Shuhun! Tên Em là một trận cuồng

Truyện Trần Vũ

Saburo Sakai

Ngày 17 tháng 10-1944 phó đô đốc Takijirō Ōnishi đến Phi Luật Tân, chính thức thành lập các phi đoàn Thần phong. Nhật Bản rơi trầm vào cuộc chiến tuyệt vọng. Mc Arthur đã áp sát vịnh Leyte, Halsey phong tỏa hải đảo Iwo Jima, biển Nhật đã bị khống chế. Với binh sĩ Nhật không còn lối thoát nào khác ngoài lưỡi gươm danh dự Seppuku: Rạch bụng hay chết cùng kẻ thù. Đặt tên cho các phi đoàn Kamikaze đầu tiên, Ōnishi đọc lời thơ cổ của tiếng thơ Motoori Norinaga: ‘‘Nếu ai hỏi tôi đâu là trái tim Nhật Bản, tôi sẽ trả lời chính hương dâu tằm hoang dại trước mặt trời mọc”. Shikishima Đảo thiêng, Yamato Vương quốc Đại hòa, Yamazakura Dâu tằm, và Asahi Mặt trời mọc sẽ là danh xưng của các toán cảm tử đâm bổ tự sát.

Thật vậy không Kamikaze là những kẻ cuồng tín? Ngày 25 tháng 10-1944 trung úy Yukio Seki đâm chúi xuống hàng không mẫu hạm Uss St. Lo, trước khi xuất phát, Seki tuyên bố thi hành sứ mệnh vì lệnh. Thiếu úy Saburō Sakai của Không đoàn Yokosuka đồn trú tại Iwo Jima đã từ chối đâm bổ để trở về với người yêu. Con người bình thường và con người quá khích trong lòng mỗi Kamikaze đã tồn tại cho đến phút mà trời và biển nhập làm một.

Liên quan gì nữa đến thuyền nhân hôm qua? Liên quan gì nữa đến quốc gia của chúng ta hôm nay? Liên quan gì nữa đến Nhật Bản là quốc gia trợ giúp Việt Nam nhiều nhất bây giờ? Và lòng ái quốc? Iwo Jima, đã có thể là một trong những chuỗi đảo Songkla, Paulo Bidong, Paulo Tanga, Palawan... là câu trả lời của thể hư cấu mà Cortázar định nghĩa: “Trí tưởng tượng, không phải là điều làm chúng ta xa rời thực tế nhưng chính là công cụ sáng tạo ra thực tế và làm cho thực tế gặt hái thêm giàu có. Mục đích của trí tưởng là điều hợp ước vọng: vừa muốn tự khẳng định, vừa muốn sinh tồn của con người; cơn khát ái tình hỉ nộ và sự kêu gào một phẩm cách phải được thông hiểu trên một mặt đất cần được giải thoát khỏi chân trời tầm thường của cuộc sống hằng ngày”.

Cùng với Những Cánh Nhện Đỏ ở Iwo Jima của Vũ Thị Thanh Mai, “Shuhun, Tên Em Là Một Trận Cuồng” là một song truyện được viết trong tinh thần này. (Trần Vũ])

Trong suốt

Shuhun mang ánh mắt của một lời nguyền, thứ ánh mắt in trên một thỏi sắt. Nhìn hắn như một lưỡi kiếm bén mang linh hồn của Musashi Miyamoto. Tôi biết đến Musashi khi nào tôi không thể xác định, tên của võ sĩ vang danh trên khắp lục địa Bắc Á. Musashi trao cho Nhật Bản sức mạnh của kẻ yếm thế: Go rin no sho. Thuật xâm chiếm của vũ trụ như hai giải ngân hà nhập một, như hai lưỡi kiếm của hai mắt phải nhập một. Niten Ichi! là tiếng kêu mà Shuhun đang phát lên lúc này với tròng mắt hắn như dại. Không phải dại mà là một niềm tin tuyệt đối khiến con người hóa thành con vật lao đến không chút sợ hãi. Go rin no sho là lời tập huấn của Musashi: Không bám chặt vào bất kỳ một nguyên tắc nào mà thích nghi với từng hoàn cảnh. Lấy kiếm pháp làm tinh thần: ước muốn phải sáng và ý chí phải bão táp xuyên suốt kẻ đối diện.

Nito Ichi! Shuhun lại thét lên lần nữa khi lao đến ― lưỡi kiếm vút vào yết hầu đối phương rồi thu về nhẹ như mao vũ. Chúng tôi nghe tiếng kêu của gió. Tiếng kêu của lá soan hốt hoảng rụng xuống cánh rừng im bặt và tiếng kêu của tia máu ngắn bắn phun nhanh rồi rơi vãi trên sân đất. Gió thổi phất linh hồn của kẻ vừa thảm bại về phía kỳ đài. Tất cả diễn ra như vũ trụ đã lao đến rồi tách làm đôi. Chúng tôi ở giữa. Giữa xác người và lưỡi kiếm. Giữa khoảng không cứng lặng vì sợ. Thứ khoảng trống đã hết dưỡng khí chỉ còn lại sự trong suốt.

Song đấu

Lính Nhật gọi Trong suốtTōmei-sei. Sự trong suốt của tinh thần và danh dự. Gọi chúng tôi là Koshi. Lũ Việt không danh dự. Chúng tôi tập nhẫn nhục như Musashi truyền đạt: giữ cho tâm định trước khi phát kiếm. Tôi tìm trên mặt đất tâm định của chính mình. Những lúc bị khinh khi là những lúc con người nhìn rõ nhất mặt đất mình đang đứng. Chúng tôi là ai? Lũ Việt kōzui Koshi không danh dự? Chúng tôi tràn đầy danh dự của một đất nước không danh dự. Nhưng vì sao chúng tôi lạc đến đây? Triệu dấu hỏi như những phân tử máu li ti vừa bắn tung lên lúc nãy hãy còn lấm chấm trên đất. Những chấm máu tiểu tiết cái chết của một con người.

Tâm tôi cất tiếng: Tôi chưa chết. Tâm tôi cất tiếng: Xác tôi chưa bị kéo đi như xác của kẻ thảm bại vì thiếu dũng lược đang được kéo lê dìm xuống mặt đầm đầy củi mục trôi giữa vạn vật yên tĩnh. Thiên nhiên vẫn yên lặng. Đất chưa yên. Đất không yên. Đất còn đang nhú trong lòng tôi những mũi phi lao của cánh rừng lau sậy. Đám lau lất phất ngả nghiêng. Ra đi ― có nghĩa thu phục tương lai mà chúng tôi còn đánh mất. Tôi chưa muốn chìm sâu xuống sình vì chết có nghĩa xuống bùn. Dân tộc này không xuống bùn. Tôi lập lại với Mây, cho chính mình, vì tôi chưa muốn chìm sâu vào bùn. Vì còn Mây.

Lính Nhật gọi em là Yugumo, áng mây chiều. Lao công Đại Hàn gọi em là Shimakazé, ngọn gió đảo. Sĩ quan Nhật gọi em là Hatsuyuki, trận tuyết thứ nhất. Tôi gọi em là Mây - Kiyoshi Kumo - vì em êm dịu, trong lành và tinh khiết. Em đang đứng cạnh tôi. Em đang run khẽ vì Shuhun. Hắn là Hiryū, rồng lửa. Hắn làm vẻ đẹp chứa điều thiện của em run khẽ. Tôi nói, tôi là Soryu ― Thanh long, còn em là Hosho Phượng hoàng, vì tôi không còn lời nào khác để an ủi vỗ về Mây.

Chúng tôi học chữ Nhật từ nhiều tháng. Kể từ lúc thiếu tá Hiroyuki Agawa cho phép chúng tôi sinh sống. Cho phép, chưa có nghĩa là sống sót, mỗi ngày chúng tôi phải đối đầu với Shuhun. Hắn đang bước đến. Trên sân còn vị máu tanh pha với đất mùn. Đất mùn nhẫn nhẫn và Shuhun tanh. Tôi ngửi được mùi của thần chết. Shuhun mang gương mặt của Shihi, thần chết. Nhưng không phải gương mặt của một kẻ yểu mệnh mà của một kẻ đã thương lượng với Shihi một giao ước: Sống cho Nhật Bản và chết cho Nhật Bản. Thần chết chỉ có thể tước đoạt mạng sống của Shuhun một khi Nhật Bản bại trận nhưng Musashi trao cho Shuhun niềm tin chắc nịch vào ý chí và lòng cản đảm. Ý chí Shuhun sáng bằng đôi mắt hắn đang nhìn chúng tôi lục lọi. Shuhun muốn cắt tiết bọn trai Việt musuko và bọn đàn ông vô tích sự dansei để chiếm Mây. Với hắn, Mây là một cống vật.

Chúng tôi lùi lại. Tôi đẩy em ra sau lưng. Tôi muốn em làm dải mây trốn vào lưng tôi để lưng tôi hứng kiếm katana thay em. Mây thở đứt quãng. Hơi thở em nhanh, gấp và sợ hãi. Da tay em lạnh trên tay tôi, tay tôi đang chảy cuộn huyết quản ý chí của dân tộc mình muốn đương đầu. Dân tộc tôi lạc hậu nhưng tôi biết liều lĩnh chuộc tương lai, cho Mây. Cho chính tôi. Cho chúng tôi muốn vươn đến tương lai. Dân tộc tôi khát tương lai luôn luôn xa vời. Shuhun đang lê mũi kiếm kobuse trong tư thế chuẩn bị tameshigiri, chặt bổ đối thủ làm đôi. Hắn kéo lê thêm bên mình lưỡi daïsho thứ nhì, với tất cả ý chí của một Musashi dụng song kiếm. Tâm trí tôi biết nguy biến. Tâm trí tôi phát vang lời cảnh cáo: Shihi đang đến! Tôi lùi lại giẫm lên những dấu hỏi của mình còn lấm vết chân: Vì sao chúng tôi đến đây? Vì sao tôi với em dạt vào đảo Lưu huỳnh này lui nhiều thập kỷ? Iwo Jima không phải là đất hứa. Chúng tôi trầm vào biển Đông để trốn thoát định mệnh không muốn dung dưỡng trên đất chôn nhau. Chúng tôi ra đi trong đêm trăng sáng từ đất quê mật đắng, và hơn sự đắng chát, là một vùi dập tước hết khí quyển. Ra đi để tìm khí quyển nhưng vì sao sau bão tố, chúng tôi tấp vào đảo Lưu huỳnh này? Iwo Jima, như tấm bảng của căn cứ Không Hải đoàn Yokosuka hiện ra sừng sững khẳng định niên đại. Và chúng tôi bị quân đội Thiên hoàng bắt sống.

Tôi không thể hiểu. Giáo dục gia đình chưa va chạm những trường hợp này. Giáo dục học đường giúp tôi biết Nhật Bản bại trận trong thế chiến nhưng không giúp tôi hiểu vì sao một chiếc thuyền nan có thể trôi về quá khứ, hay vì dân tộc tôi tụt hậu so với thời đại? Các dấu hỏi mù mờ về sự lệch pha cứ dậy lên trong trí óc như những móc câu móc vào tâm trí làm trĩu sự sáng suốt. Ý thức tìm nguyên nhân trong sự thất lạc của chính dân tộc mình: Chúng tôi mất phương hướng nên lầm lạc về năm 1944 khi chiến tranh thế giới bùng phát ở mức cao nhất. Mê thức chỉ ra mộng ảo. Nhưng tôi biết không phải mộng ảo ― không phải chiêm bao ― vì Shuhun đang tiến đến. Tính hợp lý của lý trí không đứng vững. Duy nhất chúng tôi lầm lạc và sự lầm lạc này có thật.

Giữa hoang vu, tiếng động của một lá soan rụng ngoài xa đánh thức tôi nhìn vào mũi kiếm Shuhun. Ánh lam lấp lánh. Ánh sáng của thép lát nữa sẽ cắm ngập vào ngực tôi và cắt bỏ quần áo trên người Mây. Tôi xé áo thô quấn vào tay để chụp kiếm katana. Tôi dãn chân xuống tấn, khuỳnh hai tay chuẩn bị nghênh chiến. Song đấu là một mất một còn, là nghi vấn của chính mình giữa vũ trụ. Thứ vũ trụ nén con người vào một hạt thóc. Shuhun chưa biết nghi vấn. Hắn tiếp tục tiến đến. Lưỡi kiếm của hắn reo trên sân đất nện. Làm tung những cánh hoa sakura huyễn lịm. Màu sakura ngất ngây như môi Mây. Tôi linh cảm Mây không còn sợ hãi, vì chiến tranh chúng tôi quá quen thuộc. Giá máu, chúng tôi thường xuyên phải trả. Tôi quát Mây chạy đi! nhưng Mây nhất quyết chết cùng tôi. Hơi thở của em cho tôi thêm sức mạnh. Tôi nhìn trừng những cánh chuồn đỏ Akatonbo đang bay lướt đến, trên đầu chúng tôi, trên đầu Shuhun, trên sân Ngàn gió chúng đập cánh rập rờn lập lòe như thần chết Shihi.

Trại Ngàn gió

Mỗi sáng, các pháo đài bay B-17 lướt qua Iwo Jima và trải thảm bom gây chuỗi nổ ầm vang. Dưới thung lũng Motoyama là một sự bình yên giả định. Giả ― trong sự tự đánh lừa mình là vạn vật yên tĩnh, sinh mạng mình an toàn. Giả ― vì tất cả chúng tôi cùng biết trận đánh sẽ diễn ra khi loài bướm nhện đỏ đập cánh rời đảo. Giống bầy mai tứ quý mà nụ đỏ chính giữa, chúng bay rập rờn mỗi sáng từ bãi Kitano ra đến tận mũi Tobishi. Mây ngây ngất ngắm chúng mỗi sáng. Trong sương long lanh của trận nắng vừa ối, trong sương rũ sắc của trận nắng vừa trong trên lượng cát màu sẫm. Và lũ bướm nhện tắm trong sương còn phảng phất của đêm. Em nói chúng đẹp như một dải khăn nhiễu lướt trong không gian. Chúng đập cánh, chở giấc mơ của bao con người muốn rời đảo, muốn trốn thoát địa ngục sắp xảy ra. Trong đó có em. Có ước muốn đến Đông Kinh hay xa hơn nữa, đến châu Mỹ của Kha Luân Bố. Em muốn vào những trường danh tiếng Osaka, Kōbe, Columbia, Stanford… Em khát học, vì đại học giúp một thiếu nữ Việt Nam có quyền đứng thẳng trên hai chân mà không làm tỳ thiếp. Em vượt trùng dương vì quê em không cho phép làm người: Người của trí thức và lương thiện. Trong nghĩa thật ― không gian dối. Trong nghĩa thật ― không tán tận lương tâm. Mây siết tay tôi, khi nói điều đó. Tôi áp bàn tay tôi lên những ngón tay mềm mại của em, cảm giác một cánh chuồn đỏ đang đậu trong lòng bàn tay mình và âm thầm cựa quậy. Mây ngước nhìn xa xăm.

Chúng tôi nhai cơm sékihan trộn đậu đỏ và ngắm nhìn yama, như lính Nhật gọi yama là núi. Song ý nghĩ chúng tôi miên man theo sắc hoa dâu tằm hoang dại đang bị gió thổi nghiêng về phía Đông. Sắc hoa tím lịm đến chân trời. Tôi biết suy nghĩ của Mây cũng đang hướng về Đông: Phía mặt trời mọc như lá đại kỳ của Nhật Bản đang lộng lẫy hình mặt trời. Mây chối, nhưng tôi biết Mây lo lắng. Từ hôm chứng kiến lính Nhật song đấu Kendo rồi đâm thật, em hiểu ra thế giới là một sự giành giật và thân phận một thiếu nữ thuộc về kẻ chiến thắng. Em lo lắng, từ lúc chứng kiến các tân khóa sinh Shônen Hikôhei tập đâm bổ xuống các chiến hạm Hoa Kỳ bằng cách trèo lên những tháp gỗ cao chót vót và nhảy lao xuống không sợ hãi, trong tiếng thét Banzaï mạnh mẽ. Những kẻ không gẫy cổ tiếp tục trèo lên và lại nhảy xuống cho đến khi đau đớn thân xác chỉ còn là một ký ức. Những kẻ không sợ hành xác sẽ là những kẻ hành xác người khác. Tôi nói: Nhật Bản không phải là một tấm gương, lòng ái quốc biến con người thành con vật. Tôi muốn em thấy: Nhật Bản đang bại trận, các phi công của Không đoàn Yokosuka không còn lấy một máy bay để cất cánh nghênh cản Task Force 58. Trung tướng Kuribayashi đến Iwo Jima để chết, bằng chứng đã không đem theo thanh kiếm bạc của Thiên hoàng ban tặng, mà để lại cho gia đình vì Kuribayashi biết không thể chiến thắng, phải lấy cái chết rửa tội. Đại học Đông Kinh tạo ra những kẻ cuồng tín như Shuhun. Tuy sợ, em phản đối: Tinh thần ái quốc giúp dân Nhật hùng cường. Đại học Đông Kinh chế ra các thiết giáp hạm Hiei, Kirishima, hàng không mẫu hạm Kaga, Shokaku mà em đã trông thấy trước khi chúng chìm. Còn tinh thần ái quốc của anh không đủ giúp dân mình hùng cường. Shuhun có thể dữ dằn, hắn chiếm đoạt được những gì hắn muốn, còn anh làm thuyền nhân, van xin một hạt thóc. Em nói với tôi như vậy. Em làm tôi đau đớn. Tôi bám víu: Còn tinh thần ái quốc của em nơi đâu, ra đi đã là không ái quốc. Chúng ta cùng thân phận.

Lời nói tôi khiến Mây bùi ngùi. Em vẫn mau xúc động, tình cảm và chân thật. Lý trí em kháng cự nhưng trái tim em mang cùng dòng máu với tôi. Trái tim của những kẻ lìa xứ. Em không đáp, vẫn để yên tay trong tay tôi. Vẫn để yên tình yêu của em trong tay tôi mà không lấy lại, nhưng em cúi nhìn bắp chân trầy xước của mình vì em té ngã hôm qua khi chạy trốn Shuhun rượt đuổi. Mắt em long lanh trên những luống cỏ gẫy còn in vết giày lính Nhật. Chúng tôi lại nghe tiếng lá rụng và tiếng thở than của những linh hồn củi mục dưới đáy đầm lầy. Chúng rên rỉ ảo não. Chúng cựa mình như muốn vùng vẫy. Chúng tựa các ngón tay tôi muốn ôm ghì Mây vào lòng. Sắc hoa Yamazakura vẫn tím và những tàng cây kaba vẫn phủ bóng nhưng lòng chúng tôi là những vết đâm.

Eo đất Nishi vẫn nồng nặc mùi diêm sinh. Vị lưu huỳnh đọng trên lưỡi tạo ra vị đắng, vì bụi nham thạch nhuyễn đã ngấm vào lưỡi hay chính vì lưỡi chúng tôi làm đắng lòng cả hai? Vì sao chúng tôi nói những lời đau đớn này? Mặt trời vẫn mọc ở phương Đông. Linh hồn chúng tôi vẫn sáng ở phương Đông. Tôi muốn cắt lưỡi tôi ném xuống đất để lưỡi tôi khô dưới ánh sáng mặt trời. Tôi muốn ném tung cả những móc câu làm rách nát tâm trí mình. Chúng tôi là những con người bị ruồng rẫy không lối thoát. Chúng tôi như những cánh chuồn đỏ Akatonbo bay chập chờn không ngày mai. Tương lai với Mây là Yale, Stanford hay Hokkaido, Fukushima… còn với tôi, là mặt giấy không chữ. Tôi cần tình yêu của Mây làm mực để viết thành lời nhưng em không hiểu.

Mây vẫn cương quyết: Lòng ái quốc vô ích khi thiếu kiến thức. Với em yêu nước là nhận nguồn văn minh nhân loại mà không tự giam hãm vào trong ao tù hay tự biểu đạt sự quá khích. Đại học Đông Kinh là mục đích của em. Và nếu Nhật Bản bại trận, đại học Kha Luân Bố là nơi em muốn đến. Đến ― để hiểu vì sao Nhật Bản hùng cường. Để hiểu vì sao Hoa Kỳ chiến thắng. Đến ― để hiểu vì sao quê mình lạc hậu. Em không biết vì sao quê mình lạc hậu… Mây ngước nhìn tôi nhẫn nại, giọng nói em êm và chắc chắn như thanh âm của gió, tuy hiu hắt gió không bao giờ vơi, tuy nhẹ hẫng gió còn mãi.

Gió thổi nỗi lòng chúng tôi về phía kỳ đài. Mặt trời đỏ vẫn tròn vạnh trên lá đại kỳ Hinomaru. Tôi ngắm vầng thái dương biểu lộ sức sáng ngời tinh thần của dân tộc Nhật. Tôi hiểu dân Nhật quyết chí như hiểu ánh mắt của Shuhun đương vỗ lên ngực Mây. Mỗi sáng hắn vào trại Ngàn gió nhìn Mây thèm khát. Shuhun ngắm Mây từ đầu xuống chân. Hắn không còn nhớ gì đến tinh thần kiếm sĩ của Musashi. Tôi đứng lên cảnh cáo Shuhun tinh thần võ đạo không cho phép dâm loạn. Tôi muốn thách thức hắn song đấu Kendo với hai bàn tay trần của mình. Dân tộc tôi không biết chế tạo vũ khí nên thiện chiến bằng tay không. Lấy sức người bền bỉ để chiến thắng máy móc, giẫm đạp lên chính sự đau đớn của mình là sức mạnh của dân tộc này. Tinh thần của chúng tôi nằm ở hai bàn tay mà không ở trí não.

Shuhun chưa biết đến, hắn nghĩ tôi vụng dại, ngô nghê và cướp cạn. Hắn chiêm ngưỡng nhan sắc Mây mà không hiểu em mang sự thông minh của những thiếu nữ từng va chạm xâm lược. Shuhun tiến đến, hơi thở hắn nặng nề như khí độc. Tôi đẩy em ra sau lưng. Tôi nắm chắc lòng can đảm của cha trong hai đấm tay mình.

Đốc gươm thứ nhất sáng lóa. Chuôi kiếm như cú mổ của rắn hổ. Tôi choáng váng, mang tai đinh lên tiếng kêu của gió. Gió thổi âm điệu thảng thốt của lá soan và tiếng động đậy củi mục. Chúng muốn kéo dìm tôi xuống đầm vì tôi đã chan hòa máu mũi. Tôi lảo đảo muốn quỵ. Giữa sân Ngàn gió vụt thốc lên tiếng động phần phật của bầy hải âu quỷ đã tuyệt chủng nhưng vẫn còn đập cánh theo lũ quạ đen đang đậu kín các gốc cây vụt bay. Chúng cất tiếng gọi lanh lảnh giữa không trung. Chúng làm vỡ các mảnh mặt trời. Hayabusa là quạ. Tôi lạ lẫm nhận ra thần trí mình đang thải ra chữ Nhật như tôi đang mửa máu. Làm sao thần trí của một con người vẫn có thể sáng suốt tự tách rời ra khỏi thân thể của hắn khi thân thể hắn bầm dập? Làm sao tình yêu và lòng ái quốc có thể nguyên vẹn trong khi tôi vỡ nát? Chúng không hiểu tôi đang đau đớn. Tôi đang vỡ tung. Các dải ngân hà đang vỡ vụn và vũ trụ đang loạng choạng.

Tôi muốn làm bão tố. Làm dậy những trận cuồng phong, làm bật những hạt cát, thổi đến Shuhun từng dẫy gai rừng và mọc chồi ở mười đầu ngón tay mình những kim gai giúp tôi tự vệ. Tôi biết Shuhun sẽ vuốt sáng khí quyển bằng lưỡi thép lạnh tanh. Hắn đã vào thế iaidō với lưỡi katana lạnh lẽo. Tôi biết phải lao vào áp sát để triệt tiêu ưu thế của lưỡi kiếm dài. Hơi thở Shuhun hừng hực. Hắn nhấc tay và đỉnh Suribachi đổ bật.

Những lượn triều

Thiếu tá Hiroyuki Agawa chỉ huy Hiến binh Kampeïtai không hiểu vì sao tôi biết những tin tức chiến tranh. Tôi nói tôi biết đoán điềm giải mộng để ông không nghi chúng tôi làm gián điệp. Mỗi sáng tôi bán một tin tức để được tồn tại: Sau Rabaul, sau Tarawa, sau Kawajalen và Saipan, sẽ đến phiên Iwo Jima nhưng trước hết sẽ là thủy chiến vịnh Leyte… Trung đoàn Sendai của trung tá Ichiki đã bị tiêu diệt trên đảo Guadalcanal. Đề đốc Shibasaki tự sát trên đảo Betio, thủy sư đô đốc Isoroku Yamamoto tử thương trên không phận Salomon, vẫn chính tướng Holland Smith đã chiếm Tarawa sẽ tấn công Iwo Jima, Nhật Bản đang bại trận…

Hiroyuki Agawa nhìn tôi lạ lùng. Tuy đã phối kiểm những tin tôi cung cấp là chính xác, thiếu tá Agawa vẫn tháo gọng kính đặt xuống bàn như ông không thể nhìn rõ tôi bằng lý trí sáng suốt. Bằng cách nào tôi biết những bí mật quân sự đã diễn ra và sẽ xảy ra? Agawa không hiểu, tuy sự nhạy cảm giúp ông tin vào vạn vật và tin mỗi cá thể có một giá trị như mỗi con người mang một tính phức hợp tuyệt đối. Không có giá trị tập thể mà chỉ có giá trị cá nhân. Chính độ nhạy khác thường này sẽ giúp Agawa trở thành một nhà văn. Ông không biết chúng tôi cách nhau bốn thập niên.

Anh còn biết gì nữa? Hiroyuki Agawa không thẩm cung mà từ tốn gấp gọng kính đồi mồi màu mật, ông không có dáng dấp của một chiến binh. Tôi biết Agawa sẽ đoạt giải thưởng cho tiểu thuyết Đô thị mùa Xuân rồi giải thưởng văn học Shincho sau chiến tranh… Tôi nói với ông điều này. Tôi kể về truyện ngắn Năm rồi lại năm mà tôi đã đọc mà Agawa sẽ viết. Đôi mắt viên thiếu tá kinh ngạc và mãn nguyện. Lần đầu tiên một kẻ xa lạ hiểu ông đến vậy, hiểu vào tận tim gan chan chứa những thao thức đi tìm một mùa xuân thanh bình của một sĩ quan Hoàng gia Nhật. Tôi nói ông không mang linh hồn Hiến binh mà chứa trong mình đại dương và những sản vật của biển. Chức An ninh Kampeïtai ông chỉ phụ trách tạm, định mệnh của ông là trở thành một nhà văn. Ông không thuộc thế giới quân phiệt mà quý trọng những lay động của tâm tình. Tôi khẳng quyết ông mê truyện ngắn Lưỡi dao cạo của Naoya Shiga và ông muốn viết những trang văn kết bằng những nhánh rong run rẩy. Hiroyuki Agawa nhìn tôi chăm chú.

Rất lâu, ông mới cất tiếng: Những điều anh vừa kể là đúng. Chúng tôi sẽ thất trận và tôi sẽ thành một nhà văn. Tôi biết chúng tôi đang lâm nguy và tôi sẽ không tự sát vì tôi còn muốn viết ra những điều ẩn chứa trong lòng mình. Tôi không tự sát và toàn dân Nhật không tự sát. Một dân tộc đã biết chế ra máy bay, hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm ngay cả bại trận, dân tộc ấy vẫn còn tri thức ấy. Các anh chế ra được gì ngoài đoán điềm giải mộng? Tôi ký giấy cho anh xuất trại Ngàn gió, không bị giam giữ, nhưng dân tộc anh vẫn còn bị trị. Chúng tôi ít nhất cưỡng chống định mệnh tiểu quốc. Agawa đeo kính trở lại, làm như gọng kính giúp ông trở về thực tại và sáng suốt. Những dấu hỏi dồn dập làm tôi hoang mang. Tôi vụt nhận ra đất nước mình vẫn còn ở thập niên 40. Tôi ngập ngừng: Chúng tôi sẽ giành độc lập... Hiroyuki Agawa cắt ngang: Nếu Nhật Bản trao trả độc lập cho các anh, các anh sẽ giữ được độc lập hay làm chư hầu cho một đế quốc khác? Tôi chỉ biết trả lời: Ông cũng có khả năng đoán điềm giải mộng. Mây bấm vào tay tôi lo lắng. Agawa nhìn Mây rồi lập lại: Độc lập như Kiyoshi Kumo ― anh sẽ giữ được không một khi Mây tự do? Thiếu nữ này mang sắc đẹp của Akitsuki trăng thu, lúa chín Sanaé, chứa dịu ngọt của bánh Manju và hoang dã lồng lộng như gió đảo Shimakazé. Độc lập cũng đẹp như vậy ― anh muốn chạm đến nhưng anh không thể giữ.

Chúng tôi rời đồn Hiến binh. Mỗi sáng Hiroyuki Agawa trở thành những khoảnh khắc kỳ lạ nhất của chúng tôi trên đảo Iwo Jima. Tôi vừa thao thức vì những câu hỏi nhức nhối, vừa sung sướng vì được đối xử như một con người mà trong thâm sâu tôi biết, chính nhà văn tiềm ẩn trong lòng Agawa đã đối xử với chúng tôi như những đồng loại. Mây cãi dân Nhật không xấu hết, chúng ta chưa gặp hết. Một cách vô tình, em cho tôi biết tình cảm em đang thiên về phía lính Nhật mà kinh nghiệm chiếm đóng quê hương khiến tôi luôn canh chừng. Shuhun còn là bằng chứng rõ rệt về sự tàn ác, nhưng tôi hiểu, trong đầu Mây đã bắt đầu đi tìm tự do tinh thần. Sự ràng buộc cũ với tôi từ quê nhà, mỗi ngày Mây một xa. Hiroyuki Agawa như một trang sách, thoáng hiện ra khi tôi lật sách rồi biến mất khi tôi gấp sách, tôi tự phân tích ông là lương tâm của lính Nhật mà tôi bất ngờ chạm mặt. Tuy là một lương tâm hờ hững nhưng còn trung tính và ít nhất nhắc nhở tôi đang đánh mất Mây. Một sáng tôi than phiền với Agawa bị Shuhun đánh và những thèm khát của Shuhun đối với Mây. Agawa lắc đầu: Hải quân Hoàng gia không thể tước đoạt những khát vọng sau cùng của những phi công Thần phong. Tuy nhiên ông đã xuống lệnh cấm sát sanh. Agawa cười mỉa: Là một nhà văn, ông chỉ có chữ. Làm một người đọc, tự tôi suy xét văn bản. Cấm sát sanh là một điều thiện, trong văn chương rất dễ thiện. Agawa nhìn tôi dò xét. Tôi đối đáp: Viết chữ Thiện không khó, viết làm sao toát ngời lòng thiện. Ông đồng ý, nhưng không hứa đảm bảo kỷ luật trại lính. Các phi công Thần phong được ưu đãi. Ông chỉ có thể cho chúng tôi tự do, còn tự do, chúng tôi phải tự bảo vệ lấy. Cho đến khi rời đảo. Khi nào chúng tôi có thể rời đảo? Tôi hỏi. Khi chiến tranh kết thúc. Có nghĩa phải chấp nhận trận chiến Iwo Jima. Agawa đưa chúng tôi ra cửa hầm.

Mây theo dõi câu chuyện giữa tôi với thiếu tá Hiroyuki Agawa. Trên đường về tôi phát giác Mây bênh vực cho Shuhun lặng lẽ qua đôi mắt. Mỗi một khi tôi nhắc đến Shuhun đầy ghét bỏ, ánh mắt Mây phát lên những bào chữa: không tệ, không quá tàn ác như tôi nghĩ, Shuhun mang trong mình tinh thần cao thượng và sự hy sinh lẫm liệt. Ánh mắt Mây làm tâm tôi phản đối: Đàn ông Nhật hy sinh cho mục đích trừu tượng, đàn ông Việt hy sinh cho những gì cụ thể, không có sự hy sinh nào lẫm liệt hơn sự hy sinh nào. Tôi giao cảm khó khăn với Mây, vì mỗi một ngày giữa chúng tôi càng thêm nghịch. Vì sao em bênh ngoại nhân? Tâm tôi cất tiếng: Truyền thống của dân Việt là khinh khi dị chủng và kỳ thị văn hóa. Trong thâm sâu, tôi biết Mây vẫn yêu và gìn giữ kỷ niệm, tuy tôi dần khám phá ra em đang thay đổi.

Một sáng chúng tôi ra bãi Kitano nhặt rong và Mây vươn các ngón tay lơ lửng trong nắng. Các ngón tay em vẫn mang vóc dáng thanh tú, xòe ra như nan quạt và tỏa sáng kỳ diệu như chúng vẫn hằng chứa thủy ngân. Tôi say các ngón tay Mây tựa như đã tách rời ra khỏi thân em và uốn lượn theo điệu vũ mặt trời. Chúng rũ sắc kỳ bí và bay bổng. Chúng là đường sáng. Là đạo. Là tinh thần Bushido trong vắt miễn nhiễm. Sáng ấy, tôi ngạc nhiên với chính mình khi nghe vang dội lời quyến dụ của Shuhun với Mây. Sáng ấy, tôi kiểm chứng ký ức tôi vẫn còn lưu trữ hình ảnh Shuhun nâng cườm tay Mây săm soi như thể hắn muốn nuốt trôi vào lòng những đốt tay thanh tao và thủy ngân của em. Tôi cắn răng khi em ngồi cạnh hắn, cho dù em nói để tìm một lối thoát. Phải ra khỏi Iwo Jima để đến Đông Kinh. Tôi bất cần Đông Kinh. Tôi chấp nhận chết ở đây, chết không gì khó. Cát nói chuyện giống Shuhun. Em ngó tôi buồn bã: Em không muốn chết, vô ích và vô nghĩa, không phải cuộc chiến của chúng ta mà là những tranh giành giữa các đế quốc. Em sẽ mang Cát ra khỏi đây, bằng tâm em. Mây nói chữ Tâm, nhưng tôi biết Mây nghĩ khác. Đàn ông khi bất lực tìm cái chết, đàn bà đến chết không bất lực. Tôi muốn trả lời em sỗ sàng như vậy, vì sao không nói thật, thẳng và chân thật như em từng trong suốt. Nhưng tôi biết em hiểu tôi, Mây dụng ngôn ngữ của tôi, thứ nghĩa bóng mà tôi muốn em nhuần cảm. Tôi đứng lên, thả chiếc bóng dài ra cát, cho bóng nhập vào cát nhuyễn để tôi có thể uống hết lượng cát nhuyễn và thẩm thấu vào lòng mình Thái Bình dương. Tôi không có gì sợ hãi, cát thải lại biển tất cả những lượn triều vùi dập. Tên tôi là Cát.

Mây đổ gập chiếc bóng em lên cát. Thủy triều đã lên sát doi đất. Thủy triều mướt ra xa rồi thu về những vân cát. Chúng tôi nghe rõ nhịp thở của biển dưới đáy sâu, cùng cảm thấu những lượn triều đang dâng trong lòng mình vụt hụt hẫng. Sóng dâng cao làm ướt chân Mây rồi lại rút xa làm khô cạn tâm tư Mây. Sóng ― như cơn hồng thủy trong mình tôi muốn ập vào em mà chỉ vươn tới được doi đất rồi phải lùi về vực thẳm. Đáy sâu của đại dương tối tăm như chúng tôi u mê cúi nhìn những ngón chân trần của mình im lìm về trại. Những ngón chân của tổ tiên truyền lại cho chúng tôi đi xa.

Lô cốt 23

Tất cả biến hóa khi thiếu tá Hiroyuki Agawa viết lên trước cửa hầm mấy chữ Shima kuria Kampeïtai mang nghĩa Hiến binh Thanh đảo. Chúng tôi cảm được tính chất thi văn trong chiến tranh. Làm như càng hủy diệt dữ dội con người càng cần chất thi vị tô vẽ cho sức phá hủy của mình.

Mỗi sáng tôi vẫn phải gọt những củ mài và dưa leo, rồi xếp vào cần xé những quả cà tím nasu đã rửa sạch. Mây và các phụ nữ Đại Hàn phải thêu chữ Toryu Sát long lên quân phục đại lễ shozoku cho các khóa sinh Kambu Kohosei thi tuyển ra chức chuẩn úy. Tôi bắt gặp từng lúc Mây khâu những mũi thêu lên khăn lụa hộ mệnh cho Shuhun và may khăn quyết tử cho các toán Thần phong. Em nói với tôi: Không phải tình yêu mà là tình người. Tôi không đồng ý: quân Nhật vào Nam Kinh đã thảm sát. Mây không đáp.

Ý nghĩ chúng tôi sắp chết, sắp hứng những trận bom tàn khốc vẫn không phá đi được hình ảnh Mây chăm chú nhẫn nại giữa những xao động của trại Ngàn gió. Mây yên tĩnh đến kỳ lạ giữa khí quyển như có điện. Lòng ái quốc của lính Nhật ngất ngưởng theo các tin tức từ chiến trường Phi Luật Tân dội về Iwo Jima: Đệ tam hạm đội của đô đốc Ozawa đang trực chỉ vịnh Leyte; Đệ nhị hạm đội của phó đô đốc Kurita mai phục sau chuỗi đảo Mindanao; Không đoàn Đài Nam của phó đô đốc Onishi từ Đài Loan đã sang Phi chính thức ban hành chiến thuật Kamikaze; Hải quân Hoàng gia Nhật Bản tập trung cho trận đánh quyết định… Thiếu tá Hiroyuki Agawa chạy ngược xuôi thông báo cho các quân nhân từng giờ diễn tiến. Ông nhìn tôi bằng ánh mắt nửa dò xét, vừa ngầm ngăn chặn tôi tiết lộ tương lai: Thủy chiến vịnh Leyte sẽ là thảm bại tột cùng mà các phi đoàn Thần phong không xoay chuyển được tình thế. Tôi đã kể với ông là Halsey, Mitscher và Kinkaid sẽ chiến thắng, và ngay cả bị đánh đắm, Hoa Kỳ đủ sức sản xuất gấp ba lần số thuyền chiến bị tiêu hao… Một mình Agawa biết tôi mang tâm khảm tiên tri nhưng trong trại Ngàn gió và ở cả trại sĩ quan Phi long Hiryu không một ai tin Nhật Bản sẽ thất trận. Tất cả trông cậy vào dàn đại bác khổng lồ của hai thiết giáp hạm nặng 72 ngàn tấn Yamato và Musashi. Kể cả thiếu úy Saburo Sakai bình thường khiêm tốn điềm đạm, cũng nói với tôi là các chiến đấu cơ Kyofu Cường phong và Shiden Tử điện vừa chế tạo đủ sức đối đầu ngang ngửa với các khu trục cơ Đồng Minh… Sakai cung cánh tay bổ chúi diễn tả khả năng thần tốc của chiếc Raiden Lôi điện mà anh vừa được thông tin. Shiden và Raiden là tiếng thét kỹ nghệ của Nhật Bản. Sakai nhìn tôi bằng ánh mắt sáng rực.

Đêm. Tôi không thể không nghĩ đến lô cốt 23 và ánh đèn lồng đỏ rantan loang vết đồng. Tôi biết Mây đã đến lô cốt của Shuhun van xin giúp chúng tôi rời Iwo Jima như Mây không giấu giếm. Tôi đã theo rình Mây. Rình những ngọn gió đêm cợt nhã. Chúng đùa cợt mềm mại như giọng hát của Mây. Chúng rập rình theo nhịp cánh của loài bướm nhện tựa bầy mai tứ quý bất chợt nở từng búp lay động. Chúng nở ngát trong đêm tối và rung lên điệu múa của đêm. Bên tai tôi phát vang âm thanh của Mây. Tôi bưng tai vì tiếng động chát chúa của chính thần kinh mình phản đối. Em đang hát cùng Shuhun. Tôi nghe được cả tiếng nhịp tay của Shuhun và giọng ư ử một điệu geisha của hắn. Khung châu mai hắt ra sắc vải kimono thiên thanh trên mình Mây khi Shuhun tiến đến. Hắn thắt quanh eo Mây lưng gù huyết dụ. Hắn vòng tay qua hông Mây như ôm men sứ cổ kính. Và Mây làm lọ bình quý phải quỳ trước Shuhun. Thân tôi run lên nhìn qua châu mai trừng trừng. Thân tôi lùi xa khe hở sợ phải chứng kiến một hình ảnh trần trụi mà tôi không muốn. Cùng lúc tôi muốn lao vào tử chiến.

Mũi kiếm của Sakai phất lên khi ấy.

Đường kiếm của Sakai tuyệt kỹ. Mũi kobuse cắt vũ trụ bằng sức sáng quắc của bản thép hassaki xé gió vùn vụt. Sakai hòa hai lưỡi daïsho làm một, vuốt khí quyển bằng kiếm thuật Seiho. Sakai vừa từ trong lô cốt 23 bước ra. Sakai giống in hệt Shuhun: vẫn mắt một mí trên làn môi mỏng tanh và phân chia gương mặt bằng sống mũi sắt thép. Không phải Shuhun hay chính là Shuhun? Làm sao một phi công Nhật có thể phân đôi và hoán vị tài tình như vậy? Làm sao hai viên phi công có thể nhập một? Mắt tôi khẳng định: chính là Shuhun trong một vỏ bọc khác. Giác quan tôi quả quyết không phải Shuhun. Tôi nhận ra nụ cười hòa nhã của Sakai. Sakai luôn khiêm nhường tự nhận anh thuộc đẳng cấp thấp bojutsu trong kiếm đạo. Hãy gọi tôi là Saburo. Sakai ngưng kiếm. Tôi nhìn vào trong lô cốt đã tắt nến, yên tĩnh âm u như Mây chưa từng đến. Sakai hiểu, anh đẩy cửa hầm: Kiyoshi Kumo đã ngủ say. Tôi tìm gương mặt Shuhun tròn vạnh như vành trăng tròn to đang nghiêm trang trên đầu chúng tôi, nhưng không ai khác. Sakai kể về Hatsuyo, người yêu của anh và gọi Hatsuyo là Fuyutsuki ― vầng trăng mùa Đông. Sakai hứa giúp chúng tôi lên chuyến bay tải thương về Sasebo, tôi ngắm anh lạ lẫm, tôi không thể tự ngăn mình kể với Sakai là chính tôi đã đọc hồi ký Samurai của anh về sau ― tôi đến từ một thập kỷ khác ― hồi ký anh sẽ viết vào năm 1955, mười một năm sau khi Iwo Jima thất thủ và anh sẽ là một ace của không Hải đoàn Nhật Bản. Sakai nhìn tôi bằng ánh mắt sáng rực ban sáng. Anh vỗ vai và nói với tôi mục đích của anh là thành hôn với Hatsuyo. Mục đích cao hơn sứ mệnh phụng sự Thiên hoàng.

Đêm. Dưới thung lũng Nishi là một chuỗi âm thanh inh ỏi của côn trùng. Tôi muốn nằm với Mây. Muốn đặt tay lên ngực Mây nghe nhịp thở của em đều đặn, muốn miết lên vai Mây nụ hôn của bóng tối. Của côn trùng. Vì tôi là côn trùng. Tôi mang ước muốn của loài bò sát muốn trườn lên em và vùi vào em nỗi đau của lũ Koshi không danh dự. Của lũ trai Việt Betonamu bất lực, đánh mất những người đàn bà của mình. Đêm. Hằng đêm tôi khát khao một trận tuyết giúp tôi lạnh giá. Dập tắt giận dữ của lòng mình. Như bão tuyết Fubuki làm những trận băng trên đỉnh Fujisan… Núi Phú sĩ của quê hương Nhật Bản, còn chúng tôi còn đỉnh núi nào nữa? Không còn gì nữa là ván mệnh của thuyền nhân. Tôi muốn quay về quê, những ván bè, những thuyền câu, những chiếc ghe chở lương thực tiếp tế có thể đưa chúng tôi về lại quê như đã đưa chúng tôi đến đây. Nhưng Mây không chấp thuận. Em nói với tôi: Em đã thêu xong khăn lụa Sen-nin bari cho Shuhun. Không phải tình yêu, anh đừng lầm lẫn. Vì sao anh không muốn hiểu? Tôi không hiểu vì không phải là Shuhun, nhưng tôi không còn chắc chắn điều gì nữa trong lòng mình. Vì sao Mây không trông thấy Sakai? Tôi lại rơi chìm vào thân thể Mây với những ngờ vực. Ghen tuông làm con người khát khao cưỡng chiếm. Tôi tránh nghĩ đến mà vẫn nghĩ đến. Đêm khuya, gió phả xuống hoang vắng mùi mật của Mây. Các thớ gỗ nứt nẻ mỗi khi tôi vặn mình. Chúng oằn mình mỗi khi tôi lật mình. Chúng phơi những thớ gân thâm đen như gân của bốn trăm phu Đại Hàn thiếu đàn bà và cả những thớ gân tôi xanh xao dưới ánh trăng vô tri. Ở lại Iwo Jima là hóa gỗ, tôi sẽ thành lũ phu Đại Hàn. Ra đi không để làm phu. Tôi lờ mờ hiểu Mây không muốn tôi làm phu.

Mặt trời đỏ

Hắn mang gương mặt của thần chết Shihi. Tôi có ý nghĩ kỳ quặc là thần chết trên trang sách của Mishima đang quỳ trên chiếu. Không phải Shihi mà là Shuhun đang quỳ, hắn đang cởi từng khuy đồng và chuẩn bị rạch bụng. Các trang sách của Mishima như lật trong đầu tôi. Hắn không còn mang gương mặt sống. Khuôn mặt bây giờ là bộ mặt lúc chết. Thực ra khuôn mặt ấy một nửa đã không còn là của hắn nữa, mà đã trở thành một bức tượng trên đài tưởng niệm của một quân nhân đã chết. Shuhun ngước mắt về phía cung điện hoàng gia, tròng con ngươi hắn đã đặt vào trong bát nhang bày trên bàn thờ trong đền Yasukuni. Mũi dao đâm phập. Hắn bật phát ra tiếng kêu khàn khàn khi cố ấn bản thép hassaki vào ruột, nhưng ruột hắn đẩy lưỡi dao trồi ra cho đến khi tất cả đổ ra chiếu. Hắn cố gắng thẳng lưng trong một dáng quỳ thiểu não rồi từ từ đầu hắn ngoẹo sang bên và hắn đổ gục xuống vũng máu. Đôi mắt hắn khép lại đem theo mặt trời đỏ.

Tôi chứng kiến cảnh Shuhun quấn khăn quyết tử rồi rạch bụng với ký ức của Mishima. Những dòng chữ vô hình chạy qua đầu tôi như thể Mishima hãy còn sống và đang viết ra những chữ gai nhọn. Tin thảm bại thủy chiến vịnh Leyte đổ về Iwo Jima như một tiếng sét. Nỗi nhục Nhật Bản phải rửa bằng lễ Seppuku. Tôi nói với thiếu tá Hiroyuki Agawa: thủ tướng Hideki Tojo đã từ chức vì biết bại trận; thủy sư đô đốc Yamamoto đã thiệt mạng, đô đốc Nagumo đã rạch bụng trên đảo Saipan và thiết giáp hạm Musashi đã chìm. Cả bốn hàng không mẫu hạm Chitose, Chiyoda, Zuiho, Zuikaku đã bị đánh đắm, xứ Phù Tang nên đầu hàng trước khi quá muộn.

Tôi yêu cầu Agawa tránh cho Nhật Bản thảm họa Hiroshima, bằng cách điện về Đông Kinh. Nhưng Agawa vẫn phả khói thuốc, duy nhất gương mặt ông đanh lại khác lúc bình thường. Thật lâu. Thật lâu, cho đến khi ông trầm ngâm: Làm một nhà văn phải vận hành theo hệ thống. Văn hay, cần trải nghiệm và trả giá. Agawa viết bằng thi pháp bốn chữ Ten'nō ni sen-nen - Thiên hoàng vạn tuế. Ông đẩy tấm giấy về phía tôi: Các anh không bao giờ hiểu sự kính trọng của dân Nhật đối với Nhật hoàng. Chúng tôi mang trong mình lòng tôn kính những giá trị cao nhất mà các anh phá bỏ. Một khi bắt đầu phá hủy một giá trị, các anh sẽ chấm dứt bằng không còn một giá trị nào nữa. Một dân tộc phụng sự, khác với một dân tộc hỗn mang. Agawa thở khói thuốc.

Tôi biết, Agawa giữ thân và giữ mạng cho giải thưởng Sincho và cho tiểu thuyết Đô thị mùa Xuân. Tôi muốn nói: ông chưa biết đến Mishima và Setōchi. Ông chưa bằng họ vì họ chưa viết. Ông sẽ không bằng họ vì họ sẽ viết. Văn chương phải là lời thật ― không thể uốn mình theo hệ thống. Mishima tuy quá khích, sẽ sống thật. Còn Setōchi biết vuốt thân thể và chuốc bản năng của một con người. Ông sẽ viết bốn trăm trang về sự nghiệp của thủy sư đô đốc Yamamoto sau chiến tranh, nhưng ông không thể viết Phẩm hạnh của một thiếu nữ như Setōchi nhìn thẳng vào vị trí của phụ nữ Á châu. Giá trị của ông xây cất trên truyền thống và đạo đức, nhưng truyền thống và đạo đức không là sự thật. Phản chiến, là phản chiến ngay trong chiến tranh, không phải phản chiến sau khi hệ thống chấm dứt. Sự thật và hệ thống ngăn đôi bằng một hố thẳm.

Không bàn cãi. Hiroyuki Agawa đập bàn và đã đứng lên, ký lệnh cho chúng tôi rời đảo: Đây là tâm nguyện chót của Shuhun.

Đó là lần cuối chúng tôi gặp Agawa. Tôi không biết bằng cách nào ông sẽ rời Iwo Jima, nhưng tôi biết ông sẽ sống sót. Mây chăm chú theo dõi đối đáp giữa tôi và Agawa, em không nói lời nào cho đến khi rời hầm Hiến binh, Mây đưa cho tôi tiền tử tuất lĩnh trước của Shuhun. Ánh mắt em chan chứa điều muốn nói: Có những hy sinh cao hơn tiếng khóc. Tôi nhận ra Mây đang khóc bằng im lặng. Như em đã nuốt trôi ngược hết nước mắt vào thâm sâu. Mái tóc Mây hắt ánh sáng của một tâm sự: Shuhun hiểu giá trị hy sinh, vì chính hắn hy sinh. Shuhun hiểu giá trị thân thể vì chính hắn tự rạch thân thể. Shuhun biết Mây hy sinh cho cả hai chúng tôi.

Ý nghĩ tôi đã không hiểu Mây, khiến tâm tôi ray rứt. Nhưng tâm tôi chưa bầm dập bằng gương mặt Sakai bi phẫn khi cùng chúng tôi lên thủy phi cơ. Gần như khuôn mặt Sakai là khuôn mặt của Shuhun khi tự vẫn ― một mặt trời đỏ. Những dòng chữ Sakai sẽ viết: giáo điều Samurai không bao giờ đòi hỏi một người chuẩn bị liên tục để tự hủy… Tôi biết, chính tình yêu với Hatsuyo ngăn Sakai tự sát ― nhưng tôi không hiểu vì sao Sakai giống Shuhun và vì sao Mây không trông thấy Sakai? Em tiếp tục bàng quan hờ hững như Sakai không đứng đó và chúng tôi yên vị trong ghế ngồi không bên cạnh Sakai. Tâm tôi mù mờ phân giải trong mỗi lính Nhật mang hai phần thiện-ác. Cùng với các phi vụ Kamikaze, Nhật Bản vừa giết chết phần độc ác của chính mình. Thần chết Shihi đã bắt Shuhun đem đi. Song tôi vẫn không hiểu vì sao Mây đã không chọn tìm đến lòng thiện của Sakai, thay vì tìm đến phần ác của Shuhun… Mây biết tôi băn khoăn nên em giao cảm với tôi bằng ý nghĩ: Em đã chọn đến với Shuhun vì em tin trong bản ác còn chứa bản thiện. Em muốn trục ra phần thiện của lính Nhật mà tôi đồng hóa tất cả với tội ác. Tất cả không thảm sát ở Nam Kinh và ngay cả những kẻ thảm sát, vẫn biết tìm đến nhân từ một khi hiểu ra giá trị của nhân từ. Mất đi phần độc ác, Nhật Bản chuyên tâm vào sự hưng thịnh của đất nước. Còn chúng tôi? Ra đi ― tuy không thay đổi được đất nước và dù ra đi đã là không ái quốc ― chúng tôi đã nhìn thấy những cảnh nhện đỏ, chúng mang linh hồn của những nụ mai tứ quý hóa thân. Những cánh nhện biết vươn lên khỏi kiếp thực vật cho dù khoảnh khắc sống chỉ là phù du.

24 tháng 5-2011

(*) ảnh phi công Saburo Sakai và chân dung nhà văn Hiroyuki Agawa.

Shuhun! Tên Em là một trận cuồng Shuhun! Tên Em là một trận cuồng Reviewed by Phạm Thu Hương on 16:17 Rating: 5

Không có nhận xét nào: