Nhật ký văn nghệ 1990 (phần II)




    Xin lỗi  bạn đọc là  phần đầu bản  cũ 15-6 -2015 đã có một vài sự lộn xộn về trật tự thời                     gian.  Hôm nay chúng tôi đã chỉnh sửa lại . 21-6-2015

                                                                                                   

                                                                                           





Lời dẫn



 Tình hình Hội nhà văn 1976 - 1990 gắn liền với các hoạt động khôn
ngoan đi kèm với sự hiểu biết xác đáng về thực trạng xã hội VN hậu chiến của người Tổng thư ký Hội từ 1958 – Nguyễn Đình Thi:






-- 1976, theo chỉ thị của trên, Nguyễn Đình Thi phải bàn giao vai trò số một ở Hội cho Nguyên Ngọc
lúc này được cử làm Bí thư Đảng Đoàn kiêm Phó Tổng thư ký thường trực. Chức danh Tổng thư ký coi như bị treo, lúc này NĐT tạm thời không tham gia điều hành công việc hàng ngày để tập trung cho sáng tác.





-- Từ Hội
nghị Đảng viên 1979, được sự bảo trợ của Tố Hữu, tác giả Vỡ bờ từng bước tiến hành dành lại quyền lực. Đây là cả một một
“trận đánh lớn” mà Nguyễn Đình Thi đóng vai một người chỉ huy nhẫn nhục và đầy
mưu mẹo. Sự tinh thông của ông về nghệ thuật chính trị trong hoàn cảnh xã hội
VN hiện đại khiến tất cả những người chung quanh ngả mũ kính phục (xin xem bài ghi chép về Hội nghị Đảng viên của tôi trên blog này).





---  Tại Đại
hội nhà văn lần thứ ba 1983, Nguyễn Đình Thi tiếp tục được bầu làm  Tổng thư ký. Nguyên
Ngọc không còn nhận nhiệm vụ gì.





---  Dấu hiệu
rõ rệt của cuộc đổi mới khởi đi từ 1986 là việc Nguyên Ngọc được cử làm Tổng
biên tập báo Văn nghệ, mà dấu hiệu
của việc quay ngoắt trở lại là việc Nguyên Ngọc bị buộc phải từ chức “để phụ
trách công tác khác” – chỉ là một thành viên trong ban chuẩn bị Đại hội lần thứ
tư, phụ trách về cơm áo gạo tiền, chứ không được tham gia vào các vấn đề nội
dung. Tất cả đều trong sự tính toán sắp đặt của người chủ cũ của Hội.




  ---  Đại hội
nhà văn VN cuối 1989 đánh dấu một bước ngoặt trong đời hoạt động của Nguyễn
Đình Thi. Dù rất muốn, ông không thể cố đấm ăn xôi tại chức mãi  mà  buộc phải chính thức chuyển giao vai trò lãnh đạo Hội cho một nhóm trẻ hơn thuộc
thế hệ kế cận. Nhưng, đó không phải là thất bại. 


Sau Đại hội, với kinh nghiệm
của một nhà chính trị chuyên nghiệp, rất dân tộc mà cũng rất hiện đại, ông vẫn
tiếp tục thao túng ban lãnh đạo Hội, tận diệt những ảnh hưởng có thể có của
Nguyên Ngọc, vì biết rằng nếu tinh thần Nguyên Ngọc thắng nghĩa là quá khứ của
mình sẽ bị mang ra xét đoán lại. 


Qua hàng chục năm chuẩn bị, cuối cùng, tương
tự như Eltsin tìm được Putin, ông chủ cũ của Hội  tìm được người thế tử nối ngôi tin cậy, trung
thành với ông, nghĩa là duy trì đường lối chỉ đạo của ông, gìn giữ và phát huy
ảnh hưởng to lớn của ông trong các Đại Hội năm, sáu, bảy tiếp theo. 




 Chiến công chói sáng này khiến cho từ sau
1990, tuy tuổi xấp xỉ 70 mà còn phải bước vào cuộc chinh phục mới (tới 1995,
vào vai Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam
), Nguyễn Đình Thi vẫn vĩnh
viễn là người lãnh tụ tinh thần của Hội nhà văn VN, trong lịch sử Hội ông có một vai trò "sáng nghiệp " mà không ai
có thể so sánh.


 Bóng dáng của ông trong  đời sống vẫn cao to lồng lộng còn nền văn học VN sau 1945 mà ông là một trong những cha đẻ, một trong những kiến trúc sư chủ yếu thì ngày càng ốm yếu bệnh tật, sống như đứa trẻ không ai chăm sóc chỉ bò lê trên mặt đất ... 







29/7


Mọi
chuyện lúc này đều xoay quanh chuyện tổ chức phê bình và giới phê bình. 
Nghe kể về họp cộng tác viên báo Nhân Dân đầu tháng 7


Danh sách
: Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Tô Hoài, Phương Lựu, Bùi Công Hùng, Thành
Duy, Mai Ngữ, Đào Vũ, Phạm Tiến Duật, Hà Minh Đức, Đỗ Văn Khang, Lữ Huy Nguyên,
Đinh Xuân Dũng, Ngô Vĩnh Bình, Hồng Diệu, Tạ Ngọc Liễn, Nguyễn Văn Lưu, Lê
Thành Nghị, Trần Bảo Hưng, Nguyên An, Trần Hữu Tòng.





 Sau
cuộc Hội thảo về phê bình ở Hà Nội, tới 22/7, báo Văn nghệ số 29, đăng thông báo của Ban chấp
hành Hội nhà văn điểm tình hình trong đó nhận định rằng: Hội thảo LLPB có vấn
đề.


Hội thảo
bộc lộ hai khuynh hướng ngược nhau:


- đổi mới
trên cơ sở nền văn học cách mạng dưới sự lãnh đạo


- đổi mới
trên cơ sở đòi dân chủ hoá tuyệt đối văn học.





Báo Nhân Dân cũng có bài của Lê Xuân Vũ công kích
một số luận điểm của cuộc hội thảo về LLPB ( ví như Văn nghệ sau cách mạng chỉ
là nối tiếp dòng văn học cách mạng trước 45, là văn học minh hoạ…)




Tôi chợt nảy ra cái ý: thế là từ nay hết đất làm ăn.


 Từ
nay, dù là  các cuộc họp ở bên Hội nhà văn, nhất là họp về phê bình, người
ta có mời thì cũng đâu dám liều lĩnh phát biểu nữa.


Sẽ chẳng
ai thành thật cho mình cộng tác. Sẽ chỉ có những lời chào rơi, vớ vẩn. Tự dặn
hãy đừng bị xúc động về những chuyện đại loại như giải thưởng, cũng như không
hy vọng gì về  chuyến đi nọ đợt tham quan kia.


Tôi là
một loại con hoang con ghẻ rồi, không ai yêu dù không ai đánh.





Cũng
không nên nói to lên với ai làm gì chuyện này. Chưa bao giờ tôi hy vọng điều gì
về sự lập thân ở xã hội này cả. Hơn 20 năm lăn lộn trong giới, đủ rồi. Phải tập
sống như đã chết rồi.








Nhân
Dân 
chủ nhật có bài Mai Quốc Liên về Nguyễn Duy.


Số 32 có
bài Đỗ Văn Khang chửi Hoàng Ngọc Hiến bước qua lời nguyền


cũng Nhân Dân chủ nhật số 32 bài Trần Thanh Đạm phê
Nguyên Ngọc nhân bài của Nguyên Ngọc “lời từ giã cuối cùng”.


 Tạp
chí
 Cộng Sản số 8 có bài Nguyễn Văn Lưu, bài Vũ Tú
Nam.








 Tôi
chợt nhận ra một cái khác của đợt đấu tranh này so với hồi chiến tranh. Mọi
năm,  chỉ đánh  trong mùa hè. Đến 2/9 là mọi chuyện vui vẻ.


Bùi Việt
Sĩ  : không năm nay còn đánh tiếp, bởi lẽ, phải thống nhất tư tưởng. Sẽ
đánh cho đến đại hội Đảng.





Phương
Lựu kể với tôi: Tôi sẽ nói nhà văn tự kể trong Ly thân  Hạng
ruồi
, có 2 đặc điểm:


- suốt
đời chỉ là gia vị


- suốt
đời lừa (lừa em ruồi là đỗ đen)





Tôi nghĩ:


- Nhưng
một chút tỉnh ngộ của nhân vật đó, đấy mới là cái quan trọng nhất, thì ông
Phương Lựu lại không thấy.





 31/7


Báo Văn nghệ số cuối tháng 7 có bài Duật nhận
định tình hình, lại chửi bới ra rả (tháng 6, Duật đã có bài ở mục Văn nghệ và bạn đọc với ý tương tự).


Nguyễn
Văn Lưu có bài chửi những người ăn vạ  -- ý Lưu nói ở đây, là Dương Thu
Hương.


Trước đó,
Lưu đã có bài công kích Đỗ Đức Hiểu và Dương Thu Hương trên Nhân Dân chủ nhật, ký Chu Giang .


Ở Huế,
báo Thừa Thiên Huế cho mọi người “thảo  luận” về Sông Hương. Nghe nói lôi cả chị
em ở chợ Đông Ba vào cuộc. Chị em cũng theo sự đạo diễn của tuyên huấn, chửi
bới rất ác.


Mình nghĩ
đến tiến sĩ thời nay còn ăn cắp tranh và nói xưng xưng về chuyện nhân nghĩa,
thì chị em tiểu thương vào cuộc, cũng là lẽ bình thường.





Báo chí
nhìn đâu cũng thấy bài phê phán. Tôi ghi lại lộn xộn và chưa kiểm tra lại.


Tháng 4-5
gì đó, có bài Trần Hữu Tòng.


Bài Mai
Ngữ trên Nhân Dân thứ bảy (khoảng  16/6) châm ngòi
cho hội thảo Hãy gọi sự thật
bằng cái tên của nó.


Bài Lê Ngọc
Vân về tình hình chung trên Nhân Dân thứ bảy (sau Mai Ngữ một tuần 23/6)


Bài
Nguyễn Văn Lưu trên Nhân dân chủ nhật


Bài Bùi
Công Hùng trên Nhân dân chủ nhật


Truyện
ngắn Mai Ngữ số 26


Bài Bùi
Công Hùng trên Hà Nội mới chủ nhật đánh chung


Bài Bùi
Công Hùng đọc một số  tiểu thuyết gần đây


Bài Bùi
Công Hùng về thơ...











2/8


Nghe
 nói là có cuộc trao đổi về Ly
thân
 bên báo Văn nghệ.


Tôi không
đi vì nghĩ ở đây, không thể có bàn cãi được. Họp chỉ để  thực hiện ý cấp
trên là đánh cuốn sách đó. Vậy có mặt làm gì?


Liệu một
người như tôi có khả năng đứng ngoài quan sát?





Phương
Quỳnh cũng nói rất hay nhưng là một khía cạnh khác:


- Bọn
Nguyễn Văn Lưu, Bùi Công Hùng, tởm thật.


Nhưng thử
nghĩ xem, phía bên này ra sao, những ông như ông Hoàng Minh Chính rất cổ lỗ,
ông Nguyễn Kiên Giang không hề biết mình là loại người gì.


Ông Dương
Tường, ông Trần Dần bây giờ còn được vinh thăng trong thơ phú nhảm nhí thì ai
mà chịu được.


Cả cái
Hương nữa.


Tôi đã
bảo với nó rằng bị đánh là lợi cho mày đấy. Chứ viết, mày hết cái viết rồi, mà
diễn thuyết nữa, thì mày diễn thuyết cái gì.


PQuỳnh
nói thêm.  Tôi nói với tư cách một đứa chịu trận với nó một đứa đã đi suốt
với nó một chặng đường dài. Từ lúc ở Sài Gòn ra, nó có bị an ninh  làm
phiền đâu, chứ tôi bị bao lần rồi?





Những
hiện tượng của ngày hôm nay, trên đại thể là xuất phát giống nhau và từ một căn
bản văn hoá như nhau (cả ông Nguyên Ngọc cũng vậy thôi), cho nên xu hướng có
khác nhau, mà chắc là chẳng mang lại được điều gì mới. 


Trong
nhận định của Ban chấp hành Hội Nhà văn (Ân đoán là do Nguyên Ngọc viết) có lời
kêu gọi: Nhà văn phải là người
trong cuộc.


Riêng một
điều đó thôi, theo tôi là không đủ, nếu nghĩ kỹ còn là sai tận gốc. Thế trong cuộc phải phối hợp với thế ngoài cuộc thì mới giải quyết được điều người ta
muốn làm là nhận thức đời sống. Cứ đóng cửa lại mà nghĩ bằng tiêu chuẩn của
nước mình thì không bao giờ ra khỏi cơn khủng hoảng này cả. Bakhtin cần phải có
mặt.





Ông 
Chương Thâu kể:


-- Vũ
Khiêu toàn nhận định nhăng nhít. Phan Huy Lê ba mươi năm nay không viết gì
(đúng là con nhà Phan Huy Ích, cơ hội qua ngày). Hà Văn Tấn như con mọt sách,
cũng không được việc gì hết.


Ôi, cái
giới trí thức nước mình, hình như không sao khá lên được!





Bùi Việt
Sĩ kể lại chuyện cũ ngày 23 /7 Nxb Thanh
Niên
 họp nhau để khen nhau.
Mỗi báo cáo 30 ngàn, ăn trưa 10 ngàn (loại như báo cáo của Hồng Diệu, tức Song
Nga - khen Vòng tròn bội bạc,
hoặc Đoàn Hương khen Trần Thị Trường).


Duật cũng
lên phát biểu. Và phát biểu rất lạ.


Duật bảo
thơ in NXB Thanh Niên hỏng rồi, thơ bây giờ chẳng ra sao.


Nhưng,
vẫn theo Duật, Nxb Thanh Niên còn được. Chứ cứ như báo Tiền Phong, đăng bài đòi đối
trọng với bài về đa nguyên thì không được.





Hà Quang
Dự bí thư Trung ương Đoàn có mặt ở buổi họp phải đứng lên nói.


--
 Sau bài anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã có bài anh Nguyễn Văn Lưu bác lại.


Anh Lưu
cũng ngồi đây, tôi xin cám ơn, và như vậy là xong.


Còn bài
đa nguyên, lúc đó đồng chí Trần Xuân Bách là Bộ Chính trị, là Ban Bí thư. Đồng
chí gửi bài nào, báo ấy chỉ là nạn nhân.


Vậy thì
không thể nói Tiền Phong vậy được. Tôi là người chịu trách
nhiệm về Tiền Phong, tôi
không đồng tình với nhà thơ vừa phát biểu (nhà thơ thôi, Dự nói vậy, chứ không
nói là Phạm Tiến Duật.)





 Nguyễn
Đình Thi có bài thơ trên Văn
nghệ
 số 31, cho rằng có
 bọn ném đá dấu tay. Nên hiểu việc đó như thế nào?





Duật bị
người ta chửi là điếm là gắp lửa bỏ tay người. Đầu cơ chính trị thượng hạng.
Duật cãi lại: chính nhận xét của Ban chấp hành là hữu khuynh. Duật không đồng ý.





Ông
Nguyễn Đăng Mạnh bắt đầu phản ứng bằng cách không dự cuộc họp hội đồng phê bình
– một cuộc họp mở rộng.


Theo lời
Thiếu Mai kể, Nguyễn Văn Hạnh nói rõ là Nguyễn Đăng Mạnh bất bình vì vấn đề kết
nạp hội viên. Ông cho rằng một  Đinh Xuân Dũng như thế mà được kết nạp thì
còn ra cái lý gì nữa. Thế thì Ban chấp hành đừng đặt vấn đề  hội đồng giới
thiệu nữa có hơn không.


Rồi cái
thông báo láo lếu của Ban chấp hành, trong đó nói  Hội đồng phê bình không
ra gì, và đe nẹt là sẽ bổ sung nữa.





Nghĩ thật
khốn nạn cái lối khinh bỉ phê bình của giới nhà văn ở nước mình. Nguyễn Đăng
Mạnh có lần nói với bọn tôi, giá kể bảo nhau mà ra khỏi hội là tốt nhất.


Bởi vậy,
Nguyễn Văn Hạnh nói, cũng có chỗ đáng thông cảm cho Nguyễn Đăng Mạnh. Chứ bận
gì mà không đi họp được một buổi.





Người đắc
ý nhất trong buổi họp phê bình ấy, tất nhiên là Phương Lựu.


 Phương
Lựu tỏ ra có vẻ tâm đắc với Hội, hiểu Hội, như là người của Hội từ lâu lắm. Về
xem lại tư liệu, tôi thấy đến Đại hội nhà văn 1983, Phương Lựu vẫn chưa phải
hội viên. Người này mới lập thân từ bàn tay dìu dắt của Nguyễn Đình Thi, Hữu
Thỉnh.





Nhưng ông
Mạnh cũng đã thoả hiệp với báo Văn
nghệ
.


Số báo Văn nghệ ra 11/8 có bài Nguyễn Đăng Mạnh viết
về Nguyễn Tuân. Lại có cả thư chúc mừng nhân dịp Nguyễn Tuân 80 tuổi của Hội
nhà văn Liên Xô. Tôi đoán, nhờ có cái thư ấy, mà bọn Văn nghệ mới nhớ ra là có chuyện ông Tuân
80, mới chạy đi đặt bài.


Phen này
ông Mạnh chắc phải được trả trên 100 ngàn.


  Văn
nghệ
 vẫn có biệt nhãn với Ng
Đ Mạnh. Tạp chí Tác phẩm mới có lần định mời ông Mạnh ra làm Phó
tổng biên tập.





Có một
vấn đề đặt ra: thấy bọn đang thắng ra trò vậy, phải cãi làm sao.


Với cái
bi quan cố hữu của mình, tôi định không tham gia gì cả. Tranh luận nghĩa là
chưa biết chân lý thuộc về ai. Còn khi đã có chân lý rồi (chân lý được nói
trong cái nghị quyết) thì việc gì phải cãi nhau nữa. Mọi cuộc đối thoại bây giờ
là một thứ đối thoại giả tạo.





Nhưng có
nhiều người  không nghĩ thế. Loại như  Phong Lê vẫn muốn tử vì đạo,
muốn cãi lại. 


Phong Lê
đã viết xong một bài giáng trả lại Đỗ Văn Khang, sau khi Đỗ Văn Khang lôi câu
của Phong Lê "tất cả đã tốt rồi, thì việc gì phải đổi mới" để đả.


Đỗ Văn
Khang trong dịp này, chỉ đánh hôi cho Bùi Công Hùng. Hùng cần phải bảo vệ chức
vụ Phó Tổng biên tập ở Viện.


Những
người như Phong Lê - tôi nghĩ - bây giờ mới hiểu rõ là trên đời này bao nhiêu
điều oan uổng khốn nạn, chứ không phải như họ xưa nay vốn quan niệm.


Những gì
mà Phong Lê cãi lại, chỉ tuyệt vọng thôi, chả ai theo đâu. Dẫu sao, cứ cho lão
cãi đi, điều đó chỉ có lợi cho tình hình chung.





13/8.


Sử kể một
đoạn đối thoại với Hữu Thọ, phó tổng biên tập báo Nhân Dân


- Sao các
anh đánh dữ thế, tôi nghe nói bọn chúng nó (Phong Lê) đang chuẩn bị cãi lại.


- Bọn này
mong bên kia cãi lại để còn có cớ mà đánh tiếp tục.


- Làm gì
mà tàn bạo thế?


- Lê nin
nói rằng làm cách mạng cứ có 51% ủng hộ là ổn rồi. Đằng này chúng tớ được ủng
hộ hơn thế nhiều. Hàng ngày, báo Nhân
Dân
 nhận được hàng chồng thư của các cụ về hưu, các cán bộ tuyên huấn và nói chung là cán bộ chính
trị ở các cơ sở. - thư ủng hộ chiến dịch phê phán hiện nay. Còn thư phản đối
rất ít. Làm báo mà được sự ủng hộ như thế, thì không có gì phải phân vân cả.





14/8


 Nguyễn
Quang Lập vừa ở Quảng Trị ra.


- Cửa Việt vẫn có giấy phép ra tiếp. Số 3 chỉ
phải cắt bớt bài Dương Thu Hương và  mấy câu ở một truyện dịch.


- Sông Hương thì gay go hơn. Đài truyền hình
phát băng hình ghi lại mấy cuộc hội thảo của các cụ về hưu, cụ nào cũng quyết
tâm không thể để thế được. Không thể để thế được.




Ngoài Hà Nội có mấy chỉ thị:


a. bắt Sông Hương số 4 cắt mấy câu trong bài Phong Lê (Đảng và trí thức) và bài Phạm
Thị Hoài (câu chuyện Hoài không vào Hội)


b. Phải
thay tổng biên tập. Tổng biên tập cũ Tô Nhuận Vỹ đã làm kiểm điểm. Nghe đồn là
là Vĩ sám hối ghê lắm. Nhưng vẫn không thể không bị đánh đổ, vì phen này cứ ai
dính dáng đến Việt kiều là bị trị. Mà Sông
Hương
 dính với Việt kiều đã
quá rõ. Hình như người ta còn xác định có những việc Sông Hương làm theo yêu cầu của Việt kiều nữa.


Cái này
thì từ lâu đã có tin đồn, đến mức Tô Nhuận Vỹ phải thanh minh để ý xem, ai
chiều chuộng Việt kiều, bám Việt kiều nhất, Sông Hương hay những người chửi Sông Hương.





Nhưng bây
giờ thử tính ai sẽ thay Tô Nhuận Vỹ. Người ta nêu tên 4 người: Nguyễn Khoa
Điềm, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân. Nhưng cả bốn đều từ chối.


- Điềm
nói là Điềm không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi


- Phê nói
là già rồi, muốn sáng tác, không nhận làm gì


- Hồng
Nhu nói là làm bên Hội (Phó Tổng thư ký) đủ rồi


- Nguyễn
Đắc Xuân nói là đã thắp hương, thề không dính tới Sông Hương.


Hiện nay, Sông Hương "nằm viện" không  ra
tiếp. Chờ đến đại hội văn học nghệ thuật tỉnh sẽ hay.





Ngoài Hà
Nội, có thêm một số tin mới:


- Sau bài
bảo Dương Thu Hương nằm vạ, Nguyễn Văn Lưu bị chửi rất ghê, có người kéo đến
nhà chửi, có người đến báo chửi (thậm chí Thỉnh phải nhận là bài đó có thái độ
không đúng và có tin Thỉnh sẽ đăng bài phê phán).


Nhưng Vũ
Quần Phương kể là ở cơ quan NXB Văn
học
,  Nguyễn Văn Lưu chìa ra một lá thư, trong đó Bộ Nội vụ khen Lưu
đã tích cực đóng góp vào cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học. Lưu đã tìm ra
vai của mình.





- Bằng
Việt vừa triệu tập một cuộc trao đổi ở báo Người Hà Nội, trong đó thành
phần tham dự gồm có Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng (Kháng không dự), Văn Tâm,
Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu.


Xu hướng
chung của "hội thảo" là uốn nắn lại đợt súng phê phán vừa rồi (nếu
mình nghe không nhầm thì là như vậy).


Người
Hà Nội
 dự định sẽ đăng tải các bài phát biểu đó dần dần trên mặt
báo.





- Giải
thưởng của Hội Nhà văn (phần văn xuôi), nghe đồn là Cỏ lau, Ông cố vấn và truyện Khôi Vũ.


Còn thơ
là Văn Cao và Xuân Quỳnh.


Chủ tịch
hội đồng giải thưởng là Vũ Tú Nam, phó (kiêm thường trực) là Xuân Thiều. Nguyễn
Văn Hạnh, trong buổi họp phê bình vừa rồi, cũng kêu chuyện này.





 Hữu
Mai khá đắc ý. Trong Đảng bộ, ông được bầu là bí thư.


Còn về sự
tín nhiệm của cấp trên. Nghe nói nếu có Đảng đoàn thì Anh Đức làm bí thư, còn
cũng Hữu Mai làm phó.


 Vậy
là tác giả Ông cố vấn thành công cả trong chuyên môn lẫn
trong chính trị . Ngọc Trai bảo ông ta có hy vọng kỳ tới làm Tổng thư ký, nên
đang lấy lòng mọi người và làm việc quyết liệt lắm.





Một việc
khác, cũng do Ngọc Trai kể.


Số là Hội
nhà văn vừa làm tổng kết 6 tháng đầu năm, Xuân Thiều đọc bản tổng kết nêu rõ:
tình hình mất đoàn kết hiện nay là do quan điểm một phần, nhưng phần khác là
những mưu đồ công danh, khiến cho người nọ người kia kèn cựa nhau, bô báo về
nhau.


Ngọc Trai
bảo nghe đúng quá chứ còn gì. Thế mà bọn Đào Vũ cũng phản đối.





24/8


 Vẫn
Ngọc Trai kể:


Bên chi
bộ Hội nhà văn, họp kiểm tra Đảng. Riêng phần Nguyên Ngọc làm hai ngày.


Những
người nói nhiều nhất là Kim Lân, Đào Vũ, Thợ Rèn, và Bùi Hiển (Nguyễn Đình Thi
và Đỗ Chu đi vắng).


Họ bêu
Nguyên Ngọc đủ điều, trong đó có cả cái điều tệ hại nhất mà chính trị cấm tiệt.
Đó là bè phái về tổ chức,  định đưa Trần Độ lên làm Tổng Bí thư, lúc đó
Nguyên Ngọc sẽ làm Trưởng ban văn hoá, sẽ là uỷ viên Trung ương v.v…


 Kim
Lân đòi phải có kỷ luật với Nguyên Ngọc. Nhưng làm gì có bằng cớ để có một kỷ
luật như vậy.


Đâu chỉ
có Nguyễn Văn Bổng còn dám bênh Nguyên Ngọc ít chút.


Vũ Tú Nam
cũng bị phê bình là nhu nhược, để Nguyên Ngọc khuynh loát tất cả.


Theo Ngọc
Trai dự đoán, phen này Nguyên Ngọc sẽ chán nản bỏ đi sáng tác, không làm trưởng
ban của Hội nữa, và Xuân Thiều sẽ nắm.


Hình như
việc này có sự chỉ đạo của trên Ban tư tưởng văn hoá.





Cả Ngô
Văn Phú, và  Bùi Hoà cùng kể, chính tôi – VTN -, cũng bị họ lưu ý chi bộ
là xem xem có vấn đề gì không, đặc biệt qua hai việc 1/ cho rằng  Nguyễn
Huy Thiệp đáng tặng ngòi bút vàng và  2/ theo đuôi các việc do Nguyên Ngọc
khởi xướng.


Hoà và
Phú than thở hộ tôi: họ nhìn vấn đề bằng con mắt hành chính, họ không hiểu.





Nghe nói
Trung ương họp, có bao vấn đề kinh tế, xã hội bê bối đang đặt ra. Đại hội Đảng
tháng 7-1990 coi như đã phá huỷ xong vô hiệu hoá xong ĐCS Liên Xô. Ông Linh có
vẻ nghiêng về Trung quốc, và muốn đi với Trung quốc càng nhanh càng tốt. Có
phương án sẽ đưa Hoàng Văn Hoan về, nhận cho làm một chức vụ gì đó của nhà nước.


… Nghĩ ra
mà sợ cho nước mình, xoay như chong chóng, không ra cái lý cố gì cả.





 13/8


 Thư
viện Quân đội có hội thảo về cuốn
Những mảnh đời đen trắng
 của
Nguyễn Quang Lập.


Ngày
16/8, báo Quân đội nhân dân đăng
văn bản cuộc thảo luận, do Đỗ Trung Lai chấp bút, trong đó, hết sức trân trọng
các ý kiến  của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu, và nhà văn lão thành
Trần Cư – cả hai đều phê phán NMĐĐT.


 Tới
chủ nhật 26/8 thì trên TV mới bày ra cảnh họ hội thảo với nhau.


 
Một Thu Hương nữa, hình như là của Văn công Phòng không không quân,  thét
lên, cho….là … là… những tác giả phản động đó phải đáng treo cổ.


Thành luỹ
của bọn bảo thủ ở nước nào cũng giống nhau.





 27/8


 Gặp Nguyễn Văn Bổng. Ông lắc đầu kể rằng cuộc kiểm điểm ở  chi bộ Hội nhà
văn là kinh khủng. 


 Mới đầu Vũ Tú Nam, rồi Chính Hữu, Hữu Mai, Ngọc Tú… chỉ có khen.


 Đến Nguyên Ngọc thì tất cả xô vào đánh. Kim Lân đòi kỷ luật Nguyên Ngọc,
nhắc đi nhắc lại rằng cần kết luận chính thức. 


Đào Vũ
cũng mấy lần nêu ra câu hỏi. Tại sao anh lại có tên trong danh sách "Anh
hùng Việt tộc
" (Trước đó Nguyên Ngọc đã nói ở đâu đó: Người nào nêu ra
câu hỏi loại đó, tức một là ngu ngốc, không biết gì, hai là đầy ác ý)





 
Nguyễn Văn Bổng kể là Bổng phải đứng ra bảo đảm là Ngọc không phải là người của
địch, không có vấn đề tổ chức ở đây.


 Nhưng
mà lại làm sao với họ được, Bổng nói thêm.





 Tôi
hỏi ông Bổng:


-- Anh
thấy có nên tham gia vào một cuộc cãi lại mọi chuyện đang ầm ĩ này không. Nếu Tạp chí Văn học mời anh, anh có tham gia không?


-- (tỏ ý
ngần ngừ) Bây giờ làm sao mà cãi lại được.


-- Thế
anh thấy có ai đáng làm việc này? Thường khi có vấn đề gì của Hội, anh nói với
ai?


 --
Không nói với ai cả. Bây giờ không có ai để nói.





Sau khi
gặp Bổng, về thư viện, tôi nói với cô Hà:


- Như ông
Bổng còn khá.


Hà:


- Có khá
khối! Cũng ghê lắm.


Trước đó,
khi bàn về chương trình TV phê phán Những
mảnh đời đen trắng
, Hà đã nhận xét rất hay:


- Chỉ
thiếu có anh Phú. Trong những cuộc như thế này anh Phú cũng là một mũi sắc bén.





Tối thứ
bảy 25/8, gặp Phong Lê.


Phong Lê
kể cho biết đúng Sông Hương số 4 bị cấm vì trong đó có bài Đảng và trí thức. Nhưng bài đó
chính là bài đọc trước ông Linh ở một cuộc hội nghị bên UB khoa học xã hội và
đã đăng ở Văn nghệ.


 Trên Sông Hương, bài này chỉ
thêm một vài đoạn trích dẫn mà ở bản báo cáo Văn
nghệ
 đã bị lược bỏ.





Phong Lê
còn nhớ rất rõ hôm ấy ông Linh phản ứng nhanh nhạy lắm. Thấy Phạm Đức Dương
Viện trưởng Viện Đông Nam Á nói rằng chúng ta xây dựng CNXH trong một hoàn cảnh
không bình thường, thế là ông nổi cáu, nói không bình thường tức nói xây dựng
CNXH không thể thành công à (khốn khổ cho Ph Đức Dương cũng loại chúa nịnh,
nhưng lần này nịnh không phải lối nên đến nỗi thế).





Còn bản
tham luận của Phong Lê nói rằng chúng ta không làm công tác vận động trí thức
gì cả, thì được hoan nghênh lắm.


 Vậy
mà bây giờ lại bị các ông ở Ban Tư tưởng văn hoá bắt tội, thật không ra sao cả.





Tôi muốn
nhìn lại mọi phía cái con người đang nói chuyện với tôi.


- PhLê có
tên trong cái danh sách Anh
hùng Việt tộc
 khỉ gió nào đó.


- Vậy thì
cần đánh là đánh loại "bị nước ngoài lôi kéo" đó, chứ có căn cứ phải
trái gì đâu.


Càng nghĩ
càng thấy đáng lẽ vào những lúc  bị đòn này, một người loại cốt cán như
Phong Lê mới hiểu cái điều hắn đã tin xưa nay là xằng xịt đến mức nào.





Bùi Việt
Sĩ kể rằng báo Nhân Dân hơi phiền lòng, vì tờ Quân đội nhân dân anh em lại đăng bài của Ngô Thảo
phản bác lại mình. Nhưng trong tâm lý, báo Nhân
Dân
 hẳn cũng sung sướng, như
vậy cũng có cớ để bọn họ tiếp tục lên tiếng trước các vấn đề của giới văn nghệ
hiện nay. 


Không có
họ thì hỏng hết còn gì!





Trúc
Thông kể là Mai Thúc Long phó tổng biên tập Đài TNVN  trực tiếp chỉ đạo
cho bọn Trần Nhật Lam ở Ban Văn Nghệ là phải đọc những bài “đánh đấm” trên báo Nhân Dân (mục phát thanh giành cho Việt kiều ở
nước ngoài. Còn nhớ đọc cả loại bài như Nằm
vạ
 của Nguyễn Văn Lưu nữa,
cán bộ nhiều người thích lắm).


Mai Thúc
Long giảng giải:


- Báo Nhân Dân đã mất bao nhiêu công đi đặt bài, đặt
loại I không được, đặt loại II, không được, cuối cùng phải có những cộng tác
viên (hay bài) loại III như vậy, tại sao lại không ủng hộ mà đọc lên để khuếch
trương ảnh hưởng.





Từ
6-1979, từ Hội nghị Đảng viên trở về, bất chợt Ng Khải nói với tôi một câu an
ủi:


-- Chán
thì có chán thật, nhưng mấy ngày tới còn được ở nhà. Thằng Ngọc mà thắng là thả
nào nó cũng lùa anh em đi thực tế một chuyến bây giờ.


 Sau
Đại hội ba 1983, tức là sáu bảy năm trước, có một cuộc họp Ban chấp hành khóa
ba ở Đà Nẵng. Hồi ấy, chuyện vào các tỉnh miền trung mà đi máy bay còn là
chuyện xa xỉ. Vậy mà các thành viên Ban chấp hành ở Hà Nội được Tổng thư ký
Nguyễn Đình Thi giải quyết cho đi máy bay hết.  Xuân Quỳnh họp về đến cơ
quan kể với tôi một chuyện tạt ngang:


-- Lúc
tán phét, lão Nguyễn Khải bảo là nếu thời Nguyên Ngọc thì đừng có hòng. Lão sẽ
cho đi tầu hỏa hết. Mà chính Nguyên Ngọc cũng ngồi tầu hỏa để làm gương không
biết chừng.





Từ những
chuyện tương tự, tôi muốn đọc ra một ý tưởng liên tục của Nguyễn Khải trong hơn chục năm qua:


– Chính
ra Nguyên Ngọc lại là người chăm chú thực hiện đường lối văn nghệ vốn có sau
khi tân trang chút ít. Cái mới của ông là ở sự kiên cường nghiêm túc của người
ở chiến trường về, sự nghiêm túc này ở Hội nhà văn VN của Thi đã mất hẳn sau
những năm chiến tranh mệt mỏi.


Chẳng qua
cánh cũ bị mất quyền lợi nên phen này họ phản ứng dữ dội với Ngọc. Mà cái việc
họ đánh vào nhân cách Ngọc thì quá bỉ ổi nên ta lại càng dễ cảm tình với 
Ngọc. Chứ trong tư tưởng con người đã vào chiến trường cả chục năm đâu đã vượt
lên khỏi tình trạng tư tưởng lúc này của xã hội? Chiến tranh đâu có phải là môi
trường chuẩn bị cho cái mới?





Rồi tôi
lại nghĩ, Nguyễn Khải nói thế, chắc để bao che cho thói cơ hội và sự trở mặt
trắng trợn của mình?


Nhưng gạt
đi câu chuyện nhân cách Khải, bản thân cái điều ông nói ra tại sao cứ bám vào
đầu tôi. Tôi chỉ biết phân vân và nghe ngóng.  Tôi không thể tìm ra lý do
để nhập cuộc.








29/8


 Đọc Nỗi
buồn chiến tranh
 và lại cảm
thấy nôn nao cả người. Cái chất hình tượng trang viết nắm bắt cuộc đời, cái đó
nó chỉ thấy ở Nguyên Hồng ở Nguyễn Minh Châu, nay lại hiện ra đàng hoàng sang
trọng hơn. Lối chẻ chữ ra ngâm nga như của Nguyễn Tuân cũng không đáng sợ bằng.


... Khi viết những dòng này về chiến tranh, Bảo Ninh như
muốn tự chứng tỏ rằng trên đời  này, chỉ có mình là lính. Xúc cảm kiểu
lính, ăn kiểu lính nghĩ kiểu lính. Và đặc biệt hai cái phần mà lâu nay văn học
mình vẫn lẩn tránh:


- giết người kiểu lính


- làm tình kiểu lính.


Trong cách hiểu thông thường, cuộc sống lính tráng chỉ được
tả đơn giản, dễ hiểu, có thể hình dung ra được. Với Bảo Ninh, cuộc sống hiện ra
cứ như một cái gì ma quái người ta không nắm nổi không chộp bắt nổi, nó cứ chập
chờn trước mắt người ta mà chịu.


Bắt chước cái giọng của Nguyễn Minh Châu, tôi muốn kêu to
lên lúc này: Những kiểu phân tích rành rọt của Nguyễn Khải, những kiểu bông
phèng của Hồ Phương, mức độ của Xuân Thiều, công chức của Hữu Mai, các anh cứ
gọi là vứt đi hết - chả có gì là văn học hết. Bảo Ninh này nó mới là văn học
thật sự. Mỗi thứ văn học rõ rệt, nó đều hàm chút trong nó một sự phủ nhận những
phong cách khác trước nó.





Bức tranh văn học thời này đại khái là:


1. Khu vực tiểu thuyết, gần như hoàn toàn là thương mại. Sự
tìm tòi may lắm chỉ ở truyện ngắn. Lý do thật đơn giản. Người ta thường phải
viết ngắn hơn, không đủ sức tìm tòi cái gì thật chắc chắn.


2. Các nhà văn chuyên nghiệp còn lúng túng. Chỉ có các cây
bút trẻ là còn sự trong sáng trong tìm tòi, cái trong sáng đồng nghĩa với liều
lĩnh.


3. Có sự so le quá đáng giữa như cầu kiếm sống và như cầu
làm văn học thực sự. Lý do: xã hội không đánh giá nổi những tìm tòi văn học,
không đủ sức bao dung đủ sức bảo trợ sự tìm tòi ấy. Người nào chưa lo kiếm sống
hôm nay thì mai sẽ phải lo.


Nhưng việc đó lại không được nói ra. Trên báo chí, tất cả
lại phải tự tin xông lên, lại phải nói rằng những tìm tòi đều được ủng hộ, được đánh giá đúng.


Rút lại nhìn từ xa, thấy bao trùm trong văn học là bóng tối. Trong bóng tối đó bao
nhiêu bất công. Trong bóng tối đó, cái xấu tha hồ lộng hành.


4. Khi bóng tối đã bao trùm cũng lúc quá trình mòn rỉ, mốc
meo, thoái hóa xảy ra rất nhanh.


Con người - ở đây là người viết văn - cảm thấy cô đơn. Và
những kẻ xấu trở nên hung hãn.





1/9


 Báo Người Hà Nội số 2/9 đăng bài của Bằng Việt. BV đối
lập văn nghệ sĩ ta và họ (mấy người có thể bị bắt), xem họ chỉ là lạc điệu;
những ai coi những con chiên ghẻ đó  biểu hiện một xu thế  xã
hội chỉ là dựng chuyện.


 BV
cũng không hề nói gì tới không khí căng thẳng nặng nề bao trùm trong giới.
Người viết tỏ ý như ta rất vững vàng và xem chuyện rối rít tít mù chung quanh
chả là chuyện gì cả.


Cảm thấy
BV hiểu mình hoàn toàn đứng cao hơn thiên hạ một cái đầu và tỏ ý thương hại
những ai không biết nghĩ như mình.


 Lối
nói bề trên mang lại cho hình ảnh tác giả hiện lên sau bài viết một vẻ sang
trọng giả tạo.





Có điều
vui là trong lúc đó tất cả đều đồn là Bằng Việt mất đất ở Hà Nội sắp phải
chuyển về Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật. 


Người
Hà Nội
 số này đăng hồi ký Huy Cận, thơ Xuân Thiêm. Sẵn sàng làm
tất cả những gì dơ bẩn nhất, đó là bản chất con người được tiếng sạch sẽ này.





Ân kể thêm về
mối quan hệ giữa nhà xuất bản chúng tôi và Hội.


Bùi Văn
Hoà thay mặt chi uỷ Nhà xuất bản lên trình bày với Đảng uỷ về kết quả đợt học
tập chính trị vừa qua. Trong cuộc họp đó, Đảng ủy viên Ngọc Tú hỏi:


- Nghe
nói là anh Kiên có cùng với anh Ngọc, đi vào tổ chức để bè cánh trước Đại hội.


Hoà phải
nói ngay:


- Ai nói
điều đó? Đâu là bằng chứng?


Tú phải
lảng ngay.


- Đấy là
có tin đồn như vậy, đề nghị kiểm tra.


Hoà sở dĩ
có thể kêu to tiếng không như thế, là do ông Kiên đã dặn cu cậu từ trước. Kiên
cũng hiểu rằng mình bị mắc kê, nên lẩn  giỏi.





Trong các
buổi họp của Hội nhà văn, thấy có tin đồn dai dẳng nói là ông Vũ Tú Nam, tổng
thư ký, đang xin từ chức.


Tin đồn
chắc hẳn là có ác ý, là muốn đánh vào  ông Nam. Nghe nói lời đồn lan rộng
đến mức trong một buổi họp người ta phải nêu ra và bảo nhau rằng đừng có góp
phần lan truyền tin đồn đó nữa.


Phản ứng
của Vũ Tú Nam về chuyện này? Chắc chắn là ông rất buồn. Một người lõi đời về tổ
chức như ông Nam hiểu rằng như thế là người ta không ủng hộ ông nữa. Thế nhưng
ai mà thương ông được. Một sự bảo thủ dịu dàng - trong những ngày qua, trước
đại hội, ông ta có một lập trường như vậy. Trong sự thản nhiên của ông, có một chút
gì như là cơ hội nữa: cho mọi người dánh nhau, ta ở giữa có lợi.


Và ông có
lợi được đôn lên Tổng thư ký. Một người như Nguyễn Sinh nói với tôi: tình hình
bình thường thì làm sao mặt ông Nam trở thành Tổng thư ký được.


Chắc ông
chưa từng nghĩ rằng thứ "trung dung" ấy, có lúc sẽ phản ông. Sau đại
hội, ông tiếp tục "trung dung". Ai làm gì cứ làm, miễn không thiệt
đến ông là được. Ngày trước Nhị Ca đã gọi ông là ông phán cách mạng. Ngờ đâu,
sau khi thịt Nguyên Ngọc rồi bọn nó thịt đến ông. Đấy là nguyên tắc.


Trong
chính trị, không có chỗ cho kẻ trung dung.


Nhưng
sách lược mà ông Nam áp dụng hồi ông ở nhà xuất bản bây giờ không đứng được nữa.





 Ân
nhận xét ông Nam từ Tác phẩm
mới 
mà lên nhưng có bao giờ
ông ủng hộ nơi công tác cũ cái gì đâu. Người ông cũng không dùng, hồi ấy, bọn
tôi đã tính kế cho ông, là nếu khôn, ông nên kéo Ngô Văn Phú lên làm chánh văn
phòng cho mình vì Phú là người của ông. 


Và đáng
lẽ ông phải có ý kiến của mình trong nhân sự ở Văn nghệ, ở Tác phẩm mới.


 Đằng
này ông mặc kệ, ông chia khoảnh ra cho người khác ai làm gì ai cứ  việc
làm.


Ân kể lại
một chuyện mà chính tôi đã quên: sau khi bầu xong Ban chấp hành, tôi+ Xuân
Sách+ Anh Ngọc đứng với nhau. Và bọn tôi đều nhất trí: nhân vật thao túng BCH
thời gian tới sẽ là Hữu Mai. Bây giờ  thấy đoán như thế là đúng.





 5/9


 Chi
ủy viên Hoà trình bày rõ hơn về việc họp ở trên Đảng uỷ Hội nhà văn mà trên kia
Ân đã kể.


Các ông
ấy kêu lên là nhiều chi bộ đấu tranh gì mà ở đâu vẫn ở đó, sao mà nhẹ nhàng
thế, trong khi đáng ra đợt sinh hoạt này là hết sức quyết liệt, có nơi 25% đảng
viên bị đưa ra khỏi Đảng cơ mà.


Hoà phải
nói ngay: Có lẽ các đồng chí định ám chỉ chi bộ tôi, nhưng sự thực là chúng tôi
đã làm rất tốt.


Khi nói
về ông Kiên, câu hỏi ông Mai gợi ý là người ta nói ông Nguyên Ngọc, ông Kiên và
bà Lê Minh đã liên kết với nhau để làm những việc mà họ gọi là mưu mô.



việc  này anh Nguyên Ngọc không cải chính, ông Mai cuời nhấn mạnh thêm.


Ông Mai
cắt nghĩa:


- Cần
phải bảo vệ anh Kiên, nhỡ ra anh Kiên có điều gì đó thì Đảng uỷ cũng rất phải
suy nghĩ.


Câu hỏi
của Ngọc Tú về ông Kiên là:


- Tại sao
nguời ta vẫn nói anh Kiên là cái bóng của anh Ngọc?


Sau Hoà
hỏi lại ở đâu ra, thì Tú mới lảng.





Về Vương
Trí Nhàn, bà Tú cũng thắc mắc về chuyện ông Châu, anh Nhàn nói đám ma anh Châu
là đám ma kẻ khó, vậy phủ nhận hết công lao của chúng tôi à?





 Rõ
ràng, trong các đảng uỷ viên này, chứa đựng một lòng căm giận. Họ ra cái điều là họ
đã làm cho Hội bao nhiêu như thế mà Hội đâu có biết ơn họ. Thực chất là họ quật
lại những lao đao cay đắng mà họ phải gánh chịu khi đại hội nhà văn đang tiến
hành và tình hình một vài tháng sau đại hội, mà họ phải nín lặng.


Nhìn
chung, trong phạm vi cả xã hội, quyền lực lên ngôi độc tôn, không chịu sự kiểm
soát của bất cứ cái gì. Mà đó là cái chính quyền của những kẻ ở bên lề, không có nghề
ngỗng, như Phạm Mạnh Hùng đã nói.


Còn trong
văn học, có cảm giác rằng cũng đang có một hệ thống quyền lực kiểu ấy tồn
tại, nó ngày càng mạnh, văn học đang giống với đời sống.





Báo Nhân Dân, số 9/9, đăng bài Mai
Quốc Liên tranh cãi với báo Đại
đoàn kết
 của Việt kiều ở Pháp
chung quanh tin về đại hội lần thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài trên báo
Việt kiều có những đoạn nói về Mai Ngữ, rất cụ thể. Người ta bảo Mai Ngữ là mật
thám Pháp và Mai Quốc Liên cãi rằng Mai Ngữ là đại tá, đã đi kháng chiến và bây
giờ không thể hỏng được.





Lê Minh
Khuê kể rằng Thanh Nhàn bảo Bằng Việt:


 --
Ông viết thì dân văn nghệ nó càng ghét ông.


BV trả
đũa ngay:


- Cho nó
ghét một thể.





 Ông
Chương Thâu kể năm nay kỷ niệm 50 ngày mất của Phan Bội Châu nhưng người ta cố
tình quên, người ta không muốn làm to - ở Nghệ An, người ta chỉ giao cho huyện
Nam Đàn làm.


Người ta
chỉ sợ làm loãng cái không khí 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.








11/9


 Ngô
Thảo nói rằng Thu Bồn, Ngô Thảo, Ngô Thế Oanh sẽ gửi thư đến báo Nhân Dân, cãi lại những thông
tin của Mai Quốc Liên về đại hội nhà văn. Nếu báo Nhân Dân không đăng, thì sẽ đến tất cả các báo
trong cả nước để thông báo cho họ biết.


Báo Nhân Dân chủ nhật số 15/9 có bài của Phan Cự Đệ
chửi bới Trần Độ về định hướng rộng, chửi luôn cả Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp
và cả Phong Lê - Phong Lê đã đăng bài của một nhà học giả Úc về tình hình hiện
thời.





19/9


 Đọc
lại Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử.


Sử không
đặt con người trong thơ Tố Hữu trước lịch sử đời sống trưởng thành Việt Nam,
không thấy rằng trước đó, đã có những con người hiện đại như trong thơ Xuân
Diệu, tùy bút Nguyễn Tuân, truyện ngắn Nam Cao, và như vậy, con người trong Tố
Hữu là một bước lùi.


Không
thấy rằng so với thế giới, chúng ta rất lạc hậu. 


Con người
thế giới hiện nay là con người dằng xé, bị đánh phá, con người không tính cách  (tên một tác phẩm của R .
Musil), con người cảm thấy không xa nổi cộng đồng, tuy không làm sao hoà nổi vào
cộng đồng v.v…


Tố Hữu ca
ngợi một con người ngược lại, mông muội, cổ lỗ chân thành, nhưng giọng điệu
càng ngày càng gượng gạo.





Về thời gian  Tố Hữu cũng chỉ đưa ra một ý
niệm về thời gian lịch sử, một thời gian đều đều kèm theo một ảo tưởng rằng
thời gian ủng hộ chúng ta.


Không có
khả năng hiểu về thời gian hiện đại. Không có cảm tưởng chính xác về nó không
diễn tả đúng về nó.





Tất cả
những cái này, là có ở Tố Hữu, nhưng Trần Đình Sử không có ý thức rằng Tố Hữu
lạc hậu. Nhà phê bình chỉ dừng lại ở Tố Hữu,  nhìn Tố Hữu bằng chính 
con mắt Tố Hữu, không đối chiếu Tố Hữu với cái hiện đại. Trần Đình Sử do đó,
không thể đối thoại Tố Hữu, mà chỉ là người diễn giảng Tố Hữu, truyền đạo cho
Tố Hữu.





18/9


 Có
tin ông VNG Giáp sang Bắc Kinh dự Á vận hội. Đỗ Trung Lai ở báo Quân đội nhân dân thì thào: Trước đó ông Linh cũng đã
sang Thành  Đô gặp Giang Trạch Dân. Mọi chuyện xong xuôi rồi, nay mai cha
con tha hồ mà sang Bắc Kinh triều cống.


 Tôi
ghi lại điều đó ở đây vì chắc chắn công tác tư tưởng trong xã hội lại sắp được
lên dây cót, sẽ xảy ra cái hiện tượng đang ở Đông Nam Á: nghiêm khắc chặt chẽ
giáo điều trong đầu óc, rộng rãi trong làm kinh tế.





 19/9


Đọc Bến
không chồng


1. Nông thôn lạc hậu, mà ra khỏi chiến tranh 46-54, chưa có
gì mới, thì lại lao vào chiến tranh sau đó.


Mặc bao đổi thay nông thôn ấy không có gì xao động lên,
không có gì gọi là yếu tố mới. Nông thôn ấy giãy dụa vì những thành kiến cũ và
nền văn hóa cũ.


Ở nông thôn ấy lại như có gì thoái hóa. Rút lại là chuyện
của những con sống con mái, mà người ta cũng làm tất cả trong đau đớn, dày vò,
tự xấu hổ và không dám nhìn thẳng vào mặt mình.


Dương Thu Hương còn có chút gì tươi sáng (chứ đừng nói bọn
Đỗ Chu); Dương Thu Hương còn gán cho các nhân vật  của mình cái ý nghĩa nào
đó ( loại nhân vật có tâm có chí).


Với Dương Hướng, nông thôn là xã hội của súc vật, con người
sống theo kiểu bày đàn, cái gọi là văn hóa thực chất chỉ là một ít thành kiến
cổ lỗ về dòng họ và một ít mơ mộng hão huyền theo kiểu huyền thoại (lập nghiệp,
thành danh, làm vẻ vang gia đình làng xóm...).


 Bên cạnh cái nông thôn ấy, có thấy thấp thoáng một ít
bóng dáng thành thị, nhưng cũng là thành thị quê mùa, kiểu phố huyện. Có thấy
cả bóng dáng của đất nước, đất nước ấy còn chinh chiến nữa, nhưng cuộc chiến
tranh chỉ là cái vực thẳm lôi người ta xuống, và đất nước chả mang lại cho
người ta cái gì, hoặc có cái gì đó, thì lại chìm mãi vào chốn xa xăm (cái gọi
là tư bản) chẳng có gì liên quan đến làng quê cả.





Nói chung, hiện đang có hai thứ văn học:


 1/ một thứ văn học thương mại, chủ yếu diễn tả cuộc
sống thành thị, ở đó con người kiếm tiền, hành lạc, làm đủ điều bậy bạ.


Thứ này viết để bán cho thị dân trong đó chủ yếu là thị dân
mới, các cán bộ.


2/ một thứ văn học nông thôn, viết một cách tự phát, viết
không phải cho thị dân và chắc cũng chả phải viết cho nông thôn, chẳng qua
không thể không viết thì phải viết. Loại văn học này, có vẻ là một loại văn học
thứ thiệt, song thô sơ, còm cõi,  không bao giờ trở thành hàng hóa, mà
cũng không bao giờ đủ sức vượt lên để thành một thứ văn học thượng đẳng. Nhìn
vào nó cũng thấy đủ thứ tật bệnh cũng học đòi cũng không thuần nhất, không hoàn
chỉnh... Trong sự quê mùa của  nó, nó không ăn nhập gì với thế giới này,
nó không thành trào lưu, trường phải. Nó ghẻ lở, mốc thếch.





Trong Dương Hướng có những trang vớ vẩn về mối tình của
Thủy- Nghĩa, nhưng lại có cái bi tráng của cuộc làm tình giữa Hạnh và chú Vạn,
rồi sau đó, là việc Nghĩa bỏ Thủy về quê …thực tế là một sự đầu hàng, một sự
trở về với cát bụi.


Cuối truyện Hạnh mang đứa con trở về. Sự sinh đẻ và cái
chết đi liền nhau. Có một ngày mai đang tới (đứa trẻ). Ngày mai ấy là vớ vẩn là
kết quả của tật bệnh. Nhưng vẫn là một ngay mai thật sự. Bao nhiêu nát tan (
Hiệp, anh của Hạnh và bố Hạnh chết), bao nhiêu vớ vẩn, để sinh ra một đứa con
không có gì là bình thường.





Lại sắp tới kỷ niệm một năm ngày Đại hội nhà văn Việt Nam
lần thứ tư. Giá ở nước ngoài, người ta dễ có một bài viết kiểu như Văn học Việt
Nam một năm sau đại hội.


Giải thưởng văn học trước dự định vào trước 2/9, nay đã
muộn quá, phải làm vào 29/9. Chậm chỉ có một tháng, gần một tháng.


Bùi Việt Sĩ bảo: Hay nhất là hai người được nêu lên đầu
tiên trong giải thơ và giải văn là Xuân Quỳnh và Nguyễn Minh Châu đều đã chết.





Dạo này trên báo chí, người ta hay nói tới Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh (từ đó, là ý kiến của
Hoàng Ngọc Hiến về sự phá bỏ thành kiến)



















































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































Thật ít có truyện ngắn có khả năng tạo ra được một dư luận
rộng đến vậy.


















(Còn
tiếp phần cuối ) 










Nhật ký văn nghệ 1990 (phần II) Nhật ký văn nghệ 1990 (phần II) Reviewed by Phạm Thu Hương on 21:56 Rating: 5

Không có nhận xét nào: