Hà Huy Sơn
Quyền lợi ở trong bài viết này được hiểu là quyền con người, quyền công dân. Trong đó, quyền con người là rộng lớn hơn và nó bao gồm quyền công dân. Trong một trường hợp cá biệt, một người chiểu theo pháp luật hiện hành họ có thể bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn quyền công dân nhưng họ không bao giờ mất những quyền còn lại của quyền con người. Điều này có thể hiểu đó cũng là khái niệm nhân đạo.
Sự phân định những quyền nào là quyền con người, những quyền nào là quyền công dân theo quy định của hiến pháp và luật là một đề tài rất cần xã hội quan tâm, bàn luận. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng xã hội dân chủ như thế nào dưới góc độ nhận thức của cá nhân để mong nhận được chia sẻ cùng những người quan tâm.
Nói đến mục tiêu xã hội dân chủ thì luôn là một khái niệm tương đối không có điểm dừng. Đối lập với dân chủ hay tính dân chủ là độc tài hay tính độc tài. Thay đổi một xã hội độc tài hay có tính độc tài để đạt tới một xã hội dân chủ hoặc có tính dân chủ là xu thế khách quan. Không bao giờ vô ích làm điều lộn ngược là thay chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác hoặc bằng một xã hội vô chính phủ.
Trong lịch sử nhân loại đã có nhiều con đường dẫn đến dân chủ, nhưng chung quy lại là con đường bạo lực hay bất bạo lực. Tất nhiên không có bạo lực tuyệt đối hay bất bạo lực tuyệt đối. Nhưng tôi cho rằng thay đổi bằng phương pháp bất bạo lực thì một xã hội mới được hình thành sẽ nhanh chóng ổn định hơn, bền vững hơn.
Chế độ nào thì cũng có luật pháp được ban hành, chưa cần nói đến các hệ thống luật pháp đó công bằng, văn minh hay tiến bộ như thế nào. Chế độ nào cũng nhân danh pháp luật để chế tài người dân.
Đặc trưng của chế độ độc tài là không coi pháp luật là thượng tôn và hậu quả của nó là chính người dân cũng có ý thức rất kém trong việc sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong thực tế đã thường xảy ra những mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và các nhóm lợi ích thì các bên đều hành động bất chấp pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Phía người dân hầu hết là tự phát không có tổ chức, không có hậu cần nên kết cục thường rơi vào bi kịch là dân đang người từ nạn nhân trở thành tội nhân. Vì họ do hiểu biết có hạn nên đã mắc vào lưới “pháp luật”. Phía nhóm lợi ích thì dùng sức mạnh của đồng tiền để mua quyền lực; sai khiến những dân nghèo khác, không nghề nghiệp, tiền án, tiền sự – thường gọi là côn đồ, xã hội đen – để hành hung, truy sát người dân. Và cuối cùng vẫn là những người nghèo bị mất tài sản, bị đổ máu, tàn sát lẫn nhau. Cứ như vậy, xã hội sẽ không ổn định, không phát triển được; hận thù them chồng chất trong xã hội. Xã hội không thoát khỏi độc tài hoặc lại dẫn đến một xã hội vô chính phủ.
Vì vậy, người dân cần phải dựa vào pháp luật để tổ chức, đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi của mình một cách hợp pháp cho dù pháp luật luôn là ý chí của giai cấp thống trị. Bằng thực tiễn như vậy, người dân sẽ tập cho mình ý thức thượng tôn pháp luật để trở thành công dân trong một xã hội dân chủ tương lai. Và như vậy thế lực độc tài, tính độc tài cũng sẽ bị triệt tiêu bởi chính hệ thống pháp luật đã được xưng tuyên.
Đất nước Việt Nam, dân tộc tộc Việt Nam đã chịu hậu quả quá đủ bởi đấu tranh bạo lực. Xã hội là đa số. Nếu buộc phải lựa chọn giữa độc tài hoặc bằng bạo lực để có dân chủ thì đa số sẽ không muốn chọn bạo lực. Để độc tài là đêm trước của xã hội dân chủ bằng không bạo lực thì người dân cần phải bắt đầu từ việc đòi quyền lợi một cách hợp pháp và coi đây chính là lớp học cho toàn xã hội.
Hà Nội, 05/02/2015
H. H. S.
Không có nhận xét nào: