Nguyễn Minh Châu - mảnh trăng cuối trời

Trần Đồng Minh

T_ MinhLúc buồn tôi thường hay nhớ người bạn vong niên, nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930- 1989). Buồn dễ nhớ đến ông vì sinh thời khuôn mặt Nguyễn Minh Châu trông cứ khắc khổ, nhầu nhĩ thế nào ấy. Dần dần tôi hiểu ra ông hay buồn, lo cho kiếp người, lẽ đời, cho nghiệp cầm bút. Ông lo buồn cho thói quen “rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó”. (Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 5, tr.118, Nxb. Văn Học). Ông nung nấu tâm sự: “Bây giờ đi đâu, tôi cứ muốn né né tránh tránh đi. Không muốn giơ mặt ra làm gì”. Và: “Buồn cũng phải nói. Thà làm cho người ta buồn, hơn là cho người ta vui một cách giả tạo” (Trò chuyện với Nguyễn Minh Châu - Vương Trí Nhàn). Có những lúc đến nhà riêng thăm ông, thấy ông ngồi “đóng đinh vào ghế” nơi bàn viết, đăm đắm nhìn bức tường hẹp trước mặt, tôi cảm tưởng Nguyễn Minh Châu đã “thập niên diện bích” bóng in hằn trên tường như cổ nhân ở phương Đông, lại có vẻ như đang muốn làm “người đi xuyên tường” như trong truyện của phương Tây. Cảm giác là trong đời và trong văn không mấy khi Nguyễn Minh Châu cười dù ông chẳng thiếu óc hài hước, vui đời. Về điểm này có lẽ ông giống nhà văn Nam Cao - nhà văn mà ông hằng yêu quý. Nguyễn Minh Châu tương tự các cây bút tâm huyết, trách nhiệm cao với nghiệp sáng tác, không thể sống và viết một cách nông nổi, hời hợt, điệu đà. Hầu hết các truyện của ông đều “gieo vấn đề”, hoặc “có vấn đề” như cách người ta thường nói. Tiểu luận phê bình của ông càng hay “có vấn đề” và đã từng gây sóng gió trong đời văn Nguyễn Minh Châu. “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. (Trang giấy trước đèn. Nxb Khoa học Xã hội - 2002) quả là xôn xao một thời. Bài viết mang tâm huyết một nhà văn trung thực, biết tôn trọng trang giấy và cây bút, tôn trọng “nhân dân đầy trầm tĩnh và kỳ tài” - chữ của Nguyễn Minh Châu. Ngay cả truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đẹp như một thi phẩm trữ tình, như một ánh trăng lãng mạn của thời đại mới, từng được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông, cũng không thuần chỉ toát lên chất thơ và cảm xúc dịu ngọt nhẹ nhàng.

Đồng thời với chủ đề khẳng định bom đạn tàn bạo của kẻ thù có thể đánh sập những công trình vật chất kiên cố như chiếc cầu đá xanh nhưng không thể làm đứt được “cái sợi chỉ xanh óng ánh của tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống” trong tâm hồn chúng ta, Nguyễn Minh Châu đã đặt vào trong tác phẩm ấy ít nhất là ba vấn đề rất đời, rất thú vị. Thứ nhất là cái đẹp của tình cảm, tình yêu, của dung mạo, của lòng dũng cảm; nghĩa là vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp nội tâm con người - ngay cả những người bình thường, vẫn luôn hiện hữu bên ta. Chỉ một chút vô tâm, một chút sao nhãng, một chút khó tính là ta không nhận ra, có khi bỏ qua một cách đáng tiếc. Thứ hai là đừng xem nhẹ phụ nữ, đừng khó tính khó nết, đừng vội đánh giá, suy nghĩ không tốt về người khác. Thứ ba: Trong thời chiến, trong hoàn cảnh đặc biệt hoặc ác liệt có thể làm ta gặp trắc trở, lỡ cơ hội, khó toại nguyện, nhưng cần biết bền bỉ, tin tưởng ở tình cảm, tình yêu con người. Rồi trong tiểu thuyết Dấu chân người lính dày hơn 500 trang, nhà văn quân đội này cũng ngầm nêu vấn đề ở cuối truyện rằng chuyện vẫn chưa thật kết thúc, vẫn còn là một ẩn số. Người đọc thích các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu cũng là vì thế. Bao nhiêu lần tôi dán mắt vào những dòng chữ của các truyện Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát… càng đọc càng ngẫm ngợi thêm nhiều ý tưởng mới, vấn đề mới. Truyện ngắn Bến quê có vẻ đơn giản tưởng như chẳng nói gì mới lạ cả nhưng thật ra cái câu chuyện đượm vị buồn của nhân vật Nhĩ bệnh trọng, đau nhức, sắp rời cõi thế, chỉ còn ở trong căn phòng hẹp bên bờ sông Hồng mà nhìn đời qua cửa sổ ấy mang một lời nhắc nhở, kêu gọi vô cùng cấp bách khẩn thiết là hãy khẩn trương đi sang bờ bến mới. Phải nhanh chân lên mau lẹ rời cái bờ bến cũ rất quen thuộc, thân thiết đã và đang xói lở này. Đừng để “trễ mất chuyến đò” cuối trong ngày đưa sang bãi bồi bờ bên kia tiềm ẩn sự giàu có và vẻ đẹp.

Tác giả Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừngcòn để lại nhiều trang bản thảo, sổ tay ghi chép. Những di cảo quý này chị Doanh - người bạn đời của nhà văn - đang lưu giữ. Chị cho biết có điều kiện thuận lợi sẽ dần dần đưa di cảo của anh Châu ra mắt bạn đọc. Chị Doanh cũng sưu tập cẩn thận những bài mà các nhà phê bình văn học, các bạn bè gần xa viết về nhà văn Nguyễn Minh Châu. Một tập sách bao gồm những trang viết ấy được ra đời, đó là tâm nguyện tha thiết của bạn đời và bạn đọc yêu mến con người, cây bút tài năng, tâm huyết Nguyễn Minh Châu.

Cảm phục người cầm bút một đời mặc áo lính dám “bước khỏi lối mòn”, nhà thơ Ý Nhi đã viết bài thơ Nhà văn Nguyễn Minh Châu với những lời thật kiệm và hay:

nmc1Tự thức tỉnh

Điều chỉ có nơi một lương tâm trong sạch

Tự bước khỏi lối mòn

(cái lối mòn từng dẫn tới vinh quang)

Điều chỉ xảy ra với một tài năng

Bừng sáng

giữa bao nhiêu ràng buộc tối tăm

Bừng sáng

Giữa bao nhiêu hiềm khích

Bừng sáng

Gương mặt người kêu gọi.

Nghĩ tới Nguyễn Minh Châu, tôi cứ nghĩ đến hình ảnh mảnh trăng cuối trời. Nhà văn như một mảnh trăng treo cuối trời, khi sáng khi mờ, lúc hiện lúc ẩn nhưng luôn vẫn in dấu, in ánh không phai trong con mắt và tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc thân yêu.

Nguyễn Minh Châu - mảnh trăng cuối trời Nguyễn Minh Châu - mảnh trăng cuối trời Reviewed by Phạm Thu Hương on 14:35 Rating: 5

Không có nhận xét nào: