Lê Phú Khải
Để nói về cảnh sắc thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, tôi muốn trích dẫn lời ông Phạm Quỳnh trong sách “Quốc văn trích dẫn” xưa kia, khi ông đi tàu thủy từ Mỹ Tho lên Long Xuyên: “…Suốt một ngày ngồi trong tàu thủy mà không mỏi, không chán, rất lạ, rất vui… lúc nào cũng có cảm giác một sự sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cỏ tốt tươi, bùn đất màu mỡ… tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột, cảnh này là cảnh “lạc sinh” vậy?”
Cái thiên nhiên mà ông Phạm Quỳnh xưa kia ngồi trong tàu thủy ngắm nhìn cả ngày “không chán”, ông thấy “rất lạ”, “rất vui”, “tạo vật tươi cười” ấy, chính là thiên đường của ngành “công nghiệp không khói” – tức ngành du lịch.
Vậy mà, chúng ta thử nhìn lại 40 năm qua, ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã làm được những gì?
Tính đến hết tháng 6 năm 2014 toàn ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được 11 triệu khách du lịch, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu là 2.566 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Kiên Giang cao nhất với mức thu 647 tỷ đồng. Khách quốc tế đến đồng bằng trong thời gian này là 803.700 lượt, tăng 16%. Tiền Giang là tỉnh thu hút khách quốc tế cao nhất, 264.000 lượt khách. Tỉnh An Giang thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch nhờ lễ hội.
Những con số kể trên đã nói lên sự cố gắng to lớn của ngành du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua. Nhưng so với tiềm năng thì còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là chúng ta chưa giữ được chân khách du lịch được lâu. Thời gian du lịch thường ngắn do sản phẩm du lịch trùng lặp và đơn điệu. Ngành du lịch các tỉnh chưa liên kết chặt chẽ được với nhau để tổ chức những tuyến du lịch dài, có nội dung tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, xã hội một cách đa dạng, phong phú…
Người viết từng nhiều lần đi theo các khách du lịch đến đồng bằng và nhận thấy cảnh sông nước, kênh rạch, miệt vườn là những điều hấp dẫn nhất. Ngành du lịch Vĩnh Long đã tổ chức cho du khách quốc tế đến thăm quan các nhà vườn ở các xã cù lao An Bình, Bình Hòa Phước, Đông Hồ… thuộc huyện Long Hồ. Khách tham quan vườn trái cây tại các hộ dân trên cù lao là “vệ tinh” của ngành du lịch tỉnh. Tại các “vệ tinh” này, ông chủ vườn có 3 - 4 hecta vườn cây trái, là những “phú nông” hào sảng, cởi mở… với khách. Đến bữa, khách có thể lội xuống đìa tự tát cá, bắt cá rồi cùng chủ nhân nấu ăn bằng bếp gas, bát chén dọn ra sáng choang dưới mái lá, ăn nhậu thật vui vẻ. Tối đến khách ngủ lại, tuy nhà mái lá nhưng giường chiếu sạch sẽ, thơm tho, có mùng mền đầy đủ. Có tiện nghi toilet sang trọng. Khách còn được thưởng thức các đêm liên hoan đờn ca tài tử ngay tại nhà trọ, do các nghệ nhân tài tử trong xóm ấp đến trình diễn. Nếu gặp hôm nào trong xã, ấp có đám cưới, đám rước dâu bằng ghe xuồng hoặc đám giỗ… khách sẽ được cán bộ hướng dẫn du lịch “hợp đồng” trước để khách có thể cùng rước dâu, ăn cưới, ăn giỗ với gia chủ… Những hình thức du lịch này thật hấp dẫn ngay cả với khách nội địa như tôi, huống hồ là khách quốc tế. Vì thế, Vĩnh Long, Tiền Giang… xứ sở của miệt vườn là những tỉnh đón nhiều khách quốc tế nhất như đã thống kê ở trên. Đã có lần ở Vĩnh Long, tôi thấy một ông khách Tây, tuy được phát áo mưa, nhưng khi cơn mưa bất thần ập xuống, cả đoàn đều mặc mũ áo tránh mưa thì ông khách này cứ thản nhiên dầm mưa suốt cả tiếng đồng hồ. Thấy lạ, tôi phỏng vấn ông (qua cô hướng dẫn viên). Trong bộ quần áo ướt sũng nước, nước từ trên tóc chảy xuống mặt từng dòng… nhưng ông tươi cười nói: “Tôi là người Ít-xra-en, cả năm nước tôi không có mưa, vì thế, tôi đến Việt Nam phải dầm mưa cho đã!!!” Du lịch là như thế, không hiểu những điều này thì đừng kinh doanh du lịch (!).
Ở đây, tôi phải mở ngoặc viết thêm về cái gọi là miệt vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Con sông Tiền đến Mỹ Thuận thì tách làm hai nhánh chính: Sông Cái Thìa và sông Cổ Chiên. Khi tách dòng, chảy vòng vèo, các nhà địa lý gọi Tiền Giang là sông già, cong queo, khác với sông Hậu được gọi là sông trẻ, chảy thẳng. Nhưng chính sự “già nua”, vòng vèo cong queo đó của Tiền Giang mới cho nó giữ lại một khối lượng phù sa lớn gom thành những hòn cù lao làm bừng lên cả một thế giới miệt vườn lung linh huyền ảo nơi đây… làm đắm say khách du lịch đến từ những xứ sở núi cao tuyết phủ hay xa mạc khô cằn. Đã có nhà nghiên cứu viết sách với nhan đề “Đồng bằng sông Cửu Long hay là văn minh miệt vườn”, có nhà văn hạ bút viết: “Những trái mận (doi – LPK) bằng nắm tay, đỏ chót như một cô gái miệt vườn, những trái vú sữa ửng vàng, bóng căng, không thẹn với tên gọi. Những trái nhãn to bằng ngón chân cái khéo léo buộc thành xâu trông đẹp như chùm phong lan. Những trái chôm chôm rực vàng chen đỏ, gai mềm, dài, gai nhọn đâm vào da thịt mà lại thấy êm dịu… Rồi cam từng thúng đầy ắp, rồi quýt vàng mọng…”
Nhìn lên bản đồ Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện Cái Bè của Tiền Giang, Cái Mơn – Chợ Lách của tỉnh Bến Tre, Long Hồ của Vĩnh Long nằm giữa vùng tách dòng của sông Tiền. Và đó chính là vùng miệt vườn nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại nhà vườn của bác Sáu Giáo ở Bình Hòa Phước – Vĩnh Long, nơi đón khách du lịch, khách thư giãn nằm võng dưới tán nhãn mát rượi, nghe cá quẩy dưới mương, có thể với tay hái nhãn chín và nghe chim hót trên cành cao… Nhà văn Nam bộ Sơn Nam đã gọi những ông chủ vườn như thế, như bác Sáu là một “ông Tiên nho nhỏ”!!! Mà quả thế thật, tôi lật sổ lưu bút của khách du lịch quốc tế đến đây ngủ qua đêm, thấy một ông Tây đã ghi: Nôi đây là một “thiên đường nho nhỏ” (Petit Paradise)! “Ông Tiên nho nhỏ” thì phải ở “thiên đường nho nhỏ” là đúng rồi! Hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long đã chọn du lịch miệt vườn là thế mạnh của mình là đúng sách. Sổ tay công tác của tôi còn ghi rõ, từ năm 1993 nhờ mở rộng du lịch miệt vườn du lịch Vĩnh Long đã đón hàng chục ngàn du khách trong nước và hơn 6000 khách quốc tế, đến quý 1 năm 1994 đã đón 3000 khách quốc tế, gấp 2 lần năm 1993 (Đó là lúc chưa bắc cầu Mỹ Thuận). Năm 1995 tỉnh Tiền Giang đón đến 45.000 lượt khách, năm 1997 đón đến trên 120.000 lượt khách trong đó có 90.000 khách quốc tế (chủ yếu là Tây Âu). Xã cù lao Thới Sơn ở giữa sông Tiền hàng năm đón một lượng khách lớn hơn nhiều so với dân số tại cù lao. Xã cù lao Thới Sơn này có thể ví với nước Pháp, một năm đón trên 70 triệu lượt khách quốc tế, hơn cả dân số nước này.
Hiệp hội du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 đã chọn giới thiệu các điểm du lịch gồm: Chùa Dơi (Sóc Trăng); Lăng miếu núi Sam có Lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Sứ (Châu Đốc – An Giang); Cồn Phụng (xã Tân Thạnh – Bến Tre); Du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu) và khu du lịch nghệ sĩ Ca Văn Lầu; Di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang); Mũi Nai – Hà Tiên; Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang); Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) v.v…
Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch đã có đề án phát triển du lịch cho Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020. Quyết định 803/QĐ-VHTT DL của Bộ Văn hóa Thông tin Du lịch ngày 9-3-2014 đã đề ra chỉ tiêu cho năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đón nhận 2,7 triệu du khách quốc tế và 5,2 triệu du khách nội địa. Năm 2020 đón 3,9 triệu du khách quốc tế. Hình thành 4 cụm du lịch. Một là, cụm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với nội dung du lịch sông nước và tìm hiểu về thương mại, nghỉ dưỡng. Hai là, cụm du lịch Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với rừng ngập mặn và văn hóa lễ hội Khmer. Ba là, cụm Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh với du lịch sông nước, nghỉ tại miệt vườn nhà dân, tìm hiểu lịch sử cách mạng và làng nghề. Bốn là, cụm Đồng Tháp Mười với du lịch rừng đặc dụng ngập nước.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp không đóng góp lớn cho GDP của các quốc gia, nhưng nông nghiệp giữ gìn sinh thái cho các quốc gia đó và nó gián tiếp bắc cầu cho công nghiệp không khói và kinh tế dịch vụ. Có thể lấy nước Pháp, một nước công nghiệp hàng đầu để chứng minh cho sự gắn kết giữa nông nghiệp và du lịch. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 2,7%, công nghiệp 24%, dịch vụ 75% - số liệu năm 2006. Nhưng hàng trăm năm nay diện tích đất nông nghiệp của Pháp vẫn là 30 triệu 139 ngàn hecta và không hề thay đổi. Trong hơn 30 triệu đó, một nửa dành cho chăn nuôi, nửa còn lại là trồng trọt. Trong phần trồng trọt thì hơn nửa diện tích để trồng nho làm rượu vang. Vì thế, Pháp là nước xuất khẩu nông sản đứng đầu châu Âu (trên Ý), đứng thứ hai sau Mỹ, nông sản của Pháp cực kỳ phong phú. Có lần tổng thống Pháp De Gaulle đã phải thốt lên: “Làm sao tôi có thể cai trị một nước mà có đến 400 loại pho-mai!”. Chính vì có một nền ẩm thực phong phú và một thiên nhiên “không trống trải” như cách nói của dân Pháp mà nước Pháp là quốc gia đứng đầu thế giới về các loại dịch vụ và dịch vụ du lịch, tức nền công nghiệp không khói, với 75 triệu khách quốc tế viếng thăm mỗi năm (trên cả Tây Ban Nha 50 triệu và Mỹ 45 triệu).
Vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, thanh niên ở nông thôn Pháp thường tự hỏi: “Làm sao lấy được vợ khi mà các cô gái hàng xóm bỏ ra thành thị hết”. Nhưng từ những năm 70 thì mọi việc lại thay đổi hoàn toàn. Người nông dân sống ở thôn xóm có “thiên nhiên không trống trải”, có tiện nghi hiện đại… lại là hình mẫu cho lớp thanh niên ở thành thị.
Người Pháp hiện nay nêu khẩu hiệu “vui sống” (Joie de vivre), cứ thứ bảy, chủ nhật và nhất là vào tháng nghỉ hè (tháng 7) thì hầu như Paris và các thành phố khác ở Pháp “bỏ trống” cho khách du lịch. Còn người thành thị đua nhau về nông thôn vui sống! Vì ở đó “thiên nhiên không trống trải”, ở đó chất lượng cuộc sống (qualité de vie) tốt hơn!
Nước Việt Nam chúng ta với tiềm lực văn hóa, lịch sử lâu đời, với thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, nếu được giữ gìn, tu tạo và phát triển thì trong tương lai hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia công nghiệp không khói chiếm tỷ trọng cao trong GDP, đồng thời còn là một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến. Không nhất thiết phải lao vào cắt đất bờ xơi ruộng mật để mau chóng có một nền công nghiệp… may vá và xuất khẩu giày dép như người ta đang đua nhau làm ở các tỉnh hiện nay(!)
Nhà báo Pháp Oliver khi đến quan sát Việt Nam đã phải thốt lên: “Có còn là Việt Nam nữa không nếu mất đi dòng sông in bóng những cánh đồng!”
Dòng sông trong lành, ngọt ngào và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay chẳng những đã từng nuôi sống chúng ta qua bao chặng đường lịch sử mà còn là đời sống tâm linh, chiều sâu văn hóa của dân tộc Việt Nam. Triết học, văn học, “thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” Việt Nam xưa nay đều nảy sinh trên cánh đồng lúa nước đó.
Gần 4 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là một tài sản vô giá với Việt Nam. Nó cũng là tiền đề để phát triển ngành du lịch không khói trong tương lai cho Đồng bằng sông Cửu Long. Nông nghiệp hiện đại và du lịch là tương lai tươi sáng của Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi muốn kết thúc chương sách này bằng tâm sự của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương: Tôi đã đi nhiều nước, không thấy ở đâu các họa sỹ vẽ cái ô tô đời mới và nhà cao tầng cả. Người ta chỉ vẽ dòng sông và những con đò, những cánh đồng, rừng cây… Nếu chúng ta biết quảng cáo cho cái “petit paradis” của Đồng bằng sông Cửu Long thì nó chẳng những thu hút những ông khách du lịch Israen kể trên… mà còn nhiều người nữa! Tôi tin là như thế.
“CÔNG NGHIỆP KHÔNG KHÓI” CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
14:49
Rating:
Không có nhận xét nào: