Nguyễn Thanh Văn sinh năm 1954 tại: Thừa Thiên– Huế, là giáo viên Anh văn.
Tác phẩm:
Truyện ngắn: Bài ca buồn gửi cố hương (NXB Văn Nghệ TP.HCM),
Lỡ hội trăng rằm (NXB Văn Nghệ TP.HCM),
Thơ: Dự cảm (NXB Hội Nhà Văn).
Hiện sống và viết ở Sài Gòn.
Truyện ngắn
Nguyễn Thanh Văn
Tặng Hoàng Dũng
Dạo tôi lần về tìm quê quán ông cha tận miền Bắc, thời tiết đang se lạnh, nhưng không tới mức như mẹ và bà thường than thở. Kí ức chuyến đi sống mãi: màu xanh của thiên nhiên một vùng Bắc Bộ cổ và Đền Bướm nổi danh có bề dày tròm trèm cả một thiên kỷ.
Gia tộc nội ngoại tôi bỏ vào Nam sớm. Dù lý do chủ yếu là chuyện cơm áo, làm ăn nhưng thời cuộc đưa đẩy hơn một nửa số đàn ông trở thành quan vừa- không to không nhỏ- trong quân đội và chính quyền miền Nam. Những câu chuyện về quê quán năm xưa của các vị đầy sự lạ, nào những làng nam nữ toàn mặc đồ bộ đội, ăn sáng bằng hột mít luộc, cán bộ lẫn dân đen thiếu chữ nghĩa mở miệng vẫn líu lo “phạm chù”, “ní nuận”- chắc được các đầu óc mặc cảm chính trị của người phía bên này vẽ vời thêm- ám ảnh tôi. Hóa ra có chi tiết không hẳn sai, mà đại khái là không hoàn toàn như vậy. Cái tràn ngập đôi mắt kẻ lãng du tìm về cội rễ là tôi là màu xanh của làng quê Việt cổ. Cái màu xanh không hề đem lại phú quý, nhàn hạ cho bà con quê nội ngoại, nhưng không hiểu sao tôi cứ rươm rướm thứ trực cảm đấy chính là cái màu sáng láng tận đáy tâm hồn Việt, bền vững qua trăm đời minh quân, bạo chúa. Nó tựa như dửng dưng, “phi chính trị” vào cái thời đại sính hơn thua, vàng đỏ, được mất sau cuộc chiến tranh.
Suốt một gần một tuần ra mắt bà con và đã thỏa mãn với nỗi niềm tha hương quay về cố quận, tôi định về lại Hà Nội ở mấy ngày cho biết thì ông Quang, vai vế chú họ tôi, mở lời: “Sao không ghé qua Đền Bướm cho biết lịch sử vùng ta?”.
Qua không biết mấy dốc đồi núi, vườn nương mà nếu không phải người địa phương ắt đi lạc ngay, mới nghe chú Quang cười hề hề, nói: “Sắp tới!”. Gẫm cuộc đời khai sơn phá thạch để dành cho mỗi hộ một khoảng đất làm nương làm ruộng của ông cha xưa nhọc nhằn thật. Mồ hôi hai chú cháu vã ra như tắm. Tôi ngồi đằng sau xe gắn máy, có dịp hưởng trọn gió ngược chiều nồng nàn mùi mồ hôi nông dân thiên cổ của ông chú họ, có khi lẫn cả mấy vỉa mồ hôi một thời bộ đội chống Mỹ Ngụy không chừng. Ôi chao, cứ thế mà vã vào mồm vào mũi, cay cả mắt. Chiếc Suzuki seventh-hand (không phải second-hand) chú Quang thỉnh từ Nam ra Bắc ì ạch lên dốc, lâu lâu tắt máy, tôi phải hì hục đẩy mệt muốn chết.
Có hai vệt trắng nổi trên nền xanh nương rẫy, đất thấp nối trời cao. Một là dòng suối y như dòng thác nhỏ đổ từ đỉnh đồi xuống, một là con dốc đầy sỏi trắng từ dốc ngược lên lưng đồi. Cổng đền nhỏ xíu lọt thỏm sau um tùm cây lá.
Nhìn mồm tôi há hốc, chú Quang gật đầu: “Đúng!”. Đúng là cổng Đền Bướm. Cổng nhân tạo hay cổng do thiên nhiên để lại không rõ. Nếu không có dấu tay người mới quét sân, nhổ cỏ, có khi không ai dám bước vào. Đấy là một khoảng hẹp có sẵn giữa hai tảng đá vôi hay một khoảng trống hình bầu dục, khoét giữa một tảng đá vôi, môi mép nổi cục, tôi cứ thắc mắc. Phần không gian trên đầu là các cành cổ thụ chằng chịt giao nhau. Đá không thiếu, gần chục ụ. Nhưng không thấy có bảng kê dăm câu đối chữ Hán nào như thường thấy ở các khu di tích. Trên mặt một trụ đá có mấy chữ Quốc ngữ nguệch ngoạc, chắc của bọn thiếu niên tinh nghịch, và có cả “I love you” cùng hình trái tim bị mũi tên xuyên thủng, máu rơi đúng ba giọt. Không thể là bằng chứng di sản cổ được.
Lên thẳng khu di tích- tạm gọi vậy- tôi lại có dịp há mồm to hơn nữa. Giữa gió lộng tứ phương chỉ thấy một mái ngói cổ ba phía tường đá dưới vòm lá của đủ loại cây thân thẳng, thân nghiêng xòe cành lá làm khách phải dụi mắt mấy lần mới thấy vài thứ lờ mờ không ra hàng lối.
Khi đã quen mắt tôi mới rõ cuối hậu viên, đền dựa vào vách đá. Trong khu xưa vốn là chánh điện, hầu như không có gì ngoài một nền đá phẳng, láng nhất phiến phải hàng chục thước vuông, không rõ đẽo từ đâu ra hay làm sao đưa được lên tận đấy. Chỗ có lẽ là bàn thờ đá bị mưa dột gió lùa bào mòn một phần ruột ban đầu tôi ngỡ là tượng Yoni, sau đoán là lư hương cũ. Không xa là một tảng đá to, vuông vức, xù xì, cũng dễ nhìn nhầm là tượng Linga, nhưng tôi đoán chỉ là tượng trưng cho người hay thánh linh nào đó. Lạ một điều không có dấu vết hay mùi hương khói vào một thời điểm khi những trò thờ cúng am đền xưa bị quy là duy tâm lạc hậu đã bắt đầu rục rịch được tân trang và chữa thành “giá trị tâm linh”. Có nhà nghiên cứu văn hóa gọi là “giá trị tâm linh xã hội chủ nghĩa”.
Rồi bất ngờ xảy ra cảnh phải nói là kì lạ đó: từ đâu trong các bọng cây, trên tường, dưới khe đá, và từ vách đá dựng đứng hàng trăm hàng nghìn cánh bướm muôn màu muôn sắc vụt ra. Thước phim nhộn nhạo, quay cuồng này diễn ra mười phút liền, nhưng chỉ có đôi con hạ cánh xuống bàn thờ và tượng đá, nhè nhẹ đập cánh chút đỉnh, còn tất cả chỉ di động qua lại, chen ngang, đổi hướng. Rồi bỗng dưng chúng tản ra, một số rạp vào tường đền và hỏm đá, số còn lại vút cao lên, nhòe đi giữa đại ngàn xanh lá.
Nói thiệt tình may có xen trình diễn bất ngờ của đám bướm dại, chứ ban đầu tôi cứ ngỡ những vệt vàng đỏ đen trắng lấm chấm trên vách đá là những vân đá trời cho, hoa văn thiên tạo. Cũng may nhỡ rởm đời nhón bút viết một bài ca ngợi hoa văn, vân đá trời phú cho chốn địa linh nhân kiệt có khi lại làm trò cười cho bậc thức giả.
Khi nhịp tim trở lại bình thường, tôi nói với chú Quang vẫn đang chắp tay ngay rốn, lưng dựa vào tường như muốn tránh chỗ cho đàn bướm bay.
-Giờ thì cháu đã rõ vì sao có cái tên Đền Bướm rồi!
Đáp lại nhận xét của tôi là tiếng cười ha hả, không ghìm nổi của chú Quang. Hễ mở miệng lúng búng gì đó nửa chừng, chú lại tiếp tục cười mãi. Vang vang trong cái hóc mờ tối và dọc theo đồi đá dội lại tiếng cười thích thú, hào sảng bất ngờ của hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ mang dáng dấp tín đồ này.
-Không, không phải đâu cháu… không phải!
Tôi chợt giật mình nghe tiếng ai ồm ồm đang đi lên dốc:
-Ông khách nhầm rồi. Chú lớn tuổi đây nói phải đó. Chuyện xưa lắm rồi…
Chúng tôi lùi ra khỏi đền- chính xác là phế tích của Đền Bướm- và cùng ngồi bệt xuống sân lộn cộn đá cuội. Thì ra chú Quang quên nhắc, còn có một hộ độc thân sống gần đó, mấy chục năm tự nguyện làm một chức ông từ, ông bõ chăm sóc cái phế tích gọi là Đền Bướm này.
***
-Hồi xa xưa đền có tên là Đền Lồn. Sau này các bậc chữ nghĩa cho là thô thiển, bàn đổi tên Đền Lồn thành Đền Bướm.
Cụ Nhạc- tên ông từ tự nguyện- mở lời, im lặng trước vẻ bối rối của khách phương xa trước khi tằng hắng kể tiếp.
-Trước nghe thiêng lắm… hương khói, lễ hội, xin xăm, cầu tự đông như kiến cỏ. Sau vụ tàn hương cháy đền, suýt vạ cả rừng thì có lệnh cấm đốt hương đèn. Rục rịch xây đền lại thì cách mạng tới, xếp là địa điểm mê tín, lạc hậu. Nhân dân còn người lén tới khói hương mâm quả nhưng chả mấy người. Sau khi nghỉ hưu, vợ con bị dịch mất sớm, tôi lên đồi làm rẫy, cất chòi, và rong chơi thì may mắn được Đức Bà về báo mộng. Tôi báo với cán bộ địa phương, xin tình nguyện ở hẳn đây, lo ngăn cấm hoạt động mê tín vừa đề phòng hỏa hoạn cháy rừng. Việc không có lương tiền nên họ chịu liền. Cũng phải gắt gao lắm bà con mới thôi đốt hương đốt đèn bừa bãi. Thế là tôi kiêm luôn chuyện gìn giữ vệ sinh, nhổ cỏ, quét tước mới được như ngày nay. Có cha cán bộ huyện vờ chống mê tín hủ tục đem xe bò lên định phá tường đền về làm chuồng heo. Nửa chừng bò tự dưng gục chết, mới thôi.
-Tự dưng sao được hở cụ Nhạc, cũng một tay Đức Bà tính toán đó.
Cụ Nhạc gục gặc với khách, vẻ hài lòng.
-Tôi đoán chừng rồi lại như xưa, đâu rồi ra đó cả. Sớm muộn ty văn hóa sẽ cử người xác định di tích. Quê ta lại có chỗ cúng bái. Biết đâu thành địa điểm du lịch, cạnh tranh với cả chùa Hương chứ không phải chơi đâu!
Giọng cụ Nhạc khơi khơi, không rõ đùa hay thật.
***
Hai ông khách phải biết… theo các cụ xưa kể lại năm có giặc nổi lên, đức vua trốn khỏi kinh thành, tấp vào khu đồi quê ta đây ngự một thời gian dài, chờ quan binh dập tắt bọn phản loạn… mà cũng đám cung đình ngoại thích lật lọng qua lại đấy thôi. Nông dân ta cho đến bậc hương hào trưởng lão địa phương còn không thấy một viên gạch hoàng thành, nói chi chuyện đại sự, thích khách.
Môi cụ Nhạc bĩu ra, run run, mắt hơi nhíp lại làm riềm mi dài che khuất cả mắt, thỉnh thoảng chỉ chừa ra hai khóe đỏ hoe.
-Nhân dân vùng ta có công cung phụng, bảo vệ đức vua. Tất cả nghe đồn đều được các bậc đại học sĩ tỉ mỉ ghi công. Bao nhiêu sơn hào mĩ vị đều được ông cha vùng ta tiến lên đức vua. Loạn lạc mà gạo nếp không thiếu, nem công chả phượng có đủ.
-Vùng ta cũng có chim công chim phượng!
Chú Quang thật thà buột miệng, thấy cụ Nhạc nhướn mày, lật đật ngồi im.
-Có tất. Núi rừng ngày trước hùng vĩ, chim quý thú hiếm thiếu chi. Người người tranh nhau dâng, nghe đồn đức vua khó ăn khó ngủ, long thể tiều tụy hẳn, chỉ đám bá quan tùy tùng béo mập hẳn ra, khen ngợi dân vùng ta trước mặt đức vua không tiếc lời.
Giữa lúc đang sang sảng hùng biện, bất ngờ cụ Nhạc tủm tỉm cười, mắt liếng thoắng như đám trai tơ ở làng.
-Có cả món đàn bà nữa đó! Đàn bà quê ta thua chi nem công chả phượng. Thời trẻ trung cường tráng, tôi sẵn sàng làm chứng là món này đáo để phải biết.
Tẽn tò nãy giờ, chú Quang mới lẩm bẩm mấy tiếng, dù có ý hạ giọng.
-Đến thời trẻ của cháu đây cũng làm chứng được, sợ gì. Còn mùi mẽ lắm!
-Hai ông khách phải biết cũng vì mộng quan tước, của cải mai hậu mà người người nhà nhà dâng con gái, giới thiệu bà con. Có người đòi dâng cả vợ, thiếp. Nhưng đức vua quá lo lắng cho cơ nghiệp tiên vương không kham nổi chuyện mây mưa. Đám ngự y theo phò có kẻ bị bãi quan vì sự cố này. Quê ta cũng suýt nữa vạ lây. Phước đức cho…
Cả chú Quang và tôi nín khe nhìn môi dưới của cụ Nhạc bĩu ra cả nửa tấc.
-Khi đại họa lơ lửng trên đầu thì hạnh duyên tới. Một lần đức vua lần ra suối chơi, ngẫu nhiên thấy Đức Bà đang tắm… tắm tiên hẳn hoi.
Cụ Nhạc lần đầu tiên nháy mắt với hai chú cháu tôi. Phải nói ông cụ trông trẻ hẳn ra phải mấy chục tuổi. Đầu gục gặc, vai râu lắc lư như tận mắt chứng kiến không bằng.
-Đức vua bất ngờ tràn trề vương hứng bèn cho gọi lên, vây màn ngự tại chỗ. Phúc phận có lúc trùng lai, sơn nữ vùng ta đậu thai ngay. Trước khi đức vua hồi triều, Đức Bà hạ sanh một hoàng nam khôi ngô như quý tộc, khỏe mạnh như bình dân. Dân vùng ta ngả heo gà ăn mừng một tuần liền. Vừa gần trọn năm thì dẹp được giặc, vua vội hồi loan.
Giọng cụ Nhạc tự dưng chậm và buồn hẳn.
-Lần này đức vua về với hoàng tử và bá quan, không có Đức Bà. Ngày đó tin đồn đại lan tận kinh đô rằng đức vua hạ mình rồng qua đêm với dòng dõi rợ mọi bần tiện, rằng Đức Bà là con của một gã tiều phu thất học, rằng Đức Bà sử dụng bùa ngãi để dụ dấng thiên tử… Bọn hương hào địa phương hận vì không tiến được con vào giường đấng quân vương, trở mặt lu loa chê bai gốc tích dân dã của Đức Bà. Đức vua bèn hạ lệnh tha tội chết cho sơn nữ- tội gì không thấy các cụ ghi lại- cho ở lại núi, không được theo về kinh. Ngài rộng lượng ban ơn cho phép cha con Đức Bà cai quản trọn khu đồi mấy chục hòn ở vùng ta, đời đời miễn thuế.
Cụ Nhạc cúi gằm xuống, cố nuốt cái gì đó nghẹn ở họng.
-Phụ thân Đức Bà hận cho con mà chết. Ít lâu sau Đức Bà cho người vần đá cất chùa xuống tóc đi tu. Đêm đêm dưới chân đồi ngước lên thấy mây xanh mây đỏ sáng rỡ một vùng. Không ai không có lòng hướng về Đức Bà. Khi có tin Đức Bà về trời, người trong vùng tranh nhau lên viếng, lạ là không tìm ra xác.
-Cái tin Bà bị cọp vồ đem đi mất xác của thiên hạ- tiếng chú Quang như lỡ lời- hóa ra toàn láo cả.
Cụ Nhạc không thèm nhìn chú Quang, gằn giọng:
-Bọn xấu bên kia sông vì cành nanh mà bịa chuyện, người tử tế biết ơn Thánh Mẫu ai thèm tin. Hừ!
Lây tâm sự người xưa, tôi cũng mạo muội phác một cử chỉ không bằng lòng về phía chú Quang.
-Trời có mắt, luân hồi tại thế. Mấy chục năm sau, kinh đô lại có loạn, vua lại hốt hoảng ra tìm dân mà núp. Dân ta nhẹ dạ, mau quên, lại một lòng cưu mang, cung phụng đức vua. Mà lần này đấng kim thượng chính là đứa con đẻ ở đồi núi của Đức Bà năm xưa. Nghe đồn sợ lộ, đức vua cùng bá quan trốn bên kia sông, không dám đi theo lối cũ. Đêm đức vua mộng thấy nữ thần sai người đưa đi trốn mới tin theo, cuối cùng tìm được chỗ trú an toàn. Sáng ra đám cựu quan nhận ra chính là chỗ tiên vương ngày trước, không xa chỗ ngài ngự Đức Bà bên suối xưa là bao.
Chắc đã lâu không có dịp tâm sự, cụ Nhạc càng nói càng bùi ngùi. Thỉnh thoảng lại gục gặc hồi lâu, không rõ đang ho, nấc hay cười.
-Đức vua mộng thấy Thần Nữ hiện dặn phải cấp tốc qua sông, lần khắp các cung đồi, hễ thấy có nơi nào bên ngoài có lối vào trông như bộ phận sinh nở của đàn bà thì chui vào ngay kẻo gặp đại nạn. Đến chỗ ta đang ngồi đây thì thấy có đoạn đồi đá vôi nứt hai, miệng hẹp, sần sùi, có cành là trên cao nghiêng xuống nửa kín nửa hở, vua tôi nhớ lời trong mộng lật đật chui vào. Nghe nói đám tùy tùng chen nhau giành chỗ, có mấy mạng rơi thẳng xuống vực.
Giờ thì giọng ông từ tự nguyện bỗng rành rẽ, đĩnh đạc hẳn.
-Đức vua thoát nạn, sửng sốt nghe kể tích xưa, tay đấm ngực, tay ôm mặt phong miệng cho mẹ đẻ là Sơn Tại Nữ Thần, thề thốt sẽ cho xây đền thờ lớn, miễn thuế cho toàn vùng.
Chú Quang cựa quậy, mồm miệng động đậy rồi mím chặt lại. Hiểu chú đang ngại lỡ lời, tôi đành châm chước:
-Cũng hồng phúc cho quê ta, cụ hè!
-Hồng phúc?- cụ Nhạc dướn mi lên, đồng tử sáng rỡ- Có tiểu quan ở phủ về cho vần mấy công đá, đền miếu vẫn trớt hớt như cũ, không một ngày miễn thuế, chờ sắc phong thần chính thức dài cổ không thấy tăm hơi! Dân gian tự động cất ngôi đền nhỏ. Xứ nghèo đời này xây, khi hư hỏng thì đời sau không đủ sức vóc vật lực sửa chữa, nói chi xây mới. Thế rồi cách mạng đùng đùng tới, bãi bỏ luôn vụ thần thánh, gọi là phong kiến lạc hậu.
Tôi gặng hỏi:
-Nhưng vì sao đức vua lại nuốt lời với mẹ đẻ ra mình?
Đáp lời tôi là giọng chú Quang, lần này có từ tốn hơn:
-Thời xưa khác chi thời nay hở cháu. Trên có bọn học sĩ, đại quan giấu nhẹm chuyện gốc gác hạ tiện, vụ chui lòn đáng xấu hổ qua chỗ hang hóc thấp kém. Dưới có bọn hương hào láng giềng ganh ghét, sợ thân thích Đức Bà được vẻ vang thì họ tộc mình mất mặt với thiên hạ. Chưa nói lỡ ruộng đất nhà bị đức vua tịch thu giao cho con cháu Đức Bà lo thừa tự thì có nhục mà chết.
Cụ Nhạc nhìn chú Quang vẻ bằng lòng, nói:
-Phải! Bọn cầm quyền xưa nay hễ chưa có ngoại xâm, nội loạn thì chưa nhớ tới lê dân!
***
Kể ra chuyến hành hương đi tìm cội rễ của người viết không có gì thật đặc biệt. Cái màu xanh chốn đất cổ quê mùa chỉ làm nao núng được lòng người hoài hương và có khi chỉ là thứ hàng rẻ mạt hàng nghìn năm nay dưới con mắt của giới buôn bán, làm ăn lịch duyệt, thức thời. “Lập thân tối hạ thị… nông dân”, một đại gia nào đó từng dạy tôi. Và chuyến vượt đồi thăm đền thiêng quê cũ để khám phá nó chỉ là vài bức tường đá và ụ đá tầm thường, lung linh trong tâm thức thiên về tô vẽ, tưởng tượng để bù lại cho nỗi thiệt thòi thiên cổ của nông thôn Việt, có khi chỉ làm bạn đọc thêm buồn chán.
Thế mà tôi đã có dịp gẫm lại nhiều lần, có thể còn cái gì đó rất thực, khác trong câu chuyện lưu truyền dai dẳng ở vùng đồi quê cũ của cha ông tôi, đáng cho khách viễn phương một đêm dừng chân, ngậm ngùi dăm phút cùng những người vô danh năm xửa năm xưa. Và cái tâm thức tìm ra cho được thần tích, thiên cơ cả ở những cảnh quê mùa, những núi đồi hang hóc thô lậu giấu cái gì đó vừa mỉa mai vừa vĩ đại, xúc động. Có lẽ là một thứ niềm tin và tình yêu dân dã mà đau đớn thay bọn cường quyền kim cổ không giải mã nổi.
Suýt nữa tôi quên kể bạn đọc nghe một chi tiết. Khi hai chú cháu tôi xuống đồi, người giữ đền tự nguyện cuối cùng lẽo đẽo đi sau đến tận sườn đồi, có ý tiễn khách. Mấy năm sau có người ngoài quê vào chơi cho biết ông cụ đã mất, nghe nói cũng một thân một mình trong căn chòi trên đồi cao. Không phải vì đói- hiện tượng này thời đó không hiếm- mà vì… lạnh. Không đủ áo rét với nhiệt độ xuống năm độ C mà bếp lửa- ở trên đồi thiếu chi củi- đã thừa lúc người ngủ say mà tàn lụi. Điều ngạc nhiên là lúc tần ngần chia tay, bất ngờ ông cụ nói lớn, giọng rổn rảng giữa chốn đồi hoang y như người đang có tâm sự chợt thèm nghe giọng nói của chính mình.
-Cái đất nước không dám nhận cha mẹ e không khá nổi hai ông ạ. Cha mẹ đẻ ra mình không nhận, ắt còn ngày nhận bừa láng giềng thiên hạ làm cha làm mẹ.
Chúng tôi đã đi được mấy bước, cụ Nhạc còn vói theo:
-Mà hai ông thấy đó… thiếu chi đời vua chúa cũng từ cái lồn của dân đen mà ra đó thôi!
Sài Gòn, tháng 2/2015
Không có nhận xét nào: