Nguyễn Văn Tuấn
Hôm qua, tôi đi nghe Tiến sĩ John Schubert nói chuyện tại Viện Garvan trong chương trình seminar hàng tuần dành cho các nhân vật quan trọng trong khoa học và xã hội. Bài nói chuyện có tựa đề "The Chinese Curse", tức dùng câu thành ngữ "May you live in interesting time". Bài nói chuyện ấn tượng, thật hay, và gợi cho chúng ta nhiều suy tư về những vấn đề vĩ mô toàn cầu. Ông Schubert cho rằng chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử hết sức thú vị, vì những diễn biến quan trọng có tầm ảnh hưởng toàn cầu đang diễn ra trước mắt chúng ta.
Ông Schubert là một trong những nhân vật hạng elite của Úc, người mà giới báo chí hay gọi là “coporate raider”, một tướng lãnh xông pha thương trường. Ông tốt nghiệp kĩ sư chuyên ngành hoá, hạng danh dự từ ĐH Melbourne, và sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ cũng tại Melbourne. Ra trường, năm 1969, ông đi làm cho tập đoàn dầu hoả Esso như là một kĩ sư, và qua đó ông có cơ hội đi nhiều nơi trong các dự án khai thác dầu hoả. Năm 1988 ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Esso. Năm 1991, ông được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của ngân hàng Commonwealth của Úc (ngân hàng lớn nhất của Úc và có chi nhánh ở Việt Nam), và đến 2004 ông trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này. Ông giữ chức này cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2010. Bây giờ thì ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viện Garvan. Ngoài những chức vụ đó, ông còn là Chủ tịch Quĩ Great Barrier Reef Foundation, và giám đốc của Tập đoàn BHP Billiton Limited và BHP Billiton Plc. Nói tóm lại, ông là một doanh nhân thành đạt, một người giữ những trọng trách tầm quốc gia và quốc tế.
Cũng như những người cao tuổi và nổi tiếng, ông nói chuyện không có slides. Ông bắt đầu bài nói chuyện bằng những câu chuyện cá nhân hết sức thú vị. Ông kể rằng thời còn làm cho tập đoàn Esso, ông và các yếu nhân của tập đoàn được mời sang làm việc bên Saudi Arabia, cả đoàn bay bằng … phi cơ riêng đến thẳng thủ đô của vương quốc dầu hoả nổi tiếng này. Ông và đoàn gồm 5 người được mời đến ở trong dinh thự của Bộ trưởng bộ dầu hoả của Saudi Arabia. Ông tả dinh thự của ông bộ trưởng như là một khách sạn lớn. Trong đoàn, ông là người có chức vụ thấp nhất, nên được cho ở một cái phòng loại xoàng nhất. Nhưng khi ông vào cái phòng, đúng ra là suite, ông mới phát hiện nó như là một suite dành cho tổng thống ở khách sạn 7 sao. Ông say mê khám phá từng ngóc ngách của căn phòng. Thấy cái đĩa trái cây, ông thử một vài trái cây ngon quá, ông đưa tay cầm đĩa trái cây lên định làm hết, nhưng nó quá nặng, ông phải gồng mình dùng hai tay để nâng nó lên. Ông nhìn bề ngoài và nghĩ là chắc nó được mạ vàng cho oách, nhưng gõ gõ một hồi ông mới tá hoá biết đó là vàng ròng! Nhìn quanh ông thấy dao nĩa được chạm trỗ bằng hoa văn rất tinh vi, cầm lên cũng thấy nặng chịch, và tất cả đều là vàng ròng. Ông nói đùa rằng ông định lấy 1 cái về làm kỉ niệm, nhưng chợt nhớ ra là ở đây tội ăn trộm là chặt tay, nên ông bỏ qua ý định lấy làm quà! Khán phòng cười ngặt nghẽo. Ông kết thúc câu chuyện bằng một bài học về sự chênh lệch quá lớn giữa giới hoàng gia Saudi Arabia và người dân, và nghĩ rằng đó không phải là mô hình phát triển ổn định.
Một câu chuyện khác ông kể cũng rất liên quan đến chuyện quyền thế. Ông kể rằng trong một chuyến công tác (lúc đó ông đã làm lớn trong ngân hàng Commonwealth) bên Do Thái, ông làm việc với toàn những sĩ quan cao cấp trong Bộ Quốc phòng và thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng ngược lại với Saudi Arabia, các sĩ quan và thủ tướng ở đây có cuộc sống bình thường, không giàu sụ như bên xứ Ả Rập. Trong chuyến xa ra phi trường để bay đi Đức, ông được bố trí đi xe của quân đội, có 1 cảnh vệ đi theo và một sĩ quan cao cấp (hàng đại tá); đi một lúc thì xa lộ bị kẹt xe. Nhìn qua tình hình, ông biết rằng sẽ không cách gì đến phi trường kịp chuyến bay, nên ông nhờ ông đại tá sắp xếp cho ông bay chuyến ngày mai. Nhưng ông đại tá thản nhiên nói: yên tâm, anh sẽ bay chuyến này. Ông không thể nào hiểu nổi, và nghĩ ông đại tá này nói gì trên mây, vì làm sao có thể thoát ra khỏi cái xa lộ này. Ông đại tá khều viên cảnh vệ và nói gì đó, rồi viên cảnh vệ nói chuyện thì thầm với ai đó qua máy bộ đàm. Sau vài phút, anh cảnh vệ quay lại tươi cười báo cáo là: “xong rồi, ông sẽ bay chuyến này”. Hoá ra, Bộ Quốc phòng báo cho sân bay biết là chưa thể cất cánh được vì sự cố an ninh, phải chờ lệnh clearance mới bay được. Hai giờ sau, xe ông đến phi trường, có người dẫn ông qua khỏi tất cả những cổng an ninh (chẳng có xét gì cả, một điều mà ông nằm mơ cũng không thấy ở đất nước này), còn hành lí thì có người khác lo! Khi lên máy bay, ông nghe phi công trưởng báo cáo với hành khách là an ninh đã được cleared và bắt đầu bay. Ông kết luận rằng trong thế giới văn minh ở phương Tây, chưa nơi nào mà quyền lực của quân sự mạnh như ở Do Thái.
Ông kể chuyện bổ nhiệm trong giới thượng tầng xã hội hết sức hấp dẫn, và dĩ nhiên là rất khác với giới khoa học và đại học. Ông kể rằng lúc ông làm chủ tịch tập đoàn Esso, ông rất yêu công việc của mình, thì một hôm ông nhận được một cú điện thoại. Người bên kia đầu dây là Paul Keating, lúc đó là nhân vật số 2 trong Chính phủ của Bob Hawke, và trong vai trò treasurer (giống như Bộ trưởng Kế hoạch bên VN). Paul Keating đi thẳng vào vấn đề: ông muốn ông Schubert sang làm việc cho ngân hàng Commonwealth. Ông Schubert tá hoả, nói rằng ông không thể làm thế được, vì ông đang làm cho Esso, và ông chẳng có kinh nghiệm gì về ngân hàng. Nhưng ông Keating thản nhiên nói đó là ý muốn của ông, còn chuyện Esso thì ông Keating sẽ điện thoại cho hội đồng quản trị và nói cho họ biết. Đơn giản thế đó. Cần nói thêm rằng lúc đó ông Keating muốn làm một cuộc "cách mạng" trong kinh tế, và ngân hàng Commonwealth là tầm nhắm số 1 của ông. Keating muốn biến Commonwealth từ một ngân hàng của Nhà nước thành một ngân hàng cổ phần của công chúng. Và, nếu thành công, ông sẽ nhân rộng mô hình cổ phần hoá cho các tập đoàn "con voi" khác của Nhà nước. Do đó, Keating muốn một người từ ngoài ngành vào làm cái việc khó khăn đó. Và, quả thật Keating có cặp mắt tinh đời, đã chọn đúng người, và biến ngân hàng Commonwealth thành một tập đoàn của công chúng như ngày nay.
Trong thời gian làm cho ngân hàng Commonwealth, ông Schubert có dịp tiếp xúc với nhiều chính khách hạng nặng kí của Úc, và mỗi người có một cá tính độc đáo. Ông cho biết ông cựu thủ tướng Kevin Rudd coi nho nhã thế, chứ đối với giới ngân hàng thì ông là một người rất khó tính. Ông kể rằng ông Rudd có thói quen là cứ mỗi tháng, có khi mỗi tuần, ông và treasurer lúc đó là Wayne Swan, mời các sếp ngân hàng của Úc đến ... ăn sáng ở tư dinh Thủ tướng ở Sydney. Nói là ăn sáng, nhưng thật ra là buổi làm việc căng thẳng. Ông kể rằng một hôm, ông và các chủ tịch tập đoàn ngân hàng khác được mời ăn sáng, ăn uống no nê, bỗng nhiên Kevin đổi sắc mặt từ cười cười sang mặt hình sự. Ông Rudd hỏi một cách dằn mặt: Các anh làm việc vì lợi ích của ai? Ai cũng tái mặt vì sao ông lại hỏi đụng chạm như thế. Hoá ra, hiệp hội buôn bán nhỏ "méc" với Kevin Rudd và Wayne Swan là bọn ngân hàng không cho thành viên của họ vay tiền và xiết nợ dữ quá, nên Kevin Rudd dùng buổi ăn sáng để dằn mặt các ngân hàng. Ông Rudd nói rằng ngân hàng các anh ngoài việc phục vụ cho kinh tế vĩ mô, còn phải có nhiệm vụ phục vụ cho tiểu thương Úc vốn đang khó khăn. Ông Rudd doạ là nếu các ngân hàng còn làm khó giới tiểu thương, thì chính phủ của ông sẽ ra đạo luật mới và lúc đó thì các ngân hàng sẽ hối hận. Ông kể rằng sau khi Kevin Rudd điên người nói như thế, ai cũng nhìn ông vì ngân hàng Commonwealth là ngân hàng lớn nhất và ông là người có tư cách để giải thích cho ông Rudd nghe. Ông Schubert bèn giải thích tại sao có tình trạng xiết nợ các tiểu thương, và đề nghị cho thời gian để giải quyết vấn đề. Sau đó, ông Rudd có vẻ dịu xuống, và tươi cười chúc một buổi sáng tốt lành. Nhưng khi ra xe về, các giám đốc ngân hàng đều đồng thanh nói với nhau: Mẹ kiếp, kêu lại ăn sáng, mà lại bị mắng mỏ, ăn uống hết ngon!
Sau những câu chuyện cá nhân hấp dẫn và thú vị là chuyện ông muốn chia sẻ với khán giả. Ông Schubert cho rằng chúng ta đang sống trong một thời đại rất hào hứng, đang chứng kiến lịch sử đang diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày. Những diễn biến quan trọng là gì? Đó là sự trỗi dậy của Tàu, là công nghệ năng lượng mặt trời và xe hơi, là công nghệ mới về khai thác dầu khí, là “internet of things” (chưa biết dịch là gì), là 3D printing (tôi có nghe qua nhưng chưa rõ là gì), là genomics và personalised medicine, v.v. Những phát triển đó đang làm thay đổi cuộc sống chúng ta hàng ngày. Câu hỏi đặt ra là nước Úc phải làm gì, và mỗi chúng ta phải làm gì để thích ứng với phát triển mới. Đó là một thách thức, một "big picture" (bức tranh lớn) đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ.
Ông cho rằng nhiều người thấy sự trỗi dậy của Tàu nghĩ rằng Mĩ sắp ... tàn đời. Nhưng ông cho rằng còn quá sớm để vứt Mĩ ra một bên, vì trong thực tế Mĩ mạnh hơn chúng ta tưởng. Ít ai biết rằng Mĩ đã tự lực được dầu hoả, chứ không còn lệ thuộc nước ngoài như trước đây. Vả lại, Tàu là nước cai trị dân theo mô hình toàn trị nên họ sẽ khó phát triển bền vững, và cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là một minh chứng cho mô hình thể chế nguy hiểm đó. Mĩ có thể đôi khi tỏ ra rất lưu manh, nhưng so với những kẻ khác thì Mĩ là nhân từ nhất và hào hiệp nhất. Do đó, Mĩ vẫn là một "đàn anh" trên thế giới, và quan trọng hơn là một "cảnh sát quốc tế" đáng tin cậy.
Có lẽ nhiều bạn ở trong nước đọc những chia sẻ này của Ts John Schubert sẽ cho rằng đó là những chuyện viển vông, cần gì phải đầu tư suy nghĩ cho tốn sức và thời gian. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì văn hoá và môi trường ở Việt Nam vốn không khuyến khích giới trẻ chất vấn và suy nghĩ những vấn đề vĩ mô. Hễ ai phát biểu những ý kiến mang tính chính trị - xã hội là có khi bị gán cho những nhãn hiệu như "phản động". Cách gán nhãn hiệu đó là một hình thức tuyệt vời để khoá miệng công chúng. Hay như mới đây nhất là một em học sinh 15 tuổi phát biểu về tình hình giáo dục, liền bị nhiều người "ném đá" và phê phán theo kiểu "con nít, biết gì mà nói". Đó là những phản ứng đáng tiếc. Có thể nhận định của em chưa chuẩn xác, chưa dựa trên dữ liệu, nhưng em ấy có quyền phát biểu, và may mắn thay cái nhìn của em cũng là cái nhìn của rất nhiều bậc "tiền bối". Nhưng ở đây, tôi muốn nói rằng trong cái môi trường tiêu cực đó, giới trẻ không được khuyến khích phát biểu về những vấn đề "quốc gia đại sự", và đó là một sai lầm.
Ở các nước phương Tây, sinh viên, nghiên cứu sinh, hay những ai đã bắt đầu vào đời thường được khuyên nhủ phải tập có cái nhìn rộng và lớn, nói theo tiếng Anh là “big picture”. Là nhà khoa học, dù phải tập trung vào một vấn đề nhỏ – có khi rất nhỏ – nhưng vẫn không được sao lãng bức tranh lớn hơn. Có cái nhìn lớn hơn và bao quát hơn giúp cho nhà khoa học biết mình và việc làm của mình đang đứng ở vị trí nào. Tương tự, là nhà khoa học hay thậm chí sinh viên, chúng ta cần phải biết việc làm của chúng ta có nằm trong xu hướng phát triển trên thế giới. Đó chính là lí do mà chúng tôi lúc nào cũng khuyến khích các em sinh viên và nghiên cứu sinh phải suy nghĩ xa và rộng, chứ không nên chỉ vùi đầu vào chủ đề nghiên cứu của mình. Do đó, quan điểm cho rằng "tôi chỉ quan tâm đến chuyên môn" là hết sức sai lầm. Ông Schubert có hỏi một câu làm tôi hết sức ấn tượng: nếu ngay hôm nay, anh được chỉ định làm bộ trưởng thì anh sẽ làm gì, anh đã sẵn sàng chưa? Đó chính là yếu tố làm cho nước Mĩ hay Úc không bao giờ thiếu người lãnh đạo vì giới trẻ đã được đào tạo và được chuẩn bị ngay từ nhỏ.
Qua bài nói chuyện của ông John Schubert hôm qua làm tôi liên tưởng ở bên nhà. Việt Nam nhận thức như thế nào trước những biến chuyển nhanh trên thế giới mà ông đề cập. Nếu là một giáo sư hay nhà khoa học vớ vẩn nào đó nói thì tôi có thể bỏ qua, nhưng một yếu nhân như ông Schubert nói thì tôi không thể bỏ qua được. Những cái nhìn của ông đáng để chúng ta suy nghĩ phải làm gì cho Việt Nam. Rất khó biết Việt Nam chuẩn gì để đối phó với biến đổi khí hậu, năng lượng mặt trời, và những phát triển của công nghệ thông tin và genomics. Nếu không chuẩn bị thì Việt Nam sẽ ở thế bị động, và nguy cơ lệ thuộc và lẽo đẽo theo sau thế giới (như hiện nay). Với một nền kinh tế chỉ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên thì làm sao khá được. Tài nguyên thiên nhiên sẽ đến ngày cạn kiệt, và trong thực tế một vài lĩnh vực đã cạn kiệt, chúng ta chẳng để lại gì cho thế hệ mai sau. Nếu có để lại thì đó là món nợ khổng lồ. Chẳng hiểu các chiến lược gia Việt Nam nghĩ gì. Tôi rất muốn nghe họ nói chuyện một lần (như ông Schubert vậy) để hiểu và thấy cái tầm của họ ra sao. Nhưng nói gì thì nói, để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai, tôi nghĩ nên khuyến khích các bạn trẻ suy nghĩ lớn và xa.
Nguồn: FB Nguyễn Tuấn
Không có nhận xét nào: