Võ Bá Cường
Nguyễn Hữu Đang (1913-2007); quê: Thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Vũ Tiên (nay là huyện Kiến Xương), Thái Bình; là một nhà báo, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm; hai lần bị đế quốc bắt vào tù (1930, 1944); tham gia sáng lập Hội Truyền bá quốc ngữ và Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa 8/1945; Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Trưởng ban tổ chức Ngày lễ Độc lập 2/9/1945 và trực tiếp là người chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập. Ông đã lần lượt giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc, Trưởng ban Tuyên truyền xung phong Trung ương, Trưởng ban Thanh tra bình dân học vụ...
Tháng 4/1958, Nguyễn Hữu Đang bị bắt cùng một số trí thức, văn nghệ sỹ liên quan trong vụ "Nhân văn - Giai phẩm". Tháng 1/1960, ông bị kết án 15 năm tù, ra tù ông tiếp tục bị quản thúc tại quê nhà hơn 15 năm.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Nguyễn Hữu Đang dần dần được minh oan và phục hồi danh dự, được coi là "Lão thành cách mạng", được hưởng chế độ hưu trí (1990). Từ năm 1993, ông sống tại Hà Nội trong một căn hộ do Nhà nước cấp. Ông qua đời tháng 2/2007.
Trong bối cảnh bi tráng của lịch sử lập quốc Việt Nam thời kỳ hiện đại, chính quyền công nông non trẻ vừa thành lập, chấm dứt 100 năm đất nước dưới ách nô lệ thực dân và đế quốc, đã phải đương đầu với biết bao nhiêu thù trong giặc ngoài; rồi đi vào kháng chiến gian khổ "Chín năm làm một Điện Biên" và tiếp tục làm một cuộc trường chinh 30 năm chiến đấu giành lại non sông thống nhất, không khỏi có những số phận rơi vào bi thương và cay đắng như Nguyễn Hữu Đang. Lý giải điều này, một mặt là do "quán tính" của cuộc cách mạng vĩ đại. Mặt khác, cũng có cả lý do chủ quan của cá nhân, như Nguyễn Hữu Đang đã từng thổ lộ: "Viết đến đây, tôi không nghĩ về tôi; tự thương mình đã rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm, rồi cứ thế càng ngày càng cuồng tín, hợm mình, tham thắng, khi biết đến cái bí quyết sống "tri túc" lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn". (Trích thư của Nguyễn Hữu Đang, ngày 1/6/1990, gửi Dương Thu Hương, nhà văn bất đồng chính kiến, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài).
Chiêm nghiệm từ câu chuyện Nguyễn Hữu Đang, chúng ta càng nhận ra những bước đi vĩ đại của quá trình phát triển cách mạng, nhận ra vẻ đẹp tiết tháo của người trí thức và nhận ra cả những kinh nghiệm sống trong đóng góp và phản biện cho hiện tại và tương lai...
Baodansinh.vn xin giới thiệu với bạn đọc tư liệu về Nguyễn Hữu Đang rút từ cuốn sách "Người đeo lục lạc" của Nhà văn Võ Bá Cường - một nhà văn cùng đồng hương Thái Bình đã có nhiều công sức tìm hiểu, chắp nối và nghiên cứu về Nguyễn Hữu Đang. Tư liệu sẽ được giới thiệu hàng ngày với khoảng gần 30 kỳ.
Rất mong nhận được phản hồi, góp ý và chia sẻ của bạn đọc!
Nguyễn Thành Phong
Nhà văn Võ Bá Cường - Tác giả "Người đeo lục lạc"
Kỳ 1: Mưa thanh xuân
Chiều đông ảm đạm, xám xịt màu tro bụi: "Đông, xuân nào có khác gì/ Bầu trời chỉ thấy đen sì những mây/ Đường quê mọi nẻo mọi lầy/ Lần vào đến tận ngách này… còn trơn". Những câu thơ đầy tâm trạng bất giác làm già Đang ngậm ngùi. Nhưng, lạ thật, chiều nay lòng già còn có thêm cái gì chộn rộn, phấp phỏng … Như một linh cảm. Ngoài cửa tam quan, một bà già khoác áo bông to sụ, ôm khư khư cái tay nải rách, đứng chôn chân ngó vào. Bà đứng dưới mưa bụi, như tự đày đọa mình, không cất tiếng gọi, cũng không hề có một động thái nhỏ nào, chứng tỏ mình chỉ là người đi qua muốn dừng chân ngắm ngọn tháp cổ. Bà nhìn trân trân vào người Nguyễn Hữu Đang. Bà chờ đợi cái giây phút này bao năm rồi nhỉ? Hai người nhìn nhau trong mưa, ở cái tuổi ngoài bảy mươi vẫn cứ hồi hộp xao xuyến, thoáng một chút gì lo sợ và tự hỏi: Liệu có ai nhìn thấy không? Già Đang chống gậy đứng dậy, dò dẫm bước đi trong tiếng kêu xủng xoẻng của cái "lục lạc" kết bằng các mảnh sắt vụn đeo quanh người. Ông già dừng lại, cất tiếng ôn tồn hỏi: "Bà tìm ai?". Bà lặng thinh không nói, trong bà đang tìm lại bóng dáng chàng trai cách đây gần năm mươi năm bà đã gọi là "chồng". Khó khăn lắm bà mới cất lời:
- Ông không nhận ra tôi nữa hay sao? Già lắm rồi phải không?
- Quả tình, tôi không nhớ được nữa!
Bà chép miệng:
- Buồn thật, thế mà tôi vẫn nhớ như in, ngày tôi về làm dâu nhà cụ Tổng Huyên, làm vợ anh Đang cơ đấy!
Ông già đứng chết lặng dưới mưa bụi, lúc sau lập cập như muốn sụp xuống cảm ơn bà đã tìm đến với mình trong lúc hoạn nạn. Gió càng về tối càng lạnh, đường quê chiều đông không một bóng người qua lại, cảnh chùa chiền càng thêm u tịch. Già Đang rùng mình đón những cơn gió lạnh vô tình. Bà nhìn ông, cái nhìn chất chứa sự chờ đợi bao nhiêu năm.
Bà khẽ cất tiếng:
- Chả nhẽ ông không mời tôi vào nhà ư?
- Tôi làm gì có nhà mà mời bà? Chỉ ở nhờ góc nhà Tổ, cái nhà quay ngang kia kìa - Tay già Đang run run chỉ vào ngôi nhà rêu phong với những cánh cửa gỗ ảm đạm.
- Thì ông cứ cho tôi vào một lúc để nói với nhau câu chuyện… Mấy chục năm nay…
- Thế bà không sợ liên lụy ư? Tôi lo cho bà sau khi ở cổng chùa nơi cửa Phật từ bi vừa bước ra tức khắc bị người ta truy chụp tội "liên quan với một tên chống Đảng".
- Tôi không biết liên quan liên dân gì hết. Chống ai, hay không chống ai tôi không cần biết. Tôi là vợ ông, có cưới xin hẳn hoi, tuy chưa được ở với nhau một đêm, chưa một lần cầm tay nhau. Vì ông mà tôi mang tiếng đã qua một đời chồng, để sau này phải đi lấy lẽ ông Phó Phu làng Nguyệt Giám bên Kiến Xương. Sao ngày ấy ông đanh thép cứng cỏi thế, giờ nhu nhược thế? Ông "sợ" à, mà "sợ ai cơ chứ"?
Bức ảnh chân dung của mình và "người đẹp" Huyền Nhiên được Nguyễn Hữu Đang ghép lại thành hai mặt đóng trong khung để trên bàn làm việc của ông những năm tháng cuối đời
Hai người già nua cũ kỹ líu ríu bước theo nhau vào gian nhà Tổ. Bà Nhuận tìm một chỗ thật thuận tiện ngồi xuống để quan sát nơi già Đang ở. Bà nhoài người kéo cái chăn chiên rách gấp lại để ngay ngắn trên đầu giường chép miệng:
- Ông ăn ở luộm thuộm quá.
- Cuộc sống của tôi nó là thế! - Già chỉ từng thứ trong gian nhà chật hẹp như để thanh minh cho cái sự luộm thuộm không đáng có của mình - Đây là hũ gạo, lọ mắm, đây là chai nước cáy. Mấy cái rổ rách hôm qua mới ngồi buộc lại, nếu không hôm nay bà nhìn thấy nó bung vành tuột cạp lại chê tôi đoảng.
Bà già nhìn quanh, thấy đống sách vở xếp ngay ngắn trên kệ tường liền hỏi:
- Ông còn đọc sách à?
- Nó là cái nghiệp của đời mình. Cũng chỉ vì đống sách kia mà tôi phải ra tù vào tội.
Cạnh chỗ bà ngồi là mấy vỏ bao thuốc lá, mấy mảnh giấy xi măng, miếng nhỏ bằng hai ngón tay, miếng to bằng bàn tay, bà cúi xuống định vo viên đem đốt. Già Đang vội kêu lên:
- Chớ! Giấy để tôi viết đấy.
- Tù tội thế này rồi, ông còn viết lách cái gì nữa?
- Thì nghĩ được điều gì, viết ra điều đó, cái nó chợt đến rồi chợt đi ngay, nên tôi phải ghi lại. Tôi ghi toàn những điều bàn đến đạo đức của con người, lẽ sống của con người, có lợi cho con cháu.
Bà Nhuận như không muốn nghe chuyện ấy, bà giở tay nải buộc chéo khoe bộ quần áo cưới mà chưa một lần xỏ tay. Bà cười bảo:
- Đây là bộ quần áo thầy mẹ anh may cho em. Hôm cưới chờ anh về để mặc. Anh cũng tệ lắm, đã không ngó ngàng gì lại từ hôn người ta.
Bà Nhuận nói xong những câu như rứt ruột ra rồi ngó trân trân già Đang. Cả hai người đầu óc quay cuồng ôn lại chuyện cũ, như thước phim quay chậm để hai người già quay lại hình ảnh những ngày tháng 1938:
Cụ Tổng Huyên ốm nặng rồi mất. Hồi ấy già Đang dạy học ở Hà Đông, hay ở Thanh Hóa thì phải, ở nhà các cụ đã cưới chạy tang bà Nhuận trước đó mấy ngày. Khi già Đang về nhà lo xong lễ tang cho bố, khẽ nói với bà Nhuận:
- Giờ tôi nay đây mai đó, không biết sống chết thế nào? Biết bao giờ mới được về quê sum họp. Nhiệm vụ của người thanh niên khi việc nước còn đè nặng lên đôi vai thì chưa thể nghĩ đến điều riêng tư được. Vì thế, nếu cô ở đây sẽ lỡ làng cả cuộc đời người con gái. Hãy thông cảm với hoàn cảnh khó khăn này.
Cô Nhuận đêm ấy chỉ ngồi khóc, nước mắt đẫm hết chiếc khăn. Con gái một gia đình gia giáo, tử tế có tiếng trong vùng, chỉ biết lặng lẽ cúi đầu nghe theo chàng trai có chí lớn. Hôm sau ôm khăn gói theo chồng về bên Nguyệt Lâm để thưa lại chuyện với hai cụ.
Người con gái có dáng đầm, da trắng ở vậy mấy năm, sau đi làm lẽ ông Phó Phu. Buồn thế! Bà Nhuận sinh hạ được mấy người con, có anh giờ làm ở huyện Công an Kiến Xương, Thái Bình.
Mấy chú ngóe lọc sọc trong cái giỏ đeo gần đấy, bà Nhuận thấy động hỏi:
- Con gì trong ấy?
- Mấy con ngóe bắt được lúc chiều chưa kịp băm chả.
Bà trợn mắt hỏi:
- Ông ăn ngóe à?
- Cả cóc, cả rắn nữa bà ạ. Vớ được bữa chả rắn ăn vào nhẹ mình mẩy lắm - Nói rồi, trông ra trời chiều tối âm u, già Đang liền bảo - Thôi bà về đi, kẻo tối.
- Ông đuổi tôi à?
- Tôi đâu có dám, bà về muộn sợ con cháu nó lo.
- Chúng nó có việc chúng nó, mình có việc của mình. Hôm nay tôi ở lại đây giặt giũ cho ông, khâu vá lại đám quần áo rách cho ông. Nghe người ta nói ông ốm, tiếng ông còn nặng lắm chưa khỏe đâu.
Già Đang cười rớt cả nước mắt:
- Nghĩa là bà ngồi tù cùng tôi hay sao? Việc tù đày ai nào có thích gì?
- Thôi thì cái phận của tôi nó là thế, nhưng dù ông có ngồi tù thì tôi đến giúp đỡ không được hay sao?
- Bà không sợ người ta theo dõi à!
- Tôi chả sợ ai, chỉ sợ ông không chấp nhận sự giúp đỡ của tôi. Hay tôi không xứng với ông? Ông đã có người khác ở trong lòng?
- Đúng vậy bà ạ! Ngày tôi ở Hà Nội, tôi có quen biết một cô gái tên là Huyền Nhiên, cô sinh ra trong một gia đình trung lưu, mới có mười chín tuổi, khi đó cô ta chưa học hết bậc thành chung, con người ấy cũng nết na thùy mỵ đoan trang như bà. Cô chỉ có một người bạn gái cùng trang lứa, đôi bạn ấy sống với nhau rất chân thực, tuy là gái Hà Nội nhưng không đua đòi - Ông tâm sự với bà Nhuận - Nhớ lại ngày đầu làm quen cô ấy, tôi có đọc cuốn văn học Pháp E. Renan đã lấy bút ghi lại một câu vào trang sổ tay của mình "Sắc đẹp của phụ nữ là ân huệ của thượng đế ban cho loài người. Chúng ta có nghĩa vụ kính trọng người phụ nữ đẹp". Tôi quý Huyền Nhiên theo lẽ đó cho nên tới nửa năm quen nhau mà vẫn không dám chạm tay vào người Huyền Nhiên, dù chỉ cầm tay thôi tôi cũng cho đó là sự xúc phạm, còn nói gì đến… Tôi đã mang đến không ít tặng phẩm đều bị nàng từ chối. Tại sao? Cuối cùng tôi đem cho nàng cái vòng “sơ men” bằng bạc, coi đấy là vật giao ước kết hôn. Nàng nín thở ngồi xem, mắt hơi nhắm lại, rưng rưng lệ, rồi nàng lại bỏ vòng vào hộp, đóng nắp lại đưa trả cho tôi. Tôi hỏi nàng dồn dập, vì sao? Và không phải không có câu khiên cưỡng. Nàng xua tay sợ hãi nói:
- Đừng anh! Đừng nghi ngờ như vậy! - Rồi Huyền Nhiên nghiêm chỉnh ngồi im, một lúc sau nàng nhỏ nhẹ - Thế này anh Đang ạ. Em chỉ ước ao được gặp Cụ Hồ, được đứng gần Cụ, mà anh thì đến chỗ Cụ luôn. Anh cho em theo đến chỗ Cụ một lần. Chỉ một lần thôi cũng được.
- Thật là khó khăn, tại sao em cầu kỳ vậy?- Tôi hỏi.
- Cầu kỳ ư? - Mắt nàng hơi nhướn lên nhìn tôi - Có lẽ nhân dân cả nước này cầu kỳ. Em cứ cầu kỳ đấy! Bạn em chúng nó bảo thế nào anh chả tìm cách đưa vào gặp Cụ Hồ được. Ví như đưa quà biếu. Em nhớ có lần người gửi cam biếu Cụ. Cụ chẳng những vui lòng nhận mà còn viết thư cám ơn nữa.
-Thế rồi sự "cầu kỳ" ấy cũng được đáp ứng bà ạ! - Già Đang nhớn mắt nhìn bà Nhuận tìm lấy sự đồng cảm của bà trong việc ứng xử của già với Huyền Nhiên.
Đó là một buổi sáng Cụ Hồ tiếp đoàn đại biểu "Mùa đông binh sĩ" do ông Ngô Tiến Cảnh, nhà tư sản ở Bắc Giang này đã quen trong phong trào chống nạn thất học, đề xuất biếu Cụ tấm áo trấn thủ mới may được, gọi là "áo trấn thủ đầu tiên mùa đông binh sĩ" trong một vạn chiếc. Huyền Nhiên được tôi bố trí đi cùng đoàn đại biểu. Thật là cơ hội hiếm có mở đường cho cô ấy đến gặp Cụ Hồ. Tới giờ hẹn, tôi đã dùng xe hơi đưa Huyền Nhiên về trụ sở "Mùa đông binh sĩ" rồi vào Bắc Bộ Phủ. Cụ Hồ tiếp ở phòng khách lớn. Khi ông Cảnh nói đến câu: "Xin kính biếu Chủ tịch tấm áo trấn thủ đầu tiên may được", Huyền Nhiên bước nhanh đến bên Cụ Hồ, nâng khay ngang mặt, dáng điệu uyển chuyển cung kính. Cụ cầm áo xem xét kỹ lưỡng rồi khen "Tốt lắm" sau đưa cho ông Vũ Đình Huỳnh. Cụ không quên quan tâm đến người con gái đang đứng ở cạnh đó. Cụ Hồ đặt tay lên đầu Huyền Nhiên, vỗ nhẹ vào mái tóc uốn, nói giọng ấm áp: "Bác cám ơn cháu. Cháu sẽ rủ các bạn của cháu giúp đỡ bộ đội nhiều hơn, đem lại cho họ những món quà của tình thương yêu đồng bào".
Trên đường về, tôi với cô ấy cùng im lặng, bởi có người lái xe. Mãi đến khi bước vào nhà, Huyền Nhiên mới trao phần thưởng cho tôi… Đó là nụ hôn nồng thắm. Từ đấy bộ vòng "sơ men" lấp lánh trên cổ tay nàng. Sau ngày 14/11/1946, Pháp đánh Hải Phòng, rồi khiêu khích đánh lên Hà Nội. Tình hình trở nên nghiêm trọng, Huyền Nhiên theo gia đình tản cư. Trước khi đi Huyền Nhiên có gửi tặng tôi chiếc xe đạp cô vẫn dùng kèm theo lá thư ngắn: "Anh dùng chiếc xe xấu xí này như Quan Vân Trường dùng ngựa Xích Thố, và mỗi khi ngồi lên xe anh vẫn coi như có em ngồi sau lưng"…
Sự xa cách ấy là mãi mãi. Đến 1954 sau chiến thắng Điện Biên, tôi trở về Hà Nội làm việc ở báo Văn Nghệ, hăm hở đi tìm nàng mà không thấy. Sau này nghe tin nàng sống ở xa, với một gia đình đầm ấm, sinh hoạt đầy đủ, hình dáng có khác xưa nhưng sức khỏe thì sút kém. Tôi thông cảm với hoàn cảnh mà nàng lựa chọn. Nàng vẫn chỉ là một dáng tiên ẩn hiện trong tôi, không có tuổi và không bao giờ mất…
Già Đang hơi gục mặt xuống, trông vóc dáng càng thảm hại, xấu xí. Con mèo từ đâu chạy vào đòi ăn, nó chũi chũi vào chân già. Già thò tay vào gầm giường lôi ra cái bát mẻ, vét nốt thìa cơm đổ cho nó, không quên dằm cho nó con rốc kho vừa gắp ở niêu đất ra. Già Đang nói với giọng lừ khừ như tiếng mèo rên với bà Nhuận:
- Nó là con mèo hoang trong làng, đêm đêm đi tìm giống khác rồi lạc vào đây, không nhớ đường về với chủ nữa. Có nó cũng vui, đêm đêm nghe tiếng mèo gọi nhau thảm thiết thê lương lắm. Những lúc như thế thường là nghĩ đến thân phận mình. Hồi này nó đã quen, rét thế nào cũng rúc vào chăn rách của tôi mà ngủ. Nằm ngủ có nó ấm ra phết! Có đêm tôi nói với nó như nói với một con người: "Mày tưởng tao sướng lắm à? Tao cũng cảnh cô quẫn, đơn độc không gia đình vợ con, không bè bạn thân thích. Mày còn tìm đến đồng loại để nô đùa khúc khích với nhau, rỡn cợt nhau. Sau này biết đâu lại chẳng có lũ mèo con, được người chăm sóc tử tế. Bữa ăn lại được ăn trước, thức ăn để trong bát đĩa, chủ giành riêng cho mày. Chả bao giờ mày phải "nhạt miệng". Còn tao, ăn cơm tù, bốc trên lá, uống nước ống, cơm mốc cơm thiu cũng cố mà nuốt. Vừa ăn vừa nghe người ta chửi bới, lắm khi miếng ăn kề miệng còn bị người ta hất đi. Nuốt chưa khỏi cổ, người ta bắt nhả ra, cũng phải cố mà nôn ra cho đủ.
Bà Nhuận rưng rưng:
- Ôi dào, tôi nghe não cả ruột, đời ông khổ thế là cùng, cô đơn cô quả thế là cùng. Thế mà nhiều lúc tôi trách lầm ông. Cả cuộc đời ông không biết được tình cảm chồng vợ, chăn gối, buồng the như thế nào? Năm 1958, 1959, ông đã đi tù rồi, tù đến hôm nay. Bao nhiêu năm sống độc thân, giờ thành ông già lụ khụ. Giá ngày ấy ông cho tôi một đứa con rồi bỏ mặc tôi ở quê đi theo cách mạng, nay gặp lại cũng còn vợ còn chồng. Tự ông đánh mất tất cả, làm lỡ làng tất cả.
Già Đang đưa tay gạt đám quần áo cũ vào góc giường nhẹ nhàng nói:
- Thôi bà đào xới chuyện cũ lên làm gì, làm khổ cả hai người, khổ cả Huyền Nhiên. Biết đâu, ở một nơi nào bây giờ cô ấy cũng đang nghĩ về tôi.
Già Đang tiễn bà Nhuận ra cổng chùa thì dừng lại. Hai người bịn rịn mãi. Bà Nhuận nghẹn ngào: "Nỗi oan của ông khác nào Thị Kính, khi làm vợ mang tiếng thất tiết giết chồng, lúc giả trai trốn vào cửa Phật bị Thị Màu đổ tội trăng hoa. Chỉ đến lúc về cõi Phật người ta mới biết nỗi oan của nàng. Còn ông, người ta vu cho chống Đảng. Tù tội suốt mấy chục năm, về làng người đời xa lánh. Trẻ con giơ tay chửi "tên chống Đảng". Nó xói xỉa ông, đày đọa ông. Cửa Phật liệu có biết nỗi oan cho ông. Đời ông lúc đi nắng lửa, khi về gió táp, chả lúc nào yên. Cũng chỉ vì tính nết cứng đầu cứng cổ và đống sách mục trong nhà. Chữ nghĩa làm gì cho khổ? Cứ ngu như tôi đây có hơn không?
Bà khẽ cúi xuống nhặt bông hoa đại thơm nhét vào bàn tay ông. Già Đang nhanh tay ngắt bông hoa "dâm bụt" dắt vào mái tóc bà, cả hai nhìn nhau cười mà như khóc… Nhìn bông hoa đại trắng thơm ngát, nồng nhiệt, nằm trong lòng tay mình, bỗng ông già nghĩ: Trong cuộc đời có nhiều người xúc động vẩn vơ, có khi không cắt nghĩa nổi. Lâm Đại Ngọc là một nhân vật trong Hồng lâu mộng, đơn độc trong tình cảm lại yếu đuối, hay mau nước mắt, hay thương cảm cho đời cho mình đến mức như mắc một căn bệnh. Có lần buồn quá, cô nhặt hoa đem vùi dưới đất xong rồi lại khóc "Chôn hoa người khóc ngẩn ngơ / Đến khi ta chết ai người chôn ta". Đọc thầm hai câu thơ ấy trước bà Nhuận, bất chợt ông nghĩ đến cái phận mình lúc chết, không biết ai là người chôn đây? Có lẽ ông sẽ chọn chỗ dưới gốc tre làng để chết, khỏi phiền đến ai chôn cất.
Sau này nghe người làng Vũ Công bảo: "Không biết có phải cửa Phật từ bi động lòng trắc ẩn thương cảnh oan khuất của già Đang mà chỉ đường cho bà Nhuận lui tới trông nom ông trong những lúc ốm đau liệt giường liệt chiếu. Khi khỏe, già Đang sang làng Nguyệt Lâm tìm nhà bà Nhuận ăn cơm, chụp ảnh cùng con cháu bà ghi lại mối tình đầu thiêng liêng bà giành cho ông mà ông không biết.
Thế là ông Nguyễn Hữu Đang hai lần từ bỏ mối tình của hai người con gái đi làm việc nước. Một lần do gia đình tạo dựng, một lần do ông… Lại thêm một chuyện tình nữa cũng đầy phiền muộn và nước mắt.
Trước lúc gặp Huyền Nhiên, chàng trai Nguyễn Hữu Đang ở nhờ một gia đình người công chức cũ. Căn nhà đó trông sang trại lính Pháp, có một cô gái rất trẻ mới ngoài hai mươi tuổi ở với một ông già. Xét trong cách ứng xử mọi lẽ, không tìm thấy tình cảm bố con, nhưng tình chồng vợ chưa tới. Thời gian ở đấy người cách mạng trẻ tuổi nhận được ở cô gái mối tình ấm áp. Mỗi khi đi công tác về, tự tay cô rót đưa cho anh cốc nước, tự tay trải lại cái chiếu, hoặc giặt bộ quần áo cho anh. Nguyễn Hữu Đang rất có cảm tình với cô gái đó. Từ ánh mắt đến nụ cười… Càng tìm hiểu quan hệ giữa ông già và cô gái mọi chuyện càng như được đóng kín. Sau này qua tâm sự với cô, Nguyễn Hữu Đang đã hiểu được thân phận của con người chìm nổi. Cô bé đó vốn là đứa trẻ ăn mày, được ông bà nhặt về nuôi dạy. Càng lớn, duyên càng thắm, sắc càng tươi, lại ở một gia đình có học thức, nên lời ăn tiếng nói, đi đứng vào ra "thuần" Hà Nội. Lúc bà mất có cầm tay cô trăng trối: "Cháu ở lại trông nom săn sóc ông, làm vợ ông, trông nom lấy cái gia đình bé mọn này vì ông bà không có con”.
Họ là vợ chồng, chung nhau trong cái buồn của tuổi tác. Cô ấy lại muốn có con. Nhưng khốn thay ông già đó không thực hiện được. Lúc phát hiện ra sự phiền muộn đó, ông Đang rất rung động và tìm cách trốn chạy. Chuyện này ông kể với Kiều Duy Vĩnh người bạn tù từ Yên Bái lên hang đá Hà Giang. Hai ông ở với nhau suốt mười lăm năm tù ngục, có lúc cùng chung một cái khóa tay. Câu chuyện đẫm nước mắt là thế… Ông Đang bảo: Nếu không được giáo dục, không có ý chí của người làm cách mạng và không có cuộc kháng chiến thúc đẩy sức chiến đấu của thanh niên thời ấy thì ông sẽ trở thành người "phạm tội".
(Câu chuyện trên tôi được đích thân ông Kiều Duy Vĩnh kể lại cho nghe vào hồi hai giờ chiều ngày 10/6/2007 tại nơi ông Vĩnh, ở ngõ 447 số nhà 469 Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội. Hôm ấy nóng tới 39-40oC- Võ Bá Cường viết thêm).
Nguyễn Hữu Đang là người không vợ, không con, không nhà không cửa, không một lần chung chăn chung chiếu với người mình yêu và người yêu mình, cũng là người duy nhất ở Việt Nam không nghe thấy tiếng máy bay, tiếng bom Mỹ, không biết ở bên ngoài có cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì lúc đó ông nằm liệt trong hang đá ăn mắm dòi, gạo mục, uống nước suối. Chỉ riêng sức chịu đựng không có người đàn bà nương tựa về tâm hồn trong lúc ông bị đánh tơi tả ấy phải chắp tay vái "cụ" ba vái. Và chúng ta tự hỏi: "Trên thế gian này có ai cô đơn hơn Nguyễn Hữu Đang không?" chỉ thấy nổi lên ở ông điều cay cực, oan trái mà ông vẫn bình thản ngồi đọc sách, dịch sách, tìm thấy trong Lão Tử, Trang Tử điều gì để thanh thản sống bám lấy cuộc đời thô nhám này. Ông biết chịu đựng và sống có chừng mực. Ông bảo: "Đời là cuộc chơi nhưng chơi không cay cú" nên lúc ông bị đày đọa, ông coi đó là cuộc chơi nên cũng không hề hé răng hé lợi kêu than, tố khổ. Cái đáng quan tâm nhất trong cuộc đời cô đơn của ông, công việc gì thuộc phạm trù tư tưởng ông cố làm được tất cả, thắng tất cả với cá nhân mình. Nhưng cái đáng sợ nhất ở ông sau khi chịu tù 30 năm về ông không biết sợ cái gì cả…
Tối ấy già Đang ngồi "lê la" trước bãi cỏ cửa chùa, già thấy không mùi hoa gì thơm hơn hoa cỏ dại. Già như người ngơ ngác bâng khuâng trong cái cảm giác lúc chia tay bà Nhuận ra khỏi cửa tam quan. Gặp lại bà chẳng khác nào như lúc nắng hạn gặp mưa xuân, con cá đang nằm phơi mình trên lạch cạn gặp được dòng sông chảy. Rất vui ý nghĩ hai người có nhiều sự giống nhau, đôi bên đều được giãi bày nỗi lòng mình và tỏ ra thích thú. Chỉ có thời gian là ngắn nhất. Già ngửa mặt nhìn trời, bỗng có ngôi sao đánh "xẹt" một vệt sáng đến tận chân trời rồi biến mất. Trời mùa xuân mưa bay lớp lớp cũng ít vì sao le lói. Cảnh tượng đó làm già xúc động. Đã gần bảy chục tuổi rồi, biết đâu ngày nào đó già cũng như ngôi sao kia tự dưng biến mất vĩnh viễn không còn tồn tại trên mặt đất này. Một ngôi sao trước khi biến mất còn để lại cho đời một vệt sáng… Vậy già này đâu chịu lẳng lặng ra đi, phải làm một việc gì đó cho có ý nghĩa lúc cuối đời mình. Âu cũng là một bước đi định mệnh đầy oan khuất.
(Còn tiếp)
Nguồn: http://baodansinh.vn/nguyen-huu-dang---bi-thuong-va-cay-dang-d13926.html
[i] Bài này được post trên mạng baodansinh.vn ngày 7/8/2015 nhưng đã bị rút khỏi mạng vào ngày 8/8/2015
Ảnh bổ sung của Văn Việt:
- Ông Nguyễn Hữu Đang đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa xử vụ Nhân Văn-Giai Phẩm 1960 (người đầu bên phải). Ảnh chụp lại từ báo Nhân Dân
Nguyễn Hữu Đang - Bi thương và cay đắng[i]
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
18:36
Rating:
Không có nhận xét nào: