Khi các thầy còn hăng say 'đạo' giáo trình, nền giáo dục sao phát triển

Vũ Ngọc Hải (Đại học Myongji, Hàn Quốc)

giao duc dai hoc, du hoc, giao trinh dai hoc

Du học sinh Pakistan (hình chỉ mang tính chất minh họa)

Tôi cho rằng người Hàn Quốc cũng giống Pakistan và một số nước, khi muốn đi tắt đón đầu, họ tận dụng tối đa tri thức của nhân loại để phát triển đất nước. Còn ở Việt Nam thì sao?

Luồng gió lạ ở Hàn Quốc
Trở lại Hàn Quốc làm việc với tư cách một giáo sư nghiên cứu sau 5 năm cống hiến ở quê nhà, tôi nhận thấy một sự thay đổi kỳ lạ trong môi trường giáo dục nơi đây. Sự kỳ lạ không phải đến từ những bước tiến vượt bậc về khoa học kỹ thuật ở cái xứ sở chuộng công nghệ tới mức ăn và ngủ đều không rời khỏi cái điện thoại thông minh. Sự kỳ lạ đến từ… số lượng sinh viên nghiên cứu sinh Pakistan tăng đột biến, gấp nhiều lần so với người Việt.

Sở dĩ tôi nói đây là một sự kỳ lạ bởi chỉ cách đây 10 năm thời tôi còn là nghiên cứu sinh, học sinh Việt Nam luôn là sự lựa chọn số 1 của các giáo sư Hàn Quốc bởi tính cần cù chịu khó và đặc biệt là nền tảng kiến thức cơ bản rất tốt. Trong mỗi trường đại học thường có vài chục nghiên cứu sinh Việt Nam so với một vài nghiên cứu sinh Pakistan.

Thế nhưng sau 10 năm, một sự đổi ngôi ngoạn mục đã diễn ra tại đây. Tìm hiểu nguyên nhân của sự kỳ lạ này, tôi đem câu hỏi của mình tới các giáo sư Hàn Quốc và chỉ nhận được câu trả lời rằng gần đây sinh viên Pakistan có nền tảng kiến thức tốt hơn, kỹ năng ngoại ngữ và khả năng hội nhập tốt nên sự lựa chọn dành cho Pakistan là hợp lý.

Nguyên nhân sâu xa
Quyết tâm tìm hiểu rõ đến cùng của sự kỳ lạ này, tôi đặt câu hỏi với các sinh viên Pakistan nơi tôi làm việc và truy cập vào hệ thống giáo dục của nước họ qua internet. Sự hiếu kỳ đã được lý giải trong tôi và thay vào đó là nỗi buồn man mác. Trước đây, Pakistan là một đất nước Hồi giáo nghèo với tỷ lệ thất học cao thứ nhì thế giới chỉ sau Nigeria (theo báo cáo của UNESCO). Tuy nhiên trong nỗ lực cải cách giáo dục, họ đã nhập khẩu toàn bộ sách giáo khoa và giáo trình khoa học kỹ thuật của những nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới để sử dụng. Theo các bạn nói thì sách giáo khoa, giáo trình là kết tinh từ tinh hoa của nhân loại, không người Pakistan nào có thể viết ngay được. Kiến thức phổ thông và đại học thì không khó nhưng để viết ra một bộ sách giáo khoa đòi hỏi các nghiên cứu về giáo dục, tâm lý rất nhiều năm.

Đất nước Pakistan rất nghèo, có nhiều việc cần làm ngay, không thể đầu tư hàng tỉ USD để viết sách như Mỹ, Nga hay châu Âu. Họ đi xin chương trình từ những quốc gia phát triển nhất, cũng chẳng cần dịch ra tiếng bản địa, thay vào đó số tiền dành cho dịch thuật, họ thuê giáo viên người Mỹ về dạy tiếng Anh để giáo viên có thể giảng được và trẻ con có thể đọc được.

Cùng với chiến lược đúng đắn và sự tăng cường chi ngân sách cho giáo dục (chi ngân sách cho giáo dục ở Pakistan tăng từ 2% lên 7% GDP vào năm 2009 trong khi tỷ lệ ngân sách cho giáo dục ở Việt Nam khoảng 1%) các bạn đã có gần 20 đại học thuộc top 300 đại học tốt nhất châu Á và 2 trường lọt top 300 đại học kỹ thuật hàng đầu thế giới (theo University Ranking). Và chất lượng sinh viên thì là một sự kỳ lạ bất ngờ như tôi đã nói ở trên.

Sự khác biệt trong xây dựng giáo trình
Trở lại với công việc là một giáo sư đại học, tôi có 6 tháng để chuẩn bị những bài giảng mới. Nhà trường yêu cầu tôi chọn một giáo trình của Mỹ để giảng dạy trong số các giáo trình đã mua bản quyền vì người Hàn cũng không có giáo trình riêng. Điều này rất khác so với Việt Nam vì tôi thấy rằng mỗi giảng viên Việt Nam đều tự viết một cuốn giáo trình của riêng mình. Ở Hàn Quốc, tôi có tìm đỏ mắt cũng không ra một cuốn giáo trình được viết bởi các giáo sư Hàn Quốc. Chả lẽ các giáo sư Hàn Quốc kém cỏi, không đủ khả năng để viết giáo trình giống như các giáo sư Việt Nam? Nhưng sao học trò của những vị giáo sư kém cỏi đó lại có thể đưa Hàn Quốc trở thành một đất nước công nghệ phát triển thần kỳ đến vậy?

Tôi cho rằng người Hàn Quốc cũng giống Pakistan và một số nước muốn đi tắt đón đầu, họ tận dụng tối đa tri thức của nhân loại để phát triển đất nước. Còn ở Việt Nam thì sao? Viết giáo trình cho riêng mình dường như trở thành mốt thời thượng. Tiến sĩ mà không viết được giáo trình thì không đủ điểm làm phó giáo sư, ai làm giáo sư mà không có vài quyển giáo trình để lưu danh thiên cổ thì thấy mình thua kém bạn bè đồng nghiệp nhiều lắm. Hãy nhìn sâu vào chất lượng các quyển giáo trình này chúng ta có thể giải thích được nguyên nhân sâu xa của số lượng nghiên cứu sinh Việt Nam ra nước ngoài học tập lại sụt giảm nhanh chóng như vậy. Nền kinh tế thị trường, quan niệm “ăn trộm sách là không có tội” cùng với cơ chế phong hàm kỳ lạ đã sản sinh ra những quyển sách giáo khoa “râu ông nọ cắm cằm bà kia” quái đản nhất thế giới.

Tôi đã từng chứng kiến những quyển giáo trình mà những chương đầu thì sử dụng hệ thống ký hiệu của Nga còn chương sau thì sử dụng hệ thống ký hiệu của Mỹ và tác giả là … người Việt, hậu quả của sự copy cẩu thả. Có những câu chuyện đồn đại rằng giáo trình của một giáo sư nọ vẫn còn sót nguyên một câu “thầy ơi, chỗ này khó quá em không dịch nổi”, nguyên do vị giáo sư này yêu cầu sinh viên dịch sách nước ngoài và gửi thẳng đến nhà xuất bản mà không đọc lại.

Nhìn lại quá khứ 10 năm về trước sinh viên của chúng ta chiếm ưu thế so với sinh viên nước khác có lẽ do thế hệ hệ này vẫn đang sử dụng chương trình học mà nước Nga tài trợ cùng với sự hướng dẫn của các giáo sư được học tập và đào tạo bài bản ở Nga, một trong những quốc gia có nền khoa học công nghệ hàng đầu. Tôi chợt rùng mình không dám tưởng tượng 10 năm tiếp nhưng thế hệ sinh viên Việt Nam sẽ trở nên thế nào? Tôi chỉ dám nhìn sang đất nước Pakistan với niềm tin họ sẽ có những bước tiến thần kỳ giống như Hàn Quốc đã làm được hôm nay.

 

Nguồn: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-giao-duc/du-hoc/khi-cac-thay-con-hang-say-dao-giao-trinh-nen-giao-duc-sao-phat-trien-196746.html

Khi các thầy còn hăng say 'đạo' giáo trình, nền giáo dục sao phát triển Khi các thầy còn hăng say 'đạo' giáo trình, nền giáo dục sao phát triển Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:30 Rating: 5

Không có nhận xét nào: