CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (36): “VÀO ĐỜI” (7)

28/6/1963: báo “Văn nghệ”, s. 9: Trần Hữu Thung: Cách nhìn và thái độ đối với cuộc sống qua cuốn “Vào đời” :

Một nữ thanh niên Hà Nội bước vào đời vì cảnh ngộ éo le, phải trải qua nhiều thử thách để trở nên người. Thông qua những bước trắc trở, những chặng “xúi quẩy” đó mà nói lên con đường tất yếu đưa người nữ thanh niên tìm thấy chân lý, thoát khỏi bi kịch và tiến bộ, còn những phần tử xấu, lạc hậu thì lần lượt sẽ bị cuộc sống đi lên đào thải. Chúng tôi thông cảm với ý định ấy của tác giả.

Câu chuyện tóm tắt là: Cô Sen, một nữ thanh niên Hà Nội, bị gia đình ép duyên, bỏ nhà trốn đến một công trường nhà máy ở giữa thủ đô. Rồi qua nhiều lần dao động, được an ủi, giúp đỡ, dần dần trở nên tiến bộ. Những bi kịch liên tiếp đã đến với cô Sen. Một buổi tối đi dạy học về, bị hai tên lưu manh đón đường hãm hiếp. Cô có mang. Giữa ngày tối tăm ấy, mọt đại đội trưởng chuyển ngành đã có lòng “hào hiệp” che chở, yêu và hai người thành lập gia đình. Người quân nhân chuyển ngành này lại hư hỏng về tư tưởng, sinh hoạt và cả về chính trị, gây tiếp cho cô Sen những chuỗi ngày đau khổ.

Nhưng nhờ những người tốt, như hai bác công nhân già, chị Bổn hoặc Trần Lưu, bí thư chi đoàn thanh niên, thẳng thắn, giản dị và cũng thầm yêu Sen giúp đỡ, dìu dắt, cho nên, trong khi chồng sa ngã, thì Sen đã tiến bộ, đóng góp được nhiều sáng kiến và trở thành chiến sĩ thi đua. Cho đến khi người chồng biết hối cải thì cô Sen cũng đã chín chắn trong đời.

***

Bố cục cuốn truyện, tác giả cũng đã cho hai tuyến nhân vật tốt và xấu cùng xuất hiện, cùng hoạt động trong một mối quan hệ khá phức tạp.

Mặt khác, trong khi miêu tả đời sống, hoặc bằng hoạt động, ý nghĩ, lời nói trực tiếp của nhân vật, hoặc bằng những ý nghĩ lời nói của chính tác giả, mặt tốt mặt xấu đã được sắp đặt kề nhau khá thận trọng. Bên cạnh hoặc sau mỗi đoạn nói lên mặt tiêu cực khó khăn trong đời sống thì liền đó có mấy đoạn tốt, nói lên mặt tươi đẹp, mặt tích cực.

Nhưng cái chủ yếu của một cuốn truyện vẫn là những nhân vật, số phận những nhân vật với tâm tư tình cảm và hoạt động của họ. Chính qua đó mà người đọc thấy được chủ đề tư tưởng, cách nhìn, cách đặt vấn đề và cách giải quyết của tác giả đối với đời sống hiện thực. Tác dụng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ của một tác phẩm là ở đó.

Những nhân vật trong Vào đời đã được xây dựng như thế nào? Điều này khiến độc giả suy nghĩ và có nhiều ý kiến.

Nhân vật chính của cuốn truyện là Sen. Cô Sen bước vào đời, đó là sự kiện chủ đề của tác phẩm. Bị gia đình ép duyên, muốn thoát ly hoàn cảnh ấy, cô trốn nhà đi. Động cơ đi tham gia sản xuất, tham gia xây dựng xã hội của người nữ thanh niên trong chuyện chỉ là như thế. Nên mỗi lúc đắn đo, suy nghĩ, cô lại muốn trở về nhà. Tác giả chỉ nhìn thấy động cơ như thế, thật không chính xác, và hạ thấp nhân vật của mình. Hoặc nói cho đúng hơn, theo tôi, cách nhìn của tác giả đã thấp hơn là sự thực trong ý nghĩ và tâm hồn những người như cô Sen.

Vào công trường, cô lại gặp những cảnh éo le liên tiếp xảy đến nữa. Những sự kiện này cùng với những nhân vật xuất hiện và hoạt động một cách ngẫu nhiên, đột xuất như những bóng ma chụp vào số phận của cô Sen. Tất cả những sóng gió đưa đến cho bước vào đời của cô Sen như bị hãm hiếp, sự sa đọa của chồng, v.v., đều không nảy sinh một cách hợp lý từ hoàn cảnh thực tế. Trái lại, nó ngẫu nhiên, đột xuất và ấn vào một cách gượng gạo, gán ép, có khi còn “ly kỳ” nữa.

Cho đến những tiến bộ, những sáng kiến, những thành tích mà Sen đã đạt được cũng không được hợp lý theo sự thể hiện của tác giả.

Bằng động cơ ra đi riêng biệt như thế, bằng sự chịu đựng liên tiếp những cảnh ngộ éo le có tính cách ngẫu nhiên như thế, rồi, bằng sự vươn lên khá nhanh chóng như thế, nhân vật Sen không nói lên được bản chất của thế hệ thanh niên mới của thời đại là nhận thức đúng đắn và sẵn sàng vượt mọi khó khăn với một tinh thần hăm hở, xông xáo, phấn khởi. Đồng thời cũng không nói lên được tác dụng của sự giáo dục của Đảng. Mỗi một thanh niên của ta ngày nay bước vào đời đều từ những động cơ khác nhau, từ những hoàn cảnh khác nhau, khá phức tạp và phong phú. Nhưng trong hoàn cảnh riêng của mỗi người đều có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của thời đại, của cách mạng, của tập thể, sự giác ngộ của lý tưởng và chính lý tưởng cách mạng có tác dụng vô cùng to lớn đến tính cách, tư tưởng, tình cảm, hành động của thanh niên. Câu chuyện vào đời của cô Sen để lại một ấn tượng nặng nề, chính vì nhân vật Sen của Hà Minh Tuân thiếu hẳn cái sức mạnh của lý tưởng ấy. Người ta thấy Sen chỉ là nạn nhân chìm nổi trong một cảnh ngộ ba đào, từ vấn đề công tác đến vấn đề gia đình, tình yêu, người đọc thấy cuộc đời xung quanh người nạn nhân yếu ớt ấy sao lắm sự gian truân bất trắc vậy! Cho nên, câu chuyện vào đời của cô Sen không có tác dụng tốt về nhận thức và giáo dục. Nhất là, hiện nay, thanh niên ta đang hăng hái đi vào các mặt trận sản xuất như công trường, nhà máy, nông thôn, khai hoang, v.v., và đang đòi hỏi những tác phẩm đem đến một lý tưởng sáng rõ, cao cả, một tinh thần dũng cảm.

Bên cạnh nhân vật Sen, tác giả đã tập trung miêu tả Hiếu, chồng Sen, một cách khá tỉ mỉ. Là một đại đội trưởng chuyển ngành vốn có bản chất tốt, tuy có một số khuyết điểm, Hiếu đã dần dần sa ngã, lúc đầu do a dua và bị bọn lưu manh khiêu khích lôi kéo, sau thì tự mình chủ động. Để kiến giải vấn đề sa ngã này của nhân vật Hiếu, tác giả đã cho gia đình Hiếu bị quy oan trong cải cách ruộng đất. Và, bằng một hình tượng khá sắc nhọn là cái chết của ông bố, tác giả cho Hiếu bị ám ảnh vì cái chết ấy và biến con mắt của Hiếu thành cái nhìn u ám bực dọc đối với mọi sự vật quanh mình. Từ nguyên nhân bất mãn đó mà Hiếu đi vào con đường thoái hóa. Phẩm chất quân nhân được rèn luyện trong kháng chiến hầu như bị tê liệt hẳn, hoàn cảnh phấn khởi sôi nổi trong lao động sản xuất ở xung quanh cũng không đủ thức tỉnh anh, tình yêu và lời khuyên can của vợ cũng không ảnh hưởng gì được đến anh. Tác giả đã đưa nhân vật Hiếu theo con đường định trước, không hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng tác giả lại muốn cho con đường này lắt léo qua nhiều sai lầm rồi mới biết hối cải cho nên Hiếu đi theo bọn côn đồ lưu manh làm hỏng máy móc, tập hợp công nhân viết kiến nghị phản đối giám đốc, đi tống tình, nghi vợ và làm tội vợ. Tất cả những hoạt động ấy liên tiếp xảy ra mà không thấy trong tư tưởng của Hiếu có một chút nào sức đấu tranh lại! Trong khi miêu tả nhân vật Hiếu này, tác giả không đủ sức nhìn rõ và phê phán những tư tưởng tình cảm lệch lạc, tiểu tư sản mà còn có khi là đồng cảm với nhân vật của mình trong thái độ và cách nhìn sai lệch nặng nề đối với cuộc sống.

Nhân vật Hiếu vừa quá thấp kém và tùy tiện do người viết nặn ra không đúng với người quân nhân kháng chiến, mà nhân vật ấy lại vừa được tác giả xoa vuốt trong những khía cạnh lệch lạc của nó nữa.

Ngoài hai nhân vật chính nặng phần tiêu cực và lệch lạc ấy, người ta thấy tác giả đã miêu tả hoạt động của những tên lưu manh côn đồ như Mai, Song. Tác giả đã cẩn thận cho ta biết lý lịch rất xấu của chúng. Đó là những tên ngụy quân, cảnh sát cũ của địch, vì phạm tội, trốn ra ngoài kháng chiến, rồi giết người, mạo danh bộ đội, v.v. Nhưng trong Vào đời, bọn côn đồ lưu manh sao mà ngang nhiên thế, bắt cóc, tống tình, tống tiền, hãm hiếp, phá hoại. Những hành động ấy đã đè nặng lên số phận của một nữ thanh niên trong trắng và có tác dụng quyết định cho suốt cả thời gian bước vào đời. Và sức đấu tranh của tập thể, của chân lý, của tổ chức Đảng, Đoàn, sao mà yếu ớt chậm chạp!

Từ lý lịch, hành tung đến tính cách của những nhân vật phản diện này đều mang nặng tính chất chắp vá và giả tạo, ngẫu nhiên. Chúng không được đặt vào trong hoàn cảnh hiện thực. Mặc dù tác giả có thể đã nhặt lấy một sự việc này một chi tiết kia có thực, nhưng toàn bộ hình ảnh, tư thế của những nhân vật này lại thiếu chân thực. Một điều gây ấn tượng xấu nữa là tác giả nhiều khi đã ghi lại nguyên xi những lối ăn nói “triết lý” thối nát, đểu cáng của bọn lưu manh. Sự chép lại nguyên xi ấy chẳng làm tăng thêm gì tính chân thực của truyện mà chỉ là một cách miêu tả “tự nhiên chủ nghĩa” thấp kém, thiếu trách nhiệm của ngòi bút đối với người đọc của mình.

Như trên đã nói, đối lập với các nhân vật tiêu cực và bọn xấu, anh Hà Minh Tuân đã có dụng ý bố trí cả một tuyến nhân vật tốt, tất cả là công nhân, như chị Bổn, bác Biên, v.v., và Trần Lưu, liên lạc viên cũ của bộ đội, nay là bí thư chi đoàn thanh niên lao động. Tác giả đã cố gắng cho những người này tranh luận với những luận điệu lệch lạc của Hiếu, hoặc cuả bọn lưu manh, và giúp đỡ cho Sen. Song người đọc vẫn thấy tác giả còn biết ít về công nhân nên cái tốt của những nhân vật công nhân trong Vào đời phần lớn biểu hiện bằng lời nói, mà những lời nói ấy lại phần nhiều là lý luận khô khan, hoặc là những lý lẽ so sánh cuộc đời hiện nay với cuộc đời của công nhân dưới chế độ cũ. Vì thế mà, trong Vào đời, những lời nói trừu tượng về lẽ phải của Đảng của chế độ không có sức nặng đánh ngã những hình ảnh xấu.

Những nhân vật tích cực còn quá sơ lược. Tác giả chưa miêu tả được thế giới tâm hồn đẹp đẽ qua đời sống và việc làm của họ. Những khuyết điểm trên đây, theo tôi, là do sự hiểu biết còn nghèo nàn của tác giả về những con người công nhân. Tác giả miêu tả các nhân vật tiểu tư sản, lưu manh tương đối có chi tiết, đậm nét hơn, đi vào tâm trạng hơn, nhưng cách nhìn, cách miêu tả các nhân vật này lại không thoát ra được cái chủ quan của tác giả và có những chỗ lệch lạc khá nặng.

Toàn bộ cuốn truyện cũng cho ta thấy tác giả còn chưa đặt đúng các nhân vật của mình vào hoàn cảnh hiện thực của đời sống. Thời gian trong truyện là những năm 57, 58, 59, 60, những năm miền Bắc chúng ta đang từng bước hoàn thành một cách vững chắc kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên một quy mô rộng lớn, với một khí thế sôi nổi. Toàn Đảng toàn dân đang ra sức đáp ứng yêu cầu lớn, nhiệm vụ lớn là: kiến thiết xã hội chủ nghĩa trên một đất nước nghèo nàn lạc hậu bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Yêu cầu chung là phải tự lực cánh sinh, vượt qua mọi thiếu thốn, mọi gian khổ để chiến thắng. Yêu cầu đúng đắn và cần thiết là nhận thức rõ con đường khó khăn lâu dài đó, thấy rõ mọi trở lực để quyết vượt qua. Phẩm chất cao quý và vinh quang của chúng ta trong thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa là thế.

Qua tiểu thuyết Vào đời, chúng ta thấy anh Hà Minh Tuân không hề đặt ra những vấn đề lớn như trên. Người đọc chỉ thấy những hoạt động ngang nhiên của mấy phần tử phá hoại, những tai biến bất thình lình vô hình trùm lên bước đường vào đời của một nữ thanh niên yếu đuối, rồi nổi bật lên là hiện tượng quan liêu của giám đốc, trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng kỹ thuật và sự quấy rối phá hoại của những phần tử xấu. Trong cái không khí nặng nề ấy, tác giả cũng cố miêu tả những con người tốt đấu tranh lại và kết thúc truyện với phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Nhưng những mặt tốt này chỉ được miêu tả qua một số sự việc và hiện tượng thiếu phân tích bố trí thành sự mâu thuẫn gò ép giữa một bên là những phần tử phá hoại và một số cán bộ quan liêu (ngay hiện tượng quan liêu cũng phải rõ là do trình độ hiểu biết, một trong những mặt khó khăn của hoàn cảnh) và một bên là những con người mới, yêu đời, yêu lao động, yêu Đảng, đã chiến thắng. Còn công trường nhà máy đang xây dựng trên một cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn như thế nào, đảng bộ, đoàn thanh niên và những công nhân đang chiến đấu về mọi mặt như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn đó, những sự kiện lớn, những vấn đề chung của thời kỳ khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa tác động đến công trường nhà máy, đến mỗi con người như thế nào thì rất yếu, rất ít được phản ánh lên trong tác phẩm.

Tác giả Vào đời thiếu cái nhìn rõ ràng, đúng đắn về tình hình toàn bộ của xã hội ta, cho nên không đánh giá được đúng những con người, và không nhìn thấy được đúng con đường đi của các nhân vật. Cái nhìn của tác giả Vào đời bị hút vào những chi tiết vụn vặt, nhưng hiện tượng riêng lẻ, và xoáy vào những điều chưa vừa ý, những khó khăn, thiếu thốn, với một thái độ bực bội, loay hoay, thiếu lý tưởng cách mạng. Ngòi bút tác giả còn thiếu ý thức, thiếu tinh thần trách nhiệm, nên có những chỗ đã đưa ra những nét, những chi tiết có tác dụng xấu đối với người đọc. Một mặt khác, tác giả cũng thiếu một trình độ sống nhuần nhuyễn, sâu sắc. Điều này biểu hiện rõ trong việc xây dựng nhân vật và tính cách của nhân vật. Sự phát triển tâm lý nhân vật chẳng những thiếu lô-gich mà còn giả tạo, vụng về. Thêm vào đó ta còn thấy tác giả đã đưa vào truyện những sự kiện những hành động “ly kỳ, hấp dẫn” có tính chất tầm thường. Đúng thế, khi cách nhìn và thái độ đối với cuộc sống mà không đúng đắn thì tác phẩm văn học không thể có tính tư tưởng cao được. Mà, mọi tâm lý tính cách của nhân vật, mọi mặt thể hiện trong tác phẩm cũng chỉ là hiện tượng. Tác giả có muốn tăng cường sự phong phú của tác phẩm bằng mọi trường hợp éo le phức tạp thì chỉ càng làm cho tác phẩm thêm nghèo nàn và giả tạo.

Chúng tôi mong anh Hà Minh Tuân sẽ rút được kinh nghiệm nghiêm chỉnh về cuốn tiểu thuyết Vào đời để uốn nắn cách nhìn, tăng thêm phần sống thực, và xác định rõ trách nhiệm của ngòi bút trong tác phẩm sau của anh.

TRẦN HỮU THUNG

Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 9 (28.6.1963), tr. 4, 18.

28/6/1963. Báo “Tiền phong”: Đ.V.N.: “Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên một cách tiêu cực và phiến diện:

Bài báo của đồng chí Thanh Bình đăng trên số báo trước đã phê phán nghiêm khắc những quan điểm sai lầm của nhà văn Hà Minh Tuân trong tác phẩm “Vào đời”. Tôi muốn phát biểu thêm một số ý kiến về những lệch lạc của tác giả khi miêu tả thanh niên trong lao động xây dựng đất nước.

Sau khi miêu tả những buổi Sen làm quen với lao động, tập gánh vữa trên công trường, tác giả đã gợi lên hình ảnh lao động khủng khiếp trong óc Sen qua một cơn mê sảng:

“Đó là chiếc đòn gánh với đôi sô vữa nặng. Hình ảnh đó là những vật tượng trưng cho ma quái, chúng cũng động đậy được như người, chúng nhún nhẩy, chúng lắc lư, chúng kêu lên loạch soạch, chúng xoay như chong chóng khiến Sen sây sẩm mặt mũi; rồi chúng chụp xuống đầu Sen, chiếc đòn gánh ngoạm lấy vai Sen nhay đi nhay lại cái nhọt bọc của Sen trong khi đôi sô nặng khủng khiếp cứ đu đưa như đùa rỡn mà hành hạ Sen kỳ cho chết rấp” (“Vào đời” tr. 16).

Lao động mà tác giả miêu tả ở đây thật là khủng khiếp! Và Sen đã dao động, nảy ra ý nghĩ bỏ trốn về nhà.

Tác giả đã diễn tả tập trung cái gian khổ của một nữ thanh niên mới bước vào đời bằng chiếc đòn gánh đè nặng lên đôi vai và trong một thời gian cũng tập trung là 2 tuần lễ. Gánh nặng “không phải chỉ rần sưng tấy một bên vai Sen. Gánh nặng còn đè sưng tấy cả óc cả tim Sen”. (“Vào đời”, tr. 25). Người đọc cảm thấy tác giả đã cường điệu quá mức cái gian khổ của một cô gái tập gánh và đã diễn tả cái gian khổ của một thanh niên bước vào đời một cách phiến diện. Là một nữ sinh Hà Nội bắt đầu đi vào lao động, theo chúng tôi nghĩ, cái gian khổ mà Sen gặp chủ yếu không phải là ở chỗ tập gánh, đành rằng việc đó cũng vất vả trong những ngày đầu lao động, mà là ở chỗ xác định được cho mình có thái độ đúng đắn đối với lao động, và rèn luyện mình trong quá trình lao động lâu dài. Và như vậy, rõ ràng hình ảnh lao động của Sen không phải là điển hình của thế hệ trẻ nước ta ngày nay. Hàng vạn thanh niên nam nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng của Đoàn đang hăng hái đi đến những nơi khó khăn gian khổ để xây dựng đất nước. Gian khổ đối với họ không phải chỉ ở lúc tập gánh, tập làm công việc lao động chân tay mà là đi đến những nơi xa xôi, nơi khó khăn gian khổ, lao động quên mình để xây dựng đất nước, là ngày đêm gian khổ học tập văn hóa, khoa học kỹ thuật để làm chủ được khoa học kỹ thuật, v.v. Lao động có gian khổ nhưng lao động ngày nay là để xây dựng đất nước, xây dựng CNXH, nên lao động còn rất vinh quang. Tất cả những người nam nữ thanh niên ngày nay đã lớn lên cùng chế độ, ít nhiều đều hiểu điều đó và mang trong lòng họ niềm vinh dự và tự hào đó. Cho nên họ đi vào lao động có một ý thức giác ngộ XHCN nhất định. Họ hiểu công việc lao động là vất vả, cuộc sống nơi công trường, miền rừng núi còn có khó khăn. Họ lao vào khó khăn gian khổ, có khi rất gian khổ, nhưng lòng họ rất vui sướng, hào hứng. Và nhờ đó họ vượt qua được khó khăn… Dù có khi họ phải cắn răng lại chịu đau, nhưng miệng họ vẫn muốn say sưa ca hát (chứ không phải họ chỉ biết động viên nhau bằng những câu pha trò kiểu tiếu lâm tục tĩu!). Nhà văn Hà Minh Tuân đã thiếu đi sâu tìm hiểu để thấy một cách đầy đủ cái khí phách anh hùng tươi trẻ đó trong con người thanh niên mới ngày nay nên nhà văn chỉ mô tả lao động một mầu gian khổ đến khiếp sợ.

Chúng ta không phải là những người giấu giếm khó khăn, trái lại cần nói cho thanh niên hiểu rõ khó khăn của đất nước ta hiện nay, nhưng nói khó khăn để cổ vũ họ phấn khởi và tin tưởng đi lên chiến thắng khó khăn chứ không phải để làm nản lòng nhụt chí của họ.

Trong lúc hàng vạn học sinh đang hăng hái đi về nông thôn tham gia sản xuất, thanh niên các tỉnh và đô thị ở đồng bằng tình nguyện lên miền núi để phát triển kinh tế, việc miêu tả lao động khủng khiếp một cách giả tạo gắn liền với cuộc đời ảm đạm, đau đớn, chua xót của Sen không khỏi làm cho một số bạn trẻ nào đó lo lắng hoài nghi khi họ bước vào cuộc sống lao động. Đó là một trong những mặt tiêu cực của tác phẩm “Vào đời” đã có ảnh hưởng xấu trong quần chúng độc giả trẻ tuổi.

Lao động đối với thanh niên nam nữ ngày nay còn là một trường học lớn để rèn luyện thanh niên thành những con người mới của CNXH. Bài báo “Chúng tôi bước vào đời rất hào hứng, lao động rất say sưa” đăng trên số báo này [tức là báo “Tiền phong” s. 1055, ngày 28/6/1963 – ghi chú của người sưu tầm] nói về một đơn vị học sinh Hà Nội xung phong lên công tác ở công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên và họ trưởng thành trong lao động một ví dụ rất cụ thể.

Tóm lại, bên cạnh những lệch lạc và thiếu sót khác, tác phẩm “Vào đời” đã miêu tả lao động của thanh niên mới bước vào đời một cách tiêu cực và phiến diện. Nó không giúp ích cho thanh niên mới lớn đang chuẩn bị bước vào đời có nhận thức và thái độ đúng đắn đối với lao động; trái lại nó có thể gây nên những ảnh hưởng xấu, làm giảm nhiệt tình của thế hệ trẻ đang hăng hái bước vào đời.

Ngày nay cả miền Bắc nước ta như một công trường xây dựng vĩ đại đang mở rộng đôi tay đón hàng vạn nam nữ thanh niên mới lớn đầy nhiệt tình và phấn khởi bước vào cuộc sống lao động. Lao động đối với chúng ta là một niềm vẻ vang và tự hào. Lao động là một trường học lớn rèn luyện thanh niên ta trưởng thành. Chúng ta mong đợi các nhà văn, nghệ sĩ có những tác phẩm nói lên được lao động chân chính của thế hệ trẻ ngày nay.

Đ.V.N.

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1055 (28.6.1963), tr. 3, 4.

28/6/1963. Báo “Tiền phong”: Ý kiến một người cha: Chúng tôi không tán thành “cặp mắt” của ông Hà Minh Tuân trong cuốn “Vào đời” (Nxb. Văn học): [đăng lại toàn bộ bài của Nguyễn Xuân Bình, báo “Cứu quốc” s. 3125, ra ngày 23/6/1963] 

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (36): “VÀO ĐỜI” (7) CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (36): “VÀO ĐỜI” (7) Reviewed by Phạm Thu Hương on 15:38 Rating: 5

Không có nhận xét nào: