Ra mắt bản dịch tiếng Nga tác phẩm Truyện Kiều

clip_image002

clip_image004

Lời nói đầu bản dịch tiếng Nga tác phẩm Truyện Kiều

Cuối năm 2013, việc dịch Truyện Kiều được bắt đầu với nhóm dịch giả Nga- Việt.

Bản dịch dựa theo văn bản tập khảo đính Truyện Kiều của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7, dịch sang Tiếng Nga vẫn mang tên Kiều (КИЕУ) với tên thứ hai là Đoạn trường tân thanh (Стенания стерзанной души). Quyển sách sẽ được in bằng nguyên bản tiếng Việt Nam và bản dịch thơ bằng tiếng Nga cùng với các chú giải chọn lọc và các minh họa.

Trong quá trình dịch, chúng tôi có tham khảo những bản dịch Truyện Kiều khác đã được công bố bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Để giúp độc giả Nga với các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm Truyện Kiều, “Lời nói đầu” của bản dịch đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bổi cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XII-XVIII.

Đồng thời, phần tóm tắt Truyện Kiều được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật Truyện Kiều là một tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là một bộ tiểu thuyết bằng thơ (роман в стихах) được coi là một bộ Bách khoa toàn thư về xã hội Việt Nam trong quá khứ.

Với các tác phẩm văn học thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu; nhưng đối với việc dịch Truyện Kiều, một tác phẩm đặc biệt, phải vượt qua trùng trùng, điệp điệp những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, tiếng địa phương, điển cố và và các danh xưng hơn hai trăm năm về trước.

Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định là không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp của nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam.

Đây là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả.

Trong quá trình dịch Truyện Kiều, chúng tôi tuân thủ theo một tiến trình mang tính nguyên tắc sau đây: sau khi dịch Truyện Kiều ra văn xuôi, sẽ được hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai, lúc đó mới dịch ra thơ.

Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng và thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến.

Trong Truyện Kiều có tới 3236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt. Vì bản dịch Truyện Kiều không phải là một quyển sách tra cứu, nên chúng tôi không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Chỉ những điểm thật cần thiết nhất, chúng tôi mới chọn lọc để chú thích, chú giải.

Số câu thơ trong bản dịch tiếng Nga không tương đương với văn bản gốc Việt; việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga chỉ là nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ.

Phụ đề (tên gọi thứ hai) của tác phẩm theo nghĩa đen phải là Tiếng kêu đứt ruột mới (Новые душераздирающие стенания). Nhưng đến nay, những nhà nghiên cứu Nga vẫn sử dụng tên sách là Những tiếng than của một tâm hồn đau khổ (Стенания истерзанной души), nó đã đi vào sinh hoạt khoa học (sách giáo khoa, chuyên khảo, từ điển) và trở thành quen thuộc với các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy chúng tôi quyết định giữ lại tên gọi cũ.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng chắc chắn bản dịch không thể tránh khỏi những sai sót, chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các thức giả, hy vọng lần tái bản tới, bản dịch sẽ có chất lượng cao hơn.

Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt – Nga, gồm những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga- Việt.

Người có sáng kiến và phụ trách dự án là Phó Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ, tác giả của nhiều cuốn sách; tổ chức việc dịch thuật và tham gia hiệu đính cuốn sách.

Dịch nghĩa văn xuôi là dịch giả Vũ Thế Khôi, Nhà giáo Ưu tú, một trong những chuyên gia văn học và tiếng Nga hàng đầu ở Việt Nam.

Người dịch thành văn bản thơ tiếng Nga là Vasili Popov, một nhà thơ trẻ nhưng đã thành danh, chuyển tải chính xác và rõ ràng sự phong phú của kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga.

Phần hiệu đính và dịch thuật của dự án này do dịch giả người Việt Đoàn Tử Huyến và nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Socolov, phó giáo sư Ngôn ngữ học.

Trân trọng giới thiệu với độc giả Nga tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du

Nhóm dịch giả

Ra mắt bản dịch tiếng Nga tác phẩm Truyện Kiều Ra mắt bản dịch tiếng Nga tác phẩm Truyện Kiều Reviewed by Phạm Thu Hương on 14:03 Rating: 5

Không có nhận xét nào: