Alexander Cammann
Phạm Kỳ Đăng dịch
Đi trước hàng nhiều năm ánh sáng: Vì sao văn chương từ CHDC Đức vẫn còn vượt trội hơn những tác phẩm của miền phía Tây.
Trong buổi chiều ấy chiếc xe tăng đứng đơn độc trên con phố rộng ở Đông Berlin; ống súng đại bác của nó hướng về quảng trường Alexanderplatz. Đó là ngày 07.10.1989. Trong Cung điện Cộng hòa, Erich Honecker (1) và các đồng chí liên hoan mừng 40 năm ngày thành lập CHDC Đức, nơi cách đó chỉ vài mét, chính quyền nhà nước lần cuối cùng đánh đập những người đối lập. Một kẻ lạc trận vừa tròn 26 tuổi, trên đường về nhà nhìn thấy cỗ xe tăng trong màn đêm – và đột nhiên một ước vọng vô cùng kỳ lạ xâm chiếm lấy hắn: Hắn muốn nằm xuống trong cái bóng của nó “dựa người vào cỗ bánh và xích kim loại, nhiều phút khép mắt lại“. Cái cỗ máy của những cuộc nội chiến đánh thức nhu cầu ngủ của hắn, như sau này hắn còn nhớ lại: „Hắn chán chường tất thảy mọi thứ, chán buổi bình minh xã hội chủ nghĩa dài dặc, sự uể oải của một phong cảnh toàn bộ do tình cờ hắn đã lạc vào đó như lạc vào một cái bẫy khổng lồ.“ Một lần nữa hắn định tâm:“ Sự thể diễn ra, như thể tôi, xe tăng đốc sau lưng, chỉ riêng mỗi một lần này muốn ngủ vùi quên lịch sử hàng nhiều phút, trước khi tất cả lăn bánh“. Một cảnh giã biệt ra sao: một cỗ máy khổng lồ mới rồi còn uy thế giờ đây đã bất lực, cho tới lúc đó còn ngự trị lên thế kỷ - và nhà thơ trẻ muốn sờ thấy nó một lần nữa, chính bây giờ, bởi thời đại của nó đã đi qua. Sáu năm sau, tất cả đã chuyển bánh, sáu năm sau chàng trai Durs Grünbein (2) còn trẻ đã tường trình về cuộc giã biệt chiếc xe tăng hấp hối.
Xe tăng đốc sau lưng: Đó là phương thức sinh tồn của CHDC Đức cho tới ngày cuối. Heiner Müller (3), người phát hiện ra Grünbein và là người đọc diễn văn trao thưởng năm 1955, trong những vở kịch của mình đã để cho xe tăng xô viết T-34 từ phương Đông lăn tới; chúng mang lại giải phóng và hãm hiếp. Với Werner Bräunnig (4), vào ngày 17.06.1953 chúng đe dọa trong đoạn kết đáng tiếc hơi khiên cưỡng về ý hệ ở cuốn tiểu thuyết Quảng trường Rummel (Rummelplatz) của ông không bao giờ được xuất bản tại CHDC Đức mà mãi tới năm 2007 mới ló ra từ kho lưu trữ. Năm 1961, một Franz Führmann (5) còn trung tín đã viết về những chiếc xe tăng cảnh giới cho việc xây tường Berlin:“ Thế là tốt, chúng đứng đó, vì điều bức thiết“. Và trong cuốn Cái tháp (Der Turm) của Uwe Tellkampf (6), ở một chương viết gay cấn, nhân vật chính Christian Hoffmann vào dạo cuối những năm 80 trong một cuộc tập trận đã khổ sở vượt qua một chuyến hành quân bằng xe lội nước lặn qua sông Elbe. Giai thoại về thời kỳ tận thế của Durs Grünbein xảy ra năm 1989, thật vậy, không chỉ biến thể cái vị trí tương tác cổ xưa, có thể hơi cũ kỹ của quyền lực đối với cá thể trong những màu sắc xỉn của một CHDC Đức rệu rã. Vượt ra ngoài phạm vi đó, một lần nữa nó biểu trưng nghịch lý về văn hóa ngay từ đầu thuộc về cách thức tồn tại của CHDC Đức. Nhiều thứ tuy rằng bị cán bằng đi một cách tàn bạo, đồng thời trong bóng phủ của quyền lực luôn nảy sinh nền nghệ thuật trọng đại mạnh mẽ hơn xích xe tăng sắt thép. Xe tăng cán sau lưng, trải qua nhiều thập niên đơm hoa kết trái chút gì đó cần phải được phát hiện lại trong ngày hôm nay: nền văn học nọ được nuôi dưỡng từ một nghiệm sinh có tên CHDC Đức.
Đã đến lúc cấp bách cho một cái nhìn mới như vậy. Bởi vì trong khi Grass (7), Enzensberger (8) & Co vẻ như đang tới lui tua vòng trên đường đi tới bất tử, trong khi phần nhiều, những gì nhóm 47, Arno Schmidt (9) và mọi người khác từ 1945 đã để lại, là điển phạm với ít hay nhiều lí do chính đáng, thì ngược lại, cái phong cảnh văn chương phía đông đã thành lịch sử, xưa kia được để mắt, ái mộ, ngày nay, hai thập niên sau thống nhất, không ai nhận biết đã thành ra một vùng chưa quen biết rộng lớn. Ở đó sự đa dạng bị lãng quên một cách bất công, vẻ quyến rũ sôi sục và kỳ vọng thẩm mĩ, những câu chuyện mạo hiểm và những số phận độc ác những hẳn sẽ tác động lên người đọc hôm nay sa đà vào vẻ đẹp lu mờ này những nghiệm trải đọc sâu sắc hơn một số mặt hàng Walser-Wohmann-Wondratscheck (10). Chắc chắn thế: Một nền độc tài không tự động sinh ra những tác phẩm hay hơn; lịch sử văn chương từ Goethe (11) qua Mann (12) cho tới Pynchon (13) minh chứng điều đó. Nhưng trong trường hợp của CHDC Đức, thử gạt bỏ sang bên thứ rác rưởi tuyên truyền dung tục, người đọc không chỉ cảm nhận một tính nghiêm túc đặc biệt, gói ghém trong những hình thức động chạm đến sinh tồn cũng có thể phát huy tác động nghệ thuật của nó dưới những biểu hiệu chính trị khác. Có khi vết thương của CHDC Đức đã không liên tục sản sinh ra văn chương Đức hay hơn, nhưng lúc nào cũng sôi động hơn.
Những hiểm hóc đương nhiên rình rập khắp nơi trên một chuyến đi phát hiện lại. Bởi chưng một cái nhìn mới thực ra có ý nghĩa gì cơ chứ? Xét cho cùng thì trước 1989 Christa Wolf (14) và Heiner Müller đã là những đại trí thức Đức tầm cỡ Grass, Habermas (15), Enzensberger, được ngưỡng mộ tôn thờ và bị thù ghét dữ dội; ngay từ những thập kỷ trước đó họ đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ thế giới. Nếu cả như Elfriede Jelinek (16) và Dario Fo (17) được tưởng thưởng bằng giải Nobel, hẳn nhiên Heiner Müller cũng tương tự đáng phải nhận được giải đó; chỉ có điều ông ấy mất quá sớm, trước cả năm 1996. Rất lâu trước 1989, Jurek Becker (18), Wolf Biermann (19), Christoph Hein (20), Günter Kunert (21), Günter de Bruyn (22), Sarah Kirsch (23), Ulrich Plenzdorf (24), Monika Maron (25) và nhiều tác giả khác đã thuộc về điển tác văn chương Đức thế kỷ 20. Văn chương của họ nằm trên chương trình giảng dạy và trong sách giáo khoa; chúng luôn được in ra với số lượng ấn bản cao hoặc, thế đấy, ít ra luôn gặt hái đầy rẫy giải thưởng. Nếu như nhãn quan hướng Đông đóng một vai trò trong nước Đức chia cắt, thì hẳn điều đó xảy ra trong sách in. Nếu như từng có một dân tộc văn hóa không sao chia cắt, thì hẳn may mắn sao, cái đó có trong văn chương Đức sau 1945.
„Và dẫu sao điều này thường thức dậy cảm tưởng rằng cái nguyên bản Đức, kể cả trong văn chương, là liên bang Đức, phía Đông là một di loài đặc biệt“. Diễn đạt nên điều phản kiến này không phải là một người hoài niệm phía Đông không sao cải tạo được, mà là một Monika Maron, người năm 1988 sang phía Tây và chưa bao giờ nhỏ theo một giọt lệ khóc thương nước CHDC Đức. Cảm giác của bà không đánh lừa, bởi vì sự quan tâm của CHLB Đức cũ dành cho một dị chủng phía Đông độc đáo này đã có một lý do chưa bao giờ làm biến đi hoàn toàn cái khoảng cách bên trong: Đó là một quan hệ phóng chiếu tạo nền tảng sức thu hút của vùng phía Đông. Những đường đá lát tảng và những đại lộ rợp bóng cây, những mùi bị quên lãng từ lâu và màu xám xịt hiện diện khắp nơi, sự chậm rãi và những ngôi nhà tàn tạ trong vẻ u buồn, sự nghiêm trọng mang tính sinh tồn, lối sống thị dân ấm êm an phận và ý thức truyền thống về nghệ thuật: đối với công dân được học hành tại CHLB Đức, CHDC Đức đã trở thành một phong cảnh của mộng mơ và an ủi đang thực sự hiện tồn, điều này nhà xã hội học Heinz Bude (26) ngay từ giữa những năm chín mươi đã lưu ý tới: „ Miền Đông trở thành bức tranh ao ước ngấm ngầm về một quê hương văn hóa mà chủ nghĩa Quốc Xã từng phá hủy“. Nơi đây miền Tây còn có thể lên đường tìm về chất nguyên bản cứ cho là đã mất của một thời Tiền hiện đại:“ Ở đó còn khả dĩ những câu chuyện mà người ta không còn có thể hình dung ra trong một hiệp hội tiêu thụ lớn“. Ở đó nỗi khát khao này nơi một số chí ít còn liên lụy đôi chút với cảm tình chính trị dành cho CHDC Đức, dẫu cho người ta thường cắt đi cảnh nhà tù của An ninh, để khỏi làm nhiễu đi cái mỹ miều lãng mạn của ảm đạm. Hơn vậy, những phong cảnh phía Đông giữa sông Elbe và sông Oder, cả những phong cảnh văn chương nữa, trước hết là một thiên đường hưởng thụ về mặt tâm hồn dành cho vùng phía Tây đã mỏi mệt vì chủ nghĩa hiện đại đã phân rã hết cỡ của riêng mình.
Kể cả sau 1989, sau kết thúc của CHDC Đức, mối quan hệ phóng tưởng này vẫn tiếp diễn. Không chỉ các tác giả vùng phía Đông thành danh vẫn còn được đọc nhiều: Trong một tốc độ nghẹt thở, những giọng nói miền Đông đã bỏ lại các đồng nghiệp vùng Tây Đức ở lại sau lưng mình, đi trước là Ingo Schulze (27) và Uwe Tellkamp. Heinz Bude đã chẩn đoán trước ra sao: „ Một số người trẻ hơn hoặc thông thái hơn từ miền Đông đã hiểu rằng bức tranh về miền Đông hoàn toàn có cơ may riêng của nó trong những bước đột biến không ngừng của nền văn hóa đại chúng vĩ đại của chúng ta“. Và trên đỉnh olympic của các thi hào Đức ngày nay đang ngự ngôi những nhà văn mà tác phẩm của họ được tạo hình hài theo khuôn thước từ kinh nghiệm của CHDC Đức, đã từ lâu rồi như thế: Trước 1989 Uwe Johnson vào năm 1971 (28), Reiner Kunze năm 1977 (29), Christa Wolf 1980 và Heiner Müller 1985; sau ngày thống nhất Wolf Biermann năm 1991, Grünbein 1995, Sarah Kirsch 1996, Volker Braun năm 2000 (30) và cuối cùng Wolfgang Hilbig 2002 (31) đã nhận giải Büchner của Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức tại Darmstadt, - không hề là hạn ngạch tồi cho một miền đất có ít dân cư hơn bang Nordrhein-Westfalen.
Trong chừng mực đó nhìn trên phạm vi toàn Đức, phóng chiếu qua phóng chiếu lại, dị loài văn học phía Đông khá rực rỡ, chưa kể thêm rằng một trong những đại diện của nó lại đây mới đoạt Giải Sách Đức: nữ nhà văn Kathrin Schmidt (32) sinh năm 1958 tại Gotha vùng Thüringen với cuốn tiểu thuyết Mi không chết (Du stirbst nicht). Và ở điểm này còn có một ví dụ hoàn toàn ẩn chứa theo kiểu khác cho phép dẫn ra ở đây: Từ một vài năm nay, nhà thơ và nhà soạn kịch Peter Hacks (33) đã chứng nghiệm một thời phục hưng đáng ngạc nhiên, ở bản quán nơi đây tựu trung chỉ có thể so sánh được với sự phát hiện lại nhà văn Áo Heimito von Doderer (34) vào những năm 90. Mới đây còn có hẳn một nhà xuất bản riêng mang tên Aurora rất mang tính chất Hacks sẽ chỉ chuyên phục vụ in ấn tác phẩm của ông. Nhìn vào thế lực diễn ngôn của miền Đông này, một tác giả xuất thân từ miền Tây Đức hoàn toàn có thể khó chịu. Và do đó Monika Maron có thể nhìn sự vật một cách điềm tĩnh hơn.
Nhưng sự thể không hề hoàn toàn đơn giản như thế. Bởi chưng dây mơ rễ má của nền văn chương thành công Đông Đức sau 1989, nghĩa là nguồn gốc của nó từ lịch sử trước đó, biến đi trong một quá khứ của CHDC Đức từng ngày từng giờ trở nên không thể bao quát được đối với những kẻ hậu sinh. Rằng nền văn học đó có được thành tựu nhờ phóng chiếu, tuy vậy sức thẩm mĩ lại có được nhờ một mối liên kết truyền thống của nền văn hóa ưu trội của ngôn từ, nơi vấn đề thường xuyên xoay quanh cái tổng thể và cái vĩnh cửu: Nhận thức này đột nhiên lại hiện diện, nếu như người ta một lần nữa tái hiện sự dữ dội ở mức văn chương trước 1989 đã vật vã với chính nó, với những thứ khác và với quyền lực.
Bởi rằng Peter Hacks, người di trú sang phía Đông vào năm 1955, đã viết cho chàng trai Tây Berlin trẻ Ronald M. Schernikau (35) ưu tư việc di trú sang CHDC Đức: „ Nếu như ông có ý định trở thành một nhà thơ lớn, ông phải sang CHDC Đức; đất nước này một mình nó, theo cái cách kinh khủng của mình, đặt ra những vấn đề của thế kỷ“. Ít khi trượt xuống dưới mức đó. Cả Heiner Müller - kẻ thù của Hacks („Chúng tôi khinh bỉ nhau với sự tôn trọng. Với sự tôn trọng lớn, chẳng phải bàn“, - vẫn lời Müller) về cơ bản nhìn nhận tương tự và cám ơn vì chất liệu CHDC Đức mang tới. Ngược với điều này, tình cảnh nghệ thuật ở phía Tây rắc rối hơn: Ở đó vấn đề không liên quan tới sự lâu bền, mà là sự có mặt chốc lát, sự đại diện. Và phần nào điều này là khai tử đối với nghệ thuật“. Thường kỳ, các tác giả phải ném tiểu thuyết ra thương trường, để hiện diện; sự sợ hãi do đó sinh ra văn chương đuối sức. Với câu nói đó, Müller đã điểm trúng huyệt tử sinh của hoạt động văn chương Đức miền liên bang.
Ở phía Đông nói chung, sự kiểm duyệt ngăn chặn tác phẩm và hủy hoại tác giả. Những vấn giải và khủng hoảng tồn tại khắp nơi: Sự thất bại bi đát là một chương chuyên biệt của lịch sử văn chương miền Đông Đức. Thí dụ Werner Brünig: Sinh năm 1934, năm 1953 vì tội buôn lậu bị xử 2 năm tù giam, làm thợ mỏ, cuối cùng là sinh viên ở Viện Văn học Leipzig, vào năm 1959 tại Hội nghị Bitterfeld (36) ông đã là người xướng lên lời hiệu triệu Cầm lấy bút bạn ơi! Nền văn hóa dân tộc xã hội chủ nghĩa đang cần bạn, thông qua đó những cái gọi là nhà văn công nhân cần được chiêu mộ nhằm „lao lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của văn hóa“ (theo lời Walter Ulbricht). Sau này tại hội nghị bất thường lần thứ 11 của Trung ương đảng Công nhân Xã hội thống nhất Đức năm 1965 ông đã bị phê bình gay gắt vì một chương xuất bản trước từ cuốn tiểu thuyết Rummelplatz (Quảng trường Rummel) vừa mới hoàn thành: Chỉ có Christa Wolf dũng cảm bảo vệ ông. Cuốn sách hiện thực, thô tháp và ngày hôm nay mang vẻ cổ hủ cũng nên về thế hệ trẻ sau 1945 đã không được phép xuất bản; năm 1976 Bräunig nghiện rượu chết đi. Trong cuốn tiểu thuyết của mình ông đã đưa ra lời mô tả hoàn toàn trúng đích của thế hệ CHDC Đức, trong sự thống nhất và riêng biệt: „ Tất cả chúng ta ngồi trong một con tàu và cùng thao diễn một động tác và tất cả đi theo cùng hướng. Mà tuy thế từng người muốn đi hướng khác và xuống nơi khác kia. Và từng người lại tới đây từ nơi nào khác.“
Thí dụ như Franz Führmann: Sinh năm 1922, một người theo chủ nghĩa Quốc Xã thành tín, trở thành nhà văn - cán bộ lãnh đạo của CHDC Đức sau khi mãn hạn tù chiến tranh của Xô viết, để rồi trong tiến trình những năm 60, sau những cuộc khủng hoảng nặng nề và thôi nghiện rượu đã lột xác trở thành một tác giả phê phán. Các bài tiểu luận của ông là „tuyệt đối văn chương thế giới“, Uwe Tellkamp hào hứng, người trong cuốn tiểu thuyết Ngọn tháp (Turm) qua nhân vật nhà văn Georg Altberg, „lão nhân vùng núi“ đã làm cho tác giả bị vùi sâu vào quên lãng trở nên vĩnh cửu. Ngược lại, đối với nhà cộng sản cố cựu Peter Hacks, Führmann là kẻ phạm tội chính của “âm mưu trí thức phản cách mạng“ trong cái đám „viết văn xét lại“ ở nước CHDC Đức: ý nói sự chuyên tâm tích cực vào thời kỳ Lãng mạn Đức, trước hết được Christa Wolf, Günter de Bruyn và đương nhiên Fühmann khởi động trong những năm 70. Năm 1973 cùng với cuốn Hai mươi ngày hay một nửa cuộc đời người này đã đạt đến một loại hình văn học tập hợp những câu cách ngôn, những nhận xét ngắn mang tính tiểu luận và những quan sát cá nhân; ông ấy viết những cuốn sách cho thiếu nhi tuyệt vời và trở thành người khuyến khích không mệt mỏi cho những nhà thơ trẻ như Uwe Kolbe (37) hay Wolfgang Hilbig. Vậy mà dự án sách Bergwerk (Hầm than) được chuyên tâm theo dõi hàng năm trời còn lại là một bãi xỉ than trùng điệp. Khi ông mất vào năm 1984, sự tổng kết cuộc đời ông ra chiều phủ nhận: „Tôi mang nỗi đau man rợ. Nỗi đau lớn nhất là thất bại: trong văn chương và trong hy vọng vào một xã hội như chúng ta tất cả đã một lần từng mơ“. Führmann cấm những cấp cán bộ lãnh đạo hội nhà văn Hermann Kant (38) và Dieter Noll (39) tham dự lễ tang ông và thay vào đó ông để lại đời sau một di nguyện giành được bằng xương máu: „Tôi chào tất cả các đồng nghiệp trẻ đã lựa chọn cho mình sự thật như là giá trị cao cả nhất của sự viết.“
Hy vọng hằng mơ và sự thật chọn lựa: Tình thống thiết này vang lên xa lạ và bỡ ngỡ trong đôi tai hậu hiện đại của chúng ta. Nhưng mà dạo đó nó bức thiết thuộc về những cuộc tranh đấu về tinh thần. Trong đó phản ánh một nghiệm trải thế hệ đầy những rạn nứt, đấu tranh, tuyệt vọng và quẫy cựa. Chính trị và An ninh quốc gia thường luôn hiện hữu. Và thư thoảng buồn cười làm vậy như sự tranh biện nọ tại một cuộc gặp gỡ nghệ sĩ trong hội đồng nhà nước, khi luận bàn về Faust của Goethe trong chủ nghĩa xã hội. Anna Seghers (40), bà lớn của văn học Đông Đức, hỏi rằng: „ Nhưng mà chúng ta bắt đầu với Mephisto chứ?“. Kế đó Walter Ulbricht nghiêm khắc trong giọng riêng không sao trộn lẫn của ông ta: „ Nào các đồng nghiệp, câu hỏi của Mephisto chúng ta sẽ còn giải đáp“. Liệu rồi Hacks, người tôn thờ Goethe, đã tha thứ cho thần tượng chính trị Ulbricht của ông hay chăng? Hai mươi năm sau, chúng ta viết vào năm 1983, ủy viên dự khuyết bộ chính trị của đảng SED Inge Lange (41) còn luôn kinh hãi tên „phản bội nhân dân“ Heiner Müller thời gian qua đã nổi tiếng thế giới. Chính trị còn nguyên đó số phận của văn học, kể cả ở phía bên kia của mốc hoàn toàn tai tiếng của cuộc họp bất thường lần thứ 11 năm 1965 và sự tước đoạt quốc tịch của Wolf Biermann năm 1976.
Cũng tương tự phía Tây luôn hiện hữu ở đó. Xét về căn để, phong cảnh văn chương miền Đông Đức chỉ có thể đáng nghĩ tới trong lịch sử quan hệ Đông-Tây. Các nhà xuất bản Tây Đức giới thiệu những nhà văn CHDC Đức; thường xuyên giới phê bình văn học tại CHLB Đức theo dõi và chăm chú ở mức cao nhất, chuyện gì diễn ra tại CHDC Đức. Và cuối cùng nhiều tác giả phải đi con đường từ Đông sang Tây, khi mà họ không còn chịu được thêm ở CHDC Đức. Bên cạnh đó có nhiều mối liên hệ cá nhân không thể đếm hết: Vào cuối những năm 50 Grass, Bachmann và Enzensberger xuất hiện ở thính phòng huyền thoại số 40 ở Leipzig của Hans Mayer. Năm 1965, Grass và Bachmann đến từ phần bên kia của thành phố khi nhà thơ chết sớm Johannes Bobrowski (42) được đưa tới nghĩa trang ở Berlin-Friedrichshagen. Những bài thơ tuyệt vời ghi dấu ấn lên nhiều thế hệ của ông in trong hai hợp tuyển cung cấp cái nhìn tổng quan về thơ của nước CHDC Đức (Các nhà thơ của CHDC Đức và 100 bài thơ của CHDC Đức - Lyrik der DDR; Heinz Ludwig Arnold und Hermann Korte ấn hành; S. Fischer, Frankfurt/Main 2009; 448 trang., giá 24,95 €; 100 bài thơ của CHDC Đức; Christoph Buchwald und Klaus Wagenbach xuất bản, Berlin 2009; 169 trang., 16,90 €). Sau này trong những năm 70, Grass - người toàn Đức về mặt văn hóa không mệt mỏi nhất trong số các tác giả CHLB Đức - đã thường xuyên lui tới Đông Berlin. Trong những căn hộ phòng rưỡi bốn chục người kế đó chen chúc nhau bàn luận về văn bản của chính họ; trong số họ có mặt Sahra Kirsch, Adolf Endler và Hans Joachim Schädlich (Đông), bên Grass Hans có Christoph Buch, Peter Schneider và Friedrich Christian Delius (Tây).
Thuộc về phong cảnh văn chương CHDC Đức bao gồm sự đa dạng, những mâu thuẫn và những đồng biến mang tính nghịch lý, và một cuốn tự điển xuất bản gần đây cung cấp thông tin một cách rất chuyên môn về điều này (Metzler Lexikon DDR-Literatur. Autoren – Institutionen – Debatten; hrsg. v. Michael Opitz und Michael Hofmann; Verlag J. B. Metzler, Stuttgart/Weimar 2009; 405 S., 49,95 €). Hiện đại tồn tại bên chất Biedermeier (nệ cổ - ND), ngoài các vụ bắt giam và giám sát có những cuộc tranh luận mỹ học trong tạp chí và các viện hàn lâm rất thú vị và tự do nếu đem so sánh, cũng như một văn hóa đọc và tranh luận có đòi hỏi vô cùng cao, đã rời rất xa khỏi giáo điều của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Kiểm duyệt đe dọa tất cả - và thế đó, trước hết những nhà xuất bản ở tỉnh lẻ nhỏ hơn, có vẻ ít quan trọng hơn như Hinstorff ở Rostock hay nhà xuất bản miền Trung Đức ở Halle, nhờ vào những người xuất bản và biên tập, đã tìm thấy những khe để luồn lách, bởi vì xa Berlin chúng ít bị dòm ngó canh chừng như nhà xuất bản Aufbau tầm cỡ nằm tại nơi đó. Những mâu thuẫn vội vàng từ phía một bên là người nghệ sĩ của nhà nước tuyên truyền và mặt khác là những nhà viết văn thăng tiến từ cơ sở đã thế chỗ cho nhau: Stephan Hemmlin (43), người được Honecker tin cẩn và người cộng sản xuất thân từ gia đình tư sản tự nhìn bản thân mình là „nhà văn tư sản thời hậu kỳ“, vào năm 1976 đã gõ trống hối thúc giới tác giả cao trọng của CHDC Đức ký kiến nghị phản đối việc tước quốc tịch Biermann, trong khi mười năm sau Sascha Anderson (44) với tư cách là nội gián An ninh quốc gia đã tổ chức ra sinh hoạt văn chương ở Prenzlauer Berg và đánh phá nó tan tành. Một kẻ hành quyết thông minh của chính sách đảng SED như chủ tịch hội nhà văn Hermann Kant, vào năm 1977 đã báng bổ đuổi nhà thơ Reiner Kunze sang Tây Berlin bằng câu nói kinh tởm „Thêm thời gian, lụi cỏ hoang!“ và trong cùng năm ấy ông ta đã có thể trình làng cuốn tiểu thuyết Cư trú đáng chú ý, cuốn sách, trên nền tảng cá nhân ông, đã mô tả sự chuyển mình dần dần của một người lính Đức 18 tuổi trong trại giam Ba Lan vào năm 1945.
Với một số người, CHDC Đức cũng cấp cho một vùng an hòa của nội tâm được quyền lực nhà nước bảo trợ, nơi người ta đã theo đuổi những ý niệm thẩm mĩ trượt khỏi thời đại. Lao tâm của Peter Hacks với một nền „cổ điển xã hội chủ nghĩa“ là một dự án: Sự hướng về chuẩn mực câu thơ cổ điển, bởi vì hiện thực quá „nhỏ nhặt , quá khổ sở“ và chính thế ông kiến tạo „Weimar riêng tư“, như người đối cực Heiner Müller của ông dạo xưa cay độc bình luận. Vấn đề của Hack có chăng là, „thực ra ông ấy không đến từ thế giới này. CHDC Đức với ông ấy là một truyện cổ tích – Ông ấy sống trải và mô tả nó như một thế giới cổ tích.“
Trong những năm 80 thời tận thế đã ngự trị. Đã qua rồi khá lâu cái không khí Werner Bräunig xưa đã từng miêu tả cho mình và cho „những kẻ hậu sinh của đợt bán tống táng có phạm vi đại Đức: Họ „rà soát tìm bầu trời mất đi thần thánh và chân trời bị đánh cắp, tìm kiếm những cuộc phiêu lưu và làn gió mạnh, và tìm kiếm trong thực tế một tổ quốc“. Ngược lại, năm 1985 nhà thơ nữ Elke Erb (45) đã diễn đạt chương trình khước chối sáng tạo của thế hệ bà tại vùng Prenzlauer Berg phản kháng lại quyền lực giả danh của lịch sử bằng ngôn ngữ thử nghiệm: „Bà ấy không cho phép giám hộ nữa bởi những nội hàm không tưởng và phản đối những sự thỏa hiệp“. Tuy vậy sự thể cũng đã không tiến được lên phía trước, trước hết không thể: „ Anh, mình anh, cõng lịch sử trên lưng,/Tương lai là, nói quá nhiều rồi đấy“, Durs Grünbein đã viết như vậy vào năm 1988 trong tập thơ đầu của mình Vùng xám mỗi bình minh. Ít lâu sau đột nhiên tương lai đã khai mở.
Ngày hôm nay ai đắm mình vào văn chương Đông Đức, có thể hào hứng với sự đa dạng về chủng loại, nếu như ừ thế đã phát triển được một giác quan cho âm sắc hiện sinh làm nền cho tất cả. Và anh sẽ bắt gặp những điều kỳ diệu nhỏ và lớn thí dụ như bài thơ của một thợ đốt lò 21 tuổi, năm 1962, trong lúc những người khác đi đều bước trên con đường Bitterfelder, đã vơ lấy bút viết: „Trong những cuộc họp lớn/ của những người đàn ông vĩ đại/ họ sau bàn ngồi co và đồng thời ấp vỉ cá khô“, cái tôi trữ tình đã vơ lấy súng và lần lượt bắn hết thảy, theo rất nhiều câu thơ: „ Vào thất thanh, chạy vào tiếng hét la/ Những viên đạn của tôi lia quất “. Sau đó hắn dùng một cái rìu chém nát tất cả: „ Vâng thế giới tất cả của tôi nơi tôi đang sống/tôi đập tan thích nhất thế này/ để chẳng bao giờ nó cất cao đầu/Và tôi dựng xây một thế giới mới/ Thế đó tôi có niềm khao khát/Tôi đi đây và nốc một vại bia“. Vào một lúc nào đó Bộ An ninh quốc gia đã thu giữ tờ nháp bài thơ này. Wolfgang Hilbig đã nhanh chóng lên đường để sát cánh với Müller và Johnson trở thành tác giả quan trọng nhất đi từ vùng nghiệm trải CHDC Đức. Người dìu dắt của ông là Führmann đã biết :“Đây là một Trakl (46) mới, cứ 20 năm mới có một người cỡ này.“ Năm 1969 sục sôi trong lòng Hilbig: „Sự có mặt của chúng ta còn được cam chịu đến bao lâu/ Không ai nhận ra, chúng ta chứa mới nhiều đen tối/ như chúng ta đây náu vào thân chui rúc/ vào tối đen/ không chúng ta không ai buồn nhớ.“ Những ai vẫn còn chưa đọc thơ và tiểu thuyết của Wolfgang Hilbig mất năm 2007, cần chóng vánh bỏ sang bên thứ văn xuôi tỉnh lẻ của giới trung lưu Tây Đức hoặc thứ thơ làm vẻ nổi loạn của Rolf Dieter Brinkmann (47) và đón đọc Hilbig. Năm 1985 ông ấy sang di cư sang phía Tây và lại tiếp tục đứng giữa các thế giới ray rứt ông trong tâm can. Với ông ấy người ta có thể học nhìn trong tăm tối: „ Trong nhà chảo nóng mịt mù, trong ánh sáng/ đèn ám muội đột nhiên trên núi than/ một con công xanh lục ngồi trên“, sau khi con công này bay đi, „ tôi không tin vào một cuộc chìm đắm/ của cảm nhận xảy ra trong tăm tối“. Một ấn bản gồm bảy tập của nhà thơ nhận giải thưởng Büchner mất năm 2007 in tại nhà in S. Fischer.
Điều chắc chắn: Văn học viết tiếng Đức đã không chinh phục được đỉnh cao của thời kỳ của những thập kỷ giữa 1880 và 1945 trước đó. Fontane, Kafka, Musil, Thomas Mann und Benn đã hắt xuống những bóng lớn quá tầm lên phía Đông và Tây. Nhưng nhìn lại tuy nhiên có thể là điều tốt, rằng đất nước CHDC Đức nhỏ bé dẫu hẹp đã tạo ra một tiếng vang vọng về lịch sử văn học sâu rộng hơn là nước CHLB Đức. Thường xuyên sự quên lãng được tiên đoán trước cho nền văn học của nó, bởi vì chủ thể là CHDC Đức đã lụi tàn. Mà thế đó ai đã đọc thơ của Inge Müller (48), người vợ của Heiner Müller tự sát vào năm 1966, ai đã đọc thơ của người bị quên lãng một cách bất công Uwe Greßmann (49), thơ của Sahra Kirsch, Karl Mickel (50) hay của Adolf Endler (51) mới mất và của Heinz Czechowski (52), sẽ phát hiện ra rằng, trong tác phẩm của họ ẩn giấu nhiều hơn và khác đi đất nước CHDC Đức hoặc là cái bình thường của CHLB Đức. Dần dà rồi sẽ thấy, cái thời kỳ mạo hiểm, có lẽ là ảm đạm đã để lại cho chúng ta những kho tàng văn học quí báu như thế nào. Chúng ta cần nhanh chóng bắt đầu lại với việc đọc.
© Phạm Kỳ Đăng dịch từ nguyên tác tiếng Đức
Nguồn: ZEIT ONLINE
Chú thích của người dịch:
(1) Erich Honecker (1912-1994): Từ 1971 cho đến 1989: Tổng bí thư đảng SED (Công nhân xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức - đảng cộng sản) của CHDC Đức.
(2) Durs Grünbein (sinh năm 1962): Nhà thơ, nhà tiểu luận và dịch giả Đức.
(3) Heiner Müller (1929-1995); Nhà soạn kịch quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức hậu bán thế kỷ 20. Ông còn đạt tầm quan trọng với tư cách là nhà thơ, nhà văn và nhà tiểu luận.
(4) Werner Bräunnig (1934-1976): Nhà văn CHDC Đức.
(5) Franz Führmann (1922-1984): Nhà văn nhà thơ và nhà tiểu luận Đức. Thời trai trẻ đậm tinh thần Quốc Xã, sau này ông trở thành người cổ vũ cho CNXH. Cuối đời ông có thái độ phê phán mạnh mẽ sự phát triển và thực trạng DDR
(6) Uwe Tellkampf (sinh năm 1968): Nhà văn, bác sĩ người Đức.
(7) Günter Grass (sinh năm 1927): Nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và đồ họa. Giải thưởng Nôben văn chương năm 1999.
(8) Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47 – cuộc gặp gỡ nhà văn nhà thơ trong khoảng thời gian 1947-1967.
(9) Arno Schmidt (1914-1979): Nhà văn Đức.
(10) Walser-Wohmann-Wondratscheck: tên ba nhà văn Đức nổi tiếng: Martin Walser (sinh năm 1929), Gabriele Wohmann (Sinh năm 1932) và Wolf Wondratschek (sinh năm 1943)
(11) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.
(12) Thomas Mann (1875-1955): Nhà văn Đức, mang giải thưởng Nôben văn học.
(13) Thomas Pynchon (sinh năm 1937) Nhà văn Mỹ và đại diện quan trọng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học.
(14) Christa Wolf (1929-2011): Nữ nhà văn lớn của CHDC Đức, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.
(15) Jürgen Habermas (sinh năm 1929): Nhà triết học và xã hội học có tầm ảnh hưởng lớn với thế giới đương đại.
(16) Elfriede Jelinek (sinh năm 1946): Nữ nhà văn Áo, giải Nôben 2004.
(17) Dario Fo (sinh năm 1926): Nhà soạn kịch, đạo diễn, cây bút viết truyện, soạn nhạc, diễn viên người Ý. Giải Nôben 1997.
(18) Jurek Becker (1937-1997): Nhà văn và nhà viết kịch bản phim, người bất đồng chính kiến ở CHDC Đức.
(19) Wolf Biermann (sinh năm 1936): Ca sĩ sáng tác bài hát, nhà thơ. Nhận nhiều giải thưởng văn chương.
(20) Christoph Hein (sinh năm 1944): Nhà văn, dịch giả và nhà tiểu luận.
(21) Günter Kunert (sinh năm 1929): Nhà văn Đức.
(22) Günter de Bruyn (sinh năm 1926) Nhà văn sống qua các thời Cộng hòa Weimar, Quốc Xã, DDR và CHLB Đức.
(23) Sahra Kirsch (1935-2013): Nhà thơ, nhà văn Đức
(24) Ulrich Plenzdorf (1934-2007): Nhà văn, nhà soạn kịch và viết kịch bản phim.
(25) Monika Maron (sinh năm 1941): Nhà văn sinh ra ở miền Tây Đức. Từ 1951 cho tới khi bà bỏ CHDC Đức năm 1988 bà sống ở CHDC Đức. Mẹ của bà kết hôn với Bộ trưởng Bộ Nội vụ của CHDC Đức.
(26) Heinz Bude (sinh năm 1954): Nhà xã hội học người Đức.
(27) Ingo Schulze (sinh năm 1962): Nhà văn Đức.
(28) Uwe Johnson (1934-1984): Nhà văn CHDC Đức, năm 1959 di trú sang Tây Đức.
(29) Reiner Kunze (sinh năm 1933): Nhà văn, nhà phê phán chế độ CHDC Đức.
(30) Volker Braun (sinh năm 1939): Nhà văn Đức.
(31) Wolfgang Hilbig (1941-2007): Nhà thơ và nhà văn Đức.
(32) Kathrin Schmidt sinh năm 1958): Nữ nhà văn Đức.
(33) Peter Hacks (1928-2003): Nhà soạn kịch, nhà thơ nhà văn và nhà tiểu luận, là người đặt nền móng cho „ nền cổ điển xã hội chủ nghĩa“.
(34) Heimito von Doderer (1896-1966): Nhà văn Áo.
(35) Ronald M. Schernikau (1960-1991): Nhà văn Đức. Mẹ ông di trú sang Tây Berlin năm 1966. Ông trở thành đảng viên cộng sản, sang học tập và nghiên cứu tại Viện Văn học Johannes Becher. Năm 1989 ông di trú sang CHDC Đức, coi những cuộc biểu tình dẫn đến đổ tường là phản cách mạng, và sống ở Đông Berlin cho đến khi mất vì AIDS.
(36) Hội nghị vào các năm 1959 và 1964 thảo luận con đường đi tới Văn hóa xã hội chủ nghĩa của dân tộc, nêu trọng tâm đào luyện ý thức xã hội chủ nghĩa và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
(37) Uwe Kolbe (sinh năm 1957 tại Đông Berlin): Nhà thơ, nhà văn và dịch giả.
(38) Hermann Kant (sinh năm 1926): Nhà văn, cán bộ lãnh đạo văn hóa, bị cáo giác vì những hợp tác với An ninh quốc gia.
(39) Dieter Noll (1927-2008); Nhà văn, từng là Phó chủ tịch hội nhà văn Đông Berlin (40) Anna Seghers (1900-1983): Nữ nhà văn, tác giả của Cây thập tự thứ bảy, từng là Chủ tịch hội nhà văn CHDC Đức.
(41) Inge Lange (1927-2013): Chính trị gia, ủy viên Bộ Chính trị của CHDC Đức.
(42) Johannes Bobrowski (1917-1965): Nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của CHDC Đức.
(43) Stephan Hemmlin (1915-1997): Nhà thơ, nhà tiểu luận và nhà văn được sủng ái của CHDC Đức.
(44) Sascha Anderson (sinh năm 1953): Nhà văn, nhà thơ đột nhập vào sinh hoạt của nhóm văn nghệ sĩ chống đối, từ 1990 được biết tới là cộng tác viên của An ninh quốc gia.
(45) Elke Erb (sinh năm 1938): Nữ nhà văn và dịch giả Đức.
(46) Georg Trakl (1887-1914): Người Áo, nhà thơ nổi tiếng của Chủ nghĩa Biểu hiện Đức, được coi là nhà thơ viết bằng tiếng Đức xuất sắc nhất cùng với Rainer Maria Rilke ở đầu thế kỷ 20.
(47) Rolf Dieter Brinkmann (1940-1975): Nhà thơ nhà văn, nhà xuất bản người Đức.
(48) Inge Müller (1925-1966): Nhà thơ, nhà văn, kết hôn với Heiner Müller.
(49) Uwe Greßmann (1933-1969): Nhà thơ Đức, Poète maudit của CHDC Đức
(50) Karl Mickel (1935-2000): Nhà văn Đức.
(51) Adolf Endler (1930-2009): Nhà văn Đức.
(52) Heinz Czechowski (1935-2009): Nhà thơ, nhà soạn kịch Đức.
Về tác giả:
Alexander Cammann (sinh năm 1973): Nhà báo, nhà trước tác, cộng tác viên của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Không có nhận xét nào: