Bảy lời khuyên của Ernest Hemingway: Làm thế nào để viết tiểu thuyết

Ngu Yên chuyển ngữ

clip_image001Trước khi trở thành thợ săn chuyên săn thú lớn thú dữ, trước khi trở thành ngư ông đánh cá biển sâu, Ernest Hemingway là một nhà chuyên nghiệp, hàng ngày thức dậy thật sớm để viết văn. Những truyện hay nhất của ông là những kiệt tác của thời hiện đại. Phong cách văn xuôi của ông là một trong những ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thế kỷ 20. 

Hemingway không bao giờ viết luận thuyết về nghệ thuật sáng tác tiểu thuyết. Tuy vậy, ông đã làm bằng cách để lại trong thư tín, tạp chí và sách vở, những đoạn văn mang nhiều quan niệm và những lời khuyên về viết lách. Năm 1984, Larry W. Phillips đã tuyển chọn một số những đoạn văn và lời khuyên nói trên để in thành cuốn sách, Ernest Hemingway nói về thuật viết văn. Chúng tôi tuyển chọn bảy đoạn trích dẫn thích thú từ cuốn sách này và ghi lại với sự nhận xét cá nhân trong bài viết sau đây. Hy vọng rằng, người đọc cũng như người viết, tìm thấy sự thú vị. 

1. Để bắt đầu, hãy viết một câu trung thực.

Hemingway dùng một mẹo vặt rất đơn giản để vượt qua những khi bị bế tắc, không viết được. Trong tác phẩm A Moveable Feast, trích một đoạn đáng lưu ý, ông viết: 

"Thỉnh thoảng, sau khi vừa bắt đầu một truyện mới, tôi lại không thể viết tiếp. Ngồi trước lò sưởi, đốt các vỏ cam lột từ những trái cam nhỏ, trên đầu ngọn lửa và theo dõi những tia cháy lèo xèo màu xanh. Khiến tôi đứng lên, nhìn ra ngoài dãy nóc nhà của thành phố Paris và tự nhủ: ‘Lo lắng làm gì. Mình đã từng viết trước đây, bây giờ cũng sẽ viết thôi. Chỉ cần viết xuống một câu trung thực. Hãy viết một câu hết sức chân thật mà mình đã biết.' Cuối cùng, tôi đã viết một câu trung thực và viết luôn từ đó. Chuyện này dễ thôi vì lúc nào cũng có sẵn một câu trung thực mà tôi đã biết, hoặc thấy, hoặc nghe từ người khác. Nếu tự nhận thấy mình bắt đầu viết trau chuốt bóng bẩy hoặc như kẻ nào đó cố giới thiệu hay trình bày điều chi, tôi sẽ cắt bỏ những dài dòng văn tự hoặc những trang điểm và ném chúng đi. Rồi khởi sự trở lại với câu đơn giản trung thực lúc ban đầu mà tôi đã viết."

2. Luôn luôn dừng lại trong một ngày cho dù bạn đã biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Có sự khác biệt giữa biết dừng lại và để bị đứt hơi kiệt quệ. Để ổn định tiến trình sáng tác, việc đếm số chữ theo giới hạn (1) đã đặt ra – không quan trọng chút nào so với sự tưởng tượng mà Hemingway muốn bảo đảm không bao giờ nguồn hứng trong giếng sâu này khô cạn. Trong bài viết đăng tại Esquire, số tháng 10 năm 1935, tựa đề "Độc thoại với Maestro: Lá thư từ biển khơi.", Hemingway đã gửi lời khuyên này đến cho những nhà văn trẻ:

“Cách hay nhất là dừng lại lúc bạn đang viết thông suốt, lúc bạn đang biết rõ việc gì sẽ xảy đến. Nếu làm được như vậy mỗi ngày, khi đang viết tiểu thuyết, bạn sẽ không bao giờ bị tắc nghẽn. Đây là một bí quyết giá trị nhất mà tôi có thể tặng cho bạn, vì vậy xin đừng quên.” (2) 

3. Đừng bao giờ nghĩ ngợi về câu truyện khi bạn không viết.

clip_image002Cũng cố thêm cho lời khuyên trên, Hemingway nói rằng, không bao giờ nên nghĩ ngợi về câu truyện đang viết, trước khi bạn bắt đầu viết trong ngày hôm sau. "Như vậy, vô thức của bạn mới có thể luôn luôn làm việc với câu truyện," ông viết trong Esquire. "Nếu bạn cứ nghĩ ngợi câu truyện bằng lý trí hoặc lo lắng, bạn sẽ hủy hoại nó và tâm trí của bạn sẽ mệt mỏi trước khi bạn bắt đầu." Ông còn viết thêm nhiều chi tiết trong A Moveable Feast

“Khi viết, điều cần thiết đối với tôi là đọc lại sau khi viết xong. Nếu bạn cứ mãi nghĩ lui về nó, bạn sẽ đánh mất những gì bạn đang viết trước khi bạn có thể viết tiếp trong ngày hôm sau. Cần phải tập thể dục cho thân thể khỏi mệt mỏi. Cũng rất tốt nếu bạn làm tình với người yêu, có lẽ hành động này tốt hơn tất cả những thứ khác. Nhưng sau một thời gian, rồi bạn sẽ cảm thấy trống rỗng, bạn cần phải đọc để tránh khỏi lo nghĩ về câu truyện cho đến khi bạn có thể viết trở lại. Tôi đã có kinh nghiệm, không bao giờ để cạn nguồn viết. Phải luôn luôn biết dừng lại khi còn có điều gì trong phần sâu thẳm nơi đáy giếng, và để mạch nước tự động dâng đầy trở lại trong mỗi đêm.”   

4. Khi nào viết trở lại, luôn luôn nên khởi sự bằng cách đọc lại những gì đã viết

clip_image004Để có thể viết liên tục, Hemingway tập thành thói quen đọc lại những gì ông đã viết trước khi tiếp tục. Trong bài viết năm 1935 đăng Esquire, ông nói: 

“Cách tốt nhất là mỗi ngày đọc lại tất cả từ đầu, sửa chữa trong khi đọc, rồi viết tiếp nơi bạn đã dừng lại ngày hôm qua. Cho đến lúc câu truyện quá dài, bạn không thể đọc lại từ đầu mỗi ngày, bạn nên đọc lại hai hoặc ba chương. Rồi mỗi tuần nên đọc lại tất cả. Đó là cách bạn nhất quán cả câu truyện.”

5. Đừng mô tả cảm xúc, hãy sáng tác nó. (3) 

Hemingway nói, “quan sát tỉ mỉ đời sống là việc quan yếu để viết hay. Điểm nhấn là không phải chỉ theo dõi và lắng nghe cẩn thận bề ngoài sự việc, nên nhận xét bất kỳ cảm xúc nào khuấy động bên trong nội tâm bởi sự việc đó. Rồi tìm hiểu, nhận diện chính xác những gì đã gây nên cảm xúc. Nếu bạn có thể xác định hành động cụ thể hoặc cảm giác sinh ra cảm xúc rồi diễn tả lại chính xác và đầy đủ trong truyện, độc giả sẽ cảm nhận được cảm xúc tương tựa.” Trong tác phẩm "Chết giữa buổi chiều", Hemingway viết về sự tranh đấu lúc ban đầu để thành thạo việc này: 

“Tôi đang cố gắng viết nhưng rồi vấp phải khó khăn lớn nhất, ngoài việc thành thật hiểu biết những gì bạn thật sự cảm thấy, không phải là những gì bạn nghĩ rằng mình cảm thấy, và cảm thấy theo thói quen, để viết xuống những gì thật sự xảy ra trong diễn tiến; những gì thực tế sinh ra cảm xúc mà bạn đã kinh qua. Trong khi viết, bạn kể lại chuyện xảy ra, bằng kỹ thuật này và kỹ thuật khác, bạn diễn đạt cảm xúc được hỗ trợ bởi những yếu tố không bị ảnh hưởng bởi thời gian, như vậy, sẽ mang đến một cảm xúc nhất định cho bất cứ những gì xảy ra trong ngày hôm đó. Nhưng điều thật sự là, những kết quả dây chuyền của cảm xúc và sự việc tạo ra cảm xúc sẽ có giá trị trong một năm hoặc mười năm. Nếu may mắn và nếu bạn diễn tả hoàn toàn đầy đủ, cơ hội luôn luôn, vượt qua tôi và tôi đã chật vật làm việc để tìm ra điều này.” 

6. Sử dụng bút chì.

Hemingway thường dùng máy đánh chữ khi viết thư hoặc viết bài cho tạp chí, nhưng đối với viết văn nghiêm túc, ông sử dụng bút chì. Trong bài viết đăng Esquire (viết bằng máy đánh chữ), ông viết: 

“Khi bạn bắt đầu viết, bạn sẽ nhận tất cả những thú vị, độc giả không được gì cả. Vì vậy, bạn nên dùng máy đánh chữ vì dễ dàng và thoải mái hơn nhiều. Sau khi bạn tìm hiểu cách diễn tả toàn bộ đối tượng, mục đích là để truyền đạt tất cả mọi sự việc, mọi cảm giác, thị giác, địa điểm và cảm xúc đến độc giả. Để đạt được điều đó, bạn cần phải coi lại, sửa chữa những gì đã viết. Nếu viết bằng bút chì, bạn sẽ có ba cứ điểm dễ nhận thấy nếu độc giả có cảm nhận được những gì bạn muốn chia xẻ với họ. Trước hết bạn sẽ nhìn thấy khi đọc lại. Thứ hai, khi bạn viết lại, sẽ có cơ hội sửa chữa. Thứ ba, đọc lại bản in thử. Viết lần đầu tiên bằng bút chì cho phép bạn, một phần ba cơ hội để cải thiện. Nghĩa là 0.333, con số trung bình rất tốt cho những người có cơ hội thành công. Ngoài ra, việc dùng bút chì còn cho bạn nhiều thời gian thay đổi để có thể sửa chữa cho hay hơn.”

7. Hãy ngắn gọn.

Hemingway xem thường những loại nhà văn, như ông đã nói, " Đã không bao giờ chịu học cách nói không với máy đánh chữ." Trong lá thư năm 1945 gửi cho chủ bút. Maxwell Perkins, ông viết: 

“Không phải tình cờ mà bài diễn văn Gettyburg rất  ngắn gọn. Những quy luật viết văn xuôi cũng bất biến như những quy luật toán học, vật lý.

clip_image005

GHI: 

(1) Một phương pháp khác thường được sử dụng là đặt ra một giới hạn, mỗi ngày viết bao nhiêu chữ hoặc viết trong bao nhiêu giờ. 

(2) Nguyên tác: Hãy cố gắng ghi nhớ. 

(3) Ở bài viết khác, tựa đề: Don't describe emotions, make readers fell them. (Đừng mô tả cảm xúc, hãy làm cho độc giả cảm nhận chúng.) Trích How to Write Better Prose According to Ernest Hemingway. 

(4) Writer's block: sự bế tắc của người viết. Khi sáng tác bị bế tắc, có một cách nhìn khác của Jennifer Blanchard: Sự trì trệ. Một ngăn cản có tính cách tâm lý, có thể vì lười biếng, có thể vì mặc cảm, có thể vì những lý do không liên hệ mấy đến sáng tác.

"As a professional writer (and a writer by hobby), I can honestly say I don’t believe in “writer’s block.” (I know, I know, I can’t believe I said that!) In my opinion, “writer’s block” is just another excuse to procrastinate. If you keep telling yourself “I have writer’s block; I can’t think of anything to write about,” you can keep procrastinating on your writing without having to feel guilty.

As you mentioned, Hemmingway suggested always stopping when you know what’s going to happen next. I think that’s brilliant! By stopping in mid-sentence or mid-paragraph, you will keep your story (or article or whatever you’re working on) at the front of your mind. And when you’re constantly thinking about it, it’s less likely you’re going to procrastinate because you want to get all these new thoughts down before you lose them."

Nguồn: http://www.openculture.com/2013/02/seven_tips_from_ernest_hemingway_on_how_to_write_fiction.html

Bảy lời khuyên của Ernest Hemingway: Làm thế nào để viết tiểu thuyết Bảy lời khuyên của Ernest Hemingway: Làm thế nào để viết tiểu thuyết Reviewed by Phạm Thu Hương on 15:36 Rating: 5

Không có nhận xét nào: