CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (39): “VÀO ĐỜI” (10)

(5/7/1963. Báo “Văn nghệ”, s. 10: Nguyễn Đình Thi: Cần phê bình rất nghiêm khắc quyển truyện “Vào đời”:

Tôi phải thú thật là tôi đã đọc quyển truyện “Vào đời” của Hà Minh Tuân một cách chật vật. Quyển truyện khá dày, mà những trang sách viết sơ sài và bằng phẳng cứ như đẩy người đọc ra. Tác giả cố thêu dệt nhiều tình tiết éo le, gai góc, pha vào truyện những chất “lâm ly hấp dẫn”, thì lại càng làm cho người đọc phát ngán và bực bội.

Nhưng, “Vào đời” không chỉ là một quyển truyện viết kém cỏi. Đúng như nhiều báo chí đã phê bình, đó là một quyển sách mang nội dung xấu, có hại.

“Vào đời” kể chuyện cô Sen, một nữ học sinh con một gia đình viên chức ở Hà Nội, bị cha mẹ tham danh tham tiền, ép gả cho một người nhiều tuổi. Cô bèn bỏ nhà, đi làm ở một công trường. Cô không quen làm việc chân tay vất vả, rồi lại bị hai tên lưu manh đón đường hãm hiếp có mang. May gặp Hiếu, một đại đội trưởng phục viên, đem lòng yêu, che chở. Hai người lấy nhau, nhưng Hiếu bất mãn với cải cách ruộng đất, với mọi chính sách, và sa đọa dần về tư tưởng, sinh hoạt và về chính trị. Cuối cùng Hiếu bị trừng phạt, và bắt đầu tỉnh ngộ. Trong hoàn cảnh đau khổ ấy, cô Sen được Trần Lưu, bí thư chi đoàn thanh niên, vốn thầm yêu cô, ra sức giúp đỡ. Sống với những người công nhân như bác Biền, chị Bổn, cô dần chính chắn lên và được đi học nghề cơ khí, rồi trở thành chiến sĩ thi đua trong nhà máy.

Nếu ta lướt nhanh hoặc đọc theo lối “cóc nhảy” để biết qua đầu đuôi câu chuyện, thì tưởng chừng không có vấn đề gì lắm. Hơn nữa tác giả “Vào đời” còn cẩn thận “quy thành phần” cho các nhân vật của mình: bao nhiêu nhân vật mà tác giả muốn nêu thành “tích cực” đều là gốc công nhân hoặc bần cố nông, những nhân vật tiêu cực dao động, bất mãn là gốc tiểu tư sản, còn bọn xấu là những tên lưu manh ngụy quân cũ lẻn lút trá hình. Có lẽ chỉ có mấy cán bộ “quan liêu” trong truyện là chưa được tác giả kể rõ nguồn gốc. Song mặc dù câu chuyện và các nhân vật trong “Vào đời” đã được sắp xếp rào đón như vậy, người đọc vẫn thấy từ những trang sách vẩn lên nhiều chất độc tư tưởng nguy hại. Những tư tưởng lệch lạc và xấu ấy toát ra từ toàn bộ bức tranh xã hội trong quyển “Vào đời”, cũng như từ nhiều nét chi tiết rải rác, có chi tiết lắp đi lắp lại, có chi tiết đưa ra tùy tiện, chẳng dính dáng gì đến cốt truyện. Nội dung tư tưởng xấu ấy toát ra từ cách nhìn và thái độ của tác giả đối với những sự việc và con người, nó cũng toát ra từ những mơ tưởng, những tình cảm sặc mùi cá nhân chủ nghĩa.

Nhìn vào bức tranh xã hội trong truyện “Vào đời”, ta có cảm tưởng như tác giả đã chui vào một đống rác bên đường, khuấy tung lên mà lại bảo rằng đó là hình ảnh của đời sống xã hội ta. Thời gian trong truyện là những năm 1956-57 đến 1960. Đó là thời kỳ xã hội ta có những biến chuyển cách mạng to lớn và sâu sắc. Cải cách ruộng đất đã hoàn thành làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của hàng chục triệu nông dân lao động. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá kiệt quệ, chúng ta đã vượt qua trăm nghìn khó khăn, làm mọc lên những công trường nhà máy mới đầu tiên. Đồng thời, một phong trào cách mạng sôi nổi đã diễn ra, đấu tranh cải tạo giai cấp tư sản ở thành thị, và hợp tác hóa nông thôn, xóa bỏ nạn bóc lột, làm thay đổi toàn bộ cơ cấu của xã hội, tạo ra những quan hệ mới giữa người với người. Nhưng trong “Vào đời” người ta không hề thấy phản ánh những sự thật to lớn ấy. Trái lại, cuốn truyện đã mô tả bừa bãi cảnh sống ở công trường nhà máy thành một nơi hỗn độn, bọn lưu manh ngang nhiên hoành hành, tác quái, cán bộ lãnh đạo thì “quan liêu” cả loạt, còn một số công nhân bất mãn bị bọn lưu manh khích động phá phách, tất cả tạo thành một cảnh sống rối ren đầy những tai nạn bất trắc, úp chụp lên bước vào đời chìm nổi ai oán của một cô gái yếu ớt.

Vẽ ra bức tranh xã hội nặng nền ấy, quyển truyện “Vào đời” đã trình bày những sự kiện cách mạng theo con mắt nhìn nhiều lúc rối loạn, thậm chí xoay ngược hẳn lại tốt hóa thành xấu, xấu hóa thành tốt. Đối với những thắng lợi to lớn của cải cách ruộng đất, những nhân vật lưu manh và nhân vật Hiếu thở ra toàn giọng hằn học cực kỳ phản động, nhưng tác giả “Vào đời” không sao phê phán nổi, trái lại còn cố “thông cảm” với những “dằn vặt” của Hiếu, và cố miêu tả rằng Hiếu sở dĩ sa ngã, phần chính là vì cải cách ruộng đất có sai lầm. Đối với việc cải tiến quản lý xí nghiệp, quyển truyện “Vào đời” đã miêu tả thành ra tình hình cả một loạt cán bộ lãnh đạo nhà máy, từ giám đốc đến trưởng phòng tổ chức, trưởng phòng kỹ thuật đều “quan liêu” tồi tệ, và đem công nhân đấu tranh với cả loạt cán bộ ấy. Đây là một cách nhìn bóp mép rất độc hại, chĩa mũi nhọn căm ghét vào cán bộ mà tác giả cho là “quan liêu”, cách nhìn này hoàn toàn không có gì phù hợp với việc tiến hành cải tiến quản lý xí nghiệp của ta. Đối với đời sống hàng ngày của nhân dân, truyện “Vào đời” khi thì qua nhân vật xấu, khi thì qua cả miệng nhân vật mà tác giả nêu lên là “tích cực”, đã đưa ra những lời phàn nàn, chỉ trích bực dọc những khó khăn thiếu thốn về ăn, ở, mua bán, trật tự công cộng, v.v., không những vậy, còn đưa ra những lời mỉa mai chỉ trích nhiều cơ quan báo chí, tuyên truyền, mậu dịch, hợp tác xã, công an, v.v.

Về mặt nhận thức và quan điểm của cuốn “Vào đời” đối với những vấn đề chính sách lớn thì như vậy, còn về mặt nhân sinh quan, đạo đức và tình cảm thì sao? Đối với lao động, cuốn “Vào đời” đã miêu tả một số cảnh làm việc ở công trường nhà máy, để minh họa là lao động đã rèn luyện dần cô Sen. Nhưng những cảnh lao động trong truyện mới là cảnh chụp ảnh nhạt nhẽo từ bên ngoài, còn khi tác giả đi vào miêu tả tâm trạng của Sen trong bước đầu tập gánh thì người ta thấy lao động chân tay thật ghê gớm đáng hãi hùng. Miêu tả tình yêu và quan hệ nam nữ, nhiều trang trong cuốn “Vào đời” sặc một mùi khó chịu: đó là những chuyện xác thịt khêu gợi úp mở trong một thứ ánh sáng xanh mờ “huyền ảo”, đó là những cách yêu “mã thượng”, hoặc cách “theo đuổi” lãng mạn song thực ra coi người đàn bà như đồ chơi, đó là cái kết thúc lửng lơ, phân vân trong tình cảm của cô Sen giữa một bên là Hiếu một bên là Trần Lưu. Thêm vào đấy, những cảnh ăn uống chơi bời, chưa kể những thứ “triết lý” hưởng lạc thô bỉ của mấy tên lưu manh mà tác giả bê nguyên vào trang giấy, không cần ngượng cho ngòi bút. Những tình cảm lãng mạn ủy mị lối tiểu tư sản pha lẫn với một chủ nghĩa cá nhân tư sản đầy thèm muốn tàn bạo và vẩn đục được xoa vuốt, tô điểm cho có một vẻ “đẹp lý tưởng”, nhưng đã gây ra một phản ứng rất khó chịu trong người đọc. Tuy nhiên, trong những tâm hồn còn non dại, những thứ chất “hấp dẫn” ấy có thể tác hại không ít.

Tôi không muốn đi nhiều vào phần “nghệ thuật” của cuốn “Vào đời”. Theo tôi, tác giả “Vào đời” hình như luôn luôn cố làm sao cho truyện khỏi sơ lược, cho nên đã từ một ý định trước rất sai lệch mà chắp vá đủ thứ chi tiết và hiện tượng, lượm lặt lung tung. Vì vậy, người ta thấy một cách miêu tả vừa “tự nhiên chủ nghĩa” rất nặng, lại vừa cường điệu giả tạo và công thức.

Vì sao tác giả “Vào đời” đã rơi vào một kết quả nguy hiểm và thảm hại như vậy? Có bạn cho rằng vì bàn tay nghệ thuật của người viết non yếu, khác nào người phù thủy thả âm binh ra rồi bị âm binh quật ngã. Có bạn cho rằng vì tác giả “Vào đời” còn nghèo vốn sống, thiếu hiểu biết về thực tế ở công trường nhà máy, đi lượm lặt một mớ “tài liệu” sống sít và méo mó rồi về chắp vá vội vàng bừa bãi, và còn bịa đặt thêm thắt vào sao cho lắt léo để “chống sơ lược” cho nên ra vậy. Theo tôi, hai điều trên đây đều có cả, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ở tư tưởng lệch lạc nghiêm trọng của tác giả. Nội dung tư tưởng của cuốn “Vào đời” có những nhân tố khá phức tạp. Một mặt, đây đó trong truyện, ta cũng thấy những câu thuyết lý về cái tốt của đời sống chúng ta, có khi là nhân vật thuyết lý, có khi chính tác giả đứng ra thuyết lý ngay giữa câu truyện. Nhưng một số câu thuyết lý trừu tượng ấy đã bị chìm ngập trong một luồng tư tưởng xấu biểu hiện thành những hình tượng cay độc, những lời nói gai ngạnh, những ý nghĩ tình cảm hằn học, có lúc nổi lên phá phách, có lúc chán nản, yếu hèn, có lúc thèm muốn đòi hỏi. Trong luồng tư tưởng xấu này đầy rẫy những tình cảm bạc nhược, dao động, tự xoa vuốt mình, sợ lao động, sợ những khó khăn gian khổ của cách mạng, những tình cảm ấy quyện chặt với một chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi hưởng thụ một cách gắt gao, tàn nhẫn. Trên cái miếng đất tư tưởng như vậy đã mọc lên những “quan điểm” những luận điệu rất xấu bắt nguồn từ các giai cấp bóc lột bị đánh đổ, nhìn vào cải cách ruộng đất, nhìn vào công việc cải tạo xã hội của Đảng một cách hằn học. Cách nhìn này vin vào những khó khăn hoặc khuyết điểm tạm thời trong đời sống mà thổi phồng lên, lu loa, chỉ trích, và đặc biệt căm ghét cán bộ mà nó cho là một bọn “quan liêu”. Luồng tư tưởng xấu này biểu hiện rải rác trong khắp truyện “Vào đời” và khá tập trung trong nhân vật Hiếu, mà tác giả “Vào đời” trình bày là một con người tốt, lỡ bước sa ngã, nhưng đáng thương, đáng phàn nàn, và vẫn còn khía đáng yêu. Nhưng thật ra trong “Vào đời” nhân vật Hiếu đã đóng vai trò phá hoại và làm cái loa cho các giai cấp bóc lột phản động. Ngay những nhân vật mà tác giả muốn nêu lên là “tích cực” như Trần Lưu, thì cũng để lại một ấn tượng vô duyên, có lúc lố lăng buồn cười, luôn vuốt đuôi bọn xấu, nhìn cán bộ lãnh đạo một cách lệch lạc, và tự cho mình có quyền chỉ trích lung tung mọi việc.

***

Với nội dung như vậy, cuốn “Vào đời” in ra, đã bị dư luận lên án là đích đáng.

Ban biên tập nhà xuất bản Văn học (cũ) cho in ra quyển sách này, đã phạm khuyết điểm nặng đối với nhân dân và đối với sự ủy thác của Hội nhà văn.

Tuần báo “Văn nghệ”, đáng lẽ phải phân tích phê phán quyển sách này một cách kịp thời và nghiêm khắc, thì chưa làm được nhiệm vụ chiến đấu của mình một cách nghiêm chỉnh và đúng mức. Báo “Nhân dân” đã nhận xét và nhắc nhở điều đó rất chính xác. Ban biên tập tuần báo “Văn nghệ” chúng tôi xin chân thành tiếp thụ sự phê bình của báo Đảng.

Trong lúc nhiều nhà văn ta, phấn khởi với những thành tích tốt đẹp của văn học mấy năm vừa rồi, đang hăm hở đi vào các mặt của đời sống để chuẩn bị viết những tác phẩm mới tốt hơn, hay hơn trước, thì cuốn “Vào đời” như một luồng khói độc trong bầu không khí trong lành của văn học. Cần phải đấu tranh không khoan nhượng, phê bình rất nghiêm khắc quyển sách có hại này để tẩy rửa những chất độc của nó, làm cho sự sáng tác văn học của ta càng trong trẻo lành mạnh hơn.

Qua việc phê bình quyển “Vào đời”, chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm cao quý của người viết văn dưới chế độ ta. Muốn viết được tác phẩm có ích và giá trị, người viết văn không thể có con đường nào khác là phải trau dồi cho mình một lập trường cách mạng vững chắc, phải có một tâm hồn trong sáng để có thể nhìn đúng sự thật, phải bền bỉ và thực sự lăn mình vào đời sống cách mạng của quần chúng, và phải viết thận trọng, công phu, với ý thức trách nhiệm rất cao về từng dòng chữ mà mình gửi đến bạn đọc.

Anh Hà Minh Tuân, tác giả “Vào đời” đã không làm như vậy. Quyển sách của anh mang một nội dung tư tưởng xấu và vẩn đục, lại viết một cách cẩu thả tùy tiện. Mong anh rút được bài học thấm thía để sửa chữa và tiến bộ.

NGUYỄN ĐÌNH THI

● Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 10 (5.7.1963), tr. 17, 19.

05/7/1963: báo “Văn nghệ”, s. 10: Tự phê bình của Ban biên tập Nhà xuất bản Văn học (cũ):

Cuốn “Vào đời” của Hà Minh Tuân vừa phát hành thì đã có nhiều ý kiến phê phán nghiêm khắc nội dung tư tưởng và tác dụng xấu của nó, qua sự phát biểu trực tiếp của các bạn đọc và qua báo chí. Chúng tôi làm công tác biên tập của Nhà xuất bản Văn học (cũ), có trách nhiệm về việc cho ấn hành cuốn sách, được sự phê phán nói trên, đã nhân dịp này kiểm điểm lại những thiếu sót nghiêm trọng của chúng tôi.

Đọc lại cuốn “Vào đời”, chúng tôi nhận thấy cuốn sách đã phản ánh thực tế một cách xuyên tạc. Tác giả đã lượm lặt, chắp vá dồn cục lại thổi phồng lên một số hiện tượng xấu có tính chất lẻ tẻ và tạm thời, xảy ra trong thời gian của sự việc kể trong truyện ở các xí nghiệp, công trường và thủ đô Hà Nội, làm cho người đọc có ấn tượng một bức tranh toàn bộ nặng nề u ám về đời sống của xã hội ta hồi bấy giờ. Qua những đoạn mô tả, những câu đối thoại, tác giả đã để cho bọn xấu ngang nhiên chửi bới, đả kích vào chế độ, trong khi đó thì những nhân vật gọi là tích cực lại chỉ có những lời giải thích suông, nhưng câu thuyết lý dài dòng yếu ớt và thường là bỏ qua không đập lại chúng.

Có những lúc, cách nhìn hiện thực của tác giả và của bọn xấu lại giống nhau.

Tác giả đã thêu dệt ra một câu chuyện chống quan liêu mà việc chống “quan liêu” đó lại là do bọn lưu manh và phản động gây ra được chi bộ nhà máy và cả cấp trên nữa đồng ý.

Qua những nhân vật phản động và cả những nhân vật tốt, nhiều vấn đề đã được đưa ra và bị bóp méo. Cải cách ruộng đất, quản lý dân chủ, cải thiện đời sống, mậu dịch, công an, tuyên truyền, báo chí… đã bị chỉ trích hằn học hoặc cay chua.

“Vào đời” rõ ràng đã bộc lộ những tư tưởng xấu, những quan điểm rất trái ngược với quan điểm của Đảng và nhân dân ta.

Chúng tôi nhận thấy, với một nội dung tư tưởng như vậy, cuốn “Vào đời” có thể đã gây ra những ảnh hưởng xấu trong bạn đọc, nhất là trong bạn đọc thanh niên hiện đang hăng hái tham gia xây dựng đất nước. Các báo chí đã phân tích kỹ những lệch lạc nghiêm trọng của quyển sách, làm chúng tôi thấy rõ khuyết điểm trong công tác biên tập của chúng tôi. Do lập trường tư tưởng không vững, do trình độ nhận định thiếu sót mơ hồ, do tinh thần trách nhiệm còn kém, chúng tôi đã cho in một cuốn sách có những lệch lạc nghiêm trọng về tư tưởng. Dư luận độc giả và báo chí đã vạch rõ cho chúng tôi thấy điều đó. Và đó là một kinh nghiệm quý báu mà chúng tôi cần phải nghiêm chỉnh rút ra, để cải tiến công tác biên tập được tốt hơn.

BAN BIÊN TẬP

Nhà xuất bản Văn học (cũ)

● Nguồn:

Văn nghệ, Hà Nội, s. 10 (5.7.1963), tr. 17.

5/7/1963. Báo “Thống nhất”, s. 315: Phạm Hữu Tùng: Đọc sách: “Vào đời” của Hà Minh Tuân (Nxb. Văn học):

“Vào đời” không phải là một quyển sách trực tiếp nói về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước hay là nói riêng về những cán bộ miền Nam tham gia xây dựng miền Bắc, nhưng không phải vì thế mà nó không dính dáng gì đến sự nghiệp đấu tranh cho thống nhất. Nó nói về những con người hiện tại trên miền Bắc mà những người này dù muốn dù không cũng đang mang một sứ mệnh làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh quyết liệt của 14 triệu đồng bào miền Nam chống lại nạn xâm lược của đế quốc Mỹ và bọn tay chân của chúng, giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự hậu thuẫn đó biểu hiện trong sự nỗ lực của từng người và những kết quả của miền Bắc đạt được trong quá trình khắc phục khó khăn đẩy mạnh sự nghiệp kiến thiết miền Bắc tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc. Những lời của giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, tổng thư ký Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát biểu trong dịp đi thăm miền Bắc tháng 10 năm rồi cho chúng ta thấy rằng đồng bào miền Nam rất thông hiểu tính chất của những khó khăn mà miền Bắc phải trải qua để tiến lên CNXH, và đánh giá rất cao những kết quả mà miền Bắc đã đạt được, xem đó là chỗ dựa tinh thần và là nguồn tin tưởng quý báu nhất.

“Vào đời” đã phản ánh một tình hình khác hẳn mặc dù chừng như trong truyện, mọi việc rồi đều kết thúc tốt đẹp cả. Cô Sen, một cô gái Hà Nội, nhân vật chính trong truyện, bước vào đời, gặp một số khó khăn, tai nạn, rồi qua đấu tranh bản thân, với quyết tâm của một “đoàn viên thanh niên”, cô đã trở thành công nhân ưu tú, chiến sĩ thi đua, được biểu dương trên mặt báo. Nhà máy cơ khí nơi cô làm việc, qua cuộc đấu tranh của những phần tử “tiến bộ” đã đả phá thắng lợi tệ “quan liêu”, đã tiến lên một không khí thi đua hừng hực. Những phần tử lạc hậu, phá hoại, bị vạch mặt và bị trừng trị; tình yêu trong trắng nảy nở. Thế nếu không bảo là tốt đẹp thì còn đòi hỏi những gì nữa?

Tác giả có vẻ nắm rất vững thực tế. Sau những phút hoang mang dao động có ngay liều thuốc trợ lực cho Sen. Vừa vươn lên, gặp trở lực dập xuống, đã có cốt cán nâng đỡ. Bên cạnh những nhân vật thoái hóa có mặt những phần tử lập trường kiên định để khống chế sự tác hại. Và khi cuộc đấu tranh lên đến cao trào thì sức mạnh của tập thể, của chính nghĩa được tăng cường bằng sự có mặt của bộ trưởng, của đại diện thành ủy, của phái viên “Trung ương”.

Nhưng đó chỉ là cái sườn giả định. Cái chính là những gì tác giả muốn vẽ, muốn tả, muốn nói với người đọc đã bộc lộ một cái nhìn sai lệch đối với thực tế nếu không muốn nói là có ác ý. Không kể những nhân vật mà tác giả đã “chịu” là xấu như Mai, cảnh sát ngụy lộn sòng làm bộ đội chuyển ngành, cùng với Song, một tên lưu manh khác, cưỡng hiếp cô Sen đến mang thai, như Hiếu, một đại đội trưởng chuyển ngành, bất mãn cao độ, lúc nào cũng có cớ để đả kích lãnh đạo, chính sách, còn những nhân vật tiêu biểu cho bộ phận tiên tiến của giai cấp công nhân ở một nhà máy thuộc hạng lớn của miền Bắc mà tác giả vẽ ra thì thế nào? Có thể nói là chẳng anh nào ra làm sao cả.

Cả quyển sách 330 trang, muốn giở tìm những nét gọi là tốt đẹp của những con người “mới” đó thực là khó. Hãy xem ta có thể tự hào với những người nào và học tập ở họ những gì. Trần Lưu, bí thư đoàn thanh niên, thì tính tình quá thẳng, quá “triệt để” đến vụng về, càng sửa chữa càng “thẳng băng, cứng cỏi” đến trở nên “hắc và thô lỗ”. Anh sính nói chữ và hăng hái đi “xây dựng” quần chúng và được quần chúng… đánh cho sưng mồm sưng mắt hoặc rút dao định đâm anh. Rồi bác Biền, bí thư chi bộ, ông Hán, tân giám đốc có tác phong “sâu sát”, không thấy lãnh đạo hay ho như thế nào, chỉ thấy rõ nhất cái tác dụng lãnh đạo của bộ hai này trong lúc cùng với bí thư chi đoàn phê phán chuyện ngoài nhà máy và toàn là phê phán bố láo, xuyên tạc, phát ngôn hộ tác giả. “Không họp thì không dân chủ mà họp nhiều cũng khổ”, − đó là lời than thở của ông tân giám đốc gọi là có tác phong sâu sát! Nghe thế người ta đâm ra ái ngại cho ông ấy và cho nhà máy có được một ông như thế về lãnh đạo.

Điểm qua những nhân vật “chính phái” của truyện, người ta tự hỏi có phải đó là những phần tử tiên tiến nhất trong giai cấp công nhân mà tác giả đã phát hiện được trong giai đoạn diễn biến câu chuyện này chăng?

Bây giờ nói đến bước đi của cô Sen, một cuộc “vào đời” “tiêu biểu”. Không thể dùng chữ nào khác hơn “tiêu biểu” (tất nhiên cần hiểu đây là tiêu biểu theo cách trình bày của tác giả), bởi vì cô xuất thân từ một gia đình phi lao động và kết thúc cuộc vào đời bằng một “thắng lợi” đầy vinh quang, chiến sĩ thi đua năm 1960, năm 1961 lập kỷ lục mới về tiện. Cả một lớp thanh niên đang chuẩn bị “vào đời” sẽ tìm ở Sen cái lẽ gì để an tâm, tin tưởng, kiên định ý chí và hăm hở bước đi. Miền Nam cũng cần có những “mẫu đời” tươi sáng như thế nào để giải thích cái lẽ chiến đấu sống còn hiện tại, và miền Nam sẽ tìm thấy nguồn hy vọng gì ở đời Sen? Các báo khác đã nói về Sen khá nhiều. Cái vinh quang sao mà chua xót, miễn cưỡng, giả tạo! Người ta đâm ngờ cả những danh vị chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động. Phải chăng để đi đến đó là phải qua những mất mát không gì đền bù được nữa? Bị hiếp, rồi rơi vào tay một anh chồng sa đọa, phải trốn giấu gia đình để được đi lao động, rồi chết con giữa lúc đi dự hội nghị những người lao động XHCN! Trong khi đó thì đoàn thanh niên, chi bộ đảng không có việc gì khác hơn để làm ngoài việc hùng hục đánh con ma “quan liêu”, còn bọn lưu manh, thoái hóa, phá hoại thì ung dung tác ma tác quái suốt 5 năm trời, muốn chửi gì thì chửi, muốn đánh ai thì đánh, cho đến khi – may mắn làm sao! – công an vớ được chúng trong một lần giả đại tá, trung tá trong quân đội thường trực đi làm tiền phụ nữ (!)

Động cơ, trường hợp vào đời của Sen nó cao quý, đẹp đẽ như thế nào để cho người ta học tập? Học sinh lớp 8, bị bố mẹ ép lấy một lão bác sĩ tư tuổi đáng bố, phải trốn nhà ra đi, và không có lối nào khác phải vào làm phu gánh vữa ở công trường! Gánh đến bã người ra, rập cả vai, đến rã rời cơ thể, ngã qụy dưới gánh vữa. Thế là lớp ngóp quay về nhà, định van lạy bố mẹ để xin tha, hầu trở lại con đường đi học, lên đại học, ra bác sĩ, giáo sư. Lại “may thay”, nhờ nghe tiếng bố thét trong nhà mà khiếp đảm, chạy ù về công trường, trở về với cái đòn gánh nó cắn sâu vào da thịt. Đó là “cuộc đời” mà Hà Minh Tuân đưa ra cho lớp thanh niên sắp vào đời để nói lên tiếng nói của anh: “Đó, các anh xem, có đẹp không?”

Thử hỏi trong số hàng vạn chiến sĩ thi đua của miền Bắc xuất hiện từ 1955 đến nay có được bao nhiêu số phận như thế? Hay là tác giả đã nhặt ở đây một mảnh, ở kia một mảnh rất vụn vặt để chắp lại thành hình người rồi dùng thủ xảo để điển hình hóa nó?

Trong “Vào đời” còn nhiều mặt sai lệch khác nữa, mặt nào cũng đáng lôi ra để bác bỏ vì nó không phù hợp với thực tế lớn mạnh từng giờ từng ngày của miền Bắc trong một chế độ đẹp đẽ không còn bàn cãi nữa. Trong cái đẹp hiển nhiên đó, còn có nhiều cái xấu của xã hội cũ mà thời gian năm, mười năm vẫn chưa đủ để gột sạch. Các báo vẫn nêu lên hàng ngày để bài trừ chớ không “chõm những cái cảm động, những cái tròn trịa, tươi hồng”. Yêu cầu đối với nhà văn là dùng lợi khí văn học mà tiếp sức loại trừ nó mạnh hơn, nhanh hơn, để cho cái mới phát triển nhanh hơn nữa. Nhưng ở đây, cái đáng đánh là bọn lưu manh, lãng công, phá hoại có hệ thống, thì tác giả lại có phần nào ngấm ngầm bênh vực, cố nuôi dưỡng chúng để mượn lời chúng mà đánh vào cái bệnh quan liêu nào đó, mặt mũi không rõ ràng, đánh những biện pháp bảo vệ sản xuất rất chính đáng mà tác giả cố ghép vào cái vạ quan liêu, biến những biểu hiện đáng khuyến khích như ý thức muốn học tập nghiên cứu sách kinh điển chính trị thành trò cười, đánh cả những biểu hiện tốt đẹp của chế độ như công an giữ trật tự thành phố, hệ thống loa phát thanh đưa tin đến tai người chưa đủ điều kiện có máy thu thanh riêng.

Buổi tối, sau khi xếp quyển “Vào đời” lại, tôi bước ra sân gác, nhìn quanh thành phố một vòng. Bất giác nghĩ rằng, tác giả còn bỏ sót một chi tiết, là ánh đèn thành phố. Nó hãy còn tối lắm, và một nhà báo nước ngoài đã chế nhạo ta đến nay vẫn chưa cải thiện nổi hệ thống đèn “phòng thủ chiến tranh”. Nhưng cũng nhà báo đó biết rằng ta có thêm nhiều nhà máy mới, có đủ điện để chạy và các đường dây cao thế đang được chăng qua các cánh đồng đã hợp tác hóa, và hắn lại tỏ ra không được vui sướng lắm trước cái cảnh các công sở, xí nghiệp của Hà Nội không có rào gai, bốt gác và công an thành phố không đeo súng hoặc dùi cui. Hắn có lập trường của hắn cho nên hắn không thích những điều tốt đẹp của ta, hắn không vui trước sự lớn mạnh hiển nhiên và rất căn bản của ta. Nhưng điều đáng kể là hắn cũng thấy được sự lớn mạnh đó của ta để mà không vui. Tiếc rằng tác giả quyển “Vào đời” đã không có được cặp mắt tinh tế như tên nhà báo nước ngoài ấy và càng tiếc hơn nữa là quyển “Vào đời” với những sai lệch lộ liễu như vậy lại không được phê phán kịp thời.

PHẠM HỮU TÙNG

Nguồn:

Thống nhất, Hà Nội, s.315 (5.7.1963), tr.14.

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (39): “VÀO ĐỜI” (10) CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (39): “VÀO ĐỜI” (10) Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:44 Rating: 5

Không có nhận xét nào: