi
nghiêng đầu ghé sát vào cửa kính, như một tên lính gác những nỗi buồn
Và
dưới tôi, mãi dưới, trời đêm
Trong
bàn tay tôi cả đồng bằng nằm gọn
Chìm
trong nỗi tẻ lạnh của những chân trời lửa đôi, tôi nghiêng bên tấm kính
Đi tìm
em, tôi đi suốt sự đợi chờ
Đi
suốt chính mình
Tôi
yêu em, đến nỗi rằng không biết
những
cái gì lớn hơn thân thiết
Còn
thiếu ở đây
Sớm mai
Tôi mơ
thấy một con đường trống vắng
Em đi
trên con đường đó đơn độc
Tôi
nghe bước chân em như những con chim nhảy nhót
Thức
dậy trong những lớp sương trong suốt
Trong
cánh rừng xanh và ẩm ướt
Bình
minh duỗi dài
Và
những hàng cây nở nang
Em
mang ngày tới
Hình
như tất cả là bình thường
Những
ngày hè bình thản
Tôi
ngủ như một đứa trẻ
Và em
thức dậy trong bình minh
Và em
làm quà cho tôi
Tuổi
trẻ vô tận
Cô độc
Tôi
sống trong cô độc
Không
em
- Ai
nói điều này?
Ai đó
không đơn độc
Ai?
Cuộc
sống ruồng rẫy số phận?
Cuộc
sống ruồng rẫy em?
Đêm
đến dần
Những
tảng băng trong suốt
Tôi
tan dần trong đêm
Từ
những lời trong suốt đầu tiên
Từ
những lời trong suốt đầu tiên,
Từ
nụ cười đầu tiên của thân thể em
Con
đường xa vắng biến mất
Cuộc
sống lại bắt đầu
Những
đoá hoa e lệ,
những
đoá hoa bình thường của trời đêm
Những
cánh tay run rẩy kết lại
Những
cánh tay con trẻ
Những
cặp mắt như hướng cả về em
và
ngày trên mặt đất bắt đầu
Tuổi
trẻ bí mật đầu tiên
Niềm
vui sướng đầu tiên
Cái
nôi của đất và những giọt sương và những mùi thơm
Không
tuổi tác không thời gian không ràng buộc
Không
sự quên lãng không có bóng tối
Và nụ
cười
Trên
thế gian này không có những ban đêm không ánh sáng
Anh
cần phải tin tôi nếu như tôi nói vậy
Nếu
như tôi xác nhận
Rằng
luôn luôn cả ở trong nỗi buồn như bóng tối dày đặc
Cũng
có cái then hờ cái cửa sổ đầy ánh sáng
Trên
thế giới vẫn sẵn có ước mơ
Có
những mong mỏi cần được thực hiện
Có sự
đói, cần phải làm no
Trên
thế giới có những trái tim tốt lành
Những
bàn tay hy vọng nắm chặt nhau
Và
những đôi mắt chăm chú
Và có
cuộc sống mà ta muốn
San sẻ cùng ai đó
Lòng
tin
Nếu
tôi nói với em gì đó
Đó là
để nghe em rõ hơn
Nếu
như lắng nghe em
Tôi
tin rằng tôi sẽ hiểu em
Nếu
như em cười với tôi
Đó là
để tôi thêm mê mẩn
Khi
chia sẻ với nhau tiếng cười
Chúng
ta chia sẻ cả thế giới
Nếu
như tôi ôm lấy em
Đó là
để thơ tôi không bao giờ cạn
Nếu
như chúng ta sống với nhau
Mọi
điều trên đời thật tốt đẹp
Và khi
chia tay em
Chúng
ta nhớ nhau trong cách xa
Và khi
chúng ta xa nhau
Chúng
ta lại tìm nhau
Giữa
cuộc tàn sát
Đêm
nay nằm ở Paris
Sự yên
lặng lạ kỳ
Sự yên
lặng mắt không nhìn thấy
Sự yên
lặng của những giấc mơ không màu
Gõ vào
từng mái nhà
Sự yên
lặng của những cánh tay biếng lười
Sự yên
lặng của những vầng trán khô khỏng
Người
đàn ông ra đi
Người
đàn bà ở lại
Nghèo
đói, không nước mắt
Đêm
nay nằm ở Paris
Và nằm
giữa trái tim trong trắng của nó
Sự yên
lặng kỳ lạ
Và
những tia thù hận nhấp nháy trong đêm
Hãy
tới bọn đao phủ chọn cho mình cái chết
Một
cái chết chính nghĩa
***
Loài
người có những quy luật đúng đắn
Nho
biến thành rượu vang
Lửa
bốc dậy từ than
Từ
những cái hôn, ra những cô bé cậu bé
Với
con người, có những quy luật cay độc
Ta bảo
vệ sự trong sạch, mặc dù
Chiến
tranh và khổ cực
Dù cái
chết bẩn thỉu đang rình
Có
những quy luật có tình
Làm
ánh sáng từ nước sông (?)
Từ mơ
ước thành hiện thực
Từ
quân thù đáng nguyền rủa, ra người bạn.
Đó là
những quy luật xưa cổ
Đó là
những quy luật mới phát hiện
Nó lớn
lên từ trái tim trẻ nhỏ
Cho ta
sự thông minh cao cả của mọi thời gian
Một
chút đổi thay
Vĩnh
biệt nỗi buồn
Chào
nỗi buồn
Người
được viết trên đường dây
Người
được viết trong cặp mắt tôi yêu
Người
không phải là tai hoạ
Vì cái
miệng tham lam nhất trên đời này sẽ được thay thế
Bằng
nụ cười
Xin
chào nỗi buồn
Tình
yêu thân thể
Cái
mênh mông của một tình yêu bất tận
Sự dịu
dàng của người sinh ra bất ngờ
Như
một sự diệu kỳ không ai hình dung ra vóc dáng
Cái
đầu cứng cỏi
Là nét
mặt của nỗi buồn tốt đẹp
Chính
sự dễ dàng
Sự dịu
dàng của em khả năng gây ngạc nhiên của em,
sự
kiêu hãnh mềm mại
Địa lý
kỳ diệu của cái nhìn và sự êm ái
Phép
mầu hữu cơ
Sự hoà
trộn của tay và mắt
Cỏ và
tuyết
Cỏ và
mùa xuân
Cơn
rùng mình thoáng qua của biển do sự va động của mưa
sự
trộn lẫn của yên tĩnh và sự trong sáng thần kỳ của em
Gió
mang lại cho làn môi hương vị của tuổi trẻ
Và
những cái hôn xa
Gió --
cánh tay ai đó, em cảm thấy dưới áo!
Sự
chính xác của trái tim con người
Ôi, sự
chính xác của trái tim con người
Tất cả
màu sắc của vẻ đẹp
Những
hình thức trau chuốt
Và một
ngàn cách thức khác
Chỉ là
để
Đi
thẳng tới mục đích
Sự
chính xác
Của
bước đi không mệt mỏi qua cánh rừng
Những
cái hôn và lời nói ngẫu nhiên
Sự
vững vàng của lẽ sống
Thốt
ra trên miệng người đàn ông và người đàn bà
Và sự
kỳ dị của hình dáng đám mây
Không
vượt ra khỏi đường viền đám mây đó
Có thể
nói hết
Tôi
cần phải nói tất cả - về những bờ dốc và con đường
Về phố
xá, về người đi qua, về cánh đồng và người chăn súc vật
Về cái
chồi đầu tiên của mùa xuân về mùa đông rỉ nát
Về cái
lạnh và cái ấm, đẻ ra những quả chuông
Tôi
muốn chỉ ra cả dân tộc - và chỉ riêng mỗi người
Và kẻ
nào mang cho họ đôi cánh, kẻ nào gieo nỗi khổ
Và mỗi
lứa tuổi con người, và những cái được con người chiếu rọi
Hy
vọng và máu, lịch sử và lo toan của họ
Tôi
muốn chỉ ra đám đông lớn lao và bần cùng
Bị
phân ra các nơi như người chết trong nghĩa trang
Và đám
đông mạnh hơn những cái bóng lẻ
Đám
đông đạp đổ tường đá, chiến thắng bọn chủ của mình
Chỉ rõ
sự ràng rịt của cây lá, sự ràng rịt của những bàn tay anh em
Những
bước thận trọng của con thú chưa ai từng biết
Sự ẩm
ướt phì nhiêu của sông và sương ướt
Sự
chính nghĩa trong việc canh giữ và cái rễ sâu xa của hạnh phúc
P.Eluard (1895-1952) và đời sống văn học Hà Nội trước 1975
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
06:53
Rating:
Không có nhận xét nào: