(Rút từ facebook của Vương Trọng)
Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt là một người tài hoa, với ngòi bút sắc sảo, đầy bản lĩnh. Tài hoa ở nghệ thuật chèo, tài hoa ở nét bút viết chữ Hán và tài hoa khi làm thơ ứng khẩu tặng bạn bè.
Tôi biết Tào Mạt cách đây bốn mươi năm, ngày tôi mới chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội và ở nhờ tại khu Văn công quân đội Mai Dịch, còn Tào Mạt đang dựng vở cho đoàn văn công Trường Sơn khi đoàn này ra Hà Nội tập huấn cũng đóng tại khu này. Cả khu Văn công quân đội thời đó chỉ có một bếp ăn tập thể, ngày hai bữa tôi thấy Tào Mạt hoặc có lúc ngồi ăn cùng mâm với ông. Ai chỉ mới biết Tào Mạt thì dễ ngộ nhận rằng ông là người ít nói, khó gần, thậm chí có khi đi ngược chiều chạm mũi, ông cũng chỉ lặng thinh mải nghĩ đâu đâu, chứ không chào hỏi. Thế nhưng khi đã quen rồi thì khác, ông không hề ít nói, lại rất cực đoan và đầy tự tin. Dạo ấy thành tựu chèo của ông chưa có gì nổi bật, khán giả chỉ mới biết đến vở chèo Đường về trận địa mà ông viết chung với Hoài Giao và một vài vở nữa không mấy tiếng tăm. Lúc đó những người yêu chèo biết về tác giả Hoài Giao nhiều hơn ông. Có một lần trong bữa ăn, tôi hỏi ông đánh giá về đội ngũ những người viết chèo của nước ta, ông nói rằng chèo mới Việt Nam chưa có thành tựu đáng kể. "Kể cả tác giả Hoài Giao?". "Tất nhiên, Hoài Giao thiếu sự kết hợp giữa tính cổ điển với tính hiện đại. Viết như thế khó để lại về sau". Thú thực hồi đó nghe ông nói vậy nhưng tôi nghĩ rằng còn lâu ông mới viết được như Hoài Giao, chứ nói gì đến những tác phẩm để đời.
Cuối những năm Bảy mươi khi tôi ở trong một căn phòng chín mét vuông ở số 4 Lý Nam Đế, thỉnh thoảng thấy ông đến, thường là khá muộn. Có hôm hơn mười giờ đêm ông ghé vào, không nói không rằng, cởi quần dài, nằm thừ trên tấm thảm bằng bẹ ngô tôi trải trên nền nhà. Thì ra ông đang bực vì vở chèo Lý Thánh Tông tuyển hiền của ông bị ông to nào đó đề nghị cắt sửa. Ông bảo: "Mình mà nghe ai nói sao cũng sửa thì khác gì cái thằng đẽo cày giữa đường. Có ông lại đòi cắt cái đoạn mà mình thích nhất trong lời lão Hề Hoạn". Thế rồi ông ngủ, mai sáng dậy đi khi nào tôi cũng không hay. Bẵng đi mấy tháng sau ông ghé vào, mặt mày khí thế hơn. Thì ra ông đang trong giai đoạn dựng vở ở Nam Định. Ông bảo: "Tớ tìm ra cách rồi, vừa không phật ý ông to, vừa giữ được ý tưởng của mình". Ông vừa nói vừa cởi quần dài vắt lên thành ghế dựa, nằm xuống tấm thảm, nói tiếp: "Trước đây các ông ấy góp ý cắt chỗ này, chỗ kia, thấy không phải là mình phản đối ngay. Bây giờ mình khôn rồi, khi nghe góp ý mình không hề tranh luận, như là chấp nhận, nhưng khi đi dựng vở thì mình cứ giữ nguyên bản thảo của mình". Sau này khi Bài ca giữ nước đã nổi tiếng, Tào Mạt rất tự hào về chuyện đó. Kỷ niệm bảy năm vở chèo này công diễn, ông làm một bài thơ dài, trong đó có câu: "Bảo quốc chi ca dĩ thất niên/ Chí kim thư ký tổng giai nguyên" (Bài ca giữ nước đã bảy năm rồi. Đến nay kịch bản và biểu diễn vẫn nguyên vẹn).
Ít có tác gia nào làm nổi tiếng một đoàn nghệ thuật như Tào Mạt với Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Chính đoàn chèo này là nơi để Tào Mạt thể hiện tài năng xuất sắc của mình, và chính Tào Mạt đã đưa đoàn chèo này lên vị trí mới trong làng sân khấu Việt Nam. Các tác giả khác khi đưa vở diễn của mình cho một đoàn nghệ thuật nào đó, thường đưa qua đạo diễn, rồi đạo diễn chọn người viết nhạc, vẽ phông, còn Tào Mạt kiêm luôn cả đạo diễn lẫn người chọn nhạc. Thời gian đang dựng vở ở đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, một tối ông ghé đến căn phòng chật hẹp của tôi. Ông nói rằng ông vừa nghĩ ra được đoạn nhạc cho bài hát của tên lái buôn Tống và bảo tôi nghe thử. Thế rồi ông làm điệu bộ tên lái buôn Tống vai mang bị thuốc, đi vòng quanh trên tấm thảm ngô, hát theo kiểu xưng danh nhưng với điệu nhạc hoàn toàn mới lạ:
Ngộ từ đất Tràng An, ngộ sang (là sang) bên Nam quốc ế ê ề ê ế
Từ Hán Hoàng thuở trước ế ê ề ế…
Ông vừa làm điệu bộ vừa hát cả một đoạn dài trên chục câu, rồi dừng lại hỏi tôi:
- Có biết hơi nhạc gì đó không? Hơi Kinh kịch đấy, thế thì nó mới ra cái anh "Tàu khựa", chứ chả lẽ để nó hát theo điệu cò lả hoặc sắp qua cầu thì ai mà ngửi được!
Sau này xem vở diễn trên truyền hình, gặp vai lái buôn Tống diễn giống hệt động tác của ông. Thì ra không riêng gì vai này, mọi vai trong chèo của ông, động tác của nhân vật, mọi dĩễn viên đều tập theo động tác mẫu của ông.
Một thời gian không lâu sau, ông về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, tôi càng có dịp gần ông hơn. Đầu năm 1983, một hôm ông đọc được bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du của tôi đăng trên Tuần báo Văn nghệ, ông khen hết lời (tính ông vẫn thế, đã khen thì khen hết lời, đã chê thì chê đổ đi). Ông bảo rằng đây là một trong hai bài thơ ông thích nhất, nên muốn nhờ tôi chép tặng "để mình treo vào chỗ trang trọng". Ông kéo tôi vào phòng ông, xịch ghế, đưa cho tôi một tờ giấy và chiếc bút bi, bảo tôi chép ngay cho. Tôi cố viết nắn nót cho dễ đọc, trong khi tôi ngồi ghế chép thì thì ông ngồi chênh chênh góc bàn theo dõi từng chữ. Khi tôi chép xong bài thơ dài 24 câu và dò lại một lần xem có sai sót gì không để trao cho ông thì nghe ông bảo "Xong" một tiếng. Lúc đầu tôi tưởng ông bảo tôi chép xong, nhưng không, ông bảo: "Mình đã dịch xong bài thơ của ông ra tiếng Hán, đợi sau này khi quan hệ hai nước tốt đẹp, thì ông gửi sang bên ấy cho họ đăng". Tôi ngạc nhiên: "Anh dịch khi nào mà nhanh thế?". "Thì vừa xem ông chép, vừa dịch". Bản dịch này khi tôi đưa cho một số người giỏi Hán ngữ xem thì ai cũng khen, thậm chí bảo rằng có những khổ hay hơn nguyên tác!
Chữ của Tào Mạt nổi danh đẹp và phóng túng. Có người bảo ông viết quá khó đọc nhưng phần lớn lại khen nét bút tài hoa. Dễ trên trăm người được ông "cho chữ" treo ở những nơi trang trọng. Ông làm hàng trăm bài thơ phóng tác để tặng các vị tướng, giáo sư, những người ông kính trọng và bạn bè. Thơ nghiêm túc cũng nhiều mà thơ trêu đùa cũng lắm, hầu hết là viết ngay tại chỗ. Giữa năm 1983, một hôm Tào Mạt gặp nhà văn Xuân Thiều, thấy bạn không vui, hỏi ra mới hay truyện ngắn "Truyền thuyết quán cô Tiên" của Xuân Thiều đã được in thử ở một tờ báo nọ nhưng rồi bị bóc ra vì tội "phạm huý". Đây là hai người bạn đồng niên, hay chữ, thân nhau từ hồi ở binh trạm Trường Sơn suốt sáu tháng năm 1967. Nghe Xuân Thiều kể chuyện, Tào Mạt vớ một mảnh giấy, hý hoáy viết rất nhanh rồi đưa cho Xuân Thiều. Thì ra đây là một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán, phiên âm như sau: "Khứ niên Hoàng đế mạ kỳ ngu /Hạnh đáo kim xuân truyện đắc thu /Bác tước văn chương nguyên khả nộ / Ngưỡng thiên đại tiếu, tiếu hi hu! (Năm ngoái bị nhà vua mắng là ngu / May quá năm nay truyện "được" thu /Tước bỏ văn chương nguyên đáng giận / Ngưả mặt lên trời cười hi hu!)
Xuân Thiều đọc xong, bình luận: Hi hi thì đúng là cười rồi, còn hi hu thì không biết là cười hay khóc nữa. Tào Mạt gật đầu: Đúng vậy.
Tôi ít thấy Tào Mạt chơi cờ tướng, những khi cùng đi công tác gặp bạn bè chơi cờ, ông thường ngồi khá xa nhìn vào, cả buổi không nói năng gì, đến khi thấy một bên bí thế, thì ông góp một nước cờ thật sắc sảo. Ông bảo rằng, với cờ tướng, ông thích phù suy hơn là phù thịnh, nghĩa là thích hỗ trợ cho người yếu thế. Sau này tôi mới biết ông không hay đánh cờ, nhưng là một kỳ thủ nổi danh, từng chiếm chức vô địch cờ tướng do Tổng cục Chính trị tổ chức. Trận chung kết ông đấu với nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, một người hết sức cẩn thận, quý từng con tốt. Ngược lại Tào Mạt chơi hết sức phóng túng, xuất quân không giống ai. Ván cờ đang căng, bỗng nhiên Tào Mạt bỏ một con xe, không chạy khi bị quân đối phương đuổi. Nguyễn Trọng Oánh thận trọng, không ăn xe ngay mà cân nhắc, suy tính đến gần chục phút. Cuối cùng, tin là Tào Mạt sơ suất hoặc tính nhầm nên ăn xe. Tiếp đấy Tào Mạt đi ngay như đã tính sẵn từ trước. Và chỉ năm nước cờ nữa thì Nguyễn Trọng Oánh thua. Trận tiếp theo, Tào Mạt lại thắng. Kết quả đã phân định nhưng ông còn rủ chơi thêm ván thứ ba. Ván này Nguyễn Trọng Oánh thắng! Người ta bình luận rằng, Tào Mạt không muốn giữ tỷ số 2 - 0 quá đậm, mà cố làm nhạt bớt đi thành 2- 1 cho vui!
Vài năm cuối đời tuy bị bệnh hiểm nghèo nhưng thỉnh thoảng ông vẫn trốn viện để đi cho chữ bạn thân, nhất là dịp đầu xuân. Ra giêng năm 1992, với một chiếc xe đạp cọc cạch, một cái túi khâu bằng vải tiết kiệm để đựng bút Tàu và mực nho, Tào Mạt xuống "cho chữ" khu tập thể Vân Hồ. Sau khi ở nhà Phạm Hoa ra, ông ghé vào nhà tôi, thấy trên tường nhà tôi đang treo bài thơ Nguyễn Du phần biên mà ông dịch gần mười năm về trước. Không cần nói một lời, ông lấy bút mực ra, đồng thời lật trái tờ lịch 1991 tôi đang treo trên tường, viết như múa đầy một tờ chữ Hán, phiên âm như sau: Tân xuân tặng Vương Trọng thi gia. Kháng Mỹ chi thời/ Quá Nguyễn Du chủng/ Vương Trọng thi gia/ Hữu nhất nguyện vọng: Kháng Mỹ thắng lợi/ Hạ sang tạc thạch tượng dĩ lưu thi thần/ Khả kiến kim xuân/ Nghệ Tĩnh nhân dân/ Kiến hoa cương thạch mục/ Địa phương chính quyền / Chuyển bất đồng ý kiến thành tri ân thái độ/ Khả bất lạc hồ! 1992 xuân lai phỏng Vương Trọng tư gia, tẩu bút đề thi: Tào Mạt (Năm mới tặng nhà thơ Vương Trọng. Thời kháng Mỹ, qua mộ Nguyễn Du, nhà thơ Vương Trọng có một nguyện vọng: Kháng mỹ thắng lợi, hạ tay súng tạc tượng đá để lưu thần thơ. Năm nay có thể thấy, nhân dân Nghệ Tĩnh đã xây mộ bằng đá hoa cương. Chính quyền địa phương chuyển bất đồng ý kiến sang thái độ biết ơn/ Sao mà không vui được ? Xuân 1992, Tào Mạt ghé nhà Vương Trọng và đề thơ).
Sang năm 1993, bệnh tình quá nặng, Tào Mạt vào điều trị tại phòng 35, khoa A1, viện quân y 108. Khi anh em văn nghệ vào thăm, trên người ông mười tám u ung thư đã loét miệng, thế nhưng khi nói về một điệu chèo, mắt ông sáng lên, vịn giường đứng dậy để làm động tác mà hát. Anh em thương quá, đỡ ông ngồi lại, ông nói: "Tớ phải chữa bệnh bằng nghị lực, dùng nội công để đẩy ung thư ra ngoài!".
Tên thật của ông là Nguyễn Đăng Thục, sinh năm 1930 ở làng Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây. Sinh ra trong một nhà nghèo, không được học chính quy, hầu như tất cả đều do ông tự học. Bút danh Tào Mạt là ông mượn tên một nhân vật nổi tiếng cương trực trong Đông Chu liệt quốc. Với bộ chèo Bài ca giữ nước, ông là người góp công lớn nhất trong việc hiện đại sân khấu chèo nước ta trong thế kỷ 20. Khi xem lại ảnh ông, tôi gặp mái tóc ông khá mềm, thế mà hình dung ông, tôi thấy tóc ông cứng chĩa lên trời như ớt chỉ thiên, ''mỗi sợi một lời nói thẳng", còn những ngón tay tài hoa thì khi nào cũng mềm như múa. Ngày đưa tang ông, tôi xúc động thốt lên: Thế là hết! Nhưng rồi tự đính chính: "Không, không bao giờ hết. Hề Hoạn, Ỷ Lan ở lại với đời".
Vâng, tác phẩm Bài ca giữ nước đầy nhiệt huyết và tài hoa của nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt còn ở lại lâu dài với chúng ta.
Không có nhận xét nào: