Vô nhà dưỡng lão

Nên đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão hay không đang được bàn cãi khá sôi nổi. Người bào nên người bảo không. Thật ra, cách nào cũng đúng, tùy điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng quan trọng hơn hết là tùy điều kiện sức khỏe của ‘đương sự”.

 

Khi một người già còn có thể “tự tại”, nghĩa là tự phục vụ được cho mình những nhu cầu cơ bản ăn uống, vệ sinh…thiết yếu thì ở nhà mình là tốt nhất, được thấy mặt con cháu mỗi ngày, tuy không có nhiều thì giờ nhưng cũng nói được vài câu với nhau, có khi cằn nhằn bực dọc với nhau đôi chút cũng vui hơn là thui thủi một mình.
Khi người già còn có dịp giận hờn, bực bội gây gỗ thì phải coi đó là một niềm… hạnh phúc vì não còn hoạt động tốt.


Khi họ hoàn toàn không nhớ, không nghĩ gì nữa, hoàn toàn ngu ngơ thì tình hình đã khác.
Dĩ nhiên để bị căng thẳng chuyển sang trầm cảm thì nguy to. Nhưng, tiến trình cuộc sống có lẽ rồi sẽ phải vậy. Đến một lúc sẽ không còn nhớ mình là ai, không còn nhớ những người chung quanh mình là ai, không còn nhớ đường đi lối về thì đã có thể đang an vui ở một cảnh giới khác

.
Gia đình neo đơn, con cháu bận rộn, công tác xa, cha mẹ già ở một mình nguy hiểm khi ốm đau, hoặc cơ thể đã hoàn toàn suy nhược, không tự chủ được, tự tại được nữa thì tốt nhất vẫn là vào ở nơi một nhà giữ già, cũng như ngày xưa ta gởi bé vào nhà giữ trẻ.
 

Nhà giữ già dĩ nhiên có người chuyên môn hơn chăm sóc, có người lo cho từ miếng cơm manh áo, tắm rửa, thuốc men.
Con cái có thể yên tâm, có kế hoạch “phân công” luân phiên vào thăm viếng để cha mẹ được vui. Ở đó, nơi nhà giữ già họ có những người bạn mới, bạn cùng thời, cùng lứa cùng chia sẻ bao nhiêu kỷ niệm xa xưa, rôm rả biết bao nhiều điều mà ơ trong gia đình riêng không biết chia sẻ cùng ai.
Nếu còn đủ sức chơi cờ vua cờ tường, tứ sắc, tổ tôm, mạc chược… với nhau thì càng tuyệt!

 

Vào nhà giữ già không phải là không đắt đỏ. Xã hội đã đến lúc phải có những tính toán một khi tỷ lệ người già ngày càng đông, càng lệ thuộc.
Nhật chẳng hạn cũng đang khổ vì  thế hệ thanh niên không còn muốn lập gia đình, không muốn sinh con cái. Trong khi đó,  tuổi thọ rất cao. Nhiều cụ được máy robot đút ăn, tắm rửa.
Tuy nhiên không hiếm trường hợp người già chết không ai hay! Thực tế, tới một tuổi nào đó, cái chết là một giải thoát, để tái sinh như những làm sóng vỗ vào bờ đá, đập vào bãi cát, tan tác để lùi vào biển sâu làm lại một làm sóng khác.
Sống không phải là sự khởi đầu thì chết cũng không phải là một kết thúc. Bởi trước khi cha mẹ sinh ra, người ta không biết mình là ai, từ đâu, tại sao?
Mỗi giây có hằng trăm triệu hồng cầu già tan vỡ để trăm triệu hồng cầu mới được sinh ra. Những chất liệu của hồng cầu vỡ đó được đưa về tích chứa ở lá lách, gọi là “nghĩa địa hồng cầu” để được dùng lại, tái tạo hồng cầu mới.

 

Nhiều người Việt ở nước ngoài nói rằng chỉ nghĩ đến Viện dưỡng lão thôi đã là một cơn ác mộng của tuổi già. Ngoài chuyện nền văn hóa không phù hợp từ chuyện ngôn ngữ đến ăn uống, vệ sinh, người già ở đó còn thường bị hành hung.
Nhiều dịch vụ và chăm sóc mang tính thương mại, điều dưỡng lạnh lùng, hất hủi, con cháu bỏ rơi, ngày ngày đều thấy những cảnh đau lòng, những rơi rụng.

Thực ra có người sợ hãi, coi là ác mộng nhưng vẫn có người ưa thích vì đã quen sống độc cư, không muốn làm phiền con cháu, được chăm sóc tuy… lạnh lùng nhưng… khoa học!
 

Phải có thời gian chuẩn bị tâm lý thật tốt cho người già sắp phải từ bỏ gia đình vào viện dưỡng lão (chẳng khác nào chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào nhà mẫu giáo!).
Người già phải tự nguyện và được chọn lựa cơ sở thích hợp. Dĩ nhiên một khi đã bước vào đây chính thức rồi thì không thể có ngày trở lại đời sống cũ được nữa.
Mọi thứ đã lập trình, cứ thế mà tuần tự nhi tiến thôi!
Vấn đề là cần chú ý đến chất lượng cuộc sống, cá nhân hóa sự chăm sóc, dựa trên mẫu văn hóa riêng của từng người nếu được, để làm sao cho nhà giữ nhà trở thành “tịnh độ”, đầy an lạc, và chuẩn bị cho một cái chết có chất lượng có thể có thì mới đem đến hạnh phúc cho tuổi già vậy.
 

Người bạn cùng khóa với tôi, bác sĩ Trần Công Bảo, có hơn 30 năm làm việc ở các Viện dưỡng lão Hoa kỳ với tư cách bác sĩ phụ trách y tế.
Anh cho biết có nhiều loại “Nhà dưỡng lão” để tùy chọn. Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home… tùy trường hợp người già đơn thuần, do tuổi cao sức yếu cẫn giúp đỡ chớ không có bệnh mạn tính đi kèm, có người già còn tương đối khỏe, sống tự lập, tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng; có người cần thuốc men và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu…
Có những trường hợp  “quá lú lẫn” (Alzheimer) đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu; không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh, dễ đi lang thang và lạc đường phải được chăm sóc một cách khác, cửa đóng kỹ,  có nơi gắn alarm vào cổ chân v.v…
 

Anh cho biết ở Mỹ hiện có khoảng 1,4 triệu người sống trong hơn 15 ngàn Viện dưỡng lão.
Các viện này được giám sát gắt gao, không đạt tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa!

 

Dưới đây là những lời khuyên của Bs Trần Công Bảo:
1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người “bán thời gian” (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ…
2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những Assisted Living Facilities.
Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn.
3- Có những Group homes (nhà tư): nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà.
Họ lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ…
Thường thì rẻ hơn tùy từng group.
 

Cuối tuần hay ngày lễ:
Nên có người nhà vào thăm viếng hoặc đưa về nhà nửa ngày để người già được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa đi ra ngoài hớt tóc, làm đầu, tới tiệm ăn cho khuây khỏa…
Con cháu nên có lịch phân công thăm viếng thường xuyên để khỏi có cảm giác bị hất hủi, bỏ rơi.

 
BS Đỗ Hồng Ngọc

NguyenDacSongPhuong <nhặt trên Internet> (bài do bạn BáTrần giới thiệu)
Vô nhà dưỡng lão Vô nhà dưỡng lão Reviewed by Phạm Thu Hương on 20:44 Rating: 5

Không có nhận xét nào: