Lan Pham
1. Châu Âu trong mắt tôi vẫn luôn là mảnh đất của những tư tưởng lớn, của những con người có khả năng truy vấn đến kiệt cùng sự thật về chính mình và về nhân loại.
Sau những bi kịch kinh hoàng mà Hồi giáo cực đoan gây ra cho châu Âu, tôi nhớ đến một vị giáo sư 15 năm trước đã nói với tôi: Hồi giáo là một tôn giáo rất hiền hoà, chỉ có bọn cực đoan lợi dụng Hồi giáo để mưu lợi mới xấu xa mà thôi. Thiên Chúa giáo cũng vậy. Hồi ấy tôi đã tin như vậy, rằng trên đời này không có tôn giáo nào không khuyên con người hướng thiện. Tôi đã tin một cách hồn nhiên rằng châu Âu vĩ đại đã tiếp nhận và phát triển một tôn giáo vĩ đại. Trung Đông huyền bí và mầu nhiệm đã sinh ra những tôn giáo huyền bí và mầu nhiệm.
Nhưng khi đọc lịch sử châu Âu, tôi phân vân tự hỏi, cái làm cho châu Âu vĩ đại phải chăng là sự rạch ròi, tỉnh táo đến kiệt cùng của họ, là sự can đảm không lùi bước trước bất cứ giới hạn nào đặc biệt là giới hạn tư tưởng, là sự ráo riết truy tầm những sự thật còn ở ngoài tầm nhận thức kể cả khi sự truy tầm đó dẫn họ đến những giới hạn đau đớn và đầy thách thức của đức tin tôn giáo. Điều đó đã khiến châu Âu có đủ sức mạnh vượt qua khỏi bóng tối của đêm trường Trung cổ, đã mở ra thời kỳ Khai sáng, đã đưa đến những thành tựu văn minh rực rỡ mà cả thế giới ngưỡng mộ.
Và chính vì đã trải qua cái đêm trường Trung cổ khủng khiếp kia nên châu Âu sẽ không bao giờ cho phép mình lặp lại nỗi sợ hãi của quá khứ.
2. Sau vụ khủng bố đẫm máu ở Charlie Hebdo năm ngoái, tôi tìm đọc bình luận trên những tờ báo lớn ở châu Âu và Mỹ. Không nhớ tôi đã đọc được ở đâu câu này: “Ở Charlie Hebdo, người ta đặt câu hỏi một cách đầy ý thức rằng: Còn điều gì chúng ta không thể nói được? Và rồi người ta nói điều đó”. Và một câu nữa khiến tôi giật mình sửng sốt: “Tôi sát cánh bên Charlie Hebdo, vì bao dung tôn giáo bây giờ đã trở thành một thứ gần như sợ hãi tôn giáo. Tôn giáo, cũng như bất kỳ loại hình tư tưởng nào khác của con người, xứng đáng nhận được sự châm biếm không chút sợ hãi của chúng ta”.
Có nhiều bức biếm hoạ của họ khiến tôi khó chịu, bởi nó thiếu tinh tế. Nhưng không thể phủ nhận rằng tinh thần châm biếm không giới hạn của họ đã khiến tôi phải lục lọi, rà soát lại toàn bộ những gì tôi đã biết về nghệ thuật trào phúng, về tự do ngôn luận, về tinh thần dân chủ châu Âu.
Và tôi nhận diện rõ hơn cái điều tôi vẫn lờ mờ cảm thấy trong nền văn hoá và văn chương Pháp, điều ẩn khuất đằng sau tầm vóc vĩ đại của những Auguste Rodin, Claude Monet, Pablo Picasso, Paul Gauguin, những Victor Hugo, Honoré de Balzac, Albert Camus, Jean-Paul Sartre… Đấy là tinh thần dấn thân không mệt mỏi, là khát khao nhận chân ra những giới hạn tư tưởng của chính mình và vượt qua nó. Nhật Bản cũng có truyền thống cartoon riêng của mình, nhưng rõ ràng so với Nhật thì tính dấn thân trong cartoon Pháp rõ hơn rất nhiều.
3. Vậy nên tôi cúi đầu trước bi kịch của nước Pháp. Với tôi bi kịch đó không chỉ là 129 mạng người. Đó là một giới hạn khủng khiếp mà nước Pháp đã dũng cảm vượt qua và đang phải trả giá.
Vì lòng nhân đạo, họ đã mở cửa đón nhận làn sóng nhập cư Hồi giáo.
Vì tự do tư tưởng và tự do tôn giáo, họ đã chấp nhận đa dạng văn hoá đôi khi quá đà ngay trên đất nước mình.
Nhưng cũng chính tinh thần tự do tư duy và tự do phản biện ấy đã nuôi dưỡng tiếng cười Charlie Hebdo, và làn sóng ủng hộ Charlie Hebdo cho thấy sức sống bất diệt của tinh thần tự do dân chủ này.
Ngày hôm nay một thách thức mới kinh hoàng hơn nhiều đã đến. Tôi cũng sợ hãi như ai, và tôi mừng cho bạn tôi vì bạn đã kịp thời rời khỏi Paris trước khi khủng bố xảy ra. Nhưng nước Pháp với truyền thống văn chương nghệ thuật mà tôi yêu mến, liệu người có thể đứng vững qua thử thách này?
4. Tôi vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao người Việt Nam chúng ta luôn được tiếng là lạc quan, hay cười, mà truyền thống trào phúng trong văn chương nghệ thuật của mình lại mỏng đến thế? Ngoài Số đỏ ra, ta có thể kể đến một kiệt tác trào phúng nào không?
Hay bởi vì ta dễ vui quá, dễ hài lòng quá, ta có thể cười vì bất cứ điều gì, và tiếng cười đối với ta nhiều khi như kiểu vui vẻ xuề xoà cho qua mọi thứ chứ không phải tiếng cười đầy thách thức với những giới hạn của xã hội và của chính mình. Hay bởi vì cái tinh thần dân tộc thể hiện trong lối sống, trong logic ngôn ngữ của chúng ta nó có vẻ “dễ tính” quá, nó thiếu một cái gì đó gọi là sự bất an từ bên trong, cái nhu cầu bức thiết nhìn lại từng bước mình đã đi và vùng thoát khỏi cái bình lặng của hiện tại để đối mặt với những thách thức của tương lai.
5. Bình thường tôi không muốn nói đến chủ đề tôn giáo, vì nó quá nhạy cảm. Nhưng riêng lúc này tôi muốn nói. Tôi không còn tin rằng tất cả mọi tôn giáo đều hiền hoà. Sau khi đọc kinh Koran, tôi nhận ra cực đoan không phải là lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu. Cực đoan là áp dụng một cách nguyên vẹn những gì Muhammad nói trong kinh Koran, với những câu kiểu như nếu phụ nữ bất tuân hãy đánh họ, nếu gặp kẻ ngoại đạo hãy rút móng tay và đốt họ trong lửa, trên thiên đường có trinh nữ đang chờ blah blah blah… Cực đoan là muốn áp dụng luật Sharia thời trung cổ cho toàn thế giới hiện đại.
Bi kịch là ở chỗ nếu Thiên Chúa giáo đã trải qua bước ngoặt thế tục hoá, thì Hồi giáo xem ra còn xa. Cái ung nhọt Hồi giáo cực đoan càng ngày càng lan rộng, mà châu Âu, với truyền thống tự do tôn giáo, xem ra không thể miễn nhiễm với cái ung nhọt này – nay đã thành căn bệnh từ bên trong phát ra.
6. Pray for France, and for your long-lived ethics of engagement.
Nov 15, 2015
PNL
PS: Quên không ghi chú, đây là kiệt tác điêu khắc Người suy tưởng của Rodin.
Nguồn: FB Lan Pham
Không có nhận xét nào: