NGƯỜI ANH HÙNG VỪA RA ĐI[i]

Nguyên Ngọc

Tôi quen anh Bùi Ngọc Tấn nhiều là từ khi đọc bản thảo “Mộng du”, tên ban đầu của “Chuyện kể năm 2000”, anh Tấn từ Hải Phòng gửi lên dự cuộc thi tiểu thuyết do nhà xuất bản Hà Nội tổ chức. Chị Hoàng Ngọc Hà giám đốc nhà xuất bản nhờ tôi đọc, đọc xong tôi nói với chị: nếu được làm trưởng ban giám khảo tôi sẽ xin trao ngay giải nhất cuốn này không chút đắn đo … Chuyện kể năm 2000 có số phận của những tác phẩm lớn, nó thuộc những cuốn sách như một danh ngôn đã nói: Các bản thảo là thứ không cháy (Les manuscrits ne se brûlent pas). Long đong, mà không, không thể chết. Nó không được giải thưởng, sách cũng không được in, dù chị Hà biết rõ giá trị lớn của nó. Phải đợi đến mấy năm sau mới có một người làm biên tập dám đánh đổi cả sự nghiệp và điều ở ta thường được gọi là “sinh mệnh chính trị” của mình để trang trọng đưa nó ra đời, cho nhân dân, cho đất nước, cho con người: anh Bùi Văn Ngợi ở nhà xuất bản Thanh Niên. Anh Ngợi bị kỷ luật, phải về hưu sớm. Và một vị bộ trưởng, khốn thay, từng là nhà thơ có tiếng, đã cho xử tử ngay Chuyện kể năm 2000. Cuốn sách vừa ra lò bị đem xay thành bột. Nhưng, danh ngôn kia là chân lý, mà hết lứa này đến lứa khác những người cầm quyền tư tưởng không chịu, không thể hiểu: bản thảo là thứ đốt không cháy, nghiền không nát. Như trong một truyện thần kỳ, bằng nhiều cách nó đến tay và được hàng triệu người Việt Nam đọc.

Rồi nó đi vòng ra thế giới, trong bản dịch tiếng Pháp nó có tên là Conte pour les siècles à venir, Chuyện kể cho các thế kỷ mai sau. Vậy đó, không thể băm vụn nó trong không gian, cũng không thể hỏa thiêu nó trong thời gian. Rất đơn giản: vì nó chứa tư tưởng, là thứ không thể diệt, là thứ mà các các triều đại liên tục không sao thoát khỏi được căn bệnh u mê tin có thể hạ sát bằng bạo lực. Càng không thể đánh bại được vì đây là sức mạnh của tư tưởng về lòng nhân từ. Cuốn sách của anh Tấn nói về một sự kỳ lạ đến tưởng khó tin: sức mạnh bất tử của lòng nhân từ. Chiến thắng của lòng nhân từ trước mọi bạo lực và nham hiểm. Tôi nói điều này mà không sợ quá sai: Bùi Ngọc Tấn có lẽ là nhà văn nhân từ nhất từng có ở ta. Hiền hậu, khiêm nhường, trữ tình, đến ngây thơ. Yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên, đất trời, cây cỏ… đến ngây dại. Hóm hỉnh, nhẹ nhàng, thong dong, từ tốn đến hơi vụng về và chậm chạp … Nhưng cũng là người dũng cảm nhất trong những người cầm bút chúng tôi. Một dũng khí phi thường trước cái ác cùng mọi sáng tạo nham hiểm nhất của nó.

Bùi Ngọc Tấn kể chuyện một người bị bắt và bị tù oan, vì những chuyện ở đâu đâu, hẳn là chuyện người ta đấu đá tranh giành nhau ở tận đâu đó trên cung đình xa tít kia chẳng dính dáng gì đến anh, anh là một con tốt vô danh trên một bàn cờ xấu xa bẩn thỉu, bị tù mà chẳng hề có án gì hết, cũng tức là có thể vô tận, như đột nhiên bị rơi vào khoảng không mịt mù về cả không gian lẫn thời gian. Cái nhà tù kiểu Kafka đó lại có chỗ khác Kafka, nó có một mục tiêu rất rõ ràng: đánh bại con người, hạ nhục con người đến tận cùng, quá cả sự tận cùng nữa, cho đến chỗ không thể, không còn là con người, cho đến chỗ cái con từng là con người kia mất đi cho kỳ hết chất người, chỉ còn hoàn toàn là con vật. Sạch sành sanh nhân tính, sạch sành sanh nhân cách, nhầy nhụa như con vật. Tôi cho rằng một trong những kỳ tích văn học, văn hóa lớn lao của Chuyện kể năm 2000 là nó đã chỉ ra, một cách hết sức cụ thể, vô cùng sống động và đáng sợ, cái mục tiêu sâu thăm thẳm và đen ngòm của những thế lực chủ trương kiểu nhà tù của một ý thức hệ đồi bại và tàn phá đó. Bùi Ngọc Tấn nói rằng cái đó đang có, ở đây. Một phát hiện cảnh báo và dũng cảm.

Có một câu hỏi: vì sao bọn họ lại làm như thế? Hình như Jean Paul Sartre, trong tác phẩm lý luận đặc sắc Văn học là gì? đã có lần trả lời khi nói về tra tấn của bọn đầu hàng trong thời phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp. Ông bảo đấy là bọn đã sa xuống hàng thú vật, nên chúng vô cùng căm ghét những ai còn là người. Chúng căm thù nhân cách của con người. Tao đã thành thú vật sao mày còn là người?

Câu chuyện Bùi Ngọc Tấn kể cho các thế kỷ mai sau là một câu chuyện như thế đó. Từ tốn, nhỏ nhẹ, không chút hằn học, hận thù, anh kể chuyện một con người, chuyện những con người, bị đày đọa đến tận cùng, đã uống đến cặn đáy của khổ đau, vẫn từng ngày, từng phút, từng giây giữ chắc phẩm giá của con người. Sự bình tĩnh, nhân hậu của ngòi bút anh cho thấy đức dũng cảm ở con người của anh cao cả biết dường nào. Để cho ta, cho mỗi chúng ta, cho con người mãi mãi mai sau hiểu và tin rằng không gì đánh bại được con người. Vậy đó, lạ thay, tác phẩm để đời của Bùi Ngọc Tấn, cuốn sách của khổ đau cùng cực, lại là cuốn sách của niềm tin. Niềm tin vĩ đại ở con người. Là bản tráng ca về con người bất tử. Bản anh hùng ca về phẩm giá không thể nghiền nát của con người.

Chỉ con người có lòng nhân hậu mênh mông mới có được lòng dũng cảm phi thường đó.

Vâng, Bùi Ngọc Tấn, một người anh hùng như vậy vừa ra đi.

Cách đây hơn hai tháng, ngay 4 tháng 10, tôi nhận được bức thư này của anh Tấn, hóa ra là bức thư cuối cùng:

Tôi đã về Hải Phòng được 1 tháng rồi. Ít ngủ lắm anh ạ.

Ngày mai, thành đoàn Thanh Niên Hà Nội mời tôi lên họp mặt kỷ niệm 60 năm tiếp quản Thủ Đô, đã định đi, một bạn đọc, anh Cư ( người đã gặp anh, đã in CKN2000 thật đẹp để tôi tặng) cho một chuyến xe về HN mà rồi không đi được vì sức khỏe.

……

Quyển Các bạn tôi trên ấy của anh còn đang phiêu bạt, không biết bao giờ mới trở về với tôi. Trông anh trong bức ảnh yêu quá đấy. Cuộc đời qua thật nhanh, nghĩ cũng tiếc là mình chưa sống cho mình được bao nhiêu. Tôi sẽ cố cầm cự với khôi u này một ít thời gian vì còn mấy việc lặt vặt nữa phải làm.

Tết này, mong lại được đón các anh …

Anh Tấn ạ, lỡ hẹn mất rồi, Tết này không còn được gặp lại nhau.

Bùi Ngọc Tấn là một tài năng văn học lớn. Một trong những đặc điểm của tài năng nghệ thuật là nó luôn đơn nhất, không có hai, không lặp lại. “Mấy việc lặt vặt nữa” anh Tấn bảo anh phải cố cầm cự với khối u để làm là những gì, không còn ai có thể biết.

Không đâu, dẫu cố an ủi nhau trước nổi đau hôm nay, ta cũng không thể biết ta đã mất gì khi Bùi Ngọc Tấn ra đi, mãi mãi, mãi mãi …

Ảnh: Hai ông già Nguyên – Bùi “bàn mưu” làm “văn học đích thực?”


[i] Bài in trên Người Đô Thị số Xuân không đầy đủ, đây là bản đầy đủ do tác giả gửi cho Văn Việt

NGƯỜI ANH HÙNG VỪA RA ĐI[i] NGƯỜI ANH HÙNG VỪA RA ĐI[i] Reviewed by Phạm Thu Hương on 13:22 Rating: 5

Không có nhận xét nào: