CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (31): “VÀO ĐỜI” (3)

21/6/1963: báo “Văn nghệ”, s. 8: Tuấn Chi: Điểm sách: “Vào đời”, Hà Minh Tuân (Nxb. Văn học):

“Vào đời” của Hà Minh Tuân kể chuyện cô Sen, một nữ sinh con một viên chức già, bị ép duyên nên phải trốn nhà đi lao động tại một công trường xây dựng nhà máy cơ khí. Bước vào đời của Sen khá gian truân. Xen vào câu chuyện chính đó, tác giả còn muốn phê phán bệnh quan liêu của một số cán bộ lãnh đạo nhà máy (giám đốc, trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng kỹ thuật). Tác giả đã cố gắng minh họa rằng những con người yêu đời, yêu lao động, trong đó có những công nhân già, trẻ, đã chiến thắng. Những phần tử phản động lưu manh (Cảnh) đã bị cuộc sống đào thải, những phần tử lạc hậu (Hiếu, Chiến…) đã bị cuộc sống phê phán nghiêm khắc.

Nhưng có lẽ tác giả chưa thật hiểu hết cuộc sống ở công trường, nhà máy nên tập truyện đã chắp vá gượng gạo nhiều hiện tượng vụn vặt, không phân biệt được đâu là nét thuộc về bản chất cuộc sống.

Tác giả cũng tỏ ra thiếu vững vàng kiên định trong cách nhìn những khó khăn và những hiện tượng tiêu cực. Do đó, mặc dầu tác giả đã cố gắng trong việc bố trí các tuyến nhân vật tốt và xấu, người đọc vẫn thấy những con người lưu manh hoặc dao động thì đậm nét, còn những nhân vật tốt thì cứng nhắc, sơ sài.

Sự hiểu biết về giai cấp về Đảng của tác giả cũng chưa nhuần nhuyễn nên anh đã đề cao vai trò giai cấp công nhân và chi bộ Đảng bằng cách đặt ra một sự đối lập giả tạo giữa chi bộ đảng, đoàn thanh niên lao động với giám đốc, cán bộ tổ chức cán bộ kỹ thuật. Ngòi bút của tác giả miêu tả các cán bộ này có những nét soi mói về hiện tượng bề ngoài, nhưng thực ra không phân tích được những khuyết điểm và thiếu thái độ tìm hiểu thực chất vấn đề.

“Vào đời” là một tập truyện viết kém và có một số lệch lạc.

● Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 8 (21.6.1963), tr. 5.

23/6/1963: báo “Cứu quốc”, s. 3125: Nguyễn Xuân Bình: Chúng tôi không tán thành “cặp mắt” của ông Hà Minh Tuân trong cuốn “Vào đời”:

Một hôm tôi thấy con gái tôi mê mải đọc “Vào đời”, tôi hỏi: “Có hay không con?” Nói nói “Chẳng hay!”. – “Sao lại bảo không hay?” – tôi gặng hỏi. – “Con thấy thế nào ấy. Bộ đội phục viên gì mà tệ thế! Nhất là cái anh đại đội trưởng, chồng cô Sen, con thấy vô lý quá! Công trường xí nghiệp lung tung quá, con chẳng hiểu ra làm sao cả!”

Trách nhiệm làm cha mẹ bắt tôi và vợ tôi đều phải đọc kỹ quyển “Vào đời” của ông Hà Minh Tuân xem nội dung câu chuyện thế nào. Đọc xong, trao đổi với nhau, chúng tôi thấy cần góp với tác giả một số ý kiến.

Một con người “vào đời” dưới chế độ ta, bỏ nhà đi vào công trường xí nghiệp để tự rèn luyện mình trong lao động đồng thời để cống hiến cho CNXH như cô Sen chẳng chua xót lắm sao! Đến công trường làm rồi bị hiếp mà không biết rõ là ai (nhưng người đọc thì biết rõ ngay là ai) và có con! Sau đó cô lấy Hiếu và đẻ đứa con thứ hai với Hiếu. Họ sống với nhau chưa được bao lâu thì gia đình Hiếu bị quy là địa chủ, Hiếu bất mãn đến cao độ và xử đối với Sen rất tàn tệ. Hai người bỏ nhau, đứa con của hai người thì chết vì bại liệt. Cảnh công trường xí nghiệp rất lộn xộn, lưu manh côn đồ hoành hành rất dữ! Tôi tưởng chừng như Sen bị ném vào hang hùm nọc rắn trong xã hội tư bản chứ không phải là sống trong xã hội ta nữa!

Diễn biến của câu chuyện, tâm lý của nhân vật cho phép tôi khẳng định rằng đây chỉ là một chuyện góp nhặt một ít mẩu sự thật ở chỗ này ghép vào chỗ kia, “hệ thống hóa”, “nhân vật hóa” theo ý muốn chủ quan có phần lệch lạc của tác giả.

Công trường xí nghiệp dưới ngòi bút của Hà Minh Tuân lộn xộn hết chỗ nói, gần như không có kỷ cương gì cả. Tôi tự hỏi: Tại sao Mai, Say, Hiếu lại có thể ăn nói và hành động một cách ngang nhiên như vậy trong một thời gian dài từ cuối 56 đến 57 cho đến 1960? Có phải đó là bộ mặt chân thựcđiển hình của công trường xí nghiệp XHCN không? Là một người ở Hà Nội từ năm 1954, tôi biết rằng trong thời kỳ “Nhân văn”, ở một số công trường, xí nghiệp, cơ quan có xảy ra những vụ lộn xộn. Nhưng tình hình ấy được ổn định rất mau chóng chứ không phải như ông Hà Minh Tuân mô tả. Từ khi còn mới xây dựng cho đến khi hoàn thành nhà máy bước vào sản xuất, những tên Mai, Say và sau này là Hiếu đã “chống báng” lãnh đạo một cách liên tục, định đánh cả giám đốc và thư ký công đoàn, chây lười, vô kỷ luật. Trước tình hình ấy, chi bộ và quần chúng ở đây đã đấu tranh như thế nào? Các ông lãnh đạo như Cư, Chiến tại sao lại làm ngơ? Tại sao không có kỷ luật với những tên đầu sọ ấy? Tôi nghĩ việc đuổi ra khỏi công trường một số tên phá quấy lúc này là đúng chứ không có gì là sai cả. Tác giả để cho quần chúng tốt cũng phê phán các ông lãnh đạo là sai, là không có “tình hữu ái giai cấp” và đổi họ đi nơi khác coi như một hình thức kỷ luật! Thái độ của ông Hà Minh Tuân như thế, tôi thấy là sai lầm.

Con gái tôi cũng học lớp 8 như cô Sen (âu cũng là một sự ngẫu nhiên!). Nếu quả công trường xí nghiệp như lời ông Tuân mô tả thì làm sao mà các bậc cha mẹ có thể cho con đi mà yên tâm được! Nhưng tôi không tin rằng nó sẽ “vào đời” như Sen! Hai đứa cháu gái con ông anh tôi một đứa trước kia đi làm công trường ở Tây Bắc mới vừa đây được điều về Uông Bí, một đứa trước làm ở Hà Nội sau được đi học kỹ thuật và bây giờ làm thợ hàn điện ở xưởng đóng tàu Hải Phòng. Những câu chuyện mà chúng nó kể cho chúng tôi nghe, cho con tôi nghe, làm chúng tôi phấn khởi, tin tưởng, hoàn toàn khác với câu chuyện “Vào đời” của ông Hà Minh Tuân!

Trong “Vào đời” cô Sen cố gắng vươn lên nhưng sự vươn lên đó không có cơ sở gì chắc chắn cả. Cái tốt, cái tất yếu sẽ thắng, sao nó yếu ớt thế! Những con người tốt ở trong đó, đại diện cho Đảng, cho giai cấp công nhân như Lưu, Biền, Bổn… không vững vàng, không rõ nét. Lưu, bí thư chi đoàn thanh niên là một nhân vật tích cực rất nguyên tắc nhưng ở cuối câu chuyện lại có những lời lẽ như sau:

“Bán thịt theo phiếu mà tuồn những miếng ngon cho người quen! Bán nước mắm pha nhiều nước muối và nước lá chuối! Nhiều hiệu ăn “tiến bộ giật lùi”, phở vừa đắt vừa nhạt nhẽo. Ngày chủ nhật trong chợ ngoài đường loa phóng thanh oang oang nhức óc mà mấy ai nghe? Có những buổi chiều thứ bẩy, công an đứng hàng loạt ở đường phố Tràng Tiền cứ một chút một chút lại huýt còi rinh lên, khiến mọi người trên đường phố cảm thấy kém vui đi” (tr. 327). Đó là bức tranh khái quát về Hà Nội mà tác giả đã mô tả cho chúng ta xem! Tác giả không phê phán gì những ý kiến sai trái và thái độ của Lưu cả. Những hiện tượng mà Lưu nêu lên có phổ biến không? Tại sao lại nói với giọng bực dọc như vậy? Vợ tôi và các con tôi vẫn thường đi xếp hàng mua gạo mua thịt mua đậu và nước mắm. Nếu không có sự phân phối theo phiếu của Mậu dịch thì giá cả sẽ còn cao vọt hơn hiện nay nhiều. Những dịp tết nhất nếu không có các tổ phục vụ đi về tận các khu lao động thì bà con lao động khó có thể mua được thịt, được miến, được mứt. Đương nhiên trong số người bán thịt bán nước mắm… vẫn còn kẻ làm bậy. Đối với những người làm bậy, báo chí vẫn thường nêu lên phê bình, một số đã bị kỷ luật nhưng chúng ta không theo cái lối vơ đũa cả nắm như Lưu.

Trong tình hình khó khăn chung của chúng ta, Mậu dịch cũng có khuyết điểm trong việc phân phối làm cho chúng ta đôi khi khó chịu, nhưng tôi nghĩ có nên đả kích vào Mậu dịch với một thái độ phủ định, bực dọc như thế không? Việc gì lại trút cả bực dọc ấy lên đầu mấy cái loa, mấy đồng chí công an chiều thứ bảy phải đứng giữ trật tự ở phố Tràng Tiền vì người đi lại quá đông! Tại sao lại nói: huýt còi làm mọi người kém vui? Có phải đúng là mọi người kém vui không? Hay đấy chỉ là cái bực dọc dễ hiểu của một số ít người nào đó, đáng lẽ ông Hà Minh Tuân nên tránh không làm cái loa cho họ?

Bác Biền, một công nhân già, chi ủy viên, một người tương đối vững hơn cả, trước những lời lẽ xuyên tạc bất mãn đến cao độ đối với cải cách ruộng đất của Hiếu, cũng đập lại một cách yếu ớt.

Đấy, những con người tốt, việc đấu tranh với cái xấu trong “Vào đời” là như thế! Làm sao mà có thể nói lên được cái thực tế trong xã hội ta rằng cái tốt nhất định thắng lợi được! Bức tranh khái quát về công trường xí nghiệp, về xã hội Hà Nội hiện nay bao trùm một màu xam xám. Những màu sắc trong sáng lác đác cũng có, nhưng bị chìm đi hết.

Hiếu, một anh đại đội trưởng theo lý lịch và quá trình công tác cũ thì tuy có khuyết điểm nhưng không phải là bản chất xấu, chỉ vì gia đình bị quy sai là địa chủ mà phản ứng một cách điên cuồng và đối xử với Sen một cách hết sức tàn nhẫn. Tôi tự hỏi tác giả đưa nhân vật này ra nhằm mục đích gì? Tôi không hiểu nổi thái độ của tác giả trong vấn đề này như thế nào? Ông Hà Minh Tuân đã lấy sai lầm trong CCRĐ để giải thích nguyên nhân tội lỗi của Hiếu. Thái độ của tác giả đối với Hiếu là thái độ thông cảm, thái độ tha thứ nhiều hơn là phê phán một cách nghiêm khắc, đúng mức, có tình có lý. CCRĐ có sai đối với Hiếu thì việc phản ứng của Hiếu như vậy cũng tất nhiên thôi không có gì là lạ!

Ông Hà Minh Tuân không viết ra như thế. Nhưng câu chuyện về Hiếu nó bắt độc giả hiểu như vậy. Đó là một thái độ rất nguy hiểm!

Đối với sai lầm CCRĐ chúng ta rất đau xót. Nhưng đứng trước khó khăn của Đảng, của cách mạng, thái độ đúng đắn là thái độ bảo vệ Đảng, chống những phần tử xấu nhân cơ hội đó mà đục nước béo cò, đả kích vào Đảng.

Trong một số đoạn ông Hà Minh Tuân đã ca ngợi tinh thần thi đua của công nhân nhưng những đoạn ấy không nhiều và cũng không nhiệt tình lắm. Cái ấn tượng sâu sắc trong đầu óc người đọc vẫn là những lời lẽ hằn học của Hiếu, hình ảnh mấy tên lưu manh và mối tình bi thảm của cô Sen trong cái công trường và xí nghiệp cơ khí!

Có lẽ ông Hà Minh Tuân vì “ngán” cái lối viết của các “ông nhà báo” là cứ “chõm toàn những chuyện cảm động với những chuyện tròn trĩnh tươi hồng đưa lên mặt giấy, còn những nhếch nhác lệch lạc đáng phải dùng ngòi bút để xây dựng thì các ông ấy cứ phớt đi”. Câu nói trên đây là câu nói của Lưu (tr. 326) nhưng cũng có thể coi đó là quan điểm, cách nhìn, động cơ của ông Hà Minh Tuân thể hiện ra dưới những dòng chữ. Rõ ràng là ông Hà Minh Tuân vì muốn phản đối các nhà báo “tô hồng” (mà sự thật có phải thế đâu!) nên toàn “chõm” và hệ thống hóa những chuyện “nhếch nhác, lệch lạc”. Phải chăng như vậy là “chống công thức”, là “dũng cảm”? Nhưng “dũng cảm” kiểu ấy quần chúng không đồng tình đâu!

Ai thích “Vào đời”? Những phần tử xấu hoặc ít nhiều bất mãn có thể tìm thấy ở đó nhiều đoạn hợp với tâm tư của họ. Những người lập trường không vững xem xong có thể hoài nghi thêm. Thanh niên học sinh, nhất là nữ sinh Hà Nội sắp vào đời xem thì có hại hơn là có lợi.

Tôi không phải là nhà phê bình văn học mà cũng không có ý định phê bình tác phẩm một cách toàn diện. Tôi chỉ xin góp ý kiến một cách thẳng thắn với ông Hà Minh Tuân trên một số mặt chủ yếu về nội dung tư tưởng của quyển truyện mà thôi.

NGUYỄN XUÂN BÌNH

Nguồn:

Cứu quốc, Hà Nội, s. 3125 (23.6.1963), tr.5.

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (31): “VÀO ĐỜI” (3) CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (31): “VÀO ĐỜI” (3) Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:35 Rating: 5

Không có nhận xét nào: