(VietNam Net) Soi rọi các hiện tượng xã hội dưới ánh sáng văn hóa - đó là công việc mà nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn đang theo đuổi. Dưới đây là những chia sẻ của ông với phóng viên VietNamNet nhân một câu chuyện thời sự.
Người Việt duy tình, cạn nghĩ, ăn xổi
Suốt tuần nay, dư luận ầm ĩ xung quanh sự kiện một diễn viên trẻ bị đưa chuyện phòng the lên mạng. Từ góc độ một người nghiên cứu văn hóa, nhận định của ông về việc này ra sao?
Có hai hiện tượng đáng để nhìn nhận.
Thứ nhất, việc tự quay phim ghi lại chuyện ân ái của mình, chứng tỏ một bộ phận lớp trẻ hiện nay có lối sống khá bế tắc, bất cần, muốn vượt ra ngoài các lề thói đạo đức thông thường.
Thứ hai, việc dư luận sôi sục lên trước sự kiện ấy, chứng tỏ chúng ta có một đám đông rất nhạy cảm, dễ bị kích động. Song tôi dự đoán, rồi cũng giống như một vài vụ trước, như vụ các cô dâu lấychồng Đài Loan, Hàn Quốc, nó chỉ là hiệu ứng lửa rơm sớm nở tối tàn. Lối sống thác loạn của một bộ phận giới trẻ không phải bây giờ mới có. Chờ nó được đưa ra sân chơi công cộng, mới nảy sinh "làn sóng" chú ý, mổ xẻ, lên án nó thì muộn quá rồi còn gì. Lẽ ra với một thái độ kiên trì và bình tĩnh, chúng ta phải mang ra bàn bạc từ lâu, vừa bàn vừa lắng nghe và chờ đợi. Cả buông xuôi lẫn nóng vội ở đây đều vô nghĩa, nếu không muốn nói là có hại.
Tức là, theo ông, hiện tượng dư luận ồn ào quá mức xung quanh một chuyện cá nhân là bất thường?
Không hẳn bất thường. Như người ta vẫn nói, cái nước mình nó thế. Từ thuở chỉ quanh quẩn trong các làng xã, chúng ta vẫn có lối phản ứng như vậy. Nó là một đặc điểm của tính cách người Việt.
Tôi nhớ, trong một bài báo gần đây, ông Trần Ngọc Thêm (nhà nghiên cứu văn hoá - PV) có nói: Đặc điểm tính cách người Tây là duy lý, người Tàu là duy ý chí còn người Việt là duy tình. Chữ tình, nói theo chữ của ông Thêm, là lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa của người Việt. Căn bản phải xem đó là một ưu điểm, một thế mạnh.
Nhiều người cũng nghĩ như ông Thêm.
Phần tôi, tôi cho rằng chỉ nên nói đặc điểm người Việt là tính tự phát rất lớn, thường là những cơn xúc cảm bùng lên, song không trải qua những suy ngẫm nên sẽ qua đi nhanh.
Tức, tôi không coi duy tình là một niềm tự hào. Trái lại, bên cạnh phần hay, nó có nhiều phần dở vì dễ làm cho người ta thiên vị lầm lạc và không kiểm soát được hành vi của mình. Căn bản nó cho thấy một trình độ sống còn thấp, ta phải tính để vượt lên một trình độ sống khác.
Cụ thể hơn, theo ông, "sự duy tình" có những điểm nào không đáng để tự hào?
Cả sự kém duy lý (vận dụng trí tuệ) và kém duy ý chí (sự thôi thúc của tham vọng) đều góp phần kìm hãm sự phát triển của chúng ta.
Yếu về lý tính dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ, kết quả là không biết sống, không tìm ra cách sống tối ưu. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình ở đây đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, -- điều tối cần trong xã hội hiện đại.
Như trong câu chuyện phần trên chúng ta vừa nói: cả các bạn trẻ hiện nay cũng sống truồi theo cảm hứng tự phát, không nghĩ đường xa. Mà dư luận cũng tự phát, ầm ĩ đấy rồi cũng bỏ qua ngay đấy.
Đằng sau nó là những nguyên nhân sâu xa...
Một khối tự phát khổng lồ
Vậy là, từ một hiện tượng ồn ào trong dư luận hiện nay, ông muốn đi tới những khái quát đúng cho cả chiều dài lịch sử. Liệu có gượng ép quá không?
Tôi không ngại, phải đi tới khái quát, lần này khái quát sai thì lần sau khái quát tiếp, bao giờ cho tới cái đúng thì thôi. Chứ lần mò mãi trong các hiện tượng cụ thể sẽ không bao giờ thay đổi được hiện trạng.
Hơn nữa, liệu cách nhìn nhận của ông về cốt cách sống của dân mình quá cực đoan và khắt khe? Người Việt xưa nay vẫn tự hào là một dân tộc hiếu học, thông minh và có sức chịu đựng bền bỉ.
Các phương tiện truyền thông và cả bản thân chúng ta vẫn thường tự ve vuốt mình bằng những nhận định như mấy chữ bạn đã dùng.
Còn tôi, sau một giai đoạn nghiên cứu về văn hoá và tính cách Việt, tôi mạnh dạn sử dụng hình ảnh “một khối tự phát khổng lồ".
Nói vậy có thể gây tự ái cho ai đó và có thể gây hiểu lầm. Ngay như bản thân tôi, cũng đã nhiều lần tự tìm cách phủ định nó, nhưng hiện tại tôi vẫn chưa tìm ra được dẫn chứng phủ định mà có sức thuyết phục.
Người Việt ít đặt vấn đề dụng công nghiên cứu cái gì cho sâu, cho kỹ. Chúng ta tự cho phép sống theo thói quen, nếu như có nói đến các lý thuyết, các định hướng nọ kia thì chủ yếu là đi thừa hưởng các kết quả nghiên cứu từ các dân tộc khác. Thêm nữa, chỉ treo lý thuyết lên gọi là có, chứ vẫn sống theo cách của mình.
Tôi ví dụ, đơn giản nhất là trong đời sống tôn giáo. Với đạo Phật, chúng ta hiểu biết lơ mơ. Về tất cả các lý thuyết, hầu như không nghiên cứu gì cả, phần lớn là dịch của nước ngoài, rồi làm cho nó giản lược di, truyền miệng với nhau. Trong tu hành thì chỉ lo "thiền", "ngộ", tức là ngồi để tự nhiên nghĩ ra cái gì đấy mà không tính chuyện khổ luyện.
Tôi nghĩ lối sống này làm nghèo chúng ta đi. Từ sự trống vắng, kết quả thu được cũng chẳng gì hơn cũng là trống vắng. Trong khi ấy, thử so sánh, người Trung Quốc có không biết bao nhiêu pho kinh, chẳng hạn như ông Huyền Trang sang tận Ấn Độ lấy về, dịch ra, họ đã mang lại cho đạo Phật một sức sống mới.
Bàn một chút về đặc điểm tính cách dân tộc. Theo ông, có những nguyên nhân nào tác động đến điều này?
Khi nhìn vào những ngổn ngang trong đời sống trước mắt, nhiều người có ý cho rằng đó là bởi các lý thuyết này khác mà chúng ta theo đuổi, chẳng hạn lý tưởng cộng sản... . Tôi thì lại thấy những nguyên nhân sâu xa cơ bản là nằm trong cái cốt cách mà dân tộc đã hình thành trong lịch sử. Chính nó quyết định việc ta đi theo một lý thuyết nào đó, nhất là có cách thực hiện lý thuyết ấy theo lối riêng của mình.
Hiểu rõ nguồn gốc dân tộc, sự hình thành của dân tộc mình là một trong những cách để nhận chân lại mình để tìm ra phương hướng hợp lý cho hành động. Không lo tính phương hướng mà chỉ kêu gào nhau hành động thì cuối cùng vẫn là giẫm chân tại chỗ, nếu không nói là mãi mãi sa lầy vào cái cũ.
Lấy một ví dụ:
Theo thuyết địa lý- nhân văn, mỗi khu vực địa lý tạo ra một giống người với đặc điểm riêng của họ.
Nói một cách thô thiển nhất thì chúng ta là người xứ nóng, một vùng nhiệt đới, được thiên nhiên ưu đãi, nên dễ sống, nó là hoàn cảnh tạo cho dân ta cái tính dễ dãi, thế nào cũng xong, rồi sinh hỏng việc.
Người xứ nóng thường có cuộc sống đơn giản.
Trước đây, thời các cụ, chẳng cần có quần áo, chỉ có cái khố cũng sống qua ngày được. Ngay trước Cách mạng tháng Tám, dân chúng ở ta phần lớn còn đi chân đất.
Trong khi đó, người xứ lạnh, thời tiết khắc nghiệt đòi hỏi họ phải chuẩn bị cho cuộc sống cẩn thận hơn. Phải có đôi giày để đi. Phải có những ngôi nhà bền chắc. Mọi vật dụng phải bền chắc hơn, có sức chịu đựng hơn... Tất cả những điều này ảnh hưởng một cách vô thức đến tính cách dân tộc.
Tự bộc lộ trong chiến tranh
Sau những nguyên nhân ban đầu ấy, mọi chuyện đã phát triển ra sao?
Một công cụ để một dân tộc nào đó tư duy, là chữ viết. Việc không hình thành cho được một thứ chữ viết riêng mang lại cho chúng ta rất nhiều hạn chế. Sự phát triển của trí tuệ Việt bị kìm hãm. Chính nó khuyếch đại thêm cái khía cạnh nông nổi tự phát mà chúng ta nói từ đầu.
Sau thời trung đại dùng chữ Hán sau này, đến khi bước vào thế giới hiện đại ta lại dùng chữ hệ Latinh. Lâu nay người ta chỉ thích nhấn mạnh rằng chữ Latinh góp phần thúc đẩy xã hội tiến tới. Tôi cũng thấy thế, nhưng lưu ý thêm chữ quốc ngữ càng làm cho chúng ta cẩu thả trong nói và viết. Nếp tư duy hời hợt lan rộng và xâm nhập vào mọi cách xử lý công việc, kể cả những cái gọi là đại sự.
Việt Nam, xét trong lịch sử, là một nước trải qua khá nhiều các cuộc chiến tranh. Yếu tố này có góp phần ảnh hưởng đến cái gọi là tính cách dân tộc không, theo ông?
Tất nhiên rồi. Trên nét lớn, chiến tranh ở ta còn để lại dấu vết nặng nề và càng không chịu nghĩ kỹ về nó, chúng ta càng bị nó ám.
Không cần có kinh nghiệm nhiều thì người ta cũng có thể biết chiến tranh là tình trạng ăn xổi, ở thì. Lúc đó, trong khi sống với những mơ tưởng xa vời, thực tế là người ta lại chả biết rõ ràng ngày mai của mình như thế nào.
Cụ thể hơn, hai cuộc chiến lớn của dân tộc trong thế kỷ vừa qua, để lại dấu ấn như thế nào trong đời sống tinh thần người Việt?
Chuyện lớn quá, cho phép tôi chỉ nói một điểm có tính cách xuất phát: phải nói chính ra chiến tranh nuôi dưỡng ảo tưởng. Ta không biết rõ ta đã trở nên như thế nào. Ta tưởng rằng, sau chiến tranh, mình còn nguyên vẹn, nhưng thực ra mình đã mất mát rất nhiều. Nhìn vào nhiều mặt đời sống, tôi cảm thấy so với trước chiến tranh, có một bước lùi. Con người ít tham vọng hơn, cẩu thả bừa bãi với mình hơn mà lại buông thả hơn.
Phải ông đang thiên kiến và liều lĩnh quá ? Có nhiều ý kiến cho rằng, chính cuộc chiến này đã khơi dậy, đánh thức được tiềm năng của các thế hệ.
Tôi cho rằng, nhận định đó là đúng nhưng chưa đủ, khi nói vậy chúng ta chỉ nói được một mặt của vấn đề.
Cuộc kháng chiến chống Pháp còn vừa sức với dân tộc ta.
Còn cuộc chiến chống Mỹ ư? Với tư cách một người vừa lớn lên thì bước vào chiến tranh, tôi muốn nói rằng nó to lớn vĩ đại, nó kinh khủng quá, nó hút hết sức lực của cộng đồng. Chiến tranh ở ta như việc một người nhỏ bé phải đối mặt với một thách thức quá sức. Vẫn làm được đấy, nhưng sau đó nó làm ta đau ốm bệnh tật không còn là mình. Tối thiểu là sẽ mệt mỏi, một sự mệt mỏi kéo dài cho đến hôm nay và chưa biết bao giờ xã hội ta như một cơ thể mới trở lại bình thường.
Việc nghiên cứu tính chất của xã hội hậu chiến ở ta ít được xem trọng. Nhưng nếu trở lại với lịch sử, đọc kỹ sách vở để nhìn rõ thực trạng đất nước sau chiến thắng quân Nguyên, quân Minh ...thì sẽ hiểu ngay.
Cả việc lớp trẻ lao đầu vào cuộc hưởng thụ lẫn một dư luận xốc nổi, khi quá khắt khe khi quá dễ dãi, tức là một đời sống tinh thần sa đọa, -- câu chuyện mà chúng ta nói từ đầu đến giờ --, cũng là hiện tượng thường thấy ở các xã hội hậu chiến đó.
Tóm lại chính chiến tranh đã thúc đẩy chất tự phát trong sự phát triển của dân tộc suốt từ 1945 tới nay?
Làm sao nghĩ khác cho được!
Hoàng Lê (thực hiện)
|
Không có nhận xét nào: