Nhà thơ Nga (1890 - 1960), Giải Nobel Văn học 1958
Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu
Nhắc đến Boris Leonidovich Pasternak (Борис Леонидович Пастернак) là nhắc đến tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago", mà tác giả phải để ra hàng chục năm mới hoàn thành và không thể nào công bố bằng ngôn ngữ của mình, trên quê hương của mình. Thật vậy, khi tác phẩm ra đời (năm 1955), dưới áp lực những lời công kích, phê phán của giới văn học và chính trị,không một nhà xuất bản nào nhận bản thảo. Phải chờ đến một năm sau, tác phẩm mới được xuất bản tại nước Ý, bản tiếng Nga và bản dịch tiếng Ý! Ngay sau đó, cuốn truyện được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, xuất bản tại nhiều quốc gia khác (tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan...). Bản tiếng Anh đầu tiên do Max Hayward và Manya Harari dịch, xuất bản vào tháng 8 năm 1958, là bản dịchtiếng Anh duy nhất được biết trong suốt 50 năm và trong hai năm 1958, 1959 đứng đầu danh sách best-seller của báo The New York Times trong 26 tuần. Độc giả Việt Nam đã sớm đọc được từ năm 1974, với bản dịch của Nguyễn Hữu Hiệu, nhan đề "Vĩnh biệt tình em", do Tổ hợp Gió xuất bản tại Saigon. Và sau đó là bản dịch của Lê Khánh Trường, in trong "Boris Pasternak, Con người và tác phẩm", Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1988. Mãi hai mươi tám năm sau khi tác giả qua đời, "Bác sĩ Zhivago”lần đầu tiên mới được in tại Liên Xô! (1988) .
Nhắc đến Boris Pasternak là nhắc đến Giải Nobel về văn học được trao cho ông vào năm 1958, một sự kiện làm tốn bao nhiêu giấy mực từ thời điểm đó đến tận hàng chục năm về sau. Phản hồi nhanh chóng của Boris Pasternak khi được tin là bức điện tín gửi ngay sang Thuỵ Điển: "Vô cùng biết ơn, cảm động, tự hào, ngạc nhiên, bối rối". Tiếp theo là sự công kích, phản đối nặng nề, cay độc, trực diện, việc khai trừ Boris Pasternak ra khỏi Hội Nhà Văn Liên Xô,và sự đe doạ nếu ông đi nhận giải thưởng sẽ không được phép trở về quê hương. Ông đành phải gởi bức điện tín thứ hai: "Nhìn nhận ý nghĩa của sự trọng vọng này trong xã hội tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng không xứng đáng được trao cho tôi. Xin đừng xem sự từ chối tự nguyện của tôi là một hành động xúc phạm.”Viện Hàn Lâm Hoàng gia Thuỵ Điển tiếp nhận thông tin này bằng một văn bản chính thức trong đó nêu rõ: "... Tất nhiên sự từ chối này không ảnh hưởng đến hiệu lực của giải thưởng. Chỉ có điều là Viện Hàn Lâm lấy làm tiếc phải thông báo là lễ trao giải không thể diễn ra.”Tháng 12 năm 1989, con trai của Boris Pasternak là nhà văn Evguenii đã được mời sang Thuỵ Điển nhận giải thưởng thay ông, với những nghi thức long trọng của một lễ trao giải chính thức. Sự kiện này đã chứng minh cho những lời ông viết trong bài thơ Giải thưởng Nobel:
...Nhưng dù đã cận kề cái chết
Tôi vẫn tin sẽ sớm đến ngày
Hận thù sỉ nhục phải lùi bước
Trước sức mạnh lẽ phải lòng ngay.
Gắn kết hai sự kiện nêu trên, câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng Boris Pasternak được trao giải Nobel nhờ (và chỉ nhờ) tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago? Ngoài cuốn truyện này và một số tác phẩm văn xuôi khác, ông còn nổi tiếng là một dịch giả tài năng. Trong thời gian những sáng tác của mình không phổ biến được, ông chuyên chú dịch thơ cổ điển tiếng Pháp, tiếng Đức (cuốn Faust của Goethe), và nhất là tiếng Anh. Các bản dịch những bi kịch của Shakespeare được đánh giá là những bản tiếng Nga hay nhất.
Tuy nhiên, thể loại để lại dấu ấn rõ nhất về con người đa tài này vẫn là thơ. Ngay Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển khi quyết định trao giải cho ông cũng đã nói rõ Boris Pasternak được chọn "nhờ những thành tựu xuất sắc trong thi ca trữ tình hiện đại, cũng như nhờ sự tiếp nối truyền thống tiểu thuyết sử thi vĩ đại của văn học Nga".
Xuất thân từ một gia đình trí thức - nghệ sĩ gốc người Do Thái, cha là hoạ sĩ, viện sĩ Viện Hàn Lâm Nghệ thuật St Peterburg, mẹ là nhạc sĩ dương cầm, Boris Pasternak đã trải qua một tuổi thơ êm đềm, thấm đẫm không khí nghệ thuật, xung quanh những khách giao du thường xuyên là những nhân vật đã thành danh: nhà thơ Rainer Maria Rilke, nhà văn Lev Tolstoy, nhà soạn nhạc Sergey Rahmanina... Ông sớm yêu thích âm nhạc và bỏ ra sáu năm để học nhạc. Đến 19 tuổi ông đột ngột từ bỏ âm nhạc để theo học đại học ngành triết tại Nga và tại Đức (từ 1909 đến 1913). Những tri thức triết học đã giúp ông khám phá thiên hướng thơ ca tiềm tàng lâu nay chưa trổi dậy. Năm 1914, ông in tập thơ đầu tiên "Sinh đôi trong đám mây", gây được nhiều thiện cảm trong công chúng. Năm 1922, ông cho ra đời tập thơ “Chị tôi, cuộc đời", được các nhà thơ đương thời (Maïakovski, Tsvetaïeva, Mandelstan, Ehrenburg) tán thưởng, ông nhanh chóng nổi tiếng từ đây. Một năm sau ông xuất bản tiếp cuốn “Những chủ đề và biến tấu", đã viết từ năm 1918, nay mới công bố. Và những năm sau đó ông lần lượt cho xuất bản nhiều thi tập khác. Ngay trong cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, ông dành hẳn phần cuối truyện để đưa vào 25 bài thơ dưới nhan đề Thơ Yuri Zhivago, mà người đọc có thể hiểu là Thơ Boris Pasternak. Thơ của Yuri Zhivago hẳn là viết cho Lara, nhân vật nữ trong tiểu thuyết, hoá thân của Olga Ivinskaya, tình yêu lớn của tác giả những năm cuối đời. Tuy nhiên, trong tất cả những bài thơ của tập này, chỉ có ba bài nhắc đến người tình Lara (Mùa thu, Chia tay, Hẹn hò), còn những bài khác thuộc chủ đề và nguồn cảm hứng khác: Chức năng của nhà thơ (Hamlet, Tháng tám, Bình minh) , hình ảnh cuộc sống trên đất nước Nga (Cây hoa bia, Hôn lễ), và nhiều nhất là thiên nhiên (Tháng ba, Đêm trắng, Mùa hè ở thành phố), nhất là mối giao hoà giữa tình cảm con người với thiên nhiên (Gió, Mùa thu, Đêm đông...).
Trong vũ trụ thơ của Boris Pasternak, con người là một yếu tố của phong cảnh. Phong cảnh không phải chỉ là bức tranh tĩnh. Ông quan sát, cảm nhận, ghi chép và mô tả những hiện tượng thiên nhiên, giông, bão, tuyết, gió, mặt trời mọc và lặn...Trong từng khoảnh khắc, ông đọc được những tình cảm trên khuôn mặt của thiên nhiên. Ông so sánh tiếng động đánh thức ông buổi sáng ở Venice như những chiếc nĩa cắm sáu đến tận cán vào trong lớp sương mù. Ông viết về các tháng, các mùa trong năm. Những bài thơ viết về tháng hai, tháng ba, tháng ba, tháng tám... với những nét chấm phá gợi nhớ những tình cảm, những nhân vật liên quan. Ông viết về đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thu sầu, thu buồn nhưng vẫn là thu quyến rũ, đông tàn, đông lạnh nhưng vẫn nồng ấm tình người, vẫn ngời sáng niềm hy vọng:
Mọi vật đều tan biến trong
Màn tuyết trắng
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến sáng.
Những tình cảm đó không phải chỉ của riêng nhà thơ, cũng không phải chỉ gắn với cỏ cây, mây nước, mà tất cả xuất phát từ Cuộc Sống, với ông, cuộc sống là đề tài trữ tình đích thực của thơ, bởi "Con người sinh ra để sống, không phải để chuẩn bị cho cuộc sống". Boris Pasternak tự đặt cho mình đạo đức của nhà văn mà ông cố giữ đến cùng: Người nghệ sĩ không thể tuân theo ý muốn của một cá nhân hay một thể chế chính trị nào. Nghệ thuật chỉ có thể có một lý tưởng phục vụ là cuộc sống. “Chỉ có cuộc sống phải chỉ bảo cho con người xây dựng vũ trụ tinh thần của mình. Người nghệ sĩ phải trung thành với cuộc sống, bằng cách chỉ viết những tinh hoa của lương tâm mình".
Và hãy nhớ không phút giây phản bội
Niềm tin ta hằng ấp ủ bấy lâu
Điều quan trọng là nhớ luôn phải giữ
Nguồn sống cháy bùng mãi đến mai sau.
Trong một bài viết có tính cách tự truyện, ông bộc bạch: “Mối quan tâm thường xuyên của tôi là mỗi bài thơ, tự nó, phải chứa đựng một cái gì đó, một ý tưởng mới, hay một khung cảnh mới". Và ông vẫn liên tục viết cho đến những năm cuối đời, ốm đau, bệnh tật.
Ngày 30 tháng 5 năm 1960, Boris Pasternak qua đời tại quê nhà,nhẹ nhàng, thanh thản. Lời cuối ông nói với các con là: “Cha không còn nghe rõ. Trước mắt cha là màn sương mù, nhưng rồi sẽ tan biến cả thôi. Ngày mai các con đừng quên mở cửa sổ!". Cái chết của một người để lại cho văn học Nga (và thế giới) những tác phẩm giá trị gồm nhiều thể loại, chỉ được thông báo bằng một mẩu tin nhỏ trên tờ "Literaturnaya Gazeta “(báo Văn học) . Ngay hôm sau nữ thi sĩ Anna Akhmatova viết bài “Cái chết của một nhà thơ ":
Tiếng nói không mô phỏng được đã tắt hôm qua
Người từng lên tiếng với núi rừng đã bỏ chúng ta
Để trở thành nhành non mang theo nguồn sống,
Thành cơn mưa mát lành người đã ngợi ca.
Và tất cả bông hoa rực rỡ tươi xinh
Đều bừng nở để đón chào người xa khuất
Rồi cõi lặng im bỗng ngập tràn cả hành tinh
Với danh xưng rất đỗi khiêm nhường: Trái đất.
Từ khi ông qua đời cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước Liên Xô trải qua nhiều thay đổi. Và rốt cuộc, điều phải đến đã đến: ngày 18 tháng 2 năm 1987, Ban Thư ký Hội Nhà Văn xoá bỏ quyết định khai trừ ông và khôi phục danh dự cho ông. Năm 1988 tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago lần đầu tiên được xuất bản tại Liên Xô.
Năm 1990 được tổ chức UNESCO công nhận là Năm Pasternak nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cùng năm đó, bảo tàng mang tên Pasternak được thành lập tại Peredelkino, lưu trữ nhiều kỷ vật và hình ảnh liên quan đến cuộc đời và tác phẩm của ông.
Ở phạm vi rộng hơn, có thể ghi nhận việc tiểu hành tinh 3508 (quay quanh Sao Mộc và Sao Hoả) do nhà thiên văn Nga Lyudmila Georgievna Karachkina phát hiện năm 1980 nay được đặt tên Pasternak.
Hiện nay, Đại học Stanford (Mỹ) lưu trữ nhiều tài liệu liên quan đến Boris Pastrrnak và gia đình ông (thư từ, bản thảo cuốn Bác sĩ Zhivago và những tác phẩm khác, hình ảnh và nhiều hiện vật khác nhau) .
Như vậy là sau bao nhiêu thăng trầm, Boris Pasternak, nhà văn, dịch giả, nhà thơ, Giải Nobel Văn học 1958, đã được vinh danh xứng đáng.
Dịch giả Thân Trọng Sơn
GIẤC MƠ
Anh mơ thấy mùa thu qua ánh mờ ô cửaVà em, giữa đám bạn bè chếnh choáng ồn ào
Như con chim ưng, từng quen giết mổ
Tim anh quay về sà xuống giữa tay em.
Rồi thời gian trôi, già nua và nghễnh ngãng
Như lụa bọc ghế mục dần và tan rã như băng
Từ phía vườn, ánh bình minh đang nhuộm
Các ô kính với những giọt lệ đỏ sẫm lúc thu sang.
Rồi thời gian trôi, già nua và nghễnh ngãng
Em đang lớn tiếng bất chợt bỗng lặng thinh
Và cơn mơ tàn lụi ngay như tiếng vọng
Thanh âm vừa lịm tắt của hồi chuông ngân.
Anh vừa tỉnh giấc. Như mùa thu ảm đạm
Ánh rạng đông mờ nhạt. Cơn gió mạnh nổi lên
Lướt qua hàng bạch dương giữa lưng trời xa thẳm
Như suối rạ rơm trên cỗ xe chạy vút như tên.
GẶP GỠ (*)
Tuyết rơi ngập kín cả đường
Mái ngói nhà nhà tuyết phủ
Anh vừa đứng dậy duỗi chân
Em đứng bên ngoài khung cửa.
Em khoác chiếc áo mùa thu
Không giày, không cả nón mũ
Chừng như em đang phấn khích
Chống chọi cơn rét co ro.
Xa xa, hàng rào, cây cối
Chìm dần trong bóng tối mờ
Em đứng nép mình trong góc
Dưới màn tuyết trắng âm u.
Luồn theo hai bên tay áo
Nước chảy từ tấm khăn vuông
Trên mái tóc em, rất nhỏ
Lấp lánh từng giọt tuyết sương.
Dáng người và cả khuôn mặt
Áo mùa thu với khăn choàng
Hình ảnh của em rất thật
Đang được chiếu sáng rỡ ràng.
Trên đôi mi em tuyết ướt
Mắt em thoáng một nét buồn
Chỉ qua từng đường nét nhỏ
Em đà hiển hiện toàn thân.
Bút sắt nhúng vào hoá chất
Bằng cả nghệ thuật tuyệt vời
Tim anh có ai đã khắc
Hình em từng nét rạng ngời
Đường nét đơn sơ khiêm tốn
Vẫn còn lưu giữ rất lâu
Dẫu đời chua cay ác độc
Cũng không phai nhạt sắc màu.
Vào đêm tuyết lạnh hôm ấy
Thế là mọi thứ nhân đôi
Mặc ai phân chia ranh giới
Giữa hai chúng mình em ơi.
Ta là ai, từ đâu tới
Và rồi cũng phải ra đi
Nếu qua chuỗi ngày hiện tại
Chỉ còn những tiếng thị phi.
(* nhan đề dịch theo bản tiếng Anh. Tham khảo nguyên tác tiếng Nga, bài này có tên là Cвидание, HẸN HÒ)
ĐỪNG SẦU MUỘN
Đừng sầu muộn, đừng khóc, đừng dằn vặt,
Đừng dày vò sức khoẻ, trái tim mình,
Em còn đó, trong hồn anh, nguyên vẹn,
Như cơ duyên, trụ đỡ, mối chân tình.
Anh vẫn vững tâm, chẳng hề e ngại
Vẫn bền lòng tin tưởng ở tương lai,
Ta dứt bỏ mọi bịp lừa, gian dối,
Mối giao hoà, cuộc sống, vẫn không rời.
Từ nỗi buồn sầu héo hon yếu đuối
Đến khoảng trời thoáng đãng trong lành
Là sự chở che, lòng tin cậy, anh gởi
Như lời thư nồng ấm tặng em của anh.
Tựa chiếc phong bao, hãy mang cắt xé
Sự giao lưu với Chân trời mới bắt đầu
Lời em nói phải kiên cường như núi đá
Chế ngự ngay mọi ý nghĩa thương đau.
Lấp chỗ trũng những mặt hồ sâu thẳm
Với khối kết tinh đất đá núi đồi,
Em sẽ thấy anh chẳng hề giả tạo
Chỉ biết buông lời chót lưỡi đầu môi.
Với phước lành hãy yên tâm em nhé!
Tình yêu, danh dự, không dễ mất đâu,
Như mầm non, dưới mặt trời, vươn thẳng
Rồi mọi chuyện sẽ đổi dạng thay màu.
NỔI TIẾNG
Chẳng hay ho gì mà mong nổi tiếng
Có chút danh đâu phải được tán dương
Ích gì đâu khi gom từng trang viết
Lưu trữ dần dà thành sách thành chương!
Sáng tạo, thực ra chỉ là dâng hiến
Chứ phải đâu gây bàn tán xôn xao
Không thực chất, biến mình thành bia miệng,
Xét cho cùng, thật xấu hổ làm sao!
Hãy cố sống không khoe khoang hợm hĩnh
Cốt làm sao sắp xếp chuyện trong ngoài
Thu phục được tình yêu thương rộng khắp
Và thấu hiểu được tiếng gọi của tương lai.
Trên trang đời hãy dành nhiều chỗ trống
Mà không dành khoảng lặng giữa trang thơ
Đừng ngại đánh dấu bên lề tất cả
Từng khúc, từng chương số phận đời ta.
Và sẽ đến lúc âm thầm lặng lẽ
Rút lui dần, không để dấu vết nào,
Như ánh mai trong sương thu mờ mịt
Che khuất hết cảnh đất thấp trời cao.
Bao người khác sẽ lần theo từng bước
Trên những con đường ta đã đặt chân.
Nhưng chính mình, ta chẳng nên phân biệt,
Chẳng so bì thất bại với thành công.
Và hãy nhớ không phút giây phản bội
Niềm tin ta hằng ấp ủ bấy lâu
Điều quan trọng là nhớ luôn phải giữ
Nguồn sống cháy bùng mãi đến mai sau.
MÙA THU
Anh đành để cho gia đình phân tán
Bao người thân thiết lưu lạc khắp nơi
Một lần nữa, nỗi cô đơn dằng dặc
Vây bủa hồn anh, tràn ngập đất trời.
Túp lều tranh, em và anh ẩn náu
Khu rừng hoang vu không một bóng người
Lối cũ đường mòn, như lời bài hát,
Cỏ dại lan tràn phủ khắp nơi nơi.
Chỉ chúng ta thôi đang ngồi ở đấy
Bức tường gỗ mục buồn bã nhìn ta
Dẫu không hứa phải vượt qua trở ngại
Ta vẫn thực lòng chấp nhận chia xa.
Ta bẫn bên nhau qua bao giờ khắc
Anh đọc sách và em bận vá may
Khi ta ngừng, thôi không hôn nhau nữa
Ta nào hay đêm đã chuyển sang ngày.
Hỡi lá rừng, hãy cứ rơi xào xạc
Lộng lẫy hơn và cũng kiêu sa hơn.
Trong chiếc cốc đắng cay ngày tháng cũ
Sầu khổ hôm nay hãy rót cho tràn.
Tất cả quyến luyến, hân hoan, say đắm,
Ta tan vào trong ầm ĩ mùa thu
Hãy vùi đắm trong tiếng thu xào xạc
Cứ lặng im hay có thể điên rồ!
Em ngã vào vòng tay anh âu yếm
Tấm thân son trong vải lụa óng mềm
Em khẽ lắc cho xiêm y trút xuống
Như cây rừng trút hết lá rất êm.
Em hạnh phúc trên đường anh khổ luỵ
Khi cuộc sống tồi hơn cả thương đau
Và can đảm là cội nguồn cái đẹp
Chính là điều đưa ta đến với nhau!
KHÔNG ĐỀ
Thường ngày em hiền lành và xa cách
Hôm nay em cháy bỏng đến bất ngờ
Hãy để anh mang em cùng nhan sắc
Giam kín vào ngục tối của bài thơ.
Em nhìn kia, mọi thứ đều biến đổi
Trong vầng lửa toả dưới ánh đèn mờ
Cuối bức tường, và bên rìa cửa sổ,
Soi dáng vẻ và hình bóng đôi ta.
Em lặng lẽ ngồi yên trên ghế nệm
Hai chân thu kiểu dáng thật uy nghi
Bất kể ngoài sáng hay trong tối
Cách em nói vẫn con trẻ ngây thơ.
Em mơ màng, tay lần xâu chuỗi hạt
Những hạt cườm rớt xuống vạt áo em
Nhìn vẻ mặt em đang buồn rười rượi
Nghe em nói cũng chẳng vui gì thêm.
Hai tiếng Tình yêu nghe tầm thường quá
Anh sẽ tìm từ ngữ khác đem thay
Rồi vì em, anh sẽ đặt tên mới
Cho mọi sự vật trên thế giới này.
Có thể nào khuôn mặt buồn giấu được
Những rộn ràng tiềm ẩn trong tâm hồn?
Và trái tim luôn nồng nàn rạo rực?
Vậy cớ sao em để cặp mắt buồn?
CÂY HOA BIA (*)
Dây trường xuân phủ quanh cây liễu
Chúng mình đứng nép tránh cơn giông
Sát hai vai che chung áo khoác
Tay anh ôm chặt em vào lòng.
Rừng đây không có trường xuân mọc
Chỉ có hoa bia - anh nhầm rồi
Chắc tại bên em anh mê muội
Lấy áo ra trải xuống đất thôi.
(* hops, tiếng Pháp houblon, loại dây leo, hoa dùng để làm bia)
GIÓ
Em vẫn sống - anh không còn nữa
Và cơn gió rên rỉ than van
Lay động cả rừng cây nhà cửa
Đâu chỉ riêng lẻ từng gốc thông.
Bao nhiêu cây cối trong rừng thẳm
Cả khoảng không gian rộng mênh mông,
Khác nào chiếc thuyền buồm neo gió
Giữa cảnh trời mưa gió bão giông.
Nhưng phải đâu vì gió ngạo mạn
Hay là bởi giận dữ vu vơ
Mà chỉ muốn qua lời sầu thảm
Gởi tặng em một điệu hát ru.
ĐÊM ĐÔNG
Tuyết trắng cả đất trời
Khắp nơi nơi
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến sáng.
Như bầy ruồi mùa hè
Lao vào ngọn lửa
Những bông tuyết ngoài sân
Quất vào ô cửa.
Tuyết vẽ trên ô kính trắng
Hình mũi tên và vòng xoắn
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến sáng.
Những chiếc bóng chập chờn đổ lên
Trần nhà sáng
Hình chân tay vặn vẹo
Số phận quyện vào nhau.
Hai chiếc giày nhỏ bất chợt
Rơi xuống sàn
Giọt lệ nến từ chiếc đèn đêm
Rớt trên áo choàng.
Mọi vật đều tan biến trong
Màn tuyết trắng
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến sáng.
Góc nhà gió khêu ngọn lửa
Hơi nóng chừng như cám dỗ
Bay lên đôi cánh thiên thần
Có bóng hình cây thánh giá.
Tháng hai tuyết vẫn cứ rơi
Suốt cả tháng
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến sáng.
GIẢI THƯỞNG NOBEL
Con người, tự do và ánh sáng
Vẫn quanh đây, nhưng trên bước chân đi
Tôi nghe tiếng gầm gừ bầy thú dữ
Vây chặn tôi, dồn vào chốn hiểm nguy.
Rừng thăm thẳm, và bên hồ nước
Còn chơ vơ một gốc thông già,
Ngẫm ra e không còn lối thoát
Đành phó mặc cho tai hoạ xảy ra.
Mà tôi đã làm điều chi tội lỗi
Là quái vật hay là kẻ sát nhân?
Tôi chỉ làm cho thế gian rơi lệ
Trên đất mẹ đẹp đẽ vô ngần!
Nhưng dù đã cận kề cái chết
Tôi vẫn tin sẽ sớm đến ngày
Hận thù sỉ nhục phải lùi bước
Trước sức mạnh lẽ phải lòng ngay.
(Thơ dịch theo bản tiếng Anh của poemhunter.com)
Thơ BORIS PASTERNAK
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
14:59
Rating:
Không có nhận xét nào: