(Trích tự truyện: “Vòng kim cô”… vô hình…)
Phạm Viết Đào
28/10/ 2013 mình nhận được Kết luận Điều tra do Cơ quan Anh ninh Điều tra Hà Nội đưa vào trại giao cho mình và yêu cầu ký nhận; bản Kết luận Điều tra hoàn thành trước chục ngày khi hết hạn tạm giam của mình, 2 lệnh tạm giam tổng cộng 5 tháng.
Về buồng giam, một bạn tù ở cùng buồng đã có “thâm niên”gần 3 năm mà chưa thành án, xem xong bản kết luận điều tra của mình hắn liền bảo: Thế này là nhẹ nhàng rồi; đợi thêm khoảng 1 tháng sẽ có cáo trạng theo thông lệ như các vụ án khác. Hắn ta nhẩm tính cho mình: Cuối tháng 11 chắc sẽ có cáo trạng, với loại “án mì tôm” này, xong cáo trạng vào cuối tháng 1/2014 toà sẽ xử và đọc kết luận điều tra thấy có khả năng mình sẽ được xử bằng án mà ra trước tết ta… Tù nhân vẫn gọi loại án dăm ba năm là loại “án mì tôm”…
Bạn tù ở cùng buồng với mình đã bị tạm giam ở đây 3 năm, hắn từng chứng kiến hàng chục bạn tù vào ra cái phòng số 12 khu C này, hắn nói; hắn đã lê la khắp các xó xỉnh ở khu C. này, buồng 12 này là buồng hắn trụ lại lâu nhất. Quản giáo đã nhẵn mặt hắn; nhắc đến hắn ai cũng biết. Ở lâu, thậm chí hắn còn quen thuộc tiếng bước chân quản giáo, chỉ nghe tiếng dép loẹt quẹt ngoài hành lang là hắn biết quản giáo nào sắp vào.
Ba năm tạm giam mà chưa thành án, môi trường đã tạo thêm cho hắn những phản xạ có điều kiện. Hắn có kinh nghiệm: hễ quạt đang chạy mà tự dưng tắt là có chuyện: đó là lúc quản giáo đi rình, bắt lỗi tù nhân vì tắt quạt để nghe rõ tù trong buồng nói với nhau những chuyện gì. Buồng giam khu C là hai dãy buồng đấu lưng với nhau, phía giữa hai dãy là khoảng hành lang trống để quản giáo đi phía sau 2 dãy buồng giam quan sát, nghe ngóng xem trong buồng tù nói với nhau những điều gì, có động tĩnh gì. Những chiếc quạt như những cái cối xay lúa, đặt ngoài hành lang, ba buồng mới được bố trí một cái quạt thổi thốc vào để có tí gió đẩy không khí oi nồng trong buồng giam ra ngoài.
Hắn còn nghe và phân biệt được tiếng lạch cạch mở cửa sắt ở hè buồng giam là hắn nhận ra ai mở; đâu là cú mở để đưa tù đi cung; đâu là cú mở khoá để quản giáo đi rình tù xem có hành vi vi phạm; đâu là cú mở khoá đưa tù nhân mới vào…
Mỗi lần nghe tiếng mở khoá biết có quản giáo đi rình, bắt lỗi tù vi phạm, hắn nháy mình và mình cùng hắn leo tót lên “mà” (bục bê tông làm giường cho tù nhân) ngồi thu lu nhìn ra cửa gió để xem quản giáo vào giở trò gì với tù…
Đặc biệt, tài nhất là việc hắn còn nhận ra, phân biệt ra được tiếc mở khoá của buồng đặt máy bơm nước; mỗi khi nghe tiếng lạch cạch của buồng đặt máy bơm nước, hắn bảo sắp có nước thì quả nhiên vài phút sau vòi nước buồng giam chảy. Còn mình mới vào thì nghe tiếng mở khoá nào cũng giống tiếng mở khoá nào, tiếng sắt va lạch cạch, lạnh, sắc như nhau…
Hắn cho biết, ở ngoài xã hội hắn nặng 90 kg, vào đây ba năm hắn còn 75 kg, hao mất 15 kg nhưng hắn bảo hắn có thể chịu được cơm tù, canh trại lâu dài mà không cần gia đình tiếp tế. Hàng ngày, quan sát nết ăn nết ngủ của hắn mà mình thèm; cái gì hắn cũng ăn được ngon lành, kể cả thịt đã ôi chua ra rồi hắn ăn vào cũng không bị làm sao. Hắn kể: Có lần có người nhà bạn cùng buồng gửi vào cho khoảng 5 kg thịt chó, có 4 thằng chén bay cả 4 kg vì lâu ngày không được ăn thịt chó. Thịt đưa vào từ sáng, tối quản giáo mới xách vào cho, thịt đã có phần ôi. Ăn xong cả 3 thằng thay nhau ôm buồng vệ sinh, cả 3 thằng đều đi té re bằng hết, riêng hắn thì không bị làm sao. Ở tù lâu, mọi chi tiết trên người hắn bị “nhiễm tù” và nhuyễn sinh hoạt tù như một thứ đồng hồ sinh học. Hàng ngày hắn không những ăn ngủ đúng giờ mà đi vệ sinh nặng nhẹ cũng rất đúng giờ. Hắn quy định: Trong buồng này khi hắn dậy rồi thì mọi sinh hoạt mọi tù khác đều phải sau hắn: từ vệ sinh, tắm giặt, đánh răng, rửa mặt, đứa nào qua mặt hắn, làm trước hắn lập tức hắn gầm lên. Mới đầu mình không biết nên đã“phạm quy” bị hắn mắng cho té tát; mình lớn tuổi nên hắn không nỡ vả mình, những tù khác không biết ý hắn thường bị hắn cho ăn vả…
Ở với hắn mình khiếp nhất là chuyện ngày hắn xuất tinh hai lần; hắn khoe hắn đã “cắm phích” 13-14 bạn tù. Có bạn tù do ăn uống không hợp phải dăm ngày mới vệ sinh nặng được một lần, về buồng này ở với hắn tự nhiên “thông đái, ngon cơm”; khi chuyển sang buồng giam khác còn tranh thủ chiêu đãi hắn thêm một phát và rối rít cảm ơn hắn. Nghe hắn kể mình thấy gai hết cả người, không biết thực hay hư… Về chuyện của hắn sẽ có dịp kể sau…
Còn nhớ ngày đầu tiên vào buồng, hắn đã phủ đầu mình: “Đệ” vào buồng 12 này là là đệ gặp may đấy, “chuột sa chĩnh gạo”; tại buồng này ba năm “huynh” ở đây thường chứng kiến ở cái phòng này mỗi khi ra toà thường ra đôi, và cũng thường chịu mức án nhẹ… Rất có khả năng huynh cũng sắp đi xử và cả hai cùng bằng án và về trước tết.
Hắn sinh năm 1970, kém mình gần 20 chục tuổi nhưng ngày đầu tiên vào buống hắn đã quán triệt với mình: Ở trong tù khác ngoài xã hội; ngoài xã hội theo luật xã hội còn vào tù phải theo “luật tù”. Trong tù có 2 loại luật: Luật do trại, quản giáo quy định và luật do tù quy ước với nhau; trong tù ai phạm luật thì hãy coi chừng vì xã hội tù không giống xã hội bên ngoài… Châm chước cho “đệ” lớn tuổi rồi, ngày đầu vào không phải “học luật”. Ngoài đời ông là gì, chức phận gì là chuyện của ông, tôi không cần biết, còn vào đây ông cũng chỉ là thằng tù với nhau; những thằng tù vào sau phải gọi những thằng vào trước là “huynh” hoặc “đại ca” và xưng “đệ” rõ chưa…
Hắn bị bắt, bị giam do xác nhận vào một bộ hồ sơ địa chính khống và giả về mua bán đất đai tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Bị bắt, hắn chỉ nhận tội: Thiếu tinh thần trách nhiệm nhưng chưa gây hậu quả gì cho nhà nước, xã hội; cái phi vụ mua bán đất chưa hoàn thành, sổ đỏ cấp sai đã thu về, do đó hắn chỉ nhận mức xử kỷ luật hành chính vì hắn chỉ là một khâu xác nhận ban đầu, hắn không phải là pháp nhân có quyền ký tên, đóng dấu. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát không nghe vẫn kết cho hắn tội làm hồ sơ giả với mức án từ 3 tới 7 năm về cái hành vi của hắn.
Vào tù mình mới ngộ ra được nhiều thuật ngữ, khái niệm pháp lý: Có những người tù bị án phạt bởi hành vi của anh ta gây ra hậu quả xấu, thiệt hại cho xã hội và có những người tù bị xử phạt vì tính chất nghiêm trọng của hành vi, tuy hành vi đó chưa gây ra hậu quả gì nhưng người ta cần răn đe, cần ngăn cấm loại hành vi này nên người ta xử phạt nặng: tù nhầm hơn bỏ sót…
Sau này, mình chứng kiến vụ một cậu bé lớp 12 ở cùng buồng giam với mình, quê ở Chương Mỹ, chỉ vì mượn xe đạp điện của chị họ đem đi cắm, chiếc xe đạp điện trị giá 6 triệu, cậu cắm được 2 triệu. Chị họ làm đơn tố cáo với công an, mặc dù bố mẹ cậu ta đã đem tiền chuộc cái xe đạp điện ấy về, coi như hậu quả đã được khắc phục, người chị họ đã xin rút đơn, xin miễn tố, bãi nại, nhưng cậu vẫn bị kết án 9 tháng tù về “hành vi” chiếm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản người khác.
Một cậu làm phiên dịch cho một công ty du lịch; đi chơi với người yêu, mượn của bạn ở cùng phòng trọ chiếc máy ảnh lúc cậu này không có nhà. Khi cậu bạn về thấy không còn máy ảnh gọi điện hỏi, cậu trả lời đùa là không cầm, cậu này liền đi báo công an, chiếc máy ảnh trị giá 2,6 triệu đồng. Khi cậu này về trả lại máy ảnh cho bạn cùng phòng, coi như không hề có chuyện trộm cắp; thế nhưng vụ việc khi đã vào tay công an này rồi thì phải thụ lý và phải ra toà. Kết cục cậu phải chịu mức án 9 tháng tù, bị xử về hành vi lạm dụng tín nhiệm…
Còn cậu bạn hiện tại ở cùng buồng với mình đã 3 lần ra toà nhưng hắn không nhận tội, hắn thuê tới 4 luật sư để cãi, chứng minh hắn không phạm tội làm hồ sơ giả. Hắn cãi có lý, luật sư đưa ra bằng chứng hiển nhiên nên Thẩm phán phải hoãn phiên xử, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung…
Hắn cho biết do hắn không nhận tội và hắn cũng không chịu chạy tiền các cơ quan pháp luật, luật sư của hắn cũng chống án quyết liệt, nên hắn cứ phải nằm trại tạm giam, vào thời điểm mình đến đã gần 3 năm. Hắn cho biết: Có thời gian gần năm trời hắn nằm trong buồng giam mà không ai vào hỏi hắn một câu… Chống cơ quan pháp luật quyết liệt thì nằm đấy. Tù là thế đấy!
Đối với tù, giai đoạn tạm giam là giai đoạn khủng khiếp nhất, cực hình nhất vì phải ngồi bó gối trong buồng quanh năm suốt tháng. Do vậy mà mỗi lần tù được đi cung thì giống như ngoài xã hội được đi du lịch, được đi phép, được đi nghỉ mát; bởi vì đó là cơ hội được ra ngoài hít thở một ít không khí xã hội. Còn nếu không đi cung thì chỉ còn việc nằm, ngồi chết dí trong buồng giam khoảng 7 m2, thường nhốt 5-6 tù nhân, mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, tắm giặt, vệ sinh nặng, nhẹ đều tại chỗ trong cái buồng giam lở loét và u ám vì ẩm mốc. Mỗi khi có cơ hội ra khỏi buồn giam, đươc gặp người này, người khác, được thay đổi không khí, được nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây cỏ, được thấy mặt đàn bà thì thằng tù giống như chim sổ lồng. Mùa hè hầu như hết thảy tù nam chỉ mặc mỗi cái quần đùi còn nữ thì mặc bikini…
Tù thường chỉ có 2 lý do, cơ hội để được ra khỏi buồng giam: Đi cung, hoặc gặp người nhà. Tù chưa xử, chưa thành án chưa được ra gặp người nhà. Tù hình sự, án nhẹ khi có kết luận điều tra rồi có thể được bố trí cho người nhà vào trực tiếp thăm gặp nhưng phải có “cơ chế” với quản giáo. Mới vào, mình không hiểu cơ chế là gì, những tù ở lâu giải thích: muốn gặp người nhà, muốn gọi điện cho người nhà nhắn gửi cho thuốc men, tiếp tế thức ăn, đồ ăn xã hội, những thứ thiết yếu mà tù khao khát thì phải thiết lập “cơ chế” với quản giáo chứ không phải nhờ vả suông. Trong tù: thị trường thấm vào từng chân tơ kẽ tóc. Trong tù mình mới thấm cái thuật ngữ “cơ chế” được tù nhân sử dụng khá là sáng tạo.
Kết luận điều tra của mình được xếp khoản 1, với loại tội danh như 258 thì mức phạt từ 6 tháng tới 36 tháng, tù gọi khung này là 6-36, lúc đầu mình không hiểu gì. Trong phần cuối bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra đề nghị giảm nhẹ hình phạt do thái độ thành khẩn của bị can…
Một hôm mình đề nghị với quản giáo cho mình đi khám trạm xá, sau 3 tháng bụng mình bắt đầu có biểu hiện đau lâm râm về đêm. Mình muốn nhân cơ hội xuống trạm xá của trại, để “bí mật” tỷ tê, thương lượng kín với quản giáo dàn xếp cho mình một cái “cơ chế” để có thể thông tin, nhắn vợ gửi cho ít thuốc, một số đồ dùng thiết yếu bởi cứ ngày 2 bữa cơm tù, canh trại thì gay quá. Mình không dám đặt vấn đề với quản giáo ngay tại buồng giam, mình sợ quản giáo không dám công khai chuyện của mình trước mặt tù nhân khác vì ngay từ đầu mình thấy quản giáo đã có cách ứng xử với mình khác với tù tạm giam khác.
Vào được hơn 3 tháng, nhất là sau khi nhận cái quyết định gia hạn tạm giam thứ 2 thêm 2 tháng, mình bắt đầu suy sụp về mặt tinh thần, suy sụp về sức khoẻ. Bụng mình bắt đầu nảy sinh vấn đề: không ăn được mỡ, ăn thịt mỡ vào là đau, không ăn được bánh chưng là thứ có chất gạo có thể mua được ở căngtin nhà tù và nhiều loại thức ăn. Rau muống, quanh năm chỉ có rau muống mình không dám đụng đũa. Vì rau muống không nhặt, người ta dùng liềm cắt cả gốc rễ, rửa qua quýt, cho vào nồi ninh dừ và mang vào cho tù ăn. Rau thì ố vàng, còn nước thì quánh như nước cống. Những bữa ăn tù mình chỉ dám ăn cơm, cơm là loại gạo lấy từ kho dự trữ quốc gia thải loại ra, ăn nhạt thếch, rời rã ra và không còn nghe mùi gạo, mùi cơm, như ăn mùn cưa. Mỗi lần ăn phải thức ăn lạ, bụng phản ứng lại nhờ quản giáo xin thuốc trại. Mà thuốc trong trại quanh đi quẩn lại cũng chỉ có “cloxit” (clorocid); đau bụng cloxit, đau đầu cloxit, đau răng: cloxit…
Những tù nhân khác xin thuốc, xin gọi điện về nhà có vẻ dễ dàng vì họ đã thiết lập được “cơ chế” với quản giáo. Còn mình mới vào, bạn tù cùng buồng thúc mình: muốn sống, bằng mọi cách, đệ phải xin“thầy” (quản giáo) cái “cơ chế”, nếu không được quản giáo ban cho cái “cơ chế” thì gay go, không trụ được đâu vì đệ lớn tuổi rồi.
Trên đường xuống trạm xá, mình nhẹ nhàng: Cán bộ dàn xếp cho tôi cái cơ chế để tôi nhắn vợ mang cho tôi ít thuốc và dặn vợ tuần vào mua thức ăn đúng những thứ tôi ăn được, còn thứ mua vào cho tôi mất tiền mà không ăn được thì gay quá. Cả thuốc nữa: tôi muốn vợ gửi cho tôi ít tiền, cán bộ cầm hộ, khi nào cần mua hay ốm đau gì, tôi nhờ quản giáo mua hộ thuốc…
Tù được trại cho phép người nhà mỗi tháng gửi cho 1,5 triệu đồng và chỉ được mua từng ấy tại căng tin của trại; mà căng tin của trại quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy thứ: thịt lợn luộc, thịt lợn rang, thịt lợn quay và phần lớn đều là mỡ, tù gọi là “mều”…
Quản giáo phụ trách buồng mình là một tay thượng uý mới ngoài 30 tuổi, khi nghe mình đặt vấn đề xin cái cơ chế thì anh ta giẫy nẩy: Với anh không có “cơ chế” gì hết; cầm tiền của anh, mua cho anh khi anh ra trại anh lại lên mạng tố chúng tôi “ở trong tù bị quản giáo tống tiền” à?
Vào tù, giai đoạn tạm giam, nếu không đi cung thì suốt ngày, suốt tháng, suốt năm tù ngồi bó gối ở trong buồng, tranh nhau ra cửa gió rộng khoảng 60 cm cao khoảng 80 để nhìn ra ngoài sân tù xem có tù nữ nào ra sân phơi quần áo, hay tù mới vào hay tù đi cung… để tẩm bổ con mắt. Ngồi tù, nhịp sống tù nó đơn điệu, bó cứng con người ta đến ngột thở và lâu rồi thành quen, thành nếp; mình nhận ra điều này qua các hành vi cử chỉ của bạn tù ở cùng buồng… Vào hoàn cảnh này, người tù giống như bị dồn vào chân tường và lúc đó chỉ nằm giữa làn ranh: tồn tại hay gục xuống; muốn tồn tại thì phải tự vận công lực, nội lực để mà chai lỳ ra trước những thử thách nghiệt ngã về tinh thần, thể chất, thể xác do hoàn cảnh, xã hội tù đưa đến.
Đi tù nói là để cải tạo để hoàn lương nhưng những gì mình chứng kiến, trải nghiệm thấy những kẻ đi tù về thường trở nên lỳ lợm, bất chấp hơn và do đó mà rất dễ tái phạm; có tù buổi sáng thả, chiều lại bị bắt lại…
Mùa đông năm 2013 đến khá sớm, vào giữa tháng 9 gió mùa đông bắc đã tràn vào kéo nhiệt độ xuống 15-16 độ. Mình là người chịu rét kém, rất sợ rét, sợ mùa đông Hà Nội…
Bị bắt ngày 13/6/2013 và lệnh tam giam đầu tiên 3 tháng được gia hạn tới 13/9/2013. Vào cuối tháng 8, mình đi cung liên tục, thấy tổ chuyên án gấp rút hoàn thiện hồ sơ theo hướng sẽ thả mình trong dịp 2/9 vì thấy những bài viết của mình cũng chỉ đến thế… Nhưng rồi suốt những ngày gần kề 2/9 không thấy động tĩnh gì. Hết lệnh tạm giam 3 tháng, mình nhận tiếp lệnh tạm giam thêm 2 tháng và lại tiếp tục đi cung, lại đưa các bài viết trên blog ra điền vào biên bản hỏi cung; bài nói điều gì, tại sao lại viết thế, động cơ, có quen biết tác giả, biết ai ở cái trang mạng mà mình dẫn bài ấy về blog của mình không? Có nhận tiền của ai không?
Cơ quan điều tra đã đếm trên 2 trang blog của mình: Phạm Viết Đào 4 và Chiến tranh Trung Việt cận đại mình đã đưa lên mạng 1117 bài, trong đó mình trực tiếp 42 bài với các bút danh: Phạm Viết Đào, Hai Xe Ôm và Phúc Lộc Thọ…
Trong các bài đưa lên mạng, cơ quan điều tra xác định trong kết luận điều tra có 68 bài được đưa vào diện xâm phạm lợi ích của một số cá nhân trong đó có 5 bài đụng chạm tới Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 10 bài đụng chạm tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; những bài mình lấy từ mấy trang mạng BBC, RFA, RFI, Đàn Chim Việt, Cầu Nhật Tân và một số trang mạng khác…
Bài trực tiếp do mình viết kết luận điều tra quy kết có 7 bài, thực chất là 1 bài mình viết về vụ án Đoàn Văn Vươn và chùm 6 bài góp ý sửa đổi một số điều trong Hiến pháp 2013. Về những bài lấy từ các trang mạng khác chỉ trích, đụng chạm tới một số quan chức Đảng và Chính phủ mình nhận lỗi là kẻ “tòng phạm”; thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm pháp lý là nhà cung cấp FPT, chính họ chở tải những thông tin này về, mình là người giống như kẻ mua vé vào “cửa”, lập “cái lều” ( blog ) và cóp nhặt một số hàng hoá từ cái “siêu thị” thông tin FPT… FPT kinh doanh và thu tiền còn mình thì chỉ là kẻ thu gom chơi…
Mình cãi: Việc lấy bài từ các trang mạng khác về blog cá nhân không giống với thời xưa, tôi đi nước ngoài về mang theo va ly tài liệu rồi đem về in, nhân bản, phát tán. Còn hiện nay, đơn vị nhập khẩu những thông tin này về là Giám đốc công ty FPT, họ nhập về và bán lại cho người tiêu dùng theo hình thức bán vé vào cửa siêu thị. Ai có vé vào được cửa rồi thì muốn làm gì thì làm trong khuôn viên siêu thị của họ. Nếu không có FPT thì không có những thông tin đó, còn không có những blogger như tôi thì thông tin vẫn chình ình trên mạng.
Trong khi Giám đốc FPT giàu do kinh doanh thông tin mạng thì không bị làm sao, tôi chỉ là kẻ a dua, tòng phạm mà bị tù là bất công, là không nghiêm minh, khách quan.
Còn chùm bài mà tôi viết góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013 là theo lời kêu gọi của Ban soạn thảo, đề nghị người dân thoải mái góp ý kể cả Điều 4; những góp ý của tôi đã trực tiếp gửi cho ban soạn thảo qua tổ dân phố. Tổ dân phố, chi bộ phường đã mời tôi đến nghe phổ biến chủ trương và đề nghị tham gia góp ý tôi mới tham gia.
Về bài “Vụ án Đoàn Văn Vươn, quan toà tiếp tay cho cướp ngày”, khi làm việc với cơ quan điều tra tôi đã nhận lỗi: Đặt tít bài có phần xúc phạm toà án hành chính Hải Phòng; Đúng ra nên viết: Toà hành chính Hải Phòng tiếp tay cho Chủ tịch huyện vi phạm pháp luật… Vụ án này do Đoàn Văn Vươn khởi kiện Chủ tịch huyện Tiên Lãng, Toà hành chính phán xử cho Chủ tịch huyện Tiên Lãng thắng mới dẫn tới vụ cưỡng chế trái pháp luật. Những phân tích trong bài của tôi theo hướng đó là không sai, duy cách đặt tít bài có phần xúc phạm Toà hành chính; hành vi này giống với hành vi hành chính: chửi bới, thoá mạ người khác nơi công cộng thì đáng được Bộ công an đưa vào khung xử phạt hành chính…
Còn chùm 6 bài viết góp ý Hiến pháp thì mình đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, vì tôi góp ý cho Ban soạn thảo theo đề nghị của Ban này, góp ý không tiếp thu được thì thôi, sao lại bỏ tù tôi…
Sau này ra tù, đọc Hiến pháp 2013 thấy một số điều sửa đổi như góp ý của mình. Đáng chú ý là góp ý: Đề nghị không đưa Chủ nghĩa Marx-Lenin vào trong Lời nói đầu của Hiến pháp. Góp ý này đã được tiếp thu. Trong quá trình điều tra mắc nhất là bài: “Thể chế Cộng hoà xã hội chủ nghĩa là thể chế tạo hệ điều hành nhà nước giống như nhà máy lọc dầu Dung Quất”, đây là bài được đưa vào chùm 9 bài để làm căn cứ bắt khẩn cấp mình chiều ngày 13/6/2013… Bài viết này được cơ quan điều tra nâng lên đặt xuồng nhiều để chứng minh, quy kết mình muốn cổ suý cho tư tưởng đa nguyên, đa dảng nhằm mục đich loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản…
Mình đã “cãi” lại: Bài viết của tôi không đặt ra vấn đề như cơ quan điều tra suy diễn, tôi chỉ đặt vấn đề cần thiết phải cài đặt trong Điều 4 một cái thiết chế pháp lý để hạn chế, lọc, không để những cặn bã từ bộ máy Đảng lan sang bộ máy nhà nước, làm tha hoá bộ máy nhà nước; vấn đề này xuất phát từ thực tiễn là một bộ phận không nhỏ của Đảng đang bị thoái hoá biến chất như Nghị quyết TW 4 đã chỉ rõ…
Có trên ngàn người ký kiến nghị loại bỏ Điều 4 hiến pháp nhưng cơ quan pháp luật có xử lý, bỏ tù ai đâu. Bài viết của tôi lập luận: Thế chế Nhà nước cộng hoà là thể chế có hệ điều hành vận hành bởi nguyên liệu đầu vào: đó là luật pháp; nhưng bộ máy nhà nước lại đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, mà hệ điều hành của Đảng được vận hành bởi nguyên liệu là các nghị quyết. Nghị quyết đề ra các chủ trương, chính sách; nghị quyết quyết định cắt cử người của Đảng tham gia vào bộ máy nhà nước; mà những nghị quyết này được sản sinh bởi nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số theo đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức…
Hiện nay thực tế cho thấy: Những nguyên tắc hoạt động này của Đảng trong rất nhiều trường hợp trái với nguyên tắc, nguyên lý vận hành của luật pháp của bộ máy nhà nước cộng hoà. Những tiêu cực, thoái hoá biến chất của bộ máy nhà nước hiện hành rất nhiều trường hợp do bởi sự trái khoáy của 2 hệ điều hành trái cựa: giữa hệ điều hành nhà nước với hệ điều hành đảng trị mà ra. Do Nghị quyết được sản xuất, ban hành bởi ý chí của số đông, của đa số của một tổ chức Đảng nên ở đâu các nhóm lợi ích cá nhân chiếm số đông thì kết quả sẽ ban hành những nghị quyết sai, những chủ trương sai, cắt cử những phần tử thoái hoá biến chất của đảng vào trong bộ máy nhà nước. Những trục trặc này gần giống với nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy này chế tạo ra để lọc dầu ngọt Bạch Hổ nhưng khi vận hành lại pha trộn dầu chua, mặn nhập từ Trung Đông về, dẫn tới phát sinh cặn bã, phá hỏng máy, gây trục trặc trong giai đoạn đầu…
Cơ quan điều tra có yêu cầu mình trình phương án thiết kế lại Điều 4 Hiến pháp, mình đã từ chối với lý do: Tôi mới lập luận, đưa các cơ sở khoa học đề bàn việc thiết kế, sửa lại Điều 4, chưa viết ra cụ thể mà đã bị bắt, bị tù; giờ nếu tôi viết ra, khai ra với cơ quan điều tra, nhỡ thành tình tiết tăng nặng thì sao?
Tôi chỉ trình ra phương án sửa Điều 4, tôi đã có 3 phương án, với điều kiện: Nếu phương án của tôi đúng, phù hợp, được ghi nhận thì phải công nhận tác quyền cho tôi; nếu không phù hợp, không chấp nhận được thì không biến nó thành tình tiết tăng nặng trong việc xét xử tôi…
Rất nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp sau này được tự do mình thấy Hiến pháp 2013 đã tiếp thu và tìm cách chỉnh sửa; tôi sẽ kể lại chuyện này vào dịp khác…
Thực ra mình biết mình có cãi, có thuyết phục thì cũng chỉ đến vậy. Cứ trông gương anh bạn tù cùng buồng giam với mình, do cãi nhiều, cãi đến nơi đến chốn có lý lẽ, mà việc của anh ta chỉ là vụ án hành chính giản đơn, nhưng vị thẩm phán trực tiếp xét xử anh ta thấy hắn cãi đúng, không nỡ phán quyết theo kết luận điều tra, trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra lại – lý ra người này có quyền tuyên là vô tội nhưng không tuyên. Sau này mình được biết, khi Thẩm phán trả lại tới lần thứ năm, không chịu xử theo kết luận điều tra oan sai của cơ quan điều tra, toà đã thay thẩm phán và thẩm phán mới đã xử theo kết luận điều tra ban đầu. Nếu như lúc đầu hắn không cãi, mềm mỏng nhận ngay thì hắn không phải ăn ở trong điều kiện tạm giam hà khắc tới 3 năm. Hắn cũng nhận ra điều đó, hắn bảo: Nếu hắn nhận từ đầu thì nhiều hơn 1 năm, mất ít tiền là hắn sẽ ra tù; vì sĩ diện vì danh dự nên hắn cãi, hắn chống quyết liệt để rồi kết quả kết quả cuối cùng hắn bị phạt giam tới 3 năm sáu tháng… Ra tù mình có hỏi thăm hắn, nghe hắn nói vợ hắn, mẹ hắn cuối cùng vẫn phải mất tiền hắn mới bị xử cho mức án 3 năm 6 tháng mặc dù hắn không nhận tội…
Chỉ sau hai tuần, ngày 11/12/2013 mình nhận được Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội. Kiểm sát viên là một phụ nữ gặp mình nhẹ nhàng: Sẽ sớm trả anh về với gia đình, chúng tôi cũng không muốn xử lý hình sự trường hợp của anh nhưng do còn có người này người kia. Mình ký nhận và cầm văn bản Cáo trạng về buồng giam. Đi về buồng giam, dọc dãy hàng lang nhiều tù hình sự nhô ra hỏi: Chú tội gì, khung hình phạt bao nhiêu? Mình trả lời: 6/36. Một cậu tù trẻ cười bảo: 6 tháng thì chú để cháu đi hộ nốt cho, chú sớm ra ngoài viết bài lấy tiền gửi lưu ký vào cho chúng cháu…
Về buồng giam, bạn tù ở cùng buồng nhẩm tính: Hôm nay là ngày 9/11 âm lịch, bây giờ đến Tết còn 1 tháng 20 ngày nữa, chắc họ kết luận nhanh để xử cho về trước tết. Tội của đệ có gì đâu? Họ đã bắt rồi thì họ phải xử, hợp thức cái việc bắt mình; đừng bao giờ ảo tưởng là họ sẽ nhận sai về họ.
Tối ngày 18/12/2014 ăn tối xong thấy quản giáo vào lạch cạch mở cửa: hai anh chuyển buồng: Anh T, buống số 8, còn anh chuyển qua buồng số…
Vào buồng số … mình nhận ra đây là buồng giam được coi là VIP nhất của Khu C. Tù bố trí ở buồng này thường là những tù có án kinh tế nên phải thiết lập cơ chế mạnh mới vào được. Khi mình vào buồng, mọi người đã nhận ra mình, ở buồng này, hàng ngày anh em có được nghe đài. Là buồng tạm giam nhưng những tù ở đây đều thuộc diện tù VIP nên họ có thiết lập được cơ chế mạnh với quản giáo. Do có cơ chế mạnh nên tù được người nhà gửi cho radio để nghe tin tức.
Trong tù, tù thường khao khát nghe thông tin ngoài xã hội, tù thường tìm cách thiết lập cơ chế để thỉnh thoảng người nhà gửi vào cho vài tờ báo đọc. Còn tù có máu mặt thì được quản giáo cho nghe radio. Những thứ này trong tù đều bị coi là đồ vi phạm, chiều quản giáo cho tối mang vào và sáng mai lại phải mang ra… Báo chí thì khi đi xử thường dặn người nhà mua báo cho mang vào, còn trại thỉnh thoảng có mang đến báo và chỉ có 2 loại: báo Nhân Dân và báo Hà Nội mới.
Do có radio nên đêm đêm anh em trong buồng vẫn tìm nghe đài RFA, RFI và Đáp lời sông núi nên họ biết mình bị giam ở khu C này. Vào buồng: K. giám đốc một công ty chứng khoán làm thất thoát, vay mất khả năng trả tiền của ngân hàng mấy chục tỷ bị bắt vào đây, nhận xét: Được bố trí vào đây là ông đã chuyển sang cái giai đoạn nới lỏng sự bao vây, cấm vận rồi đấy; ông sang đây là dễ thở rồi. Có điều kiện giao tiếp nhiều hơn, cởi mở hơn và chắc sắp xử và sắp được thả nên ông được đưa vào cái buồng này. Bố trí ông ở đây để cải thiện điều kiện ăn ở để khi ra toà đỡ hom hem. Trông ông thần sắc, người ngợm hơi xuống đấy, bên ngoài xã hội tôi có đọc ông, có thấy ảnh ông, thấy ông hơi bị sút nhiều đấy, dễ phải trên chục kg.
Mình ngắm buồng giam, buồng này hợp thành bởi 2 buồng thông nhau, mỗi buồng cũng chỉ khoảng 7 m2. Một bên làm phòng ngủ và một bên là khu vệ sinh. Phòng hiện có 6 người, một người nằm ở khu vệ sinh, còn mình được bố trí nằm ở giữa, ưu tiên người già, đỡ lạnh. H. một bạn tù trẻ mắc màn cho mình nói: Ưu tiên chú nằm chỗ này lấy may, đây là chỗ của anh bạn tù vừa mới được thả chiều nay, anh này là cháu của một quan chức cao cấp Bộ Công an, anh ta bị công an Hà Nội bắt vào 20 ngày, nhờ ông chú trên Bộ can thiệp nên được thả…
Sang buồng này, việc ăn uống tươi hơn vì đông người, ai cũng có sổ lưu ký cả. Trại phát cho mỗi người tù một cuốn sổ lưu ký, hàng tháng người nhà gửi tiền vào được ghi vào sổ, hàng tuần ăn gì thì tù tự giác phát cho tờ giấy ghi vào, tù tự giác sẽ mang thứ mình cần mua vào cho. Thời gian đầu mỗi tuần tù chỉ được “đi chợ” một lần, đi chợ trong tù là cái ngày được kê khai các thứ mình định mua vào tờ giấy rồi tù tự giác nộp cho quản giáo mua hàng ở căng tin trại.
Từ tháng 9/2013 trại giam Sala mở rộng chế độ cho tù được đi chợ mỗi tuần 2 lần, được mua nước mắm, bột canh, những thứ thời gian trước tù không được mua mà chỉ có nhờ mua hàng xách tay, ai có xách tay vào mới có dùng. Trong tù những tù thiết lập được cơ chế với quản giáo, thường được quản giáo nhận đưa hàng do người nhà chuyển vào cho, những thứ của độc đó, thường là thức ăn, chè, thuốc lá, thuốc lào hay đồ dùng thiết yếu như thuốc men, tù gọi là hàng xách tay… Vì những thứ trại nội quy do Bộ công an ban hành cấm tù sử dụng.
Ở trong tù cơm gạo thì không có chất gì, ăn cho qua bữa nên thường mình phải ăn thêm mì tôm, bánh mì để có thêm chất bột. Một hôm ngồi trong buồng giam, quản giáo đưa vào cho tờ báo Nhân Dân, đọc mục quảng cáo thấy quảng cáo Tràng phục linh Plus có thể chữa được đại tràng, nhưng mình chưa biết làm cách nào để mua, nằn nì với quản giáo đề nghị anh ta nhắn cho vợ gửi tiền vào để mua hộ nhưng anh ta không dám.
Tóm lại mọi thông tin về cho gia đình, cán bộ quản giáo phụ trách mình đều không dám thiết lập cơ chế cho mình, mình là loại tù đặc biệt, mọi thông tin với gia đình quản giáo không dám tự tiện thiết lập như các tù tạm giam khác…
Khi được chuyển qua buồng mới, chế độ thông tin được cởi mở hơn, muốn nhắn gì, mình viết ra giấy để quản giáo gọi điện cho. Chỉ có điều, các tù tạm giam khác được gọi điện trực tiếp với người nhà trước mặt quản giáo, còn riêng mình thì không, có nhu cầu gì thì viết ra giấy… Dù sao cũng đỡ hơn so với thời gian trước đó vì đã được khơi thông tin với vợ con…
Khoảng đầu tháng 1/2014 thì mình nhận được giấy báo xử, lịch báo xử vào ngày 15/1/2014, đúng vào ngày rằm tháng chạp. Mọi người trong phòng chúc mừng mình, thế là được về ăn tết với vợ con rồi. Mình nhận được giấy báo xử vài ngay sau thì thấy quản giáo bố trí thêm 1 tù nữa vào buồng mình; mọi người nói: chẳng phải mình sắp về nên người ta bổ sung vào để thế chỗ?
Đến ngày 13/1/2014 tức 13 tháng chạp thì mình lại nhận được giấy báo hoãn, phiên toà sẽ mở vào ngày 23/1/2013, đúng ngày ông Táo về trời. Mọi người trong buồng cười: Người ta tiễn ông Táo về trời và chắc chúng mình cũng tiễn ông Đào ra trại…
Sáng 23/1/2014 mình dậy sớm ăn mặc chỉnh chu chuẩn bị ra toà, đợi tới 9 giờ sáng mà vẫn chưa thấy cảnh sát vào áp giải đi ra xe. Mình và mọi người đều ngó ra sân, xem có cái xe nào không, thấy sân vắng tanh. Gần đến 10 giờ, một quản giáo vào thông báo: Hôm nay xe của trại chở tù đi trại xa không còn xe nào ở nhà để đưa anh đi xử. Chắc vụ của anh sau tết mới xử…
Mình biết đây chỉ là cái cớ, đây là thao tác dằn dứ để giữ mình, họ chưa muốn thả mình, để mình ở thêm một cái tết trong tù cho ngấm, sau này về xã hội đừng viết lách linh tinh, rách việc. Ở tù, theo những anh em đã có thâm niên tù thì những ngày tết là những ngày buồn thảm nhất. Bình thường ở tù đã là bị biệt lập, cô lập với thế giới bên ngoài, với xã hội, với gia đình vợ con; những ngày tết cảm giác về sự biệt lập tăng lên gấp nhiều lần vì về mặt tâm lý ngày tết là ngày đoàn tụ, người thân trong gia đình.
Những ngày tết, quản giáo cũng nghỉ tết, chỉ có lèo tèo một vài người trực ca ở lại. Sân nhà tù là nơi người tù còn có chỗ mà ngửi hít không khí xã hội, những ngày tết thường vắng tay, không bóng người qua lại, như một bãi đất hoang. Mấy anh em trong buồng quay lại động viên mình: Thôi ông ở lại ăn một cái tết tù với chúng tôi cũng tốt, sau về còn có cái mà viết, mà chiêm nghiệm sự đời. Ông về vui cho ông nhưng chúng tôi lại buồn. Có ông ở cùng chúng tôi có người nói chuyện. Trong buồng của mình, có 2 cậu đã nếm 2,3 cái tết tù, số còn lại thì họ cũng không còn lạ tết tù nữa, riêng mình thì đây là tết trong tù đầu tiên. Cậu bạn tù trẻ nhất cho biết: Tết tù đầu tiên cháu cũng buồn và não người lắm, chỉ muốn húc đầu vào tường nhưng rồi sau đấy cũng quen dần; con người ta kể cũng lạ…
Từ sau ông Công ông Táo, hy vọng được về trước tết coi như tắt ngấm trong mình; mặc dù quản giáo vẫn qua lại động viên mình: Toà còn làm việc đến ngày sát tết, biết đâu đùng một cái người ta đưa anh đi xử thì sao. Riêng mình mình không tin.
Săp tới tết ai còn nghĩ để xử để thả tù, người ta còn lo việc gia đình người ta. Chỉ có điều, sau ngày ông Công, ông Táo, mình thấy số tù bổ sung vào lại nhiều thêm; hỏi ra toàn loại tù cờ bạc, dân Hà Tây cũ. Bạn tù cùng phòng cho biết: Năm nay ít đấy vì quận Hoàng Mai có nhà tù riêng nên đã san sẻ bớt. Năm ngoái dịp này tù bị bắt về tội cơ bạc cứ nườm nượp vào đây; cơ quan chức năng tích cực bắt tóm loại này vì vụ án có tiền tươi, thóc thật, mà đánh bắt loại này lại không nguy hiểm như tù hình sự khác. Bị bắt muốn giam dăm ba ngày để rồi thả ra mà về ăn tết đều phải biết “chạy cơ chế”. Nghe một cậu bạn cùng buồng cho biết: Giáp tết năm ngoái, có một cậu ghi số đề bị bắt vào giam tại buồng này sau tết ông Công, ông Táo; cậu này sau đó được thả vào chiều ba mươi tết; nghe cậu này bảo “chạy cơ chế” mất 300 triệu mới được về ăn tết, nếu không nhẹ cũng 6 tới 9 tháng trong tù.
“Thôi bác ở lại yên tâm công tác”, mấy tay bạn cùng phòng động viên mình, năm nay có bác ở đây ta bàn mua sắm tết cho nó rôm rả. Mọi người tập trung sổ lưu ký lại để cùng mua. Quản giáo cho biết: năm nay nghỉ tết 9 ngày, 9 ngày đó sẽ không có chợ búa gì hết, do vậy chúng ta sẽ phải mua các thứ trước tết. Ai có người nhà ở Hà Nội có điều kiện thì điện về phân công nhau, bảo người nhà xách tay rải ra, đừng trùng nhau, thêm sau tết để có ăn tươi. Năm nay, tết cũng không nóng nên có thể mua thức ăn dự trữ được. Căng tin của tù quanh đi quẩn lại cũng chỉ từng thức ấy. Mua một ít thịt nạc, về xé ra , “tàu” mặn lên. Trong tù ninh kho lại thức ăn tù gọi là “tàu”, bởi trong tù không có nồi niêu xong chảo mà tù nấu bằng việc sử dụng chai nước Lavie loại 1,5 lít về làm nồi nấu thức ăn.
Lúc mới vào mình cũng chưa hình dung được tù “tàu” thức ăn kiểu gì và vì sao lại gọi là tàu. Số là thế này: tù thường có sáng kiến đập vỡ xô chậu làm nhiên liệu đốt, loại này tù được phép mua, một cái xô 28.000 đ khéo đun có thể đun được 3 ngày. Chủ yếu là đun thức ăn như thịt mua về đun lại có thể ăn được vài ngày.
Để thành nồi đun được, tù lấy chai nước loại 1,5 lít cho nước lã vào gần đầy, treo lên và đốt dưới đáy chai; tù thường lấy thuốc đánh răng bôi vào đáy chai cho khỏi thủng. Đun một chốc, chai nhựa nó thun lại trông hình thù đít chai tròn giống như loại tàu Kilo vừa nhập của Nga về để đối phó với Trung Quốc. Thuật ngữ “tàu” bắt nguồn từ đó.
Để biến một cái chai nhựa thành một cái “tàu” đun được thức ăn đòi hỏi cả một nghệ thuật, sự khéo tay, sự tỉ mẩn. Không biết cách, không có kinh nghiệm nhóm lửa đốt, chai nhựa sẽ thủng. Ngay những tù thành thạo đôi khi phải đốt mất hai ba cái chai mới được một cái tàu để tàu thức ăn. Chai đốt lên thành tàu, muốn không thủng thì cho nước lã vào trong, lửa nhóm đều, chai cố định không rung lắc thì chai mới không bị thủng. Khi đã thành “tàu” rồi thì có thể kho được dăm nồi thịt tàu mới bị thủng… Nấu lại thịt, kho dưa cá đều phải sử dụng loại “tàu Kilo” đã qua chế tạo của tù.
Cả phòng xúm lại bàn chuyện sắm tết rôm ra. Thống nhất ngày 30, mồng 1, mồng 2 thức ăn trại cung cấp tạm ổn vì những ngày này là Tết nên thường có thịt, cá, giò, chả… Qua ngày thứ 3 thì trở lại cơm tù, canh trại. Để chắc chắn mua thêm lương khô, hoa quả, bánh trái đề phòng cơ nhỡ do 9 ngày không được đi chợ; mua mấy bịc xúc xích Đức đem về nhồi vảo “tủ lạnh”; tủ lạnh tù là cái thùng nước đầy, dìm xúc xích vào dưới, hàng ngày thay nước, xúc xích cũng để được 1 tuần; khi ăn đem ra thái nhỏ rồi tàu lên.
3 ngày tết, trại cấp cho mỗi tù 1 cái bánh chưng, khoảng 0,5 kg thực phẩm tươi khi thì giò chả, khi thì thịt, khi thì cá, đủ cho 3 ngày tết ăn uống không đến nỗi so với những ngày thường, và 1 hộp mứt.
Trại cho người nhà vào mua thức ăn tiếp tế cho tù vào ngày cuối cùng là ngày 28 tết; sân tù đông nghìn nghịt người nhà của tù vào mua thức ăn; buồng của mình ở có thể nhìn ra được cái sân nơi người nhà vào mua thức ăn cho tù. Mấy cậu tù trẻ, mắt tinh, trèo lên cửa gió tìm xem có người nhà vào thì gọi… Mình mắt kém đành chịu.
Sáng 30 tết, quản giáo đến buồng nhắc nhở tù dọn dẹp phòng ăn tết và cho biết chiều nay, Ban giám thị sẽ đến từng phòng chúc tết tù. Bọn mình bàn nhau, nếu Ban giám thị vào chúc tết thì cử một người chúc tết lại chủ yếu là chúc sức khoẻ và gửi lời chúc tết gia đình giám thị, quản giáo và nhớ không nói lời cảm ơn; đã bị đi tù rồi thì không cảm ơn ai hết…
Đêm 30, chúng mình ngồi thu lu trong phòng, không ai nói với nhau câu nào, người nào cũng miên man theo những suy nghĩ riêng tư của mình ngồi chờ đón giao thừa. Mình hỏi: Mọi năm, giao thừa ai thường đến phòng này chúc tết. Bạn có thâm niên 3 tết tù cho biết: Năm ngoái Giám thị trưởng có vào chúc tết và đưa cho mỗi tù một điếu thuốc. Còn năm nay, đợi đến giao thừa không thấy Ban giám thị vào, chỉ thấy quản giáo trực vào chúc tết.
Thời khắc giao thừa đến, cả trại như bầy ong vỡ tổ nhao lên những tiếng hô chúc tết nhau bằng tiếng Anh, tiếng Việt. Hàng ngày tù không được nói to, trao đổi chuyện trò với nhau chỉ đủ trong phòng nghe, buồng nào to tiếng, lọt ra ngoài, quản giáo đến nhắc ngay. Giao thừa là thời điểm độc nhất mà tù được hô hét thoải mái với nhau trong khoảng thời gian 10 phút.
Sau khoảnh khắc giao thừa, cả trại lại chìm trở lại trong sự im lặng, não nề…
P.V.Đ.
Tết trong tù
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
14:14
Rating:
Không có nhận xét nào: