Một chuyện đàn bà

(Trích “Kết thúc của con người đỏ”)

Svetlana Alexievitch

- Tôi, tôi sẽ kể với bà chuyện tình của tôi… Khi người Đức đến trong làng chúng tôi, trên những xe cam nhông lớn, người ta thấy đúng những chiếc mũ lấp lánh của họ. Họ trẻ và vui. Họ ghẹo bọn con gái. Lúc đầu, họ trả tiền mọi thứ: gà, trứng. Khi tôi nói chuyện đó, chẳng ai tin tôi. Tuy nhiên, đó là sự thật thuần túy! Họ trả bằng mác[1]… Tôi, chiến tranh, tôi cóc cần: tôi đang yêu. Tôi chỉ nghĩ đến lúc tôi sẽ gặp lại anh ấy. Anh đến, anh ngồi trên ghế dài, và nhìn tôi, cười. “Tại sao anh cười?”. “– Thế đấy thôi!”. Trước chiến tranh, chúng tôi học cùng lớp ở trường. Bố anh chết vì lao, và ông nội anh bị đày đi Sibérie vì là koulak[2], cùng với gia đình ông. Anh nhớ, khi còn nhỏ, mẹ anh mặc cho anh đồ con gái, bà giải thích cho anh rằng nếu người ta đến bắt họ, thì anh phải ra ga, lên một con tàu, và ra đi. Anh tên là Ivan… Tôi, bao giờ anh cũng gọi tôi là “Lioubotchka của anh”… Sao chiếu mệnh của chúng tôi xấu, chúng tôi không có hạnh phúc. Ít lâu sau khi người Đức đến, ông nội anh từ nơi đi đày trở về. Ông tràn ứ hận thù, chắc chắn rồi. Ông trở về một mình. Ông đã chôn gia đình ông nơi vùng đất lạ. Ông kể người ta đã kéo lê họ trên các dòng sông Sibérie như thế nào. Người ta trút gia đình ông xuống chốn tận cùng rừng taiga, chỉ thí một cái cưa và một cái rìu cho ba mươi con người. Họ ăn lá cây, họ gặm vỏ cây. Ông nội anh ghét những người cộng sản, anh ghét Lénin và Stalin. Anh đã trả thù ngay từ những ngày đầu tiên. Anh chỉ những người cộng sản cho người Đức… Thằng kia… Thằng kia… Và người ta đưa họ đi đâu đó… Rất lâu, tôi không hiểu chiến tranh…

Chúng tôi cùng tắm ngựa dưới sông. Trời nắng. Chúng tôi trải rơm ra phơi, mùi thơm quá… Tôi không biết chút gì những chuyện ấy… Trước tôi không cảm nhận sự vật như thế này… Không có tình yêu, tôi là một đứa con gái đơn giản, bình thường… Cho đến khi tôi yêu. Tôi thường có một giấc mơ điềm triệu. Con sông của chúng tôi không lớn, nhưng tôi bị một luồng nước ngầm cuốn đi, tôi bị đắm… Tôi không hiểu như thế nào, nhưng có ai đó dìu tôi lên mặt nước, có điều tôi không còn quần áo. Tôi bơi về phía bờ. Nhiều lần là đêm, nhiều lần là buổi sáng. Có người trên bờ, cả làng đang ở đấy. Tôi bước lên khỏi mặt nước, và tôi hoàn toàn trần truồng.

Ai đó có một cái máy quay đĩa, và đám trẻ ở nhà anh ta. Người ta nhảy. Người ta bói tương lai bằng cách ném giày của mình ra bên ngoài, hoặc bói trong sách thánh vịnh, hoặc còn bằng nhựa thông... Bằng hạt đậu… Nhựa, thì người con gái phải tự mình đi tìm trong rừng, phải tìm một cây thông già, cây non không hợp, chúng không có ký ức. Không có lực. Đúng cả đấy! Đến ngày nay tôi vẫn còn tin… Hạt đậu, vun thành những đống nhỏ rồi đếm: chẵn, lẻ… Tôi mười tám tuổi. Lại một lần nữa, bà sẽ không tìm thấy điều này trong sách đâu, chắn chắn thế… nhưng dưới chính quyền Đức chúng tôi sống tốt hơn dưới chính quyền xô viết. Người Đức mở lại các nhà thờ. Họ giải tán các nông trường tập thể và chia đất, mỗi người hai hecta, và hai nông dân một con ngựa. Họ lập một loại thuế cố định: mùa thu, chúng tôi nộp lúa mì, đậu, khoai, và mỗi gia đình một con lợn. Sau nhưng cái ấy, chúng tôi còn lại được đôi thứ gì đó. Mọi người đều bằng lòng. Còn dưới chính quyền xô viết, chúng tôi sống đói khổ. Ông tổ trưởng ghi “ngày công” của anh bằng cách gạch một dãy cây gậy trong một quyển vở, và mùa thu, với những ngày công ấy, anh nhận được ba lần không có gì hết. Trong khi, bây giờ, chúng tôi có bơ, thịt… Khác chứ. Chúng tôi rất vui với niềm tự do ấy. Người Đức đã thiết lập kiểu trật tự của họ: nếu ta không cho ngựa của họ ăn, thì được lĩnh roi, nếu không quét trước cửa nhà mình… Tôi nhớ những điều người ta nói… “Ta đã quen với những người cộng sản, cũng sẽ quen với người Đức thôi. Người ta tập sống theo lối Đức”. Thế đấy… Tôi nhớ lại rất rõ… Đêm, mọi người đều sợ “những người ở trong rừng”, họ tới bất ngờ. Một lần, họ vào nhà tôi, một người cầm rìu, người kia cầm chĩa. “Bà mẹ, cho chúng tôi mỡ của mẹ đi! Và rượu xé ruột. Đừng có mà lôi thôi!”. Tôi kể cho bà nghe sự thể đã diễn ra thật như thế nào, không phải như trong sách. Những người du kích, lúc đầu, chẳng ai ưa họ.

Chúng tôi đã định ngày cưới. Khi công việc đồng áng đã xong và phụ nữ đã buộc bó lúa cuối cùng bằng hoa. (Bà ngừng lời). Đầu óc tôi có kém đi, nhưng tâm hồn tôi thì nhớ tất cả… Sau bữa ăn, trời bắt đầu mưa. Mọi người chạy từ đồng về, và mẹ tôi cũng thế. Bà khóc. “Lạy Chúa lòng lành! Ivan của con đã nhập cảnh sát! Con sẽ là vợ của một politzei! – Ôi, khôôông!”. Cả hai mẹ con đều khóc. Buổi tối, khi Ivan đến, anh ngồi đấy mà không nhìn chúng tôi. “Ivan, anh thân yêu, tại sao không nghĩ đến mẹ con em? – Lioubotchka của anh…”. Ông nội anh đã ép anh. Cái con quỷ già ấy! Ông đã làm cho anh sợ. “Nếu mày không vào cảnh sát, thì người ta sẽ gửi mày sang Đức. Và Liouba của mày, mày có thế coi như mất toi rồi! Mơ ước của ông ta, là anh ấy lấy một phụ nữ Đức… Người Đức chiếu cho chúng tôi xem những phim Đức, cuộc sống tốt đẹp của mọi người bên ấy. Nhiều người tin, bọn con trai con gái. Và chúng đi sang bên đó. Trước khi chúng đi, người ta tổ chức một buổi lễ có nhạc kèn đồng. Chúng đi giày mà lên tàu. (Bà lấy những viên thuốc từ trong túi ra). Sức khỏe tôi rất tệ. Các bác sĩ bảo y tế chẳng thể làm gì được… Tôi sắp chết. (Bà im lặng). Tôi muốn tình yêu của tôi còn lại sau tôi. Rằng người ta sẽ đọc nó khi tôi không còn nữa…

Chung quanh chúng tôi, là chiến tranh, nhưng chúng tôi hạnh phúc. Chúng tôi đã sống với nhau một năm như vợ chồng. Tôi có thai. Ga xe lửa gần ngay nhà chúng tôi. Có những đoàn tàu chở người Đức đi qua, những người lính đi ra mặt trận. Họ rất trẻ và vui, họ hát vang trời. Khi nhìn thấy tôi, họ hét lên: “Klein Mädchen!”. Họ cười. Và rồi, ngày càng ít người trẻ, và càng nhiều người già. Những người trước đây vui, nhưng những người này thì buồn. Họ không cười nữa. Quân đội xô viết đang thắng. Tôi hỏi Ivan: “Chuyện gì sẽ đến với chúng ta?”. Anh bảo tôi: “Tay anh không vấy máu. Anh không hề bắn ai cả.” (Bà im lặng)... Các con tôi không biết chút gì về những chuyện đó, tôi không kể cho chúng. Có thể cuối cùng, trước khi chết… Bà biết không, tôi sẽ nói với bà một điều: tình yêu là một thứ thuốc độc.

Cách nhà tôi hai nhà có một người đàn ông trẻ cũng thích tôi, anh ta luôn rủ tôi đi khiêu vũ. Anh ta chỉ nhảy với tôi. “Tôi sẽ đưa em về ”. “– Tôi đã có một chàng kỵ sĩ rồi…”. Anh chàng ấy là một người đẹp trai… Anh đã vào bưng, đã đi theo du kích. Người ta đã thấy anh đội mũ chapka có viền băng đỏ. Một đêm, người ta gõ cửa. Những người du kích. Và anh chàng vẫn theo đuổi tôi trước đây bước vào cùng những người khác, già hơn. “Sao, cuộc sống thế nào, cô politzei bé nhỏ? Cũng đã lâu tôi muốn đến thăm cô. Chồng cô ở đâu?”. “– Nhưng làm sao tôi biết được. Chắc anh ấy phải ở đồn.” Anh ta nắm lấy tay tôi và ném tôi vào tường: “Đồ đĩ Đức…! Đồ gái đứng đường…!”. Và anh ta chửi tôi bằng đủ thứ tên. Tôi, tôi đã chọn một tên Ukrain làm tay sai cho bọn Bosh[3], thuộc cái lũ koulak, mà lại còn đi õng ẹo với anh ta…! Anh ta làm ra vẻ định rút súng lục. Mẹ tôi sụp xuống trước gối anh: “Nào, bắn đi, bọn nhóc. Ta đã sống cùng tuổi thơ với mẹ các anh! Hãy để cho các bà ấy cũng cùng khóc, cả các bà ấy nữa!”. Nhưng lời nói của mẹ đã có hiệu lực. Họ bàn với nhau, rồi bỏ đi. (Bà im lặng). Tình yêu, đấy là một điều cay đắng…

Mặt trận ngày càng đến gần. Ban đêm đã nghe tiếng súng. Một hôm chúng tôi lại có những người du kích đến thăm. Anh chàng theo đuổi tôi bước vào cùng một người nào đó khác vừa vung khẩu súng ngắn của anh ta lên: “Tôi vừa bắn chết chồng cô bằng khẩu súng này!”. “– Không, không! Không đúng!”. “– Bây giờ cô không có chồng nữa!”. Tôi tưởng là tôi sẽ giết hắn… móc mắt hắn ra… (Bà lặng im). Ngày hôm sau, họ mang Ivan của tôi về cho tôi. Trên một xe trượt. Nằm dài trên chiếc áo bành tô của anh. Mắt anh nhắm lại, và một khuôn mặt trẻ con. Anh chưa bao giờ giết chết ai… Tôi tin lời anh đã nói với tôi. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn tin! Tôi lăn ra đất mà hét lên. Mẹ tôi sợ tôi điên, tôi sẽ sinh ra một đứa con đã chết trong bụng hay dị dạng, bà bèn chạy đến tìm một bà già chữa bệnh, bà Stassia. Stassia bảo bà: “Tôi biết tai họa của nó rồi, nhưng tôi chẳng làm gì được. Thôi thì con gái bà chỉ còn cầu Chúa.” Bà bày cho mẹ tôi cách làm. Trong đám tang Ivan, tôi không được đi theo sau quan tài, như mọi người, mà phải đi đằng trước, cho đến nghĩa trang. Đi suốt qua cả làng… Vào cuối chiến tranh, nhiều người đã vào bưng và theo du kích. Mỗi nhà, đều có người chết (Bà khóc). Và tôi đã làm như bsà Stassia dặn… Cảnh sát đi theo quan tài. Tôi đi đằng trước, và mẹ tôi đi sau. Mọi người đều ra trước bục cửa nhà mình, nhưng không ai nói điều gì ác. Họ nhìn và khóc.

Những người xô viết trở lại... Anh chàng nọ lại tìm đến tôi. Anh ta cưỡi ngựa mà đến. “Người ta vẫn quan tâm đến cô đấy!”. “– Ai?”. “– Sao thế, sao lại ai? Các cơ quan của tôi!”. “– Tôi cóc cần cách tôi chết như thế nào. Họ có thể tống tôi đi Sibérie!”. “– Cô là một người mẹ tệ đến thế sao! Phải nghĩ đến con cô chứ!”. “– Anh quá biết nó là con ai…”. “– Tôi sẵn sàng lấy cô, ngay với cả nó nữa”. Và tôi đã cưới hắn ta. Tôi đã cưới kẻ giết chồng tôi. Tôi đã có với anh ta một đứa con gái. (Bà khóc). Anh ta yêu hai đứa con như nhau, con trai tôi và con gái anh… Về chuyện đó, tôi không thể nói điều xấu. Nhưng còn tôi… Tôi bầm tím cả người. Đêm anh đánh tôi, sáng ra, anh quỳ xuống mà xin lỗi tôi. Anh ta bị giày xé vì ghen... Anh ghen với người chết. Buổi sáng tôi dậy trước mọi người, tôi phải dậy trước để anh không thức dậy… và siết chặt lấy tôi trong đôi tay anh. Buổi tối, khi không còn chút ánh sáng nào ở cửa sổ, khi tôi còn ở trong bếp… Những chiếc chảo của tôi sáng ánh lên. Tôi chờ cho anh ngủ. Chúng tôi đã sống chung với nhau mười lăm năm. Anh ấy chết rất nhanh, trong một mùa thu. (Bà khóc). Không phải lỗi của tôi… Tôi không mong anh chết. Phút cuối cùng… Anh nằm, quay mặt vào tường, và đột ngột, anh quay lại phía tôi. “Em có yêu anh không?”. Tôi không nói gì cả. Anh phá lên cười, giống như cái đêm ấy, khi anh chìa ra cho tôi khẩu súng lục của anh. “Anh, thì anh chỉ yêu em, suốt đời anh. Yêu dữ dội cho đến nỗi anh muốn giết chết em khi anh biết anh sắp chết. Thậm chí anh đã xin thuốc độc ở chỗ Yachka (người hàng xóm của chúng tôi, ông ấy là thợ thuộc da). Anh không thể chịu đựng ý nghĩ anh sẽ chết, và em thuộc về ai đó khác. Em đẹp đến thế mà!”.

Khi anh ấy nằm trong quan tài, cứ như anh ấy cười. Tôi sợ không dám đến gần anh. Nhưng tôi phải ôm hôn anh chứ.

(Họ hát thành bè)

Đứng lên, đứng lên đi, đất nước mênh mông!

Đã đến giờ chiến đấu tử sinh!

Một nỗi căm hờn chính trực thúc giục chúng ta,

Chiến tranh, chiến tranh thần thánh…!

- Tim tôi đau nhức…

- Tôi thì, tôi đã dặn các con gái tôi khi tôi chết, tôi chỉ muốn có nhạc, và đừng ai nói gì hết…

- Sau chiến tranh, những người tù binh Đức lễ mễ đi khiêng gạch, họ xây dựng lại thành phố. Họ đói, họ xin bánh mì. Và tôi, tôi không thể cho họ một mẩu bánh. Đôi khi, tôi nghĩ lại… Tôi nghĩ lại lúc ấy… Thật kỳ quặc, cái thứ ký ức còn lại nơi ta…


[1] Mác: Tiền Đức.

[2] Koulak: Phú nông.

[3] Bosh: Chỉ bọn Đức một cách khinh bỉ.

Một chuyện đàn bà Một chuyện đàn bà Reviewed by Phạm Thu Hương on 14:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào: