Âm thanh và tưởng tượng (9): Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó (Đọc “Vừa sinh ra ở đó” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2013)

Lê Hồ Quang

Vừa sinh ra ở đó là một tiêu đề đặc biệt. Sự tối giản của nó đã biến thi phẩm, ngay từ cái tên, trở thành những ám ảnh nghi vấn: Ở đó là ở đâu? Ai/ cái gì vừa được sinh ra? Tại sao lại là “vừa” mà không phải là “đã”, “sẽ”? v.v. Rất tự nhiên, hàng loạt câu hỏi ấy đã dẫn dắt người đọc tập trung về đầu mối câu trả lời - văn bản thơ.

Thực ra, tiêu đề của tập thơ được cắt ra từ câu cuối của bài Nơi cội nguồn thế giới. Ở đó, một lần nữa, cái nơi chốn quyến rũ và mơ hồ ấy được nhắc lại, nhấn mạnh hơn:

Đúng, rất đúng

Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó.

Việc lần lại sợi dây liên hệ giữa cái tên toàn tập và bài thơ này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà Ở đó được nhấn mạnh như vậy. Điều này cũng buộc ta không được chủ quan dừng lại ở đơn vị bài, cho dù là bài đóng vai trò chìa khóa. Hơn nữa, ngay trong bài thơ này, câu trả lời tưởng chừng được hé lộ, lại tiếp tục trở thành một câu hỏi cần giải đáp. Đây rõ ràng là một tín hiệu ngôn ngữ/ hình tượng cần được xem xét ở cấp độ rộng hơn.

Tập thơ gồm 18 bài, trong đó có những bài khá dài, gồm nhiều phần hợp thành, chẳng hạn Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng... Ấn tượng không gian là ấn tượng thẩm mĩ nổi bật, xuyên suốt tập thơ này.

Trước hết, nói đến Ở đó là nói đến một không gian thiên nhiên đẹp và thuần khiết. Đó là không gian của gió, của nắng, của ban mai trong suốt: Kéo mặt đất lên cho hơi mát, tiếng chim/ Dồn vào nơi thanh vắng/ Ánh ngày reo trong đất sâu; Nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây; Tiếng chim thổi bung gió lộng...

Đó cũng là không gian của hương hoa, sắc hoa ngọt ngào, tinh khiết: Hương hoa thanh khiết phủ đá núi; Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh; Nhụy hồng tươi/ Cánh trắng tinh khôi/ Mở bầu trời hơi thở; Xương cốt mùa đông/ da thịt mùa xuân/ Hoa loa kèn mở cánh trắng muốt.../ Cuống hoa tựa vào anh biếc xanh; Từng cánh hoa trắng muốt/ Giăng kín khoảng không; Từng chùm hoa rạng rỡ trong mưa...

Tĩnh lặng chính là một trạng thái đặc biệt của không gian này. Đó là trạng thái tồn tại gắn liền với sự tinh khiết, thanh sạch. Tiêu đề nhiều bài thơ cũng gợi nhắc những không gian mà sự yên tĩnh, thanh sạch và u huyền là đặc trưng, chẳng hạn Lên chùa, Ra vườn chùa xem cắt cỏ, Bông hoa Yên Tử... Quan trọng hơn, đó là trạng thái mà con người tìm thấy được sự hài hòa cao độ giữa bản thể và tự nhiên, vũ trụ. Bởi vậy, gắn liền với sự tĩnh lặng nội tâm ấy là hình tượng ánh sáng, một thứ ánh sáng vô lượng, được chiếu rọi từ cõi “tâm không” của con người: Ánh sáng/ Chẻ dọc thân cây... Hai nửa cây cùng một màu hoa/ Nở chi chít dọc lưỡi rìu ánh sáng; Giữa quầng sáng quanh tôi/ Và khoảng không tối thẳm/ Ngăn bằng lớp giấy gió; Tiếng chuông gió/ Rơi trong đêm những hạt sáng...

Nhưng đó không phải là sự tĩnh lặng bất động, chết chóc. Ngược lại, sự tĩnh lặng ấy ôm trùm và bao chứa mọi chuyển động của sự sống. Cho nên nói đến tĩnh lặng mà người đọc luôn thấy sự cựa quậy, biến chuyển, thấy âm thanh và sắc màu... Rất dễ dàng tìm thấy ví dụ minh chứng cho điều này. Chẳng hạn trong chính bài thơ có tên Tĩnh lặng: Trái cây màu đen/ chín từ đỉnh trời.../ Tóc và vai tôi màu trắng/ Chiếc cuống bắt đầu ngả vàng (6); Ánh sáng/ Chẻ dọc thân cây/ bên này màu vàng/ Bên kia tím thẫm.../ Nhựa hai bên cũng khác/ Trắng/ Và đen (19)... Hơn thế, đấy là những sắc màu chuyển động: Màu đen đang co lại/ Tan nhanh (6); Bát nước và tôi màu trắng/ Mặt đất ngả vàng/ Cánh đồng phía trước/ Cùng tiếng chuông/ Vàng sậm/... Tôi thỉnh chuông/ Màu vàng/ màu trắng lan đi (45)... Quả thực đấy là những hòa sắc/ thanh đẹp, tươi tắn, sống động. Điều quan trọng là những chuyển động, màu sắc và thanh âm ấy hoàn toàn không phá vỡ sự tinh khiết và tĩnh lặng tổng thể của không gian thơ.

Nhưng nói đến Ở đó cũng là nói đến một không gian của tình yêu và sự sinh sôi, nảy nở. Điều này dường như cũng đã được “báo trước” ngay trong cái tên của tập thơ - Vừa sinh ra ở đó.

Tập thơ xuất hiện khá dày những biểu tượng về một cuộc gieo trồng vĩ đại. Ở đó, đất (mặt đất, đất đai...) giống như một cơ thể nữ giới phồn thực mỡ màu sẵn sàng cho cuộc hoài thai, sinh nở: Đất ải tơi/ Vạt cỏ đầm sương; Cỏ cây láng ướt bầu trời/ Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp/ Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh... Nước (với những biến thể của nó như mưa, hơi ẩm, khí lạnh...), yếu tố không thể thiếu trong việc mùa vụ, cũng xuất hiện khá thường xuyên, tạo nên một không gian ẩm ướt, thuận lợi cho cuộc gieo trồng: Từng mưa to, mưa rất to/ Tắm táp cho viên cuội nhỏ; Mưa xuân se lạnh.../ Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều; Mở cửa trong ngày mù trời/ Mưa bụi ùa vào ẩm ướt; Mùa diệp lục/ Sinh từ hạt nước... Ánh sáng, không khí, gió những năng lượng trung chuyển sự sống: Nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây; Ở đâu bây giờ cũng có gió xuân/ Bức tường vôi vân vi máu chảy; tiếng chim thổi bung gió lộng... đương nhiên không thể thiếu hạt giống, mầm, nụ - những biểu tượng khởi đầu của sự sống: Từ hốc đen tra hạt/ Đọt mầm bật dậy; Ngày lên thăm thẳm/ Lá mầm che mặt đất sum suê...

Nhiên giới được hình dung như một sinh thể, và “vạn vật hữu linh”, đầy cảm giác, cảm xúc. Xuất hiện nhiều tính từ chỉ trạng thái, cảm giác về sự sung mãn, tràn trề năng lượng: căng tràn nhựa mật, ứ căng dòng nhựa, chật căng mầm hạt, bạt ngàn cây lá, lá mầm che mặt đất sum suê, lá lên xanh thắm...; các động từ chỉ hoạt động sinh nở, phát triển: nứt vỡ vỏ cây, chồi lên thành lộc biếc, rộ lên từng đợt lá non; vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ; đọt mầm bật dậy...

Tính chất đối cực của “nguyên lý âm - dương” hiện diện đậm nét trong không gian thơ Mai Văn Phấn. Đó là đối cực của cánh đồng và cơn mưa, của trời và đất, đêm và ngày, tối và sáng, nam và nữ... Hiển nhiên, đó là những đối cực của sự thống nhất, hòa hợp. Điều đó biến không gian thơ này trở thành biểu tượng của một sinh giới nẩy nở, viên mãn.

Thế giới quan, nhân sinh quan của nhà thơ có mối liên hệ tương ứng chặt chẽ. Hình dung vũ trụ theo quy luật mùa màng, ông cũng mô tả con người như những kẻ nông phu cần mẫn trên cánh đồng tình ái. Tình yêu của Anh và Em trong tương quan đó, là biểu tượng của cuộc gieo trồng thiêng liêng. Trong cái nhìn sùng mộ và mang tính lý tưởng hóa, hình ảnh Em gợi nhắc (và đôi khi được xem như là hóa thân) của Quán Thế Âm Bồ Tát, của Đức Thánh Mẫu, của Mẹ Thiên Nhiên cao cả, vô lượng, cội nguồn sinh thành tất cả, trong đó có chính Anh, chủ thể trữ tình. Từ đây, trong giấc mơ thi sỹ, Em “buông anh như gieo hạt” và “khoảng khắc ấy anh thành hạt giống/ Bật phôi rễ và trổ lá mầm”. Cũng trong và bằng giấc mơ, “tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn. Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ấm”. Và “Trong hơi thở gấp anh biết/ Tay mang hạt giống/ Gieo... Gieo/ Ta gieo”... Thơ Mai Văn Phấn không hiếm những hình ảnh nhục cảm đắm đuối nồng nàn, song chúng thường được bao bọc bởi “vòng vòng hào quang” tượng trưng, do vậy, có khả năng hướng độc giả đến điều gì đó mang tính phổ quát hơn và sâu xa hơn. Trong trường hợp này, cái dấu chỉ hướng tới chính là không gian “ở đó”. Trong không gian ấy, nhục cảm và thuần khiết là hai tính chất song hành, như thể cặp sinh đôi của hồn thơ thi sỹ. Ở đó, cái năng lượng libido mạnh mẽ và cường tráng đã được diễn tả theo cách của những cơn “mưa to, mưa rất to” trong chính thơ Mai Văn Phấn - vừa làm mặt đất ải tơi để gieo mầm sự sống, vừa để thanh tẩy, gột rửa.

Không dừng lại ở cái nhìn thi vị hóa, lý tưởng hóa của chủ nghĩa lãng mạn, Mai Văn Phấn đã biến tình yêu lứa đôi thành một hệ hình tượng nhất quán và giàu tính biểu trưng. Cảm quan vũ trụ phối trộn với nhãn quan tình ái thành một “tinh thần thế giới” mang tính đặc thù. Đồng thời, được nhận thức và mô tả trong một bút pháp đậm tính tượng trưng, siêu thực, những hình tượng giàu nhục cảm của ông vẫn hoàn toàn bảo đảm tính thơ trong vẻ gợi cảm/ dục sôi nổi lạ lùng của nó.

Từ đây, không gian này sẽ được đẩy tới một tầng nghĩa tượng trưng mới - không gian của sự hài hòa bản thể/ vũ trụ, cái tôi/ cái ta, con người/ ngoại giới...

Thiên nhân tương ứng, hay thiên địa nhân hợp nhất là quan niệm mĩ học quen thuộc của thơ cổ điển. Nhưng trong thơ xưa, điều này được hình dung như một quy luật tiên thiên, sẵn có và nhà thơ chỉ việc tìm kiếm và diễn tả những biểu hiện cụ thể của nó. Ngược lại, nhà thơ hiện đại muốn bằng con mắt cá nhân để “phát hiện lại” thế giới. Do đó, thoạt nhìn có thể thế giới nghệ thuật kia rất gần, rất “giống” với thế giới tự nhiên nhưng thực ra đã khác về bản chất. Cũng trong cái nhìn phân tích duy lý tỉnh táo của nhiều tác giả hiện đại, tự nhiên chính là một phản đề của đời sống nhân tạo và con người cần trở về với tự nhiên để gột rửa tâm hồn bụi bặm của mình. Là một đầu óc “tỉnh táo tột cùng”, Mai Văn Phấn cũng nhìn thấy rất rõ sự đối lập đó, song với ông, ý thức sâu sắc về sự phân chia và đối lập này không phải để an tâm hơn khi trở về với vòng tay chở che của “bà mẹ thiên nhiên” (một cảm hứng thơ quá quen thuộc), mà để nhằm tạo ra một sự thống nhất cao độ hơn, sâu sắc hơn giữa tự nhiên và xã hội, nhân sinh và vũ trụ, và dĩ nhiên, giữa cái Tôi và cái Ta.

Sự hòa hợp giữa con người và ngoại giới trong thơ Mai Văn Phấn được hình dung như những hành động hết sức nhỏ bé, dung dị ngay trong đời sống thường nhật chứ không phải chỉ trong ý niệm:

Em gom mùa nào thức nấy

chùm hoa bưởi mùa thu

trái mận mùa xuân

Mình là mạch khí, vực sâu, ngực đất

chọn nơi ấm áp kê giường tủ

nơi thoáng đãng đặt bàn ghế

Cùng cố ý, vô tình đi lại

buông âu lo ngồi vào bàn ăn

gắp cọng rau từ cánh đồng xa tít

con cá cắn câu trong niêu đất kho nhừ...

(Từ nhà mình)

Những hành động đó thể hiện một tâm thế an nhiên tự tại, thong dong hướng tới sự hài hòa không chỉ với cõi thiên tạo mà cả với cõi nhân tạo. Chính tâm thế “nương theo tự nhiên” tuyệt đối ấy là điều kiện để “trí huệ vang âm thanh/ sắc giác”, khiến con người và ngoại giới có thể “thành một”. Nhà thơ thường diễn tả điều đó như trạng thái giao hòa tự nhiên giữa con người và vạn vật. Đây là một ví dụ tiêu biểu:

Hạt mưa chạm mặt anh khỏa nhẹ.

Tiếng mưa dâng bầy thủy sinh, vây cá lượn lờ. Con tôm cong búng giật trong cơ thể anh nghẹn sóng.

Đừng mưa lây rây, mưa nhỏ giọt, mà xối xả lòng suối lòng hồ, lòng đá mềm giãn nở. Cánh tay trần vực dậy thân cây. Những nụ mầm ướt.

Mưa chạm vào da vào lưỡi, gợi đường cong và eo lưng mưa.

Tiếng sấm nổ vào thời khắc anh hình dung con cá lớn quẫy khỏi cơ thể. Ngoi lên. Ung dung bơi đi trong mưa.

(Tỉnh dậy trong mưa)

Từ đây, tình yêu được nhà thơ hình dung như một phương tiện hợp nhất lý tưởng. Đấy là cách để con người tìm thấy mình trong Kẻ khác - một âm/ dương bản đẹp đẽ và hơn thế, tìm thấy mình trong cái Cao cả, Vô cùng của đời sống nguyên khởi. Có lẽ vì vậy mà khi viết: Hôn em thật lâu ghi dấu/ Nơi đây. Giờ này/ Đám mây kia xuống thấp/ Buổi uyên nguyên trái đất quay về, nhà thơ đã vô tình gặp gỡ với Erich Fromm trong quan niệm này: “Con đường khác để biết sự “bí mật” là tình yêu. Tình yêu là sự thâm nhập chủ động vào kẻ khác, trong đó ham muốn hiểu biết của tôi được thoa dịu bằng sự hợp nhất”[1]. Tất nhiên, như ta đã thấy trên thực tế, cảm quan triết học này không làm thơ tình Mai Văn Phấn trở nên khô cứng, nghèo nàn mà ngược lại. Nhìn rộng ra, những trạng thái tình yêu luôn hiển hiện trong mọi dòng thơ tác giả này viết về thiên nhiên, cây cỏ, đất đai... Thực chất, thiên nhiên đắm đuối, phồn thực và sung mãn ấy chính là biểu tượng tình yêu phổ quát trong mắt thi sỹ.

Nhưng nhà thơ không mô tả sự hợp nhất này như một cái gì đã ổn định, hoàn tất. Nó được trình bày như một trạng thái đang tiếp diễn, một quá trình tu dưỡng và lắng lọc tinh thần âm thầm, bền bỉ và cũng có khi vướng víu tạp niệm... Sự quan sát nội tâm này không phải của một thiền sư (dù ta không loại trừ sự tham dự của cái nhìn ấy) mà của một thi sỹ. Cho dù tác giả có nói đến việc thiền, đến tư thế kiết già hay việc gột bỏ tạp niệm nhằm chứng ngộ chân lý, nhưng đó không phải là chân lý của người tu hành, mà là chân lý của nhà thơ, kẻ hành nghề sáng tạo, một kẻ đắm đuối với thơ, với đời và bản thân mình. Do đó, hành thiền không chỉ để hoàn thiện sức mạnh tinh thần mà còn để phát hiện những vẻ đẹp mới trong chiều sâu nội tâm và bản thể. Đấy vẫn là một cái tôi duy mĩ và duy cảm. Một cái tôi đầy cảm giác, sống mạnh bằng cảm giác, có khả năng nhận biết sâu sắc đời sống trong những biểu hiện nhỏ bé và tinh vi nhất: Chạm vào anh biết viên sỏi rất mềm, cọng rơm khô trĩu nặng, sợi tóc thở nhẹ... và đồng thời, luôn biết tận hưởng mọi vẻ quyến rũ của đời sống thế tục: Bánh qua lò bột mịn bông tơi/ Đặt bên cạnh trà thơm, dao sắc... Nhưng đấy cũng là một cái tôi đầy lí trí, dù đã cố gắng “buông bỏ”, “rỗng không” nội tâm nhưng cái mối buộc của lý tính sắc bén vẫn không hề lơi lỏng (chẳng thế mà cúi xuống đài sen vẫn “nhớ mình là viên đạn, cái gai” để rồi nhói lên thảng thốt: “Lúc này sao còn liên tưởng tới mũi tên, viên đạn, cái gai?... đấy thôi!). Tuy vậy, có lẽ chính điều này đã khiến cuộc hành-thiền-thơ thêm ý vị, nó cho thấy rõ hơn cái dung mạo tinh thần thật sự phức tạp và tinh vi của cá nhân trên hành trình dõi sâu vào bản thể.

Vừa sinh ra ở đó là một bầu sinh quyển đẹp, thuần khiết, có tính lý tưởng, được tạo nên bởi một “thi pháp sinh thái” hiện đại. Ở đó, mọi yếu tố riêng lẻ đều được quy tụ lại trong cái nhìn mĩ học nhất quán. Đó là không gian của Thiền và của Đời. Không gian nối liền những chiều kích đối lập, xa thẳm, đi “Từ nhà mình” đến “Nơi cội nguồn thế giới”... Cái cốt tủy của không gian thơ này chính là ý niệm về tinh thần thế giới như yếu tố gắn kết mọi phương diện của đời sống nhân sinh và vũ trụ. Tinh thần ấy, như Mai Văn Phấn hình dung, là “mạch khí” nối liền đất đai, sông ngòi, muông thú, con người... Nó hiện diện từ “luồng sáng từ mảnh thiên thạch”, trong “viên cuội nhỏ nằm trên phiến đá cao”, hay “nơi rau xanh cá quẫy”, “giếng sâu, sông ngòi, ao chuôm”... Tinh thần vũ trụ hiện hữu trong những gì tưởng chừng bé nhỏ nhất. Nó có thể được sản sinh và tái sinh ngay trong thì hiện tại (vừa/ đã/ đang...). Đó là một nguồn năng lượng đang vận động. Vì vậy không gian ấy cũng gắn liền với thời gian, hiện diện trong thời gian, thậm chí nó chính là thời gian. (Có thể thấy ở đây ảnh xạ của những quan niệm khoa học và mĩ thuật hiện đại về không gian và thời gian). Cho nên quá khứ có thể đồng hiện trong hiện tại, hóa thân vào hiện tại và cũng chính là hiện tại. Không gian và thời gian, con người và vũ trụ “là một”. Đó là lý do nhà thơ có thể nói/ viết: Tôi nhìn thấy trên đỉnh đồi/ Một bông cỏ may vừa nở” và “Đúng, rất đúng/ Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”. Tất cả là nhất thể.

Sự “bừng ngộ” ấy thanh lọc lọc nội tâm con người, hình thành nên cái nhìn thấu triệt nhưng dung ái, khoan hòa về đời sống. Nhưng quan trọng hơn, nó đem lại cho thi sỹ một năng lực đặc biệt trong việc phát hiện ra cái đẹp, cái nên thơ của đời sống thế tục. Có thể nói trong “con mắt nghiêng” của Mai Văn Phấn, đời sống luôn đẹp, luôn đầy tính thơ trong cả những vẻ bình thường, thậm chí tầm thường của nó.

Như thường thấy, thơ Mai Văn Phấn mạnh về ý tưởng, tư tưởng hơn là những chi tiết, câu chữ cụ thể. Thơ ông hấp dẫn bởi cái không gian tạo nghĩa hơn là những ẩn dụ riêng lẻ. Nếu ở một số tập trước (Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi, Bầu trời không mái che...), tính siêu thực đậm nét thì đến Hoa giấu mặt, và bây giờ là Vừa sinh ra ở đó, thơ Mai Văn Phấn nghiêng về tính tượng trưng. Tập thơ là sự trở về với đời sống tâm linh phương Đông, với hồn cốt Việt, trên nền trữ lượng tinh thần mạnh mẽ của kiểu tư duy hiện đại. Sự tiết chế trong kĩ thuật, tính biểu tượng trong cấu trúc không gian, sự cô đặc và giản dị trong ngôn từ và hình ảnh... là những yếu tố quan trọng tạo nên tính tượng trưng đậm nét trong tập thơ này. Ngôn ngữ, hình ảnh thơ tái hiện và hòa hợp một cách tự nhiên, sắc nét với trực giác, xúc cảm, làm trực hiện một thế giới của tâm linh, của trí tưởng tượng song vẫn hết sức gần gũi. Nhìn chung trong toàn bộ tập thơ, cái lõi tinh thần triết học đã tìm được một cách diễn đạt sát hợp, dung dị và giàu tính ám gợi. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, có thể thấy khi nhà thơ “buông lỏng” sự kiểm soát của mình thì trạng thái hài hòa ấy hiện lên một cách rất rõ nét, song khi ông cố gắng phân tích và thâu tóm nó thì trạng thái hòa hợp ấy lại dường như... biến mất. Cái tôi lý tính thức nhận thế giới một cách tỉnh táo (thể hiện qua hàng loạt động thái tôi nhìn, tôi thấy, tôi cảm, tôi nghĩ, tôi tưởng tượng...) vô tình đã trở thành “vật cản” trên hành trình giác ngộ tâm linh. Do sự đối lập duy lý chủ thể và đối tượng, nỗ lực “hòa trong thế giới” của con người nhiều khi mới chỉ dừng lại ở cái vỏ ngoài. Bên cạnh đó, xuất phát từ mục đích tìm đến một cách diễn đạt “thuần túy và tượng trưng” (Bích Khê), nhằm gây một ấn tượng triệt để và tập trung về mặt ý tưởng đôi khi kéo theo kết quả ngược lại. Chẳng hạn trong Tỉnh dậy trong mưa, ở mục (27), khi tác giả viết: Cùng em nhìn muôn mặt cắt khuất lấp/ Biết mình đã đổi thay và mãi ngây thơ/ Ngày mai đang yêu/ Trái tim rộn rã thuở ban đầu... thì có phần màu mè, dễ dãi; hoặc ở phần Tĩnh lặng (37) thì hơi cạn nghĩa và thiếu sức gợi, (dù nhìn trong chỉnh thể toàn bài/ tập, hoàn toàn có thể hiểu sự góp mặt của chúng).

Hướng thơ về những chủ đề triết học chính là một cách tìm kiếm những năng lượng sáng tạo mới, gia tăng sức gợi, độ mở và vẻ đẹp minh triết của thơ ca. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện tại, hành trình cách tân hướng về đời sống tâm linh thuần khiết của Mai Văn Phấn dễ bị xem là “khép mình” bên lề thời cuộc. Trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội đầy biến động, độc giả còn mong muốn tìm thấy từ thơ (và văn học nghệ thuật nói chung) một tiếng nói tham vấn trực diện về các vấn đề nhân sinh, thế sự nóng bỏng, gắn liền với cuộc sống hiện tại. Họ mong muốn và đòi hỏi người cầm bút thể hiện mạnh mẽ vai trò của một công dân với ý thức trách nhiệm và tinh thần “nhập thế” tích cực. Đó là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, tùy vào thể tạng tâm hồn và cá tính sáng tạo mà người cầm bút hoàn toàn có quyền lựa chọn những con đường sáng tạo khác nhau và, cũng theo những cách thức khác nhau, để đóng góp cho thơ và cho xã hội. Vấn đề cần đặt ra là ở chỗ, với sự lựa chọn ấy, tác giả đã đi được đến đâu, đã có những đóng góp gì/ như thế nào... Là một gương mặt cách tân thơ quyết liệt và nổi bật của thế hệ cầm bút sau 1975, những đóng góp nghệ thuật của Mai Văn Phấn đã được nhiều người khẳng định. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm rằng, ông là một nhà thơ có tư tưởng và đó là nguyên nhân cơ bản đem lại chiều sâu cũng như sức bền đáng nể của ông trên con đường sáng tạo. Với tập thơ thứ 11 - Vừa sinh ra ở đó, con đường cách tân của Mai Văn Phấn ngày càng hiện rõ đích đến và diện mạo của một tiếng thơ “thuần Việt” – như khát vọng của nhà thơ, ngày càng hiển lộ khá rõ nét. Dĩ nhiên, đó phải là một tinh thần Việt trên nền tảng chắt lọc và phát triển tinh hoa truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới... Bởi vậy, đó hẳn vẫn là một con đường mở, đòi hỏi nhiều nỗ lực tiếp tục tìm kiếm, sáng tạo.

Tóm lại, Ở đó là ở đâu? Đó là “nơi cội nguồn thế giới”. Đó là nơi tất cả chúng ta được sinh ra và luôn được tái sinh. Đó cũng chính là không gian sinh thành và tồn tại của Cái đẹp, tình yêu và sự sáng tạo nghệ thuật. Dẫu vậy, bất chấp những nỗ lực phân tích tường minh, Ở đó vẫn mãi là một địa chỉ quyến rũ bất định của thi ca và trí tưởng tượng. Vấn đề đặt ra là sau thành công của Vừa sinh ra ở đó, con-tàu-thơ Mai Văn Phấn tiếp tục tìm về “Ở đó” hay sẽ, như ông đãtừng thường xuyên thực hiện, bẻ ghi theo hướng khác?


[1] S. Freud, E. Fromm, A. Schopenhauer, V. Soloviev, Đỗ Lai Thúy (2003), Phân tâm học và tình yêu, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 219.

Âm thanh và tưởng tượng (9): Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó (Đọc “Vừa sinh ra ở đó” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2013) Âm thanh và tưởng tượng (9): Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó (Đọc “Vừa sinh ra ở đó” của Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam, 2013) Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:55 Rating: 5

Không có nhận xét nào: