CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (37): “VÀO ĐỜI” (8)

29/6/1963. Báo “Thủ đô Hà Nội”: Lê Hồng Mai: Một cuốn sách lạc hậu và nhiễm độc

Hà Minh Tuân là một nhà văn thường viết về Hà Nội. Người ta thấy anh đi lại một số công trường xí nghiệp của Hà Nội. Người ta lại nghe anh nói ở Đại hội nhà văn về đề tài công nhân, đề tài công nghiệp hóa. Người ta chờ đợi ở nhà văn những tác phẩm lành mạnh góp phần làm khỏe thêm tinh thần người Hà Nội mới đang phấn đấu cho CNXH. “Vào đời” của Hà Minh Tuân vừa xuất bản chọn một đề tài Hà Nội. Nhưng đáng buồn là cuốn sách làm người ta phải nói đến nhiều không phải vì tác giả thành công mà trái hẳn lại, “Vào đời” bộc lộ một sự thoái hóa hết sức nghiêm trọng về tư tưởng của người viết. Cũng như “Hai trận tuyến” xuất bản cách đây hai năm của cùng một tác giả, “Vào đời” là một cuốn tiểu thuyết viết rất kém. Giới văn nghệ đã chê nhiều cách viết của anh, cách viết tùy tiện nếu không phải là bôi bác. Thật thế, đọc “Vào đời”, người ta không thể không trối về giọng đối thoại của nhiều nhân vật trắng trợn đến bỉ ổi, bên cạnh những đoạn văn tả tình và tả phụ nữ kiểu “tài hoa son trẻ”. Phải chăng như thế là đi sâu vào nội tâm của con người?

Nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật thì “Vào đời” thuộc loại tác phẩm gây bực mình cho người đọc rồi không ai nhớ đến nó nữa. Song người ta phải chú ý đến nó, vì nó chứa chất nhiều tư tưởng xấu, nếu dư luận không phê phán, sẽ đưa người viết đi xa và làm vẩn đục dòng suối trong của nền văn học mới. Ở đây, đứng về phía người đọc Hà Nội, chúng tôi cần nhấn mạnh: tác giả “Vào đời” đã nhìn Hà Nội và người Hà Nội với một mức nhận thức hết sức thấp kém. Đáng phê phán hơn nữa là những điều mà tác giả muốn “giáo dục” người Hà Nội chỉ nhằm kéo lùi người Hà Nội lại.

“Vào đời” là trường hợp hoàn toàn cá biệt của một nữ sinh con nhà trung lưu Hà Nội “trốn” đi công trường, không phải vì tiếng gọi của xây dựng mà vì cưỡng lại cha mẹ ép duyên. Thử thách của cô Sen, nhân vật chính của “Vào đời”, trên công trường và trong xí nghiệp, chủ yếu không phải là đấu tranh để lớn lên trong lao động hay đấu tranh với tư tưởng cũ của bản thân mình mà thử thách ở đây chỉ là những nỗi éo le của một đời sống tình cảm quá ư rắc rối, bi thảm một cách giả tạo. Cô Sen trong truyện y như cô Kiều mới nổi chìm trong một xã hội tranh tối tranh sáng và tối nhiều hơn sáng. Tác giả tả đời sống của công trường và đời sống của xí nghiệp như những bức tranh xã hội mà tà khí át hẳn chính khí. Nếu những mặt trận lao động chủ yếu của Hà Nội, nếu nhiều bộ phận chủ yếu của giai cấp công nhân Hà Nội mà hỗn loạn như tác giả tả thì cắt nghĩa làm sao nổi những thay đổi lớn lao của Hà Nội của chúng ta sau những năm vẻ vang của thời kỳ khôi phục và thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế? Bộ mặt tinh thần của Hà Nội lao động trong “Vào đời”, quả là đã bị bóp méo.

Cô Sen trong truyện phải chăng là điển hình của lớp thanh niên Hà Nội đang xung phong trên các mặt trận sản xuất và công tác, hăng hái phấn đấu xây dựng thủ đô XHCN? Viết về thanh niên, tác giả đã đứng ở rất xa chủ nghĩa anh hùng mới mà mỗi nhà văn có trách nhiệm cần ra sức bồi dưỡng cho thế hệ trẻ đang hăm hở đi lên. Tuy tác giả có cho cô Sen lập thành tích, tuy tác giả có cho cô Sen đi họp đại hội những người thanh niên ưu tú của thủ đô ta, người ta không thấy cô Sen lớn lên trong ý thức, trong sự giác ngộ về lý tưởng của một người thanh niên, từ cô Sen cũ chưa hề thoát ra một cô Sen mới. Cuốn sách hạ thấp tầm mắt người đọc. Bởi vì khoảng trời mà các nhân vật sống rất hẹp, nhân vật tích cực không có sức tự vươn lên. Cách nghĩ về người và nhìn người của tác giả bắt các nhân vật sống hoàn toàn cảm tính, thiếu khả năng phân biệt đúng sai. Con người gần như hoàn toàn bị khách quan và ngẫu nhiên chi phối. Tệ hơn nữa, nhiều trang sách lại mượn lời nhân vật xấu nêu cao không một lời phê phán nhân sinh quan thảm hại của những giai cấp xuống dốc.

Điều tai hại nhất trong cuốn sách viết về thanh niên Hà Nội của Hà Minh Tuân là đã không ngớt trình bày những sự ấm ức và chồm lên của cá nhân đối với tập thể. Ngay khi cô Sen vừa chập chững vào đời, buổi sinh hoạt Đoàn đầu tiên đã bị tả một cách xuyên tạc để gieo rắc hoài nghi, trối kệ đối với sinh hoạt tư tưởng của tập thể cách mạng. Người bí thư chi đoàn Trần Lưu mà sau này tác giả gán cho mọi sự tốt đẹp của nhân vật tích cực thì hiện ra như một anh hề để nhạo báng tư tưởng “giai cấp công nhân lãnh đạo”. Qua cuốn sách người ta có cảm tưởng tập thể chỉ làm khổ con người vì đối với những đau khổ của mỗi người, tập thể có biết gì đâu, tập thể có giúp đỡ gì đâu. Hoặc có giúp đỡ như Trần Lưu giúp đỡ Sen, cũng là giúp đỡ không hoàn toàn vì tình đồng chí. Tập thể không hề bảo vệ Sen khi Sen bị nạn, khi Sen đau khổ trong quan hệ gia đình. “Vào đời” tiếp tay và thực tế đã tiếp tay mạnh mẽ cho những bà mẹ lạc hậu muốn đe con gái: rời gấu quần mẹ ra thì, con ơi, đời toàn là hang hùm, lỗ rắn.

Cách nghĩ cách nhìn của tác giả đã không lành mạnh, hơn thế nữa, phải nói là nhiễm độc và truyền độc. Những quan điểm cụ thể về mọi vấn đề mà tác giả mượn mồm nhân vật nói – nhiều khi không ăn nhập gì với sự phát triển tình tiết và tính cách nhân vật – lại càng hiển hiện một thái độ không xứng đáng với trách nhiệm của nhà văn yêu nước. Người ta có cảm tưởng tác giả qua những trang sách tranh thủ mọi cơ hội để phát biểu những quan điểm đó của mình. Phát biểu lên rồi không giải quyết, rồi để lấp lửng, có khi đồng tình, có khi bác đi một cách qua loa yếu ớt. Đáng chú ý nhất là những trang sách mà tác giả gợi lại lời nhân vật xấu về những sai lầm của cải cách ruộng đất với một sự hậm hực còn nóng hổi, cả một đoạn sách khá dài phát động chống quan liêu một cách hùng hổ mà không vạch rõ nội dung chủ nghĩa quan liêu là gì, dễ làm lẫn lộn cứ lãnh đạo là quan liêu tất. Vì sao tác giả rất liên tục công kích một cách cạnh khóe đường lối tuyên truyền trên báo chí của Đảng ta? Lắm câu nói của nhân vật sặc mùi bất mãn, bắt người đọc phải tự hỏi: phương hướng suy nghĩ của nhà văn này thế nào nhỉ? đã mất phương hướng rồi hay sao? đã không cùng phương hướng nữa rồi hay sao?

Cũng theo chiều hướng tư tưởng rõ ràng là xấu đó, tác giả lại còn cho nhân vật tích cực của mình là Trần Lưu lên tiếng kêu ca về đời sống Hà Nội, về phiếu thịt, nước mắm không ngon, phở, nước dùng kém, loa phát thanh “om sòm” và công an giao cảnh “huýt còi rinh lên”, coi nói được những hiện tượng đó lên như làm một việc gì dũng cảm và sáng suốt lắm, thì người ta càng thấy buồn cho chỗ đứng cô quạnh, góc nhìn nghiêng lệch và cặp mắt không trông thấy gì cao hơn sự phởn phơ của riêng cá nhân mình của tác giả. Ở đây người ta thấy tình cảm cách mạng và nhận thức của người viết còn thấp hơn tình cảm cách mạng và nhận thức của bất cứ người Hà Nội bình thường có suy nghĩ nào. Điều nguy hiểm ở đây là tác giả đã chắp những hiện tượng không vừa ý mình lại với nhau, đi từ cái tệ bán thịt tư túi của một số mậu dịch viên và tổ viên hợp tác mà không ai đồng tình, mà cả xã hội đang đấu tranh trừ bỏ, qua những biểu hiện của mâu thuẫn giữa sản xuất, cung cấp và nhu cầu mà bất cứ ai cũng hiểu, đi tới bất bình với cả bộ máy phát thanh và đội ngũ những người giữ gìn an ninh trạt tự, những công cụ quan trọng của Nhà nước cách mạng, tác giả đã đi quá xa trong sự phản ứng chủ quan của mình đối với xã hội chung quanh đang phát triển. Không ai không biết là Hà Nội của chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm, nhà văn cần giúp người đọc nhận rõ và đấu tranh với những mặt tiêu cực của đời sống. Song một người có thiện chí cần khẳng định trước hết cuộc sống của chúng ta đã và đang xây dựng là một cuộc sống công bằng, có tổ chức và thật sự mưu cầu lợi ích cho đa số. Và đối với những mặt tiêu cực của đời sống, cần nêu cho đúng cho rõ bản chất và nhất là cần nêu với một tinh thần có trách nhiệm chung với hàng triệu người dân Hà Nội đang xây dựng. Nhà văn đứng ở chỗ nào đối với tập thể những người đang xây dựng ấy?

Đọc “Vào đời” xong, người ta thấy cần đặt lại một vấn đề mà ai cũng tưởng như đã giải quyết rồi. Đó là vấn đề trách nhiệm của nhà văn. “Vào đời” đi ngược lại những nghị quyết còn chưa ráo mực về đường lối sáng tác mà Đại hội văn nghệ toàn quốc và Đại hội nhà văn vừa thông qua. Trách nhiệm của người viết đã nặng, trách nhiệm của nhà xuất bản còn nặng hơn. Nhà xuất bản Văn học cần giữ vững đường lối xuất bản và tiêu chuẩn chọn sách để in của mình.

Hà Nội vẫn nóng lòng chờ đợi những tác phẩm phản ánh chân thực đời sống và đấu tranh của một thành phố đang tiến, giúp những con người Hà Nội chúng tôi và thế hệ thanh niên Hà Nội con em chúng ta không ngừng lớn lên trong ý thức cách mạng và trong nhận thức sáng sủa về cuộc đời.

LÊ HỒNG MAI

Nguồn:

Thủ đô Hà Nội, Hà Nội, s. 1455 (29.6.1963), tr. 3.

29/6/1963: báo “Quân đội nhân dân”, s. 1221: Lê Lương Nghĩa và Dân Hồng: Đọc “Vào đời” của Hà Minh Tuân (Nxb. Văn học):

Một cuộc xung đột giữa những cái còn rơi rớt lại của chế độ xã hội xấu xa cũ đã bị đánh đổ và những cái đang nảy nở của chế độ XHCN tốt đẹp đang trưởng thành, kết cục cái chính nghĩa đã thắng cái phi nghĩa, cái tiên tiến đã thắng cái lạc hậu; nhưng qua diễn biến của cuộc xung đột đó, dưới ngòi bút của tác giả, sự chiến thắng tất yếu của cái mới đối với cái cũ biến thành một quá trình giả tạo, mặt tiêu cực đã được bơm to lên, nổi bật, trở thành mặt chủ yếu, mặt tích cực bị chìm đi, lu mờ, đúng sai nhiều lúc bị lẫn lộn, do đó cuốn sách đã bóp méo hiện thực xã hội miền Bắc chúng ta, và là một tác phẩm vừa viết kém vừa có nhiều có nhiều lệch lạc. Đó là cảm tưởng chung của chúng tôi khi đọc xong cuốn tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân.

Để miêu tả cuộc xung đột đó, tác giả đã lấy câu chuyện vào đời của một nữ sinh Hà Nội: bị cha mẹ ép duyên, Sen đã trốn nhà, vào làm việc ở một công trường, cô đã rơi vào một công trường mà tình hình nội bộ rất phức tạp, và qua bao nhiêu đau xót ê chề (bị bọn lưu manh đón đường hãm hiếp và đã có mang, lấy phải một người chồng sa đọa, con chết, bị người chồng dằn vặt và ruồng bỏ, v.v.), cô đã vươn lên trở thành một chiến sĩ thi đua, tìm được hạnh phúc trong lao động.

Đọc xong “Vào đời” người ta rất khó chịu vì sao trong tác phẩm lại đầy rẫy những chuyện xấu xa, đen tối như thế? Tất cả mọi người chúng ta đều biết rằng những tệ nạn mà cuốn sách nói đến là rất thứ yếu, rất bé nhỏ so với muôn vàn cái tốt đẹp đang lên của xã hội chúng ta. Ở đây tác giả lại chắp vá, tập hợp nó lại một cách gượng gạo vào trong một công trường, vào cuộc đời một nhân vật, tô đậm nó lên, lướt qua mặt chủ yếu, tạo nên một cảnh ngộ đẫm nước mắt, làm cho cuộc đời của Sen trở thành một chuỗi bi kịch được ghép lại một cách ngẫu nhiên.

Rõ ràng bước vào đời của cô Sen không phải là bước đường vào đời phổ biến và thênh thang của hàng chục vạn nam nữ thanh niên miền Bắc chúng ta được sự dìu dắt của Đảng và Đoàn và sự đùm bọc của tập thể. Rõ ràng là ở miền Bắc chúng ta, không thể có một công trường nào ở đó già nửa là quân nhân phục viên mà bọn lưu manh lại có thể hoành hành một cách ngang nhiên như thế được. Xã hội chúng ta đương chuyển biến, bọn lưu manh phá hoại vẫn còn tác hại, nhưng chúng chỉ là rất thiểu số, chúng bị đặt dưới sự giám sát của nhân dân ta, chúng đã và đang bị nhân dân chúng ta trấn áp thẳng tay.

Rõ ràng là ngoài nhân vật tiêu cực sa đọa như Hiếu, người đọc không thấy những nét chủ yếu nói lên bản chất truyền thống tốt đẹp của tuyệt đại đa số anh em quân nhân phục viên chúng ta ở công trường.

Trong cuộc xung đột giữa tốt và xấu ấy, người ta thấy những nhân vật tích cực của “Vào đời” tỏ ra mờ nhạt, yếu ớt và bị động đến thảm hại. Chị Bổn có đôi nét sắc sảo nhưng vẫn chỉ là một chị công nhân bình thường, không có vai trò gì rõ rệt. Bác Biền, người thợ già cần cù, có vẻ một ông bố tốt hơn là một bí thư chi bộ; bác đã tỏ ra nhu nhược và mất cảnh giác trước bọn lưu manh phá hoại. Nhân vật tích cực chính có lẽ là bí thư chi đoàn Trần Lưu, nhưng tiếc thay đây là một con người tuy hăng hái nhưng non nớt, có khi còn ngây ngô nữa. Với những con người yếu ớt như thế người ta có thể trông mong gì ở họ để chặn tay bọn phá hoại và dìu dắt cô Sen đi tới! Do đó, người ta không hiểu được tại sao Sen lại chiến thắng được hoàn cảnh, lại có nhiều sáng kiến tăng năng suất lao động và trở thành chiến sĩ thi đua. Người ta chỉ thấy trong đời riêng cô tỏ ra mềm yếu, tâm hồn cô luôn quằn quại, than vãn trước bao nhiêu rủi ro, chua xót, tủi sầu.

Ngược lại, dưới ngòi bút của tác giả, những nhân vật tiêu cực trong “Vào đời” đã nổi bật lên, sinh động và mạnh mẽ. Tên cảnh sát ngụy quyền Võ Cảnh đường hoàng khoác áo trung đội trưởng Nguyễn Mai để hoạt động có tính chất “tác động tinh thần”, phá hoại kỷ luật công trường và trật tự xã hội. Hắn có cả một triết lý sống: “Đời người ngắn ngủi… ngắn ngủi lắm. Lại còn bao nhiêu bất trắc rình mò giết hại con người ta. Phải tận hưởng cuộc đời, phải gấp gáp tạo ra cho mình mọi thứ lạc thú trước khi nhắm mắt”. Và hắn đã cầm đầu một bọn lưu manh (như Song) và phần tử sa đọa (như Hiếu), hành động theo phương châm đó một cách có tổ chức: ngang nhiên dở đủ trò hãm hiếp, lừa đảo, tống tiền, tống tình,… ngay giữa thành phố, giữa ban ngày. Chúng còn gây ra các vụ lộn xộn trong công trường, đả kích vào lãnh đạo và những người tích cực. Cái bóng ma đen tối bạo ngược của chúng lấn át những con người tốt, đè nặng lên cuộc sống ở công trường.

Rõ ràng là trong xã hội miền Bắc chúng ta không ai để cho bọn lưu manh phá hoại làm mưa làm gió, mặc sức tung hoành như bọn Võ Cảnh trong tác phẩm. Rõ ràng là những mẫu người có xác không hồn như Sen, Lưu, Biền, Bổn… không thể đại diện cho những con người đang xây dựng CNXH trên miền Bắc. Thất bại lớn của tác giả “Vào đời” là đã không khẳng định được những con người mới của thời đại chúng ta, những con người đầy tinh thần và nghị lực đang chiến đấu và chiến thắng. Cho nên dù cuối sách tác giả đã có kết thúc bằng cảnh chính thắng tà, tiên tiến thắng lạc hậu, nhưng điều đó vẫn giả tạo biết bao, vẫn không gây được niềm phấn hứng và tin tưởng nào cho người đọc.

Hà Minh Tuân còn phạm một sai lầm, thất bại nữa trong việc mô tả cuộc đấu tranh chống quan liêu trong tác phẩm. Ở đây một lần nữa lại toát lên một cái gì giả tạo, xuyên tạc hiện thực. Tác giả đã đưa quần chúng ra đấu tranh với những cán bộ phụ trách được miêu tả như một tập thể quan liêu hầu như không chịu sự lãnh đạo của Đảng, thậm chí còn đối lập lại tổ chức của Đảng. Những cán bộ quan liêu ấy bị tác giả phê phán rất gay gắt, đả kích thẳng tay, nhưng tác giả chỉ thuyết, chỉ nói qua mồm nhân vật mà không đưa ra được một hai sự việc nào khả dĩ có thể chứng minh được biểu hiện và tính chất trầm trọng của bệnh quan liêu như thế nào. Hơn nữa, lực lượng hăng hái đứng lên chống lại cái gọi là quan liêu trong tác phẩm lại được tác giả trao vào tay những tên lưu manh như Cảnh, Song, và những phần tử lạc hậu, sa đọa như Hiếu, điều đó có chút nào hiện thực không? Thật ra những bọn bất mãn, lưu manh đó chỉ lợi dụng chiêu bài chống quan liêu để phá hoại mà thôi.

Hà Minh Tuân còn muốn tỏ ra mình “sâu sắc” và “góc cạnh” khi nêu lại một vài nét dư vang của những sai lầm trong cải cách ruộng đất và những khó khăn còn tồn tại trong sinh hoạt của chúng ta hiện nay. Người đọc có cảm giác tác giả bực dọc gợi lại hình ảnh “người cha thắt cổ” như muốn coi đó là một trong những nguyên nhân đẩy Hiếu từ người tốt sa xuống vực thẳm của tội lỗi. Thái độ thông cảm, tha thứ của tác giả đối với Hiếu trong vấn đề này cũng như đối với những nhận xét một chiều và ảm đạm của Lưu về một số hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội càng chứng tỏ rằng Hà Minh Tuân đã nhìn hiện thực một cách lệch lạc, sai trái với quan điểm lập trường của người cách mạng. Điều đó còn được thể hiện trong việc Hà Minh Tuân mô tả quá cường điệu sự nặng nhọc của lao động ở công trường đối với Sen.

Tóm lại, qua “Vào đời”, đồng chí Hà Minh Tuân đã tỏ ra là thiếu hiểu biết đầy đủ về đời sống XHCN ở miền Bắc chúng ta, và trong cách nhìn của mình có nhiều lệch lạc. Những lệch lạc đó một mặt đã biểu hiện rõ ràng một phương pháp tư tưởng sai lầm, lẫn lộn cái bản chất và cái phi bản chất, mặt khác nó biểu hiện một tâm lý dao động bực dọc tiểu tư sản trước những khó khăn trên bước đường đi lên của xã hội chúng ta.

Đọc xong “Vào đời” chúng ta không thể không suy nghĩ đến trách nhiệm của các nhà văn trong việc phản ánh hiện thực vĩ đại và sự nghiệp anh hùng của công cuộc xây dựng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhất là khi tác phẩm lại đề cập đến những chủ đề trực tiếp hướng dẫn cho thế hệ trẻ bước vào đời. Trong khi miêu tả những xung đột và đấu tranh trong cuộc sống, chỉ có đứng vững vàng trên lập trường quan điểm của giai cấp vô sản mà xem xét vấn đề, có lòng tin sắt đá vào thắng lợi, có trách nhiệm chính trị cao trong việc tìm hiểu và phản ánh chân thực cuộc sống, thì mới có thể làm tròn được trách nhiệm lớn lao của những người cầm bút.

LÊ LƯƠNG NGHĨA và DÂN HỒNG

Nguồn:

Quân đội nhân dân, Hà Nội, s. 1221 (19.6.1963), tr. 4.

29/6/1963. “Nhân dân”, s. 3380: Minh Tâm: “Vào đời”, một cuốn tiểu thuyết có hại:

Một nữ học sinh biết từ chối một cuộc hôn nhân buôn bán mà gia đình định ép mình phải nhận, cố gắng đi vào cuộc đời lao động ở công trường, xí nghiệp để sống cho có ý nghĩa hơn, về sau trở thành một công nhân giỏi, một chiến sĩ thi đua…

Với một câu chuyện như vậy, một nhà văn có cặp mắt nhìn trung thực và tấm lòng chân thành yêu cuộc sống cách mạng của chúng ta hiện nay đã có thể viết nên một tác phẩm, ít nhất cũng trong sáng và lành mạnh, làm cho người đọc thêm tin tưởng ở chế độ ta, ở sự nghiệp cách mạng XHCN của ta, làm cho nam nữ thanh niên sắp bước vào đời thêm quyết tâm lên đường đi vào các mặt trận lao động sản xuất. Nhưng trong tiểu thuyết “Vào đời”, cũng với câu chuyện ấy, nhà văn Hà Minh Tuân đã đưa lại cho chúng ta một tác phẩm đen tối, lệch lạc và độc địa, làm cho những người đọc chưa hiểu biết nhiều về đời sống nhìn sai sự thật về tình hình của các công trường xí nghiệp cũng như của thủ đô Hà Nội trong những năm vừa rồi, làm nẩy nở những mối lo ngại, ngờ vực, bực bội, hồ đồ không đúng và có hại đối với trật tự xã hội mới, đối với chế độ ta. Đặc biệt, đối với nam nữ thanh niên sắp vào đời như người trong truyện thì tác phẩm này đưa ra một hình ảnh hãi hùng có thể làm lung lay tinh thần của họ trong các đợt vận động lớn hiện nay của Đảng kêu gọi thanh niên xung phong tình nguyện đi tham gia phát triển kinh tế ở miền núi hay xây dựng nông thôn mới.

“Vào đời” là tác phẩm giương lên một chủ đề tốt rồi luồn vào một nội dung xấu, phát ra nhiều nhận thức và tư tưởng nguy hại. Chúng ta cần phải vì đời sống tinh thần của nhân dân ta lúc này cũng như vì sự phát triển đúng hướng của văn học mà nhìn cho thấy hết cái lệch lạc và độc địa của nó.

Cần phải nói ngay rằng tiểu thuyết “Vào đời” đã được xây dựng bằng tưởng tượng chủ quan, tùy tiện của tác giả hơn là bằng sự quan sát và nghiên cứu nghiêm túc hiện thực của đời sống. Hà Minh Tuân đã có một thời gian đi về kiếm tài liệu sáng tác ở một xí nghiệp chế tạo cơ khí ở Hà Nội. Nhưng dấu vệt rõ nhất của cuộc “thâm nhập thực tế” ấy trong “Vào đời” chỉ thấy ở một số đoạn, số trang miêu tả vài cảnh sản xuất, thao diễn kỹ thuật, kể cũng khá tỉ mỉ, nhưng vô cùng bằng phẳng, nhạt nhẽo… Còn những tính cách nhân vật trong truyện với hành động, tâm lý của chúng, những biến cố, mâu thuẫn, vấn đề nêu lên trong truyện cùng nội dung, biến diễn và không khí hoàn toàn có thể coi là sản phẩm riêng của đầu óc nhà văn Hà Minh Tuân, chế tạo bằng đủ thứ tưởng tượng và suy luận chủ quan của anh, do anh tha hồ vẽ vời, thêu dệt, bịa đặt…

Với lối sáng tác tùy tiện, chủ quan như vậy, tiểu thuyết “Vào đời” đã khó có thể phản ánh chân thực hiện thực của các công trường, xí nghiệp và thành phố Hà Nội của chúng ta trong thời kỳ này. Huống hồ, với một số vấn đề ở ngay trong lập trường, quan điểm, tư tưởng của tác giả như ta sẽ nhận rõ sau đây, tác giả viết “Vào đời” không phải để phản ánh mà để cố tình xuyên tạc hiện thực nữa!

Trong “Vào đời”, tình hình của cái công trường và xí nghiệp cơ khí trong truyện có vẻ cực kỳ hỗn độn, phức tạp, lưu manh phản động trà trộn trong công nhân, hiếp dâm, lừa đảo, ly gián vợ chồng người ta, lôi kéo các phần tử bất mãn phá hoại máy móc và chính trị trong nhà máy, thậm chí tổ chức được cả biểu tình đòi bắt giám đốc bỏ rọ, mà chúng đã làm những tội ác này ngang nhiên, liên tục trong suốt cả một thời gian dài. Bộ máy quản lý công trường và xí nghiệp ấy, từ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đến cán bộ lãnh đạo đều một duộc quan liêu. Chi bộ và chi đoàn thanh niên không làm được việc gì thiết thực hơn là động viên tinh thần, giáo dục tư tưởng suông và vụng về. Cứ như Hà Minh Tuân làm cho người đọc hình dung thì các công trường xí nghiệp của ta quả thật chẳng có gì bảo đảm cho kỹ thuật sản xuất, trật tự an ninh, cho sự thành công của công cuộc xây dựng công nghiệp ở nước ta cũng như sự tiến bộ của con người lao động ở đây. Trách nào khi sa vào đây, bước đường vào đời của cô Sen chẳng gian truân, khốn khổ mãi! Sự thật thế nào? Lấy tình hình thực tế của một số công trường, xí nghiệp hồi ấy mà kiểm điểm thì không khó gì mà không vạch ra được rằng Hà Minh Tuân đã lượm lặt một số hiện tượng cá biệt và không tồn tại lâu, và cũng không tìm rõ nội dung và nguyên nhân của sự việc, cứ thế đem tùy tiện khai thác, phóng đại mặt tiêu cực đen tối đến thành ra giả tạo, vô lý.

Người ta lại thấy trong “Vào đời” có nhiều nét phản ánh tình hình đời sống của công nhân nhà máy và nhân dân thành phố Hà Nội ta, không phải bằng những hình ảnh, mà bằng những nhận xét trực tiếp về mậu dịch, về công an, về tuyên truyền, báo chí, về sự chăm lo đời sống vật chất, văn hóa cho công nhân, v.v. Những lời chỉ trích cay chua về bao nỗi thiếu thốn, phiền nhiễu, bực mình trong đời sống hàng ngày này đã được tác giả bắt những người công nhân tích cực nhất trong “Vào đời” thốt lên; và nghe những lời chứng nhận “trung thực” của “quần chúng cách mạng” ấy, ai còn dám chẳng tin là tình hình sinh hoạt của nhân dân và công nhân Hà Nội khổ sở quá, chẳng được lo cải thiện gì về vật chất và văn hóa… Những người hiểu biết về tình hình Hà Nội và các xí nghiệp bây giờ không khó gì mà không phân tích ngay dược đúng sai trong những lời “tố khổ” hàm hồ, lu loa ấy: trong những hiện tượng được nêu lên, có những điều là những thiếu sót thật sự của những bộ phận hay cá nhân không chấp hành đúng những chế độ đã được đề ra (tổ chức, giải trí, văn hóa cho công nhân…), có những điều là những vấn đề tồn tại chưa giải quyết của một số cơ quan (sự quản lý chưa chặt chẽ và sự giáo dục chưa đến nơi của mậu dịch đối với một số nhân viên, tổ viên hợp tác xã vẫn còn giữ thói tắt mắt, giam tham cũ của những người buôn bán riêng lẻ trước kia…), nhưng cũng có những điều là những biện pháp chính đáng, cần thiết, đáng lẽ ai cũng thấy có trách nhiệm ủng hộ, chấp hành (công an chọn những buổi đông người qua lại nhất trên đường phố để gây nền nếp trật tự giao thông, nền nếp sống văn minh trong thành phố…). Nhưng Hà Minh Tuân đã đi nhặt tất cả các hiện tượng khác nhau này, không phân biệt bản chất và nguyên nhân khác nhau, cái khó khăn bị coi là khuyết điểm mà chính ngay cái tốt cũng bị đem biến thành khuyết điểm, đem liên kết lại với nhau để làm thành một bản nhận xét đủ mặt về đời sống của Hà nội, không phải chỉ là phiến diện, vũ đoán, quy kết vội vàng, mà chính là xuyên tạc sự thật một cách cay độc, phản đối trật tự xã hội mới một cách hằn học.

Đọc xong “Vào đời” cái gì sẽ để lại rõ nét nhất trong trí nhớ người đọc? Một cuộc vào đời toàn là tai họa và bi kịch éo le, hạnh phúc riêng tan vỡ… Bao nhiêu chuyện bất lương đồi bại vẫn còn có đất ngang nhiên phát triển trong xã hội chúng ta, ở những nơi mà trật tự và an ninh đáng lẽ phải được bảo đảm nhất là thành phố và xí nghiệp… Đời sống công nhân và nhân dân còn khổ sở, thiếu thốn quá, đó đây có dịp hay không có dịp cũng thấy bật lên trong quần chúng những tiếng bực dọc hay mỉa mai… Lãnh đạo thì ở đâu cũng chỉ thấy quan liêu, không quan tâm đến đời sống quần chúng, chỉ biết tuyên truyền và động viên một chiều, chính trị suông…

Dù là bằng một số hình tượng riêng biệt hay là bằng cả hệ thống hình tượng của nó, có khi lại bằng cả những đoạn chính luận phát biểu dưới hình thức mượn lời nhân vật, tiểu thuyết “Vào đời” đã có nhiều tác động thâm độc vào tưởng tượng, nhận thức và tình cảm người đọc, gợi ngầm những liên hệ không tốt và những phán đoán, suy diễn không đúng về tình hình của các công trường xí nghiệp và thành phố của ta, về đời sống của công nhân và nhân dân lao động ta, và phát động lên cả một mớ ác cảm, thành kiến nguy hiểm đối với cán bộ lãnh đạo và một số ngành công tác chủ yếu trong công cuộc xây dựng CNXH của ta như công nghiệp, mậu dịch, báo chí, một số cơ quan quan trọng cho nền chuyên chính dân chủ nhân dân của ta như công an, nói tóm lại hầu hết các bộ phận then chốt của chế độ ta.

Vấn đề ở đây không phải là có được viết hay không được viết những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội ta hiện nay.

Đường lối văn nghệ của Đảng đã chỉ rõ trong bức thư của Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba: “Nhân dân ta yêu cầu văn nghệ không chỉ biểu dương những ưu điểm và thắng lợi, mà còn phải thẳng thắn phê bình những khuyết điểm và nhược điểm trên bước trưởng thành của cách mạng với một tinh thần xây dựng và một thái độ chân thành”.

Hà Minh Tuân trong “Vào đời” đã viết về những hiện tượng phức tạp, tiêu cực ở công trường, xí nghiệp và thành phố một cách thiếu trung thực, thổi phồng những cái lẻ tẻ thành rộng lớn bao trùm, đánh tráo những cái trắng thành đen, phải thành trái… Thái độ của anh lại không có gì là chân thành xây dựng: những cái anh viết trong “Vào đời” chỉ có tác dụng làm lẫn lộn, mờ mịt nhận thức và tình cảm của người đọc, chứ không giúp họ hiểu rõ tình hình thực tế, phương hướng giải quyết và trách nhiệm đóng góp của mình. Nhiều đoạn trong “Vào đời” thật ra có thể dùng để minh họa, giúp thêm sức thuyết phục cho những luận điệu thù địch bắt bẻ, dèm pha, khích động quần chúng ngờ vực, lo ngại, bất mãn đối với sự nghiệp cách mạng XHCN của ta.

Có bạn chỉ nhìn thấy cái “hỏng” của “Vào đời” về phương diện nghệ thuật tiểu thuyết và chỉ muốn cho rằng nguyên nhân thiếu sót của tác phẩm này là tác giả chưa nhuần nhuyễn vốn sống và kém kỹ thuật, thiếu tài năng. Bài phê bình“Vào đời” trong tuần báo “Văn nghệ” số 9, cũng như một bài điểm sách nhỏ của tuần báo ấy mới đây, chỉ nặng về phần nhận xét “nghệ thuật” của tác phẩm ấy, rất nhẹ về phần phân tích và phê phán nội dung tư tưởng của nó. Đồng ý, “Vào đời” là một tác phẩm rất kém, vừa sơ lược vừa giả tạo. Nhưng trong trường hợp “Vào đời”, phải chăng chỉ có vấn đề nghệ thuật?

Theo dõi tiểu thuyết “Vào đời” từ trang nọ đến trang kia, ta luôn luôn bắt gặp những biểu hiện của một lập trường tư tưởng xa lạ, nó chi phối, khiến tác giả xây dựng nhân vật và tình tiết, trình bày các hiện tượng và các vấn đề một cách tùy tiện, độc đoán, có khi rõ ràng là vô lý để gò vào cho đúng ý đồ chủ quan của mình.

Ví dụ: Nhân vật Hiếu là một bộ đội phục viên, bản chất tốt. Vậy mà về sau anh ta thay đổi một cách kỳ quặc: không những mất phẩm chất cách mạng mà còn mất cả phẩm chất đạo đức thông thường của con người nữa. Động cơ gì đã đẩy anh ta tới chỗ sa đọa tột cùng như vậy? Tác giả đã gợi cho người đọc hiểu rằng chính chỉ vì anh ta đã có bố bị quy oan trong cải cách ruộng đất; mỗi khi sắp sa vào một hành động, tư tưởng xấu xa nào thì yếu tố thôi thúc lòng anh ta mạnh nhất là hình ảnh ông bố tự treo cổ, “lưỡi thè lè ra ngoài mồm”.

Chúng ta biết rằng, sau khi hoà bình lập lại, có những đồng chí đảng viên, cán bộ, bản thân hay gia đình bị quy oan trong CCRĐ, nhưng đứng trên lập trường giai cấp vô sản, lập trường của Đảng mà nhìn nhận thắng lợi cũng như nguyên nhân sai lầm trong CCRĐ, những đồng chí ấy không hề vì tình cảm cá nhân mà đâm ra oán hận, rồi sa ngã; trái lại cũng có những đảng viên, cán bộ chẳng bị liên quan gì trong CCRĐ, nhưng sau khi vào thành phố vùng tạm bị chiếm cũ, bị quáng mắt vì sinh hoạt hưởng lạc của giai cấp tư sản, những thèm muốn bản năng trỗi dậy, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa vùng lên, lại gặp mặt những phần tử xấu của tư sản hay có khi cả những tay sai đế quốc lẩn lút cám dỗ, đâm ra sa ngã, mất phẩm chất cách mạng, cam tâm phá hoại sự nghiệp của Đảng cũng như chính đời mình, đã hành động như Hiếu trong truyện và có khi còn hơn thế nữa (như một số trong bọn phá hoại Nhân văn – Giai phẩm mà ta đã biết). Cắt nghĩa nguyên nhân của cả một quá trình sa đọa, biến chất phức tạp của một đảng viên, cán bộ, không nhìn thấy rõ bản chất tư tưởng của họ và sự tác động của những môi trường xã hội xấu xa mà lại đổ cả cho hậu quả của một cuộc đấu tranh giai cấp do Đảng ta lãnh đạo nông dân tiến hành, thì tức là che lấp bản chất của vấn đề, làm lạc hướng nhận thức và tình cảm của người đọc một cách nguy hiểm. Quy hết trách nhiệm cho công cuộc CCRĐ trong sự kiến giải tính cách nhân vật Hiếu, đó chỉ là một lối nhận thức giản đơn hay đó chính là vì tác giả vẫn có một ác cảm xấu xa đối với CCRĐ và cố tình gợi lại thành kiến không đúng của người ta đối với cuộc đấu tranh giai cấp ấy?

Trong “Vào đời” ta luôn luôn thấy đề cập vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu, và đối tượng của cuộc đấu tranh chống quan liêu quy mô lớn nhất trong truyện là hai cán bộ lãnh đạo xí nghiệp, Cư và Chiến. Bọn bất mãn do mấy tên lưu manh phản động cầm đầu đã tổ chức biểu tình chống hai cán bộ này, các công nhân tích cực không tán thành thái độ, phương pháp “đấu tranh” của bọn này nhưng thật sự thì đồng ý với nội dung đấu tranh của chúng: trong một hội nghị quan trọng ở xí nghiệp, chi bộ, đoàn thanh niên và công nhân, lại kéo được cả một phái viên của Trung ương Đảng và một đại biểu của Thành ủy Hà Nội tham gia, đã tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào hai cán bộ lãnh đạo ấy, “đánh thọc sâu vào những lô-cốt chính của kẻ thù trước mắt: bệnh quan liêu”. Nhưng đọc cho kỹ cả tác phẩm, bây giờ mà bảo ta nói rõ lại diện mạo của “kẻ thù” ghê gớm ấy, thì kể cũng khó. Biểu hiện đáng kết án nhất của tội quan liêu của hai cán bộ ấy, nghe đâu chỉ là việc đuổi thợ, trường hợp thế nào không cụ thể. Rõ ràng là chính tác giả đã cố tình úp chụp cái mũ “quan liêu” vào những nhân vật ấy để đẩy họ ra cho công nhân đấu tranh, vì bản thân tác giả đã có ác cảm sẵn sàng rằng đã là cán bộ lãnh đạo thì phải quan liêu, cán bộ lãnh đạo mà không quan liêu (như vị giám đốc đến thay Cư, Chiến) thì là một hiện tượng không bình thường…

Nhưng mối ác cảm hằn học của tác giả “Vào đời” còn bộc lộ rải rác trên nhiều vấn đề, nhiều công tác nữa; và chúng đã trở thành những ám ảnh khiến cho ngay khi không có cơ hội gì cần thiết, không liên quan gì đến sự phát triển của nội dung tác phẩm, cũng thấy tác giả buột ra, như trong những trường hợp cố tình đả kích mậu dịch, công an, tuyên truyền, báo chí,… đã nói ở trên.

Những mối ác cảm này đã cho ta một số dấu vết để nhìn ra lập trường tư tưởng nào đã được phản ánh trong cách nhìn, đánh giá và tỏ thái độ đối với các hiện tượng trong cuộc sống của mỗi chúng ta ngày nay.

Lập trường này là của giai cấp bóc lột cũ vốn thù hằn các cuộc đấu tranh giai cấp do Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi, chúng căm ghét nền chuyên chính dân chủ nhân dân của ta, và nhìn các công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa XHCN của ta một cách thù địch, vui mừng hả dạ trước mỗi khuyết điểm, thất bại của ta, nhưng cáu kỉnh, chua chát trước mỗi ưu điểm, tiến bộ của ta. Những giai cấp này đã bị tiêu diệt về mặt kinh tế và chính trị, nhưng tư tưởng của chúng vẫn còn sống dai dẳng không những trong những phần tử của các giai cấp ấy chưa cải tạo mà còn trong một số người thuộc nhân dân lao động, trong một số đảng viên ta chịu ảnh hưởng sâu xa của chúng. Những người mang tư tưởng này sống trong cuộc sống XHCN của ta mà như chỉ sống có một nửa. Những biến chuyển cách mạng long trời lở đất làm đổi thay vận mạng của hàng triệu con người lầm than đau khổ, những thắng lợi lớn lao của công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa XHCN, những vấn đề trọng đại quan hệ tới vận mệnh, tiền đồ của dân tộc mà Đảng và nhân dân lao động đang ra sức phấn đấu để giải quyết, họ có biết nhưng không thấy được nội dung cách mạng trong đó; vốn không quan tâm nhiều lắm đến những cái gì không phải là lợi ích, nhu cầu của bản thân mình, trước mắt họ chỉ có những vấn đề đáng kể nhất là tiền đồ và đãi ngộ, là sự phân phối, là những khoản cải thiện đời sống, v.v. cho họ. Sự lấy hưởng thụ cá nhân làm cái thước đo giá trị mọi sự vật làm cho người ta không bao giờ thông cảm được những điều kiện gian khổ, phức tạp của thực tiễn xây dựng CNXH, cho nên khi nào không thỏa mãn được những nhu cầu riêng về ăn, mặc, ở, vui chơi, thì họ nhìn thấy ngay là cái gì cũng thiếu cả, hỏng cả, giảm đi cả, đáng chán cả, từ cơ quan, công trường không bố trí cho họ một phòng riêng, mậu dịch thiếu vải bán, hiệu ăn hợp tác bán phở nhạt, cán bộ lãnh đạo giải thích chủ trương cho họ quá cặn kẽ… Nếu họ lại có văn hóa, có “lý luận” một chút, nghe lỏm được một số quan điểm xa lạ nào đó về lý luận triết học, chính trị kinh tế học, mỹ học, họ tiến tới một bước cao hơn, trình bày những quan điểm “rộng rãi” và “mới mẻ” về con người, về hạnh phúc, ước mơ, về mỹ cảm, để đòi xét lại mọi chủ trương chính sách.

Tư tưởng của hạng người này là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa tư sản tùy theo điều kiện từng lúc mà thay đổi hình thức, sắc thái biểu hiện.

Tác giả “Vào đời” đã thể hiện trong tác phẩm mình luồng tư tưởng ấy. Một luồng tư tưởng hiện nay có một số hoàn cảnh để trỗi dậy mạnh hơn trước, khá hung hăng, trắng trợn. Nó lộ rõ trong cách nhìn và thái độ hằn học, bực tức của tác giả trong “Vào đời”.

Không đập mạnh vào luồng tư tưởng chống đối này, mà “Vào đời” minh họa bằng hình tượng văn học, thì sự nhất trí về chính trị và tinh thần của toàn Đảng, toàn dân ta không khỏi bị tổn hại.

Tiểu thuyết “Vào đời” vừa xuất bản, đã có ngay nhiều ý kiến phê bình nghiêm khắc. Đó là một dấu hiệu đáng mừng của sự quan tâm của nhân dân ta đối với văn học cũng như đối với đời sống tư tưởng của xã hội.

Nhà xuất bản Văn học, khi in cuốn tiểu thuyết này, không nghiên cứu nghiêm túc nội dung tư tưởng và nghệ thuật của nó, bây giờ đã nhìn thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước nghệ thuật hay chưa?

Nhiều báo đã kịp thời phê phán cuốn tiểu thuyết này, nhưng tiếc rằng bài “điểm sách” và bài phê bình “Vào đời” trên một tờ báo chuyên về công tác văn nghệ là tuần báo “Văn nghệ” vẫn chưa phân tích, đánh giá tác phẩm văn học này một cách nghiêm chỉnh, đúng mức.

MINH TÂM

Nguồn:

Nhân dân, H., s. 3380 (29.6.1963), tr. 3

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (37): “VÀO ĐỜI” (8) CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (37): “VÀO ĐỜI” (8) Reviewed by Phạm Thu Hương on 19:18 Rating: 5

Không có nhận xét nào: