Duyên Anh
Chương 18
- Vũ ạ!
- Gì?
- Tao nói mày đừng giận tao nhé!
- Ừ.
- Tao chán mít tinh biểu tình, hội họp, ca hát rồi. Tao chán nhi đồng, chán bác Hồ, chán hết tất cả rồi. Tao chán thằng Luyến nghịch ngợm, chán thằng Lộc pha trò nhạt phếch, chán thằng Long chuyên phá thối. Tao chán cả mày luôn.
- Mày chán cả tao?
- Mày là cái thớ gì mà tao không dám chán mày? Tao chán mày, biết chưa, Vũ?
- Tao làm gì mà mày chán tao?
- Không biết.
- Sao dạo nọ mày bảo mày chỉ thích tao.
- Dạo nọ khác.
- Khác cái gì?
- Không biết. Mày đừng nhắc chuyện dạo nọ. Bắt đầu từ bây giờ, ông bỏ đội nhi đồng của mày. Nhi đồng của mày như củ thìu biu. Ông đét cần vào nhi đồng.
- Mày buồn cười bỏ xừ đi ấy, Côn ạ!
Như một ngày cách đây không lâu mà tưởng chừng đã lâu lắm, hai đứa trẻ đứng trên cầu Bo nhìn nước lũ cuồn cuộn trôi ra biển, Côn nói với Vũ rằng con Thúy vẫn phục Vũ và Côn không thích chơi với Thúy nữa, Vũ mỉm cười, vỗ vai Côn: "Mày buồn cười bỏ xừ đi ấy, bây giờ mày thích cái gì?", Côn nhìn về phía trời xa thương thằng Vọng, nhớ thầy Đàn, và nó quàng tay bá cổ Vũ: "Tao thích thầy mình về Thái", Vũ cũng lại mỉm cười, vỗ vai Côn:
- Bây giờ mày thích cái gì?
Côn ngước nhìn trời qua kẽ hở của giàn thiên lý. Luôn luôn, hai đứa trẻ đứng dưới dàn thiên lý mỗi lần Côn đến nhà Vũ. Nó lắc đầu:
- Tao không thích gì sốt cả.
- Mày không thích cả thầy mình về Thái à?
Hai thằng bạn ngẩn ngơ ngó nhau giây lát. Dễ chừng, từ ngày tổng khởi nghĩa, mê mải trong cuộc chơi lớn, hai thằng học trò thương thầy Đàn nhất đã quên mất thầy. Nhật đảo chính, thầy Đàn không trở về thị xã. Côn đành tưởng tượng thầy Đàn đang ở phía trời xa và sẽ trở về với niềm vui cuồn cuộn như nước lũ ngầu đỏ phù sa của dòng sông Trà Lý. Tổng khỏi nghĩa, thầy Đàn vẫn chưa về. Thầy đi đâu mà xa thế, lâu thế? Thầy làm cách mạng sao thầy chẳng về cùng cách mạng? Câu hỏi bất ngờ của Vũ làm Côn buồn hiu. Nó quên ngay chuyện chán thằng Vũ. Và cả Vũ nữa, Vũ thấy tâm hồn nao nao. Vũ chợt hiểu, ngoài Thúy còn một người làm nó xao xuyến, bâng khuâng. Người đó là thầy Đàn. Vũ ước mơ được nắm tay thầy Đàn. Chắc nó phải khóc. Niềm vui của Vũ, của Côn bỗng lộ rõ khoảng trống vắng.
- Thích chứ. Sao thầy mình chưa về?
- Thầy mình ở xa.
- Ngày nào thầy mình về Thái, tao đón thầy vui hơn đón bác Hồ. Tao muốn ôm chặt lấy thầy. Mày biết không, tao yêu thầy nhất. Tao sẽ vẽ chân dung thầy theo trí nhớ đẹp gấp bội chân dung bác Hồ. Tao chỉ còn nhớ thầy.
- Mày còn chán tao không?
Cũng như dạo nọ, Côn quàng tay bá cổ Vũ:
- Ông vẫn chán mày. Sẽ có ngày ông đi xa.
Vũ không dám hỏi tại sao, tự nhiên, Côn chán Vũ mà còn sợ Vũ giận. Nó lại chợt hiểu, ngoài Thúy, thầy Đàn, còn thêm Côn làm nó xao xuyến, bâng khuâng. Thế giới nhỏ bé của Vũ có giới hạn. Bằng ấy con người thân mật. Bằng ấy nỗi vui buồn. Người mới không thể xóa bỏ nổi hình ảnh người cũ. Dù người mới là bác Hồ đôi mắt bốn đồng tử. Nỗi vui mới không thể làm quên nỗi buồn cũ. Dù nỗi vui mới là nước lũ cách mạng. Cái đã trở thành kỷ niệm khó cắt đứt, xóa bỏ. Người ta chỉ tạm quên. Rồi vẫn nhớ. Kỷ niệm như một chiến khu kiên cố cho ta rút về sau những say mê cuồng nhiệt, sau những lăn xả rã rời.
- Mày không dời khỏi thị xã này đâu.
- Sao mày biết?
- Tao biết chứ. Vì dời khỏi đây mày sẽ nhớ tao, nhớ thằng Luyến, nhớ thằng Lộc, nhớ thằng Long, nhớ tất cả. Tao đã một lần đi xa và tao chỉ mong trở về. Mày tưởng tao ở Hà Nội vui à? Tao buồn lắm. Tao nhớ chúng mày lắm. Tao nhớ đội bóng của chúng mình, nhớ sân cỏ, nhớ thằng Vọng ghẻ tầu. Tao không thích đi xa thêm một lần. Tao muốn suốt đời tao được sống ở thị xã mình. Nơi khác không có cầu Bo, không có sông Trà Lý...
Vũ nói một thôi. Côn im lặng nghe. Vũ đang đi xa mà nó không biết. Côn chỉ mơ hồ thấy Vũ đã cách xa Côn. Câu chuyện chẳng còn giống câu chuyện ngày xưa.
- Sẽ có ngày chúng mình xa nhau.
- Tại sao chúng mình phải xa nhau?
- Tao không hiểu, nhưng chắc là có ngày chúng mình xa nhau.
Vũ vỗ nhẹ vai Côn:
- Đến lượt tao nói mày đừng giận tao nhé!
Côn hỏi:
- Mày định nói gì?
- Có phải mày...
Côn xua tay:
- Không phải gì cả, Vũ ạ!
Vũ định nói "Có phải mày chán tao vì con Thúy không". Nó chưa nói dứt câu, Côn đã hiểu. Và giọng nó ươn ướt buồn:
- Ngày xưa vui nhỉ?
Ngày xưa vui nhỉ? Bốn tiếng ngắn ngủi mà ngập lụt cảm xúc. Cách mạng đã đẩy ấu thời của bọn thằng Vũ quá xa chúng nó. Chưa bước xuống cuộc đời, Côn đã hồi tưởng những ngày hồng xưa, những ngày rực rỡ của tuổi thơ, những ngày đẹp nhất của đời người. Không còn những mẩu chuyện hồn nhiên, ngây dại nữa. Không còn những trò chơi rộn rã tiếng cười. Nỗi buồn khởi sự từ cái báng súng Nhật đập nát mặt anh Đạo, từ cái chết mất xác của thằng Vọng, từ những viên đạn đồng hạ gục ông Ban. Và rồi chỉ có căm thù và phẩn nộ. Căm thù, phẫn nộ và suy tôn. Sau khẩu hiệu đả đảo là khẩu hiệu hoan hô. Chỉ có thế. Không giống ngày xưa. Ngày xưa, bọn thằng Vũ tạo ra những trò chơi. Bây giờ, chúng nó chơi trò chơi của người khác. Vũ tưởng mình vừa "bông nhông" xuống trận lụt cảm xúc do Côn phá vỡ con đê hồi tưởng. Sân cỏ dĩ vãng trước mắt Vũ. Cú sút "ngả bàn đèn" của Vọng ghẻ tầu. Cú bắn dính nhựa "mít sơ lanh" của Luyến, vua súng cao su. Cái kiệu người khiêng Vọng ghẻ tầu, biến Vọng ghẻ tầu thành Vọng trứ danh, kẻ tạo chiến thắng, kẻ mang vinh dự cho bạn bè, trường lớp. Vọng mới là thần tượng, mới là người đáng được vẽ chân dung theo trí nhớ của Vũ, của Côn, của Luyến... Vọng mới là thần tượng thật. Không, Vọng không phải là thần, chẳng phải là tượng. Vọng là người. Vọng là người làm rung động từ đáy hồn Vũ, Côn và bạn bè. Vọng ứa nước mắt thật cho niềm say mê, kiêu hãnh thật của anh em. Và anh em đã say mê thật vì Vọng. Say mê bắt chợt, say mê tự nhiên, say mê không cần thời gian hâm nóng và bị ai thúc giục, cổ võ. Ngày xưa vui nhỉ? Ngày xưa chả còn giống bây giờ. Cả nguồn vui cũng thế. Ngày xưa đã cách xa hiện tại của Vũ, của Côn bằng những khẩu hiệu đả đảo, bằng những mũi dao đâm thấu tim Tầu phù ở vườn dâu làng Kỳ Bá. Nhưng bắt buộc nó phải cách xa, nó phải trở thành đoạn đầu của mỗi đời người.
Vũ chớp mắt:
- Vì, ngày xưa vui thật. Ngày xưa mày không hề nói chán tao, mày không hề nghĩ có ngày chúng mình xa nhau.
Vũ muốn nói thêm: Ngày xưa con Thúy không là cái thớ gì cả. Nó ngừng lại. Vì, Vũ hiểu con Thúy đã làm Côn buồn. Thúy là mùa xuân của Vũ, là mùa đông mưa dầm gió bấc của Côn.
Côn với tay dứt một chiếc lá thiên lý, cắt đứt ý nghĩ của Vũ:
- Mày biết chuyện gì chưa?
Vũ ngạc nhiên:
- Chưa.
- Thị xã bắt đầu lo sợ như hồi Nhật đảo chính. Người ta bắt tụi Vencuzenđơ và tụi Giun dế thủ tiêu mỗi đêm. Vencuzenđơ chống Việt Minh cách mạng. Người tao bảo Vencuzenđơ là bọn phản quốc. Bên cạnh nhà tao có người bị bắt đêm qua. Mày còn nhớ anh Huy chứ? Anh Huy cởi phăng áo thách Nhật bắn hôm tổng khỏi nghĩa ấy mà. Bố tao nói anh ấy bị nhốt vào cái rọ, đeo đá nặng và bị ném xuống gầm cầu Bo. Anh ấy là Vencuzenđơ!
- Anh Huy can đảm, yêu nước.
Vũ bỗng nghẹn lời. Nó mở căng mắt. Và trong đôi mắt đó, hình ảnh ông Ban giẫy giụa trên vũng máu, hình ảnh quân cách mạng hớn hở dí súng vào mang tai ông Ban cùng với tiếng thét ghê rợn, tiếng vỏ đạn đồng rơi leng keng. Ôi, bị dìm xuống sông, cái chết hẳn khốn nạn như con mèo bị nhốt vào giỏ ngâm dưới nước!
Côn vò nát chiếc lá, ném đi:
- Tao về đây.
Nó nhìn Vũ:
- Mai tao không dự biểu tình tuần hành hô hào bầu cử đâu.
Vũ hỏi:
- Mày ở nhà à?
Côn đáp:
- Tao về Ô Mễ bắn chim, câu cá. Trò chơi nhi đồng hết vui rồi. Mày thích về làng tao chơi không? Tụi mình bắn chim sẻ rán chén cho ngon miệng. Ngồi trên cành sung, dựa lưng vào thân cây nghe sung chín rụng lõm bõm xuống ao thú lắm. Buổi trưa im vắng, hát Chiều quê thì nhất. Thằng Luyến, thằng Lọc bằng lòng về Mễ với tao.
Vũ bước gần Côn, nắm chặt tay bạn:
- Tao cũng về với mày.
Hai thằng bạn nhìn nhau. Những con mắt đã ám khói buồn niên thiếu, khoảnh khắc, tan biến. Như đám mây chì phủ kín một vùng trời hồng xưa bị mặt trời xua đuổi. Côn mỉm cười:
- Không bao giờ tao chán mày, Vũ ạ!
Vũ thoáng nghe vút một viên đạn đất sét của vua súng cao su Luyến bay lên cao. Và những tiếng cười rộn ràng, hoan hỉ.
Không có nhận xét nào: