Một vài khía cạnh tế nhị cần cân nhắc
khi xem xét hiện tượng đạo văn
Trong Nhà văn hiện đại bản in 1989 của NXB Khoa học xã hội mà tôi đang có trong tay, Vũ Ngọc Phan viết về Vũ Bằng tới 17 trang thì trong đó hơn 4 trang dành để đối chiếu một truyện ngắn của Vũ Bằng là Em ơi đừng tuyệt vọng (in trong tập Để cho em khỏi khổ) với một thiên truyện Những đêm trắng của Dostoievski qua đó chứng minh tác giả Việt Nam đã lấy của người làm của mình. Cái sự phỏng theo gần đúng nguyên văn nói ở đây theo Vũ Ngọc Phan nó có hại trước nhất cho tác giả; thứ nữa làm cho người ta thêm khinh nhường thể văn tiểu thuyết xem nó như một trò giải trí.
Tìm lại tạp chí Tri tân người ta cũng đọc ra bài của Kiều Thanh Quế nhắc vài chuyện không hay liên quan tới Lan Khai và một tác phẩm của nhà văn Stefan Zweig.
Mặc dầu vậy cả Vũ Bằng và Lan Khai vẫn là những tên tuổi không thể bỏ qua, mỗi khi cần nói tới lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX.
Thành thử dù dưới đây trong khi tiếp tục câu chuyện gọi là đạo văn này còn có thể dẫn ra một vài vụ việc khác kể cả những trường hợp mới xảy ra hôm nay, song điều cần nói ngay ở đây: chúng ta không nên hoảng hốt. Các giá trị vẫn đâu có đấy rõ ràng. Khi mọi chuyện không thể một sớm một chiều kết thúc ngay được thì cách tốt nhất là tìm cách lý giải nó và trước tiên tìm cách … chung sống với nó.
Những ranh giới rất mong manh
và những trường hợp trắng án
Xuân Diệu có lần đã kể từ một câu thơ Pháp ông đã làm ra câu thơ rất hay của riêng mình Cành biếc run run chân ý nhi ra sao.
Cũng quanh câu chuyện học người để làm giàu cho mình này trong những lần trò chuyện riêng với ông, bọn tôi còn bắt chợt được cái ý mà tuy không nói ra nhưng nó toát lên từ cái nhìn từ ánh mắt nơi ông:
-- Các cậu không biết học hỏi thì chỉ có thiệt.
--….
-- Người tài là người ăn cắp mà phi tang, thậm chí người ta trông thấy mà vẫn phải chịu.
Cũng liên quan tới Xuân Diệu, mấy năm trước 1975, còn có một trường hợp nữa, bài Ngọc trai trong vịnh Cô Tô. Nguyên đây là một cái tứ do một nhà thơ khác (tôi nhớ mang máng hình như là Xuân Tửu?) -- phát hiện, Xuân Diệu thấy hay quá và “cướp luôn”. Nhưng vì bài thơ ông làm hơn hẳn bài thơ của nhà thơ kia, nên không ai thấy chướng, ngược lại đều công nhận đó là cái quyền chính đáng của ông.
Ngoại trừ những trường hợp trắng trợn mấy chữ đạo văn phải rất cân nhắc trước khi sử dụng là vì vậy. Chúng ta hàng ngày sống suy nghĩ ăn uống đọc sách viết văn giữa đám đông các đồng nghiệp vừa cho vừa nhận vừa thẩm thấu của đời vừa trả lại cho đời, chắc chẳng ai dám nói từ sáng đến chiều mình chỉ nói những câu mà không ai từng nói viết ra những câu mà không ai có thể viết.
Thành thử cái hiện tượng “chí lớn gặp nhau” không phải là lời cãi lấy được mà trong nhiều trường hợp vẫn là một sự thực.
Đến khi một mình một bóng trước trang giấy (bây giờ là cái máy tính) thì lại dễ có cảm tưởng của một ông tướng cầm quân khi ra trận có bao nhiêu binh mã phải sử dụng hết, thường thì mạch văn kéo đi, người trong cuộc mải miết hướng tới cái đích cuối cùng, mà không còn nhớ ý này ý kia đã hình thành trong đầu óc từ lúc nào, mình đã nghĩ ra nó đầu tiên hay là chộp được từ một người khác.
Đi vào cụ thể hơn có thể coi là trắng án trong mấy trường hợp:
--một là người đi sau lấy của người khác nhưng đó không phải là những câu những bài nguyên vẹn 100% mà có biến báo có thay đổi;
-- và hai là cái sự gọi là lấy của người kia mang lại hiệu quả cao.
Khi tôi say sưa với một ý của người khác và tìm cách đưa nó vào bài viết của mình (nói cho sang gọi là tìm thấy ở đó một sự kích thích), mặt khác nó được lắp ghép vào bài của tôi một cách tự nhiên như là chính tôi đã nghĩ ra vậy (không phải là cái áo vải vá mụn gấm mà là áo gấm vá mụn gấm, hơn nữa vá một cách đầy tài năng tới mức không ai biết là vá) – tôi tin rằng không ai nghĩ tới chuyện gọi tôi là “đạo“ cả.
Không phải là thiên hạ dễ tính hoặc cánh hẩu bỏ qua cho nhau đâu. Trong trường hợp này mọi người như cùng công nhận cái chân lý mà văn hào Đức B. Brecht phát hiện và với tôi phải coi là một trong những ý tưởng thú vị nhất của nhân loại thế kỷ XX:
Khi có sự tranh chấp thì ruộng đất sẽ [không thuộc về ai làm chủ nó ngay từ đầu mà] thuộc về ai làm cho nó màu mỡ và khai thác nó một cách hiệu quả nhất.
Những sự mô phỏng công khai hay là chuyện xảy ra
trong những giai đoạn văn học gọi là trứng nước
Trừ những thiên tài không kể ai cũng biết rằng việc sáng tác ban đầu là một thứ mô phỏng. Thấy người ta làm thì ta bắt chước. Điều này không chỉ đúng với các cá nhân, mà còn đúng với cả cộng đồng. Ai đã có phen trở lại với văn học Việt Nam thời kỳ mò mẫm tìm đường những năm đầu thế kỷ XX thì biết. Nền văn xuôi mới được hình thành từ một vài chuyện tức khí: thấy những sách của người Tàu bán chạy thì nhiều tác giả Việt như Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu cũng biến báo ra các truyện đăng báo, trong đó cảnh và người đều được Việt Nam hóa.
Có phần thọ hơn là những cuốn sách học theo văn chương Pháp.
Lịch sử văn học còn ghi nhiều cuốn sách của Hồ Biểu Chánh được làm theo kiểu các tác tác phẩm của văn học Pháp thế kỷ XIX, cụ thể là của V. Hugo.
Một ví dụ khác: Đầu kháng chiến chống Pháp trong hoàn cảnh phải kéo nhau lên rừng bắt tay làm ra nền văn học mới, nhiều người lúng túng tìm đường và chỉ còn có cách trông vào một phần là những cuốn sách văn học Nga dịch ra tiếng Pháp. Nhà văn Tô Hoài vớ được một cuốn tiểu thuyết xô - viết nói chuyện du kích chiến tranh đúng kiểu công tác tuyên truyền của mình đang cần. Thế là ông rút gọn và cắt nối lại đôi chút, rồi phỏng dịch ra, gọi tên nó là Lão đồng chí và cho công bố như chính mình viết ra. Được cái tới khoảng sau 1990 nghĩ lại, ông công khai gọi đó là tác phẩm phóng tác và không lấy vào danh mục sách của mình nữa.
Chẳng phải chỉ trong văn học mà cả trong âm nhạc hội hoạ - và trong văn học thì không chỉ trong sáng tác mà trong nghiên cứu - cũng đã có những hiện tượng rất cần được lý giải một cách độ lượng tương tự.
Thử nhìn vào ngành học nghiêm chỉnh như ngành giảng dạy văn học nước ngoài trong các nhà trường ở Hà Nội sau 1954. Mới từ Việt Bắc trở về những năm ấy đã ai biết gì nhiều về văn học nước ngoài đâu, song cần dạy thì dạy. Một cách mặc nhiên người giảng dạy văn học Nga thì lấy sách Nga ra mà giảng, người giảng dạy văn học Pháp thì hơn nhau ở chỗ ai đọc tham khảo được nhiều sách Pháp hơn và có gu hơn trong việc chọn ra ý kiến để đưa vào giáo trình do mình biên soạn.
Việc tiếp nhận văn học nước ngoài ở ta là thế, cả nghìn năm sống theo Nho học các cụ ngày xưa cũng chưa biên khảo được một công trình nào về văn học Trung quốc, huống chi ngày nay chúng ta đứng trước những đối tượng mới mẻ hơn vả phải làm việc trong một hoàn cảnh khó khăn hơn, ai lại nỡ trách các nhà nghiên cứu văn học nước ngoài hiện đại.
Lại như đầu thế kỷ XX, trong việc tiếp xúc với văn hoá Pháp văn hoá Việt nam nảy ra một bước ngoặt. Ta bỗng nhận ra ở ta có những thứ mọi người đều có, riêng ta không có. Bởi vậy nhiều thể loại nghệ thuật mới nảy sinh chẳng hạn âm nhạc.
Mà sự khai sinh lúc đầu cũng tuỳ tiện lạ lắm, giá ngày nay thì sẽ bảo ngay là đạo nhạc. Tức là hồi ấy nhiều người dựa vào những bản nhạc Tây rồi soạn lời ta và cho phổ biến. Phong trào lan ra theo chiều rộng một người như Trần Huyền Trân từng sống bằng nghề này.
Vậy mà chẳng ai lấy thế làm lạ vì ai cũng hiểu rằng nếu không có những bước tập tành đó thì sẽ không bao giờ có một nền âm nhạc của người Việt.
Lịch sử còn ghi: Mãi tới cuối những năm ba mươi đầu bốn mươi của thế kỷ XX một số người mới tính việc sáng tác một số bản nhạc độc lập của mình mà Nguyễn Xuân Khoát Hoàng Quý Lê Thương là những người đi đầu.
Họ vừa làm vừa ngần ngại không rõ mọi việc sẽ đi đến đâu.
Bởi vậy có lần (trên Thanh Nghị số ra 16-6-1942),Nguyễn Xuân Khoát đã nêu vấn đề Nước Việt nam có thể có một nền âm nhạc được không ?
Đáng chú ý là ngay trong bài này, cái hiện tượng bây giờ ta gọi là đi thó của người kia đã được ông lưu ý.
Nguyễn Xuân Khoát viết
“Trong công việc đó ( việc soạn những bài nhạc mới --VTN chú ) tất nhiên phải tránh hết sức cái lối mà trong văn thơ ta gọi là lối lột văn (plagiat) nghĩa là định ý hay bất giác lấy của người này một đoạn lấy của người kia một câu, thay đổi đôi chút, chắp nối thành một bài đọc lên nghe cũng có vẻ kêu lắm nhưng không thể che được mắt người thức giả.” .
Theo tôi cảm hứng chính trong câu nói trên của Nguyễn Xuân Khoát không phải là muốn tố cáo một tội lỗi mà là một lời cảnh tỉnh. Ông như một người đi trước biết điều luôn mồm nhắc nhở chung quanh:Cẩn thận đấy khéo rơi xuống vực; cẩn thận đấy kẻo cầm nhầm của người ta lúc nào mà không hay biết -- ông nói điều đó với đồng nghiệp chung quanh mà như nói với chính ông nữa.
Vào khoảng 1973 -1974, trên báo Nhân dân có cuộc thảo luận về làm ăn thật thà. Chúng tôi theo dõi cuộc thảo luận với một nỗi lo. Ai cũng thấy khó; trong khi không đồng tình với tình trạng gian dối, đồng thời vẫn không hiểu làm sao để ngăn chặn nổi cái căn bệnh có vẻ lặt vặt nhưng toàn dân cùng mắc đó.
Điều thắc mắc ấy trong tôi chỉ được giải đáp cho đến khi được nghe Nguyễn Khải kể lại rằng về chuyện này nhà văn Nguyễn Đình Thi có một ý rất hay. Ông Thi bảo “Làm ăn theo kiểu tiểu nông manh mún như ta thì làm sao thật thà được!”
Có nhiều việc lẽ ra không được làm mà người ta phải chấp nhận; và ở đây không thể thẳng tay với nhau theo kiểu cạn tàu ráo máng.
Bởi truy nguyên đến cùng chỉ vì quá nghèo nên mới làm vậy.
Trở lại cái việc hôm nay. Chép bài từ sách của người mô phỏng và đẩy quá lên nữa là đạo văn…. bấy nhiêu hiện tượng chỉ có thể nảy sinh trong hoàn cảnh một đời sống văn nghệ có nhiều hạn chế ít quan hệ với các nền văn nghệ khác - nói như chữ nghĩa thời nay là ít được thông tin.
Thật vậy sắc thái chủ yếu của cái hành động gọi là đạo văn là chất tỉnh lẻ: nó thường nảy sinh ở những người không được đào tạo cơ bản tạt ngang tạt ngửa đi tắt trong nghề. Họ thường lợi dụng sự nhốn nháo của hoàn cảnh để hành sự. Nhân cuộc thi ở tỉnh A. họ biết các quan chức tỉnh A cũng ít đọc nên lấy bài ở tỉnh B. mang về dự. Hoặc nhân việc các tài liệu nghiên cứu văn học ở Sài Gòn trước 1975 ít người có thế là khi gặp được hoàn cảnh thích hợp có người mau mắn chép vội những gì sách báo ở đó đã viết làm sang cho mình. Chẳng qua là một thứ gà què ăn quẩn cối xay mà trong cái trọng tội riêng của từng người, người ta có thể nhận ra tình trạng phát triển chung của một giai đoạn văn nghệ.
khi ý thức con người còn khá hồn nhiên …
Con người, như các công trình nghiên cứu tâm lý ghi nhận, không phải ngay từ đầu đã tách mình ra khỏi chung quanh. Trong chừng mực mà người nọ còn như lẫn vào người kia, thì chuyện cầm nhầm nhiều khi là chuyện vô ý thức.
Có lần đọc một cuốn sách tâm lý học, tôi thấy người ta đưa ra một ví dụ: nhiều trẻ khoảng năm sáu tuổi đang chơi bóng với bạn tự nhiên cầm trái bóng lên. Nó quên rằng lúc đó trái bóng không thuộc riêng mình nó mà thuộc về cả nhóm bè bạn. Nó quên và tưởng chỉ duy nhất có mình trên thế giới này. Nhưng cầm về đến nhà nó lại chợt nhớ ra mà mang chơi tiếp.
Cái sự tách mình ra khỏi người khác như vậy là loại phản ứng tâm lý chỉ có ở những cá nhân đã trưởng thành. Mà có khi đã đến tuổi “cổ lai hy” rồi người ta cũng chưa chắc đã tìm ra mình, nó là tiền đề để mọi sự ấu trĩ hôm qua trở lại.
Xin phép được kể một câu chuyện riêng: cuối năm 1975, tôi có dịp về một vùng nông thôn Thái Bình. Đêm nằm cạnh ông chủ nhiệm đúng vào buổi Đài tiếng nói Việt Nam đang giới thiệu về Nguyễn Minh Châu. Nghe được mấy câu tôi hào hứng bảo ông chủ nhiệm: “Anh nghe xem, đây là bài tôi viết đấy”. Nhưng mấy phút sau thì cô phát thanh viên sau khi đọc xong bài đổi giọng: “Các bạn vừa nghe bài viết về nhà văn Nguyễn Minh Châu của nhà phê bình văn học Ngô Thảo."
Những năm ấy tôi và Ngô Thảo đang sống chung trong một cơ quan và chung một tình yêu với Nguyễn Minh Châu. Thành thử tôi không quá xấu hổ vì chuyện nhận vơ đó mà chỉ thầm nghĩ cái chính là mình chưa tách ra khỏi bạn.
Lúc này mới thấm thía cái trường hợp mà Tế Hanh từng kể:
Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình
Cũng vì chưa tách khỏi nhau nên trong giới không khỏi có tình trạng như thế này. Tức là trong cơn say chuyện anh A vừa phát hiện một ý thật hay nói cho anh B. nghe, hôm sau đã thấy anh B đi khắp nơi rao giảng lại y như chính mình nghĩ ra và đôi khi còn nhanh nhảu đưa luôn lên báo. Là người trong cuộc, một vài lần bị cướp trên tay kiểu đó nhiều khi tôi cũng bực lắm, thề sau này không bao giờ thò ra cái ý nào mới cho mấy đồng nghiệp xấu chơi đó nữa. Nhưng rồi có lúc nghĩ lại, nhờ có người đó gợi chuyện mà mình mới nghĩ được ý đó, vậy thì phải cảm ơn anh ta trước. Còn người nào chỉ đi chôm chỉ đi thuổng sẽ không bao giờ đi hết được cái ý tưởng mà anh ta nhanh tay chôm vội đó. Rồi chỉ đến lượt mình, mình mới đưa được cái ý mà mình phát hiện lên hết độ căng của nó, nó phải gắn với chính mình.
… và những di luỵ lâu đời để lại
Nếu truy đến cùng lại phải thấy ở đây có cả những nguyên nhân lịch sử.
Trong thời trung đại ở nhiều nước phương Đông như Trung quốc Việt Nam quyền tác giả còn là một khái niệm xa xỉ. Nhiều người làm thơ viết văn xong vì nhiều lý do khác nhau không dám đề tên mình bên cạnh. Mà người xem cũng chẳng lấy đó làm chuyện bận tâm.
Tác phẩm lưu truyền như một tác phẩm khuyết danh và cả hai bên người viết cũng như người đọc càng thấy nó trôi nổi càng vui.
Cũng nên biết thêm là lúc ấy guồng máy phân phối phát hành chưa hình thành; hoặc nói đúng hơn đã hình thành, song tồn tại theo kiểu tự phát mong manh rời rạc. Cụ thể là việc luân chuyển sách phụ thuộc vào mấy bà bán rong sách từ vùng nọ lan ra vùng kia theo kiểu vết dầu loang. Thường xuyên xảy ra cái cảnh một vị hàn sĩ đang đánh võng trong nhà, nghe có người bán sách đi qua thì gọi vào xem chơi. Nhặt được quyển sách hay hay, họ bỏ vài tiền ra mua. Sau một hồi vầy vò ấn bản, cắt đầu cắt đuôi dựng lại cuốn sách, hoặc đơn giản chỉ là thêm vài chữ bớt vài chữ, người ấy lại thả nó vào thị trường tự do.
Cố nhiên, ở đây không loại trừ trường hợp vị tác giả đến sau kia hồn nhiên xoá tên tác giả đi, hoặc dồn tên người chủ cũ đó vào một chỗ eo hẹp còn tên mình thì trương ra thật to.
Thì đã sao nào - họ nghĩ bụng. Cả cuộc đời này đã là phù vân đã không đáng trọng, thì mấy cái danh hão gọi là quyền tác giả mà làm gì, cả người được và người mất đều không thấy có điều gì phải vấn vương cả.
Nếu biết rằng một cách làm văn chương cách hiểu về quyền tác giả như vậy đã kéo dài trong trường kỳ lịch sử, thì người ta không lạ những chuyện tuỳ tiện còn xảy ra đến ngày hôm nay.
Hãy lấy sự sáng tác của mình để thanh minh cho mình
Tôi nhớ có đọc ở đâu đó một đoạn có liên quan tới Vũ Bằng. Khi bị người ta bắt quả tang chuyện chép từ sách người, ông thanh minh rằng ờ thấy của người ta hay quá thì chép vào cùng đọc, chứ làm chi mà ồn.
Tức ông không lấy thế làm điều, mà hồn nhiên bắt qua chuyện khác.
Với tư cách là một người đến sau trong văn học, bản thân tôi bắt gặp ở mình một tình cảm lạ. Là sau khi nghe Vũ Ngọc Phan tố như trên thì sức hút của các văn phẩm của ông với tôi vẫn không đổi.
Tôi tự hỏi tại sao mình lại có biệt nhãn riêng với Vũ Bằng như vậy, trong khi với một hai người cùng lứa, từ ngày biết rằng anh ta đã dựa hơi đã làm hàng giả từ một số văn phẩm nước ngoài… thì tôi cạch mặt không bao giờ muốn đọc của anh ta nữa.
Lý do, anh bạn mà tôi không tiện nhắc tên trên đây thật ra chỉ được cái giỏi luồn lách, chứ ngay những cái của anh 100%, tất cả cũng chẳng ra gì.
Trong khi đó, Vũ Bằng lại có hồi ký Cai với những thể nghiệm về tư duy văn xuôi ảnh hưởng sang cả một loạt nhà văn khác như Nam Cao Tô Hoài; còn có Thương nhớ mười hai gợi lại đời sống một thời Hà Nội thực là Hà Nội thanh lịch.
Với các bạn có lần "tay đã nhúng chàm", tôi nghĩ chỉ có cách ta sẽ viết hay hơn; sẽ tìm ra một viết của ta, một giọng thơ giọng văn của ta. Rồi thì thiên hạ sẽ quên hết thời ta còn non dại trứng nước.
Đây là một sự liên tưởng mà tôi lấy từ sách vở.
Hồi trước 1954, ở Hà Nội tạm chiếm, có lần tôi đã được đọc một thiên truyện của Lê văn Trương mang tên Kẻ đến sau. Truyện viết về một người con gái đã có lần nhỡ nhàng với một người đàn ông khác, nhưng sau nhờ giữ được kín đáo nên vẫn lấy được một tấm chồng tử tế. Người xưa vốn kỹ tính, nên anh chồng này khi phát hiện ra mình là một kẻ đến sau thì đau đớn lắm. Nhưng người vợ đã bằng cái hạnh kiểm nết na hiếu hạnh của người đàn bà thời xưa làm cho người chồng phải nghĩ lại và tự hào rằng mình là người hạnh phúc, chắc chắn là hạnh phúc hơn nhiều đức ông chồng tuy được cái tiếng là kẻ thứ nhất làm chủ thân xác vợ, song người đàn bà ấy lại thiếu mọi tư cách của người vợ, người nữ tướng trong gia đình.
Chữ đạo văn kia cũng có ba bảy đường
Reviewed by Phạm Thu Hương
on
07:38
Rating:
Không có nhận xét nào: