Binh Le
Nhu cầu hội họp, chia sẻ và liên kết của con người là tự nhiên, và là một quyền con người cần được bảo vệ. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã quy định rõ quyền này ở điều 25. Việc xây dựng luật về Hội trước sau cũng phải làm, vì đây là vừa là nhu cầu vừa là động lực phát triển của xã hội. Trong hơn một thập kỷ qua, cuộc sống dân sự của xã hội Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, các hình thức hội khác nhau đã ra đời và cần một khung pháp lý mới cho nó.
Tuy nhiên, để Luật về hội có ích thay vì trở thành một cái cũi hạn chế tự do của con người, một số vấn đề sau cần phải lưu ý khi thảo luận về quyền lập hội, và nội dung Luật về hội.
Thứ nhất, việc thành lập hội cần được hiểu như quyền của công dân và nhà nước cần có trách nhiệm thực thi và bảo vệ. Chính vì vậy, cá nhân hoặc một nhóm cá nhân, thậm chí một tổ chức, muốn thành lập hội chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước chứ không phải xin phép nhà nước. Chính vì vậy, thủ tục đăng ký cần rõ ràng, đơn giản và không bị phụ thuộc vào ý chí chủ quan “cho phép thành lập hay không cho phép thành lập” của cơ quan công quyền. Cụ thể ở Việt Nam, Bộ Nội vụ nên là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng ký lập hội của công dân ở cấp quốc gia và Sở Nội vụ là nơi đăng ký hoạt động của hội ở cấp tỉnh trở xuống. Không nên tạo ra cơ chế “song trùng” trong quản lý bao gồm bộ chủ quản (Bộ Nội vụ) và các bộ chuyên môn vì như vậy sẽ biến hoạt động dân sự thành hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ hai, Luật về hội nên bao trùm tất cả các hình thức tổ chức đảm bảo quyền hội họp và tự do biểu đạt của người dân dưới mọi hình thức. Như vậy, Hội có thể là hội có thành viên, không thành viên, hoạt động ở quốc gia hay cấp cơ sở. Mọi Hội đều bình đẳng trước pháp luật không phân biệt quy mô, nguồn lực, lĩnh vực hoạt động hoặc xuất thân của người sáng lập. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh bình đẳng và hợp tác cần được bảo đảm, tránh trường hợp độc quyền trong thành lập hội. Ví dụ, không thể viện dẫn lý do đã có Hội phụ nữ hoạt động ở địa phương này rồi mà ngăn cản sự thành lập của Hội phụ nữ khác.
Thứ ba, lĩnh vực hoạt động của Hội cần được mở rộng, nếu có giới hạn, ví dụ vì liên quan đến an ninh quốc gia, thì phải rõ ràng không mơ hồ tránh sự tùy tiện của cơ quan công quyền trong việc hạn chế quyền lập hội của công dân. Hội nên có quyền tham gia hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên, cung cấp dịch vụ cho hội viên, hoạt động vận động xã hội và chính sách, hoạt động kinh tế nếu lợi nhuận được sử dụng cho hoạt động của Hội. Việc không giới hạn hoạt động của Hội đảm bảo mọi công dân đều có quyền thành lập, ra nhập hoặc từ bỏ Hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội, và nhu cầu của các tầng lớp nhân dân khác nhau.
Thứ tư, các chính sách về thuế cần rõ ràng và hỗ trợ cho hoạt động của Hội. Có hai chính sách thuế cần xây dựng, một là cho các hoạt động kinh tế của hội được hưởng ưu đãi thuế (vì lợi nhuận được sử dụng cho hoạt động của hội), và hai là miễn thuế cho các đóng góp tài chính và hiện vật của cá nhân, doanh nghiệp cho Hội. Đây là điều kiện để tăng sự tham gia của người dân và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề của xã hội, môi trường và bảo vệ quyền con người.
Thứ năm, thúc đẩy cơ chế tự chịu trách nhiệm và tự giám sát hoạt động của Hội thông qua cấu trúc quản trị nội bộ hơn là qua cơ chế báo cáo và giám sát của cơ quan nhà nước. Đây là điều quan trọng vì trong cuộc sống đa dạng với hàng trăm nghìn Hội được thành lập và hoạt động, việc quản lý giám sát của các cơ quan hành chính nhà nước là rất tốn kém, nếu như không nói là không xuể. Chính vì vậy, Luật về hội cần quy định rõ ràng các Hội sẽ phải có cơ chế quản trị nội bộ minh bạch, trách nhiệm giải trình rõ ràng với cơ quan cấp phép hoạt động (Bộ nộ vụ), với công chúng, các nhà tài trợ và các thành viên của hội. Có như vậy trách nhiệm và hoạt động minh bạch, hiệu quả, và độc lập tự chủ của Hội mới được đảm bảo.
Cuối cùng, việc thảo luận và xây dựng Luật về hội cần xuất phát trên tinh thần xây dựng, không nên để thái độ tiêu cực cho rằng nhiều nhóm sẽ lợi dụng Luật về hội để hoạt động chống phá trở thành chủ đạo, dẫn đến thái độ “kiểm soát” hơn là “tạo điều kiện” trong xây dựng Luật về hội. Để đảm bảo điều này, cần có sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội khác nhau, đặc biệt của các cá nhân, nhóm và mạng lưới đang hoạt động ở Việt Nam. Sự tham gia của những nhóm đối tượng này sẽ giúp xây dựng một Luật về hội bao trùm và công bằng làm nền tảng cho sự phát triển của đời sống dân sự trong xã hội Việt Nam.
Nguồn: http://dienngon.vn/Blog/Article/de-luat-ve-hoi-khong-cum-chan-doi-song-dan-su
DỰ THẢO LUẬT VỀ HỘI (6): ĐỂ LUẬT VỀ HỘI KHÔNG CÙM CHÂN ĐỜI SỐNG DÂN SỰ
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
20:12
Rating:
Không có nhận xét nào: