HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 20

Bùi Ngọc Tấn

Ngợi hỏi tôi về số sách tôi xe lên nhà xuất bản, hỏi tôi về số tiền tôi bỏ ra in sách. Tôi nói đại ý: Chắc anh có điều kiện, không muốn để người in thiệt thòi, nhưng tôi sẽ lo liệu được trong trường hợp xấu nhất. Anh gánh cái gánh của anh đã quá nặng rồi. Trong việc này tôi được rất nhiều. Cái được thứ nhất của tôi là sách đã in, một số đã đến với bạn đọc. Cái được thứ hai của tôi là đã phát hiện ra anh.

Ngợi cám ơn tôi rồi trở về với nội dung tập sách:

– Nhiều người có quyền sinh quyền sát đối với tôi, có thể ngồi ký lệnh cách chức tôi ngay tại đây, sau khi đọc xong tập tiểu thuyết của anh, nói với tôi: “Hay quá. Chân thực. Cảm động. Bà vợ mình vừa đọc vừa khóc. Tớ đọc cũng chảy nước mắt. — Và Ngợi chuyển giọng — Nhưng đây là tớ nói riêng với cậu thôi đấy! Ra hội nghị tớ nói khác đấy!”

Anh vỗ vai tôi, bắt chước cái động tác cấp trên đã làm với anh cho thêm phần thân mật, thành thật một cách bỗ bã. Và cười phá lên. Câu chuyện ngắt quãng khi anh cán bộ đi áp tải sách từ Hải Phòng bước vào đưa tờ biên bản nộp sách cho Ngợi và tôi ký. Nhìn con số 500 bộ, Ngợi không tỏ thái độ gì cho tới khi người nhân viên đã bước ra ngoài mới làm vẻ nghiêm khắc nói với tôi:

– Còn nữa chứ anh? Thế này thì tẩu tán hơi nhiều đấy.

Hai chúng tôi cùng cười. Thế này thì tẩu tán hơi nhiều là câu người ta sẽ nói với anh, chứ không phải anh nói với tôi, tôi hiểu.

Từ biệt Ngợi, tôi xuống thang, thả bộ trên vỉa hè Bà Triệu. Một thanh niên ăn mặc chải chuốt, một thanh niên kiểu tiền đạo Lê Huỳnh Đức, dắt xe Dream từ một nhà đi ra. Anh cứ nhìn tôi. Nhìn mãi. Không lên xe. Tôi quay lại vẫn thấy anh đứng nhìn theo.

Tôi dừng lại bông đùa:

– Nhìn gì anh mà nhìn dữ thế em?

Anh thanh niên cũng bắt chước giọng bông đùa của tôi:

– Anh Bùi Ngọc Tấn ạ. Anh nổi tiếng quá rồi đấy.

Tôi vừa phổng mũi lại vừa lo.

Nhiều người đã nói với tôi:

– Các ông Bùi Văn Ngợi, Phạm Đức, Cao Giang có nguy hiểm thì chỉ nguy hiểm đến cái ghế thôi. Chứ ông còn nguy hiểm đến tính mạng.

Luyến thì tỏ vẻ ân hận:

– Em dại quá. In ảnh của anh lên bìa bốn.

Câu chuyện Bùi Văn Ngợi kể về những người cấp trên của anh đọc Chuyện kể năm 2000 khen hay nhưng chỉ nói riêng với nhau thôi, rồi chính những người ấy khi họp thành một hội nghị lại nói với nhau trái ngược hẳn những gì họ nghĩ, trái ngược hẳn những gì họ đã nói cùng nhau, điều ấy cứ vương vấn tâm trí tôi suốt dọc đường về nhà Lê Bầu. Tại sao khi bước vào một cuộc họp, không ai bảo ai tất cả đều biến ngay thành những người khác, giả dối công khai, giả dối tập thể mà không biết ngượng nhỉ?

Ngượng với nhau. Ngượng với chính mình.

Ngượng với chính mình mới là điều quan trọng.

Không biết xấu hổ với chính mình, không biết đỏ mặt với chính mình, con người sẽ đi về đâu?

Chỉ im lặng, không tham gia vào dàn đồng ca cũng không dám hay sao? Có lẽ họ đã quen như thế rồi. Lúc đầu cũng ngượng nhưng năm này sang năm khác, đời này sang đời khác, quen rồi. Khuôn mặt mài nhẵn rồi. Biết xấu hổ mới là chuyện lạ.

Bầu vẫn ngồi ở cửa đợi tôi và sốt ruột muốn biết tin sốt dẻo. Nhưng tôi chưa thể nói cùng anh. Tôi phải đi tiểu cái đã. Xin lỗi bạn đọc. Sự thật là như vậy.

Suốt cả buổi chỉ chè nước, bụng tôi căng cứng. Tôi bảo Bầu:

– Ông đi với tôi xuống nhà một tí.

Phải dẫn giải một chút về nhà Bầu.([1]) Anh sống độc thân trong một nửa căn buồng chất đầy sách báo. Một cái rèm vải cắt ngang cái ống hẹp là nhà anh thành hai nửa nhỏ hơn nữa. Nửa ngoài, sát cửa sổ là một cái bàn viết mà gầm bàn là căn bếp của anh có đủ bếp dầu, nồi cơm điện, nồi nấu thức ăn, siêu đun nước, rổ rá. Sát “bếp” là một manh chiếu rải xuống đất làm “xa lông” tiếp khách. Cái “xa lông” này lúc nào cũng ẩm vì nước sôi vì bã chè, nhiều cát đọng bên dưới và tàn thuốc lá bên trên. Nửa trong, sau rèm là giường ngủ. Vệ sinh, tắm rửa phía sau nhà, phải đi qua một mảnh sân nhỏ theo kiểu nhà Hà Nội cổ. Mảnh sân ấy gần đây xuất hiện một con béc-giê to lớn, dữ tợn. Mỗi khi tôi có việc qua sân, Bầu đều phải đi kèm. Con béc-giê nhìn tôi nhe nanh gừ gừ như đợi hâm nóng lên lòng căm thù rồi lao vụt ra. Đà phóng quá mạnh khiến sợi xích giật nó lại. Dù nó đã bị xích nhưng tôi vẫn rất sợ. Nó phóng mạnh như vậy không có gì bảo đảm sợi xích không đứt hay cái móc sắt bắt vào tường gạch mục không bị bung ra. Bầu phải đi về phía con chó, che chắn cho tôi. Anh quát nó. Nó cúp đuôi lùi lùi và nằm vào chỗ cũ. Đi tiểu ở nhà anh quả là gian khổ. Nhưng lần này tôi chưa nói hết câu, anh đã cười:

– Kéo rèm lại. Chậu ở gầm giường ấy.

Còn chưa hiểu ra sao, anh đã kéo rèm và lôi từ gầm giường ra một cái chậu men hoa to. Tôi ngơ ngác nhìn cái chậu in hình chim bay bướm lượn, mặt trời lên đỏ hồng rất đẹp, một cái chậu vẫn dùng để rửa mặt.

Bầu giải thích:

– Để đem đổ ở ngoài đường, không ai nghĩ là mình đổ nước giải.

Vậy là không phải xuống nhà, qua mặt con béc giê hung dữ. Thật tuyệt vời sáng kiến này. Xong cái việc ấy tôi mới thuật lại chuyện gặp Bùi Văn Ngợi. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì người bán bún vỉa hè trước cửa ló đầu vào, đưa cho Bầu một túi ni lông đùng đục dính đầy đất cát, nhỏ nhưng nặng:

– Của ông Bầu đây.

Một món gì đó do anh đặt hàng. Nhưng sao lại đựng trong túi ni lông nhầu nát bẩn thỉu thế kia. Lại càng không hiểu khi thấy anh nhanh nhẹn đỡ lấy cái túi, chẳng buồn nhòm ngó, quẳng ngay vào gầm bàn tối, sát cái bếp dầu. Rồi moi ở đấy ra một túi khác, cũng bẩn và buộc kín như vậy nhưng to hơn, nặng hơn:

– Túi hôm qua vẫn còn đây này.

Anh bưng chậu men nước tiểu và xách cái túi hôm qua bước ra vỉa hè. Đổ chậu nước tiểu, vất túi xuống rãnh nước sát lòng đường. Không biết là túi gì. Rất bí hiểm.

– Túi xương. Cái con béc-giê sân sau ấy, ông biết không. Rất khốn nạn. Mọi khi ông đi vệ sinh, qua sân, nó cắn, tôi mắng là nó im ngay. Nhưng đấy là lúc vắng chủ. Còn khi có mặt chủ, chính tôi đi qua nó cũng cắn. Mà dạo này thằng chủ thất nghiệp, nằm nhà mấy tháng rồi. Thế mới gay chứ. Vẫn phải ra đằng sau tắm táp đi đồng đi áng. Mới tính xin tí xương cho nó gặm để lấy lòng nó. Nhưng chắc không ăn thua. Bao nhiêu xương rồi. Gặm vẫn gặm. Cắn vẫn cắn. Sủa vẫn sủa. Vắng chủ thì im thin thít. Lại còn vẫy đuôi rất biết điều. Nhưng cứ có mặt chủ là sủa. Là lao ra đớp. Là nhe răng trắng nhởn. Khốn nạn thế chứ...

Bầu nhăn mặt vẻ ghê tởm. Còn tôi phá lên cười. Cười và nghĩ không biết đã nghe chuyện này ở đâu rồi.

*

Tôi hoàn tất việc nộp sách ít ngày sau đó. Chính xác là tôi giúp Luyến hoàn tất việc nộp sách mấy ngày sau đó. Tôi chấp hành nghiêm chỉnh ý kiến Luyến. Bởi trong tay tôi có bộ sách nào đâu. Trừ hai trăm bộ tôi lấy khi chưa có lệnh nọ lệnh kia cơ. Hai trăm bộ định trừ vào nhuận bút, nhưng khi có lệnh thu hồi, tôi đưa cho Luyến mười triệu coi như tiền tôi mua hai trăm bộ sách. Thế là chẳng được đồng nào, lại còn mất mười triệu. Mười triệu dự trữ chiến lược phòng khi đau ốm này có được là từ nguồn năm triệu tiền đầu tư sáng tác của Hội Nhà Văn năm 1999, năm triệu là giải thưởng đầu năm 2000 của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cho bài bút ký Thời Trai Trẻ Đã Qua viết về Vũ Tín. Mỡ nó rán nó. Tôi không thâm hụt vào vốn nhưng lại trắng tay.— Đấy là nói về phương diện kinh tế, chứ có hai trăm bộ sách đã bị cấm để tặng mọi người là một điều trên cả tuyệt vời, sau này tôi còn phải mua nhiều nữa để tặng.

Là người của nhà xuất bản, Luyến biết phải làm gì và phải nộp bao nhiêu quyển. Còn tôi làm cái việc “tiếp tục thu thập thêm”, nghĩa là chờ Luyến tập kết sách ở một nơi nào đó rồi đến đấy thuê xe chở đến nhà xuất bản. Những ngày lên Hà Nội “thu thập thêm” này có cả vợ tôi. Từ khi rời Hà Nội về Hải Phòng lập nghiệp, đây là lần đầu tiên cả hai chúng tôi cùng nhau lên Hà Nội không phải vì có công có việc mà chỉ để gặp lại Hà Nội, gặp lại bạn bè, tìm lại quãng đời đã mất. Một nhu cầu hoàn toàn mới của hai chúng tôi. Và cũng là mong muốn của các bạn của vợ tôi, các bạn tôi.

Bốn mươi năm theo chồng về biển biển ly loạn, thương cho đời mẹ hận cho chồng, vợ tôi đã cắt đứt hoàn toàn với Hà Nội, với quá khứ, với bè bạn, với những năm tháng của tuổi học trò, của tình bạn thời đi học trong veo, đoạn tuyệt những mặt hồ đầy ắp kỷ niệm, những đường phố, những vỉa hè những hàng cây biết ôn lại cùng nàng tuổi dậy thì, tuổi một thời thiếu nữ… Mỗi năm một hai lần, chúng tôi đi ngang qua Hà Nội, để về quê ngoại Tả Thanh Oai ăn giỗ, và sau vài ba tiếng đồng hồ ở quê lại tìm đường ra ga Hàng Cỏ, ra bến Nứa để về Hải Phòng. Không một ai biết vợ tôi tới Hà Nội rồi rời Hà Nội mà không muốn gặp và không gặp một ai, không gặp một người nào, một đường phố nào, trừ những đường phố buộc phải qua để về quê mẹ và ngược trở lại quê chồng.

Năm nay, năm 2000, không như thế nữa. Không phải một năm 2000 chung của nhân loại. Mà năm 2000 của tôi. Của vợ chồng tôi. Đời tôi có hai năm đáng ghi nhớ nhất: Năm 1968 và năm 2000. Năm 68 là năm tôi từ cuộc sống con người chuyển sang cuộc đời con vật, dù vẫn mang hình hài, vẫn đội lốt con người. Và năm 2000 tôi trở lại cuộc sống con người, dù đã được phóng thích 27 năm trước đó. Suốt 27 năm ấy tôi đâu được là người. Một bức tường vô hình vẫn vây quanh tôi như một thứ xà lim, cô lập tôi với thế giới xung quanh. Tôi vẫn chỉ là một phó người. Bầu không khí vây quanh chúng tôi đâu phải là bầu không khí thông thường với áp suất 76 xăng ti mét thủy ngân, nó có một áp lực đủ lớn để làm méo mó khuôn mặt, rúm ró suy nghĩ, nhầu nát cuộc đời. Tôi là một sinh vật khác với đồng loại, âm ỉ một nhiệt độ khác thường phát ra từ một khối u ác tính. Khối u giết người ấy lây nhiễm sang vợ tôi, di căn trong hai chúng tôi, ai cũng biết, cũng muốn cất lời thăm hỏi mà không dám hỏi, không thể hỏi. Tất cả nhìn tôi và vợ tôi như một cái gì đã kết thúc rồi. Biết rõ điều ấy, chúng tôi chủ động giữ một thái độ tự trọng, bình thản xa lánh tất cả, giữ kín nỗi lòng với tất cả, kể cả những người ruột thịt, những bạn bè thân thiết. Chúng tôi dựa vào nhau, chia xẻ gánh nặng cuộc sống cùng nhau, nhẫn nại, cam chịu và hy vọng.

Hôm nay với Chuyện kể năm 2000, bức tường vô hình, cái xà lim vô hình chia cắt hai vợ chồng tôi với thế giới suốt 5 năm tù + 27 năm sau tù đã vỡ tung. Cái áp lực khí quyển, áp lực cuộc sống khiến chúng tôi ngồi đâu cũng thu người lại bước đầu được giải tỏa. Chúng tôi đã có thể nghĩ về những gì tốt đẹp dù nó thuộc về quá khứ. Thật xót thương và vui mừng biết bao khi vợ tôi nói với tôi:

– Xem tivi chiếu quang cảnh hồ Hoàn Kiếm, nhớ Hà Nội quá. Em ao ước một tối nào đó chúng mình đi bộ vòng quanh bờ hồ. Chỉ hai chúng mình, hoặc một mình em, một mình em thôi cũng được. Không có công có việc gì. Không vào nhà ai. Chỉ thăm lại Hà Nội thôi.

Tôi hiểu điều gì đã đến với vợ tôi. Cái hố đen bẻ cong ánh sáng, bẻ cong sự thật, bẻ cong đời người đã biến mất. Chúng tôi là người như mọi người. Chúng tôi sống lại. Sống chứ không phải tồn tại. Chuyện kể năm 2000 đã thay chúng tôi trò chuyện với bạn bè, với tất cả về những tháng năm chúng tôi “lặn mất tăm”, về những tầng địa ngục chúng tôi đã chịu đựng đã vượt qua, chưa vượt qua vẫn còn đang chịu đựng. Nó nói rằng chúng tôi là những người lương thiện, người trong sạch bị hãm hại, bị đầy đọa. Nó còn nói về tình yêu giữa chúng tôi, tình chúng tôi yêu cuộc sống… Gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi với bạn cũ, bạn mới chỉ là tiếp tục những gì Chuyện kể năm 2000 đã nói với mọi người, không có ba mươi hai năm ngắt quãng. Quãng thời gian để chết ấy đã được hồi sinh, trở thành thời gian để kể lại, thành thời gian để sống.

Có thể nói chưa bao giờ tôi hạnh phúc như vậy. Trong buổi lễ kết nạp tôi vào Hội Nhà Văn, tôi có phát biểu đại ý hạnh phúc là sự hiểu nhau và hôm nay tôi là người hạnh phúc. Hạnh phúc trong buổi lễ kết nạp ấy chỉ bó gọn trong việc tôi trở thành hội viên Hội Nhà Văn, một việc rất nhiều người không muốn chút nào, tìm mọi cách ngăn cản mà điển hình là ông Quang, trưởng phòng bảo vệ văn hóa nói với vợ tôi như một lời phán quyết: Chị đừng bao giờ nghĩ anh ấy còn được viết văn nữa! Chúng tôi không bao giờ cho anh ấy viết văn nữa! Hãy nhớ lấy điều ấy! Đừng có hão huyền!

Hạnh phúc của những lần in sách trước không thấm gì với hạnh phúc hôm nay. Tôi đã làm ra và công bố một tác phẩm mà dù khiêm tốn cũng phải nói rằng nó rất tuyệt. Nó nói được tôi một cách trọn vẹn đầy đủ nhất. Điều trước tiên nó nói tôi là người trung thực. Tôi gọi sự vật bằng tên của nó. Tôi không uốn cong ngòi bút. Tôi không chùn bước. Nó nói rằng tôi là người có trách nhiệm, tôi yêu đất nước này, nhân dân này. Đất nước đau khổ của tôi, nhân dân lầm than, nhọc nhằn đau đớn của tôi. Nó nói rằng tôi đã bị đánh quỵ nhưng lại đứng dậy.

Khi cuộc sống chúng ta bị nén xuống sát gần cái

chết

Thì chính từ toạ độ này ta tung sức bật phản công

Em đi giữa đời làm lời kêu gọi...

Trong xà lim tôi đã thì thầm với vợ tôi những câu thơ trên. Và cho đến hôm nay ở giữa đời tôi cũng ném ra lời kêu gọi của tôi, như vợ tôi đã mấy chục năm lấy cuộc sống của mình, hình hài của mình làm lời kêu gọi... Chúng tôi đã làm được như đã hứa cùng nhau. Từ tọa độ sát gần cái chết, chúng tôi đã giành lại được cuộc sống. Một thất bại của họ. Họ không thể tiêu diệt được chúng tôi. Tiêu diệt con người là cực dễ nhưng cũng là cực khó.

Rất nhiều cuộc điện thoại của các bạn trên Hà Nội gọi về số máy của tôi. Thăm hỏi. Chúc mừng. Chia xẻ. Các bạn nói đã đọc bộ tiểu thuyết của tôi. Bây giờ mới biết hai bạn phải sống như thế. Trước chỉ biết chung chung là gian khổ thôi. Thoa đây. Cho hỏi thăm Bích. Bích khoẻ không. Tất cả bọn này mong hai bạn lên để gặp nhau một bữa. Thương quá. Nói chữ thương mà ngượng. Hai bạn đồng ý cho bọn này nói chữ thương nhé. Lên đây đi. Tuyên đây. Tuyên con cụ Hân đây. Nhớ không. Nhớ chứ. Lớp mình có hai Tuyên. Một Tuyên cao dạy tổng hợp thì chết rồi. Còn Tuyên dạy Bách Khoa là Tuyên con cụ Hân. Tuyên bố Thu Uyên vẫn nói thời sự quốc tế trên truyền hình, vừa đi Mỹ với Phan Văn Khải, đúng không? Đúng. Vợ chồng Tuyên đọc của anh rồi. Anh Tấn đã đọc Tư Mã Thiên chưa? Rồi. Hãy viết cái gì cho đời sau. Thế thì để mình đọc bài thơ của Thi Hoàng cho Tuyên nghe nhé. Đọc đi. Nghe đây. Tư Mã Thiên bị thiến. Thành Sử Ký cao dầy. Giờ muốn ông tái hiện. Chọn ai mà thiến đây. Chúng tôi cười vang. Tuyên càng cười to khi tôi nói: “Mình không muốn bị thiến đâu. Sợ lắm.” Lên chơi đi. Cứ gọi điện là bọn này ra ga đón. Ở chơi mấy ngày. Gọi cả anh Bầu, anh Tốn nữa. Không có tiền thì bọn này lo tầu xe cho. Thật đấy. Nghe anh Tốn nói việc in vừa rồi cũng mất một ít tiền phải không? Nhưng mà ở ngoài, anh khác cái ảnh in ở bìa sách chứ? Như vậy thì gầy đấy. Chị Bích có khoẻ không? Các cháu nhà anh thế nào rồi. Tuyên chỉ có mỗi cháu Thu Uyên thôi. Sinh năm 1963. Thế nào cả hai anh chị cũng phải lên đấy nhé. Nhà tôi rất mong được gặp chị. Đây nhà tôi đang đứng đây này. Chị Bích ơi. Lên với bọn tôi nhé. Chúng tôi mời chị lên đấy. Tiếng vợ Tuyên.

Tuyên, Thoa, Tốn, Lê Thị Mai, Nguyễn Đức Phan, Dương Danh Dy... Cái thời đẹp nhất của kiếp trước. Mái đình là lớp học. Tan lớp, đêm khuya, đèn dầu từ đình Xuân La toả về các ngả như sao sa. Mỗi ngọn đèn là một mái đầu, một ước mơ, một cặp mắt chỉ thấy niềm vui, không biết gian khổ là gì. Cùng từ một vạch xuất phát. Người là giáo sư tiến sĩ. Người thứ trưởng. Người viện trưởng. Người giáo viên. Người đi tù. Những số phận khác nhau. Diverses destinées. Đã có một bộ phim Liên Xô mang tên như thế. Người lên như diều. Người va vấp từng lúc. Người vấp ngã cả đời, khốn nạn cả đời. Tất cả đều đã đọc Chuyện kể năm 2000. Tất cả đều muốn gặp chúng tôi. Chúng tôi lên Hà Nội với niềm vui gặp lại Hà Nội, gặp lại bạn bè, “gặp lại thời gian đã mất.” Đến nhà Thoa. Thoa bảo Bội Lan, con gái Thoa:

– Đây là chú Tấn, chồng cô Ngọc — cô Bích ấy.

Chẳng cần mẹ bảo, Bội Lan khi ra mở cổng đã chào tôi rất thân thiết, dù tôi mới gặp cháu lần đầu:

– Cháu chào chú Nguyễn Văn Tuấn. Cháu chào cô Ngọc.

Thoa bảo Thoa và các bạn cảm ơn chúng tôi vì đã viết được tập sách như vậy, để mọi người hiểu cuộc sống của chúng tôi. Thương quá. Thoa vừa đọc vừa khóc. Không ngờ bạn mình khổ thế. Bội Lan thì bảo:

– Cả cơ quan cháu ai cũng đọc tập sách của chú. Nhưng chẳng ai có được bộ sách như của nhà cháu. Họ toàn đọc bản phô-tô thôi. Thỉnh thoảng cũng có người lùng được bản chính, nhưng làm sao có được chữ tác giả đề tặng như nhà cháu.

Ngay lập tức Thoa nghĩ ra một cuộc “tụ tập Nghĩa là một bữa ăn, rồi mời các bạn học đến. Ở ngay nhà Thoa. Bội Lan rất phấn khởi: Mẹ ơi. Làm ở nhà. Không phải đi đâu cả. Con nấu.

Đã có những bữa ăn như vậy ở nhà Thoa, ở nhà Tuyên, nhà Trang... Lũ học trò nghịch ngợm ngày nào nay tóc bạc răng rụng ngồi quây quần. Quanh bàn ăn, mỗi chúng tôi đều mang trên vai gánh nặng thời gian, ngọt ngào hạnh phúc có, vất vả lo toan có, bão táp vùi dập cay đắng bất công có. Không giống những buổi hội trường gặp nhau nhưng không thể xẻ chia mà tôi có dự một hai lần, chúng tôi sống lại quãng thời gian đẹp nhất của mình, thời gian cắp sách đến trường, thời gian đi học. Vừa ăn vừa gọi điện cho những bạn học ở Hà Nội — vì lý do gì đấy không đến được —, ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Rằng Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Thị Ngọc Bích vợ nó đang ngồi đây, rằng chúng tôi đang tụ họp, chúng tôi đang ăn, đang nâng cốc, đang nói chuyện ngày xưa, và đang có mặt những ai... Thoa nói tình bạn thời đi học là tình bạn vô tư đẹp nhất mà những tình bạn sau này không so sánh được. Tôi hoàn toàn tán thành chân lý ấy. Tình bạn thời học trò trong sáng như bình minh một ngày đẹp trời, không gợn một sợi mây vụ lợi.

Nùng, chồng Thoa còn tổ chức một cuộc gặp mặt với các bạn đọc tại Mỹ và gọi điện mời tôi lên. Thực ra tất cả chỉ có sáu người. Tôi, Nùng, một người em trai của ba người bạn đọc nữ tại Mỹ mới về. Trừ người em trai đang sống ở Hà Nội, ba người chị Việt kiều Mỹ đều là học sinh trường Lương Ngọc Quyến, gần trường Hàn Thuyên của tôi. Điều bất ngờ là cả bốn chị em —trên dưới tuổi tôi — đều là em ruột vợ thiếu tướng Lê Thiết Hùng, một vị tướng “cội.”([2]) Chúng tôi ăn ở khách sạn. Thoa không dự được. Vì cái chức trách Ô-sin, trông cháu. Gần như chung một quá khứ, chúng tôi ôn lại những tháng năm đèn dầu đi học thời kháng chiến chống Pháp. Về những lớp học đêm, về chiếc máy bay Bà Già — Morale — bị bắn rơi, hai bánh xe cày xuống ruộng thành hai khúc mương ngập nước ở Phương Độ, sát sông Cầu “nước chẩy lơ thơ”, gần trường Lương Ngọc Quyến.

Rồi nói đến tập sách của tôi. Các chị ở New York, tận miền đông. Mà sách thì in ở Cali miền tây. Khó mua quá. Mãi sau mới mua được một tập in ở Canada, chữ nhỏ, hơi khó đọc một chút. Chúng tôi không ngờ được gặp tác giả. Lại được ngồi ăn với tác giả thế này. Vinh dự quá. Các chị đưa menu cho tôi và đề nghị tôi chọn. Tôi thành thật:

– Những thứ này tôi không biết đâu chị ơi. Tôi chỉ quen sột sệt thôi.

Các chị bày cho tôi cách xử dụng khăn ăn, dao nĩa rồi cũng như mọi bạn đọc khác, hỏi thăm sức khoẻ vợ tôi, hỏi thăm công việc của các con tôi. Suốt bữa ăn tôi chỉ tiếc là Thoa không đến được. Các chị hẹn tôi buổi gặp gỡ tới, buổi gặp gỡ sang năm.

Tôi nói với Nùng:

– Sang năm gặp ở nhà Nùng thôi. Tự do hơn. Thích hơn ở nhà hàng. Thoa cũng được dự.

Nùng cười:

– Thoa với cháu Bội Lan đã định làm ở nhà, nhưng mấy chị không nghe. Không muốn Thoa vất vả.

– Vất vả nhưng bà ấy vui.

Tôi nhấn mạnh và tin ở nhận xét của mình. Thoa và Bội Lan rất muốn được bận rộn cho những bữa cơm tụ họp bạn bè, nhất là lại có một bạn như tôi “học giỏi nhất lớp, thầy quý bạn yêu” thế nhưng lặn mất tăm lâu lắm mới trở về.

Buổi gặp gỡ sang năm ấy còn lâu mới đến, buổi tụ tập ở nhà Trang bạn học với vợ tôi đã tiếp ngay sau đó. Có Hồng Vân. Thêm Lê Bầu. Lại Đoàn Thị Lam Luyến. Và Nguyễn Hồng Điện chồng Trang, bạn thanh niên xung phong tiếp quản thủ đô với tôi…

Nhìn nét mặt vợ trong những chuyến đi Hà Nội, tôi tin rằng những năm tháng tuổi trẻ đã trở lại với vợ tôi. Tôi luôn nghĩ cái hố đen của vợ tôi còn dày đặc hơn cái hố đen của tôi. Bên cạnh lòng tự trọng — hay sự mặc cảm mà cả hai chúng tôi cùng mang vác — còn không biết bao nhiêu công việc của người mẹ người vợ phải làm để duy trì cuộc sống của một gia đình đối tượng, nghèo túng, hèn mọn trong thời gian bao cấp về kinh tế, mọi người coi đảng là đấng tối linh chỉ có một mục đích là đem lại hạnh phúc cho nhân dân, mà tôi là tên phản động chống đảng. Vợ tôi gần như không nghĩ được điều gì khác ngoài việc lo kiếm sống, nuôi dạy con cái và nỗi sợ hành hạ tra tấn đang đến và còn đến, không bao giờ chấm dứt. Tên những bạn học thân nhất như đã biến mất khỏi trí nhớ vợ tôi. Giờ đây trong những ngày cấm sách thu sách nộp sách đi đi về về Hà Nội căng thẳng ấy, thỉnh thoảng vợ tôi lại nhắc đến các bạn, chẳng biết từ những nguồn thông tin nào.

– Cái Hồng Vân bây giờ là một quan chức ở Bộ ...

– Con gái cái Trang làm ở vụ Châu Mỹ bộ Ngoại Giao. Con ấy khá thế.

– Cái Phương Nga vẫn nói trên đài truyền hình là con gái cái Phương đấy. Giống mẹ thế.

Tôi hiểu vợ tôi đang nghĩ đến Hà Nội của chúng tôi, Hà Nội một thời tuổi trẻ, một thời yêu. Không chỉ là chỗ đi qua để về quê ăn giỗ, cũng không chỉ Hà Nội của Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc..., nơi nàng hành hương xin thần phật ban cho một chút may mắn, một chút điều lành trong cuộc sống.

Trang, Hồng Vân, Hồng Phương…, những người bạn học thân nhất của vợ tôi, đã chứng kiến tình yêu của chúng tôi ngay khi mới chớm nở thời nàng còn đi học. Không biết bao nhiêu buổi chiều, đứng trước cửa nhà 133 Bà Triệu, ngôi nhà tập thể báo Tiền Phong tôi chờ ba cô nữ sinh — Trang, Bích, Hồng Vân — dắt tay nhau đi dưới bóng những cây xà cừ, cây sấu trên hè phố từ trường về nhà, đến phố Tô Hiến Thành thì Trang rẽ, chỉ còn Hồng Vân và vợ tôi cắp cặp xuôi đường Bà Triệu vừa mới lên đèn. Rất nhiều tối ra bờ hồ Hoàn Kiếm uống nước mát, ngắm mặt hồ thăm thẳm không phải chỉ có hai chúng tôi đang yêu, mà còn người thứ ba người thứ tư trong số các bạn học của nàng.

Cũng nhiều tối, cuộc gặp giữa mấy chúng tôi tại một gian phòng tập thể báo Tiền Phong kết thúc, khi cô nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Bích đã về ngôi nhà bên kia đường phố Bà Triệu, tôi còn đạp xe cùng Hồng Phương trên phố vắng, đưa tiễn cô bạn thân của cả hai chúng tôi về tận nhà ở Khâm Thiên rồi mới trở lại cơ quan, đi ngủ.

Chuỗi ký ức ngày xưa ấy đã trở về với vợ dù vẫn đầy ắp những nỗi lo âu thường trực. Tôi rất vui vì đã đánh thức được trong vợ tôi một quãng thời gian tươi đẹp nhất tưởng đã chết hẳn rồi.

Ước mong hai vợ chồng cùng nhau đi ăn chả cá được thực hiện rất bất ngờ. Vào đúng hôm Lam Luyến giao cho tôi ba trăm bộ Chuyện kể năm 2000 ở nhà Trang để sáng hôm sau đem nộp. Thì có điện thoại của Dương Tường báo tin một bạn đọc mời vợ chồng tôi tới ăn cơm. Cùng với vợ chồng Dương Tường, chúng tôi đến khách sạn Bảo Khánh nằm trên đường Quang Trung, nhìn ra hồ Thiền Quang. Anh Khánh, chủ khách sạn mà những người quen gọi bằng cái tên thân mật Khánh Đen tiếp chúng tôi trên tầng 2, một phòng gần mặt đường, nhìn ra hồ qua một mảnh sân thượng. Tôi vốn rất thèm khoảng không. Lại càng thèm mặt hồ. Nhất là mặt hồ trong đêm gợn ánh điện, nó làm ta có cảm giác đang ngồi trước một khoảng trời nước êm ả, thăm thẳm vô cùng. Không những thế đây còn là hồ Thiền Quang liền kề phố hồ Xuân Hương. Tôi đã ở hồ Xuân Hương khi còn là anh phóng viên báo Tiền Phong trẻ măng với cả cuộc đời trước mặt.

Rượu vang Pháp. Chả cá.

Tôi và vợ tôi ngồi bên nhau. Tôi hướng dẫn vợ tôi cách cho rau vào chảo, cách ăn chả cá với gia vị... những điều tôi vừa học được trong bữa ăn trước với Đặng Xuân Hòa. Như một người sành điệu.

Anh Khánh đem ra một bộ Chuyện kể năm 2000 để tôi ký tặng. Anh nói anh đã mua hơn mười bộ. Gửi đi Mỹ. Đi Canada. Đi Úc... Anh khen tôi viết đúng tính cách Kiều Duy Vĩnh — thì ra anh cũng quen Kiều Duy Vĩnh. Chỉ mấy dòng thôi, nhưng đúng chất Vĩnh lính tráng ồn ào. Rồi anh nói đến những người bạn của anh. Toàn hàng chức sắc. Ở bộ Công An. Ở văn phòng Thủ Tướng. Không kiếm được sách, họ đến nhờ anh. Anh có chỗ mua. Anh nói như nhiều người đã nói:

– Cấm bây giờ là muộn rồi. Muộn rồi.

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện vừa nhìn ra mặt hồ. Có thể nói đây là những ngày trăng mật của vợ chồng tôi. Văn chương là thứ thuốc nhử, dụ gọi những Bát Lê thời hiện đại, những Trần Đông, Quang Diệm, An Mặt Ngựa đến rỉa con mồi là tôi, nhưng văn chương cũng đã trả chúng tôi về với những trái tim nhân hậu, với sự thông cảm, với tình thương yêu. Hình như đến bây giờ, đến lúc này, khi sách của tôi đã in, đã có lệnh thu hồi, hai vợ chồng tôi lại hiểu nhau thêm. Chúng tôi sống những giây phút tay trong tay như hồi mới yêu nhau. Chúng tôi sống trong không khí thương xót, đùm bọc của bạn bè cũ và cả những người hôm qua còn không biết có nhau. Sáng sớm, từ nhà Dương Tường chúng tôi đi. Đến những cuộc hẹn. Với bè bạn. Với bạn đọc. Với đồng nghiệp. Tối khuya mới trở về. Trinh ra mở cửa, nhìn khuôn mặt rạng rỡ và mệt mỏi của chúng tôi, trêu chọc:

– Cậu mợ đi tít mít thế.

Chúng tôi tắm mình trong hạnh phúc. Trong xã hội băng hoại này, những tấm lòng vẫn còn nhiều lắm.

B.N.T.

([1]) Đọc Lê Bầu, Người Hiểu Giá Trị Của Thời Gian trong Viết Về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn.

(2) Mượn chữ của tướng Trần Độ.

(Xem tiếp kỳ sau)


HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 Reviewed by Phạm Thu Hương on 17:49 Rating: 5

Không có nhận xét nào: