Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi
Địa điểm của Phòng trà Phúc Châu xưa (nay ở phố Tạ Hiền), theo trí nhớ của nhà thơ Dương Tường
Khoảng tháng 1/1956, chỉ còn độ 1 tháng nữa là Tết Âm lịch, Lê Đạt hỏi tôi: “Mày có nhiều bài không? Tết có gửi cho báo nào không?”Tôi bảo chỉ có một bài gửi cho báo Văn Nghệ thôi. Đạt bảo: Thơ gửi báo Tết thì nhiều lắm, các báo chả còn chỗ đâu mà đăng và nhất là thơ mới, thơ kiểu chúng mình thì chưa chắc nó đã đăng. Tốt nhất bây giờ thế này, cậu với mình hai thằng soạn làm một cái tập gọi là “giai phẩm” hoặc “tác phẩm mới” cũng được, đưa chothầy Bảo (Trần Thiếu Bảo, Giám đốc NXB Minh Đức, NXB tư nhân lúc bấy giờ - HH). Tức là tự do thôi, ra báo và sách thì không phải xin phép không phải qua kiểm duyệt.
Ngay từ năm 1955 cũng có mấy tờ báo tư nhân ví dụ tờ “Nói Thật” rồi nhà xuất bản Xây Dựng, nhà xuất bản Minh Đức. Vì thế chúng tôi bàn với nhau có thể ra một tập sách riêng của mình. Đạt mới bảo: Không biết cậu có nhớ không chứ tớ vẫn giữ cái bản thảo bài “Nhất định thắng” của thằng Trần Dần, thế thì cứ thế mà in, lấy cái đó làm cốt bởi vì nó dài lắm, in ra có thể hơn 20, 25 trang là ít; rồi mỗi người thêm vào, ví dụ như cậu thêm vào một vài bài thơ, tớ vài bài thơ, rồi thì bảo thằng Tử Phác nó viết một nghiên cứu gì đấy, hay một ý kiến gì đấy về dân ca về âm nhạc, rồi bảo thằng Tô Vũ, rồi nhất là phải làm thế nào thúc được Văn Cao chứ nó lười lắm, nhạc của Văn Cao hình như cạn kiệt rồi và bây giờ nó nhảy sang vẽ thì chắc khả năng sáng tạo của nó còn đấy, nhưng mà nên thúc đẩy nó làm thế nào cũng có ít nhất một bài viết mang được tính chất gì mới trong thơ ca. Đạt nói: Tớ giao cho cậu đấy, làm thế nào để đi thúc đẩy thằng Văn Cao, chứ tớ là cái thằng mới viết chưa có tên tuổi gì, hơn nữa về tuổi tác cũng như nghề nghiệp còn kém, còn non nớt, chỉ là một cán bộ tuyên huấn thế thì chưa chắc nó nể, nhưng cậu là người ngang tầm với nó, cậu đã nổi tiếng sẵn rồi, về mặt sáng tạo cậu chẳng thua gì nó, cậu thúc nó chắc được.
Tôi nghe Lê Đạt, đến bảo Văn Cao làm thế nào cho một vài bài thơ vào quyển sách mình sẽ ra, lấy tên là “Giai phẩm mùa xuân” in ở nhà xuất bản Minh Đức.
Lúc bấy giờ mấy anh em chúng tôi thân nhau lắm, thường thường buổi chiều họp nhau ở quán trà Phúc Châu của người Tàu ở phố Hàng Giày. Quen thuộc đến nỗi chúng tôi hay mượn cái câu “Lòng em như nước Trường Giang ấy, sớm tối đưa chàng tới Phúc Châu” (Lời kỹ nữ mở đầu bài thơ Bên sông đưa khách của Thế Lữ - HH). Quán Phúc Châu chỉ có trà thôi; khi có một nhóm khách đến lập tức chủ nhân bưng ra một cái khay trong đó có một ấm trà, trà thì để sẵn ở đấy, một phích nước sôi, cứ việc uống, muốn pha loãng pha nhạt thì tùy, cả một hộp trà đấy rồi, muốn uống nước thứ mấy thì uống, thậm chí tôi nói đùa uống đến nước chủ nhật, tức là uống đến nước thứ 6, thứ 7 rồi không còn trà đâu nữa, nước đã loãng toẹt ra rồi vẫn uống. Có hôm chúng tôi uống đến hai ấm, có hôm đến ba ấm vẫn cứ ngồi nói chuyện với nhau được, bởi vì toàn là những chuyện khuyến khích nhau viết, rồi chuyện lý luận về thơ, như Lê Đạt với Trần Dần thì các ông ấy đọc nhiều các ông ấy lắm chuyện lắm, các nhà thơ của Pháp từ đầu thế kỷ 20, giữa thế kỷ rồi hiện đại v.v…Tử Phác thì nói chuyện về âm nhạc mới. Phùng Quán thì thường hay đến nghe, Phùng Quán tự coi mình là bậc đàn em mà, nghe các ông anh nói chuyện thỉnh thoảng sôi nổi đưa vào những ý kiến phải làm thật nhiều, phải đổi mới này khác, Phùng Quán rất hăng hái. Thế còn thường xuyên là Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, ta gọi là bộ ngũ, bộ năm, chăm chỉ lắm, cứ hầu như chiều nào tự động 4h30, 5h là có mặt ở Phúc Châu.
Lại nói về chuyện thúc đẩy Văn Cao làm thơ. Tôi hơn Văn Cao về tuổi tác, cả về thành tích sáng tác thơ, tôi có thơ từ năm 1939, 1940 thì Văn Cao cũng làm thơ từ năm 1940, 1941, Văn Cao đã có những bài thơ đăng ởTiểu thuyết thứ bảy không kể âm nhạc. Hồi sau 1954 thì Văn Cao ngưng làm nhạc nhưng lại thích vẽ; anh đã vẽtranh trừu tượng và tranh có tính chất tượng trưng hay siêu thực: một cậu bé như có hai mặt nhìn thẳng ra thẳng nhìn nghiêng thì ra bộ mặt nghiêng, cậu ấy đứng như thổi một cây sáo, trong bóng tối mờ mờ có một đoàn quân đi…Ngoài việc gặp Văn Cao ở tiệm trà Phúc Châu, tôi thường đến nhà Văn Cao vào những lúc cuối giờ làm việc, ví dụ như buổi sáng 10h, 10h30 là tôi đạp xe đạp đến đấy rồi. Đến đấy với Văn Cao thì thường uống rượu trắng, Văn Cao ở nhà ít khi pha trà, có sẵn chai rượu ở dưới gầm bàn thì bạn đến là rót ra uống thôi, và hút thuốc lào… Khi nói chuyện tôi kích thích để cho Văn Cao làm việc về thơ, thì Văn Cao hứa: “Được rồi tớ sẽ có, thế nào tớ cũng có ít ra là một bài”. Tôi lại hỏi cho chắc chắn: “Liệu mấy ngày nào? Mấy ngày xong nào?Thôi tớ cứ cho một tuần nhé!” Văn Cao bảo: “Ừ được một tuần tớ có thể xong được ít nhất là một bài, mà nếu hào hứng lên thì có thể có hai, ba bài”. Tôi chốt lại: “Tốt nhất cậu làm ngay đi và ít ra phải có một bài, hẹn đến ngày ấy mình sẽ lấy về vì bài thơ của cậu là bài cuối cùng, có bài của cậu là đưa in được rồi đấy, còn các bài khác thì đủ hết rồi”.
Trong tay tôi lúc ấy đã có ba hay bốn bài thơ ngắn của Lê Đạt, tôi cũng có hai bài. Hai bài của tôi thì một là về tâm trạng của mình với người yêu hay gọi là người vợ, vì hoàn cảnh gì đó người đó cũng ngâm thơ ở đài phát thanh Sài Gòn, mà tôi thì ngâm thơ ở đài phát thanh Hà Nội.Cái tứ của bài thơ đó rõ ràng là hai vợ chồng hoặc là người yêu cùng làm cái việc ngâm thơ cả nhưng ở hai phía đối lập nhau; ở trong ấy thì ngâm những bài thơ sướt mướt ảo não, bi thảm, ngoài này thì những bài thơ sáng lạn và tươi mát, ca ngợi cuộc đời mới cuộc đời cách mạng, cả nội dung và cách ngâm thơ đều khác nhau. Còn một bài nữa là về cải cách ruộng đất. Tôi ca ngợi cải cách ruộng đất ghê lắm, cũng có nhân vật là cô con gái trước kia bị địa chủáp bức, đánh đập, hãm hiếp, bây giờ vùng lên rồi thì tin tưởng cuộc đời của mình sẽ đổi mới, và người mẹ nhìn đứa con gái trong chế độ mới rất sung sướng vì biết là tương lai của nó tốt đẹp. Tôi còn nhớ câu kết:“Cho con gái mẹ/ ngày mai dậy đi cấy đồng mơ/ tối trở về đem theo trong mắt dòng sông Nhị/ in bóng người trai mới hẹn thề”…Tô Vũ thì có một bài nhạc, Lê Đạt thì có hai hay ba bài ngắn. Nhưng cái đinh của tập sách ấy là bài thơ dài “Nhất định thắng” của Trần Dần, in ra khoảng độ 25 trang trong cả quyển sách độ khoảng 50, 60 trang.Sách phát hành ngay trước tết năm 1956. Sau khi phát hành, Trần Thiếu Bảo nói anh không trả nhuận bút nhưng tổ chức một bữa cơm ở Đông Hưng Viên Hàng Buồm thì phải, có mời nhiều anh em đến. Tôi nhớ có Nguyễn Hữu Đang mặc dù Nguyễn Hữu Đang không có bài nào trong sách, có Lê Đạt, có tôi, có anh Phùng Quán, có anh Tô Vũ, tức là người nào có tên, có tác phẩm trong tạp chí đó là có mặt, trừ anh Trần Dần đi cải cách ruộng đất. Mọi người rất vui vì anh Lê Đạt đạt được ý của anh: viết được và xuất bản được mấy bài thơ mà hoàn toàn thi pháp mới, tức là không có vần điệu kiểu lục bát, song thất hoặc tứ tuyệt hoặc là ngôn ngữ hình thức cũ, mà sử dụng những lời nói rất thường ngày như trong bài thơ “Đụng long mạch”, bài thơ “Người công nhân vệ sinh”…
Hoàng Cầm những năm đầu hòa bình (sau 1954)
Bài “Nhất định thắng” của anh Trần Dần thì tuy là anh không có nhà, nhưng cả tôi và Lê Đạt đều có bản đánh máy bài đó. Tôi thấy bài đó nội dung cũng tốt: anh nói về cái buồn trong thời gian tiếp quản Hà Nội gặp thời đói kém, nông dân mất mùa - năm 1955 có đói thật - công nhân nhiều người thất nghiệp, công việc làm ăn thì khó khăn, mình mới tiếp quản làm sao mà quản lí hết được, cho nên có mặt cũng còn hơi u ám của xã hội thì cái đó là cái tất yếu thôi. Hơn nữa, tâm trạng buồn của Trần Dần còn do hoàn cảnh cụ thể của riêng anh lúc bấy giờ, vì vợ anh, chị Khuê, bị người ta nghi ngờ gián điệp gài lại, ngày nào chị cũng đi hỏi việc hết chỗ này đến chỗ khác, người ta cứ bảo chờ, chờ mãi không ai gọi đi làm. Thế nhưng bài thơ vẫn toát lên tinh thần là phải đấu tranh chống Mỹ Diệm, và khẳng định nhất định chúng ta phải thắng, nên mới có đầu đề “Nhất định thắng”.Hơn nữa bài này có tính chất kể chuyện và trường ca, càng đọc thì càng thấy dần dần ở trong tâm trạng của tác giả có sự đấu tranh để lấy lại được thăng bằng trong tinh thần, càng đọc phía dưới dần dần nó lại mở ra, cái buồn hết đi dần dần, anh có những câu như là “Sáng nay nắng lên đỏ phố đỏ nhà - đỏ mọi buồng tim lá phổi”. Thật ra một bản “Nhất định thắng” anh Lê Đạt có gởi cho anh Nguyễn Đình Thi để đăng báo Văn Nghệ số Tết. Lúc bấy giờ anh Nguyễn Đình Thi làm tổng thư ký của hội thì anh có thể đưa đăng và chính anh Thi đã dự định sẽ đăng trên báo Văn Nghệ một đoạn nào đó, nhưng vì “Giai phẩm mùa xuân” đăng toàn bài rồi nên mới thôi…
Lúc bấy ông Tố Hữu đã là trung ương ủy viên phụ trách ban tuyên huấn của Đảng. Độ năm sáu ngày sau khi “Giai phẩm” phát hành, ông Tố Hữu triệu tập ngay một cuộc họp cán bộ tuyên huấn mở rộng toàn miền Bắc từ Vĩnh Linh ra, ở thành phố có các sở văn hóacòn các tỉnh lẻ thì gọi là ty văn hóa, phó giám đốc hoặc là giám đốc đều được triệu tập về họp. Tôi chẳng phải là Đảng viên cũng chẳng phải lãnh đạo sở, chỉ phụ trách nhà xuất bản thôi nên không được dự họp. Sau đó nghe anh Trần Đĩnh ở báo Nhân Dân thuật lại (anh Trần Đĩnh vốn là một trí thức trung thực, anh rất tốt đối với chúng tôi, như bạn thân, chuyện trò với nhau thân mật, anh ấy tuy là Đảng viên làm ở báo Nhân Dân nhưng không bao giờ anh lên gân lên guốc nói chuyện lập trường quan điểm gì hết, toàn nói những chuyện nghiêm chỉnh về văn học nghệ thuật hoặc chuyện tiếu táo đùa vui thôi). Anh có thuật lại buổi họp, ông Tố Hữu khai mạc nói “Trong chúng ta có một số anh em, cũng toàn trong biên chế nhà nước hoặc của Đảng cả mà lại ra một tờ tạp chígọi là “Giai phẩm mùa xuân”, trong đó đăng nhiều bài thì nói chung không có vấn đề gì, nhưng có những bài có vấn đề ví dụ như bài của Trần Dần, bài “Nhất định thắng” thì không khí nó tối tăm có những câu thơ có thể là ngược lại với đường lối văn nghệ của Đảng. Ban tuyên huấn đã có phân phối cho nhiều anh em đọc. Vậy thì vậy hôm nay triệu tập cuộc họp này, chúng ta họp để nhận định về tập sách đó.Thế bây giờ yêu cầu các bạn nào đã đọc “Giai phẩm mùa xuân” rồi thì lần lượt phát biểu ý kiến”. Anh Trần Đĩnh nói người nổ phát súng đầu tiên, không phải phát súng nhỏ mà như một phát đại bác 105 ly, là anh ChếLan Viên. Anh Chế Lan Viên không lên án quyển sách mà lên án một bài thôi, tức là bài “Nhất định thắng”. Theo anh, bài thơ ấy vẽ ra một bức tranh u ám của miền Bắc trong khi chúng ta đang phấn khởi như thế này,nhân dân đang tưng bừng đón một chế độ mới tươi đẹp như thế, mặc dầu nó còn khó khăn nhưng không thể u ám như trong bài thơ “Nhất định thắng”, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, nhất là câu “Tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Màu cờ đỏ là cái gì, rõ ràng nó là màu cờ cách mạng, màu cờ của Đảng, đồng thời cũng là màu cờ của tổ quốc. Như thế là bôi đen, bôi nhọ vào thành tích của Đảng, của nhân dân và của cả dân tộc. Rõ ràng là câu thơ hết sức phản động. Sau ý kiến đầu tiên của anh Chế Lan Viên, tiếp theo đó là cứ ào ào lên đả kích bài “Nhất định thắng” là chính, cũng có một vài ý kiến đá sang bài của Lê Đạt, nói rằng những câu thơ bừa bãi, quá nôm na như nói đùa nói xỏ, chẳng phải ra văn ra thơ gì. Về Hoàng Cầm thì không có gì, chỉ có ý kiến cho rằng mấy bài của Hoàng Cầm thì tính chất lãng mạn cũng cũ kĩ rồi, thế thôi.
Buổi họp đó kéo dài, nghỉ buổi trưa, từ 2h tiếp tục đến 5h chiều mới xong.Khi anh em ra về đã vãn rồi,Trần Đĩnh la cà ở lại xem cuối cùng ý kiến ông Tố Hữu thế nào. Lúc ấy còn ông Tố Hữu và anh Văn Phác, trưởng phòng văn nghệ quân đội với hàm trung tá, và một vài anh ở trong quân đội như anh Vũ Tú Nam, Vũ Cao… Trần Đĩnh có nghe thấy ông Tố Hữu hỏi Văn Phác: “Thế bây giờ chúng nó đâu? (ý nói Trần Dần và nhạc sĩ Tử Phác, cả hai đều ở Văn nghệ quân đội)” . Ông hỏi không có gì gay gắt cả, mà nhỏ nhẹ, vì anh Tố Hữu suốt đời nhỏ nhẹ, suốt đời anh với cái giọng Huế nhiều khi có vẻ dịu dàng, trìu mến nữa. “Thế bây giờ chúng nó đâu?” thì Văn Phác trả lời: “Báo cáo anh là hai anh ấy đi cải cách ruộng đất ở bên huyện Gia Lâm”. Thế là anh Tố Hữu nói một câu cũng nhỏ nhẹ thôi chứ không có gì là gay go hoặc là quyết liệt cả. Anh Trần Đĩnh nói “tôi chỉ nghe đúng sáu tiếng “Gọi nó về giam nó lại”. Thực ra Tử Phác cũng bị lây thôi, trong “Giai phẩm mùa Xuân” anh chỉ có một bài viết có tính chất nghiên cứu về dân ca quan họ hay một bài về Chopin. Thế thì tại sao anh cũng bị bắt?Là bởi anh có dính vào cái chuyện đấu tranh của Trần Dần, trong đó anh Tử Phác cũng vai trò quan trọng. Vậy là chính anh Tử Phác cũng bị giam hai tháng trong phòng làm việc ở Cửa Đông để viết kiểm điểm rồi tự kiểm thảo.
Việc phê phán “Nhất định thắng” của anh Trần Dần theo lối chỉ trích ra một câu rồi đánh giá cả bài, đó là lối tầm chương trích cú, quá lạc hậu rồi, nói về mặt nghệ thuật thì quá lạc hậu. Phải đọc toàn bài độ 25 trang giấy, 25 trang mà trích ra một câu “chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” bảo là phản động… Nhưng thực ra vấn đề chính là ở chỗ vai trò của Trần Dần là vai trò chính trong cuộc đấu tranh cho văn nghệ sĩ có một cuộc sống thoải mái, có được tự do tư tưởng, có được tự do sáng tác. Tôi nghĩ cuộc đấu tranh đó là đúng, có lẽ một vài cách thức của anh Trần Dần có thểlàm cho người ta khó chịu hoặc những câu nói của anh, nói ngắn nói gọn, đại khái như là “trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ” chẳng hạn, mới nghe có vẻ như quá ư tự do hoặc đi ngược lại với đường lối của Đảng, Đảng phải lãnh đạo văn nghệ, lãnh đạo chính trị, lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo tất, Đảng lãnh đạo toàn quyền và toàn bộ một xã hội, một dân tộc, một đất nước mà!
“Giai phẩm mùa Xuân” ra rồi thì các báo chính thức của Đảng ví dụ báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ, kể cả báo Cứu Quốc đều có những bài phê phán nặng nề. Chúng tôi thì không được phép đáp lại, đáp lại thì cũng chả ai đăng cả. Thế thì thôi, tôi nghĩ mọi việc rồi cũng qua đi thôi… Sang đến năm 1956, thì mọi tình hình từ thế giới đến trong nước có những biến chuyển quan trọng (Đại hội XX Đảng CS Liên Xô chống sùng bái cá nhân, phong trào “Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng” ở Trung Quốc…)
Bìa Giai phẩm mùa Xuân và Giai phẩm mùa Đông
Tham khảo:
Tháng 1 năm 1956, tạp chí Giai phẩm mùa Xuân ra mắt với sự tham gia của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Sáng, Phùng Quán, Sỹ Ngọc, Tô Vũ, Trần Dần, Tử Phác và Văn Cao. Ngay lập tức tờ tạp chí bị tịch thu. Đầu tháng 10.1956, Giai phẩm mùa Xuân được tái bản và cùng với các số Giai phẩm mùa Thu tập I, Giai phẩm mùa Thu tập II, Giai phẩm mùa Đông và 5 số báo Nhân văn làm nên phần nội dung căn bản của phong trào Nhân văn-Giai phẩm 1956. Kỉ niệm 50 năm phong trào này, talawas sẽ lần lượt đăng tải trọn vẹn 4 số tạp chí và 5 số báo nói trên.
talawas
Lời nói đầu của nhà xuất bản
Tập Giai phẩm mùa Xuân xuất bản đầu năm nay không kịp đến tay bạn đọc – từ đó đến nay, những sự kiện về phong trào tự do tư tưởng, tự do sáng tác đã dồn dập xẩy ra chung quanh tập sách đó.
Theo ý chúng tôi, vấn đề chính cần thảo luận hiện nay là vấn đề tự do sáng tác, trong đó có những câu hỏi cần nêu lên:
Quyền hạn người làm văn nghệ được biểu hiện thực tế đến mức độ nào? Người làm văn nghệ cần trung thành với thực tế như thế nào?Trách nhiệm của người làm văn nghệ trước Đảng, trước nhân dân thế nào?Văn nghệ phục vụ chính trị ra sao?
Chúng tôi tin chắc rằng rồi đây, các bạn văn nghệ sĩ và những người quan tâm nghiên cứu các vấn đề của văn học nghệ thuật sẽ thảo luận để thống nhất với nhau về đường lối, đồng thời sẽ nảy ra nhiều quan niệm, nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, đẩy mạnh phong trào trăm hoa đua nở.
Vì lẽ đó, chúng tôi cho in lại tập sáng tác này, để các bạn đọc cùng nghiên cứu góp phần xây dựng cho phong trào.
Mục lục
Lê Đạt | Làm thơ |
Hoàng Cầm | Mùa xuân đến rồi đây |
Văn Cao | Anh có nghe thấy không |
Trần Dần | Nhất định thắng |
Phùng Quán | Thi sĩ và công nhân |
Lê Đạt | Mới - Gửi Vũ |
Nguyễn Sáng | Hoa đào vẫn nở |
Hoàng Cầm | Thơ qua đài phát thanh |
Lê Đạt | Mỗi ngày mỗi lớn - Gửi kế hoạch nhà nước 1956 |
Sỹ Ngọc | Sổ tay |
Trần Dần | Lão Rồng |
GIAI PHẨM MÙA XUÂN RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
14:35
Rating:
Không có nhận xét nào: