Trần Đình Sử
Văn học Việt Nam tính từ thời kì Đổi mới đến nay đã ngót nghét 30 năm, tính riếng từ đầu thế kỉ XXI đến nay cũng đã 15 năm, Đó là thời gian bằng cả giai đoạn văn học 30 năm 1945 – 1975, hoặc bằng giai đoạn văn học 1930 – 1945, giai đoạn văn học rực rỡ của thế kỉ XX. Đó là cả một giai đoạn lớn trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam đương đại. Trong hời gian ấy biết bao tác phẩm đã xuất hiện, biết bao nhà văn đã trưởng thành, khẳng định tên tuổi. Chỉ xét phần lớn các tác phẩm được giải của Hội nhà văn thường niên, giải các cuộc thi văn học do các báo, tạp chí, do Hội nhà văn phát động trong mấy chục năm ấy, điểm lại các tác phẩm đã gây sóng gió trong tiến trình văn học, nhìn lại các tác phẩm đã được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới và được dư luận quốc tế chú ý, ta cũng có thể nhận thấy những bước tiến lớn của văn học nước nhà. Chúng ta có thể chưa có tác phẩm vĩ đại, không thể vượt qua, song dứt khoát không hiếm tác phẩm xuất sắc, tài năng. Tuy nhiên cái gọi là bước tiến lớn, xuất sắc, tài năng ấy phụ thuộc vào sự đánh giá.
Nói đến sự đánh giá các thành tựu trong giai đoạn văn học vừa qua chúng ta sẽ vấp ngay vấn đề đánh giá khác nhau, mà trước hết là đánh giá khác nhau về chính trị. Nhiều tác giả tác phẩm được đánh giá cao trong dư luận trong và ngoài nước thường được nhắc đến khá mờ nhạt trong các báo cáo chính thức trong các văn kiện đại hội nhà văn, thậm chí được đánh giá tiêu cực trên một số báo chí có uy tín. Ngược lại nhiều tác giả tác phẩm được đánh giá cao trên các diễn đàn chính thức, các giải thưởng thì lại ít gây hiệu ứng tích cực trong đông đảo bạn đọc. Thậm chí có những trường hợp gặp ý kiến phản biện gay gắt. Tôi nghĩ đó là chuyện thường thấy trong dư luận đối với những tác phẩm mới. Khi người đọc còn đọc theo quán tính cũ, chưa quen với ngôn ngữ mới của nhà văn, tiêu chí đánh giá khác nhau, việc đánh giá đương nhiên sẽ có nhiều khác biệt, thậm chí đối lập. Nhưng đối với những tác phẩm đã qua một thời gian dài thử thách trong suốt hai, ba chục năm mà hứng thú đối với người đọc vẫn không suy giảm, sách tái bản trên quầy vẫn có người mua, vẫn gây được sự chú ý thì không thể nói là tác phẩm non kém hay ít giá trị, mặc dù đánh giá khác biệt vẫn còn. Tôi muốn nói đến một số sáng tác của các tác giả Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Ngyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Quốc Hải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Hoàng Minh Tường…, của các nhà thơ như Lê Đạt, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, và nhiều tác giả khác.
Từ thực tế đó chúng ta không thể chờ đợi một sự đánh gía thống nhất trong bối cảnh hiện nay. Nhất là từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nước xã hội chủ nghĩa láng giềng công nhiên thực hiện chính sách bành trướng thì cái gọi là lí tưởng xã hội chủ nghĩa không khỏi gây sự hoài nghi. Chủ nghĩa Mác Lê nin cũng không còn là triết lí duy nhất của nhà văn nữa. Nhà văn ngày nay còn có thể tham khảo nhiều triết thuyết hiện sinh, lí thuyết phân tâm học, lí thuyết nữ quyền luận, lí thuyết diễn ngôn, kí hiệu học, chủ nghĩa đối thoại, phức điệu, nhãn quan hậu hiện đại. Chủ nghĩa hiện thưc đã không còn độc tôn, nhà văn ngày nay có thể tham khảo các biểu hiện của chủ nghĩa hiện đại, độc thoại nội tâm, dòng ý thức, kết cấu phân mảnh, nghịch dị, trào tiếu. Thời đại ta là thời đại nếu không nói là đa nguyên về văn hóa thì cũng là thời đại không còn độc tôn một thứ triết thuyết nào trong đời sống văn hóa. Sự phân tán sâu sắc về lí tưởng, về giá trị và ý nghĩa đời sống là hiện tượng phổ biến, nhiều khi thể hiện ngay trong một người. Mặc dù văn nghệ vẫn có cái chung. Văn học ta hiện nay đang nghĩ nhiều về thân phận con người và số phận dân tộc, song cách nghĩ về nội dung lại rất khác nhau. Trong điều kiện đó muốn đánh giá đúng tiến trình văn học thiết nghĩ cần xây dựng một môi trường dân chủ đối thoại, khoan dung để dần dần nhận ra giá trị đích thực của các sáng tác văn nghệ.
Trong đánh giá văn nghệ định hướng chính trị, tư tưởng cố nhiên là rất quan trọng. Tuy nhiên, tiêu chí định hướng chính trị trong phê bình thì tiếc thay thường được hiểu rất hẹp, thiếu tầm nhìn xa. Ví dụ như tác phẩm Truyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đương thời được coi là vi phạm cấm kị, đề tài nhạy cảm. Nhưng hôm nay, khi nhà nước ta đang chủ trương cải cách tư pháp, nâng cao trình độ công bằng trong việc bắt người, giam giữ và xét xử, chống oan sai, thì cuốn sách chính là nói về thực tế đó trong thực tiễn tư pháp của ta thời trước, một tư lieu rất quý để học tập cải cách tư pháp, chống oan sai. Như thế đối với hôm nay thiết nghĩ nó không có gì đáng cấm kị. Hoặc như cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đương thời bị phê phán chủ yếu là do không miêu tả chủ nghĩ anh hùng một cách chính diện, không ca ngợi chiến tranh chính nghĩa, nhấn mạnh mặt đâu thương mất mát, không giống như chính trị yêu cầu tuyên truyền. Nhưng tiểu thuyết không hề chống đối chính trị, nó nêu cao tư tưởng hòa bình, chiến tranh là bất đắc dĩ, nó thể hiện tính khốc liệt, sức phá hoại của chiến tranh, dự báo những hậu quả to lớn mà càng về sau ta mới càng thể nghiệm hết, nhất là trong đời sống của mỗi cá thể, mỗi gia đình. Nó làm được vai trò thức tỉnh lường tri và ý thức đạo đức cho con người khi nhìn nhận về chiến tranh. Như thế nó thống nhất với tư tưởng chính trị lâu dài của đảng và nhà nước. Chính vì vậy mà từ 2006 tác phẩm đã được cấp phép xuất bản chính thức nhiều lần, coi như giải tỏa sự phê phán trước đây. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người phê phán Bảo Ninh, lúc sinh thời cũng đã kịp công khai tự phê bình và xin lỗi nhà văn Bảo Ninh trước Đại hội nhà văn khóa vừa qua. Như thế, nếu chúng ta có thái độ dân chủ, bình tĩnh, đối thoại, khoan dung thì tác phẩm không đến nỗi phải chịu những búa rìu khônng đáng có. Và việc khẳng định thành tựu văn học sẽ giảm bớt khó khăn.
Như vậy, muốn đánh giá đúng các thành tựu của văn học từ năm 1986 đến naykhông chỉ đòi hỏi người đánh giá phải có quan điểm lịch sử, nhãn quan văn hóa, hiểu đúng đặc trưng của văn nghệ và nhất là phải có dũng khí, mà đòi hỏi có môi trường dân chủ, đối thoại trong đời sống văn nghệ. Nhiều bài phê bình gay gắt chỉ vì chưa thấm nhuần đặc trưng của văn nghệ. Chỉ có ai biết nhìn thẳng vào sự thật như tinh thần nghị quyết trung ương Đảng đại hội VI, tháng 12 năm 1986 thì mới đánh giá được. Câu nói “cởi trói” với ý nghĩa là giải phóng tư tưởng do đồng chí lãnh đạo tối cao của Đảng lúc bấy giờ thốt ra trong cuộc gặp gỡ có tính lịch sử với đại diện văn nghệ sĩ Việt Nam đầu năm 1987 là một sự kiện xuất thần, duy nhất, không lặp lại. Nhưng cái xuất thần ấy đã châm ngòi và truyền cảm hứng cho một trào lưu văn nghệ không thể đảo ngược.
Văn học Việt Nam từ 1986 đến nay, xét từ các tác phẩm ưu tú, đã là một nền văn học hoàn toàn khác so với văn học Việt Nam trước 1975, khắc phục tính tuyên truyền chính trị, mà đi sâu vào các tầng vỉa văn hóa. Vẫn gắn bó với nhân dân, Tổ Quốc, với sự nghiệp của Đảng, song đã mở rộng, đào sâu hơn rất nhiều về đề tài, chủ đề trên các phương diện văn hóa. Nhiều tác phẩm dự báo tình trạng phân hóa xã hội và sự xuống cấp về đạo đức lối sống hôm nay. Nhiều tác phẩm dự báo hậu quả chiến tranh khốc liệt lâu dài mà đến nay chúng ta vẫn đối mặt.Không ít tác phẩm đã tư duy lại về tiến trình lịch sử từ phương diện văn hóa, nâng cao tầm suy nghĩ của người đọc đối với các vấn đề đời sống. Nhà văn đã có những câu chuyện của riêng họ để kể cho bạn đọc. Về phương diện nghệ thuật có thể nói văn học đương đại Việt Nam đã có một diện mạo hết sức phong phú, đa dạng, tiếp cận với trình độ của một nền văn học hiện đại. Tôi hoàn toàn lạc quan đối với văn học nước nhà.
Tuy vậy đánh giá hết những tìm tòi của nhà văn vẫn đang là một công việc ở phía trước. Trong tình hình hiện tại việc phân tích, khái quát những khám phá mới, sâu sắc có thể chưa có lợi cho nhà văn. Nhiều trường hợp, đối với tác phẩm chỉ có thể khái quát chung chung vừa phải, chưa có thể sâu sắc. Có thể rồi phải qua một thời gian khá lâu nữa nhà phê bình văn học mới có thể nói hết tầm vóc sáng tạo của nghệ sĩ hôm nay. Khó khăn trong quan hệ phê bình và văn học không chỉ do tài năng, năng lực của nhà phê bình, mà còn do sự cấn cái trong quan niệm chỉ đạo văn nghệ. Theo dõi sự quan tâm chỉ đạo của Đảng đối với sự nghiệp văn nghệ của đất nước sẽ thấy cội nguồn của sự đánh giác khác nhau về văn nghệ đã nằm ngay trong quan niệm về quan hệ văn nghệ và chính trị thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng. Xin trích văn kiện Trung ương V Đại hội VIII của Đảng : ““Vừa bảo đảm cho văn hóa, văn học nghệ thuật… phát triển đúng định hướng chính trị tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm thực hiện quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật” [1]. Tiếp theo là Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (2004) tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của công tác văn hóa (…) tôn trọng tự do sáng tác, xây dựng quan hệ chân thành cởi mở đối với đội ngũ những người hoạt động văn hóa, có chính sách trọng dụng người tài đồng thời chăm lo định hướng chính trị và ý thức trách nhiệm công dân nhằm phát huy cao nhất đóng góp của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ (…) cho sự nghiệp phát triển văn hóa”[2]… Tôi hoàn toàn tán thành với Đảng là văn nghệ cần có định hướng. Có định hướng thì mới xây dựng một nền văn nghệ lớn, hiện đại. Tuy nhiên tôi cảm thấy chỉ định hướng chính trị, tư tưởng sợ rằng quá hẹp. Nội dung văn nghệ không thể gói trọn trong hai chữ chính trị. Đánh giá đúng theo định hướng chính trị của Đảng thì nhiều tác phẩm sẽ không được đánh giá cao hoặc bị phê phán, mà đánh giá theo yêu cầu “đảm bảo “thực hiện quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật” thì tác phẩm ấy lại có thể được nhìn nhận theo một cách khác. Ví dụ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi nghĩ rằng, định hướng chính trị, dù rất quan trọng vẫn không đồng nhất với tiêu chí nội dung của văn học, nghệ thuật. Sáng tác là sản phẩm sáng tạo văn hóa, mà giá trị của văn nghệ là thức tỉnh lương tri và ý thức đạo đức cho con người qua các hình tượng thẩm mĩ. Nên chăng trong sáng tác nghệ thuật cần nêu cao định hướng văn hóa, giá trị thức tỉnh lương tri và đạo đức, để sự đánh giá văn học nghệ thuật được thuận chiều?
Qua thực tiễn phê bình văn học thời gian qua chúng tôi nhận thấy về lí luận vấn đề mối quan hệ chính trị và đặc trưng văn nghệ vẫn còn chưa được giải quyết thấu đáo, cần được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới. Trong thời đại mà văn nghệ không còn được coi là cái “tòng thuộc chính trị như trước nữa”, không phải là công cụ tuyên truyền trực tiếp cho chính trị, các nghị quyết Đảng nên nêu ra định hướng văn hóa cho văn nghệ. Tôi rất tâm đắc với các ý kiến sau đây của GS. TSKH Lê Ngọc Trà viết tháng 11 năm 1987, cách đây đúng 28 năm, vào lúc Đổi mới đang còn cao trào : “Trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như chiến tranh cách mạng, ý thức chính trị trở thành nội dung cơ bản của ý thức xã hội, bao trùm lên các ý thức khác. Lúc đó tiếng nói văn nghệ trùng với tiếng nói chính trị. Nhưng còn trong những ngày bình thường, chính trị và văn học không hát cùng một bè trong bản đồng ca một giọng mà mỗi thứ đảm nhận một bè khác nhau trong bản giao hưởng phức điệu thống nhất và đa dạng của cuộc sống.”[3] Sự lãnh đạo văn nghệ không nên hướng tới văn nghệ hát chung một bè, cùng nói một giọng với chính trị, mà nên là các bè bổ sung nhau, hòa điệu với nhau. Hướng tới sáng tạo một nền văn nghệ phong phú tuy có khó khăn song vẫn nên kiên trì xây dựng một môi trường dân chủ, đối thoại, cởi mở, khoan dung, để cho các ý kiến khác nhau được trình bày , cùng suy nghĩ, có nhiều tiếng nói. Trong viễn cảnh đó các sáng tác văn nghệ sẽ được phơi mở nhiều giá trị sâu sắc, phong phú của nó. Các giá trị văn nghệ đích thực sẽ được khẳng định. Diện mạo của một giai đoạn văn họ sẽ được đánh giá toàn diện.
Tóm tắt
Văn học Việt Nam từ 1986 đến nay có nhiều thành tựu, song sự đánh giá nhiều khi rất phân tán, trái chiều, phức tạp nhất là việc vận dụng tiêu chí “định hướng chính trị tư tưởng”. Không ít tác phẩm vấp phải vấn đè nhạy cảm chính trị mà bị lên án, cấm đoán, sau một thời gian, tính nhạy cảm của vấn đề suy giảm, tác phẩm lại được đón nhận. Từ thực tế đó chúng tôi đề nghị khi đánh giá văn học nên vận dụng tiêu chí định huớng trên tinh thần văn hóa, tránh đẩy tác phẩm văn học, do khác biệt về nội dung so với chính trị vào địa vị thù địch, tạo điều kiện cho văn nghệ phát triển.
[1] Về lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới NXB CTQG,H,2001, tr. 73-74. Người trích in nghiêng và nhấn mạnh.
2Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong những năm sắp tới – sách Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001 – 2004, Tlđd, tr.245. Người trích in nghiêng và nhấn mạnh.
[3] Lê Ngọc Trà. Văn nghệ và chính trị, trong sách Lí luận và văn học, nxb. Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr. 22. Tác phẩm được trao Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, năm 1991; được phong tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, năm 2010.
Không có nhận xét nào: