Vũ Trọng Khải
Trước hết, phải khẳng định là, nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, không chỉ lạc hậu về mọi mặt, mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là, nó đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn. Nếu không khắc phục được tình trạng này, nền nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại, mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm. Khi đó, sự tổn thất cho nông nghiệp, nông dân nói riêng và cho cả nền kinh tế và người dân Việt Nam nói chung, là hết sức to lớn.
Mặt khác, phải khẳng định rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là một tiến trình tất yếu, khách quan để tồn tại và phát triển. Không chấp nhận hội nhập kinh tế quốc tế chỉ là cách như “đà điểu vùi đầu vào cát” để tránh nguy hiểm, rủi ro, cầu may để tồn tại.
Vì thế, Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với những thách thức của hội nhập, biến nguy cơ thành thời cơ, biết lợi dụng những cơ hội của hội nhập để phát triển. Không có con đường nào khác. Muốn tìm lời giải hữu hiệu cho bài toán hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết phải nhận ra đúng đắn những trở ngại, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền nông nghiệp Việt Nam.
I. Những trở ngại và thách thức lớn nhất là:
1. Thể chế quản lý kinh tế vĩ mô
Muốn hội nhập kinh tế quốc tế thành công, trước hết phải hội nhập về thể chế quản lý kinh tế vĩ mô, bao gồm bộ máy công quyền và công chức trong hoạch định và thực thi pháp luật và chính sách của nhà nước, trong xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự mà bên nguyên là công dân và doanh nghiệp, bên bị là công chức và cơ quan công quyền. Bộ máy công quyền và công chức quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng, thủ tục quản lý phiền hà đang làm triệt tiêu ý chí khởi nghiệp và đầu tư phát triển của người dân và doanh nghiệp. Thể chế quản lý kinh tế, pháp luật và chính sách đang tạo ra điều kiện thuận lợi nảy sinh, phát triển của tệ quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham nhũng. Không có quyết tâm chính trị cao không thể thiết lập được thể chế kinh tế vĩ mô hội nhập với quốc tế, đóng vai trò kiến tạo phát triển. Cái khó không phải là việc xây dựng thể chế quản lý kinh tế phù hợp với điều kiện hội nhập. Bởi vì Việt Nam đi sau, nên có thể học tập được kinh nghiệm của các nước đi trước đi trước (kể cả kinh nghiệm thất bại và thành công) để có thể cải tổ thể chế quản lý nhanh chóng và hiệu quả hơn các nước đi trước. Cái khó là ở chỗ lãnh đạo, nhất là cấp cao, có quyết tâm chính trị cao trong cải tổ không. Nếu tình trạng bộ máy công quyền và công chức quan liêu, cửa quyền, tham nhũng nặng nề và chế tài của pháp luật không đủ mạnh như hiện nay, không được sớm khắc phục nhanh chóng theo xu hướng hội nhập quốc tế, thì chắc chắn Việt Nam phải trả giá đắt khi các hiệp định về cộng đồng kinh tế ASEAN và TPP có hiệu lực. Nhưng khi đã phải trả giá đắt, rơi vào bước đường cùng, hội nhập hay là chết, tình thế đó buộc các nhà lãnh đạo đất nước phải thay đổi thể chế quản lý theo xu hướng hội nhập quốc tế.
2. Sai lầm trong chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị
Quá trình phát triển công nghiệp và đô thị trong những năm qua chỉ tạo ra một nền công nghiệp gia công, lắp ráp, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp, dựa vào khai thác tài nguyên tự nhiên và sử dụng sức lao động cơ bắp với giá rẻ, chấp nhận ô nhiễm môi trường. Người nông dân rời bỏ đồng ruộng vào làm việc ở các khu công nghiệp với mức lương không đủ sống, nên thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ với cường độ lao động cao. Do vậy, họ không thể trở thành người lao động công nghiệp chuyên nghiệp, gắn bó cả đời với công nghiệp. Họ sẽ bị giới chủ sa thải khi không còn đủ sức khỏe làm việc ở tuổi đời chưa già và cũng không còn trẻ để chuyển đổi nghề nghiệp. Họ đành phải trở về nông thôn, chia lại mảnh ruộng và công việc vốn đã ít ỏi. Khi đó, những vấn đề kinh tế, xã hội nghiêm trọng sẽ nảy sinh, không thể giải quyết được. Đó chính là lý do họ đòi lĩnh một lần tiền bảo hiểm xã hội khi rời bỏ công việc ở các doanh nghiệp công nghiệp.
Mặt khác, việc phát triển các khu công nghiệp mới chỉ tạo ra việc làm, mà không tạo ra đời sống đô thị “an cư, lạc nghiệp” cho người lao động. Bởi vì, người ta đã không xây dựng các khu dân sinh với các tiện ích công cộng của một đô thị văn minh bên cạnh các khu công nghiệp. Người công nhân phải sống trong các khu nhà ổ chuột, không được hưởng các dịch vụ công như dân đô thị gốc, trở thành công dân hạng hai, họ phải gửi con về quê cho ông bà nuôi dạy. Tất cả điều đó phản ánh sự thất bại của chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị. Người nông dân đã không có đủ điều kiện tối thiểu để trở thành thị dân. Vì thế, họ không thể bán hay cho thuê lâu dài đất nông nghiệp ở quê hưởng. Cuộc sống bấp bênh khiến họ luôn trong tư thế sẵn sàng trở về quê làm ruộng như trước đây, khi có biến động lớn. Đó là tình trạng phổ biến của công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay.
Vì thế, phát triển công nghiệp và đô thị đã không tạo nguồn cung cấp đất nông nghiệp cho thị trường đất đai để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, áp dụng công nghệ cao, thực hiện GAP, làm ra nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Mặt khác, phần lớn các khu công nghiệp lại được xây dựng ở các đô thị lớn, tạo ra các siêu đô thị như TP. HCM, Hà Nội… dẫn đến tình trạng “quá tải”, nảy sinh những nan đề xã hội và môi trường hết sức nghiêm trọng. Điều đó lại càng làm cho chất lượng sống của thị dân nói chung, nhất là dân nhập cư nói riêng, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
3. Không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái
Những nông sản chủ lực, có khối lượng và gía trị cao hiện nay ở từng vùng nông nghiệp dường như là kết quả của quá trình tự phát. Ví dụ, vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), vốn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất cho sự phát triển của nghề trồng lúa nước, hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng hàng năm. Khối lượng lúa được sản xuất và xuất cảng ngày một tăng nhờ có đầu tư về thủy lợi, giao thông và các biện pháp nông học (như giống mới, kỹ thuật canh tác ba giảm, ba tăng…). Nhưng khối lượng lúa sản xuất và xuất cảng tăng tỉ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỉ lệ thuận với ô nhiễm môi trường. Hiện nay, người dân Philippines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. Vô tình, chúng ta, trước hết là nông dân Việt Nam đang phải “bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tế về an toàn lương thực”. Đó là kết quả của sự phát triển thiếu chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng công nghiệp sinh thái.
Trong khi đó, chúng ta lại say sưa với việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh (thành phố), với tiêu chí GDP tỉnh, cơ cấu kinh tế tỉnh. Tỉnh nào cũng cần những “con số đẹp” về GDP và cơ cấu kinh tế, theo hướng gia tăng tỉ trọng gái trị sản xuất công nghiệp bằng mọi giá. Sau một thời gian phát triển theo tư duy này, người ta mới ngộ ra rằng phải phát triển kinh tế theo vùng, nên các địa phương đang phải “ngồi lại” với nhau để bàn phương án “liên kết vùng”. Đó là một quy trình ngược theo kiểu “thả gà ra vườn rồi phải đi bắt lại từng con để nhốt vào chuồng”. Bởi phương án chiến lược sản phẩm và quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng của mỗi vùng kinh tế sinh thái đã bao hàm nội dung liên kết giữa các tỉnh (thành phố) theo vùng.
Điều quan trọng khi xác định chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng kinh tế - sinh thái là trước hết xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất cảng, ở những mức độ khác nhau của mỗi loại nông sản, chứ không phải chạy theo doanh số xuất cảng như hiện nay.
Do vậy, khi hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp Việt Nam dường như đang mất phương hướng. Tình trạng nay trồng, mai chặt vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Thậm chí biết trồng sẽ lỗ nhưng vẫn phải trồng, vì người nông dân chẳng biết làm gì khác ngoài sản phẩm truyền thống.
Đó là trở ngại thứ ba.
4. Người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng công nghệ cũ kỹ, vừa cho năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, với giá thành sản xuất cao, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Nông dân Việt Nam hiện nay vẫn là “nông dân cha truyền con nối”, nên “lão nông mới tri điền”. Mỗi nông hộ sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, hay theo tín hiệu thị trường của thương lái, không phải là mắt khâu của chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với công nghệ lạc hậu và kinh doanh theo kiểu “ăn đong”, “có gì mua nấy”, “có gì bán nấy”, không phải là người tổ chức, lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng. Vì thế, hầu như các mặt hàng nông sản Việt Nam đều không thể có thương hiệu. Còn hợp tác xã được thành lập cũng chủ yếu phục vụ sản xuất của các hộ nông dân nhỏ lẻ, ở một vài khâu dịch vụ đầu vào. Hợp tác xã trong nông nghiệp chưa phải là một tổ chức kinh tế của nông dân sản xuất hàng hóa lớn, đủ khả năng mặc cả với doanh nghiệp, ở cả đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp. Tệ hại hơn là, rất nhiều hợp tác xã được thành lập theo ý chí của chính quyền địa phương để đạt tiêu chí “xây dựng nông thôn mới”, không phải của nông dân, vì nông dân, do nông dân.
Người nông dân cha truyền con nối hiện nay không có nhu cầu và khả năng gia tăng quy mô đất đai, để tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Vì thế “cầu” của thị trường đất nông nghiệp còn rất thấp. Đó là trở ngại thứ tư.
5. Một sai lầm quan trọng nữa là, chúng ta chủ trương và thực hiện đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao. Vô hình chung, chúng ta thừa nhận một cách vô thức sự tồn tại hợp pháp một nền nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các nước phát triển hiện nay đều là những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm vài phần trong trong GDP của cả nước. Họ không tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao để “làm mẫu”, lấy thành tích. Việt Nam chưa có chiến lược nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao trong toàn bộ nền nông nghiệp.
Đó là trở ngại thứ năm.
II. Những giải pháp khắc phục trở ngại, thách thức, tận dụng thời cơ để hội nhập thành công
1. Xây dựng lại các thể chế quản lý vĩ mô, bao gồm cơ cấu bộ máy công quyền, cơ chế quản lý và công chức, từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với quy luật vận động của kinh tế thị trường và tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền, đóng vai trò kiến tạo phát triển cho người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế quốc dân, (không phải chỉ là cải cách thủ tục hành chính). Trước mắt, cần rà soát lại toàn bộ luật pháp, chính sách, thủ tục quản lý hiện hành, sửa đổi nó sao cho phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế. Cần xóa bỏ ngay tất cả các “giấy phép con”, các văn bản dưới luật trái với luật pháp hiện hành, các thủ tục quản lý rườm rà, các loại lệ phí và phí vô lý hiển nhiên; triệt để, kiên quyết xóa bỏ tệ nạn sản xuất buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nghiêm chỉnh thực thi các chính sách đúng đắn hiện hành, như chính sách ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp… Đặc biệt trước tiên cần làm lành mạnh hóa thị trường cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, thuốc thú y…); nâng cao vai trò của tòa án trong các vụ kiện dân sự, nhất là các vụ kiện mà bên nguyên là công dân, doanh nghiệp, bên bị là công chức và cơ quan công quyền các cấp. Các quyết định chế tài của tòa án phải có giá trị thực thi cao và đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của công dân, doanh nghiệp và công chức nhà nước.
2. Xây dựng các khu đô thị vừa và nhỏ ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái, bao gồm khu công nghiệp và dịch vụ để tạo công ăn việc làm, cung cấp dịch vụ đầu vào – đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, khu dân sinh có các tiện ích và dịch vụ công cộng văn minh, tạo lập cuộc sống “an cư lạc nghiệp” cho cư dân, để họ có thể vĩnh viễn rời bỏ đồng ruộng, trở thành thị dân. Điều đó tạo ra nguồn cung đất nông nghiệp cho thị trường đất đai, thúc đẩy tiến trình tích vụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghiệp cao, tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng
3. Xây dựng chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho mục tiêu chiến lược sản phẩm. Theo đó, phải xác định rõ khách hàng mục tiêu, định hướng thị phần trong nước và quốc tế cho mỗi mặt hàng nông sản, dựa trên tiêu chí hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Nhiệm vụ sản xuất mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của mỗi vùng trờ thành một bộ phận cấu thành của nhiệm vụ và cơ cấu kinh tế của mỗi tình (thành phố). Mỗi tỉnh (thành phố) có nhiệm vụ thực thi việc quản lý hành chính - kinh tế trên địa bàn theo thẩm quyền, để bảo đảm cho việc thực hiện chiến lược sản phẩm quốc gia và các loại sản phẩm khác không thuộc diện chính phủ trung ương quản lý.
4. Nhà nước cần có chính sách đầu tư đào tạo con em nông dân thành những “thanh nông tri điền” thay thế cho “lão nông tri điền”, “nông dân chuyên nghiệp” thay cho “nông dân cha truyền con nối”, đủ năng lực quản lý các trang trại qui mô lớn, các hợp tác xã đích thực, liên kết với doanh nghiệp ở cả đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, tăng cường đầu tư cho hoạt động khuyến nông, nhất là hoạt động khuyến nông của doanh nghiệp lãnh đạo, tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, để nâng cao năng lực của “nông dân đương chức”. Chỉ có những nông dân chuyên nghiệp mới có nhu cầu và khả năng tích tụ và tập trung đất đai dưới hình thức mua đất nông nghiệp, sáp nhập các trang trại nhỏ thành trang trại lớn hay thuê đất nông nghiệp lâu dài của nông dân đã li nông. Nhờ đó, thị trường đất nông nghiệp mới hình thành và phát triển, tạo khả năng áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tin học hóa quá trình sản xuất và quản lý trong các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Và cũng chính họ mới có nhu cầu và khả năng thành lập và quản lý các hợp tác xã đạt hiệu quả cao trong hoạt động dịch vụ đầu vào – đầu ra cho sản xuất của các trang trại của mình. Hợp tác xã đích thực chỉ có thể hình thành và phát triển bền vững khi các thành viên chủ yếu của nó là các nông dân - chủ trang trại gia đình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao.
5. Xây dựng hợp tác xã đích thực của nông dân, do nông dân và vì nông dân, theo luật hợp tác xã 2012. Nhà nước cần đầu tư đào tạo một đội ngũ quản lý và kỹ thuật chuyên nghiệp để điều hành hợp tác xã phù hợp với bản chất hợp tác xã kiểu mới. Chỉ có như vậy, hợp tác xã mới trở thành một lực lượng kinh tế mạnh. Ban đầu, hợp tác xã có thể đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị ngành hàng. Khi phát triển ở trình độ cao hơn, hợp tác xã trở thành đối trọng của các doanh nghiệp cung ứng đầu vào - đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng của các trang trại thành viên.
6. Hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản và cung ứng nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng vai trò “nhạc trưởng”, lãnh đạo toàn chuỗi giá trị của từng mặt hàng nông sản, biến các trang trại trở thành mắt khâu trong chuỗi giá trị.
Nhà nước cần có chính sách tài chính - tín dụng khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao và đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng, như: miễn, giảm thuế thu doanh nghiệp trong vài năm đầu, cho vay vốn với lãi suất thấp từ ngân hàng phát triển, hay tài trợ 50% lãi suất tín dụng đầu tư vay của các ngân hàng thương mại, tài trợ kinh phí khuyến nông, chứng nhận Global GAP…, tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao…
Mỗi mặt hàng nông sản ở mỗi vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cấp quốc gia và cấp tỉnh (thành phố) đều phải được kinh doanh theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn (hay mạn tàu xuất khẩu), do một vài doanh nghiệp làm dịch vụ đầu vào - đầu ra cho sản xuất nông nghiệp (trước hết các doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản) đóng vai trò “nhạc trưởng”. Doanh nghiệp này ít nhất phải đủ năng lực cung ứng giống xác nhận, khuyến nông, ứng trước vật tư nông nghiệp cho nông dân, chế biến - tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản có thể mua hay thuê đất nông nghiệp lâu dài của nông dân, rồi khoán lại cho chính họ, dưới dạng công ty dự phần, để tạo lập chuỗi giá trị ngành hàng, giải quyết được ba vấn đề mà từng trang trại không tự giải quyết được là (i) thị trường và thương hiệu, (ii) vốn sản xuất, (iii) áp dụng công nghệ cao.
7. Chính phủ phải có chiến lược đầu tư nghiên cứu - triển khai (R&D) công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chiến lược ở cấp quốc gia, tạo ra nền nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt lưu ý thực hiện nền nông nghiệp hữu cơ với những giống cây con có gene bản địa, phát triển công nghệ dược phẩm và thực phẩm chức năng sử dụng các nguồn nguyên liệu truyền thống là sinh vật (cây và con) theo bài thuốc cổ truyền, ở mỗi vùng miền, mỗi sắc tộc, đang là lợi thế của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Tất nhiên, việc thực hiện các giải pháp trên phải tiến hành đồng bộ, có kế hoạch theo lộ trình hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu lâu dài của việc phát triển nền nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trước hết là trong khuôn khổ cộng đổng kinh tế ASEAN, TPP và các hiệp định AFTA khác đã được ký kết và có hiệu lực thi hành. Nhưng, nếu không vượt qua các thách thức nói trên, nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các nhà khoa học kỹ thuật và quản lý, đội ngũ doanh nhân và nông dân Việt Nam hiện nay có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Họ đang trông đợi ở chính phủ trong việc cải tổ thể chế quản lý kinh tế vĩ mô theo yêu cầu của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Không có nhận xét nào: