23/6/1963: báo “Lao động”: Lê Ngải: Vài ý kiến sau khi đọc cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân (Nxb. Văn học):
Một cô gái Hà Nội bị ép duyên bỏ nhà trốn đi, đến một công trường ngay trên đất thủ đô, sau nhiều lần dao động, được những người tốt giúp đỡ, dần tiến bộ. Một buổi tối, cô đi dạy học văn hóa về, bỗng bị hai tên lưu manh chụp chăn bắt cóc mang ra giữa cánh đồng hãm hiếp. Cô có mang. Và thế là những bi kịch liên tiếp xảy ra trong đời cô. Cô yêu và lấy một đại đội trưởng chuyển ngành, anh này đã tỏ ra có lòng “hào hiệp” che chở cho cô trong những ngày đen tối nhất đời ấy. Nhưng tiếp sau, một chuỗi những sự việc sa đọa của người quân nhân chuyển ngành đó gây ra cho cô biết bao đau đớn. Nhờ có những người xung quanh, tiêu biểu cho những con người mới, − trong đó có một anh bí thư chi đoàn thanh niên tích cực giản dị, có một tâm hồn rất trong sáng, – ra sức giúp đỡ cô, cho nên song song với quá trình sa đọa của người chồng, cô tiến bộ hẳn lên. Cô có sáng kiến và trở thành chiến sĩ thi đua. Lúc này cô mới nhận thấy rằng trước đây mình đã nhầm, không phân biệt được người tốt thật và người tốt giả, đã có lần bỏ qua không gắn bó cuộc đời mình với anh bí thư chi đoàn…
Với một câu chuyện có nhiều tình tiết hấp dẫn, anh Hà Minh Tuân muốn nêu lên một trường hợp gay gắt rất cá biệt của một nữ thanh niên Hà Nội bước vào đời. Tác giả đã tạo ra nhiều hoàn cảnh ngẫu nhiên – từ ngẫu nhiên này tới ngẫu nhiên khác: cô thiếu nữ bị bắt cóc, gặp anh đại đội trưởng, có mang, v.v. – để đưa cô vào vòng thử thách. Rồi từ đấy, anh vạch ra con đường tất yếu của cô cũng như của những người cùng hoàn cảnh cô là thoát khỏi bi kịch, tìm thấy chân lý và tiến bộ, qua đó mà khẳng định mặt tốt đẹp của xã hội ta. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với ý định đó của tác giả.
Tuy nhiên, có lẽ do vốn sống chưa nhuần nhuyễn, do thiếu sự hiểu biết và phân tích sâu sắc tình hình phong phú và phức tạp của đời sống, cho nên tác giả đã miêu tả một cách sai lệch đối với hiện thực. Suốt trong cuốn sách, ta thấy những hành động của bọn lưu manh: bắt cóc, hãm hiếp, tống tiền, tống tình, khiêu khích giám đốc nhà máy, phá hoại máy móc… Một nữ thanh niên trong trắng mới bước vào đời liền sa vào tay bọn chúng như sa vào một hang hùm. Thủ đô Hà Nội trong những năm 1957-1958 vừa mới thoát ra khỏi cuộc sống ô hợp của vùng tạm chiếm cũ được vài năm, không phải là không có những chuyện ấy. Nhưng nếu nhìn cho rõ hơn một chút, những hiện tượng thoái hóa ấy chỉ còn là những rơi rớt, cá biệt, rải rác đây đó; nó chỉ là một mặt sống tiêu cực không phải là bản chất trong đời sống của thủ đô ta lúc đó.
Một nhà văn trong khi đi sâu vào đời sống có thể tự do lựa chọn mặt này hay mặt khác trong đời sống – tích cực hoặc tiêu cực – nhằm thể hiện một chủ đề tư tưởng nào đó, những điều suy nghĩ nào đó của mình. Vấn đề này ông Hoài Thanh đã đề cập tới trong “Nghiên cứu văn học” số 10/1962: “Điều bắt buộc duy nhất là vô luận anh chọn mảnh đất nào, ánh sáng soi vào đấy cũng phải là ánh sáng của chân lý” (Hoài Thanh: bài nghiên cứu về tác phẩm “Đi bước nữa”). Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh thêm: bất luận là mảnh đất nào cũng phải thể hiện được rõ đó là mảnh đất ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; trong trường hợp tiểu thuyết “Vào đời” mà tác giả chọn bối cảnh là một công trường ở thủ đô, thì cái mảnh xã hội trong đó nhất định phải là một mảnh của xã hội Hà Nội 1958 đang vững bước đi vào kế hoạch 3 năm xây dựng đất nước…
Ở đây, chỗ sai lầm của tác giả là anh đã sưu tập những hiện tượng tiêu cực, tổng hợp nó lại thành một mặt sống của xã hội và cho nó tồn tại ngang nhiên trong các mối quan hệ xã hội thời bấy giờ. Những sự việc ngẫu nhiên liên tiếp xảy ra đó lại gây ấn tượng cho người đọc như là những hiện tượng tất nhiên không thể tránh được trong xã hội. Thảng hoặc đây đó, xen vào giữa những bi kịch của tâm trạng và tội lỗi, cũng có thấy hiện lên những mảnh đời trong sáng lành mạnh của những con người mới, nhưng không khí của bi kịch, của tội lỗi vẫn cứ bao trùm lên cái xã hội công trường ấy trong cuốn sách. Người đọc thấy con đường vào đời của cô Sen, nhân vật trong truyện, mà không khỏi lo lắng cho mình, không khỏi nhìn cuộc sống bằng con mắt hoài nghi, nhất là những người đọc thuộc thế hệ thanh niên sắp bước vào đời.
Mặt khác cũng do chưa nghiên cứu một cách nhuần nhuyễn về đời sống, cho nên muốn thể hiện chủ đề tư tưởng của truyện, tác giả đã bắt buộc phải chạy theo một cốt truyện ly kỳ, giả tạo để hấp dẫn người đọc. Kết quả là anh đã không tính toán gì đến sự phát triển thiếu lô-gich của tính cách nhân vật trong truyện. Nhân vật đại đội trưởng, chồng Sen là một ví dụ. Anh là một quân nhân chuyển ngành. Anh đã trưởng thành trong chiến đấu, giữ chức vụ đại đội trưởng trong quân đội. Nhưng người đọc nhận thấy lý lịch, chức vụ của anh chỉ được đưa vào đó cho có chuyện. Thoạt tiên, vì tính ưa phỉnh nịnh, anh bị một tên lưu manh cho vào “xiếc”, rồi sau đó, trong suốt quá trình sa đọa, từ sự việc này sang sự việc khác, người quân nhân đó không hề cưỡng lại một chút nào, hoặc có chăng thì cũng rất yếu ớt. Để giải thích điều đó, tác giả gán cho anh làm con một địa chủ bị quy oan trong cải cách ruộng đất, để cho anh đeo một cái kính đen mà nhìn vào cuộc sống. Hình như là một khi đã đeo cái kính đen vào rồi thì nhân vật không cần suy nghĩ gì nữa, cứ việc tuần tự đi vào con đường sa ngã. Kết quả là cả một truyền thống chiến đấu và sinh động trong quân đội, cả một xã hội tốt đẹp xung quanh anh không giúp cho nhân vật thức tỉnh một chút nào trước những hành động xấu xa của mình như: làm hỏng máy móc, tập hợp công nhân viết kiến nghị phản đối giám đốc, viết khẩu hiệu vào chuồng xí và câu lạc bộ đả đảo lãnh đạo, giả làm đại tá đi tống tình con gái nhà tư sản, nghe lưu manh gieo rắc nghi ngờ vợ mình ngoại tình với người khác đã giết đứa con đẻ ra với mình, bỏ nhà đi rồi lại về trả thù vợ bằng cách toan hiếp vợ. Sự sa đọa dễ dãi đó làm cho người đọc không tin được.
Sự tiến bộ của Sen trong truyện lại càng không thể tin được. Sen đã tìm ra sáng kiến tăng năng suất và trở thành chiến sĩ thi đua trong hoàn cảnh đầy những bi kịch của tâm trạng: cô đã chứng kiến người chồng ngày càng sa đọa, bỏ nhà đi hàng tháng trời, con chết, chồng nghi là giết con, bản thân cô cũng đánh hỏng hàng loạt vật tiện và bị thi hành kỷ luật…
Rất có thể lắm, một người như Sen có thể tìm ra sáng kiến, trở thành chiến sĩ thi đua, nhưng điều đó chỉ có thể có được trong một quá trình tất yếu. Cái quan trọng trong cuộc sống của Sen là, với sự giúp đỡ của Đảng của Đoàn và những người cùng giai cấp, cô phải tự giải phóng trước hết đã. Nhưng tác giả cuốn “Vào đời” đã lướt qua quá trình đó. Anh vội miêu tả những sáng kiến của Sen ra đời, xen lẫn vào đó là những bi kịch tiếp tục xảy ra cho cô. Làm như thế chỉ là giảm bớt sự phong phú của nhân vật và thực tế chỉ hạ thấp nhân vật.
Điều đó đã dẫn đến những kết quả ngược lại với ý định của tác giả. Anh muốn khẳng định những mặt tốt đẹp của xã hội nhưng sự khẳng định đó rất yếu ớt, không đủ để lấn át được cái không khí tiêu cực tràn ngập trong cuốn sách.
***
Mấy năm nay, chúng ta chào đón các nhà văn đi vào đời sống công nghiệp và chờ đợi những tác phẩm “miêu tả một cách chân thật và hùng hồn” con người mới, cuộc sống mới trong công cuộc công nghiêp hóa XHCN của chúng ta. Tuy nhiên cuộc sống vốn rất phong phú và phức tạp, đòi hỏi các nhà văn phải có những nhận thức đúng đắn về xã hội, cần đi sâu và lâu dài vào đời sống, quan sát, nghiền ngẫm đầy đủ trước khi viết. Trường hợp cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân chứng tỏ nhà văn chưa có một quá trình tích lũy và thể nghiệm chu đáo.
LÊ NGẢI
Nguồn:
Lao động, Hà Nội, s. 1223 (13.6.1963), tr. 3
Không có nhận xét nào: