An Thảo
Đối với “trường hợp Chu Giang”, một người tự nhận mình chuyên làm công tác “kiểm dịch” trong chốn khoa học, hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc có nên tranh luận với ông hay không: có ý kiến cho rằng cần tranh luận, có ý kiến ngược lại là cần im lặng.
Tôi lại cho rằng thay vì đặt câu hỏi “có nên tranh luận với ông”, thì trước tiên phải đặt câu hỏi cơ bản hơn là “ông có đủ điều kiện để có thể tham dự một cuộc tranh luận (đúng nghĩa) hay không”, hiểu theo nghĩa có đủ khả năng tư duy ở mức cần thiết để có thể tham gia vào một cuộc trao đổi có tính chất khoa học hay không. Vì chỉ có những người có tư duy lành mạnh bình thường, thì mới có thể tham dự vào cuộc trao đổi khoa học trong sự tôn trọng của người khác. Và lúc ấy, việc bàn đến một luận điểm khoa học nào đó với họ, mới không là một sự xa xỉ vô nghĩa.
Tôi sẽ chứng minh rằng ông Chu Giang chưa có nổi một khả năng tư duy lành mạnh bình thường. Điều này thì chỉ cần lẩy ra một vài ý trong bài viết của ông “kiểm dịch” ông Trần Đình Sử là thấy ngay. Trong một đoạn phê bình luận án của ông Trần Ngọc Hiếu, ông Chu Giang viết như sau:
“Biết nhiều về lý luận bên ngoài cũng tốt và cần thiết. Nhưng thực tiễn văn hoá dân tộc, thiển nghĩ, nếu không cao hơn thì cũng không kém gì các lý thuyết bên ngoài về sự chơi và trò chơi.
Hãy quan sát đời một con người, từ lúc lọt lòng cho đến khi nhắm mắt, sự chơi và trò chơi của nó và đối với nó như thế nào? Mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh... có những trò chơi gì. Từ cá nhân đến cộng đồng, dân tộc. Trò chơi của người Việt trong văn hoá trong văn học nghệ thuật như thế nào? Nếu biết tổng kết, khái quát sẽ có được một lý luận không kém gì của thiên hạ. Dân gian ta nói gì? Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng. Cụ nghè Trần Bích San có câu Văn vô sơn thuỷ phi kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài. Ông bà ta nói: Nghề chơi cùng lắm công phu. Ăn có nơi chơi có chốn... là một lý thuyết cực kỳ sâu sắc về trò chơi…”. (hết trích).
Đoạn trên ông Chu Giang vì cố chứng minh rằng “thực tiễn văn hóa dân tộc, thiển nghĩ, nếu không cao hơn thì cũng không kém gì các lý thuyết bên ngoài” nên đã đánh đồng tri thức khoa học và kinh nghiệm dân gian. Kinh nghiệm dân gian được đúc kết để dạy con người cách sống và ứng xử, còn tri thức khoa học là sự phân tích để tìm ra bản chất và quy luật phổ quát của các hiện tượng thực tiễn. Ngay một quan niệm tưởng như đơn giản là quan niệm về “trò chơi”, đã có bao nhiêu khuynh hướng lí thuyết, bao nhiêu công trình thuộc về các lĩnh vực triết học, tư tưởng, văn hóa… Tôi nghĩ chỉ cần một thao tác cơ bản trên google, tra các khái niệm “game theory”, “play” hoặc các khái niệm liên quan, là ông có thể cập nhật cho mình rất nhiều kiến thức cơ bản, chắc chắn phong phú, hệ thống, chi tiết và phổ quát hơn nhiều các kinh nghiệm dân gian mà ông đã dẫn.
Nhưng tôi không chủ ý trao đổi với ông về kiến thức, mà như đã nói, chỉ ra một điều cơ bản hơn, đó là khả năng tư duy không lành mạnh bình thường của ông. Đoạn sau đây cho thấy rõ hơn điều ấy.
“Về sự chơi và trò chơi, nói lý thuyết đến bao nhiêu cũng không thừa, dù có dẫn cổ kim đông tây đến thiên kinh vạn quyển cũng thế. Nhưng chỉ cần nhớ: Nghề chơi cũng lắm công phu. Ăn có nơi chơi có chốn cũng đủ.” (hết trích)
Tôi rất ngạc nhiên khi ông có thể quy giản toàn bộ “cổ kim đông tây đến thiên kinh vạn quyển” vào đôi ba câu đúc kết kinh nghiệm dân gian. Bằng cách tư duy như thế này, tôi nghĩ có lẽ ông có thể khuyên mọi người không cần vào trường đại học, không cần học tập, nghiên cứu, nghĩa là có thể loại bỏ hoàn toàn các thể chế khoa học, mà chỉ cần quay về với tục ngữ và kinh nghiệm dân gian, để xây dựng và phát triển đất nước.
Một tư duy không lành mạnh bình thường như thế rõ là không đủ điều kiện và khả năng cần thiết để có thể hiểu phát ngôn khoa học của người khác. Và tôi hoàn toàn có thể nghi ngờ những gì ông tự nhận là “kiểm dịch”, những lời bàn to tát của ông về công trình của các nhà khoa học chân chính.
Tôi nghĩ cái thời mà một người không có khả năng tư duy lành mạnh bình thường vẫn có thể huênh hoang trong lĩnh vực khoa học đã không còn nữa. Đây là thời hiện đại, thời mà mỗi người khẳng định mình bằng khả năng thực tiễn, chứ không phải bằng việc đóng vai trò “kiểm dịch” để tham dự vào không gian học thuật mà mình vốn dĩ không thể thuộc về.
Không có nhận xét nào: