NGUYÊN NGỌC-NHÀ THƠ

Thanh Thảo

Nói Nguyên Ngọc nhà văn, ai cũng biết. Nhưng chẳng lẽ còn một Nguyên Ngọc nhà thơ ? Là hai người khác nhau, trùng tên ? Không phải. Vẫn một con người đó. Vẫn Nguyên Ngọc bao năm nay là nhà văn đó. Nhưng, trong một buổi chiều ngồi quán vỉa hè uống bia với món vịt nướng chao cùng mấy thằng em, tôi chợt nhớ…Thì ra, bao lâu nay chúng ta đã bỏ quên, hoặc không bao giờ nghĩ, đã có một Nguyên Ngọc nhà thơ. Năm nay tròn 83 tuổi, hơn 60 năm là nhà văn nổi tiếng, không hề viết nửa câu thơ, dù là thơ…tán gái, bỗng một ngày được (hay bị) một gã nhà thơ khả nghi gọi mình là…nhà thơ ? Không biết ông Nguyên Ngọc nghĩ gì ? Còn tôi, tôi nghĩ thật như thế.

Lâu nay, chúng ta đã có thơ có vần, rồi thơ không vần, đã có thơ là…thơ, rồi thơ văn xuôi (cũng là thơ). Có một thể thơ, mà người ta gọi là “thơ tự do”, nghe cách gọi có vẻ không ổn, vì có thơ nào là thơ…mất tự do đâu ? Ngay thơ Bác Hồ, trong “Ngục trung nhật ký”, cũng là thơ “siêu tự do” cơ mà! Tự do đây, có lẽ hoàn toàn ở hình thức biểu đạt. Vậy thì có thể gọi không ít những tác phẩm văn xuôi của Nguyên Ngọc - điển hình là bút ký “Trở lại Mèo Vạc” - là “văn xuôi-thơ”. Nó là thơ, chứ không phải “có chất thơ”. Đó là một hình thức thơ biến ảo mà St-Exupéry hay dùng, đặc biệt là ở tác phẩm “Cõi người ta” mà Bùi Giáng đã dịch tuyệt đúng và tuyệt hay, nếu xét bản dịch như một tác phẩm “văn xuôi-thơ”. Cái này, chỉ một nhà “văn xuôi-thơ”, hay một nhà thơ rất am hiểu thể thơ này, mới làm được. Nguyên Ngọc là một nhà thơ, như St-Ex là một nhà thơ. Đây có thể là điểm nối, hay “vùng giáp ranh” giữa văn xuôi và thơ mà rất ít nhà thơ hay nhà văn đi vào được. Phải có cảm hứng mới làm ra thơ. Đúng rồi. Phải có cảm hứng mới viết được văn xuôi. Đúng luôn. Nhưng phải có cảm hứng ở một cường độ cao nào đó, chấp nhận sự ngắt quãng nào đó, mới có thể viết ra “văn xuôi-thơ” như một loại thể đặc biệt. Bởi sự cô đặc, dồn nén vốn là đặc trưng của thơ khi vào văn xuôi rất dễ bị làm giãn ra, hoặc sự “tập trung-lơ đãng” cũng vốn là đặc chất của thơ rất dễ bị văn xuôi làm cho trôi chảy. Khi tôi lần đâu đọc “Trở lại Mèo Vạc” của Nguyên Ngọc, tôi đã gần như reo lên: “Đây là thơ!”. Đúng là thơ thật. Cảm giác này cũng giống khi tôi đọc một đoạn trong “Cõi người ta” của St-Ex do Bùi Giáng dịch. Không hề chủ trương thể hiện một loại thể văn học mới, cứ viết một cách hoàn toàn tự do, tràn đầy cảm xúc, chịu những ngắt quãng của một thứ nhịp điệu (rhythm) ngẫu hứng tự bên trong, nhà văn có thể biến thành…nhà thơ lúc nào không biết. Một cách hết sức tự nhiên, không hề cố ý.

Ai cũng biết, sức mạnh của thơ nằm ở sự vô ý. Xin mời bạn đọc một đoạn trong bút ký “Trở lại Mèo Vạc” của Nguyên Ngọc:

Những sườn núi Nùng thoáng rộng đến vô cùng, nở nang và hoang vắng như những khuôn ngực đàn bà hoang sơ nào đấy, tưởng có thể hít thở đến ngợp cả hai khuôn phổi hương da thịt nồng nàn của đất thuở khai thiên còn nguyên vẹn. Đường đi trên các sống núi, ngước lên thăm thẳm màu xanh biên thùy, nhìn xuống thung sâu hun hút, lác đác những bản làng nhỏ xíu phơi mình trong nắng chói chang. Chúng tôi đi hàng một, người và ngựa, và súng ống lỉnh kỉnh, cảm giác một cuộc vạn lý trường chinh nào đấy, hay là một cuộc “Tây du ký” nhỉ ? Thật khốn khổ cho cái chủ nghĩa hiện thực tôi từng được dạy từ ngày cầm bút. Ở đây tất cả đều siêu thực, núi non, mây gió, đất trời, xóm mạc, sông suối, con người, và cả những con ngựa này nữa, lên cao chúng bỗng trở nên trầm mặc và nhẹ tênh, có thể chúng cũng biết nói đấy nhưng không mở miệng nên lời được chỉ vì bị đắm đuối bởi cái đẹp quá thể tràn ngập bốn bề.

Cũng đừng nghĩ viết dài như thế là văn xuôi chứ không phải thơ. Thơ có thể rất ngắn, mà cũng có thể rất dài. Vấn đề là sự kiểm soát của nhà thơ cho từng con chữ và cho cả đoạn thơ dài ấy như thế nào. Kiểm soát trong vô thức, nghĩa là vẫn vô ý. Cái “ chủ nghĩa hiện thực” mà Nguyên Ngọc được học, sau này chúng tôi cũng được học. Nó quá rạch ròi cho những “mập mờ” vốn là đặc chất của văn học, chứ không riêng của thơ. Khi tôi đọc về “Lý thuyết tập mờ” mà nhà vật lý tài ba Nguyễn Hoàng Phương khai triển ở Việt Nam, tôi chợt hiểu: những “vùng giáp ranh” mờ ảo không chỉ có trong thơ, trong văn xuôi, mà có cả trong vật lý, trong toán học. Nó có trong cuộc đời, trong trái đất, trong vũ trụ. Và trong tâm hồn chúng ta. Vấn đề là ta khai thác nó như thế nào cho những mục đích khác nhau của mình. Lại xin mời đọc tiếp một đoạn trong “Trở lại Mèo Vạc”:

Đường đi càng về chiều càng lên cao, và hình như núi non mỗi lúc một thắt lại, hiểm trở hơn, hiểm ác heo hút hơn. Vẫn lên nữa, Lên mãi. Đã nghe thỉnh thoảng tiếng súng rộ từng hồi, rồi đột nhiên im bặt, lạnh tanh. Tức là đơn vị đầu tiên, lên trước chúng tôi một ngày, đã chạm địch. Vẫn lên nữa, lên mãi…

Ba giờ chiều, rất đột ngột, bỗng thấy mình đứng trên một đỉnh cao chót vót, đỉnh cao nhất. Và trước mặt, một kỳ quan chưa từng thấy: không còn ngọn núi đất nào nữa. Chỉ còn toàn đá. Một cao nguyên đá. Mênh mông, trùng điệp, lô nhô, lởm chởm, cuồn cuộn hàng triệu đợt sóng đá dồn dập như những bức trường thành đá vô tận, nhọn hoắt, sắc lẹm, nham nhở, lở lói, khô cằn, khắc nghiệt…Đá, đá, đá bạt ngàn, hút chân trời. Đá vôi đen xỉn. Và tuyệt không còn gì khác.

Đoạn này, nếu không gọi là thơ thì tôi không biết gọi nó là gì. Không phải vì mình làm thơ mà mình cho thơ là nhất. Nhưng thơ, quả thật, làm nhiều điều mà văn xuôi chay tịnh không làm được. Tư duy, cảm xúc, cách thể hiện của Nguyên Ngọc trong đoạn này hoàn toàn là cách nghĩ, cách cảm, cách thể hiện của một nhà thơ. Và sản phẩm cuối cùng, dĩ nhiên, là thơ. Tôi nhớ, hình như M. Gorky có lần nhận xét về một nhà văn Nga: “ Ông là nhà thơ bị đóng đinh trên cây thánh giá văn xuôi”. Tôi nghĩ, nói như thế hơi bị khổ cho văn xuôi quá. Nhà văn mà Gorky ca ngợi, thực ra, là một nhà thơ. Không hề bị ‘đóng đinh trên cây thánh giá văn xuôi”, nhà thơ này, cũng như Saint-Exupery, cũng như Nguyên Ngọc, đã sáng tạo ra một loại thể thơ mới, nó đi giữa “vùng giáp ranh-tập mờ” giữa văn xuôi và thơ, nhưng nghiêng hẳn về thơ, nếu xét những đặc chất mà nó thể hiện. Có lẽ, vì theo đuổi loại thể thơ đặc biệt này trong vô thức, mà suốt cuộc đời mình Nguyên Ngọc không hề làm một “câu thơ có vần” nào cả. Ông chăm chú và lơ đãng viết một thứ “văn xuôi-thơ” mà có khi chính ông cũng chưa biết gọi nó là gì cho phải. Một người có lý trí cực mạnh như Nguyên Ngọc, sống đời sống một chiến binh như Nguyên Ngọc, nhưng lại có rất nhiều những đoạn sáng tạo vô ý, lơ đãng, mà những đoạn ấy trùng với cái tôi đang gọi là “văn xuôi-thơ”. Dung hợp những hợp chất trái dấu có phải là nguyên tắc của thuốc nổ? Tôi không biết. Nhưng tôi cảm nhận điều này rất rõ trong tác phẩm Nguyên Ngọc.

Lại lên đường khi còn đặc sương. Lại một ngày rong ruổi đi giữa siêu thực. Chẳng hạn là siêu hay là thực cô gái Mông phơi váy ở cái làng bé tẹo treo lơ lửng ven sườn núi tít dưới sâu hút kia, chiếc váy lanh phơi trên đá, nở xòe hệt một đóa hoa trắng long lanh?

Đúng rồi, “văn xuôi-thơ” ấy phải được thể hiện trong một không gian mở mờ. Và nó gắn với…siêu thực. Ít nhất là siêu thực trong cách nhìn. Nguyên Ngọc là nhà thơ như vậy.

NGUYÊN NGỌC-NHÀ THƠ NGUYÊN NGỌC-NHÀ THƠ Reviewed by Phạm Thu Hương on 17:49 Rating: 5

Không có nhận xét nào: