Đoàn Thanh Liêm
Kỳ II – Giáo Dục Giải Phóng Con Người: Nội dung & Ảnh hưởng
Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con Người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au Service du Développement des Peuples (INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, ông cũng còn được bầu là chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đầy nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội đồng Tôn giáo Thế giới (WCC World Council of Churches), tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.
Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.
A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.
Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả lý thuyết cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác, đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đặc lợi cho riêng họ.
Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.
Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất khỏi nước vào năm 1964.
Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề “Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.
Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng: “Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).
B – Giới thiệu tác phẩm “Giáo dục của Người bị Áp bức”.
Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây:
1/ Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa “người dạy” và “người đi học” (a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dạy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình rồi đưa đến một hành động thích đáng.
Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dạy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).
2/ Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.
Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những “chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, dần dần diễn ra quá trình cấu tạo ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể mình.
3/ Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục” (liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào lãnh vực tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).
Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.
C - Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.
Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh, nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đầy tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.
Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.
Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.
Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.
Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo, nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.
Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire (bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.
D – Thay lời kết luận.
Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.
Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./
California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010
Không có nhận xét nào: