(Thời biến đổi gien)
Kỳ 22
Bùi Ngọc Tấn
*
Đại hội nhà văn. Hội trường Ba Đình. Nhà khách chính phủ. Những cái tên tôi chỉ nghe nói đến. Giờ đây là một thực thể quanh tôi. Từ lâu lắm rồi khu vực quảng trường Ba Đình và xung quanh không còn hấp dẫn tôi. Tôi rất ít khi đến đó. Cả bằng chân và bằng suy nghĩ.
Thập niên 50 đó là nơi luôn có sức hút đối với tôi. Không chỉ ngày 2 tháng 9, được là một trong hàng vạn người cờ hoa trong quảng trường Ba Đình, vẫy hướng về lễ đài, nơi tập trung toàn bộ các lãnh tụ tối cao và lãnh đạo các ngành, trái tim và khối óc của cách mạng Việt Nam. Khi các đoàn duyệt binh, diễu hành từ phía Quan Thánh, Phan Đình Phùng đã qua quảng trường tràn đi các nơi, biến phố phường Hà Nội thành những dòng sông đỏ sóng cờ,([1]) chúng tôi trong khối các cơ quan trung ương, những đơn vị đứng tĩnh tại chờ một đặc cách: Hồ Chủ Tịch vẫy tay ra hiệu để được phá bỏ mọi nghi thức ùa tới sát lễ đài, được đứng gần hơn, nhìn Chủ Tịch và các uỷ viên Bộ Chính Trị rõ hơn rồi sau đó hát vang bài Kết Đoàn do Chủ Tịch lĩnh xướng ... Tôi đã lăn lộn thông thạo nơi này ngay từ cuối năm 1954 khi mới chuyển từ thanh niên xung phong về báo Tiền Phong, để gặp gỡ lấy tài liệu các cá nhân điển hình từ các địa phương về Hà Nội đón mừng Trung Ương Đảng và Chính Phủ chính thức về thủ đô ngày 1-1-1955. Ngày ấy cái ý thức về sự may mắn được sống trong một thời đại như sắp đặt cho mình luôn thường trực trong trí óc tôi.
Không chỉ đi lên Ba Đình làm việc. Còn đi dạo chơi qua đây. Cùng bè bạn. Cùng vợ tôi ngày ấy vẫn còn là người yêu qua quảng trường lên Cổ Ngư ăn bánh tôm rồi dưới ánh sao ngược đê Yên Phụ, bước giữa những vườn ổi xoai xoải ven đê mà sau này đọc Quang Dũng, tôi cứ nghĩ ông viết về chính những vườn ổi ấy: Ơi! Con đường xưa / Men vườn ổi thơm / Em tuổi hai mươi / Yêu anh hào hiệp.
Chúng tôi ngày ấy cũng yêu nhau hào hiệp. Hào hiệp, chữ của Quang Dũng tuyệt vời.
Khi còn trẻ người ta yêu nhau hào hiệp.
Hôm nay tôi trở lại vùng đất này. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Răng rụng. Tóc bạc. Mắt mờ. Nhưng lòng đầy tình yêu và niềm vui của người chiến thắng. Dù khiêm tốn đến đâu tôi cũng phải nói về mình như vậy.
Tôi đi dự đại hội và dù Hữu Thỉnh không dặn trước, tôi cũng chẳng lên diễn đàn phát biểu hay tham luận. Tôi không quen diễn thuyết. Từ ngày lớn lên, từ ngày đi công tác thoát ly tới nay, tôi chưa bao giờ làm lãnh đạo, mà chỉ là nhân viên. Chỉ nghe người khác nói chứ chưa một lần nói cho người khác nghe. Viết thì được. Đơn độc ngồi trước bàn viết hoặc gõ máy chữ thì được.
Đoàn đại biểu nhà văn Hải Phòng đến Hà Nội vào buổi chiều. Nhiều đoàn đã có mặt từ hôm trước. Tôi ở cùng phòng với Đình Kính, Bão Vũ, Phạm Ngà trong nhà khách chính phủ. Nhà văn đầu tiên tìm gặp tôi còn khá trẻ, nghĩa là trẻ hơn tôi. Khi mình gần bẩy mươi nhìn những người tuổi năm mươi là trẻ. Anh chuyện trò nồng nhiệt như đã quen tôi lâu lắm rồi. Mãi sau tôi mới biết anh là Văn Chinh và phải nhiều tháng sau tôi mới được đọc bài tổng kết của anh về văn học Nam Bộ, và sau này là Đa Cực Và Điểm Đến của anh. Anh nắm chặt tay tôi:
– Bây giờ chán đọc những sáng tác nói cạnh nói khoé lắm rồi. Thành ra đọc anh rất sướng. Trực diện. Mà đầy văn chương.
Rồi lại:
– Bộ tiểu thuyết của anh là một đính chính, sửa chữa những nhận định từ trước đến nay về các nhà tiểu thuyết Việt Nam. Em không nói nội dung. Nội dung đã hẳn. Thông thường tiểu thuyết Việt Nam tập hai đuối hơn tập một, yếu hơn tập một. Của anh tập hai hay hơn tập một.
Nói một hồi và vội vã đứng lên:
– Để em đi gọi anh Xuân Sách. Em với anh Xuân Sách cứ nói mãi về anh. Em bảo anh trúng đại biểu rồi. Đoàn Hải Phòng chiều nay lên. Thế nào anh cũng có mặt. Anh Xuân Sách ở ngay bên này. Để em gọi anh ấy. Anh Xuân Sách mong gặp anh lắm.
Văn Chinh chạy ra ngoài và một lúc sau dắt về một người gầy gò tóc bạc. Xuân Sách. Chúng tôi ôm lấy nhau. Tôi với Xuân Sách chưa một lần gặp gỡ, nhưng đọc anh, biết anh là người đồng điệu. Tập Chân Dung Nhà Văn của anh mà Hoàng Hưng mua tặng tôi khi tôi vào thành phố Hồ Chí Minh đọc thật sướng. Chính xác. Táo bạo. Và dũng cảm đến kinh ngạc.
Từ ấy trong tôi ngừng tiếng hát / Trông về Việt Bắc tít mù mây / Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt / Máu ở chiến trường hoa ở đây.
Và:
Điêu tàn ư? Đâu chỉ có điêu tàn / Ta nghĩ tới vàng sao từ thuở ấy / Chim báo bão, lựa chiều cơn gió dậy / Lựa ánh sáng trên đầu thay đổi sắc phù sa.
Chân dung Tố Hữu và nhà thơ họ Chế được anh vẽ chính xác như thế. Tôi nói vui với Xuân Sách:
– Tiểu thuyết của tôi có nói đến ông đấy nhé.
– Rất cám ơn.
Rồi anh đọc luôn một câu trong Chuyện kể năm 2000: Bạn muốn nghiên cứu Xuân giáo dục, chúng tôi có Xuân Sách, Xuân Trường.
Và cười ha hả. Xuân Sách cho tôi biết tình hình tập tiểu thuyết của tôi ở Vũng Tầu. Cấm. Đã hẳn. Các máy phô-tô chạy hết công suất đã hẳn. Còn in lại nữa. Bìa mầu nghiêm chỉnh. Ảnh tác giả nghiêm chỉnh.
Tôi bán tín bán nghi:
– Luyến nói chỉ đưa vào Sài Gòn năm mươi bộ thôi.
– Một người tháo vát như Luyến không thể chỉ đưa vào Sài Gòn năm mươi bộ. Chắc chắn gấp nhiều lần. Nhưng tôi nghĩ họ còn in lậu nữa. Bây giờ kỹ thuật in ấn tiên tiến lắm ông ơi. Không phải sắp chữ, không phải làm vi tính. Mà chụp. Như vậy những lỗi mo-rát vẫn nguyên. Y chang bản chính. Rất khó phát hiện.
Vẫn Xuân Sách:
– Mừng quá. Tất cả anh em văn nghệ trong ấy đều mừng, coi như thắng lợi của mình, thành công của mình.
Anh luôn miệng: Viết sợ quá. Viết thế thì sợ quá. Chỉ cần một tác phẩm để đời như vậy chết cũng được rồi. Cũng như Văn Chinh, đang vui câu chuyện bỗng Xuân Sách đứng lên:
– Để tôi đi tìm Nguyễn Khải. Nguyễn Khải muốn gặp anh lắm.
Anh đi tìm Nguyễn Khải nhưng không thấy. Hôm sau họp trù bị xong, anh bắt tôi đứng ở chân bậc tam cấp hội trường nhà khách:
– Anh đứng đây. Chờ Khải một tí. Khải xuống sau tôi.
Và chạy ngược lên gác. Dưới nắng, tôi đứng chờ và chụp ảnh với không biết bao nhiêu người. Vẫn chẳng thấy Nguyễn Khải, Xuân Sách đâu. Có lẽ các anh bị kẹt lại trên gác. Các anh cũng là những trung tâm để người ta quây lại.
Buổi chiều Bộ Công An chiêu đãi, buổi chiêu đãi trước đại hội. Phòng chiêu đãi kín người. Các nhà văn và quan khách đã có mặt đông đủ, ồn ào hơn cả một nghìn tổ ong cộng lại. Năm năm rồi, bạn bè bốn phương giờ đây gặp gỡ. Tay bắt mặt mừng. Tôi ngơ ngác tìm các bạn tôi. Có tiếng gọi to tên tôi. Lê Bầu! Thằng Vũ Bão vừa đứng đây. Chờ mày mãi. Chúng tao chỉ được ăn bữa này ở đây thôi. Mai là ăn ở nhà. Các đại biểu Hà Nội được phát tiền, ăn nghỉ ở nhà. Lê Đạt bước lại. Anh kéo tôi và Bầu vào một góc. Và nói về tập sách của tôi: Đã lâu lắm mới được đọc một tập sách như thế, nhưng hơi dài. Anh nhắc đi nhắc lại: Thích. Thích lắm. Rồi bộ trưởng Lê Minh Hương nói mấy lời trước khi chiêu đãi. Tiếng ồn ào trong căn phòng lớn không giảm đi chút nào. Chắc bộ trưởng cũng thông cảm với cánh nhà văn nhà thơ năm năm mới có một kỳ đại hội, năm năm mới gặp nhau, nên vẫn cứ tiếp tục bài nói chuyện trong khung cảnh như chợ vỡ.
Bài nói chuyện chấm dứt. Các nhà văn vào tiệc. Tiệc đứng. Tôi không nhớ có những món gì. Cơm rang. Và cái món thịt thì mang phong cách Ấn Độ hay vùng Vịnh. Nhớ nhất là món dứa. Món dứa đét xe. Tôi ăn hơi nhiều dứa. Cho no bụng. Các nhà văn đứng nhìn tôi ăn dứa nói vui:
– Ông này ăn nhiều dứa quen rồi.
Không phải tôi thích ăn dứa đến thế mà vì khi tôi bắt đầu dùng bữa thì các món cơm thịt... đã gần hết. Lúc mọi người ăn tôi còn đi lang thang. Bàn này bàn khác. Tìm Vũ Bão. Tìm Nguyễn Kiên. Nguyễn Gia Nùng. Vũ Lê Mai...Tìm người quen nhưng lại gặp những người không quen, hay chỉ nhìn thấy trên tivi. Ai cũng giữ tôi lại. Nhiệt tình. Chân thành. Chúc mừng tôi. Tôi hiểu rằng có rất nhiều người đã đọc tôi, hoặc đã nghe nói đến tập sách của tôi.
*
Báo Thể Thao Văn Hoá cơ quan của Thông Tấn Xã Việt Nam số ra ngày thứ sáu 21-4-2000 đăng bài Ghi Chép Bên Lề Đại Hội Nhà Văn của nhóm phóng viên văn hoá phản ánh những chuyện vui vui trong đại hội có đoạn viết: Một nhà văn nổi tiếng muộn trông hiền lành giản dị được những người chưa bao giờ gặp xếp hàng bắt tay, tỏ lòng kính trọng và yêu mến. Thể Thao Văn Hoá chỉ viết chung chung như vậy nhưng tất cả những người dự đại hội đều biết người ấy là ai.
Trong tình hình tập sách của tôi bị thu hồi tiêu hủy, đăng thế là đã tỏ ra rất ưu ái tôi và cũng đã là dũng cảm tuyệt vời.
Nhưng tạp chí Than của tổng công ty Than mà ông bạn Võ Khắc Nghiêm làm tổng biên tập nói thẳng ra trong bài Những Cái Nhất Trong Đại Hội 6 Hội Nhà Văn Việt Nam: Người được bạn bè bắt tay và mời chụp ảnh nhiều nhất là nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Để có được câu này, tác giả Đình Kính đã sưu tầm không biết bao nhiêu cái nhất của đại hội như đại biểu nữ mặc váy nhiều nhất, đại biểu nam thắt cravate nhiều nhất, câu nói hay nhất, người bỏ bữa ăn nhiều nhất, người gọi điện thoại nhiều nhất.
Trong những ngày đại hội tôi càng hiểu thêm tình cảm của các nhà văn nhà thơ đối với tôi và tập sách của tôi. Một buổi đang ngồi trong hội trường theo dõi một bản tham luận nào đó, một bàn tay phụ nữ từ phía sau đưa đến bàn tôi, đặt ngay trên tập tài liệu đại hội một tờ thiếp bằng giấy trắng in hoa nổi, trên tờ thiếp là những dòng chữ chị viết: “Anh Bùi Ngọc Tấn. Sao trông anh hôm nay buồn buồn. Đừng buồn. Tất cả chúng tôi đứng bên anh. Anh đã làm được một việc có ích. Hãy vui lên.”
Tờ thiếp không ký tên. Tôi vội quay lại. Một phụ nữ áo dài đang đi về phía sau. Chị ở một đoàn khác. Chị ngồi cách tôi đến năm sáu hàng ghế.
Sau giờ giải lao, đang đi về chỗ của đoàn mình, nhà thơ Trinh Đường gọi tôi lại. Ngồi cạnh nhà thơ là ông già Trần Lê Văn. Nhà thơ Trần Lê Văn bắt tay tôi:
– Trong tập truyện của ông có trích hai câu thơ của tôi mà không đề tên tác giả. Nhưng không sao.
Không biết có phải hai câu này không: Theo chồng về biển biển ly loạn / Thương cho đời mẹ hận cho chồng. Trong tiểu thuyết, tôi trích dẫn nhiều thơ. Chỉ hai câu này tôi không biết xuất xứ. Ngày còn ở Tiền Phong, Tất Vinh đọc cho tôi nghe. Mà Tất Vinh đã chết lâu rồi. Tôi cứ trách mình mãi tại sao không hỏi cụ Trần Lê Văn lúc đó.
Nhà thơ Trinh Đường mà tôi đã một lần đi cùng ra Cát Bà nồng nhiệt bắt tay tôi. Cụ đưa cho tôi cái các vi-dít, mặt in tên, địa chỉ có hoạ tiết một cô gái Chăm ở trần đang múa — chà! Cụ già mà vẫn trẻ ghê — mặt sau là bốn câu thơ cụ đã ghi sẵn, chờ gặp tôi để tặng:
Không đề
Ai còn mà đã chết
Ai bị giết vẫn còn
Ngang nhiên giữa trời đất
Ta sống cùng nước non
– Khai mạc đại hội nhà văn 6
— Trinh Đường
Nhà văn Kim Lân mà tôi coi như một người anh dắt tay tôi đi tìm Thành Chương “thằng con mình để nó chụp hai anh em một bức ảnh kỷ niệm.”
Nguyễn Quang Sáng ôm lấy tôi khi tôi từ nhà khách chính phủ đi ra, cuộc gặp gỡ giữa hai ông già sau mấy chục năm xa cách:
– Tao bảo Bùi Ngọc Tấn thì tao còn lạ gì. Trước khi đi B tao còn xuống Hải Phòng, đến nhà mày mà. Nhớ không?
Rồi một nhà thơ Nam Bộ tôi không nhớ tên ([2]) kể cho tôi nghe thời gian các anh tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh chờ bay ra Hà Nội để dự đại hội. Các anh gần như chỉ nói chuyện về tập sách của tôi. Nhắc lại những chi tiết, những cảnh những người. Bữa ăn, các anh dùng ngôn ngữ trong truyện: Khợp, meo, cá nhân tác chiến cá nhân bành. Các anh nói về già Đô, về con tắc kè, về con cá chép, về cái tên một cô gái: Bà Phê đô Thớt... Những đại biểu chưa biết gì về tập sách ngơ ngác: Các ông nói đến quyển gì thế? Chuyện kể năm 2000. Chưa đọc à? Chưa. Thật thế à? Thật. Chưa biết nó bị thu hồi à? Thu hồi rồi à? Tất cả nhìn vào người chưa đọc, cùng làm ra vẻ thất vọng. Một người tỏ vẻ rầu rĩ: Thế thì ông sang bàn khác ăn đi. Đừng ngồi đây. Mọi người cùng cười phá lên.
Tất nhiên đây chỉ là một cách đùa, một cách quảng cáo, một cách tỏ tình yêu với tập sách, một cách gây cười. Kể lại cho tôi nghe, anh vẫn bật cười. Vậy là chúng tôi có những cách đùa giống nhau. Nói theo kiểu Nguyễn Quang Lập: Một khi mà bọ đã yêu. Tôi cũng có cách nói như vậy. Tôi rất yêu Bảo Ninh. Tập tiểu thuyết của Bảo Ninh tôi đã mua hai quyển. Một Thân Phận Tình Yêu cho Nguyên Bình. Một Nỗi Buồn Chiến Tranh cho tôi. Đi đâu, gặp ai tôi cũng nói về quyển tiểu thuyết này. Đang say sưa, bỗng phát hiện ra người đối thoại chưa đọc, chưa biết Bảo Ninh là ai, tôi tỏ vẻ thất vọng và “khinh bỉ”: “Không thể tiếp tục câu chuyện với ông được nữa. Trình độ chênh lệch quá.” Đấy. Một khi mà bọ đã yêu thì thế đấy.
Trong đại hội, một buổi nghỉ giải lao, tôi đứng vơ vẩn ngoài hành lang hội trường, một tốp nhà văn nhà báo còn trẻ quây lấy tôi trò chuyện. Lát sau lại một tốp khác đến với tôi. Những người đến trước đứng dẹp sang một bên, những người mới tới đứng sang một bên. Tôi đứng giữa và thật khó trò chuyện trong hoàn cảnh như vậy. Các anh các chị các em nhìn tôi như muốn tìm kiếm những dấu vết tù đầy, như nhìn một người từ cõi chết trở về, lại cũng như nhìn một người hùng. Cuối cùng các nhà văn đến trước bảo nhau:
– Đi thôi. Chúng mình chiếm hữu anh Tấn quá lâu rồi. Nhường cho các bạn mới đến.
Khi tôi đứng nói chuyện với Phượng Vũ, Thúy Toàn, Thúy Toàn hất hàm về phía hai người đang đi dạo dưới bóng mát hàng cây ven hội trường:
– Anh Lê Sơn kia kìa. Muốn gặp anh lắm.
Tôi hỏi:
– Anh cao to hay anh nhỏ?
– Anh cao to.
Hệt như một chàng trai muốn đến với một cô gái nhưng vẫn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Tuổi tác của anh đã giữ anh, không cho anh đến gặp tôi hồn nhiên như những người khác, anh vẫn cứ đi dạo qua chỗ tôi mà không dừng lại. Tôi bước đến với anh, gọi tên anh. Anh ôm tôi. Và khóc. Tôi ngước mắt nhìn anh — tôi đứng chỉ đến trên vai anh một chút, — nhìn những giọt nước mắt của anh lăn trên má đọng trên râu, lấp loáng ánh nắng đầu hè. Chưa bao giờ tôi thấy một người đàn ông to lớn như thế khóc. Khóc giữa sân hội trường Ba Đình, mặc chung quanh khá đông người. Những giọt nước mắt của anh thấm vào tới tận cùng những đắng cay của tôi và hoá giải nó. Anh gạt nước mắt, sụt sịt:
– Đọc những trang anh viết về gia đình, tôi khóc. Anh viết về các con anh cũng là viết về các con tôi.
Anh cố chỉnh giọng nói đang méo mó vì xúc động:
– Như đoạn anh viết giặt quần áo cho các cháu, moi trong túi áo hoa bé tí của chúng những mẩu giấy, mẩu lá, mẩu len... Các con tôi cũng vậy.
– Không thể xoá được quyển sách của anh đâu. Xoá sao nổi.
Lê Sơn dần dần bình tĩnh trở lại.
Anh sôi nổi khẳng định:
– Quyển tiểu thuyết của anh sẽ có vị trí xứng đáng trong văn học Việt Nam. Đọc anh, người đọc thấy mình, thấy anh em bè bạn, bố mẹ vợ con mình trong đó. Thấy thời đại mình, nhân dân mình trong đó. Người đọc thấy cả một giai đoạn lịch sử với rất nhiều tầng lớp xã hội. Người ta cứ nói giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng cụ thể là gì mới được chứ? Tại sao nước nào cũng thích Marquez, thích Trăm Năm Cô Đơn. Vì nó nói được con người Colombia, nhân dân Colombia. Quyển sách của anh nói được con người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, cuộc sống Việt Nam. Bản sắc dân tộc đấy chứ đâu nữa. Chuyện kể năm 2000 không kém bất kỳ quyển nào trong phạm vi đề tài này. Chỉ cần một quyển thế thôi anh ạ...
Lê Sơn sôi nổi tự tin và quyết liệt. Không phải một ông “nhân văn nhân võ” bất mãn, cực đoan nào như người ta vẫn nói, anh là một tiến sĩ của Viện Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, một nhà nghiên cứu được đào tạo bài bản ở Liên Xô. Bất kỳ ai, trình độ như thế nào, làm việc ở đâu, cứ có chút lòng trung thực là sẽ nhận xét như Lê Sơn thôi. Cái chính quyền này đàn áp quyết liệt đấy, nhưng không còn mạnh như xưa. Cái yếu nhất là người ta đã nhận diện được nó, người ta biết nó như thế nào, người ta không nghe theo nó nữa. Như người điên trong nhà thương điên thỉnh thoảng lại thét lên với Nguyên Bình: “Kẻ xấu đã lộ mặt!”
Hoạ sĩ Thành Chương máy ảnh đi qua. Như một tay săn ảnh nhà nghe, anh dừng lại bấm lia lịa. Bấm tôi đứng cạnh Lê Sơn. Bấm tôi đứng một mình. Rồi nhờ Lê Sơn bấm tôi đứng với Thành Chương. Thật không ngờ: Khi bế mạc đại hội, lên Bắc Giang hai ngày trở về Hải Phòng, đã thấy vợ tôi đưa cho tôi những tấm ảnh — đã ép plastic cẩn thận — chụp tôi đứng một mình, chụp tôi đứng với Lê Sơn và đứng với Thành Chương.
– Anh Lê Sơn mới gửi về.
Vợ tôi nói tên anh như nói tới một người quen cũ. Cũng nói luôn ở đây rằng trong những ngày tôi dự đại hội, vợ tôi rất lo lắng về tôi. Gặp tôi ở đại hội, Lê Bầu bảo:
– Tối qua, Bích gọi điện cho tao hỏi tình hình mày ở đại hội, có vẻ lo lắng. Tao bảo: Yên tâm. Có thể tóm tắt trong bốn chữ: Rực! Rỡ! Tên! Vàng!
Anh nói ngắt từng chữ như người hô khẩu hiệu rồi cười vang sảng khoái, cười rất Lê Bầu, giọng cười mà sau này gặp tôi, Lê Thị Oanh nói Anh Bầu cười mới thích chứ. Không cười thế thì anh ấy chết. Anh ấy khổ quá.— Không chỉ một Bầu cười như thế. Tất cả bọn chúng tôi đều cười để sống. Cười ngay cả những lúc lẽ ra phải khóc.
Ở đại hội tôi gặp lại Phạm Đức, Đoàn Thị Lam Luyến, cả giám đốc Bùi Văn Ngợi rồi Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo nhưng chúng tôi không có thời gian trò chuyện cùng nhau. Riêng với Nguyễn Trọng Tạo, tôi đã nhờ Nguyễn Đình Toán chụp một bức ảnh. Hai anh em tôi ghì vai nhau cười hạnh phúc, bức ảnh rất đẹp mà Đình Kính chú thích là Ruột và Vỏ, ngụ ý một người viết nội dung, một người vẽ bìa. Hôm ấy Tạo mặc áo trắng may theo kiểu Tầu. Anh bảo tôi:
– Em mặc áo trắng để lên đọc tham luận đây.
Bản tham luận của Tạo mang tiêu đề Có bảo hiểm nào cho nhà văn? có nhắc đến Tần Thủy Hoàng đốt sách giết kẻ sĩ, có lời Ba Kim nói: Khổng Minh mắng mà Vương Lãng chết, nhưng chưa từng thấy quyển sách nào bị mắng mà chết cả. Anh còn nói thêm với tôi: Tiểu thuyết thế kỷ 20 mở đầu bằng Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng và khép lại ở Chuyện kể năm 2000. Cũng may là còn sống đến năm nay được đọc Chuyện kể năm 2000. Nếu chết từ năm ngoái chỉ được đọc Số Đỏ thôi.
Và:
– Đọc Nam Cao thấy ngày xưa. Đọc Vũ Trọng Phụng thấy hôm nay. Năm sáu chục năm sau, trăm năm sau đọc Bùi Ngọc Tấn, người ta vẫn thấy họ.
Bản tham luận của Nguyễn Trọng Tạo tất nhiên không được đọc. Anh Đức, thành viên chủ tịch đoàn đại hội, kéo tôi ra hành lang, khoác vai tôi thủ thỉ:
– Ông bảo với Nguyễn Trọng Tạo hộ tôi, còn hơn hai mươi bản tham luận nữa mà thời gian chỉ gọn trong buổi chiều nay. Nó lại đăng ký sau...
Tôi báo lại cho Tạo tin ấy. Tạo cười:
– Em đã biết trước sẽ như thế. Không thế mới là chuyện lạ.
Cùng với chuyện nhân sự, những người ứng cử đề cử vào ban chấp hành, chuyện tham luận là đề tài được các đại biểu bàn tán trong bữa cơm. Tôi thường hay ăn muộn, vào lúc nhà ăn đã van vãn người. Chiều hôm ấy chỉ có tôi và Đình Kính. Hai người một mâm. Sau thêm một đại biểu nữa còn khá trẻ. Đình Kính nói vui:
– Chủ tịch đoàn cắt tham luận của Nguyễn Trọng Tạo là dành thời gian cho tham luận của Bùi Ngọc Tấn, mà Bùi Ngọc Tấn không lên diễn đàn, cứ ngồi im thin thít thôi.
Người đại biểu ăn cùng mâm nói:
– Bùi Ngọc Tấn không cần tham luận. Nguyên chuyện Bùi Ngọc Tấn có mặt tại đại hội đã là bản tham luận hay nhất đại hội rồi.
Sửng sốt trước câu nói, tôi buông đũa, bắt tay anh:
– Cám ơn em. Câu nói hay quá.
Đình Kính vội giới thiệu:
– Nguyễn Đức Thọ phó chủ tịch Hội Văn Nghệ Đồng Nai.
Thọ cười:
– Anh cám ơn em thì em phải nói thật. Câu ấy không phải của em mà của anh Nguyễn Khải. Đầu đuôi thế này. Em là phó đoàn nên được đi họp giao ban đại hội. Giao ban có nhiều mục, trong đó có mục Bùi Ngọc Tấn. Anh Hữu Thỉnh nói đại ý: Tôi đã về nhà anh Bùi Ngọc Tấn, nói anh ấy vẫn đi họp đại hội, vẫn giữ nguyên tư cách đại biểu, chỉ đề nghị anh ấy không đọc tham luận, không họp báo, không trả lời phỏng vấn. Còn một “không” gì nữa em không nhớ. Anh Hữu Thỉnh bảo anh vui vẻ nhận lời cả bốn không ấy. Giao ban về, em mới kể cho mọi người nghe. Nghe xong, anh Nguyễn Khải bảo: Bốn không chứ một nghìn không cũng được. Sự có mặt của Bùi Ngọc Tấn ở đại hội đã là một thắng lợi của đại hội và đấy là bản tham luận hay nhất đại hội.
Nguyễn Khải thật là người sắc sảo. Mặc cho ông bạn Vũ Bão của tôi có những vướng mắc với anh, tôi nghĩ anh là người chân thành. Chân thành mắc lỗi và nhất là chân thành nhận lỗi. Khi nhà văn Đ.V. cùng trang lứa với anh lên đọc tham luận, vừa cũ vừa thõng thẹo, anh bấm tôi ra ngoài hành lang uống cà phê và bảo:
– Nhìn ông Đ.V. đọc tham luận, mình phải bỏ ra ngay vì mình nhìn thấy hình ảnh của chính mình.
Anh bảo tôi:
– Ông không tham luận, không phát biểu là đúng. Nói cái gì? Sách của ông đã nói cho ông hết cả rồi.
Thế nhưng sau này khi nhận lời mời ăn cơm tại nhà Nguyễn Khải ở quận 4 thành phố Hồ Chí Minh có cả Bùi Hồng, nguyên trưởng phòng biên tập nhà xuất bản Kim Đồng và bác sĩ Bùi Văn Lâm, tôi ngỏ lời cám ơn anh về câu anh nói với Nguyễn Đức Thọ, anh lắc đầu tỉnh bơ: “Không, mình có nói câu ấy đâu.” Nguyễn Đức Thọ đã mất. May còn Đình Kính chứng cho tôi chuyện này. Trước đó tôi cũng đã kể lại chuyện trên về Nguyễn Khải cho Bảo Ninh nghe và kết luận: “Ông Khải cũng được lắm Bảo Ninh ạ.” Bảo Ninh cười sự ngây thơ của tôi: “Đấy là sách của ông ấy.”([3])
Từ bữa cơm chiều hôm ấy, tôi và Nguyễn Đức Thọ rất thân nhau. Anh tặng tôi tập truyện Kỷ Niệm Làng Che của anh. Đoán được những gì tôi nghĩ, anh bảo:
– Em sẽ xoay được bộ sách của anh. Anh không phải nghĩ ngợi. Em đang đọc. Đọc trong đại hội. Gần hết tập hai rồi. Mượn của Phạm Xuân Nguyên. Em vẫn ngủ ở nhà Phạm Xuân Nguyên đấy chứ có ngủ ở nhà khách chính phủ buổi nào đâu.
Thú vị làm sao. Anh là bạn của Phạm Xuân Nguyên. Những người như thế hẳn là phải đến với nhau. Thọ bảo tôi vào thành phố Hồ Chí Minh thế nào cũng phải về Đồng Nai với anh. Mấy tháng sau, khi anh là đại biểu ra dự đại hội toàn quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam — một cái tên gọi mới dài làm sao! — từ Đồng Nai ra Hà Nội tới nhà Phạm Xuân Nguyên, anh lại gọi điện về cho tôi, hỏi thăm vợ chồng tôi và nhắc lại lời mời. Tôi hiểu rằng từ nay mình có nhiều bạn ở các nơi. Trong chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con gái dự tính trong tương lai, tôi đã nghĩ đến những nơi sẽ tới, trong đó có Hội Văn Nghệ Đồng Nai mà Hoàng Văn Bổn làm hội trưởng, Nguyễn Đức Thọ làm hội phó thì được tin Thọ bị bạo bệnh qua đời. Thật quá bất ngờ. Tôi đọc lại tập sách anh tặng tôi. Nhìn ảnh anh trên báo Văn Nghệ. Anh còn trẻ quá. Đẹp trai. Khoẻ mạnh. Tài năng.
Bạn đọc thứ lỗi cho tôi vì những dòng lan man này. Đó là nén hương từ Hải Phòng tôi thắp trước mộ anh. Năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ 21, nghệ thuật bị tổn thất nặng nề. Mở đầu là Lê Dung. Rồi Nguyễn Đình Nghi. Nguyễn Đức Thọ. Và Trịnh Công Sơn, Đào Mộng Long, Nguyễn Đình Phúc...
Còn những ai tiếp theo?
*
Trong những ngày họp Đại Hội Nhà Văn có một chuyện tôi phải lo là sách tặng. Bộ tiểu thuyết của tôi in vào cuối tháng 1, đầu tháng 2, bị cấm vào tháng 3, Đại Hội Nhà Văn họp vào giữa tháng 4, nghĩa là có một thời gian đủ để người ta đọc và bàn luận về nó, một thời gian đủ để dư luận đến độ nhất. Nhiều người chưa đọc. Lại càng nhiều người chưa có sách. Tôi hiểu trách nhiệm của mình với một số bạn bè. Không thể không tặng sách Nguyễn Gia Nùng. Chúng tôi quen nhau từ độ tuổi 20. Anh là biên tập viên nhà xuất bản Lao Động, chịu trách nhiệm biên tập quyển tiểu thuyết Làn Sóng Thứ Nhất của tôi — nó đã bị tịch thu khi tôi bị bắt. Và khi tôi ở tù ra, lang thang Hà Nội, anh đã kéo tôi về nhà anh trong khu Nhà Hát Nhân Dân — nay là cung văn hoá Hữu Nghị — ăn với anh một bữa cơm có cả thịt gà. Món thịt gà ngày ấy tương đương với món yến sào hiện nay. Không thể không tặng Lê Lựu khi anh bảo thẳng tôi, kể công với tôi:
– Em đấu tranh cho anh như thế mà anh không cho em sách à?
Lê Lựu trong ban chung khảo cuộc thi sáng tác hai năm 1998–1999 của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và tôi đã đoạt giải. Không thể không tặng Hải Như, người tôi đã quen gần nửa thế kỷ, là bạn của anh Xuân Thu tôi. Và Nguyễn Thị Ngọc Hải, đã chuyển vào Sài gòn, trước đây là thông tín viên của tôi khi tôi còn làm báo Hải Phòng. Không thể không tặng Cao Xuân Sơn tận Cao Bằng, người tôi mới quen khi đi trại sáng tác quân đội cuối năm 1999, bởi tôi biết chắc sách của tôi khó mà có được ở nơi xa xôi ấy. Cao Bằng là cơ sở trắng ngụ ý không có một tập Chuyện kể năm 2000 nào, theo cách nói của Lê Bầu. Còn Nguyễn Khải nữa, người lúc nào cũng ân cần với tôi dặn tôi đừng phát biểu, có gì sách nói hết rồi. Cũng may Trần Thị Trường đã cáng cho tôi cái suất Nguyễn Khải. Ôi chuyện Trần Thị Trường đưa sách cho Nguyễn Khải mới thật vui.
Trường bảo: Em dùng mỹ nhân kế. Em xách túi sách lên ngồi nhờ ô tô của một ông sếp ở Cục Xuất Bản. Thế là yên tâm chứ còn gì. Xe vào đến cửa hội trường thì có lệnh tất cả đi viếng lăng Bác. Đi viếng lăng Bác thì không ai được mang theo túi. Thế là phải để túi lại trên xe. Ô tô lùi đi đâu mất. Lo quá. Người ta phát hiện ra thì gay go to. Em đã nghĩ mang sách vào hội trường chỉ có đi ô tô là tốt nhất. Đã dùng mỹ nhân kế, đi ô tô với ông sếp Cục Xuất Bản, tưởng an toàn tuyệt đối, nào ngờ. Suốt thời gian viếng lăng Bác, em cứ lo ngay ngáy, ngộ nhỡ có trục trặc gì. Viếng lăng xong, em tìm ô tô. May, ông lái vẫn ngồi trên xe. Túi vẫn còn. Gói sách trong túi vẫn nguyên. Đến khi vào họp, em ngồi cạnh anh Khải, em bảo: Bộ Chuyện kể năm 2000 em để gầm bàn ấy. Anh cầm lấy đi. Anh Khải giẫy nẩy: Để lúc khác chứ. Bây giờ anh cầm sao được. Thế là em cứ ôm bộ sách. Vừa bực vừa lo.
Tôi thông cảm với việc “cứ ôm bộ sách” của Trần Thị Trường. Tôi còn phải ôm nhiều bộ sách hơn Trường. Sách thì dầy. Gần nghìn trang. Nhét hai bộ vào cái túi xách — quà của Bộ Công An tặng các đại biểu — là đã căng phồng. Trạm trung chuyển tôi đặt ở nhà Lê Bầu. Sách tôi mua của Luyến. Ngày nào cũng gặp Luyến ở đại hội, cần bao nhiêu, tôi rỉ tai là Luyến cho người mang đến nhà Bầu. Lê Bầu mang sách đến sớm, trước lúc họp, tới tận phòng tôi để tôi có thời gian đề tặng. Tôi công khai số sách và công khai ghi tặng trước ba nhà văn nhà thơ cùng phòng. Ghi tặng ai xong thì phải tìm được đúng người ấy để trao cái thứ hàng quốc cấm ấy. Mà người mình tìm chẳng thấy đâu. Kiểu như đề tặng Lê Lựu nhưng lại cứ thấy Nguyễn Thị Ngọc Hải là người đến chiều tôi mới có sách Bầu bồng đến để mà đề tặng. Xách cái túi như vậy đi ngay trong hội trường như mang theo thuốc phiện lậu. Lại cứ lang thang hết nơi này nơi khác nhìn ngó kiếm tìm, thật đúng là tự tố giác mình. Tôi ngồi cạnh anh Kim Lân mà không thể nào đưa được bộ sách đã gói kỹ cho anh, bởi chung quanh chúng tôi có rất nhiều người. Mãi sau khi bế mạc đại hội, may quá, gặp Thành Chương ở nhà Lê Bầu, tôi nhờ Thành Chương chuyển. Tập sách tôi tặng anh Hải Như cũng vậy. Anh Hải Như dúi vào tay tôi một trăm nghìn và bảo: Mày phải có cho anh. Làm thế nào thì làm. Tôi nhận tiền của anh ngay. Rất vui vẻ. Tôi hiểu rằng anh Hải Như đoán được những khó khăn về kinh tế của tôi. Tôi đã chi hai chục triệu đồng sách tặng. Ôm bộ sách, tôi tìm anh. Đến chỗ anh ngồi. Nhưng không có cách nào đưa được. Chúng tôi thống nhất để đến lúc giải lao. Giải lao cũng không đưa được. Lang thang một lúc tôi vào nhà vệ sinh thì may sao anh Hải Như đang ở đó. Chúng tôi kéo nhau vào một góc. Ngồi sụp xuống. Chụm vào nhau. Tôi kéo phec mơ tuya túi của tôi. Anh kéo phec mơ tuya túi của anh. Những cái túi tặng phẩm của Bộ Công An giống hệt nhau. Soạt. Soạt. Hàng được trao rất nhanh. Lại rất nhanh soạt, soạt. Đóng túi. Cả hai chúng tôi cùng quay ra. Thật may. Không có ai. Lúc bấy giờ tôi mới làm cái việc đi tiểu, còn anh Hải Như với vẻ mặt tự nhiên nhất đời của người vừa vào toa lét, xách túi bước ra phòng họp. Trong nhà mét hội trường Ba Đình, tự nhiên tôi nghĩ đến Phạm Văn Giăng, người bạn tù của tôi, tôi nghĩ đến cái nhà mét bê dê — nhà xí buồng D. Tôi và Giăng có việc gì cần nói với nhau hoặc dúi cho nhau quả cam, cái bánh bích quy phải hẹn nhau kẻ trước người sau làm như vô tình gặp nhau trong đó.
Sau khi đã trao được sách cho Hải Như, coi như đã lập một chiến công, tôi khoe với Bão Vũ. Kiến trúc sư Bão Vũ giật mình:
– Lần sau anh đừng dại thế. Những nơi quan trọng như hội trường Ba Đình, mọi chỗ khuất đều đặt camera. Em làm kiến trúc em biết.
Tôi nghe mà hoảng. Nhưng lại tự động viên: Sách gói trong giấy báo. Camera có ghi hình cũng chỉ là gói sách chứ không biết là sách gì. Nếu có hỏi thì trả lời tôi mua của các cháu bán rong. Đầy cả ngoài kia.
Mà kể cũng lạ. Quyển sách “nguy hiểm” như thế, chịu một quyết định nghiêm khắc là thu hồi tiêu huỷ như thế, tập sách làm một số vị nổi điên lên, tìm mọi biện pháp quyết liệt nhất tiêu diệt nó, tập sách tôi phải tính toán kê khai từng quyển cho vừa khớp số lượng 1500 bộ lại vẫn được các em bán sách báo mang bán rong khắp phố phường Hà Nội, và càng tập trung đông ở khu vực chung quanh đại hội nhà văn. Giá bán thì tuỳ. Rất linh hoạt. Trần Quốc Vượng mua ba trăm rưởi, cho người mua hộ mười nghìn là ba trăm sáu. Giá Vượng mua là giá trên trung bình. Ông cán bộ giảng dạy trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nói với tôi là anh mua năm trăm nghìn. Thằng bé bán sách thấy Thắng để ria mép, đeo kính râm, nghi anh là công an, dẫn anh đi ngoằn ngoèo rất xa, bảo anh đứng chờ, rồi một “vệ sĩ” to béo, dân giu đô chính hiệu từ đâu đến giao sách cho anh. Thắng nói:
– Quyển của tôi có lẽ là quyển nối bản, giấy trắng lắm, in đẹp lắm. Bìa không in giá.
Một buổi chiều đại hội, tôi và nhà thơ Thanh Tùng tác giả Thời Hoa Đỏ, hoa như mưa rơi rơi cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi rủ nhau đi uống bia. Rời nhà khách chính phủ, chúng tôi sang một quán bia nhỏ bên kia đường. Từ ngày Thanh Tùng vào Sài Gòn chúng tôi ít gặp nhau. Nên muốn được yên tĩnh chuyện trò. Nhưng chú bé bán sách không để yên. Chú ngồi thụp sát chân chúng tôi và cứ nằn nì chúng tôi mua sách. Muốn đuổi chú đi, Thanh Tùng hỏi sẵng:
– Có Chuyện kể năm 2000 không?
Mắt chú sáng lên:
– Có đây bố ạ. Nhưng con lấy lại của bạn con nên hơi bị đắt. Cả bộ hai tập hai trăm tám. Con lấy của bạn con đã hai trăm rưởi rồi.
Tôi nhìn vào khay sách trên tay chú và dễ dàng nhận ra hai tập sách của tôi. Tôi rút tập hai ra, lật bìa bốn lên, để trên bàn và quay lại nhìn chú bé bán sách:
– Mày trông có giống bá không con?
Thằng bé trố mắt, hết nhìn tấm ảnh trên bìa lại nhìn tôi. Mãi cu cậu không hết ngạc nhiên. Rồi cầm tập sách cho vào khay:
– Con chào bá.
Hai chúng tôi được một trận cười và cũng được yên tĩnh chuyện trò. Đã tưởng chia tay hẳn với chú bé bán sách, nào ngờ tôi lại gặp chú. Trưa hôm sau, nhận bộ sách tặng của tôi, Lê Lựu mời tôi đi làm mấy vại bia. Cùng đi với chúng tôi có Phạm Tiến Duật và Lê Bầu. Lựu bảo:
– Để em kiếm quyển Hai Nhà tặng anh.
Hai Nhà là quyển tiểu thuyết của Lựu xuất bản trước sách của tôi ít ngày. Cũng nhà xuất bản Thanh Niên. Quán bia nào quanh khu vực Ba Đình những ngày đại hội mà chả có những chú bé bán sách. Lựu gọi một chú đến. Cuộc mặc cả không thành. Tôi chăm chú vào vại bia và vào câu chuyện Phạm Tiến Duật vừa đi Đức về kể, không để ý đến chú. Lựu bảo tôi:
– Chiều, em mua sách ở quầy sách phục vụ đại hội tặng anh. Ở đây nó bán đắt lắm.
Lúc bấy giờ mới ngẩng lên nhìn theo thằng bé bán sách. Nó đã đang khệ nệ khay sách mời chào bàn bên cạnh. Ơ! Chú bé bán sách hôm qua! Thấy tôi nhìn, chú nhoẻn miệng cười như cười với một người cùng hội cùng thuyền. Mà đúng là cùng hội cùng thuyền thật. Tôi viết sách cấm. Chú bán sách cấm tôi viết. Tôi vẫy.
Chú bé Gavroche của tôi bước tới thân mật:
– Gì hở bá?
Tôi kéo chú cúi xuống, thì thầm vào tai chú:
– Thế mỗi bộ của bá mày kiếm được bao nhiêu?
– Được dăm chục — nghìn — bá ạ.
– Con bán được tất cả bao nhiêu bộ rồi?
– Từ đầu vụ tới giờ con bán được bốn chục bộ. Thằng bạn con bán được gấp đôi con.
– Bá mừng cho mày. Thế là chúng mày thắng chứ bá thì rách lắm.
Chú bé cười toe toét.
Ba người cùng bàn không biết chúng tôi chuyện với nhau những gì vì chúng tôi nói nhỏ và quán ăn quá ồn ào. Hơn nữa các anh cũng đang say chuyện. Tôi nhìn theo chú bé bụi đời len lỏi giữa các bàn ăn, với khay sách nặng trĩu trên tay, vất vả, lăn lộn, nhọc nhằn, trào lây niềm vui sống của chú. Thôi thì ít nhất mình cũng đã giúp được một số người như chú, mang lại niềm vui cho những người như chú. Chú bé Gavroche của tôi.
B.N.T.
([1])Thơ Vũ Hoàng Chương.
(2) Tôi có một nhược điểm là rất hay quên tên — ngay anh chị Phong Lê hôm trước vừa tặng tôi sách, hôm sau gặp nhau tôi ngớ ra khiến anh phải nói: Phong Lê. Tất cả ập đến tôi cùng một lúc nên lại càng không thể nhớ.
(3) Có lẽ Bảo Ninh, Vũ Bão, — và sau này khi bàn luận về di cảo Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải — Dương Tường và Vương Trí Nhàn đã đúng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào: