Thử nhìn hiện tượng chạy theo đồng tiền trong ngành giáo dục dưới góc độ đạo đức nhân bản


CÓ PHẢI LÀ THẤT ĐỨC?



      Xã hội hiện đại là cả một guồng máy khổng lồ nó cuốn người ta đi và
sự thực là nhiều khi chưa biết rõ việc làm của mình có ý nghĩa gì, nhiều
người đã phải lao vào hành động để đáp lại sự đòi hỏi của hoàn cảnh
cũng như để tạo nên những bước đi thích ứng với các đồng loại.


   
Đến khi có dịp nhìn lại những lần "nhắm mắt đưa chân" kiểu ấy, người ta
không khỏi bỡ ngỡ, như là ai khác chứ không phải mình đã làm việc này
việc nọ.


     Song thì giờ dành cho phản tỉnh đâu có nhiều?


     Thế là các kịch bản cũ lại được tiếp diễn, kể cả các bi kịch.



     Sự thật là dù đã tỉnh táo đến đâu, nhiều khi chúng ta vẫn không
hình dung hết quy mô của tấn bi kịch mà chúng ta đã thể nghiệm.


     Từ đây, lại dễ sinh ra thói xuê xoa, lấp liếm, thái độ lảng tránh sự
thực, tức là cái bi kịch về sau thường đá thêm một chút sắc thái hài
kịch.
     Dưới đây, tôi thử nêu lên một bi kịch nhỏ, mà một số người quen
của tôi đã và đang trải qua.Tôi thành thật tin rằng các nhân vật của bi
kịch không phải không nhìn thấy tình thế của mình.
 Có điều, nói như A.Camus, khi đã xuống thuyền rồi người ta không thể quay trở lại được nữa.



      Ấy là câu chuyện về một công việc đáng lẽ rất sang trọng. Việc một
số giáo sư tham gia đào tạo lớp người kế tục, các phó tiến sĩ (nay đã
đổi là tiến sĩ).



     Từ nhiều năm nay, anh Ng. tôi quen thường xuyên phải làm việc đó,
bởi trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, anh thuộc loại đầu đàn. Thời
gian đầu, mỗi khi gặp nhau anh rất hay đả động tới chuyện này. Luôn luôn
anh nhăn nhó và kể với tôi là các ông bà phó tiến sĩ tương lai ấy buồn
cười lắm. Việc học ở ta, từ lớp dưới, vốn đã rất yếu; nên sau mười mấy
năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, mang tiếng là đã xong đại học mà
nhiều khi các học giả  tương lai đó "chẳng hiểu nếp tẻ gì cả" (trong
ngôn ngữ hàng ngày, Ng. thường thích lối nói thậm xưng một chút như
vậy).


    
Nhưng có lẽ do sự nhạy cảm đặc biệt trước nhu cầu thời đại, phần lớn họ
lại rất sính bằng cấp, có thể nói là muốn đạt tới bằng cấp bằng mọi
giá.


     Thế là hình thành nên một nhu cầu mà những người như Ng. phải lấp đầy.


     Song làm mà vẫn ngại, vừa làm vừa chán chường.


   
  "Nhiều khi phải tự nhủ là mình đang làm những việc chả dây dưa gì đến
văn chương thì mới dám tiếp tục" - anh Ng. có lần tâm sự.

     Nhiều năm đã trôi qua, mọi chuyện hầu như không có gì thay đổi nếu
không muốn nói tình thế cứ đuối dần đi nữa. 


     Tôi hiểu như vậy, khi thấy dạo này
Ng. ít nói tới chuyện đào tạo.


    
Trong hoàn cảnh của một người đã đến tuổi về hưu sắp lo làm sổ, anh chỉ
còn mải miết tính nốt những việc đang dở dang và đáng lẽ nên để cho anh
yên thì phải hơn.


     Thế nhưng trong cuộc đời này, ai dám bảo đảm là đã vắt kiệt cái máu Đông Ki-sốt trong người?


     Không hiểu ma đưa lối, quỷ đưa đường thế nào, chính tôi lại có lần máy mồm trở lại hỏi han về cái chuyện đào tạo của Ng:
    - Thế sao anh vẫn tiếp tục nhận hướng dẫn?
    - Đây là việc nhà trường giao cho, từ chối sao tiện? Hàng năm từ trên bộ đã có chỉ tiêu là phải đào tạo từng này từng kia người.

- ...
    - Với lại không mình hướng dẫn thì người khác hướng dẫn. Guồng máy chung
nó chạy theo hướng  của nó, mình có đi ngược lại cũng vô ích.

    Đến chỗ này thì tôi hiểu. Và tôi chợt nhớ ra những lời đồn đại của mọi người chung quanh về khía cạnh chính của vấn đề.


    Là không vất vả như luyện thi, nhưng công tác đào tạo trên đại học bây giờ cũng vớ bẫm lắm, càng học trò ở các tỉnh xa hoặc loại kém cỏi không biết gì càng nộp những phong bì nặng cho thầy.


   
Không ai công bố con số cụ thể bao nhiêu, song người ta vẫn nói giăng
giăng với nhau cả chỗ riêng tư lẫn chỗ đông người như vậy.


    Chẳng cần tinh ý gì lắm cũng có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt của Ng.


    Từ chỗ chê ỉ chê eo, anh đã hồn nhiên nhập cuộc.


     Bao nhiêu tài năng và nghị lực vốn có được anh đem dồn tất cả cho cái mục đích cụ thể mà người ta đã cột anh vào.


    Anh mang lại cho nó những ý nghĩa bất ngờ. Anh say sưa. Anh mê mải.


  
 Giờ đây có ai đó trong đám bạn bè tâm huyết lảng vảng định nói tới
những bất cập trong công tác hướng dẫn luận án, anh không bắt lời nữa.
Khi nói xa khi nói gần, anh gợi cho người ta cảm tưởng đây là chuyện mâm
cơm nhà anh, và thiên hạ sẽ bất lịch sự, nếu cứ nhìn vào đó một cách
soi mói.



    Không phải chỉ riêng anh Ng. của tôi rơi vào tình thế nói trên. Mà ở
ngành nào, người ta cũng nghe những lời than thở và cách xử lý tương
tự. Bởi vậy, tôi muốn được phép bàn rộng ra một chút.


     Các cụ xưa có hai tiếng "thất đức" để chỉ những việc làm để lại di hại cho nhiều đời sau.


    
Giá bây giờ tôi bảo với những người như anh Ng. rằng công việc các anh
làm có thể phải gọi là thất đức, lập tức sẽ có nhiều lý lẽ phản đối.


    
Các anh là những giáo sư giỏi. Các anh chỉ đi dạy học, lo truyền thụ
kiến thức cho người khác. Xưa nay, ở xứ ta, nghề dạy học cũng như nghề
làm thuốc bao giờ cũng được trọng vì người làm nghề chỉ lo trồng cây đức cho thêm tốt tươi, chứ sao gọi là thất đức được?


    
Nhưng thử nghĩ, dưới tay anh Ng. - "mang nhãn hiệu của anh Ng." - bên
cạnh những cán bộ khoa học tạm được, cũng đã có bao nhiêu tiến sĩ rởm.
Mà càng những người kém chuyên môn càng giỏi xoay xỏa, leo trèo. Sau khi
có bằng cấp, một số trong họ sẽ đóng những vai trò trọng yếu trong
nghiên cứu khoa học và đào tạo các lớp người sau.


      Nói cách khác, lớp
người có bằng cấp rởm sẽ đông lên theo cấp số nhân.


    
Mà truy tìm cú hích đầu tiên, vẫn phải gọi tên của Ng. và những đồng sự
của anh. Tôi chưa hẳn yên tâm khi dùng chữ thất đức, nhưng chưa tìm ra
chữ khác đích đáng hơn.





Đã in trong  Nhân nào quả ấy, 2002


      

Thử nhìn hiện tượng chạy theo đồng tiền trong ngành giáo dục dưới góc độ đạo đức nhân bản   Thử nhìn hiện tượng chạy theo đồng tiền trong ngành giáo dục dưới góc độ đạo đức nhân bản Reviewed by Phạm Thu Hương on 21:44 Rating: 5

Không có nhận xét nào: