Giới hạn của khí trời

Hạnh Nguyên là bút hiệu- tên thật của Di, tác giả trẻ đã từng đăng một số truyện trên Văn Việt. Trong một năm du học ở Canada, Hạnh Nguyên đã viết một số truyện mới. Có thể thấy rõ những khác biệt trong các truyện mới này so với những truyện ký tên Di, khi Hạnh Nguyên còn là một nữ sinh trung học ở Hà Nội.

Văn Việt xin giới thiệu một trong những truyện ngắn mới của Hạnh Nguyên.

Truyện Hạnh Nguyên

Tôi đứng dưới vòi sen rất lâu sau khi trở về từ căn hộ của Sami. Mùi sữa tắm trẻ em tôi mua tối qua không làm tôi hứng thú lắm, song những bọt xà phòng và chất lỏng đặc sệt màu hồng là lí do chính khiến tôi nhặt cái lọ này giữa một đống hằng hà sa số các loại sữa tắm khác nhau. Đúng vậy, tôi là mẫu người điển hình của việc trông mặt mà bắt hình dong. Nếu trên đời này buộc phải phân loại con người theo sở thích, và nếu tôi có thể nhặt nhạnh đàn ông đàn bà trẻ em người già như các món hàng hóa trong siêu thị, thì chắc chắn tôi sẽ chỉ chọn những kẻ mặt đẹp mà thôi. Tiêu chuẩn đẹp của tôi cũng không giống mọi người, thực ra thì mỗi cá nhân đều có một tiêu chí riêng. Công bằng mà nói, có những khuôn mặt trông qua thì rất đẹp, loại mặt mũi có thể dễ dàng bắt gặp trên tạp chí thiếu nữ ấy, song chưa chắc tôi đã liếc qua chúng mà bỏ vào giỏ hàng. Tôi luôn nhận ra những khuôn mặt cổ quái, có phần khác biệt so với tiêu chuẩn đánh giá của những người xung quanh, ví dụ như cô gái này tôi thấy thu hút trong khi với một người đàn ông thì cô ta quá kỳ cục với hai búi tóc và khuôn miệng hơi thô. Nói tóm lại, tôi là kẻ hết sức nông cạn khi xét đến việc lựa bạn mà chơi này nọ, vì như đã nói ở trên đấy, tôi đánh giá người khác chủ yếu là qua vẻ bề ngoài.

Đến đây thì dĩ nhiên người đọc sẽ hình dung Sami là một người quen của tôi, một người thân thiết đến mức tôi có thể tới nhà và ngủ lại. Sami có lẽ là một cô gái xinh đẹp với bộ ngực nở nang cùng cái hông nhỏ nhắn, hay nếu Sami là một anh chàng thì anh ta sẽ rất đáng yêu, không để râu và mái tóc đen lúc nào cũng bù xù kiểu cách. Ban đầu tôi luôn mơ mộng rằng tôi sẽ chỉ dành thời gian để đi tới căn phòng của những người như vậy, để ngủ lại, hay ngồi trên giường hoặc ghế xô pha, chuyện gẫu với họ ngày này qua ngày khác. Chúng tôi có thể làm tình thoải mái trên sàn nhà, tôi không ngại, quần áo vứt lung tung chồng chéo phía đằng xa, ánh sáng buổi chiều nhạt nhòa trải đều lên những bức tường trong căn phòng một lớp sơn xanh nhạt đặc trưng không thể lẫn vào đâu được. Nhưng thực tế thì không được như vậy. Một phần cũng không. Chẳng có bất cứ điều gì ở Sami, cả ngoại hình lẫn tính cách, lại giống những gì tôi từng tưởng tượng. Có thể nói, Sami là một tập hợp thất bại của những sản phẩm tôi lựa chọn trong cái giỏ đựng hàng của mình. Tôi tạm thời không thể nói được tôi đã nhặt Sami ở đâu trong siêu thị. Có thể là ở quầy thịt đông lạnh, hoặc quầy sữa và trứng, hay là quầy đồ ăn vặt giảm giá, và quầy quần áo cho trẻ em. Nhưng hẳn là không, Sami là một phần của siêu thị.

Sami là một lão già to béo làm việc ở tiệm cắt tóc bình dân nằm gần lối ra của siêu thị nơi tôi sống. Một người đàn ông trung niên, tôi không biết ông ta là người mexico hay tây ban nha, mà dù sao thì cũng chẳng quan trọng. Tôi gặp Sami lần đầu tiên khi tới tiệm để cắt tóc. Lần đó tôi không có quá nhiều ấn tượng về Sami, vì ông ta không cắt tóc cho tôi mà đứng quan sát khách hàng từ sau quầy thanh toán. Sau đó tôi có trở lại để cắt tóc lần thứ hai. Lần này là vào chủ nhật, khi đó mùa đông vừa mới bắt đầu được ít lâu và tuyết đã lác đác rơi được một lát từ khi tôi ngủ dậy. Vào chủ nhật tiệm cắt tóc mở cửa trễ hơn các ngày trong tuần khoảng một giờ, còn tôi thì dĩ nhiên là chẳng biết điều đó. Vậy là tôi tới siêu thị từ rất sớm, ngó qua ngó lại khu vực đã bị đóng cửa và tối thui của cửa tiệm, rồi quyết định là mình sẽ đi loanh quanh ngắm nghía các thứ trong lúc chờ. Tôi đi qua các dãy bán thực phẩm, xem xét chỉ số dinh dưỡng của các loại bánh trái và rau cỏ, sữa chua, định bụng sẽ mua mấy thứ để dự trữ sau khi cắt tóc. Khi tôi quay trở lại, Sami đã nghiêm chỉnh đứng ở quầy thanh toán. Có lẽ vì là chủ nhật, chẳng có nhân viên nào ở đó ngoại trừ Sami. Ông ta hỏi ngay khi tôi bước vào rằng có phải tôi muốn cắt tóc không và tôi nói đúng rồi. Chúng tôi trò chuyện một chút trong khi Sami chỉnh sửa cái đầu của tôi, đôi khi tôi nhìn xuống bên dưới và nhận thấy khóa quần của Sami chưa được kéo. Tôi không nhắc ông ta, hẳn rồi, chẳng ai muốn nhắc thợ làm đầu của mình rằng khóa quần của ông ta đang mở toang hoang cả. Ai mà biết được tin tức đó có làm họ cắt vào tai mình hay không, và hẳn là cuộc hội thoại sẽ trở nên vô cùng gượng gạo. Bởi thế tôi giữ im lặng, tập trung vào những chuyện linh tinh khác, nói gì đó tầm xàm bá láp giết thời gian. Sami cắt rất khéo, tôi thích cái đầu của mình ngay lập tức nếu trước đó có mảy may thù ghét nó. Cứ mỗi lần Sami cắt xong tôi lại nài nỉ ông ta chỉnh sửa chỗ này chỗ nọ thêm một tí cho ngay ngắn. Sami luôn đáp ứng các yêu cầu vặt vãnh nhỏ mọn của tôi hết sức nhanh chóng và hài lòng. Tôi không biết lúc đó mình đã nghĩ gì, tôi chỉ muốn làm cái đầu bủn xỉn của mình trông khá khẩm hơn một chút mà chẳng hề đoái hoài đến việc tôi đang lạm dụng việc “chỉ sửa lại phần tóc mái thôi” lúc đầu thành “hãy sửa bất kì chỗ nào tôi muốn”. Nhưng Sami rất tốt, ông ta chỉ lấy đúng số tiền cho việc sửa mái và bảo tôi rằng khi nào tóc mái dài ra thì hãy quay trở lại. Rồi Sami đưa cho tôi một cây kẹo mút màu đỏ, loại kẹo chẳng có bao bì gì mà chỉ được bọc bằng một lớp vỏ trong suốt, miễn phí, kèm danh thiếp của ông ta. Một tuần sau đó, chẳng có việc gì làm và tuyết đã rơi suốt hàng chục tiếng đồng hồ, tôi moi cái danh thiếp từ túi quần ra bấm số cho Sami. Và rồi thì, bạn biết đấy, tôi tới căn hộ của ông ta bằng xe bus, phải đổi chuyến hai lần cả thảy, để nằm lên cái giường hôi mùi bia và thịt xông khói của Sami, trong căn phòng có những bức tường dán giấy màu tím sẫm không thể phản chiếu được ánh sáng, cửa sổ kéo kín rèm nhìn ra bầu trời trắng đục mà tôi chưa từng thấy ở miền nhiệt đới, để ông ta cởi bỏ quần áo của tôi chậm rãi như đang cắt cỏ ở ngoài sân vào một buổi chiều hè. Tôi ngủ với Sami, tôi cho ông ta lần đầu tiên của mình. Khi tôi nói cho Sami biết điều đó, ông ta liền vội vã hỏi tuổi của tôi. Tất nhiên, tôi nói mình đã lớn quá nhanh để làm việc ấy.

Vậy là giờ thì tôi ở đây, dứng dưới vòi sen trong phòng tắm của khu ký túc xá, trong căn phòng tôi ở chung với đứa trẻ người bản địa. Cô ta kém tuổi tôi và có nhiều bạn bè hơn tôi. Họ thường tụ tập vào các tối cuối tuần và nhậu nhẹt. Họ bày bừa đủ thứ từ bỏng ngô, cốc nhựa, vỏ chai rượu, giấy ăn khắp mọi nơi, và lúc nào tôi cũng là người phải dọn dẹp sau khi họ kéo nhau biến mất vào đêm tối. Mà hãy quay lại chuyện của tôi đi đã. Đại khái là, tôi muốn nói rằng tôi đã ngủ với một lão già trung niên làm thợ cắt tóc gần như suốt cả đời mình ở một góc nhỏ trong siêu thị, một người đàn ông hòa nhã đã từng có vợ và con cái, cháu chắt. Khi chúng tôi nằm trên giường, Sami hỏi tôi có muốn uống gì không. Tôi nói không, thế rồi ông ta đi vào bếp lấy một chai bia và vừa mở nắp ông ta vừa lẩm bẩm gì đó rằng tôi rất giống đứa con gái của ông ta, cô bé không thích uống bia và cũng không thích bố mình uống bia. Vì thế mà họ đã bỏ rơi tôi, Sami quay lại với chai bia, nằm đè lên cái gối và mân mê mái tóc của mình. Sami không kể lể nhiều thứ với tôi lắm, cũng không hỏi chuyện tôi. Chúng tôi chỉ im lặng nằm cạnh nhau, nhìn chăm chăm lên cái trần nhà đã bị ố do ngấm nước, thi thoảng nhìn ra cái cửa sổ đã đóng kín rồi hình dung về một thế giới nào đó không thể chia sẻ được cho ai. Khoảng sáu giờ, tôi ngồi dậy mặc quần áo, bảo rằng mình phải về vì sắp đến giờ kiểm tra thẻ ra vào của sinh viên. Tôi đã quên cái thẻ mắc dịch đó khi ra khỏi nhà hồi sáng nên buộc phải quay về trước khi họ kê cái bàn trước cửa và yêu cầu xem cái mặt tôi trông ngu hết sức in trên tấm nhựa màu xanh. Sami đưa tôi về bằng ô tô, tất nhiên, người đàn ông nào cũng nên đưa người phụ nữ mà họ đã ngủ cùng về vào lần đầu tiên. Ý tôi là, cô ta đã giữ mình gần hai mươi năm cuộc đời chỉ để gặp anh, trách nhiệm của anh là chăm sóc cho cô ấy một chút, đừng để cô ả phải lê lết chờ xe bus ở cái bến khỉ ho cò gáy giữa mùa đông. Trên xe Sami không hỏi tôi mà tự ý mở nhạc trên radio, chương trình ca nhạc buổi chiều đang phát một bản tình ca nào đó rất dễ chịu. Trong xe rất ấm, có mùi của đàn ông cô độc trung niên và điều đó tự nhiên làm tôi thấy hạnh phúc. Trước khi ra khỏi xe, tôi nói sẽ gọi lại cho Sami khi nào rảnh rỗi và Sami nói ông ta sẽ đến đón tôi nếu tôi muốn, vào cuối tuần, đi ăn tối hoặc đi xem phim. Sami rất tử tế, làm tôi có cảm giác ông ta là một người cha già nua trở về từ chiến tranh và mặc dù hơi vụng về, song rất chân thành quan tâm đến đứa con gái chưa bao giờ gặp mặt.

Ngay khi vừa về đến phòng, tôi đi thẳng vào buồng tắm và đứng dưới vòi sen rất lâu, kì cọ tỉ mỉ từng phân một trên cơ thể và xát xà phòng đến mức da tấy đỏ. Tôi không lý giải được mình đang cố tẩy xóa điều gì, vì thế tôi vừa chăm chú làm vừa suy nghĩ. Bước ra khỏi phòng tắm hãy còn bốc hơi nước, tôi nằm dài trên giường châm thuốc và đọc một cuốn tiểu thuyết của Murakami. Khi gói ghém hành lý đi sang đất nước này, tôi nhất quyết không chịu bỏ đống sách lại. Mẹ tôi cằn nhằn rất nhiều vì như thế sẽ không có chỗ mà nhét áo len hay bít tất, và như thế con gái bà sẽ chết cóng ở phía bên kia của bán cầu. Dĩ nhiên tôi không chết vì lạnh, tôi chỉ chết nếu không có sách để đọc thôi. Lúc đó là chạng vạng của một ngày chủ nhật bình thường vào tháng mười một, nếu bỏ qua sự thật là tôi vừa ngủ với một gã đàn ông thô kệch kềnh càng đáng tuổi bác tôi thì mọi chuyện vẫn diễn ra đều đều theo cái nhịp ngái ngủ dễ thương của nó. Thành thực mà nói, làm tình hay không thì cảm giác của tôi về mọi thứ vẫn không thay đổi. Ý tôi là, không có gì tác động được lên tình trạng hiện giờ của tôi. Đôi khi tôi thấy bức bối, giống như có một cái phòng nhỏ trống rỗng gắn cố định trong cơ thể mình, và bằng mọi cách tôi buộc phải vào trong căn phòng đó rồi lấp đầy nó, mà có cố bao nhiêu tôi cũng không làm được. Sự bất lực cô quạnh đó đến cùng mùa đông, và khi tuyết bắt đầu rơi, khi những ngón tay của tôi đông cứng lại như xúc xích để lâu ngày trong tủ đá, cái căn phòng chết tiệt đó cũng dần trở nên thật lạnh. Lạnh đến độ dù có một thân thể ấm áp ở kề bên, ôm lấy tôi, che chở tôi thì cũng không có cách nào dịu lại. Tôi nghĩ rằng xung động khiến tôi đi đến quyết định gọi cho Sami vào ngày chủ nhật đó là bởi nỗi sợ hãi bị bưng kín lâu ngày bỗng chốc nở bùng ra, như thể có một loài hoa bí mật đã âm thầm bám rễ trong tim tôi đột nhiên nảy mầm, đâm chồi rồi xuyên qua da thịt. Nỗi đau đớn lặng lẽ đó tràn đến tựa một trận thủy triều vui nhộn, ầm ào và náo nhiệt, khi người ta đi dọc bãi cát và nhìn ngắm bầu trời hoàng hôn. Tôi không phân biệt được nỗi sợ và sự cô đơn, có lẽ vì thế tôi đã chạy trốn nó khi thời cơ đến.

Sami nhắn tin cho tôi vào lúc tám giờ tối. Tôi nghe thấy tiếng báo tin nhắn từ phòng ngủ khi đang lấy nước từ vòi để đun. Trời tối luôn làm tôi muốn uống một cốc trà nóng, không phải sô cô la như những người ở đây vẫn thường làm. Tôi cũng thích sô cô la, và kẹo dẻo các thứ, song trà nóng mới là thứ tôi cần. Ngòn ngọt, khi đưa lên đầu lưỡi thì tê bỏng, trôi qua cổ họng lại nếm được mùi vị rất thanh và mềm mại. Trong tin nhắn Sami viết, ông ta thấy vui vì tôi đã gọi điện cho ông ta. Tin nhắn chỉ vỏn vẹn có mấy chữ, làm tôi thấy buồn cười vì đàn ông trung niên bây giờ đâu có còn nhắn tin như bọn mới lớn, một phần lại thấy chán chường chẳng có lí do gì. Tôi nhìn tin nhắn một hồi lâu, khi bình đun nước báo hiệu đã xong bằng một tiếng tách nhỏ, tôi không trả lời và tắt nguồn. Tôi vẫn muốn gặp lại Sami, vẫn muốn được ngồi trong chiếc xe màu đen của ông ta và đi dưới trời bão tuyết, nghe nhạc trên radio, chẳng cần nói về điều gì cả. Tôi yêu bầu không khí của cái xe nhỏ đó ngay khi mở cửa bước vào. Chưa bao giờ tôi thực sự thích một cái ô tô, khi còn nhỏ tôi bị say xe nặng nên dù sau này đã quen, tôi vẫn chẳng bao giờ ưa cho nổi. Vậy mà tôi đã mến cái xe của Sami ngay lập tức, và thấy yêu nó hơn mỗi lần nhớ lại.

Nằm trên giường tôi nghĩ về việc mình đã cảm thấy những gì khi tới thành phố này lần đầu tiên. Trước đây mỗi khi đến một nơi xa xôi nào đó, tôi hoặc sẽ thấy thích thú hưng phấn hoặc tôi sẽ thấy nhàm chán đến độ muốn bỏ đi. Song thật kỳ lạ, cái điều mà đến bây giờ tôi vẫn cố lý giải ấy, rằng tôi thấy thật quen thuộc khi bước xuống sân bay và đi một chặng đường dài ba mươi phút để hòa mình vào một môi trường mới. Ý tôi là, bạn biết không, tôi thấy giống như được về nhà. Tôi đã thấy như vậy ngay, thứ chất lỏng bình yên tuôn chảy trong cơ thể tôi, trái tim của tôi đang co bóp đều đều và chậm rãi, nó không kích động hay phấn khích hay bất cứ một điều gì mà đáng lẽ nó phải làm như những lần trước đây. Trái tim của tôi chỉ yên lặng và thoải mái đập nhịp nhàng trong lồng ngực khi tôi ngắm nhìn những cột đèn giao thông, những khúc quanh của con đường cao tốc, các tên địa danh trên bảng hiệu chỉ đường, người đàn ông là bạn của bố mẹ tôi đang giải thích gì đó về thành phố này cùng mùa đông khắc nghiệt của nó. Tôi lắng nghe tất cả, tôi thu nạp tất cả vào đầu và để chúng ở đó không cần suy xét, hay cân đo đong đếm mà chỉ bỏ chúng vào một ngăn kéo mà tôi biết rõ nằm ở đâu. Tôi cho rằng mình biết thành phố này như thể tôi đã sống ở đây từ kiếp trước, là một cư dân ở đây bởi tôi chẳng thấy ngạc nhiên trước bất cứ điều gì. Tôi cứ thế sống và hít thở bầu không khí xa lạ của nó một cách dễ dàng, để mặc cuộc sống sinh viên đang dần trở nên đơn điệu của tôi biến thành một vòng quay của thói quen tuần tự. Bố mẹ liên tục gọi cho tôi khoảng một tháng đầu khi tôi mới tới. Họ tỏ ra lo lắng về tôi, ví như tôi có thích nghi được với mọi thứ hay không, và chúng thật xa lạ với họ nên lẽ đương nhiên cũng phải xa lạ với tôi nữa, và rằng tôi có thấy nhớ nhà không, có nhớ con người ở thành phố cũ kỹ quen thuộc mà tôi đã sinh ra và lớn lên và khóc và cười, có bạn bè và từng cái cây đều là của tôi. Tôi luôn trả lời không, cố gắng khiến bố mẹ tôi tin một cách chắc chắn vào sự thật rằng tôi không có những cảm xúc trên, và thực ra tôi không hề cảm thấy gì hết. Giống như là tôi vẫn còn ở nhà, và chỉ cần bước ra khỏi phòng tôi có thể gặp được mọi người ngay. Song bố mẹ tôi không hiểu, bạn biết đấy, cũng thật khó mà giải thích được rằng bạn có cảm nhận hoàn toàn khác so với tất cả những gì mà bố mẹ bạn từng biết được từ trước đến nay. Vậy là tôi chỉ trấn an họ mỗi khi nói chuyện điện thoại, qua thư điện tử, qua các tin nhắn không dài quá ba dòng, tôi nói là tôi ổn và họ không cần phải lo. Lâu dần bố mẹ tôi cũng thôi không hỏi nữa, mặc dù tôi biết họ vẫn thấy bất an trong lòng.

Có thể nói, sự khác biệt thực ra không đến từ môi trường xung quanh. Các tác động ngoại cảnh không có áp lực lên tôi hay nói cách khác, tôi không thực sự tồn tại trong khung cảnh xã hội này. Chính vì thế, dù có để tôi ở đâu thì cũng không khác biệt. Từ rất lâu tôi đã biết rằng mình có một thế giới riêng biệt lập, và rằng không một ai có thể tiếp cận được thế giới ấy ngoại trừ họa hoằn lắm là một, hai người. Lợi ích của việc sống trong đầu mình là bạn chẳng cần phải thay đổi gì nhiều khi người ta chuyển bạn đến một thành phố khác, bạn chỉ cần làm những việc mà bạn đã từng làm từ trước đến nay, luôn cố gắng thích nghi với mọi thứ rất nhanh và không cần phải tỏ ra bị lạc lõng. Vì sự thực là tôi lúc nào cũng lạc lõng. Tựa như một lớp vỏ bao bọc một cái nhân cứng, dù cái vỏ có thay đổi ra sao, theo chiều hướng nào, tốt hay xấu thì lớp nhân bên trong cũng chẳng hề mảy may suy suyển. Đáng lẽ tôi nên vẽ tranh minh họa cho bố mẹ tôi, để nói với họ gọn gàng hơn và giúp họ hiểu, rằng tôi lúc nào cũng bất ổn và chính bởi thế mà tôi luôn ở trong trạng thái ổn định vô cùng.

Tôi có thể cân bằng mọi thứ khá tốt, nếu tự đánh giá thì là thế, song cũng có đôi lúc tôi rơi vào tình cảnh bấp bênh. Ví dụ như có một hôm tôi tỉnh dậy và thấy mọi sức lực trong cơ thể bị rút kiệt, như thể có ai đó nhân lúc tôi ngủ say đã tháo bỏ một cái chốt đặc biệt nào đó. Tôi nằm bẹp trên giường chẳng khác nào một con cá chết bị quăng lên bãi cát, đôi mắt không thể nhắm lại thi thoảng phản quang ánh sáng từ bầu trời rồi biến thành những dải màu nhiễu loạn. Thông thường những ngày như vậy tôi không có cách đối phó hay chuẩn bị sẵn sàng cho chúng. Chúng diễn ra theo một thứ tự nhất định, bắt đầu bằng việc cảm thấy buồn bã và mọi thứ đều vô nghĩa, kế tiếp là tìm cách nào để làm đau các bộ phận trên cơ thể, bằng cách này tôi có thể đánh thức các giác quan đang tê liệt trì trệ và khôi phục chúng, rồi sau đó tôi thấy bồn chồn và nhớ ra tôi còn có cả tá việc phải làm. Cũng có khi chúng không tuân theo trình tự nào mà nháo nhào hết cả lên như một con chuột nhỏ cứ thích chạy lung tung theo nhiều đường vô định. Khi đó tôi hút sạch số thuốc có trong bao, không ăn gì và phần lớn thời gian đều cảm thấy buồn nôn khủng khiếp. Dĩ nhiên là rồi thì cũng hết, khi đêm xuống hay khi bình minh lên, nhưng mỗi lần trải qua đều làm tôi kiệt quệ. Tôi không thể hình dung nổi vì sao con người vẫn có thể vui cười và sống một cuộc đời vô nghĩa như vậy, trong khi có những cá nhân khác lại phải chịu đựng những điều này. Cái thứ cảm xúc không cân bằng và thay đổi thất thường quay tôi như chong chóng, làm gián đoạn các đầu mục trong cuộc sống của tôi, rồi có khi chúng lôi tôi xuống tận đáy cùng của tuyệt vọng. Thi thoảng khi đang cứa lên một chỗ nào đó trên người, thế rồi máu bắt đầu chảy và tôi bỗng phát hoảng đến run rẩy, một tín hiệu cảnh báo vang lên khiến toàn thân tôi nhận thức rất rõ ràng rằng tôi rất có thể sẽ đi xa hơn nữa. Tôi có thể làm những điều rất khủng khiếp với bản thân và tôi không muốn thế. Có những lúc mà chính chúng ta dù muốn hay không cũng đều rơi vào tình huống tương tự, không thể làm chủ một phần quan trọng của chính mình và để mặc chúng tự tung tự tác. Họ nép vào một góc nhỏ nào đó và dần dần mất kiểm soát, chính lúc đó bộ phận hiểm ác kia sẽ nhen nhóm lên rồi thống trị. Chúng ta sẽ nhanh chóng bị hủy hoại và điều đó làm tôi sợ hãi, đôi khi bật dậy trong bóng đêm để rồi không thể nào ngủ lại. Một lúc nào đó khi những cực cảm đau buồn kia lại đến, biết đâu tôi sẽ chẳng còn tỉnh táo để mà ngăn cản chính mình. Để khỏi làm những điều mà tôi sẽ hối tiếc, ấy là nếu tôi còn sống để mà tiếc nuối này nọ. Sau đó, Sami đã đến.

Tôi tìm đến ông ta khi mọi thứ bắt đầu. Tôi đang ngồi trên giường xem phim, và nó đến. Chúng luôn đến theo kiểu đánh úp, rất khôn ngoan và độc ác đến đáng sợ. Chẳng bao giờ tôi phòng bị kịp hay chuẩn bị kế sách đối phó với những đợt xuống dốc như vậy. Thế là tôi nhanh chóng gọi điện cho Sami, lúc này có lẽ ông ta đang ngồi đọc báo sau quầy thanh toán của tiệm cắt tóc, chẳng có khách hàng nào và tôi biết Sami chuẩn bị rời ghế để đi ăn trưa. Tôi gọi ông ta, Sami nhấc máy sau hai hồi chuông. Ông ta đã nhờ ai đó trông cửa hàng rồi mau mắn đi tới khu ký túc nơi tôi đang sống. Chúng tôi ngủ với nhau ngay khi Sami bước vào phòng. Không có hôn môi, hay nắm tay nhau, hoặc những bước dạo đầu mà đáng lẽ một cặp đôi sẽ làm để thể hiện tình yêu và nhung nhớ. Chúng tôi chẳng làm bất kỳ cái gì trong số đó cả. Khi Sami đến tôi đã trần truồng, cuốn chặt ông ta và mở tung mớ quần áo nặng trịch mà cha nội đã quấn lên người nhằm tránh rét. Để tôi nói cho bạn biết, chỉ mất đúng mười hai giây để kết thúc mọi việc. Rất nhanh chóng, Sami đốt thuốc cho cả hai, mặc lại quần áo rồi trở về siêu thị trước khi giờ ăn trưa kết thúc. Và phải rồi, Sami chu đáo luôn mang cho tôi thứ gì đó để ăn, một cái bánh nhỏ, một cây kẹo ngậm vị bạc hà, hoặc một hộp sữa đã được làm ấm trong lò vi sóng. Tôi ngày càng thích Sami vì những điều nhỏ nhặt ông ta làm cho tôi, giống như yêu quý một con thú nhồi bông và lúc nào cũng phải ôm nó nếu không sẽ chẳng thể nào ngủ được. Xét đi xét lại, tôi và Sami đã ở cạnh nhau chừng một tháng gì đó, tôi nghĩ cũng khoảng đó, khoảng thời gian đủ lâu và đủ lạnh để tôi nói với Sami về những vấn đề của mình. Ông ta luôn hào phóng giúp đỡ tôi, không tỏ ra quá nhiệt tình và cũng chẳng hề lãnh đạm, Sami cư xử như một lão già đang hành việc thiện nguyện đi quyên tiền cho những đứa bé mồ côi. Tôi là đứa trẻ của Sami. Một đứa nhỏ được nuông chiều, không bao giờ khóc.

Khi tuyết bắt đầu rơi dày hơn, một anh chàng trong lớp xã hội học để ý đến tôi. Tôi luôn ngồi phía sau anh ta, và ngay từ ngày đầu tiên bước vào lớp tôi đã để mắt tới anh chàng này. Anh ta lúc nào cũng ngồi bàn đầu, tóc đỏ, khuôn mặt nhìn nghiêng rất đẹp, có nét thân thuộc dễ thương của những đứa bé sống cận kề trong cùng một khu phố. Khi nhìn chính diện thì lại khác. Khác hoàn toàn như nến và cây. Tôi đã thấy anh ta khi chúng tôi đi ngược chiều nhau trên hành lang. Hai hốc mắt trũng sâu như thể đôi mắt đã bị kéo vào một vũng lầy ngập đầy bóng tối, luôn luôn nhìn xuống, hai tay đút túi quần. Với một kẻ lúc nào cũng bận tâm đến vẻ bề ngoài như tôi, các lựa chọn gần đây luôn làm tôi khó chịu. Ban đầu là Sami, sau đó là anh chàng trong lớp xã hội học. Kì quái làm sao, những kẻ này thu hút tôi đến độ thật là khó cưỡng để không nhặt họ mà bỏ vào giỏ hàng. Tôi tiếp tục ngắm lưng anh ta trong khoảng hai hay ba tháng gì đó, trước khi chúng tôi thực sự có một cuộc trò chuyện nghiêm túc với nhau trong thư viện.

Tôi lên thư viện khá thường xuyên, một phần vì tôi thích ngồi cả ngày tại khu vực học tập và nghịch các thứ trên máy tính, một phần là vì tôi thích đi lang thang quanh các giá sách và nhìn chăm chú như đang mải kiếm một đầu sách gì. Song tôi chỉ đi quanh quẩn vậy thôi, nhặt cuốn này lên bỏ cuốn kia xuống, đọc các tựa đề mà tôi thấy hứng thú rồi lại nhét trả về chỗ cũ. Tôi mê các loại thư viện vì sách thật đặc biệt, chúng thuộc về tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng thuộc về chúng. Khi tôi đọc một cuốn sách, cuốn sách thuộc về tôi nếu xét về mặt vật chất, và đồng thời tôi cũng thuộc về nó, về mặt tinh thần. Tôi cho rằng điều này là rất quan trọng vì bạn không thể thực sự sở hữu một cuốn sách nếu cuốn sách đó không sở hữu bạn. Nó phải nắm giữ một phần trong bộ nhớ của bạn, nó có thể buộc bạn nhớ lại nó bất cứ lúc nào cùng các chi tiết nhỏ lẻ mà bạn tường chừng rất dễ bỏ qua, nó biến bạn thành người bảo hộ và kiểm soát cuộc đời bạn từ này về sau cho đến khi bạn chết. Nó trở thành một phần của bạn, và có thể mọi hành động của bạn sau này đều phụ thuộc vào nó. Thật kỳ diệu và nhiệm màu làm sao khi tôi có thể bước dọc ngang hàng giờ giữa một đại dương toàn sách, thứ mùi ẩm mốc và cũ kỹ của bìa bọc bằng da, sự tiếp giáp sần sùi thô nhám của những lớp vỏ bọc vải, các con chữ bị thời gian làm mờ vẫn chứa bên trong những ý nghĩa và câu chuyện mới nguyên cho những ai lần đầu được đọc. Khi gặp cái anh chàng kia, tôi đang đọc cuốn Đôn Ki hô tê, dãy thứ ba bên tay phải. Anh ta cũng muốn mượn cuốn sách tôi đang đọc, vì thế tôi thỏa thuận là để tôi đọc xong chương cuối cùng thì sẽ đến lượt anh ta. Chúng tôi ngồi ở cái bàn tròn trong góc, trong lúc tôi đọc sách anh ta làm gì đó trên máy tính xách tay. Anh chàng này luôn làm gì đó trên máy tính, ngồi từ phía sau nên tôi có thể dễ dàng thấy được. Thay vì chú mục vào bài giảng anh ta luôn hí hoáy với cái máy tính, thi thoảng ngẩng đầu lên nhìn vị giáo sư rồi gật đầu đồng tình với một điều gì đó mà tôi không chắc là anh ta có hiểu. Vậy là chúng tôi ngồi đó, yên lặng và rong chơi ở các chốn khác nhau. Thật hay và cô độc khi hai người ngồi liền kề bên nhau, có thể giao tiếp với nhau song vẫn đi lang thang trong thế giới nhỏ của riêng mình. Tôi hoàn toàn chẳng đọc được chữ nào, thay vào đó tôi quan sát anh ta làm việc. Một hồi lâu, tôi không rõ là bao lâu, anh ta ngẩng lên và gập máy tính lại. Tôi đã gấp sách từ trước đó rồi. Hai chúng tôi khởi sự nói chuyện về lớp học, dĩ nhiên, điểm chung đầu tiên cần phải được khai thác triệt để. Khi đã hết cái để nói về trường lớp, tôi hỏi anh ta về sở thích nghe nhạc, cuốn sách thích đọc, bộ phim thích xem, những món ăn anh ta thích và ghét, khi lớn lên muốn trở thành gì. Anh ta vừa trả lời vừa hỏi lại tôi, đan xen một số dữ kiện mà chúng tôi nhận thấy là giống nhau đến quái lạ. Ví dụ như anh ta thích nghe nhạc Brian Crain, tôi chẳng biết thằng nào ở độ tuổi này thích nghe nhạc của Crain hết. Hoặc, khi tôi nói tôi thích ngồi lại trong phòng chiếu phim ngay cả khi phim đã hết, anh ta liền nói ngay rằng anh ta cũng vậy. Và lúc đó tôi biết, cái lí do diễn giải cho việc thích ngồi lại thật lâu đến mức nhân viên phải đuổi đi ấy không cần phải nói ra thành lời thêm nữa, cả hai chúng tôi đều đã tự biết rồi. Khi nhìn vào mắt anh ta, tôi bỗng thấy căn phòng cố định trống rỗng đó đột nhiên thu hẹp lại. Dù chỉ là một chút thôi nhưng các bức tường của nó không còn đè lên trái tim tôi nữa. Lần đầu tiên kể từ khi chuyển tới đây, tôi mới thực sự thấy nhẹ nhõm và hoàn toàn thả lỏng không đề phòng. Tôi không biết vì sao mà sự cảnh giác tôi thiết lập nên bỗng hốt nhiên trở nên vướng víu khi tôi ở cạnh anh ta. Tôi gỡ chúng dần dần khi chúng tôi trò chuyện, hay khi chúng tôi hẹn gặp nhau trước khi lớp học bắt đầu để đi uống cà phê, hoặc chẳng làm gì chỉ đứng dưới trời tuyết và nhìn ngắm những cành cây đang trĩu xuống. Có đôi lần chúng tôi nắm tay nhau, anh ta mỉm cười với tôi khi làm thế, một nụ cười bẽn lẽn và chậm rãi như bị nghẹn lại từ rất nhiều năm trước đây khi anh ta hãy còn là một đứa trẻ. Và trái tim của tôi. Đúng vậy, trái tim của tôi đang đập mạnh. Trên tất cả, có lẽ cái nhân cứng bên trong vỏ bọc này đang tan ra hay sao, hoặc có lẽ nó đang cựa quậy như một con thú nhỏ trong cái kén bị ủ kín lâu ngày. Khi tôi siết những ngón tay chặt hơn, anh ta cũng nắm lấy tay tôi, ngấu nghiến nó bằng sự thèm khát được chạm vào nhau ở một chốn không người. Song khi đó, tôi đã nghĩ về Sami.

Sami không biết về sự hiện diện của anh chàng trong lớp xã hội học. Tôi không kể lể quá nhiều về đời tư của mình cho Sami, chúng tôi chỉ gặp nhau khi tôi rơi vào trạng thái bế tắc. Mặc dù Sami từng nói sẽ đưa tôi đi ăn hay đi xem phim vào những dịp cuối tuần, nhưng tôi chưa bao giờ gọi cho Sami để hỏi về những điều như thế cả. Thật vậy, chúng tôi chỉ gặp nhau khi muốn làm tình mà thôi. Hay đúng hơn, chỉ khi nào tôi muốn mà thôi. Sami không chủ động bao giờ. Tôi biết rằng cái có giữa chúng tôi không gì hơn là một tình bạn đơn thuần, giữa một người đàn ông trung niên cô đơn và một đứa bé gái thích được làm người lớn. Đôi khi Sami nói với tôi về những con mèo mà ông ta thấy ở gần nhà, khi nằm từ trên giường và nhìn ra bên ngoài cửa sổ, những con mèo hoang to lớn đi lại trên bức tường gạch che lấp mất một nửa bầu trời. Chúng cứ đi về phía trước, con này con nọ nối đuôi nhau và kì lạ là Sami chưa từng thấy một con nào trở lại. Chúng đi đâu được nhỉ, Sami thắc mắc, chúng có thể đi đến đâu giữa tiết trời lạnh giá như thế. Tôi hỏi Sami liệu ông ta đã bao giờ thử đi tìm những con mèo đó chưa, Sami nói là chưa, rằng ông ta đã định làm như thế song đều quên đi mất. Mùa đông quá khắc nghiệt và sau khi trở về nhà từ chỗ làm, Sami chẳng muốn gì ngoài một cốc bia, xem bộ phim truyền hình dài tập trên ti vi rồi đi ngủ. Ông không thực sự quan tâm đến bọn mèo, chúng cứ đi qua đời ông như thế mà ông còn chẳng thèm giữ chúng lại hay đi tìm chúng, một lần tôi nói, vì chẳng còn cái gì để nói tôi lôi mấy con mèo ra tận dụng. Tôi có quan tâm đến chúng chứ, Sami đáp, mân mê cái bụng tròn của ông ta rồi đặt tay tôi lên đó, nhưng chúng thậm chí còn chẳng bao giờ nhận ra sự có mặt của tôi. Chúng chỉ bước thật nhanh và uyển chuyển trên bức tường gạch kia để đi tới một nơi xa xôi nào đó tôi không đến được. Tôi nghĩ rằng ngay cả khi tôi có tìm ra chúng đi chăng nữa thì cũng chẳng để làm gì, vì chúng sẽ không trở về chỉ vì tôi, Sami nói rồi yên lặng. Chúng tôi yên lặng như một thói quen, một quy ước ngầm, rằng không cần ngôn từ khi chúng ta ở cạnh nhau. Chỉ cần như vậy thôi, duy trì bầu không khí chúng ta đang cùng nhau hít thở, cảm nhận hơi ấm của nhau, và cho dù hơi ấm đó có sưởi ấm chúng ta hay không đi chăng nữa, thì ít ra vào lúc này đây chúng ta cũng không hề đơn độc.

Tôi qua lại với anh chàng xã hội học được đôi lần, đi ăn hoặc đi tới thư viện trước khi tôi dẫn anh ta về phòng và cho phép anh ta thích làm gì cũng được. Anh chàng chính ra lại khá ngờ nghệch trong chuyện này, vì thế tôi quyết định mở một phim khiêu dâm và chúng tôi cùng xem. Tôi tua chậm cảnh làm tình trong phim, hướng dẫn anh ta chỗ nào trên cơ thể tôi là điểm nhạy cảm, phải đẩy hông như thế nào để không bị đau và đừng có mà nhanh quá, tôi thích làm chậm rãi để tận hưởng như một con người chứ không phải một cỗ máy tình dục. Trong khi anh ta chăm chú xem phim, tôi đi ra ngoài đun nước pha trà. Đợi nước sôi mất chừng mười lăm phút, vì thế tôi mở tủ lạnh xem có cái gì ăn được không. Tôi thấy cái kẹo mà Sami đã đưa cho tôi vào lần thứ hai chúng tôi gặp mặt. Thực tình tôi không mê kẹo mút lắm, tôi chỉ bỏ nó ở đó để không bị chảy nước cũng không nỡ quăng đi. Tự nhiên tôi khóc. Nước mắt kéo thành vệt tạo thành một đường thẳng khô quánh trên má tôi, khi cái lạnh ngấm vào tôi chỉ thấy mát rượi. Tựa như ngọn gió mùa hè trên thảo nguyên mà tôi chưa từng được đến, âm thanh của một cái radio nhiễu sóng đang phát đi phát lại những bản tình ca, và mùi ẩm thấp của một chiếc xe lỗi thời cà tàng đã từng làm cõi lòng tôi dịu lại. Nước mắt của tôi không nhiều, chúng chỉ rơi đôi chút tựa như một cơn mưa bóng mây, lất phất nhè nhẹ để người ta biết được mà không hề bị ướt. Tôi bỏ bình nước đang đun đấy, đi vào phòng và bảo anh ta thôi xem phim được rồi và làm gì với tôi thì làm đi. Lần đầu tiên xem ra cũng không quá tệ. Anh ta học khá nhanh, tuy vẫn phải lọ mọ mất một lát mới đưa vào được. Anh ta làm rất chậm như tôi đã yêu cầu và kể từ khi tôi ngủ với Sami cách đây hai ngày, khoái cảm mới thực sự đến với tôi. Nó rất hoang sơ, rất nguyên thủy. Không hề giống khi tôi ở bên cạnh Sami. Sau khi làm tình xong, chúng tôi không cố bắt đầu một cuộc trò chuyện. Cả hai tận hưởng cảm giác thỏa mãn mệt nhoài bên nhau, anh ta vắt tay lên trán còn tôi tồng ngồng đi ra ngoài rót nước pha hai gói trà. Tôi chưa từng pha trà cho Sami, thực ra không phải vì tôi không muốn mà bởi ông ta luôn biến mất rất nhanh, tựa một cơn lốc nhỏ. Anh chàng này thì không, anh ta thoải mái tựa người trên gối, quan sát tôi bê hai cốc trà nóng vào phòng. Không nói gì cả mà rất tự nhiên, anh ta mở máy tính của tôi lên và chọn một bộ phim hài hước gia đình.

Trong căn phòng nhỏ nơi tôi đang sống ở khu ký túc xá, tôi và người đàn ông này đã uống trà, xem phim, thi thoảng mỉm cười, sau đó hôn nhau.

END

2014-11-23

13:04 pm

Giới hạn của khí trời Giới hạn của khí trời Reviewed by Phạm Thu Hương on 00:50 Rating: 5

Không có nhận xét nào: